Read more
Osho - Mưa rào không mây
Trích đoạn: Cách người đàn bà chứng ngộ
Tại cốt lõi bên trong nhất đàn ông và đàn bà là một, nhưng
cách diễn đạt của họ rất khác nhau. Cách hiện hữu của họ, cách họ nhìn vào mọi
thứ, cách họ nghĩ, phát biểu của họ không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau.
Cho tới giờ tôi chưa từng nói về đàn bà chứng ngộ nào. Nhưng nếu bạn có hiểu biết
nào đó về đàn ông chứng ngộ, nếu bạn có chút ít hương vị của chứng ngộ, có lẽ
bây giờ sẽ dễ dàng cho bạn để hiểu cả về đàn bà chứng ngộ. Chẳng hạn, tia sáng
mặt trời là trắng nhưng khi đi qua lăng kính nó phân thành bẩy mầu. Mầu lục
không đỏ và mầu đỏ không lục – mặc dầu cả hai đều được tạo nên bởi việc phân
chia cùng tia sáng. Và chung cuộc chúng sẽ lại gặp nhau và trở thành một tia
sáng. Trước khi phân chia chúng đã là một, và lần nữa, sau khi hội nhập chúng sẽ
trở thành một. Nhưng ở giữa có khác biệt lớn và khác biệt rất dịu. Có khác biệt
lớn giữa chúng và khác biệt này không nên bị phá huỷ.
Phân biệt bao giờ cũng nên còn lại bởi vì trong chính khác
biệt đó là tinh hoa của cuộc sống. Cứ để đỏ là đỏ, để xanh là xanh đi. Đó là lí
do tại sao hoa đỏ nở trên cây xanh. Hoa xanh trên cây xanh sẽ không có vẻ đẹp;
hoa đỏ trên cây đỏ sẽ trông không giống hoa. Trong thực tại cuối cùng, đàn ông
và đàn bà là một. Tại đó, tia sáng trở thành trắng. Nhưng trong sự tồn tại,
trong cái biểu lộ, trong cách diễn đạt, họ là khác nhau. Khác biệt này rất tuyệt
vời. Không cần phải xoá bỏ khác biệt; nó nên được nâng cao hơn! Khác biệt không
nên bị phá huỷ nhưng cái thống nhất bị dấu kín bên trong chúng cần phải được thấy.
Khi bạn bắt đầu thấy cùng dấu hiệu bên trong đàn ông và đàn bà mà không phá huỷ
khác biệt của họ, chỉ thế thì bạn mới có mắt. Nghệ nhân chơi đàn veena gẩy dây
đàn và các nốt nhạc phát sinh. Ngón tay vẫn thế, dây đàn vẫn thế, chỉ với chút
ít thay đổi trong chuyển động của ngón tay nhiều âm thanh phát sinh ra. May là
nhiều nốt này xảy ra, bằng không sẽ chẳng có cách nào để âm nhạc có đó. Nếu chỉ
có một nốt sẽ rất không có tính nhạc, nó sẽ gây ra chán lắm. Thế giới này đẹp bởi
vì cái một này và sự hài hoà trong tính đa dạng. Nhạc sĩ là một, nhạc cụ là một;
cùng dây đàn tạo ra âm thanh, cùng ngón tay chạm vào dây đàn – nhưng có biết
bao nhiêu thanh điệu khác nhau có thể nảy sinh.
Đàn ông là một trong những thanh này, đàn bà là thanh khác;
họ không chỉ khác nhau, tôi nói họ còn đối lập nhau. Đây là lí do tại sao có hấp
dẫn thế giữa họ. Họ là khác biệt lẫn nhau, do đó mới có khao khát mạnh mẽ để biết
lẫn nhau, để khám phá, để thám hiểm bí ẩn của nhau. Tôi đã nói về Kabir, tôi đã
nói về Farid, tôi đã nói về Nanak, về Phật, về Mahavira và về hàng trăm đàn ông
chứng ngộ khác. Điều đó cũng có chút ít đơn điệu. Hôm nay tôi giới thiệu về một
thanh điệu khác. Thanh thứ nhất bây giờ đã chuẩn bị xong cho bạn để hiểu thanh
thứ hai này… bởi vì ngay chỗ đầu tiên một hiện tượng hiếm hoi xảy ra: bất kì
khi nào đàn ông đạt tới bậc thang cuối cùng của chứng ngộ, anh ta trở thành giống
đàn bà, anh ta trở thành nữ tính.
Đây là điều Dadu đã nói: “Người yêu đã trở thành người được
yêu.” Người đàn ông đã là người yêu nay trở thành người được yêu. Và Farid, một
nhà huyền môn khác, viết cho bản thân mình, “Chị ơi, nếu chỉ có niềm khát khao
về người đích thực còn lại trong chị thế thì người yêu ở không xa đâu.” Nếu bạn
hiểu cuộc sống của Phật bạn sẽ thấy nữ tính mà hiếm khi tìm được. Chỉ trong những
người đàn bà đã tiến hoá ở mức độ cao nào đó bạn mới thấy cùng duyên dáng tinh
tế và cảm giác âu yếm. Bạn có thể gọi nó là từ bi, nhưng nếu bạn nhìn sâu bạn sẽ
thấy rằng từ bi này – trong Mahavira bạn sẽ thấy như không bạo hành – chính là
cái bóng của cái mới, của người đàn bà được sinh ra bên trong Phật.
Bất kì khi nào đàn ông trở nên chứng ngộ bạn bỗng nhiên sẽ
thấy sự dịu dàng rất nữ tính choàng xuống người đó. Tất cả những phẩm hạnh mà
Farid đã nói tới – kiên nhẫn, nhu mì và vân vân – đều là phẩm hạnh nữ tính. Nhu
mì là phẩm hạnh nữ tính; nó rất tinh tế. Kiên nhẫn và nhẫn nại là những phẩm hạnh
nữ tính. Đàn ông không kiên nhẫn. Đàn ông rất không kiên nhẫn, bao giờ cũng vội
vã. Nếu đàn ông phải nuôi trẻ thơ thì chúng sẽ không sống được trong thế giới
này; đàn ông không có nhiều kiên nhẫn đến thế. Nếu đàn ông phải mang đứa trẻ
trong bụng thì sẽ chỉ toàn có phá thai và phá thai trên thế giới này; không anh
đàn ông nào chịu mang đứa bé trong bụng cả. Ai có thể chờ đợi được chín tháng?
Đàn ông luôn vội vã, anh ta nhanh nhảu, anh ta rất ý thức tới thời gian. Đàn bà
sống trong vô hạn, đàn ông sống trong thời gian.
Có lần tôi là khách tại nhà Mulla Nasruddin. Chúng tôi ngồi
đấy tán gẫu sau giấc ngủ trưa, ngồi trên giường, vợ anh ấy vào và nói, “Này anh
yêu, anh trông con nhé. Em phải tới bác sĩ nha khoa. Em sẽ quay lại sau khi đã
nhổ răng xong.” Mulla nhảy phắt dậy, mặc quần áo và nói, “Đợi đã, em yêu! Em
trông con còn anh sẽ đi và nhổ răng ra cho!”
Trông trẻ chán làm sao! Đàn ông không có nhiều kiên nhẫn.
Nuôi nấng một đứa trẻ là rất khó; phải mất hai mươi, hai mươi lăm năm đứa trẻ mới
đứng được trên đôi chân của mình. Kiên nhẫn là dễ dàng với đàn bà; nó là kỉ luật
đối với đàn ông. Đó là lí do tại sao Farid nói thực hành kiên nhẫn. Nhưng tâm
trí nữ tính sẽ nghĩ, “Có gì mà phải thực hành?” Tôi sẽ làm sáng tỏ khác biệt
này cho bạn. Tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Sao thực hành kiên nhẫn? Chúng ta đã
kiên nhẫn rồi!” Farid nói thực hành nhu mì.
Đàn bà cảm thấy rằng nếu không có nhu mì trong mình thế thì
tất cả đều bị mất. Nhu mì là bản tính của đàn bà. Nếu đàn bà định thực hành điều
gì đó, cô ấy sẽ phải thực hành trơ tráo. Nhu mì tự nhiên tới với cô ấy. Nhu mì
thuộc về đàn bà như lá thuộc về cây vậy. Thật khó để mà tìm ra một đàn ông nhu
mì. Cũng khó để mà tìm ra một đàn bà trơ tráo. Và nếu như đàn bà làm mất đi cái
nhu mì của mình thì họ làm mất nó qua ảnh hưởng của đàn ông. Nếu đàn ông trở
thành nhu mì thì điều đó xảy ra qua ảnh hưởng của đàn bà. Điều mà đàn ông đạt
được qua khắc khổ thì đàn bà đã có sẵn từ khi sinh. Cũng có những phẩm chất mà
đàn ông có từ khi sinh mà đàn bà thì lại không có. Nếu đàn bà muốn trở thành
người lính, cô ấy phải trải qua huấn luyện gian khổ, nhưng để trở thành ni cô
thì cô ấy chẳng cần nỗ lực gì. Nếu đàn bà phải tham gia chiến tranh thế thì cô ấy
phải chuẩn bị rất nhiều cho điều đó, cô ấy phải trải qua nhiều huấn luyện lắm,
nhưng nếu cô ấy vào đền cầu nguyện, tôn thờ, cúng dường, cô ấy chẳng cần học từ
ai khác.
Đưa một bé gái vào đền và bạn sẽ thấy: cứ dường như là cô ấy
biết ngay từ khi sinh cách cúi lạy. Nhưng nếu bạn đưa một cậu bé vào bạn sẽ thấy
rằng nó không biết cúi lạy cho dù bạn bắt buộc nó. Cúi lạy không hấp dẫn nó. Nó
thích làm cho người khác cúi lạy nó nhưng nó không muốn cúi lạy bất kì ai. Với
đàn ông, vật lộn là tự nhiên, tranh đấu là tự nhiên. Đàn ông chỉ biết mỗi một
cách chiến thắng: qua tranh đấu. Đàn bà biết cách khác để thắng: qua buông
xuôi. Đàn ông có thể bị bại ngay cả khi anh ta thắng, đàn bà thắng ngay cả qua
thất bại của cô ta. Đấy là khác biệt giữa họ – và đó là cái đẹp. Họ đi vào các
chiều hướng đối lập, vậy mà vẫn có hài hoà lớn giữa cả hai. Bởi vì đàn ông thua
bởi thắng và đàn bà thắng bởi thua, nên điều này tạo ra hài hoà giữa cả hai.
Các mặt đối lập gặp nhau, chúng khớp với nhau.
Hoa đặc tính nữ nở trong đàn ông khi anh ta đạt tới gần chứng
ngộ. Và khi đàn bà đạt tới gần chứng ngộ, hoa đặc tính nam nở trong cô ấy. Sẽ tốt
cho bạn để hiểu điều này một chút. Trước đây tôi đã nói điều đó nay tôi nhắc lại
lần nữa: rằng trong hai mươi bốn tirthankara của người Jaina, một người là đàn
bà. Tên bà ấy là Mallibai, nhưng người digambaras đã đổi tên bà ấy là Mallinath
bởi vì họ đơn giản không thể chấp nhận rằng đàn bà có thể trở nên chứng ngộ; họ
nói rằng không thể có chứng ngộ trong thân thể của đàn bà được. Cho nên họ
không chấp nhận rằng Mallibai là Mallibai – họ gọi bà là Mallinath. Vấn đề của
họ cũng có nghĩa sâu sắc nào đó trong nó. Nghĩa đó là ở chỗ bất kì khi nào một
người đàn bà tới gần chứng ngộ, hoa của đặc tính nam sẽ nở trong cô ấy. Và khi
một người đàn ông tới gần chứng ngộ, hoa của đặc tính nữ sẽ nở trong anh ta. Tại
sao điều này xảy ra? Để hiểu điều này chúng ta sẽ phải hiểu đôi điều về tâm trí
con người.
Cả hai đặc tính đều hiện diện trong từng và mọi con người:
đàn bà bị ẩn kín bên trong đàn ông và đàn ông bị ẩn kín bên trong đàn bà. Điều
này nhất định phải như vậy bởi vì mọi người đều được sinh ra từ cả hai: trong bạn,
mẹ bạn đóng góp một nửa và bố bạn đóng góp một nửa. Bạn không thể là chỉ là đàn
bà, bạn không thể chỉ là đàn ông; bạn là hợp nhất của đàn ông và đàn bà. Cả hai
đã gặp gỡ nhau và từ gặp gỡ đó bạn được tạo ra; cho nên trong bạn một nửa sẽ là
đàn bà và một nửa sẽ là đàn ông.
Thế thì đâu là khác biệt giữa đàn ông và đàn bà? Khác biệt
chỉ ở chỗ trong đàn ông thì đàn ông ở trên bề mặt, đàn bà bị ẩn kín bên trong;
đàn bà sẽ ở sâu bên trong còn đàn ông sẽ ở phần ngoại vi. Trong đàn bà khác biệt
là đàn bà sẽ ở trên bề mặt còn đàn ông sẽ ẩn kín bên dưới. Và khi bạn chứng ngộ,
khi tâm thức bạn trở về trung tâm im lặng của nó, thế thì cái vẫn ẩn kín bên
trong cho tới lúc đó sẽ biểu lộ bản thân nó ra. Cái đã biểu lộ rồi sẽ vẫn có
đó, nhưng cái ẩn kín cho tới lúc đó cũng sẽ biểu lộ bản thân nó. Đó là lí do tại
sao nhà huyền môn Dadu, đàn ông, nói, “Người yêu trở thành người được yêu.”
Trong khoảnh khắc cuối cùng đó, bỗng nhiên bạn thấy rằng bạn vẫn là đàn ông
nhưng bây giờ cái gì đó mới đang xảy ra – một cánh cửa mới mở ra bên trong mà từ
trước tới giờ vẫn khép kín. Và một cách tự nhiên, có tươi tắn lớn lao khi cái
chưa biểu lộ trước đây nay trở thành biểu lộ. Nhiều bụi bặm đã tích tụ lên cái
đã biểu lộ – bạn đã sống với nó, nó đã trở thành một phần sự tồn tại của bạn;
tính mới của nó đã bị mất đi. Khi cái ẩn kín đột nhiên trở nên biểu lộ, khi người
đàn bà biểu lộ bản thân mình trong người đàn ông, người tới gần khoảnh khắc chứng
ngộ, tới gần trung tâm bản thể, người đàn bà sẽ hoàn toàn che phủ người đàn
ông. Cho nên các vị phật nam trở thành nữ tính bởi vì nữ tính bao phủ nam tính.
Trong người đàn bà chứng ngộ tính chất nam tính lớn lao nảy sinh, người đàn ông
ẩn kín đột nhiên biểu lộ. Đây là điều xảy ra tại gần trung tâm, khi bạn đang ở
bước tới chứng ngộ. Điều này không xảy ra tại trung tâm; vẫn còn một bước nữa,
một khoảng cách tới trung tâm. Bây giờ bạn không ở ngoại vi nữa nhưng bạn vẫn
chưa đạt tới trung tâm; bạn đã tới gần trung tâm hơn. Bạn đã rời bỏ ngoại vi và
cái mà trước đây còn ẩn kín thì nay đã trở nên biểu lộ.
Tại trạng thái cuối cùng bạn sẽ không là đàn ông cũng không
là đàn bà. Tại trung tâm cả hai sẽ biến mất. Tại đó bạn sẽ chỉ là một mầu – mầu
trắng sáng chói. Bạn sẽ không đỏ, bạn sẽ không xanh; tại đó cầu vồng mầu sắc sẽ
biến mất. Khi cầu vồng biến mất, thế giới cũng biến mất. Thế thì chỉ cái một là
còn lại. Cái ‘một’ đó thậm chí chúng ta không gọi là một nữa, bởi vì chỉ bởi
nói ‘một’, ý tưởng về hai nảy sinh. Chúng ta đã gọi nó là advait, bất nhị –
chúng ta chỉ nói rằng nó không phải là hai. Thế thì không đàn bà, không đàn
ông. Người Hindu đã rất dũng cảm Họ đã đặt brahman, thực tại tối thượng, vào giống
trung – chẳng nam chẳng nữ – bởi vì tại đó, cả hai đều biến mất.
Xem Trích dẫn “Mưa rào không mây”