Chương 5. Prati-prasav: điều căn bản nhất của người cổ đại

Chương 5. Prati-prasav: điều căn bản nhất của người cổ đại

Price:

Read more

Yoga: Alpha và Omega (Tập 4)
Chương 5. Prati-prasav: điều căn bản nhất của người cổ đại

9. Chảy qua cuộc sống là nỗi sợ chết, níu bám lấy sống, và nó chi phối trong mọi người, ngay cả người có học.
10. Cội nguồn của năm ưu phiền có thể bị thủ tiêu bằng việc giải quyết chúng ngược trở lại gốc của chúng.
11. Cách diễn đạt bên ngoài của năm ưu phiền biến mất qua thiền.
Cuộc sống dường như là dây chuyền vô tận khổ sở. Từ sinh tới tử người ta chịu khổ và khổ; dầu vậy người ta vẫn muốn sống. Người ta tiếp tục níu bám lấy cuộc sống.
Albert Camus đã nói ở đâu đó, và rất đúng, 'Vấn đề siêu hình duy nhất là tự tử.' Tại sao bạn không tự tử? Nếu cuộc sống là khổ thế, là chuyện vô vọng thế, sao bạn không tự tử? Sao vẫn cứ sống vậy? Sao không không hiện hữu đi? Sâu bên dưới, đây là vấn đề triết học thực. Nhưng không ai muốn chết. Ngay cả những người tự tử, tự tử trong hi vọng rằng bằng tự tử họ sẽ thu được cuộc sống tốt hơn, nhưng níu bám lấy cuộc sống vẫn còn lại. Ngay cả với cái chết, họ cũng đang hi vọng.
Tôi đã nghe nói về một triết gia Hi Lạp, người dạy cho các đệ tử của ông ấy không gì khác ngoài tự tử. Tất nhiên, không ai đã bao giờ theo ông ấy. Mọi người nghe; ông ấy là người rất giỏi nói. Ngay cả khi nghe ông ấy về tự tử - nó có vẻ hay, đáng nghe - không ai theo ông ấy. Bản thân ông ấy đã sống đến tuổi chín mươi rất chín chắn. Bản thân ông ấy đã không tự tử. Trong khi ông ấy trên giường chết, ai đó hỏi, 'Ông dạy liên tục về tự tử. Sao bản thân ông đã không tự tử?' Ông già này, triết gia sắp chết mở mắt ra phều phào nói, 'Ta phải ở đây để dạy cho mọi người chứ.'
Níu bám lấy sống là rất sâu. Patanjali gọi nó là abhinivesh, thèm khát sống. Tại sao nó có đó khi có nhiều khổ thế? Mọi người tới tôi, và với phiền não sâu sắc họ nói về khổ của họ, nhưng họ dường như không sẵn sàng rời bỏ cuộc sống. Ngay cả với mọi khổ của nó, cuộc sống dường như vẫn xứng đáng. Từ đâu mà hi vọng này tới? - nó là ngược đời và phải được hiểu.
Thực ra, bạn níu bám vào sống nếu bạn khổ. Bạn càng khổ, bạn càng níu bám. Người hạnh phúc không níu bám vào sống. Điều này sẽ có vẻ ngược đời ở bề mặt bên ngoài, nhưng nếu bạn xuyên thấu sâu sắc, bạn sẽ hiểu vấn đề là gì. Những người khổ bao giờ cũng hi vọng, lạc quan. Họ bao giờ cũng hi vọng rằng cái gì đó sắp xảy ra ngày mai. Những người đã sống trong khổ sâu sắc và địa ngục đều đã tạo ra cõi trời, ý tưởng, thiên đường. Nó bao giờ cũng là ngày mai; nó không bao giờ tới. Nó bao giờ cũng ở đó, treo như con mồi ngay trước bạn ở đâu đó trong tương lai.
Nó là thủ đoạn của tâm trí: cõi trời - thủ đoạn lớn nhất của tâm trí. Tâm trí đang nói, 'Đừng lo nghĩ về hôm nay, ngày mai là thiên đường. Chỉ bằng cách nào đó qua được hôm nay thôi. Nó không là gì khi so sánh với hạnh phúc đang chờ đợi mình ngày mai!' Và ngày mai dường như gần thế. Tất nhiên nó không bao giờ tới, nó không thể tới được. Ngày mai là thứ không tồn tại. Bất kì cái gì tới bao giờ cũng là hôm nay, và hôm nay là địa ngục. Nhưng tâm trí an ủi; nó phải an ủi, bằng không sẽ gần như không thể nào chịu đựng được - khổ là không thể chịu đựng được. Người ta phải chịu đựng nó.
Làm sao bạn có thể chịu đựng được nó? Cách duy nhất là hi vọng, hi vọng ngược lại mọi hi vọng, mơ mộng. Mơ trở thành an ủi. Mơ làm nhạt nhoà khổ của bạn. Mơ có thể không tới, điều đó không phải là vấn đề, nhưng ít nhất hôm nay bạn có thể mơ và chịu đựng khổ đang có đó. Bạn có thể trì hoãn. Ham muốn của bạn có thể cứ treo đó trong tương lai, không được hoàn thành. Nhưng chính hi vọng rằng ngày mai sẽ tới và mọi thứ sẽ ổn thoả giúp cho bạn kéo dài, dai dẳng.
Người càng khổ, càng hi vọng nhiều; người càng hạnh phúc, càng vô hi vọng nhiều. Đó là lí do tại sao người ăn xin chưa bao giờ từ bỏ thế giới. Làm sao họ có thể từ bỏ được? Chỉ một Phật, một Mahavira - được sinh ra trong cung điện như các hoàng tử - mới từ bỏ thế giới. Họ là những người vô vọng; họ không có gì để hi vọng. Mọi thứ đều có đó và dầu vậy vẫn có khổ. Người ăn xin có thể hi vọng bởi vì không cái gì là có cùng người đó: khi mọi thứ đều có đó, sẽ có cõi trời và thiên đường và mọi thứ sẽ là hạnh phúc. Người đó phải đợi và làm thu xếp cho ngày mai xảy ra. Không có gì còn lại cho vị Phật. Mọi thứ đều sẵn có; mọi thứ là có thể đều đã có đó rồi. Thế thì làm sao hi vọng được? Hi vọng về cái gì?
Đó là lí do tại sao tôi nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng chỉ trong xã hội sung túc tôn giáo mới trở thành có thể. Xã hội nghèo không thể có tính tôn giáo. Xã hội nghèo nhất định trở thành cộng sản, bởi vì chủ nghĩa cộng sản là hi vọng của ngày mai, cõi trời: ‘Ngày mai mọi thứ sẽ được phân phối bình đẳng, ngày mai sẽ không có người giầu và không có người nghèo, ngày mai là cách mạng. Mặt trời sẽ mọc và mọi thứ sẽ đẹp. Bóng tối chỉ là hôm nay. Bạn chỉ cần chịu đựng nó và tranh đấu cho ngày mai.' Xã hội nghèo nhất định là cộng sản.
Chỉ xã hội giầu mới bắt đầu cảm thấy vô vọng. Và khi bạn bắt đầu cảm thấy vô vọng về cuộc sống, hi vọng thực mới trở thành có thể. Khi bạn cảm thấy rất thất vọng với cuộc sống tới mức bạn đang trên bờ của tự tử, bạn sẵn sàng bỏ toàn thể khổ sở này. Chỉ trong khoảnh khắc đó của khủng hoảng mà biến đổi mới là có thể.
Tự tử và sadhana là hai phương án. Khi bạn sẵn sàng tự tử, bạn sẵn sàng được biến đổi - không bao giờ trước đó. Khi bạn sẵn sàng rời bỏ toàn thể cuộc sống và mọi khổ của nó, chỉ thế thì mới có khả năng là bạn có thể sẵn sàng để biến đổi bản thân bạn. Biến đổi là tự tử thật. Nếu bạn giết thân thể bạn, điều đó không phải là tự tử thực. Bạn sẽ lại có thân thể khác, bởi vì tâm trí vẫn còn là cái cũ. Giết tâm trí mới là tự tử thực, và đó là điều yoga tất cả là gì: giết tâm trí, đạt tới tự tử tối thượng. Từ đó, thế thì không có việc quay lại.
Nhưng con người níu bám vào sống bởi vì con người khổ. Bạn chắc đã nghĩ khác: rằng người khổ không nên níu bám vào sống. Cái gì có đó mà cuộc sống đã cho người đó? Tại sao người đó phải níu bám? Nhiều lần ý tưởng này phải đã tới với bạn, nhìn người ăn xin trên đường, trong cống rãnh, mù loà, bị hủi, không chân, không tay; ý tưởng này phải đã thoáng qua tâm trí bạn, 'Tại sao người này níu bám lấy cuộc sống? Bây giờ cái gì còn lại đó? Sao người đó không tự tử và được kết thúc đi?'
Tôi nhớ: trong thời thơ ấu của tôi một người ăn xin không chân thường tới. Ông ấy được bà vợ mang đi trong chiếc xe nhỏ. Ông ấy mù, toàn thân bốc mùi xác chết. Bạn không thể tới gần ông ấy được. Ông ấy phải chịu bệnh hủi không thể chữa được - gần chết, chín mươi chín phần trăm chết, chỉ một phần trăm sống bằng cách nào đó vẫn thở. Tôi thường cho ông ấy cái gì đó. Một hôm tôi hỏi ông ấy, chỉ từ tò mò, 'Sao bác vẫn sống - để làm gì? Tại sao bác không thể tự tử và được kết thúc với cuộc sống khốn khổ này?' Tất nhiên, ông ấy trở nên cáu. Ông ấy nói, 'Mày nói cái gì?' Ông ấy cáu. Ông ấy muốn đánh tôi bằng chiếc gậy của ông ấy.
Với bạn dường như là người khổ phải tự tử, hay ít nhất nghĩ về việc kết thúc nó. Nhưng không bao giờ đâu - người khổ không bao giờ nghĩ về điều đó, người đó không thể nghĩ được. Khổ tạo ra đền bù của nó, khổ tạo ra thuốc giải độc của nó. Cõi trời là thuốc giải độc - 'Ngày mai, mọi thứ sẽ ổn thoả. Vấn đề chỉ là chút ít kiên nhẫn thêm.'
Người ăn xin bao giờ cũng sống trong tương lai. Và bạn là kẻ ăn xin nếu bạn sống trong tương lai. Đó là tiêu chuẩn để đánh giá liệu một người là hoàng đế hay kẻ ăn xin: nếu bạn sống trong tương lai, bạn là kẻ ăn xin; nếu bạn sống ngay ở đây, bây giờ, bạn là hoàng đế.
Người phúc lạc sống ở đây và bây giờ. Người đó không bận tâm về tương lai. Tương lai không có nghĩa gì; tương lai không có nghĩa với người đó. Tương lai thực ra là không tồn tại; khoảnh khắc này là sự tồn tại duy nhất. Nhưng điều đó là có thể chỉ cho người phúc lạc. Với người khổ, làm sao khoảnh khắc này có thể là sự tồn tại duy nhất được? Thế thì nó sẽ là quá nhiều - không thể chịu nổi, không thể được. Người đó phải tạo ra tương lai. Người đó phải tạo ra mơ ở đâu đó, bằng cách nào đó, để bù cho khổ.
Khổ càng sâu sắc, hi vọng càng nhiều. Hi vọng là cái bù lại. Người khổ không bao giờ tự tử, và người khổ không bao giờ đi tới tôn giáo. Người khổ níu bám lấy cuộc sống. Bạn càng hạnh phúc, bạn sẽ càng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vào bất kì khoảnh khắc nào - bất kì khoảnh khắc nào, không níu bám. Bạn có thể bỏ cuộc sống của bạn hệt như bộ quần áo đã cũ rách; không thành vấn đề chút nào.
Không chỉ có thế; nếu bạn thực sự phúc lạc và cái chết gõ cửa bạn, bạn sẽ đón chào nó. Bạn sẽ ôm choàng cái chết, và ở đó bạn sẽ siêu việt lên trên cái chết. Để tôi nhắc lại: cái chết tới và gõ cửa bạn, và nếu bạn sợ và bạn trốn đâu đó trong góc nhà, trong tủ, và bạn khóc lóc và bạn muốn sống thêm chút nữa, bạn là nạn nhân. Bạn sẽ phải chết nhiều lần. Kẻ hèn chết cả nghìn lẻ một lần. Nhưng nếu bạn có thể mở cửa, đón chào cái chết như người bạn, ôm choàng cái chết, ở đó bạn đã siêu việt lên trên cái chết. Bây giờ bạn bất tử. Lần đầu tiên, bây giờ bạn đạt tới cuộc sống mà không khổ, cuộc sống của điều Jesus nói: sống trong dư thừa; cuộc sống của điều Phật nói: cuộc sống của cực lạc, của niết bàn; cuộc sống mà về nó Patanjali đang nói: vĩnh hằng, bên ngoài thời gian và không gian, bên ngoài cái chết.
Khổ tạo ra đền bù riêng của nó. Một khi bạn bị mắc vào bẫy, bạn càng níu bám lấy cuộc sống, và bạn sẽ càng trở nên khổ hơn. Đó là phần thứ hai: bạn càng níu bám lấy cuộc sống, bạn sẽ càng khổ hơn vì bản thân việc níu bám tạo ra khổ, níu bám tạo ra nhiều thất vọng hơn. Khi bạn không níu bám vào cái gì đó, nếu nó bị mất đi bạn không khổ. Khi bạn níu bám vào một thứ và nó bị mất, ban phát điên. Bạn càng níu bám vào cuộc sống, bạn sẽ càng thấy mọi ngày rằng bạn trở nên khổ. Phiền não được thêm vào cho bản thể bạn ngày càng nhiều. Một khoảnh khắc tới khi bạn không là gì ngoài phiền não, phiền não la hét. Và khi điều này xảy ra, bạn níu bám nhiều hơn. Đây là cái vòng luẩn quẩn.
Cứ quan sát toàn thể hiện tượng này. Tại sao bạn níu bám? Bạn níu bám bởi vì bạn chưa có khả năng sống. Chính việc níu bám lấy cuộc sống chỉ ra rằng bạn chưa sống, bạn đã sống cuộc sống chết, bạn chưa có khả năng tận hưởng phúc lành của cuộc sống, bạn đã không nhạy cảm, bạn đã sống cuộc sống khép kín. Bạn đã không có khả năng chạm vào hoa, trời, chim. Bạn đã không có khả năng tuôn chảy cùng dòng sông cuộc sống; bạn bị đông cứng. Bởi vì bạn bị đông cứng và bạn không thể sống được, bạn khổ. Bởi vì bạn khổ bạn sợ chết bởi vì nếu cái chết tới ngay bây giờ và bạn còn chưa sống cuộc sống, bạn bị chấm dứt.
Có một câu chuyện cổ. Vào thời của Upanishads có một vị vua lớn, Yayati. Cái chết của ông ấy tới. Ông ấy đã một trăm tuổi. Khi cái chết tới ông ấy bắt đầu khóc lóc kêu la. Thần chết nói, 'Điều này không phù hợp với ông, một hoàng đế lớn, người bạo dạn. Ông làm gì vậy? Sao ông kêu và khóc như trẻ con thế? Sao ông run rẩy như chiếc lá trong gió to? Điều gì đã xảy ra cho ông?' Yayati nói, 'Thần đã tới và tôi còn chưa có khả năng sống. Xin cho tôi thêm chút thời gian nữa để cho tôi có thể sống. Tôi đã làm nhiều điều, tôi đã chiến đấu trong nhiều cuộc chiến tranh. Tôi đã tích luỹ nhiều của cải, tôi đã làm ra vương quốc lớn. Tôi đã thêm nhiều thứ vào của cải của bố tôi nhưng tôi đã không sống. Thực ra, đã không có thời gian để sống, và thần đã tới. Bây giờ, điều này là không công bằng. Thần cho tôi thêm chút thời gian nữa đi!' Thần chết nói, 'Nhưng ta phải đem ai đó đi. Thôi được, làm thu xếp này vậy. Nếu một trong những người con của ông sẵn sàng chết cho ông, ta sẽ đưa anh ta đi.'
Yayati có một trăm con trai, hàng nghìn vợ. Ông ấy hỏi, ông ấy triệu các con lại. Người già hơn không nghe theo. Bản thân họ đã trở thành tinh ranh và họ ở trong cùng bẫy. Một người, anh cả, bẩy mươi tuổi. Ông ta nói, 'Nhưng con cũng đã không sống. Về con thì sao? Ít nhất bố đã sống một trăm năm, con đã sống mới chỉ bẩy mươi năm. Con đáng được cho thêm chút ít cơ hội nữa.' Em út, mới mười sáu hay mười bẩy, tới chạm chân người bố, và nói, 'Con sẵn sàng.' Ngay cả thần chết cũng động lòng từ bi với cậu này. Thần chết biết rằng anh ta hồn nhiên, không rành theo cách của thế giới, đã không biết điều cậu ta đang làm. Thần chết thì thào vào tại cậu trẻ, 'Cậu đang làm gì vậy? Cậu ngu lắm! Nhìn bố cậu đấy. Vào tuổi một trăm ông ấy vẫn không sẵn sàng chết, và cậu chỉ mới mười bẩy! Cậu thậm chí đã không chạm tới cuộc sống.' Cậu trẻ nói, 'Cuộc sống được kết thúc rồi! Bởi vì bố tôi ở tuổi một trăm vẫn cảm thấy rằng ông ấy không có khả năng sống, vậy vấn đề là gì? Cho dù tôi sống một trăm tuổi, nó sẽ giống vậy thôi. Tốt hơn cả là để cho ông ấy sống cuộc sống của tôi. Nếu ông ấy không thể sống được trong một trăm năm, thế thì toàn thể sự việc là vô nghĩa.'
Người con này chết và người bố sống thêm một trăm năm nữa. Lần nữa thần chết gõ cửa lại ông ta lại bắt đầu kêu và khóc. Ông ta nói, 'Tôi hoàn toàn quên mất. Tôi lại tăng thêm của cải, mở rộng vương quốc, và một trăm năm đã qua dường như trong mơ. Thần lại ở đây và tôi đã không sống.' Và việc này tiếp tục.
Thần chết tới đi tới lại và thần sẽ lấy đi một trong những đứa con. Yayati sống một nghìn năm nữa.
Câu chuyện hay, nhưng cùng điều đó đã lại xảy ra. Một nghìn năm trôi qua và thần chết tới. Yayati run rẩy và kêu và khóc. Thần chết nói, 'Nhưng bây giờ điều đó là quá nhiều rồi. Ông đã sống một nghìn năm và ông lại nói rằng ông đã không có khả năng sống.' Yayati nói, 'Làm sao người ta có thể sống ở đây và bây giờ? Tôi bao giờ cũng trì hoãn: ngày mai và ngày mai. Và ngày mai sao? - đột nhiên thần ở đây.'
Trì hoãn cuộc sống là tội lỗi duy nhất mà tôi có thể gọi là tội lỗi. Đừng trì hoãn. Nếu bạn muốn sống, sống ở đây và bây giờ. Quên quá khứ đi, quên tương lai đi; đây là khoảnh khắc duy nhất, đây là khoảnh khắc tồn tại duy nhất - sống nó đi. Một khi mất rồi, nó không thể được khôi phục lại, bạn không thể đòi lại được nó.
Nếu bạn bắt đầu sống trong hiện tại, bạn sẽ không nghĩ tới tương lai và bạn sẽ không níu bám lấy cuộc sống. Khi bạn sống, bạn đã biết cuộc sống, bạn được thoả mãn, được bão hoà. Toàn thể bản thể bạn cảm thấy được ân huệ. Không cần bất kì đền bù nào. Không cần cái chết tới sau một trăm năm và xem bạn run rẩy và khóc và than. Nếu cái chết tới ngay lúc này bạn sẽ sẵn sàng: bạn đã sống, bạn đã tận hưởng, bạn đã mở hội. Một khoảnh khắc của việc sống thực là đủ, và một nghìn năm của cuộc sống không thực là không đủ. Một nghìn năm hay một triệu năm của cuộc sống không được sống là không bõ công; và tôi bảo bạn, một khoảnh khắc của kinh nghiệm được sống là vĩnh hằng lên bản thân nó. Nó ở ngoài thời gian; bạn chạm vào chính linh hồn của cuộc sống. Và thế thì không có chết, không lo nghĩ, không níu bám. Bạn có thể rời bỏ cuộc sống bất kì lúc nào và bạn biết rằng không cái gì bị bỏ lại. Bạn đã tận hưởng nó tới chính sự đầy đủ, tới chính bờ miệng. Bạn tràn ngập với nó, bạn sẵn sàng.
Người sẵn sàng chết trong tâm trạng mở hội sâu sắc là người đã thực sự sống. Níu bám lấy cuộc sống chỉ ra rằng bạn đã không có khả năng sống. Ôm choàng cái chết như một phần của cuộc sống chỉ ra rằng bạn đã sống tốt. Bạn được mãn nguyện. Bây giờ lắng nghe kinh của Patanjali. Nó là một trong những điều sâu sắc nhất, và rất, rất có ý nghĩa cho bạn.
Chảy qua cuộc sống là nỗi sợ chết, níu bám lấy sống, và nó chi phối trong mọi người, ngay cả người có học.
Nó đang chảy qua cuộc sống. Nếu bạn quan sát tâm trí bạn, nếu bạn quan sát bản thân bạn, bạn sẽ thấy rằng dù tỉnh táo hay không, sợ chết vẫn liên tục có đó. Bất kì cái gì bạn làm, sợ chết đều có đó. Bất kì cái gì bạn tận hưởng, chỉ quanh đây cái bóng của cái chết bao giờ cũng có đó, dai dẳng. Nó theo bạn. Bất kì chỗ nào bạn đi, bạn đi cùng nó. Nó là cái gì đó bên trong bạn. Bạn không thể bỏ nó ở ngoài, bạn không thể trốn thoát được nó; sợ chết là bạn.
Sợ chết này tới từ đâu? Bạn có biết cái chết trước đó không? Nếu bạn đã không biết về chết trước đó, tại sao bạn sợ nó, sợ cái gì đó mà bạn không biết? Nếu bạn hỏi nhà tâm lí, họ sẽ nói, 'Sợ là có liên quan nếu ông biết chết là gì. Nếu ông đã chết trước đó, sợ dường như có liên quan.' Nhưng bạn không biết cái chết. Bạn không biết nó sẽ là đau đớn hay nó sẽ là cực lạc. Thế thì sao bạn sợ?
Không, sợ chết không thực sự là sợ chết, vì làm sao bạn có thể sợ cái gì đó mà được không biết, cái không được biết tới chút nào? Làm sao bạn có thể sợ cái gì đó mà tuyệt đối không được biết với bạn? Sợ chết không thực là sợ chết đâu. Sợ chết thực sự là níu bám lấy sống.
Sống có đó và bạn biết rõ rằng bạn không sống nó, nó bị bạn bỏ qua. Sông chảy qua bạn, bạn đang đứng trên bờ, và nó cứ liên tục trôi qua tay bạn. Sợ chết, về căn bản, là sợ rằng bạn không có khả năng sống và cuộc sống thì trôi qua. Chẳng mấy chốc, sẽ không thời gian nào còn lại, và bạn đã từng chờ đợi và bạn bao giờ cũng chuẩn bị. Bạn bị ám ảnh với chuẩn bị.
Tôi đã nghe nói về một học giả Đức người tích luỹ một trong những thư viện lớn nhất thế giới, từ mọi nước, từ mọi ngôn ngữ. Ông ấy chưa bao giờ có khả năng đọc lấy một cuốn sách bởi vì ông ấy bao giờ cũng tích luỹ: sang Trung Quốc để tìm một cuốn sách rất hiếm được viết trên da người, thế rồi chạy sang Miến Điện, rồi tới Ấn Độ, rồi tới Ceylon, rồi tới Afghanistan - cả đời ông ấy. Đến lúc ông ấy bẩy mươi tuổi, ông ấy đã tích luỹ một tuyển tập bao la các sách, toàn sách hiếm. Ông ấy bao giờ cũng trì hoãn, và ông ấy sẽ đọc chúng khi thư viện đầy đủ. Và cái chết tới. Khi ông ấy sắp chết, nước mắt bắt đầu chảy ra từ mắt ông ấy. Ông ấy hỏi một người bạn, 'Làm gì bây giờ? Không còn thời gian nữa. Thư viện đã sẵn sàng nhưng đời tôi bị tiêu hết rồi. Làm cái gì đó đi! Lấy bất kì cuốn sách nào trong thư viện, đọc cái gì đó từ nó để cho tôi có thể hiểu. Ít nhất tôi có thể được thoả mãn một chút.' Người bạn đi tới thư viện, lấy ra một cuốn sách, quay lại - nhưng học giả đã chết.
Điều này xảy ra cho mọi người, cho gần hết mọi người; bạn cứ chuẩn bị cho cuộc sống. Bạn nghĩ hàng triệu chuẩn bị phải được làm trước và thế rồi bạn sẽ tận hưởng, và thế rồi bạn sẽ sống - nhưng đến lúc đó, cuộc sống mất rồi. Chuẩn bị được thực hiện nhưng không có người nào để tận hưởng chúng. Đây là nỗi sợ, bạn biết điều đó sâu bên dưới trong tâm khảm bạn, bạn cảm thấy nó: rằng cuộc sống đang chảy qua, mọi khoảnh khắc bạn đang chết, mọi khoảnh khắc bạng đang chết.
Không phải là sợ chết ở đâu đó trong tương lai tới và phá huỷ bạn đâu. Nó đang xảy ra mọi khoảnh khắc. Cuộc sống đang chuyển đi và bạn tuyệt đối không có khả năng và bị đóng. Bạn đã chết rồi. Ngày bạn được sinh ra bạn bắt đầu chết. Mọi khoảnh khắc của sống cũng là khoảnh khắc của chết. Nỗi sợ không phải về cái chết không biết nào đó đang đợi trong tương lai, nỗi sợ là ngay bây giờ. Cuộc sống đang chảy khỏi tay và bạn dường như không có khả năng, bạn không thể làm được gì. Sợ chết về căn bản là sợ cuộc sống đang chảy khỏi tay bạn.
Thế rồi sợ, bạn níu bám lấy sống. Nhưng níu bám không bao giờ có thể trở thành mở hội được. Níu bám là xấu, níu bám là bạo hành. Bạn càng níu bám lấy cuộc sống, bạn sẽ càng trở nên không có khả năng.
Chẳng hạn: bạn yêu người đàn bà, bạn níu bám lấy cô ấy. Bạn càng níu bám, bạn sẽ càng buộc người đàn bà thoát khỏi bạn vì níu bám của bạn sẽ trở thành gánh nặng lên cô ấy. Bạn càng cố sở hữu cô ấy, cô ấy sẽ càng nghĩ về cách được tự do, cách thoát khỏi bạn. Và tôi bảo bạn, cuộc sống là đàn bà; đừng níu bám nó. Nó đi theo những người không níu bám nó. Nó tới trong thừa thãi với những người không níu bám nó. Nếu bạn níu bám, chính việc níu bám làm cuộc sống lảng tránh, tính ăn xin của bạn làm cuộc sống lảng tránh.
Là hoàng đế đi, là quốc trưởng đi. Sống cuộc sống nhưng không níu bám lấy nó, không níu bám lấy bất kì cái gì. Níu bám làm cho bạn thành xấu xí và bạo hành. Níu bám làm cho bạn thành kẻ ăn xin và cuộc sống là dành cho những người là hoàng đế, không dành cho những người là kẻ ăn xin. Nếu bạn ăn xin bạn sẽ không được gì cả. Cuộc sống cho nhiều cho những người không bao giờ ăn xin. Cuộc sống trở thành phúc lạc thường xuyên cho những người vẫn còn không níu bám lấy nó. Sống nó, tận hưởng nó, mở hội nó, nhưng không keo kiệt, không níu bám nó. Níu bám này vào cuộc sống cho bạn sợ chết bởi vì bạn càng níu bám, bạn càng thấy rằng cuộc sống không có đó - nó đang đi, nó đang đi, nó đang đi. Thế thì sợ chết nảy sinh.
Chảy qua cuộc sống là nỗi sợ chết, níu bám lấy sống, và nó chi phối trong mọi người, ngay cả người có học.
Bởi vì người có học của bạn chính là người ngu như bạn thôi. Người có học đã không học cái gì. Thực ra, họ đã ghi nhớ các thứ. Những học giả lớn, họ biết nhiều về cuộc sống, nhưng họ không biết cuộc sống. Họ bao giờ cũng biết về và về. Họ đi lòng vòng lòng vòng, chưa bao giờ xuyên thấu vào trung tâm. Họ sợ hay thỉnh thoảng thậm chí còn sợ hơn bạn vì họ đã phí hoài kiếp sống của họ trong lời. Lời chỉ là bong bóng. Họ đã tích luỹ nhiều tri thức, nhưng tri thức là gì khi so với cuộc sống?
Bạn có thể biết nhiều thứ về yêu mà không biết yêu. Thực ra, nếu bạn biết yêu, cần gì biết về yêu? Bạn có thể biết nhiều thứ về Thượng đế mà không biết Thượng đế. Thực ra, nếu bạn biết Thượng đế, cần gì biết về Thượng đế? - điều đó sẽ là ngu xuẩn, ngốc. Bao giờ cũng nhớ rằng biết về không phải là biết. Biết về chỉ là đi trong vòng tròn, không bao giờ chạm tới trung tâm.
Patanjali nói, 'Ngay cả người có học, những người đã sành sỏi trong kinh sách, thượng đế học, có thể thảo luận, tranh cãi cả đời họ, họ có thể nói và nói và biện minh về hàng triệu thứ, nhưng trong khi đó cuộc sống chảy qua. Chiếc chén cuộc sống, họ đã không thưởng thức. Họ không biết cuộc sống là gì. Họ đã sống trong lời, trò chơi ngôn ngữ. Họ cũng sẽ sợ.'
Cho nên nhớ lấy, Vedas và Kinh Thánh sẽ không giúp ích gì; Korans và Dhammapadas sẽ không giúp ích gì. Tri thức là vô dụng khi có liên quan tới sống. Bạn có thể trở thành nhà khoa học lớn hay triết gia lớn hay nhà toán học lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn biết cuộc sống. Biết cuộc sống là chiều khác toàn bộ.
Biết cuộc sống nghĩa là: sống nó, không sợ hãi, đi vào trong bất an bởi vì cuộc sống là hiện tượng bất an; đi vào trong cái không biết vì cuộc sống là không được biết mọi khoảnh khắc, nó bao giờ cũng thay đổi và trở thành mới; trở thành lữ khách của cái không biết và đi cùng cuộc sống tới bất kì chỗ nào nó đưa tới; trở thành người lang thang.
Đó là nghĩa của tính chất sannyas với tôi: bao giờ cũng sẵn sàng bỏ cái biết và tiện nghi của cái biết và đi vào trong cái không biết. Tất nhiên, với cái không biết có bất an ninh, bất tiện, không thoải mái. Đi vào trong cái không biết nghĩa là đi vào trong nguy hiểm. Cuộc sống là nguy hiểm; nó đầy những nguy hiểm và rủi ro. Bởi vì điều này, mọi người bắt đầu đóng bản thân họ lại. Họ sống trong cầm tù, xà lim
Nhớ lấy, nếu bạn chọn tiện nghi, nếu bạn chọn an ninh, nếu bạn chọn quen thuộc, thế thì bạn sẽ không chọn cuộc sống. Sống là hiện tượng không biết. Bạn có thể sống nó nhưng bạn không thể sở hữu nó trong tay bạn, bạn không thể níu bám lấy nó. Bạn có thể đi cùng nó tới bất kì chỗ nào nó dẫn tới. Bạn phải trở thành giống như mây trắng, đi tới bất kì chỗ nào gió đưa nó đi, không biết nó đi đâu.
Cuộc sống không có mục đích. Nếu bạn đang trong tìm kiếm mục đích nào đó bạn sẽ không có khả năng sống. Cuộc sống là vô mục đích. Đó là lí do tại sao nó vô hạn, đó là lí do tại sao cuộc hành trình là vô tận. Bằng không, mục đích sẽ được đạt tới, và thế thì bạn sẽ làm gì khi mục đích được đạt tới?
Cuộc sống không có mục đích. Bạn đạt tới một mục đích và hàng nghìn mục đích mới ở phía trước. Bạn đạt tới một đỉnh núi và bạn nghĩ đây là đỉnh cuối cùng, 'Mình sẽ nghỉ ngơi.' Nhưng khi bạn đạt tới đỉnh, nhiều đỉnh nữa lộ ra, những đỉnh cao hơn vẫn có đó. Nó bao giờ cũng vậy; bạn không bao giờ đi tới chỗ cuối. Đó là nghĩa của Thượng đế là vô hạn, cuộc sống là vô hạn: không bắt đầu và không kết thúc. Sợ hãi, đóng trong bản thân bạn, chịu thua, bạn sẽ níu bám, và thế thì bạn sẽ khổ.
Chảy qua cuộc sống là nỗi sợ chết, níu bám lấy sống, và nó chi phối trong mọi người, ngay cả người có học.
Không biết cái chết mà bạn vẫn sợ. Cái gì đó phải có đó sâu bên dưới, và đây là cái đó: bản ngã của bạn là hiện tượng giả. Nó là tổ hợp của những điều nào đó; nó không có chất liệu trong nó, không trung tâm. Bản ngã sợ chết. Điều đó cũng giống như khi một đứa trẻ nhỏ làm nhà bằng các lá bài và đứa trẻ sợ, sợ gió thoảng tới. Đứa trẻ sợ rằng đứa trẻ khác có thể tới gần ngôi nhà. Nó sợ bản thân nó, bởi vì nếu nó làm cái gì, ngôi nhà có thể sụp đổ ngay lập tức.
Bạn làm nhà trên cát; bạn bao giờ cũng sợ. Đá không có đó tron nền móng của nhà. Bão tới và bạn run rẩy bởi vì toàn thể ngôi nhà của bạn run rẩy; bất kì khoảnh khắc nào nó cũng có thể sụp đổ. Bản ngã là ngôi nhà bằng lá bài, và bạn sợ. Nếu bạn thực sự biết bạn là ai, sợ biến mất, bởi vì bây giờ bạn ở trên tảng đá của vô hạn, cái bất tử.
Bản ngã đang chết bởi vì nó đã chết rồi. Nó không có cuộc sống của riêng nó; nó phản ánh chỉ cuộc sống của bạn. Nó như tấm gương. Bản thể của bạn là vĩnh hằng. Đó là lí do tại sao ngay cả người có học cũng sợ chết, bởi vì bằng việc học bạn không thể biết tới bản thể bạn. Bản thể được biết tới bằng việc dỡ bỏ, không bằng việc học. Bạn phải làm trống rỗng tâm trí bạn hoàn toàn. Được làm trống rỗng hoàn toàn ngay cả cảm giác của bạn về cái ta, được trống rỗng, đột nhiên trong cái trống rỗng đó bạn cảm thấy bản thể lần đầu tiên. Bản thế đó là vĩnh hằng. Không cái chết nào có thể xảy ra cho nó. Duy nhất bản thể đó có thể ôm choàng cái chết, và ở chỗ đó biết rằng bạn là bất tử. Bản ngã là sợ hãi.
Patanjali nói:
Cội nguồn của năm ưu phiền có thể bị thủ tiêu bằng việc giải quyết chúng ngược trở lại gốc của chúng.
Prati-prasav: đây là quá trình rất, rất có ý nghĩa, quá trình của prati-prasav. Nó là quá trình trở lại nguyên nhân, đem hậu quả trở lại nguyên nhân; quá trình của co lại. Bạn phải đã nghe nói tới cái tên của Janov, người đã khám phá lại Trị liệu nguyên thuỷ. Trị liệu nguyên thuỷ là một phần của prati-prasav. Nó là một trong những kĩ thuật cổ nhất của Patanjali. Trong Trị liệu nguyên thuỷ, Janov dạy mọi người quay trở lại thời thơ ấu của họ. Nếu có cái gì đó, rắc rối nào đó, vấn đề nào đó, thế thì bạn quay về cội nguồn nguyên thuỷ từ chỗ nó bắt đầu. Bởi vì bạn có thể cứ cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng chừng nào bạn chưa đi tới gốc rễ, nó không thể được giải quyết. Hậu quả không thể được giải quyết; chúng phải bị buộc lui về nguyên nhân. Điều đó cũng hệt như một cây có đó và bạn không thích cây này, nhưng bạn cứ tỉa cành, lá và nhiều nhánh nữa mọc ra. Bạn cắt một lá, ba lá mọc ra. Bạn phải đi tới rễ.
Chẳng hạn, một người tới, người sợ đàn bàn. Nhiều người tới tôi. Họ nói rằng họ sợ đàn bà, rất sợ. Bởi vì nỗi sợ đó, họ không thể tạo ra quan hệ có nghĩa, họ không thể đặt quan hệ; sợ bao giờ cũng có đó. Khi bạn ở trong sợ, mối quan hệ sẽ bị ô nhiễm bởi sợ. Bạn sẽ không có khả năng đi một cách toàn bộ. Bạn sẽ có quan hệ nửa vời, bao giờ cũng sợ: sợ bị bác bỏ, sợ rằng người đàn bà có thể nói không. Và có những nỗi sợ khác. Nếu người đàn ông này cứ thử phương pháp kiểu Emile Coue, nếu người đó cứ lặp lại, 'Mình không sợ đàn bà, và mọi ngày mình đều khá hơn lên,' nếu người đó thử những điều như vậy người đó có thể kìm nén nỗi sợ tạm thời, nhưng sợ sẽ có đó và sẽ tới đi tới lại mãi.
Trong Trị liệu nguyên thuỷ, người đó phải bị ném trở lại. Người sợ đàn bà chỉ ra rằng người đó phải đã có kinh nghiệm nào đó với người mẹ nơi đã gây ra nỗi sợ, bởi vì người mẹ là người đàn bà đầu tiên. Toàn thể cuộc sống của bạn, bạn có thể có quan hệ với nhiều người đàn bà như vợ, như cô hầu, như con gái, như bạn bè, nhưng hình ảnh của người mẹ sẽ còn dai dẳng. Đó là kinh nghiệm đầu tiên của bạn. Toàn thể cấu trúc của bạn về mối quan hệ với đàn bà sẽ dựa trên nền tảng đó, và nền tảng đó là mối quan hệ của bạn với mẹ bạn. Cho nên nếu người đàn ông sợ đàn bà, anh ta phải được đưa lùi lại, anh ta phải bước lùi lại trong kí ức, anh ta phải đi lùi lại và tìm cội nguồn nguyên thuỷ từ đó sợ bắt đầu. Nó có thể là một sự cố bình thường, rất nhỏ, người đó đã hoàn toàn quên mất nó. Nhưng nếu người đó quay lại, người đó sẽ thấy vết thương ở đâu đó.
Bạn muốn được mẹ yêu, như mọi đứa trẻ đều muốn, nhưng mẹ không quan tâm. Cô ấy là người đàn bà bận rộn. Cô ấy phải tham gia nhiều hội đoàn, câu lạc bộ, thế này thế nọ. Cô ấy không sẵn lòng đưa bầu vú cho bạn vì cô ấy muốn thân hình cân đối hơn. Cô ấy muốn bầu vú của cô ấy được còn nguyên và không bị bạn phá huỷ. Cô ấy muốn bầu vú của cô ấy bao giờ cũng trẻ trung cho nên cô ấy từ chối trao vú cho bạn. Hay, có thể có các vấn đề khác trong tâm trí cô ấy. Bạn không phải là đứa trẻ được chấp nhận; như một gánh nặng bạn đã tới, chưa bao giờ được muốn ngay chỗ đầu tiên. Nhưng thuốc ngừa thai đã không có tác dụng và bạn đã được sinh ra. Hay, cô ấy ghét người chồng và bạn có khuôn mặt của người chồng - một hận thù sâu sắc, hay cái gì đó này khác. Nhưng bạn phải quay lại và bạn phải trở thành đứa trẻ lần nữa.
Nhớ lấy, không giai đoạn nào của cuộc sống đã bao giờ bị mất. Đứa trẻ của bạn vẫn ở bên trong bạn. Không phải là đứa trẻ trở thành thanh niên đâu, không. Đứa trẻ vẫn còn bên trong, thanh niên bị chồng lên nó, thế rồi người già được chồng lên thanh niên, hết tầng nọ tới tầng kia. Đứa trẻ chưa bao giờ trở thành thanh niên. Đứa trẻ vẫn còn đó, một tầng của thanh niên tới phủ lên nó. Thanh niên chưa bao giờ trở thành người già; tầng khác, của tuổi già, tới phủ lên nó. Bạn trở thành giống như củ hành - nhiều tầng - và nếu bạn xuyên thấu, mọi tầng vẫn còn đó, còn nguyên.
Trong Trị liệu nguyên thuỷ Janov giúp mọi người đi ngược lại và trở thành đứa trẻ lần nữa. Chúng đá, chúng kêu, chúng khóc, chúng la, và tiếng la hét không còn trong hiện tại. Nó không thuộc vào người này ngay bây giờ, nó thuộc vào đứa trẻ ẩn kín đằng sau. Khi tiếng la đó, tiếng la nguyên thuỷ tới, nhiều điều lập tức được biến đổi.
Đây là một phần của phương pháp prati-prasav. Janov có thể không nhận biết rằng Patanjali, gần năm nghìn năm trước, đã dạy về một hệ thống mà trong đó mọi hiệu quả đều phải được dẫn về nguyên nhân. Chỉ nguyên nhân mới có thể được giải quyết. Bạn có thể chặt rễ, và thế thì cây sẽ chết. Nhưng bạn không thể chặt cành và hi vọng rằng cây sẽ chết. Cây sẽ lớn nhanh hơn.
'Prati-prasav' là từ hay; 'prasav' nghĩa là sinh. Khi đứa trẻ được sinh ra nó là prasav. Prati-prasav nghĩa là bạn lại được sinh ra trong kí ức, bạn quay lại chính việc sinh, chấn thương tâm lí khi bạn được sinh ra, và bạn sống lại nó lần nữa. Nhớ lấy, bạn không nhớ nó, bạn sống nó, bạn sống lại nó lần nữa.
Nhớ là khác. Bạn có thể nhớ, bạn có thể ngồi im lặng, nhưng bạn vẫn còn là người bạn đang vậy: bạn nhớ rằng bạn đã là đứa trẻ và mẹ bạn đánh bạn đau. Vết thương đó có đó, nhưng đây là việc nhớ lại. Bạn đang nhớ lại sự vụ dường như nó đã xảy ra cho ai đó khác. Sống lại là pratiprasav. Sống lại nó nghĩa là bạn trở thành đứa trẻ lần nữa. Không phải là bạn nhớ; bạn trở thành đứa trẻ lần nữa, bạn sống nó lần nữa. Mẹ đánh bạn không ở trong kí ức của bạn, mẹ đánh bạn lần nữa ngay bây giờ: vết thương, cơn giận, đối địch, việc co dúm lại của bạn, sự bác bỏ, và phản ứng của bạn, dường như toàn thể sự việc đang xảy ra lần nữa. Đây là prati-prasav. Và đây không chỉ là như Trị liệu nguyên thuỷ, mà là phương pháp luận cho mọi người tìm kiếm, người đi tìm cuộc sống thừa thãi, về chân lí.
Đây là năm ưu phiền: avidya, thiếu nhận biết; asmita, cảm giác về bản ngã; rag, gắn bó; dais, đẩy ra; và abhinivesh, thèm khát sống. Đây là năm điều khổ.
Cội nguồn của năm ưu phiền có thể bị thủ tiêu bằng việc giải quyết chúng ngược trở lại gốc của chúng.
Điều cuối cùng là abhinivesh: thèm khát sống; điều thứ nhất là thiếu nhận biết. Điều cuối cùng phải được giải quyết tới điều thứ nhất, điều cuối cùng phải được mang về điều thứ nhất. Bây giờ đi lùi về sau: bạn có thèm khát cuộc sống, bạn níu bám cuộc sống. Tại sao? Patanjali nói, 'Đi lùi về sau.' Sao bạn níu bám lấy cuộc sống? - bởi vì bạn khổ. Và khổ được tạo ra bởi dais, đẩy ra. Khổ được tạo ra bởi dais - bạo hành, ghen tị, giận dữ - đẩy ra. Làm sao bạn có thể sống được nếu bạn có những điều phủ định như vậy quanh bạn? Qua những điều phủ định này, bất kì chỗ nào bạn nhìn, cuộc sống dường như không đáng sống. Bất kì chỗ nào bạn nhìn qua phủ định, mọi thứ đều có vẻ đen tối, buồn thảm, địa ngục. Thèm khát sống phải được giải quyết theo cách đi lùi lại, thế thì bạn sẽ thấy các dais. Nếu bạn đi xuống, đi ngược lại với níu bám cuộc sống, đằng sau nó bạn sẽ thấy tầng của đẩy ra. Đó là lí do tại sao bạn đã không có khả năng sống. Mọi xã hội, văn hoá, họ đều áp đặt nhiều đẩy ra lên bạn.
Nếu bạn đọc kinh sách Hindu hay kinh sách Jaina, họ dạy đẩy ra. Họ nói rằng nếu bạn yêu người đàn bà, đầu tiên nhìn người đàn bà là gì. Đàn bà là gì? - chỉ là một cấu trúc xương, thịt, máu, mủ, những thứ xấu xí. Nhìn vào bên trong người đàn bà; cái đẹp là sâu như làn da. Và đằng sau da có mọi thứ xấu, đẩy ra.
Nếu bạn được dạy bởi những người như vậy, bất kì khi nào bạn trong tình yêu bạn sẽ không có khả năng yêu người đàn bà bởi vì đẩy ra sẽ tới. Bạn sẽ cảm thấy đẩy ra nảy sinh, và làm sao yêu là có thể với đẩy ra? Và nếu bạn đã từng được dạy bởi những người ngoài, người đầu độc chính cội nguồn của sống, bạn sẽ khổ. Không có yêu, làm sao bạn có thể hạnh phúc được? Bạn sẽ khổ. Khi bạn khổ bạn sẽ níu bám lấy sống.
Cho nên Patanjali nói, 'Níu bám sống là tầng cao nhất. Đi sâu hơn đi; đằng sau nó ông sẽ thấy một tầng của đẩy ra, dais.' Nhưng tại sao bạn bị đẩy ra? Đi sâu hơn và bạn sẽ thấy gắn bó. Bạn bị hút vào một vật và nếu bạn bị hút vào, chỉ thế thì bạn mới có thể bị đẩy ra. Nếu bạn không bị hút vào, bạn không thể bị đẩy ra. Hút vào có thể tạo ra đẩy ra; đẩy ra là cực kia của hút vào. Đi sâu hơn - tầng khác bạn sẽ tìm thấy là asmita, cảm giác về bản ngã, 'tôi đây.' Và 'tôi' này tồn tại qua gắn bó và đẩy ra. Nếu rag, dais, hút vào và đẩy ra cả hai đều mất đi, 'tôi' không thể đứng đó được. 'Tôi' sẽ mất đi cùng nó.
Bạn, bản ngã của bạn, tồn tại qua ý tưởng của bạn về tốt và xấu, ý tưởng về yêu và ghét, ý tưởng về cái gì là đẹp và cái gì là xấu. Nhị nguyên tạo ra bản ngã. Cho nên đằng sau nhị nguyên của rag và dais, bạn sẽ thấy bản ngã. Tại sao bản ngã này tồn tại? Patanjali nói, 'Vẫn đi sâu thêm nữa và ông sẽ thấy thiếu nhận biết. Căn nguyên của toàn thể khổ của cuộc sống là thiếu nhận biết. Đây là nguyên nhân, nguyên nhân căn bản của toàn thể sự việc. Bạn không thể tìm được nó với abhinivesh, thèm khát sống; đó là quả, là hoa, hiện tượng cuối cùng. Thực ra, nó không phải là nguyên nhân. Đi ngược lại đi.
Cội nguồn của năm ưu phiền có thể bị thủ tiêu bằng việc giải quyết chúng ngược trở lại gốc của chúng.
Một khi bạn biết nguyên nhân, mọi thứ được giải quyết. Và đây là nguyên nhân... thiếu nhận biết. Phải làm gì? Đừng tranh đấu với níu bám, đừng tranh đấu với gắn bó và đẩy ra, thậm chí không tranh đấu với bản ngã. Chỉ trở nên ngày một nhận biết hơn. Chỉ trở nên ngày một tỉnh táo hơn, quan sát, lưu tâm. Nhớ ngày càng nhiều và trở nên tỉnh táo. Chính tỉnh táo đó sẽ làm tan biến mọi thứ. Một khi nguyên nhân tan biến, hậu quả biến mất.
Đạo đức thông thường dạy bạn thay đổi trên bề mặt. Cho nên cái gọi là tôn giáo dạy bạn cách tranh đấu với hậu quả. Patanjali đang cho bạn chính khoa học của tôn giáo: chính căn nguyên có thể bị làm tan biến. Bạn phải nhận biết nhiều hơn. Sống cuộc sống với tỉnh táo: đó là toàn thể thông điệp. Đừng sống như người ngủ, hay người say sống trong thôi miên. Có ý thức về bất kì cái gì bạn đang làm. Làm nó, nhưng làm nó với ý thức đầy đủ. Đột nhiên bạn sẽ thấy nhiều thứ biến mất.
Một kẻ trộm tới Nagarjuna, nhà huyền môn Phật giáo. Tên trộm nói, 'Này ông, tôi đã từng ở với nhiều thầy giáo và nhiều thầy. Tất cả họ đều biết tôi bởi vì tôi là kẻ trộm nổi tiếng, thực ra, là trộm bậc thầy ở vương quốc này, cho nên tôi được khắp nơi biết tới. Mới khoảnh khắc vừa rồi tôi tới họ, họ nói, "Đầu tiên ông phải bỏ ăn trộm, ăn cướp mọi người. Đầu tiên bỏ cách sống của ông và thế rồi cái gì đó có thể xảy ra." Nhưng điều đó tôi không thể làm được. Cho nên sự việc dừng lại ở đó. Bây giờ tôi đã tới
Nagarjuna nói, 'Thế thì ông phải đã đi tới các tay trộm cắp rồi, đâu có tới thầy nào. Sao thầy phải lo nghĩ về việc ăn cắp hay không ăn cắp của ông? Ta không quan tâm. Ông làm một việc này: ông cứ ăn cắp đi, ă cướp mọi người - nhưng cướp họ mà có nhận biết.' Tên trộm nói, 'Điều này tôi có thể làm được.' Và anh bị bắt, bị mắc bẫy.
Sau hai tuần trôi qua, anh ta quay lại với Nagarjuna và nói, 'Ông là kẻ lừa dối, ông đã xỏ tôi. Đêm qua tôi lần đầu tiên lọt được vào cung điện của nhà vua, nhưng bởi vì ông tôi đã cố gắng tỉnh táo. Tôi đã mở kho báu. Hàng nghìn kim cương quí giá có đó, nhưng bởi vì ông, tôi đã phải đi ra khỏi cung điện trắng tay.' Nagarjuna nói, 'Kể cho ta điều đã xảy ra.' Tên trộm nói, 'Bất kì khi nào tôi tỉnh táo và tôi cố lấy những kim cương đó, tay không cử động được. Nếu tay cử động, thế thì tôi không tỉnh táo. Trong hai, ba giờ tôi vật lộn. Tôi đã cố gắng tỉnh táo và lấy những kim cương đó, nhưng điều đó là không thể được. Nhiều lần tôi đã lấy những kim cương đó, nhưng thế rồi tôi đã không tỉnh táo cho nên tôi phải để chúng lại. Bất kì khi nào tôi tỉnh táo, tay không thể cử động được.' Nagarjuna nói, 'Đó là toàn thể vấn đề. Ông đã hiểu ra vấn đề.'
Không tỉnh táo bạn có thể giận dữ, bạo hành, sở hữu, ghen tị. Đây là những cành nhưng không là rễ. Với tỉnh táo bạn không thể giận được, bạn không thể ghen được, bạn không thể hung hăng, bạo hành, tham lam. Đạo đức bình thường dạy bạn không tham lam, không giận dữ. Đó là đạo đức bình thường. Điều đó không ích gì mấy. Nhiều nhất một chút ít nhân cách bị kìm nén được tạo ra. Tham vẫn còn, giận vẫn còn, nhưng bạn có thể có chút ít đạo đức xã hội. Nó có thể giúp như chất bôi trơn trong xã hội, nhưng chẳng cái gì mấy xảy ra.
Patanjali không dạy đạo đức thường. Patanjali đang dạy chính gốc rễ của mọi tôn giáo, chính khoa học của tôn giáo. Ông ấy nói, 'Đem mọi hậu quả tới nguyên nhân.' Và nguyên nhân bao giờ cũng là không tỉnh táo, không nhận biết, avidya. Trở nên nhận biết, và mọi thứ biến mất.
Cách diễn đạt bên ngoài của năm ưu phiền biến mất qua thiền.
Bạn không cần phải lo nghĩ về chúng; bạn chỉ thiền nhiều hơn, trở thành nhận biết hơn. Đầu tiên cách diễn đạt ra ngoài biến mất: giận dữ, ghen tị, hận thù, đẩy ra, hút vào. Cách diễn đạt ra ngoài biến mất trước hết, nhưng hạt mầm vẫn còn với bạn. Thế rồi người ta phải đi rất, rất sâu, bởi vì bạn nghĩ bạn là giận dữ chỉ khi bạn giận - điều đó là không đúng. Và dòng chảy ngầm vẫn tiếp tục ngay cả khi bạn không giận. Bằng không, bạn sẽ có giận dữ từ đâu khi thời điểm tới? Ai đó xúc phạm bạn và đột nhiên bạn giận. Mới một giây trước đó bạn đã hạnh phúc, mỉm cười, và mặt đổi liền; bạn đã trở thành kẻ sát nhân. Bạn có được điều này từ đâu? Nó phải đã có đó, và dòng chảy ngầm bao giờ cũng sẵn có cho bạn. Bất kì khi nào nhu cầu nảy sinh, cơ hội nảy sinh, đột nhiên cơn giận bùng ra.
Đầu tiên, thiền sẽ giúp bạn. Cách diễn đạt ra ngoài sẽ biến mất. Nhưng đừng bị thoả mãn với điều đó bởi vì về căn bản, nếu dòng chảy ngầm vẫn còn, thế thì bất kì lúc nào cũng có khả năng; việc bùng ra có thể được đem tới. Trong tình huống nào đó cách diễn đạt này lại có thể tới. Đừng bao giờ được thoả mãn với cách diễn đạt ra ngoài biến mất; hạt mầm phải bị thiêu cháy. Phần thứ nhất của thiền giúp cho bạn đem cách diễn đạt ra ngoài tới dòng chảy cơ sở: ở bên ngoài bạn trở nên im lặng, nhưng bên trong, mọi thứ tiếp tục. Thế thì thiền vẫn phải đi sâu hơn.
Đó là phân biệt của Patanjali giữa samadhi và dhyan (thiền). Dhyan là giai đoạn thứ nhất, thiền là giai đoạn thứ nhất với cách diễn đạt ra ngoài biến mất; và samadhi là giai đoạn cuối, thiền tối thượng nơi hạt mầm bị thiêu cháy. Bạn đã đạt tới chính cội nguồn của bản thể và cuộc sống. Thế thì, bạn không níu bám vào bất kì cái gì. Thế thì, bạn không sợ chết. Thế thì, thực ra, bạn không có; thế thì bạn không còn nữa. Thế thì Thượng đế ngụ ở trong bạn, và bạn có thể nói, 'aham brahmasmi,' ta là chính điều thiêng liêng, chính nền tảng của sự tồn tại.
Đủ cho hôm nay.

0 Đánh giá

Ads Belove Post