Read more
Yoga: Alpha và Omega (Tập 7)
Bài giảng về Kinh Yoga của Patanjali
Chương 5. Chồng
chất các số không của bản thể
11. Samadhi parinam, biến đổi bên trong, là
việc lắng đọng dần của sao lãng và việc vươn lên đồng thời của nhất tâm.
12. Ekagrata parinam, biến đổi nhất tâm, là
hoàn cảnh của tâm trí trong đó đối thể của tâm trí đang lắng xuống được thay thế
trong khoảng khắc tiếp bởi một đối thể tương tự đích xác.
13. Bởi điều đã được nói trong bốn câu kinh
cuối, thuộc tính, tính cách, và biến đổi hoàn cảnh trong các phần tử và giác
quan cũng được giải thích.
14. Dù chúng là ngấm ngầm, tích cực, hay
không biểu lộ, mọi thuộc tính đều kế thừa trong nền cơ sở.
Chuyện được kể về Leo Tolstoy,
nhà tiểu thuyết Nga vĩ đại, là một hôm ông ấy đang đi dạo trong rừng thì ông ấy
bắt gặp một chỗ quang đãng và thấy một con thằn lằn đang đậu trên tảng đá tự nó
phơi nắng. Tolstoy bắt đầu nói với con thằn lằn, "Tim mày đang đập đấy,"
ông ấy nói. "Mặt trời chiếu sáng, mày hạnh phúc." Dừng một chốc, ông ấy
nói thêm, "Nhưng tao thì không."
Sao thằn lằn hạnh phúc còn con
người lại không? Sao toàn thể sự sáng tạo đang trong lễ hội còn con người thì
không? Sao ngoại trừ con người mọi thứ được hài hoà đẹp đẽ trong bản thân nó và
hài hoà với cái toàn thể? Sao con người là ngoại lệ? Cái gì đã xảy ra cho con
người? Bất hạnh nào đã rơi vào con người? Điều này phải được hiểu sâu sắc nhất
có thể được bởi vì từ chính việc hiểu đó mà con đường mới bắt đầu, từ chính việc
hiểu đó mà bạn trở thành người tìm kiếm, từ chính việc hiểu đó mà bạn không còn
là một phần của bệnh tật con người. Bạn bắt đầu siêu việt lên trên nó.
Thằn lằn tồn tại trong hiện tại.
Thằn lằn không có ý tưởng nào về quá khứ, không ý tưởng nào về tương lai. Thằn
lằn chỉ ở đây bây giờ sưởi nắng cho bản thân nó. Khoảnh khắc này là đủ cho thằn
lằn, nhưng khoảnh khắc này là không đủ cho con người và nảy sinh bệnh tật bởi
vì bất kì khi nào bạn có nó, bạn sẽ chỉ có một khoảnh khắc thôi. Bạn sẽ không
bao giờ có hai khoảnh khắc cùng nhau. Và dù bạn ở bất kì đâu, bạn bao giờ cũng ở
đây: và bất kì khi nào bạn trở nên nhận biết, bạn sẽ trở nên nhận biết trong
bây giờ. Quá khứ không còn nữa, tương lai còn chưa có - và chúng ta cứ bỏ lỡ
cái đang đó vì tương lai kia mà chưa có, vì quá khứ kia mà không còn nữa.
Là thằn lằn nằm sưởi nắng trên
tảng đá chính là làm thiền nhân. Vứt bỏ quá khứ, vứt bỏ tương lai. Điều đó
nghĩa là gì? Nó có nghĩa là vứt bỏ suy nghĩ bởi vì mọi ý nghĩ hoặc thuộc vào
quá khứ hoặc thuộc vào tương lai. Không có ý nghĩ ở đây-bây giờ. Suy nghĩ không
có thời hiện tại về nó - hoặc nó chết hoặc chưa sinh. Nó bao giờ cũng không thực
- hoặc là một phần của kí ức hoặc là một phần của tưởng tượng. Nó chưa bao giờ
là thực. Cái thực chưa bao giờ là ý nghĩ: cái thực là kinh nghiệm. Cái thực là
kinh nghiệm tồn tại.
Bạn có thể nhảy múa trong cái
thực, bạn có thể sưởi nắng bản thân bạn trong cái thực, bạn có thể hát trong
cái thực, bạn có thể yêu trong cái thực: nhưng bạn không thể nghĩ nó - bởi vì
suy nghĩ bao giờ cũng là về nó, và trong cái "về" đó có ẩn giấu toàn
thể khổ sở. Trong cái 'về" đó bạn cứ di chuyển - về và về - và bạn chưa
bao giờ đi tới điểm mà bao giờ và bao giờ cũng có sẵn.
Toàn thể vấn đề của mọi cách
thiền là thành con thằn lằn, sưởi nắng cho bản thân bạn trên đá, ở đây-bây giờ,
là một phần của cái toàn thể, không cố nhảy lên trước vào tương lai, không cố
mang cái không còn nữa. Được nhẹ gánh với quá khứ, không bị bận tâm với tương
lai, làm sao bạn có thể khổ được? Làm sao Leo Tolstoy có thể khổ sở bị nặng
gánh bởi quá khứ, bị bận tâm với tương lai được? Khổ có thể tồn tại ở đâu được?
Tôi thấy nó tự ẩn ở đâu được? Đột nhiên, bạn bùng nổ vào một chiều hướng khác
toàn bộ, bạn đi ra ngoài thời gian và bạn trở thành một phần của vĩnh hằng.
Nhưng chúng ta đi mãi như chiếc
đĩa hát bị kẹt rãnh, lặp lại bản thân mình vô hạn. Tôi đã nghe.
Hai cô gái đang nói chuyện
trong công viên và một người trông có vẻ u sầu, buồn bã tới mức người kia cảm
thấy rất thông cảm. Cô ấy giơ tay ôm choàng quanh chiếc áo khoác lông chồn của
cô gái đẹp như búp bê kia và nói, "Angeline, điều gì làm bạn lo lắng thế?"
Angeline nhún vai và nói,
"Ồ, tớ cho là chẳng có gì cả, nhưng hai tuần trước ông già Short chết bất
đắc kì tử. Bạn còn nhớ ông ấy không? Ông ấy bao giờ cũng tốt thế với tớ. Dẫu
sao đi chăng nữa, ông ấy đã chết bất đắc kì tử và cho tớ vay năm mươi nghìn ru
pi. Thế rồi tuần trước ông già đáng thương Pilkinhouse lên cơn tai biến và để lại
cho tớ sáu mươi nghìn ru pi. Và tuần này thì chẳng có gì cả."
Đây là rắc rối bao giờ cũng
mong đợi, bao giờ cũng đòi hỏi thêm nữa, thêm nữa. Và có thể chẳng có chỗ kết
cho đòi hỏi về thêm nữa này. Bất kì cái gì bạn có được bạn bao giờ cũng có thể
tưởng tượng ra thêm nữa và bạn bao giờ cũng có thể trở thành khổ.
Người nghèo khổ đã đành, bạn có
thể hiểu được, nhưng người giầu cũng khổ. Những người có của khổ nhiều như những
người không có của. Người ốm khổ đã đành, nhưng người mạnh khoẻ cũng khổ. Khổ
dường như là ở đâu đó khác. Khổ không biến mất bởi của cải, mạnh khoẻ hay bất
kì cái gì thuộc loại đó. Nó liên tục như dòng chảy ngầm.
Khổ tồn tại trong nhu cầu về
nhiều hơn, và tâm trí con người bao giờ cũng có thể tưởng tượng ra nhiều hơn. Bạn
có thể tưởng tượng tình huống trong đó bạn không không thể tưởng tượng được nhiều
hơn không? Không thể được. Ngay cả cõi trời cũng có thể được cải tiến thêm.
Không ai có thể tưởng tượng được tình huống trong đó tưởng tượng có thể dừng lại
và bạn không thể tưởng tượng được tình huống nhiều hơn và tốt hơn. Điều đó
nghĩa là bạn sẽ khổ dù bạn ở bất kì đâu. Ngay cả cõi trời cũng sẽ không đủ, cho
nên đừng chờ đợi cõi trời. Nếu bạn đi ngay bây giờ lên trời nó sẽ là không đủ.
Bạn sẽ khổ như ở đây, thậm chí có thể còn khổ hơn bởi vì ở đây, ít nhất, bạn có
thể hi vọng - rằng cõi trời có đó và ngày này hay ngày nọ bạn sẽ đi vào trong
nó. Nếu bạn đi vào trong nó, ngay cả hi vọng đó sẽ mất.
Như bạn vậy, bạn chỉ có thể ở
trong địa ngục, bởi vì địa ngục hay cõi trời là cách nhìn vào mọi sự. Chúng
không phải là nơi chốn vật lí: chúng là thái độ, cách bạn nhìn vào mọi sự.
Thằn lằn đang ở trong cõi trời
và Leo Tolstoy đang ở trong địa ngục. Ngay cả một người như Leo Tolstoy. Ông ấy
là người nổi tiếng thế giới, nổi tiếng hơn nhiều bạn không thể tưởng tượng được.
Tên ông ấy sẽ đi vào trong sách lịch sử. Sách của ông ấy sẽ được đọc mãi mãi và
mãi mãi. Ông ấy là thiên tài. Nhưng bạn không thể tưởng tượng được người nào khổ
hơn. Ông ấy giầu có, một trong những người giầu nhất ở Nga. Ông ấy thuộc vào
gia đình hoàng gia; ông ấy là hoàng tử, cưới một công chúa rất xinh đẹp; nhưng
bạn không thể tưởng tượng được người nào khổ nhiều hơn, người liên tục nghĩ tới
tự tử. Ông ấy bắt đầu nghĩ có thể chính bởi vì ông ấy giầu thế, đó là lí do tại
sao ông ấy khổ, cho nên ông ấy bắt đầu sống như người nghèo, như nông dân;
nhưng dầu vậy khổ vẫn tiếp tục.
Cái gì gây chuyện cho ông ấy?
Ông ấy là con người của tưởng tượng lớn lao - một nhà tiểu thuyết phải vậy. Ông
ấy là con người có trí tưởng tượng vô cùng, cho nên bất kì cái gì sẵn có bao giờ
cũng thành ít. Ông ấy càng có thể tưởng tượng nhiều, ông ấy càng có thể tưởng
tượng tốt hơn. Điều đó trở thành khổ của ông ấy.
Nhớ điều này, rằng nếu bạn mong
đợi bất kì cái gì từ cuộc sống, bạn sẽ không được cái gì cả. Đừng mong đợi và
nó có đó trong mọi niềm vinh quanh của nó. Đừng mong đợi, đừng đòi hỏi, và nó
mưa rào lên bạn trong mọi sự huyền bí của nó. Mọi phép kì diệu của nó đều có
đó. Chỉ đợi thêm chút ít trong khi không có ý nghĩ... nhưng điều đó dường như
là không thể được.
Không phải là không có những
khoảnh khắc bạn hiện hữu mà không có ý nghĩ. Patanjali nói có đấy. Tất cả những
người đã đi vào trong không gian bên trong của con người, họ biết có lỗ hổng.
Nhưng bạn đang bỏ lỡ chúng bằng cách nào đó, bởi vì những lỗ hổng đó ở trong hiện
tại. Bạn nhảy từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, và ở giữa là lỗ hổng này. Ở giữa
là cõi trời - bạn nhảy từ địa ngục này sang địa ngục khác.
Ở giữa là cõi trời, nhưng ở giữa
bạn không có. Bạn nhảy từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, bạn có. Từng ý nghĩ đều
nuôi dưỡng cho bản ngã của bạn, giúp bạn hiện hữu, xác định bạn, cho bạn biên
giới, hình dáng, hình dạng, căn cước. Bạn không nhìn vào lỗ hổng giữa hai ý
nghĩ bởi vì nhìn vào lỗ hổng đó là nhìn vào mặt nguyên thuỷ của bạn, cái không
có căn cước nào. Nhìn vào lỗ hổng đó là nhìn vào vĩnh hằng, nơi bạn sẽ bị mất
hút.
Bạn đã trở nên sợ việc nhìn vào
lỗ hổng đó tới mức bạn gần như đã xoay xở để quên chúng đi.
Giữa hai ý nghĩ có một lỗ hổng,
nhưng bạn không thấy nó. Bạn thấy một ý nghĩ, thế rồi bạn thấy ý nghĩ khác, rồi
ý nghĩ khác... Quan sát một chút đi. Các ý nghĩ không chờm lấp lên nhau đâu. Từng
ý nghĩ đều tách biệt. Ở giữa hai ý nghĩ phải là một lỗ hổng. Có lỗ hổng, và khoảng
hở đó là cánh cửa. Từ cánh cửa đó bạn sẽ đi vào trong sự tồn tại lần nữa. Từ
cánh cửa đó bạn đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng Eden. Từ cánh cửa đó bạn sẽ đi
vào trong vườn địa đàng Eden lần nữa, bạn sẽ lại trở thành giống như con thằn lằn
sưởi nắng trên đá. Tôi đã nghe Có lần một gia đình chuyển từ vùng thôn quê lên
thành phố, và người mẹ cho cậu bé hướng dẫn cẩn thận về giao thông. "Đừng
bao giờ đi ngang qua phố chừng nào xe chưa đi qua hết," cô ấy nói vì đứa
trẻ bắt đầu đi thăm một bạn nhỏ. Quãng một giờ sau nó quay về, mắt nhoà nước mắt.
"Có chuyện gì vậy?" mẹ nó cảnh giác hỏi.
"Con không thể đi được,"
Bobby nói. "Con đợi và đợi mãi, nhưng chẳng xe nào đi qua.
Nó được bảo phải đợi cho tới
khi xe đã đi qua hết, nhưng chẳng có xe nào đi qua. Con đường trống vắng, và nó
tìm xe chạy qua.
Đây là tình huống bên trong bạn.
Con đường bao giờ cũng trống rỗng - sẵn có - nhưng bạn đang tìm xe, ý nghĩ, và
thế thì bạn trở nên lo nghĩ rất nhiều. Bao nhiêu ý nghĩ. Chúng trở nên được
nhân lên, chúng vọng đi vọng lại trong bạn, và bạn cứ chăm chú hướng tới chúng.
Động thái của bạn sai.
Đổi động thái đi. Nếu bạn nhìn
vào trong các ý nghĩ, bạn tạo ra tâm trí trong bản thân bạn. Nếu bạn nhìn vào
trong lỗ hổng, bạn tạo ra thiền trong bản thân bạn. Tích luỹ lỗ hổng là thiền;
tích luỹ ý nghĩ là tâm trí. Đây là hai động thái, hai khả năng của bản thể bạn:
hoặc bạn hiện hữu qua tâm trí, hoặc bạn hiện hữu qua thiền.
Tìm lỗ hổng đi. Chúng đã có đó
rồi, tự nhiên sẵn có. Thiền không phải là cái gì đó phải được tạo ra bởi nỗ lực.
Nó có đó nhiều như tâm trí. Thực ra còn nhiều hơn tâm trí bởi vì tâm trí chỉ ở
trên bề mặt, con sóng, còn thiền là chiều sâu của đại dương.
Mọi khoảnh khắc Thượng đế đều
tìm bạn nhiều như bạn tìm ngài. Bạn có thể không tìm ngài một cách có ý thức. Bạn
có thể tìm ngài dưới những cái tên khác. Bạn có thể tìm ngài như phúc lạc. Bạn
có thể tìm ngài như hạnh phúc, vui vẻ. Bạn có thể tìm ngài như việc quên lãng,
việc mê mải. Bạn có thể tìm ngài như âm nhạc, như tình yêu. Bạn có thể tìm ngài
theo những cách khác nhau, dưới những cái tên khác nhau. Những cái tên đó không
thành vấn đề, bạn đang tìm ngài, có ý thức, không ý thức. Và một điều bạn phải
hiểu ngài cũng đang tìm bạn. Bởi vì chừng nào việc tìm còn chưa là từ cả hai
phía, gặp gỡ là không thể được.
Cái toàn thể đang tìm bộ phận
nhiều như bộ phận đang tìm cái toàn thể. Hoa đang tìm mặt trời nhiều như mặt trời
đang tìm hoa. Thằn lằn không chỉ sưởi nắng, mặt trời cũng đang chiếu nắng cho
thằn lằn. Nó là một toàn thể được kết nối. Nó phải vậy, bằng không mọi sự sẽ rời
ra. Nó là một mảnh, nó là một hài hoà, nó là một vũ điệu. Mọi cử chỉ, mọi chuyển
động, đều được kết nối với nhau. Chúng phải vậy; bằng không chúng sẽ rời ra và
sự tồn tại sẽ không còn là sự tồn tại - nó sẽ biến mất.
Để tôi kể cho bạn một chuyện ngụ
ngôn. Cân nhắc chuyện ngụ ngôn sau.
Con người, ta nói giả dụ, đang
trèo lên núi - bởi vì trong thung lũng con người đã sống và trong thung lũng
người đó đã mơ và trong thung lũng người đó đã nghĩ và tưởng tượng, nhưng đã chỉ
có thất vọng. Trong thung lũng người đó vẫn còn trống rỗng, không được thoả
mãn, cho nên người đó nghĩ rằng ở trên đỉnh núi là Thượng đế. Thung lũng người
đó đã sống rồi. Đỉnh núi vẫn còn xa xôi; chiếu sáng trong ánh mặt trời nó vẫn
còn là sự hấp dẫn. Nơi xa xôi bao giờ cũng vẫy gọi bạn, mời bạn. Nhìn cái gần
là rất khó; không nhìn cái xa xa cũng là rất khó.
Quan tâm tới cái ở gần là rất
khó; không quan tâm tới cái ở rất xa cũng là rất khó. Cái xa xôi có sức hấp dẫn
vô cùng, và đỉnh núi liên tục vẫy gọi bạn.
Và, khi bạn bắt đầu cảm thấy trống
rỗng trong thung lũng, tất nhiên, điều logic là nghĩ rằng người bạn đi tìm
không sống trong thung lũng. Người đó phải sống ở trên đỉnh. Điều tự nhiên cho
tâm trí là đi từ cực đoan này sang cực đoan kia, từ thung lũng tới đỉnh.
Trên đỉnh núi con người nghĩ có
Thượng đế, dưới thung lũng là lo lắng và e ngại của đời người, mọi rắc rối của
tình yêu và chiến tranh. Trong thung lũng bạn liên tục thu thập lo âu, trong
thung lũng bạn liên tục thu thập bụi, trong thung lũng, dần dần, bạn trở nên đờ
đẫn và chết. Thung lũng trông như bãi tha ma. Người ta muốn thoát ra khỏi nó.
Người ta bắt đầu nghĩ tới tự do, moksha, về cách thoát ra khỏi sự tù túng mà
thung lũng đã trở thành - cách thoát ra khỏi gắn bó, tình yêu; cách thoát ra khỏi
tham vọng, bạo hành, chiến tranh; cách thoát ra khỏi xã hội, chính xã hội cho bạn
cơ hội để phải lo nghĩ, thực ra ép buộc bạn hướng tới lo âu và phiền não.
Người ta bắt đầu nghĩ, nhưng
đây là việc trốn chạy. Thực ra bạn không đi lên đỉnh đâu; bạn đi xa khỏi thung
lũng thôi. Không phải là đỉnh đã gọi bạn. Thực ra chính thung lũng đang đẩy bạn.
Bạn vẫn bị thung lũng đẩy; và bị thung lũng đẩy bạn không bao giờ có thể tự do.
Không phải là bạn đang đi theo cách riêng của bạn. Bạn đang bị đuổi ra. Thung
lũng đang tạo ra tình huống trong đó bạn không thể sống ở đó được thêm nữa. Cuộc
sống trở thành quá nhiều. Một khoảnh khắc tới cho cuộc đời của mọi người khi nó
trở thành quá nhiều, thế giới thành quá nhiều và người ta bắt đầu trốn chạy.
Con người bắt đầu trốn chạy lên
đỉnh. Và bây giờ đến phần quan trọng nhất của chuyện ngụ ngôn: Thượng đế, mặt
khác, đang đi xuống núi. Bởi vì, ta cứ nói giả dụ, ngài chán với sự thuần khiết
và sự một mình của ngài rồi.
Con người chán với đám đông, với
sự không thuần khiết; Thượng đế chán với sự một mình và sự thuần khiết của
ngài.
Bạn có bao giờ quan sát không?
Bạn có thể hạnh phúc một mình rất dễ dàng. Hạnh phúc cùng ai đó khác trở thành
rất khó. Một người có thể hạnh phúc rất dễ dàng, rất rẻ không tốn kém gì cho điều
đó. Hai người cùng nhau, hạnh phúc trở thành rất khó. Bây giờ thì dễ bất hạnh -
chẳng tốn kém gì, rất rẻ. Và nếu ba người ở cùng nhau, không thể nào hạnh phúc
được - không chi phí nào để cho hạnh phúc là có thể.
Con người chán với đám đông,
không đâu mà đi, không đâu bạn có thể tìm được chỗ cho riêng bạn, bao giờ cũng
là người nhòm và người ngó - bạn bao giờ cũng trên sân khấu, bao giờ cũng biểu
diễn - và con mắt của đám đông theo dõi bạn. Không tính riêng tư. Dần dần, người
ta phát chán, ngán.
Nhưng Thượng đế cũng bị chán.
Ngài một mình, thuần khiết, nhưng bản thân sự thuần khiết trở thành chán khi nó
còn lại và còn lại và còn lại.
Thượng đế đi xuống thung lũng;
ham muốn của ngài là nhảy vào trong thế giới. Ham muốn của con người là nhảy ra
khỏi thế giới, và ham muốn của Thượng đế là nhảy vào trong thế giới. Ham muốn của
con người là thành Thượng đế, và ham muốn của Thượng đế là thành con người.
Có chân lí của việc rút lui và
có chân lí của việc quay về. Con người bao giờ cũng rút lui và Thượng đế bao giờ
cũng quay về. Bằng không việc sáng tạo chắc đã dừng lại từ lâu rồi, nếu Thượng
mà không quay về liên tục. Nó phải là vòng tròn. Sông Hằng liên tục đổ vào
trong đại dương, và đại dương liên tục dâng lên tới mây và liên tục rơi xuống
Himalayas - trở lại với sông Hằng, và sông Hằng liên tục tuôn chảy. Sông Hằng
bao giờ cũng rút lui, và đại dương bao giờ cũng quay về. Con người bao giờ cũng
tìm Thượng đế. Thượng đế bao giờ cũng tìm con người, đây là toàn thể vòng tròn
đầy đủ. Nếu chỉ con người đi tới Thượng đế và Thượng đế không tới, thế giới chắc
đã dừng lại từ lâu trước đây rồi. Nó chắc đã dừng lại bất kì lúc nào bởi vì một
ngày nào đó mọi người sẽ quay về và Thượng đế sẽ không quay lại, thế giới sẽ biến
mất.
Nhưng đỉnh không thể tồn tại mà
không có thung lũng; và Thượng đế không thể tồn tại mà không có thế giới: và
ngày không thể tồn tại mà không có đêm; và sống là không thể quan niệm nổi nếu
không có chết.
Rất khó hiểu điều này, rằng Thượng
đế là việc quay về thường xuyên, con người là việc rút lui thường xuyên - con
người là việc từ bỏ thường xuyên, tính chất sannyas, và Thượng đế là việc quay
lại thường xuyên với thế giới, với mở hội.
Có chân lí của việc rút lui và
có chân lí của việc quay về. Một cách tách biệt chúng là cả hai nửa và bộ phận:
cùng nhau chúng trở thành chân lí, chân lí toàn thể.
Tôn giáo là việc rút lui, nhưng
thế thì nó là một nửa. Tôn giáo cũng phải là việc quay về, thế thì nó là toàn
thể. Tôn giáo nên dạy bạn cách đi vào trong bản thân bạn và tôn giáo cũng nên dạy
bạn cách quay lại lần nữa bởi vì ở đâu đó ở giữa thung lũng và đỉnh, Thượng đế
và con người gặp gỡ. Nếu bạn bỏ qua Thượng đế... Và có mọi khả năng bởi vì nếu
bạn đi lên núi và ngài đi xuống núi, bạn thậm chí không nhìn vào ngài. Thậm chí
có thể có kết án trong mắt bạn. Làm sao đây có thể là Thượng đế, người đi lại
vào thung lũng? Bạn thậm chí có thể nhìn ngài với con mắt "linh thiêng hơn
ông."
Nhớ điều này. Bất kì khi nào
Thượng đế gặp bạn, bạn sẽ thấy ngài quay lại với thế giới; và bạn đang rời bỏ
thế giới. Đó là lí do tại sao cái gọi là các mahatma, cái gọi là các thánh
nhân, chưa bao giờ đi tới hiểu Thượng đế là gì. Họ cứ nói về khái niệm chết về
Thượng đế, nhưng họ chưa bao giờ biết Thượng đế là gì bởi vì họ bao giờ cũng bỏ
lỡ ở đâu đó trên đường. Bạn sẽ gặp ngài, nhưng giác quan của bạn thậm chí sẽ
không nhìn vào ngài. Ngài sẽ trông như tội nhân; ngài đang đi trở lại thế giới.
Nhưng nếu họ lên tới đỉnh họ sẽ
thấy nó trống rỗng. Thế giới này quá đầy; đỉnh là quá trống rỗng. Họ thậm chí sẽ
không tìm thấy Thượng đế ở đó, bởi vì ngài bao giờ cũng quay về. Ngài bao giờ
cũng tới, ngài bao giờ cũng sáng tạo. Ngài không bao giờ bị kết thúc. Sáng tạo
là quá trình vô tận. Thượng đế không phải là một thực thể. Ngài là một quá
trình, quá trình quay về.
Nếu bạn có thể gặp ngài trên đường
và bạn có thể nhận ra ngài, chỉ thế thì mới có khả năng. Thế thì bạn sẽ vứt bỏ
ý tưởng về đi lên đỉnh... bạn sẽ bắt đầu quay về. Mọi người vĩ đại, người đã hiểu
ra, đầu tiên đã đi vào trong việc rút lui, và thế rồi họ đã quay về thế giới,
trở lại trong bãi chợ với mọi việc thiền của họ trong việc nở hoa vô cùng.
Nhưng họ đã quay lại thế giới. Họ đã hiểu ra vấn đề. Họ đã hiểu ra vấn đề của
tính toàn thể, của tính linh thiêng. Họ đã hiểu ra vấn đề rằng bên ngoài và bên
trong không phải là hai và việc sáng tạo và đấng sáng tạo không phải là hai và
vật chất và tâm trí không phải là hai - rằng thiêng liêng và báng bổ không phải
là hai. Chúng là một. Mọi nhị nguyên đã biến mất với họ. Đây là điều tôi gọi là
advait, bất nhị - thông điệp thực của Vedanta, thông điệp thực của yoga.
Điều rất tự nhiên là phát chán
với thế giới. Điều rất tự nhiên là tìm kiếm tự do, chẳng có gì đặc biệt trong
nó. Chuyện xảy ra:
Mulla Nasruddin làm lễ kỉ niệm
lần cưới thứ hai mươi nhăm, và anh ta tổ chức bữa tiệc lớn cho tất cả bạn bè.
Anh ta mời cả tôi nữa. Nhưng người chủ chẳng được thấy ở đâu cả. Cuối cùng, tôi
tìm ra anh ta trong thư viện đang uống rượu và nhìn chăm chăm vào ngọn lửa.
"Mulla," tôi nói,
"anh đáng phải mở hội cùng với khách khứa chứ. Sao anh buồn và anh làm gì ở
đây!"
"Sao tôi buồn thế ư?"
anh ta kêu lên. "Khi tôi cưới vợ được năm năm, tôi đã quyết định giết vợ
tôi. Tôi tới luật sư và nói với ông ấy điều tôi định làm. Ông ấy nói nếu tôi
làm điều đó tôi sẽ bị tù hai mươi năm. Nghĩ mà xem," Mulla nói với tôi,
"đêm nay tôi đã là người tự do rồi."
Điều đó là rất tự nhiên. Thế giới
quá nhiều chuyện. Nó tạo ra nhiều lo âu thế: nó tạo ra nhiều tù túng thế. Tìm tự
do, truy tìm về nó, là tự nhiên - không cái gì đặc biệt trong nó cả. Nó trở
thành đặc biệt khi bạn đã hiểu, khi bạn đi từ đỉnh trở lại thung lũng với điệu
vũ mới trong bước chân bạn, với bài ca mới trên môi bạn, với con người mới toàn
bộ - khi bạn đi tới thuần khiết tuyệt đối trong thế giới của không thuần khiết,
không sợ hãi bởi vì bây giờ bạn là không thể bị biến chất được.
Khi bạn quay lại nhà tù theo ý
riêng của bạn, một cách tự nguyện, khi bạn đi tới nhà tù như người tự do và bạn
chấp nhận nhà tù, trở lại với phòng giam của bạn; bây giờ nó không còn là nhà
tù nữa bởi vì tự do không thể bị cầm tù. Chỉ nô lệ mới có thể bị cầm tù. Người
tự do không thể bị cầm tù - người đó có thể sống trong tù, và tự do. Và chừng
nào tự do của bạn còn chưa có sức mạnh đó, nó không xứng đáng.
Bây giờ đến lời kinh.
Samadhi là từ rất khó dịch sang
tiếng Anh; không có từ song song. Nhưng trong tiếng Hi Lạp có một từ song song;
từ đó là ataraxia. Từ Hi Lạp này có nghĩa là yên tĩnh, bình thản, mãn nguyện
bên trong sâu sắc. Đó là nghĩa của samadhi - hài lòng, hài lòng sâu sắc tới mới
không cái gì bây giờ quấy rối, không cái gì làm sao lãng bây giờ. Sâu sắc trong
hài hoà với sự tồn tại, trong một loại atonement - at-one-ment tại một lúc này
- tới mức bây giờ không có vấn đề gì. Không người khác nào có thể quấy rối được;
người khác đã biến mất. Người khác biến mất cùng với ý nghĩ của bạn. Ý nghĩ của
bạn là người khác. Trong lỗ hổng này là samadhi, ataraxia. Trong lỗ hổng này là
bình thản và yên tĩnh.
Không phải là khi bạn đã đạt tới
nó bạn sẽ không còn khả năng suy nghĩ, không. Không phải là năng lực suy nghĩ của
bạn sẽ biến mất. Thực ra, chính điều ngược lại, khi bạn sống trong lỗ hổng bạn
trở nên có năng lực suy nghĩ lần đầu tiên. Trước điều đó bạn chỉ là nạn nhân, nạn
nhân của bầu không khí xã hội, nạn nhân của cả nghìn lẻ một ý nghĩ bao quanh bạn
- không chỉ một ý nghĩ của riêng bạn. Chúng đã là ý nghĩ; bạn đã không có khả
năng suy nghĩ. Những ý nghĩ đó đã lắng đọng lên bạn như chim đậu trên cây vào
buổi tối. Chúng đã đi vào trong bạn. Chúng không phải là nguyên bản; chúng tất
cả đều là vay mượn.
Bạn đã từng sống cuộc sống mà
chính là cuộc sống vay mượn. Đó là lí do tại sao bạn buồn. Đó là lí do tại sao
không có cuộc sống trong bạn. Đó là lí do tại sao bạn trông chết, không có rung
động. Đó là lí do tại sao không có vui vẻ, không có vui mừng. Mọi thứ đều bị chặn
lại bởi các ý nghĩ vay mượn. Toàn thể dòng chảy của bạn bị chặn lại. Bạn không
thể tuôn chảy được bởi vì các ý nghĩ vay mượn. Khi bạn trở thành một phần của
samadhi, ataraxia, sự bình thản sâu sắc của lỗ hổng, khoảng hở; lần đầu tiên bạn
trở nên có năng lực thấy, nghĩ - nhưng bây giờ những ý nghĩ này sẽ là của riêng
bạn. Bây giờ bạn sẽ có khả năng tạo ra ý nghĩ nguyên bản. Bạn sẽ có khả năng sống
cuộc sống nguyên bản, tươi tắn, tươi tắn như buổi sáng, tươi tắn như làn gió
sáng sớm. Bạn sẽ trở nên có tính sáng tạo.
Trong samadhi bạn trở thành người
sáng tạo bởi vì trong samadhi bạn trở thành một phần của Thượng đế.
Có câu nói của Pascal rằng phần
lớn rắc rối của con người đều tới từ việc không có khả năng ngồi yên tĩnh trong
phòng của mình. Vâng, điều đó là đúng. Nếu bạn có thể ngồi im lặng trong phòng
bên trong của bạn, gần như mọi rắc rối sẽ biến mất. Bạn tạo ra chúng bằng việc
chạy lăng xăng đây đó. Bạn tạo ra chúng bằng việc bị gắn một cách không cần thiết
với ý nghĩ của bạn - cái không phải là của bạn. Bạn tạo ra chúng bởi vì bạn
không thể ngồi nghỉ ngơi được.
Samadhi parinam, biến đổi bên
trong, là việc lắng đọng dần của sao lãng và việc vươn lên đồng thời của nhất
tâm.
Đầu tiên Patanjali nói về
nirodh parinam, nhìn vào trong lỗ hổng giữa hai ý nghĩ. Nếu bạn liên tục nhìn,
dần dần các ý nghĩ lắng đọng, sao lãng lắng đọng - dần dần, dường như ai đó mới
đi qua, xe bò kéo vừa mới đi qua từ dòng suối núi, và bởi vì các bánh xe và người
đi qua, nhiều bụi bẩn đã nổi lên bề mặt. Toàn thể dòng suối mới vài giây trước
trong như pha lê bây giờ hoàn toàn ngầu bùn, bẩn. Nhưng thế rồi xe bò kéo đã đi
rồi và người đã đi rồi và dòng suối liên tục chảy: dần dần khi thời gian trôi
qua, lần nữa bụi lắng đọng vào lòng suối, lần nữa dòng suối trở thành trong như
pha lê.
Khi bạn nhìn vào trong lỗ hổng,
những xe bò kéo, đám đông các ý nghĩ của bạn, điều đã quấy rối bản thể bạn hoàn
toàn thế, dần dần đi xa, xa hẳn, và dòng suối tâm thức bên trong của bạn bắt đầu
lắng đọng. Đây là điều Patanjali gọi là samadhi parinam, biến đổi bên trong
"... là việc lắng đọng dần của sao lãng và việc vươn lên đồng thời của nhất
tâm." Nó có hai phần của nó. Một mặt, sao lãng lắng đọng, và mặt khác, nhất
tâm nảy sinh.
Khi bạn đầy ý nghĩ quá nhiều, bạn
không là một người. Bạn không là một tâm thức; bạn gần như đám đông, nhiều người.
Khi có các ý nghĩ và động thái của bạn là nhìn vào ý nghĩ, bạn bị phân chia; bạn
bị phân chia thành nhiều phần như có nhiều ý nghĩ trong tâm trí bạn. Từng ý
nghĩ trở thành sự phân chia của bản thể bạn. Bạn trở thành đa hồn; bạn không là
một hồn. Bạn không là một, bạn trở thành nhiều, bởi vì từng ý nghĩ đều mang một
phần của bạn và phân chia bạn - và những ý nghĩ đó đang chạy theo mọi hướng. Bạn
gần như điên. Tôi đã nghe:
Một người hướng dẫn xứ
Scottland trở về từ việc đưa ông mục sư mới đi săn gà gô trên đồng hoang và
gieo mình một cách mệt lử vào chiếc ghế trước ngọn lửa.
"Trà nóng đây anh. Anh
Angus." Vợ anh ta nói. "Còn ông mục sự mới có bắn giỏi không?"
Anh chàng già phì phèo cái tẩu
một chút, rồi anh ta trả lời, "A, ông ấy bắn tốt, nhưng điều tuyệt diệu
làm sao, thực thế, là Trời bảo vệ chim khi ông ấy bắn."
Bạn đã bỏ lỡ mục tiêu của bạn bởi
vì bạn không nhất tâm. Bạn đã bỏ lỡ tất cả những điều bạn muốn bởi vì bạn không
nhất tâm. Toàn thể khổ của con người là ở chỗ con người chạy theo nhiều hướng đồng
thời - tuyệt đối không được quyết định, không có tính quyết đoán, không biết
mình đi đâu, không biết mình đang làm gì.
Tôi đã nghe nói rằng hai chính
khách gặp nhau tại cửa một nhà phân tâm. Một người đi ra, và người kia, người
đang đi vào, lên tiếng hỏi, "Ông đi vào, hay ông đi ra đấy?" Người
đang đi ra nói. "Này, nếu tôi biết tôi đang đi vào hay đang đi ra thì tôi
đã không ở đây rồi."
Không ai biết liệu mình đang đi
ra hay đi vào. Bạn đang đi đâu? Bạn đang tìm cái gì?
Bạn liên tục bỏ lỡ bởi vì mục
tiêu của bạn liên tục thay đổi. Nó là một luồng. Có cả nghìn lẻ một mục tiêu
quanh bạn, và bạn là nghìn lẻ một người, một đám đông - đám đông bắn vào đám
đông mục tiêu. Toàn thể cuộc sống chứng tỏ là trống rỗng.
"Samadhi parinam, biến đổi
bên trong, là việc lắng đọng dần của sao lãng và việc vươn lên đồng thời của nhất
tâm." Khi ý nghĩ biến mất - các ý nghĩ là những sao lãng - nhất tâm nảy
sinh. Bạn trở thành một. Dòng suối tâm thức chảy theo một chiều, nó trở thành
có hướng. Nó có chiều bây giờ. Nó có thể đạt tới; nó có thể trở thành sự hoàn
thành.
Ekagrata parinam, biến đổi nhất
tâm, là hoàn cảnh của tâm trí trong đó đối thể của tâm trí đang lắng xuống được
thay thế trong khoảng khắc tiếp bởi một đối thể tương tự đích xác.
Bình thường, ý nghĩ này đi, ý nghĩ
khác tới từ một tính cách khác hoàn toàn. Buồn đi/ hạnh phúc tới. Hạnh phúc đi/
thất vọng tới. Thất vọng đi/ giận tới. Giận đi/ buồn tới. Bầu khí hậu quanh bạn
liên tục thay đổi, và với bầu khí hậu đó bạn thay đổi. Mọi khoảnh khắc bạn đều
mang mầu sắc khác cho bản thể của bạn. Do đó, không gì ngạc nhiên là bạn không
biết bạn là ai - bởi vì buổi sáng bạn giận, đền giờ ăn trưa bạn hạnh phúc, đến
chiều bạn buồn, đến tối bạn thất vọng. Bạn không biết mình là ai. Bạn thay đổi
nhiều thế bởi vì từng mầu trôi qua bạn đều trở thành sự đồng nhất của bạn trong
vài khoảnh khắc.
Ekagrata parinam là trạng thái
của tâm thức bạn nơi thay đổi này dừng lại. Bạn trở thành nhất tâm. Và không chỉ
điều đó, nếu bạn muốn giữ lấy một trạng thái vấn đề bạn có khả năng giữ lại nó.
Nếu bạn muốn vẫn còn hạnh phúc, hạnh phúc được thay thế bằng hạnh phúc, lại bằng
hạnh phúc, lại bằng hạnh phúc. Nếu bạn muốn vẫn còn hạnh phúc bạn vẫn còn hạnh
phúc. Nếu bạn muốn vẫn còn buồn, điều đó là tuỳ ở bạn. Nhưng thế thì bạn là người
chủ. Bằng không, mọi thứ liên tục thay đổi.
Tôi liên tục quan sát bạn. Dường
như không thể tin được làm sao bạn xoay xở được. Một hôm một đôi tới tôi và họ
nói. "Chúng tôi đang trong tình yêu sâu sắc. Xin ban phúc lành cho chúng
tôi." Và ngày hôm sau họ quay lại và họ nói, "Chúng tôi đã cãi nhau,
và chúng tôi đã tách ra." Điều nào đúng? Tình yêu, hay cãi nhau? Chẳng cái
gì dường như là đúng với bạn. Mọi thứ dường như chỉ là một luồng. Không cái gì
dường như ở lại. Không cái gì dường như là một phần của bản thể bạn. Mọi thứ dường
như chỉ là một phần của quá trình suy nghĩ của bạn - với ý nghĩ này, mầu này; với
ý nghĩ khác, mầu khác. Chuyện xảy ra:
Một cô gái cận thị nặng tới mức
đeo kính cũng vô ích quyết định lấy chồng. Cô ấy cuối cùng cũng tìm được cho
mình một tấm chồng và đi tuần trăng mật ở thác Niagara cùng anh ta. Khi cô ấy
trở về, mẹ cô ấy kêu đinh tai, chạy tới điện thoại và gọi bác sĩ nhãn khoa.
"Bác sĩ ơi," bà ta hổn
hển, "ông phải tới đây ngay. Trường hợp khẩn cấp. Con gái tôi bao giờ cũng
từ chối đeo kính, và bây giờ nó trở về từ tuần trăng mật và - ."
"Bà ơi," bác sĩ ngắt
lời, "xin bà kìm lại đã. Đưa con bà tới văn phòng của tôi đi. Mắt nó tệ thế
nào cũng không thành vấn đề, không thể có chuyện nhiều khẩn cấp thế."
"Ồ không?" người mẹ
nói. "Thế này, cái thằng nó đem đi cùng nó không phải là đứa nó đã bỏ lại ở
thác Niagara.
Nhưng đây là tình huống của mọi
người. Người đàn ông bạn yêu vào buổi sáng bạn ghét vào buổi tối. Người đàn ông
bạn ghét vào buổi sáng bạn rơi vào tình yêu lúc tối. Người đàn ông hay đàn bà
trông đẹp mới hôm nọ, hôm nay đã trở thành xấu. Và đó là trường hợp khẩn cấp.
Và theo cách này bạn cứ tiếp diễn,
như mẩu gỗ trôi giạt, chỉ nhờ gió. Gió đổi chiều, và chiều của bạn bị đổi theo.
Bạn chưa có linh hồn nào.
Gurdjieff hay nói với đệ tử của
ông ấy. "Trước hết hiện hữu đã, bởi vì ngay bây giờ ông không hiện hữu. Để
điều này là mục đích duy nhất trong đời ông - hiện hữu." Ai đó sẽ hỏi ông ấy,
"Làm sao chúng tôi có thể yêu được?" Ông ấy sẽ nói, "Đừng hỏi điều
vô nghĩa. Trước hết hiện hữu đi, bởi vì chừng nào ông còn chưa hiện hữu, làm
sao ông có thể yêu được?"
Chừng nào bạn chưa hiện hữu,
làm sao bạn có thể hạnh phúc được? Chừng nào bạn chưa hiện hữu, làm sao bạn có
thể làm cái gì đó? Hiện hữu được cần ngay chỗ đầu tiên, thế thì mọi thứ trở thành
có thể.
Jesus nói, "Trước hết ông
tìm vương quốc của Thượng đế, và thế rồi mọi thứ sẽ được thêm vào cho ông.' Tôi
muốn thay đổi nó chút ít, Trước hết ông tìm hiện hữu, vương quốc của hiện hữu,
và thế rồi mọi thứ sẽ được thêm vào cho ông. Và đó là nghĩa của Jesus. Vương quốc
của Thượng đế là một thuật ngữ cổ cho vương quốc của hiện hữu. Trước hết hiện hữu
đã, thế rồi mọi thứ là có thể, nhưng ngay bây giờ khi tôi nhìn vào bạn, bạn
không hiện hữu ở đó. Nhiều khách có đó, nhưng chủ lại thiếu.
Ekagrata parinam, nhất tâm
trong tâm thức, là sự cần thiết cơ bản để cho hiện hữu của bạn có thể nảy sinh.
Trong một luồng sự hiện hữu sẽ là không thể được. Nhiều nhất, bạn có thể liên tục
trở thành cái này và cái nọ và cái kia, nhưng bạn sẽ không bao giờ là sự hiện hữu.
Bởi điều đã được nói trong bốn
câu kinh cuối, thuộc tính, tính cách, và biến đổi hoàn cảnh trong các phần tử
và giác quan cũng được giải thích.
Và Patanjali nói đây là tình huống:
thế giới đang thay đổi quanh bạn, thân thể đang thay đổi, giác quan đang thay đổi,
tâm trí đang thay đổi - mọi thứ đều thay đổi - và nếu bạn cũng thay đổi, thế
thì không có khả năng nào tìm ra cái vĩnh hằng, cái không thay đổi. Những điều
này đang thay đổi, điều đó là đúng. Thế giới đang thay đổi, điều đó là đúng. Thế
giới đang thay đổi liên tục. Nó là một quá trình: nó không có hiện hữu. Nó là một
luồng. Để nó là vậy đi. Chỉ có một thứ thường hằng trong thế giới, và đó là
thay đổi. Mọi thứ khác đều thay đổi - ngoại trừ việc thay đổi. Duy nhất thay đổi
vẫn còn như một đặc điểm thường hằng.
Thân thể đang thay đổi, liên tục,
mọi khoảnh khắc. Từng khoảnh khắc nó đều tuôn chảy và thay đổi; bằng không làm
sao bạn sẽ trở nên già được, làm sao bạn sẽ trở thành thanh niên, làm sao đứa
trẻ trở thành thanh niên? Bạn có thể nói về ngày đứa trẻ trở thành thanh niên
không? Bạn có thể nói về ngày nào thanh niên trở thành người già không? Khó. Thực
ra, nếu bạn hỏi nhà sinh lí học họ vẫn chưa rõ ràng biết đích xác khoảnh khắc
nào người ta nói một người là sống và bây giờ người đó chết. Không thể nào quyết
định được. Định nghĩa này vẫn không rõ ràng bởi vì sống là quá trình. Thực ra
khi bạn đã chết, gần chết, và bạn bè của bạn đã từ bỏ bạn rồi, một vài quá
trình vẫn tiếp tục trong thân thể - móng vẫn mọc ra, tóc vẫn mọc ra. Một phần của
bạn dường như vẫn sống và hoạt động.
Khi nào đích xác một người chết,
điều đó vẫn không được xác định. Thực ra, sống và chết không thể được xác định;
nó là hiện tượng luồng chảy. Thân thể liên tục thay đổi, tâm trí liên tục thay
đổi - mọi khoảnh khắc tâm trí đều thay đổi.
Nếu bạn nhìn vào trong thế giới
đang thay đổi này trong những sao lãng này của con người bạn, và tìm chân lí,
Thượng đế, phúc lạc, thế thì bạn sẽ bị thất vọng. Đi vào bên trong đi. Đi vào
trong lỗ hổng nơi thế giới không tồn tại, thân thể cũng không, tâm trí cũng
không. Ở đó, lần đầu tiên, bạn đi tới mặt đối mặt với cái vĩnh hằng, cái vô thuỷ
vô chung, cái không có thay đổi trong nó.
Dù chúng là ngấm ngầm, tích cực,
hay không biểu lộ, mọi thuộc tính đều kế thừa trong nền cơ sở.
Patanjali nói dù hoa chết hay
dù hoa đang nở cũng không tạo ra khác biệt gì. Khi hoa đang nở nó đang chết, và
khi hoa đã chết nó lại đang cố quay lại. Sáng tạo liên tục diễn ra qua quá
trình của phá huỷ và sáng tạo, phá huỷ và sáng tạo. Đây là điều Patanjali gọi
là prakriti. Prakriti, lần nữa, là một từ không thể dịch được. Nó không phải chỉ
là sáng tạo: nó là chính quá trình sáng tạo và phá huỷ.
Mọi thứ trở thành biểu lộ, biến
mất, trở thành không biểu lộ: nhưng nó vẫn còn trong tầng nền móng, prakriti. Lần
nữa nó sẽ quay lại. Hè tới và rồi đi: hè quay lại, lại tới. Đông có đó, ra đi:
lần nữa nó sẽ tới. Nó liên tục chuyển động. Hoa xuất hiện, biến mất. Mây tới,
biến mất. Thế giới cứ di chuyển trong vòng tròn.
Mọi sự đều có hai trạng thái:
biểu lộ và không biểu lộ. Bạn ở bên ngoài chúng. Bạn không là biểu lộ, không là
không biểu lộ. Bạn là nhân chứng. Qua nirodh parinam, qua lỗ hổng giữa hai ý
nghĩ, bạn sẽ có thoáng nhìn đầu tiên về nó. Thế rồi tiếp tục thu thập những lỗ
hổng đó, tiếp tục chồng chất những lỗ hổng đó. Và bao giờ cũng nhớ, bất kì khi
nào hai lỗ hổng có đó chúng đều trở thành một. Hai lỗ hổng không thể là hai được.
Chúng không giống như hai vật; chúng là hai cái trống rỗng. Chúng không thể là
hai được. Bạn đem hai số không tới gần chúng trở thành một. Chúng nhảy vào nhau
bởi vì hai số không không thể là hai số không. Số không bao giờ cũng là một thứ.
Bạn đem cả nghìn lẻ một số không về nhà - chúng sẽ nhảy vào nhau và trở thành một.
Cho nên cứ chồng chất những lỗ
hổng đó lại, các số không của hiện hữu, và dần dần điều Patanjali đầu tiên gọi
là nirodh trở thành samadhi. Trong samadhi sao lãng biến mất, đi ra xa và xa và
xa mãi... và thế rồi biến mất; và nhất tâm nảy sinh trong hiện hữu của bạn. Đó
là thoáng nhìn đầu tiên về bạn là ai bên ngoài prakriti, bên ngoài trò chơi này
của sáng tạo và phá huỷ, bên ngoài trò chơi này của sóng và không sóng, hoa và
không hoa, của thay đổi, chuyển động, tính nhất thời. Bạn trở thành nhân chứng.
Nhân chứng đó là sự hiện hữu của bạn. Và đạt tới điều đó là toàn thể mục đích của
yoga.
Yoga nghĩa là: Unio Mystica. Nó
nghĩa là sự thống nhất, sự thống nhất huyền thoại với bản thân người ta. Và nếu
bạn là một với bản thân bạn, đột nhiên bạn nhận ra bạn đã trở thành một với cái
toàn thể, với Thượng đế, bởi vì khi bạn đi vào trong hiện hữu của bạn, nó lại
là sự trống rỗng, im lặng, im lặng không dứt vô cùng... và Thượng đế cũng là im
lặng. Hai im lặng không thể là hai - chúng nhảy vào nhau và trở thành một.
Bạn rút lui vào bản thân bạn,
và Thượng đế quay về. Bạn gặp gỡ trên đường; bạn trở thành một. Tính một này là
nghĩa của từ "yoga." Yoga nghĩa là trở thành một.
0 Đánh giá