Chương 8. Người yêu và người được yêu thành một

Chương 8. Người yêu và người được yêu thành một

Price:

Read more

Chuyến bay của một mình tới một mình
Bài giảng về Kaivalya Upanishad
Chương 8. Người yêu và người được yêu thành một

Nó cũng được gọi là Brahma, Shiva, Indra, aksharbrahman, param virat, Vishnu, prana, kalagni, và chandrama.
Người nhận ra rằng quá khứ và tương lai - nó tất cả đều là điều thiêng liêng - được giải thoát khỏi vòng sinh và tử.
Không có cách khác để giải thoát.
Người thấy rằng cái ngã lan tràn mọi người, và rằng tất cả mọi người lan tràn cái ngã, cũng thấy brahman, thực tại tối thượng. Không có cách khác.
Điều huyền bí tối thượng có nhiều cái tên, bởi vì về căn bản trong thực tế nó không có tên. Trước hết, cố hiểu đôi điều về tên gọi.
Trong tâm con người, có khao khát sâu sắc. Có lời cầu nguyện trong con người về điều thiêng liêng - nhưng làm sao mời cái là anam, không có tên? Cho dù bạn muốn kêu lên dưới chân điều thiêng liêng, bạn sẽ tìm thấy chân đó ở đâu? Bạn thậm chí có thể thấy khuấy động nảy sinh trong bản thể mình về nó, nhưng ở đâu, theo hướng nào, cảm giác này nên được hướng tới? Cho dù chân bạn muốn chạy tới nó, nó ở đâu? Không có địa chỉ, không có đường tới nó, không có hướng tới nó - bởi vì tất cả mọi chiều hướng đều thuộc vào nó, tất cả mọi con đường đều thuộc vào nó, mọi li không gian đều là ngôi đền của nó.
Con người đang trong khó khăn lớn, bởi vì khi con người đi con người phải đi theo hướng nào đó. Làm sao con người có thể đi không theo hướng nào cả? Con người chỉ có thể bước trên con đường nào đó. Con người không thể nào bước tới chỗ mọi con đường đều dẫn tới, hay nói cách khác, tới chỗ không con đường nào dẫn tới. Bất kì khi nào con người gọi, con người đều cần một cái tên để gọi. Cái tên này có thể chỉ là hình thức, nhưng con người cần cái tên để gọi.
Nhưng điều thiêng liêng không có tên. Gạt điều thiêng liêng sang một bên đi - chẳng cái gì trong thế giới này có tên nào cả! Chúng ta cho tên, chúng ta dùng những cái tên đó, nhưng việc dùng đó là tiện dụng, sự cần thiết hàng ngày. Cũng có nguy hiểm trong việc dùng tên: cái tên có thể được dùng nhiều tới mức dần dần sự vật vốn vô danh, con người vốn vô danh, lại trở thành điều phụ và cái tên trở thành điều quan trọng.
Khi đứa trẻ được sinh ra nó không tới với cái tên nào, nó tới như tấm bảng sạch, một tabula rasa. Nhưng trong vũ trụ bao la thế, cái nhãn nào đó cần phải được dán lên nó; bằng không sẽ khó mà nói được với nó, không thể trao đổi với nó được. Cho nên nếu chúng ta gắn cái tên giả cho nó, mọi thứ trở thành dễ dàng. Người ta có khả năng gọi nó, người ta có khả năng nói với nó hay nói về nó. Trao đổi và quan hệ với nó trở thành dễ dàng, có thể. Điều rất thú vị là đặt quan hệ với đứa trẻ thật khó, nhưng một cái tên, vốn dĩ không thực, lại trở thành cơ sở cho tất cả mọi việc đặt quan hệ và sự thân thuộc.
Tất cả mọi cái tên đều do con người đặt ra: mọi thứ, như nó vậy, đều vô danh. Bản thân sự tồn tại là vô danh. Nhưng cùng với tính hữu dụng của cái tên, có nguy hiểm khác: không có tên sẽ khó cho đứa trẻ sống. Và sống với cái tên, dần dần nó quên mất rằng nó đã được sinh ra mà không có tên và nó sẽ chết đi không có tên. Chẳng thành vấn đề cái tên đã được khắc vào nó mạnh thế nào, nó không thể đi vào bản thể bên trong của nó được - tại đó nó sẽ vẫn còn vô danh. Liên tục để người khác gọi nó bằng tên đi, nhưng bản thân nó không nên rơi vào trong ảo tưởng rằng nó là cái tên này.
Nhưng mọi người rơi vào ảo tưởng này, và thế thì con người bắt đầu sống và chết vì cái tên này. Mọi người nói rằng họ sẽ chết để cứu lấy tên mình, danh dự của mình, khỏi bị nhục nhã; uy tín của họ trở thành mọi thứ. Ngay cả ai đó nói tên bạn không đúng, bạn cũng bị tổn thương. Nếu ai đó phạm một hơi chút sai lầm về tên bạn, điều đó làm bạn bận tâm lắm. Cái tên dường như đã đi rất sâu vào trong bạn. Như một tiện ích thì tốt, nhưng nó đã trở thành chính bản thể bạn - và bạn đã quên mất bản thể thực của mình, cái vốn vô danh.
Cũng như cái tên là cần thiết cho con người bởi vì sống mà không có tên sẽ là khó khăn - nó là tiện ích, nó có tính ích lợi mà không thể bị huỷ bỏ. Tương tự, bất kì khi nào ai đó tìm chân lí tối thượng, người đó cảm thấy nhu cầu đặt tên cho chân lí. Những cái tên này cũng có ích lợi của chúng và nguy hiểm của chúng. Đây là lí do tại sao trong lời kinh trước, hiền nhân của Upanishad này đã nhắc tới Shiva, bởi vì đó là cái tên ưa thích của ông ấy. Nhưng ngay lập tức, trong lời kinh tiếp, ông ấy chỉ ra rằng tất cả những cái tên khác cũng thuộc vào cùng chân lí. Để tránh hiểu lầm rằng chỉ một cái tên là quan trọng, hiền nhân này nói rằng điều thiêng liêng cũng đã được gọi là Brahma, Shiva, Indra, aksharbrahman, param virat, Vishnu, prana, kalagni và chandrama. Tất cả những cái tên này đều thuộc vào nó. Có hàng nghìn cái tên khác nữa, nhưng trong vài cái tên này tất cả mọi cái tên có thể khác đều đã được bao hàm.
Chẳng hạn, theo tư duy Hindu, Brahma, Vishnu và Shiva là ba loại: tất cả các cái tên Hindu khác đều có quan hệ tới một trong ba cái tên này. Đây là ba loại cơ sở, và có lí do để có ba loại cơ sở này. Theo nhiều cách, tư duy Hindu là rất khoa học, rất tâm lí. Bất kì cái gì nó đã nói, nó đều nói theo cách đó bởi vì có sự cần thiết sâu sắc nào đó cho việc làm như vậy. Tâm trí của con người có thể bị phân chia thành ba kiểu. Có ba kiểu người, và nếu chúng ta phân chia họ thì sẽ có ba loại.
Trong tư duy Hindu số ba là rất có ý nghĩa. Ban đầu, mọi người nghĩ rằng nó chỉ là biểu tượng, nhưng khi khoa học đi sâu hơn vào vật chất họ nhận ra rằng số ba là có ý nghĩa. Khi nguyên tử được phân chia, họ đã phát hiện ra rằng nó bao gồm ba hạt: điện tử, nơ trôn và proton. Ba hạt này là các khối xây dựng cơ bản của vũ trụ và toàn thể vũ trụ được tạo ra từ ba khối xây dựng này. Nếu chúng ta liên tục phân chia và phân chia nhỏ thêm cho vũ trụ, chúng ta sẽ đi tới ba nhân vật này. Và nếu chúng ta cũng phân chia ba khối này, sẽ không có gì cả, chỉ còn cái trống rỗng, và cái không sẽ còn lại. Chúng ta đã gọi cái trống rỗng này là shunya, cái trống rỗng, chân lí tuyệt đối... cái vô danh. Và đơn vị đầu tiên của ba, ba ngôi đầu tiên đã được sinh ra từ cái trống rỗng này là điều người Hindu đã gọi là Brahma, Vishnu and Shiva.
Gọi nó là Brahma, Vishnu và Shiva cũng có nghĩa sâu sắc hơn ở các khía cạnh khác; vấn đề không chỉ là số ba. Điều điện tử, proton và nơ trôn chỉ ra là giống như ba từ này chỉ ra. Theo các nhà khoa học, một trong ba hạt điện tử này, cái tạo nên khối xây dựng cơ bản của vũ trụ là dương, một cái là âm và cái thứ ba là trung lập. Với Brahma, Vishnu và Shiva cũng vậy, một đằng khẳng định, một đằng phủ định và cái thứ ba là trung lập. Brahma là dương - tư duy người Hindu cảm nhận Brahma như đấng sáng tạo vũ trụ. Ông ấy tạo ra nó, ông ấy là người khởi thuỷ, cực dương. Shiva là người huỷ diệt - ông ấy là cực âm. Chính khía cạnh này làm tan biến vũ trụ, chấm dứt nó, phá huỷ nó. Vishnu là ở giữa hai điều này - ông ấy trung lập, ông ấy duy trì nó. Ông ấy không sáng tạo cũng không phá huỷ, ông ấy chỉ là sự hỗ trợ giữa đường. Chừng nào việc sáng tạo còn kéo dài, ông ấy duy trì nó bằng tính trung lập.
Từ notron hay proton không có giá trị nào bởi vì chúng cũng được cho các cái tên, và các tên Brahma, Vishnu và Shiva cũng không có giá trị nào bởi vì chúng nữa cũng là những cái tên được cho. Nhưng khi khoa học đặt tên, điều đó khác với khi tôn giáo đặt tên. Khác biệt là ở chỗ khi khoa học đặt tên thì tên không mang tính người, còn khi tôn giáo cho tên, tên mang tính người. Mối quan tâm của tôn giáo không dồn nhiều vào việc cái tên được đặt phải nói lên cái gì đó về điều đã được đặt tên; nó quan tâm chủ yếu rằng người nghe cái tên này có thể có mối nối với điều đã được đặt tên. Chỉ với lí do này mà điều thiêng liêng mới được gán cho một nhân cách.
Bạn không thể có mối quan hệ với notron. Bạn có thể dùng nó trong phòng thí nghiệm, bạn có thể di chuyển nó, phân tích nó, nhưng điều này không tạo ra mối quan hệ với notron bởi vì nó không phải là người. Nhưng bạn có thể có quan hệ với Shiva bởi vì ông ấy là người. Đây là khác biệt cơ bản giữa thuật ngữ mà tôn giáo và khoa học dùng: từ được khoa học dùng là vô nhân tính; từ được tôn giáo dùng mang nhân tính hoá, chúng gợi ra hình ảnh của một người.
Để tránh hiểu lầm rằng ba người này là tách biệt, chúng ta đã tạo ra ba ngôi - trimurti, chúng ta đã tạo ra những khuôn mặt của Brahma, Vishnu và Shiva trong một thần. Ba khuôn mặt này đại diện cho ba chức năng, nhưng cội nguồn họ vận hành là một và cùng một. Họ vận hành cho cái không có khuôn mặt nào. Ba khuôn mặt này là ba khuôn mặt của ba chức năng, nhưng bản thân sự tồn tại không có khuôn mặt nào.
Nếu bạn bắt gặp bức tượng của ba ngôi của Brahma, Vishnu và Shiva và bạn bỏ đi ba khuôn mặt này, điều bạn sẽ còn lại biểu diễn cho sự tồn tại. Ba khuôn mặt này là ba cách diễn đạt của sự tồn tại. Và khoa học bây giờ đồng ý rằng không cái gì có thể được tạo ra mà không có ba năng lượng này. Nếu cái khẳng định bị thiếu, sự vật không thể được tạo ra; nếu cái phủ định, cái phá huỷ, bị thiếu, không thể có thay đổi một khi nó đã được tạo ra; nếu cái duy trì bị thiếu, thế thì cho dù một sự vật được tạo ra, nó không thể kéo dài được bởi vì nó sẽ không được duy trì. Để bất kì cái gì tồn tại được, ba điều này là tuyệt đối phải có.
Cho nên ba khuôn mặt này là những hạt cơ bản trong khoa học của tôn giáo: Brahma, Vishnu và Shiva. Ba tên này là những cái tên cho thực tại tối thượng. Tất cả những nam thần và nữ thần khác đã từng được tạo ra trên thế giới, tất cả những cái tên khác, đều có quan hệ tới một trong ba cái tên này. Đây là lí do tại sao người Hindu nói rằng đấng giáng thế này, hoá thân thiêng liêng kia đều là một hoá thân của Vishnu. Điều này nghĩa là ông ấy rơi vào trong loại Vishnu. Nếu một thiên thần giáng thế được gọi là một hoá thân của Shiva, điều đó nghĩa là ông ấy thuộc về loại của Shiva. Nếu thần khác được gọi là hoá thân của Brahma, điều đó nghĩa là ông ấy thuộc về loại Brahma. Nhưng nếu bạn nhìn sâu vào trong nó, tất cả những hoá thân thiêng liêng đều thuộc loại Vishnu. Với việc sáng tạo, công trình của Brahma được kết thúc; không có nhu cầu cho ông ấy hoá thân. Shiva sẽ được cần tới chỉ vào lúc huỷ diệt, cho nên không có nhu cầu cho ông ấy hoá thân. Chỉ Vishnu mới liên tục hoá thân vào các hình dạng khác nhau chừng nào việc sáng tạo còn kéo dài. Cho nên dù đó là Rama hay Krishna hay ai đó khác, bao giờ Vishnu cũng là người đã hoá thân qua họ.
Dây chuyền các hoá thân Vishnu này gợi ý rằng đó là người duy trì, người phải quay đi quay lại. Đấng sáng tạo sẽ cho hướng dẫn và việc sáng tạo sẽ xảy ra. Đấng huỷ diệt sẽ phá huỷ một lần và công việc của ông ấy chấm dứt. Chỉ đấng duy trì mới phải hỗ trợ cho việc sáng tạo mọi lúc, đấng này sẽ được cần đi cần lại mãi. Do đó, phần lớn các hoá thân đều là hoá thân của Vishnu.
Hiền nhân này đã nhắc tới ba thần này theo ý niệm của người Hindu, nhưng ông ấy cũng đã nhắc tới những người khác. Ông ấy đã nhắc tới Indra. Indra không phải là tên cho quyền năng tối thượng; nó không phải là tên ở cùng mức độ như Brahma, Vishnu và Shiva. Nếu chúng ta nhìn vào con người, khó mà tìm được người có tầm nhìn sâu sắc tới mức họ có thể tràn đầy tình yêu với Brahma, Vishnu và Shiva, bởi vì chức năng của ba thần này rất giống những hiện tượng khoa học. Sau rốt, bạn có thể hỏi được cái gì từ Brahma? Chức năng của họ là ở trong nền tảng bản chất của sự tồn tại.
Nhưng con người yếu đuối, rất yếu đuối. Con người yếu tới mức con người sẽ không có khả năng tạo ra mối quan hệ với những nền tảng bản chất. Đây là lí do tại sao tất cả các tôn giáo trên thế giới đã tạo ra khái niệm về Thượng đế, và cũng tạo ra đa thần. Khái niệm về đa thần là để dành cho những người còn chưa thể vươn tới được ý tưởng về một Thượng đế.
Ở đây, cũng sẽ tốt để hiểu ba điều. Một là sự tồn tại tuyệt đối. Nó là vô hình dạng. Những người như Phật Gautam gắn với điều này, do đó ông ấy nói rằng ý tưởng về Thượng đế, ý tưởng về Brahma, Vishnu và Shiva - tất cả những ý tưởng này đều vô dụng.
Điều thú vị là tất cả những câu chuyện về sự thức tỉnh của Phật, chứng ngộ của ông ấy, đều rất đáng yêu. Chúng cũng đã gây ra nhiều tổn thương cho người Hindu, cho tất cả những người coi Brahma, Vishnu và Shiva là cao nhất.
Có câu chuyện là khi Phật đạt tới chứng ngộ, Brahma, Vishnu và Shiva, cả ba người trong số họ, đều tới và cúi mình dưới chân Phật tay khoanh lại.
Đó là câu chuyện rất hay. Câu chuyện này để lộ ra rằng sự tồn tại tuyệt đối thậm chí còn ở ngoài Brahma, Vishnu và Shiva. Và khi ai đó nhận ra điều tuyệt đối, Brahma, Vishnu và Shiva nhất định cúi mình dưới người đó.
Chứng ngộ đã xảy ra cho Phật, nhưng thế rồi ông ấy vẫn còn im lặng bởi vì ông ấy đã cảm thấy việc diễn đạt điều ông ấy đã kinh nghiệm là quá khó. Và cho dù ông ấy có xoay xở để nói nó theo cách nào đó, ai sẽ hiểu được nó? Cho nên Phật đã ngồi im lặng trong bẩy ngày. Câu chuyện là ở chỗ điều này tạo ra biến động lớn trong các thần - biến động trong các thần đấy! Con người còn chưa nhận biết về việc xảy ra này. Các thần tất cả đều trở nên buồn, bởi vì một hiện tượng như Phật chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, theo thời đại. Nếu Phật vẫn còn im lặng, thế thì dù ông ấy có tồn tại hay không cũng sẽ không có hậu quả gì cho thế giới ý thức bao la này. Trong bẩy ngày họ đã chờ đợi, bởi vì Phật đã trong trạng thái mà ngay cả sự hiện diện của các thần cũng đã là sự nhiễu loạn. Từ một khoảnh cách, họ chờ đợi trong bẩy ngày để Phật nói. Bản thân họ cũng háo hức để biết, để nghe cái gì đó về chân lí tối thượng.
Điều rất thú vị là ngay cả Brahma, Vishnu và Shiva cũng háo hức để biết về chân lí tối thượng mà Phật đã biết, bởi vì ngay cả họ, tốt nhất, cũng chỉ là khuôn mặt bên ngoài của nó. Phật đã đi vào trong cái đang được giấu kín đằng sau ba khuôn mặt đó. Họ muốn hỏi ông ấy đã tìm thấy cái gì. Sau khi Phật đã im lặng trong bẩy ngày, họ phải quấy rầy ông ấy. Họ tới chân ông ấy và yêu cầu ông ấy nói.
Phật nói, “Điều ta đã biết không thể nói ra được. Và cho dù ta có nói nó, ai sẽ hiểu nó đây?”
Brahma, Vishnu và Shiva thậm chí không thể nói được rằng ít nhất họ sẽ hiểu, bởi vì họ chỉ là những khuôn mặt bên ngoài của thực tại tối thượng. Ngay cả họ cũng không phải là điện thờ bên trong, họ chỉ là người gác cổng bên ngoài. Họ đã trở nên buồn và bắt đầu khóc và cầu nguyện.
Thế rồi cả ba thần nghĩ thêm về điều đó. Họ quay lại và nói với Phật, “Chúng tôi hiểu rằng điều thầy muốn nói là không thể nói ra được, và cũng chưa từng được nói ra. Chúng tôi bao giờ cũng biết rằng điều đó không thể được nói ra, và chúng tôi cũng đồng ý rằng cho dù thầy nói nó, nó sẽ không được mọi người hiểu. Và cho dù nếu ai đó mà hiểu nó, việc thực hành nó sẽ rất khó. Dầu vậy, chúng tôi cầu xin thầy nói, bởi vì có vài người, những người đang đứng ở chính ngưỡng cửa. Họ ở trong thế giới, nhưng đứng ở đường biên, và nếu thầy nói... Và vấn đề không phải là điều thầy nói - chính việc nói của thầy, chính bản thể thầy, sẽ trở thành sự thúc đẩy và họ sẽ lấy cú nhảy. Nếu thầy nói cho một trăm người và cho dù một người xoay xở để nhảy, thì đây là từ bi vĩ đại rồi.”
Và Phật đồng ý nói.
Câu chuyện này làm tổn thương tâm trí Hindu, nhưng tâm trí Hindu bị tổn thương đó đã không hiểu được nó. Họ bị tổn thương bởi vì việc làm cho các thần của họ, Brahma, Vishnu và Shiva cúi mình trước Phật là không đúng. Nhưng câu chuyện này lại rất có giá trị và rất hợp với tư duy Hindu bởi vì nó chỉ ra Brahma, Vishnu và Shiva như những đấng sáng tạo, đấng duy trì và đấng huỷ diệt của thế giới: họ là một phần của thế giới, chỉ là các viên chức. Vào ngày thế giới biến mất, họ cũng sẽ biến mất. Bên ngoài điều đó, họ không có giá trị nào. Đi vào cái bên ngoài họ được gọi là samadhi, thức tỉnh, chứng ngộ.
Nhưng rất khó đạt tới thực tại tối thượng đó. Khó để đạt tới ngay cả cho Brahma, Vishnu và Shiva! Cho nên con người cần các thần ở trạng thái thấp hơn, để cho con người có thể có quan hệ nào đó với họ. Cho nên con người đã tạo ra các thần khác, và Indra ở đây là biểu tượng cho những thần khác đó.
Trong lời kinh này, Indra đại diện cho các thần được tạo ra từ ham muốn và đam mê của con người, từ đó con người yêu cầu mọi sự và ân huệ. Đây là lí do tại sao nếu bạn đọc Vedas, chín mươi chín trong một trăm kinh đều động tới Indra và động tới các thần ở mức độ này. Và trong tất cả những lời kinh này nơi lời cầu nguyện đề cập tới Indra và các thần khác, tất cả những lời cầu nguyện đó đều chỉ là những ham muốn bình thường của tâm trí con người. Con bò của ai đó đã hết sữa, cho nên người đó cầu nguyện, “Cầu thần Indra, xin cho con bò của con bắt đầu lại có sữa!” Mưa đã không có trên cánh đồng của ai đó và người này cầu nguyện, “Cầu thần Indra, xin cho mưa khắp cánh đồng của con!”
Hai điều nữa là cần thiết để có thể hiểu được điều này. Tư duy Hindu là nỗ lực để giúp cho tất cả các loại người khác tìm ra con đường của họ. Bây giờ người có con bò đã mất sữa, người có cánh đồng đã lâu không được mưa, người có vợ bị ốm, người có con bị què, người đó có thể hỏi xin điều thiêng liêng cái gì? Đối diện với điều thiêng liêng, người ta trở thành không còn lời nói, không lời cầu nguyện nào là có thể. Người này thậm chí có thể nói gì với Brahma, Vishnu hay Shiva? Những vấn đề tầm thường này không phải là mối quan tâm của họ - họ có đó để sáng tạo hay phá huỷ toàn thế giới! Bây giờ người nghèo này đi đâu, tới ai? Người đó tìm thấy an ủi ở đâu? Người đó có thể tự mình làm nhẹ gánh ở đâu?
Điều tối thượng là bao la tới mức không có cách nào để bộc lộ vấn đề của người đó với nó. Với người này, Brahma, Vishnu và Shiva đang bận rộn với những điều xa xôi thế, và người đó cảm thấy không có mối nối. Điều thế giới được tạo ra, bị phá huỷ hay được duy trì tất cả đều ở bên ngoài người đó. Người này có thế giới nhỏ bé của riêng mình nơi con người đó đang ốm, nơi mái nhà người đó cần sửa, nơi con bò của người đó bỗng nhiên mất sữa. Đây là thế giới nhỏ bé của người đó, và dùng Brahma, Vishnu hay Shiva cho thế giới tí hon này thì cũng giống như cố dùng lưỡi kiếm nơi cần chỉ cần tới chiếc kim. Điều này sẽ thực sự làm hỏng miếng vải! Cho nên với những thứ kiểu này, tư duy Hindu đã tạo ra một loại thần nữa, như Indra. Đây là lí do tại sao Phật và Mahavira không có ý kiến tốt về Vedas. Krishna cũng không có ý kiến tốt về chúng - ông ấy không thể làm thế được. Không phải là họ có điều gì khó chịu đối với Vedas: đấy chỉ là việc chín mươi chín trong số một trăm câu, Veda chỉ liên quan tới thế giới tầm thường của con người thông thường.
Được nhìn từ quan điểm này, Veda không phải là kinh sách tối thượng. Được nhìn từ quan điểm khác, chúng trở thành kinh sách con người thực sự. Điều thiêng liêng sẽ phải được mang tới gần con người hơn: chỉ thế thì con người mới có thể lại gần điều thiêng liêng được. Một cách là để con người vươn lên ngày càng cao hơn và đi tới gần với điều thiêng liêng hơn - nhưng có rất ít người sẵn sàng vươn lên cao tới mức họ ở gần với điều thiêng liêng. Cách khác là ở chỗ chúng ta đem điều thiêng liêng xuống thấp, gần với con người hơn. Đây là lí do tại sao các thần như Indra cũng đã được tính tới trong lời kinh này.
Thế rồi vài cái tên khác cũng đã được dùng: aksharbrahman, cái tuyệt đối, thực tại bất diệt. Có một số người, đặc biệt là những người biểu lộ tính triết lí, với họ tất cả mọi từ được nhân cách hoá đều vô nghĩa. Như tôi đã nói trước đây, nếu điều thiêng liêng mà không được nhân cách hoá, nói chung, bạn không thể cảm thấy có bất kì mối nối nào với nó. Nhưng những người có khuynh hướng triết lí lại không thể nào cảm thấy có mối nối nào với điều thiêng liêng được nhân cách hoá. Khoảnh khắc nó được nhân cách hoá, họ bắt đầu cảm thấy không thoải mái. Họ ưa thích nó là vô hình dạng và vô nhân tính.
Chẳng hạn, Shankara: bất kì cái tên nào khác hơn brahman, cái toàn thể, thực tại tuyệt đối, đều sẽ là phiền hà cho ông ấy. Đấy không phải là vấn đề cao hơn hay thấp hơn; đấy là vì chiều cao riêng của Shankara. Với Shankara, Brahma, Vishnu và Shiva sẽ dường như hạ thấp ông ấy. Với Shankara, hay với người như ông ấy, aksharbrahman là biểu tượng, người đại diện. Nó đại diện cho mọi cái tên được cho ở bất kì đâu, bởi bất kì nhà tư tưởng nào, dù đó là Hegel hay Kant hay bất kì triết gia nào khác ở bất kì nơi nào trên thế giới. Dù nó là “cái tuyệt đối” hay bất kì cái tên nào họ cho, chúng tất cả đều được bao hàm trong cái tên này, aksharbrahman.
Nghĩa của aksharbrahman là năng lượng tối thượng không bao giờ tàn lụi, cái vĩnh hằng tồn tại giữa mọi thay đổi. Năng lượng mà vẫn tiếp tục bên trong mọi huỷ diệt và sáng tạo là aksharbrahman, là param virat. Từ aksharbrahman chỉ ra năng lượng bao giờ cũng có đó, luôn luôn hiện diện, nhưng không có gợi ý nào về nó có sự mở rộng nào, tính bao la nào. Có một số người mà với họ điều thiêng liêng giáng xuống như cái bao la, người có thoáng nhìn về điều thiêng liêng ở bất kì nơi nào có tính bao la: nhìn đại dương bao la, nhìn vào bầu trời vô hạn - nơi có sự mở rộng vô biên.
Có một loại mở rộng trong năng lượng vĩnh hằng, và một loại mở rộng khác trong tính bao la của bầu trời. Cố hiểu cả hai chúng đi. Mở rộng của năng lượng vĩnh hằng là theo chiều thời gian: cái đã có, bây giờ đang có và sẽ có trong tương lai. Chiều của thời gian trải qua khoảng mở rộng của thời gian, còn bầu trời là ở đây, ngay bây giờ, theo mọi hướng. Mở rộng của bầu trời là chiều không gian. Có những người có khả năng kinh nghiệm sự mở rộng thời gian, và có những người có khả năng kinh nghiệm sự mở rộng không gian; điều đó tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Chẳng hạn, nhà tư tưởng sẽ kinh nghiệm sự mở rộng của thời gian và thiền nhân sẽ kinh nghiệm ở đây và bây giờ sự mở rộng của bầu trời, của không gian.
Cho nên với nhà tư tưởng hiền nhân này đã gọi điều thiêng liêng là “aksharbrahman” - đó là phân loại của họ. Thế rồi tất cả mọi cái tên mà họ có thể cho điều thiêng liêng đều tới dưới phân loại này. Và hiền nhân này cũng đã gọi điều thiêng liêng là “param virat” sự mênh mông bao la, bởi vì với thiền nhân, thời gian dừng tồn tại. Không có thời gian cho người đó; người đó đi vào chiều của vô thời gian. Điều thiêng liêng được kinh nghiệm như sự mênh mông bao la trong chính khoảnh khắc này.
Cố hiểu điều đó đi: tính mênh mông của bầu trời là hiện diện ngay bây giờ. Tính mênh mông của dòng sông kéo dài ra đằng sau nó và lên phía trước nó. Dòng sông dài nhất kéo dài phía đầu của nó và ra kéo ra phía sau nó. Bầu trời kéo dài ở đây, bây giờ, mọi nơi. Param virat được kinh nghiệm trong thiền... param virat, sự mênh mông bao la. Cho nên thiền nhân đã chọn các từ như param virat và nhà tư tưởng đã chọn các từ như aksharbrahman.
Nhưng vấn đề không chấm dứt ở đây, bởi vì các luồng chảy khác cũng biểu lộ trong tâm thức con người. Chẳng hạn, prana, sinh lực. Người yogi đã biết tới điều thiêng liêng như sinh lực. Theo thuật ngữ của yoga, những từ như mahaprana, sinh lực vũ trụ, virat prana, sinh lực vô hạn, prana, sinh lực, đã được dùng cho điều thiêng liêng, bởi vì con đường của người yogi là để kinh nghiệm sinh lực ở bên trong thân thể riêng của mình. Khi kinh nghiệm đó đi sâu hơn, người đó cũng bắt đầu kinh nghiệm cùng sinh lực ở bên ngoài bản thân mình, ở mọi nơi. Một khoảnh khắc tới khi toàn thể vũ trụ được chất đầy bởi sinh lực này.
Trong thế kỉ này, các từ mà Bergson đã dùng cho điều thiêng liêng là đà sống (élan vital). Nó ngụ ý prana. Toàn thể công việc của người yogi là về prana. Đây là lí do tại sao chính quá trình rất cơ sở của yoga được gọi là pranayama. Pranayama nghĩa là sự trải rộng của prana, sự trải rộng vô hạn của prana. Bạn phải đi tới trạng thái mà sinh lực của bạn mở rộng vào trong tất cả, vào trong sinh lực của toàn thể vũ trụ. Đó là kinh nghiệm về mahaprana, hay prana. Yoga chưa bao giờ thích dùng các cái tên khác cho điều thiêng liêng, bởi vì yoga là cách tiếp cận khoa học tới việc làm thuần khiết prana, sinh lực.
Từ prana này, theo một nghĩa nào đó, là rất khoa học. Bao giờ cũng xảy ra việc chúng ta chọn một từ khớp với chiều hướng mà trong đó chúng ta tìm kiếm. Chẳng hạn, khoa học đã phát hiện ra rằng các hạt điện hay năng lượng điện là năng lượng cơ bản. Bởi vì toàn thể việc tìm kiếm là theo chiều của điện, dần dần từ đó trở thành cơ sở, và điều cuối cùng được tìm thấy đã được đặt tên là năng lượng điện.
Theo cùng cách này, yoga đã tìm kiếm điện được giấu kín trong thân thể và đã gọi nó là prana. Khi việc tìm kiếm được làm sâu hơn, yoga đã phát hiện ra rằng mọi thứ đều là một dạng của prana - cây là một dạng của prana, đá là một dạng của prana, và con người cũng là một dạng của prana. Prana là cấu phần cơ bản của tất cả mọi điều trong vũ trụ này.
Đây là một phân loại, và đây là lí do tại sao trong kinh này hiền nhân này đã cho prana một vị trí.
Có hai từ nữa trong lời kinh này: kalagni, ngọn lửa thời gian và chandrama, trăng. Kalagni...
Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng chính là chỉ Mahavira mới cho linh hồn một cái tên rất đáng ngạc nhiên. Mahavira đã gọi linh hồn là samaya, thời gian. Chỉ ông ấy mới làm điều này. Chỉ con người này, và chỉ theo truyền thống Jaina, họ mới cho cái tuyệt đối tên là samaya, thời gian.
Đây là lí do tại sao từ Jaina cho thiền lại là samayik, lối vào trong thời gian. Từ của họ là có giá trị, thậm chí còn có giá trị hơn từ dhyana, thiền, bởi vì trong từ dhyana việc hiểu lầm vẫn còn dai dẳng ở đâu đó rằng thiền là về đối thể nào đó. Trong từ samayik, hiểu lầm đó đã đi tới chấm dứt. Chỉ đi vào thời gian là thiền, chỉ đi vào cái ngã riêng của người ta là thiền. Và cái ngã được gọi là thời gian, kalagni, ngọn lửa thời gian. Có nhiều lí do tại sao họ gọi linh hồn là “thời gian.” Nếu chúng ta nhìn vào nó và đi ngược lại một chút, chúng ta sẽ có khả năng hiểu nó.
Có tảng đá: tảng đá chiếm không gian, không chiếm thời gian. Tảng đá không có ý tưởng nào về thời gian. Đây là lí do tại sao người Jaina nói rằng tảng đá có linh hồn thô thiển nhất, bởi vì nó không có kinh nghiệm nào về thời gian cả. Thế rồi có cây: nó cũng chiếm không gian, nhưng ở đâu đó trong chính hình dạng cơ bản của mình, nó cũng có kinh nghiệm về thời gian. Theo một cách rất thô, cây có cảm giác thời gian nào đó: nó trưởng thành theo thời gian, nó chín muồi. Chỉ người Jaina của quá khứ đã chấp nhận rằng cây cối có kinh nghiệm thời gian nào đó, mặc dầu điều đó rất khó chứng minh nó.
Nhưng bây giờ khoa học đã chứng minh rằng cây có kinh nghiệm thời gian. Cây có khối lượng nhận biết nào đó về chúng già thế nào. Chúng có nhận biết nhỏ bé về chúng đã ở trong thế giới này được bao lâu, nhưng chúng chỉ có kinh nghiệm về quá khứ, không có bất kì kinh nghiệm nào về tương lai.
Người Jaina tin rằng thực vật và cây cối có linh hồn đã hơi phát triển, cho nên theo người Jaina, ngay cả làm đau cây cối cũng là bạo hành - và điều đó là đúng. Ngay cả làm đau cây cối... Cho nên Mahavira đã nói rằng ăn chay thực sự chỉ là ăn quả sau khi nó đã rụng khỏi cây, sau khi đã chín. Hái quả chưa chín là không phải ăn chay đâu bởi vì điều đó nhất định gây đau cho cây. Mahavira đã không thể nào chứng minh được điều đó, nhưng tôi nói với bạn ngay từ đầu rằng bây giờ khoa học đã chứng minh rằng cây có kinh nghiệm việc đau. Điều đó là bạo hành, và bạo hành với cái rất hồn nhiên bởi vì cây không thể tự phòng thủ nó được theo bất kì cách nào, nó không thể tự bảo vệ mình theo bất kì cách nào. Nó thậm chí không thể nói được rằng nó bị đau.
Đây là lí do tại sao Mahavira đã không cho phép các sannyasin của mình du hành vào mùa mưa. Không phải bởi vì sannyasin này sẽ có rắc rối khi du hành trong mùa mưa đâu, không phải. Chỉ bởi vì cỏ và thực vật sẽ mọc trên đường và chúng sẽ phải chịu đau đớn. Do đó, sư Jaina phải đi ở những chỗ khô. Và bởi vì trong những ngày đó, rất khó tìm ra chỗ khô để mà bước, nên họ đã không bước đi chút nào. Mahavira đã yêu cầu các sư của mình đi ngoài chỉ vào chỗ khô ráo, không đi ngoài lên cây cối bởi vì có cuộc sống ở đó, một linh hồn rất nguyên thuỷ có đó. Cảm giác về thời gian đã bắt đầu ở đó, cho nên họ không nên gây ra bất kì mối hại hay đau nào cho thực vật đang mọc.
Điều đáng ngạc nhiên là chính là trong thế kỉ này khoa học đã bắt đầu trở nên nhận biết rằng cây cối cũng có cảm giác. Nhạy cảm của Mahavira là rất sâu. Ông ấy nói, “Ngay cả đi ngoài cũng đừng đi vào chỗ có thực vật và rau cỏ. Ông không nên gây ra ngay cả cái đau đó, ngay cả cái khổ đó. Nhớ lấy, một sinh linh đang có đó.”
Thế rồi Mahavira nói rằng con vật có cảm giác về thời gian thậm chí còn được phát triển hơn. Chúng có chút ít nhận biết về tương lai nữa, nhưng chỉ chút ít thôi. Chẳng hạn, con vật nào đó cũng thu thập và dành dụm thức ăn. Thực vật không làm điều đó; nó không thể làm điều đó được bởi vì nó không có nhận biết về ngày mai. Có những con chim làm việc thu xếp cho mùa mưa. Điều này nghĩa là theo cách nào đó, ở mức độ nào đó, chúng có nhận biết về ngày mai, rằng ngày mai có thể có rắc rối. Kiến thu thập thức ăn cho mùa mưa. Chúng dồn nỗ lực khổng lồ cho điều đó, chúng tất cả đều mang về bất kì cái gì chúng có thể mang được. Chúng thu thập tất cả nó, bởi vì đi ra ngoài vào mùa mưa sẽ khó khăn. Điều này nghĩa là chúng có một loại định hướng tương lai nào đó.
Mahavira nói rằng trong con vật, thậm chí có cảm giác thời gian lớn hơn. Ông ấy nói rằng cảm giác thời gian này cho manh mối về tiến hoá của linh hồn bên trong chúng.
Trong con người, có nhận biết mênh mông về thời gian. Không con vật nào khác có thể nghĩ về cái chết của riêng mình - tương lai đó quá xa xôi. Đây là lí do tại sao con vật không lo nghĩ toàn bộ, bởi vì chúng không có cảm nhận về cái chết, không có ý tưởng nào về nó. Chúng không thể suy nghĩ hay suy tư về cái chết trước khi nó xảy ra. Theo một cách nào đó, chúng hạnh phúc theo khía cạnh này bởi vì nhận biết về cái chết không hành hạ chúng, nó tới khi nó tới. Nhưng trước khi nó tới, không có ý nghĩ về cái chết trong tâm trí chúng. Đây là lí do tại sao con vật không thể tạo ra được tôn giáo, bởi vì tôn giáo được sinh ra chỉ khi cái chết trở thành một phần của nhận biết của bạn về thời gian.
Mahavira nói rằng con người có linh hồn tiến hoá nhất bởi vì con người nhận biết về cái chết. Nhưng có những người hiếm hoi người thậm chí nhận biết cả về việc sinh sau cái chết, bởi vì cảm giác về thời gian của họ thậm chí còn lớn hơn. Và thế rồi còn có những người hiếm hoi nhất, người nhận biết về sự tồn tại tối thượng bên ngoài tất cả mọi sinh và tử, bởi vì cảm giác về thời gian của họ đã phát triển toàn bộ. Những người nhận biết về nhu cầu vượt ra ngoài vòng sinh và tử, với những người điều đó cũng đã trở thành mối quan tâm, đều là những linh hồn cao nhất.
Mahavira đã phân loại các linh hồn chỉ dựa trên cơ sở thời gian. Ông ấy đã cho linh hồn cái tên “thời gian” - không có nhu cầu để cho nó bất kì cái tên nào khác. Linh hồn nghĩa là tâm thức về thời gian. Cho nên hiền nhân này đã tính tới cả kalagni, ngọn lửa thời gian, ngọn lửa sống của thời gian. Một số người cũng đã gọi thực tại tối thượng bằng cái tên đó.
Cái tên cuối cùng: chandrama, trăng. Cái tên này, chandrama, thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn, bởi vì trăng mà chúng ta biết chẳng liên quan gì tới trăng này. Mọi người tới tôi và hỏi, “Bây giờ các nhà khoa học đã thành công trong việc lên mặt trăng. Điều gì sẽ xảy ra cho mặt trăng mà được nhắc tới trong kinh sách của chúng ta?” Chẳng có quan hệ gì với mặt trăng đó cả. Nếu như có, thế thì bạn sẽ cảm thấy băn khoăn - nhưng không có. Chandrama, trăng, là biểu tượng cho một loại người tìm kiếm khác.
Người theo mật tông đã làm nghiên cứu sâu về các nadis, kênh năng lượng bên trong của con người. Cũng như yoga đã nghiên cứu về năng lượng prana trong con người, theo cùng cách, người theo mật tông đã nghiên cứu về các kênh năng lượng bên trong trong con người rất sâu. Họ đã phân chia những kênh năng lượng này thành hai phần: một phần họ gọi là surya, trời, và phần kia là chandra hay chandrama, trăng. Surya là nadis kênh năng lượng của kích động; chúng là nhiệt, nóng. Đây là lí do tại sao chúng lại được gọi là surya-nadis. Chandra-nadis là trầm lặng, bình thản, im lặng. Cách nhìn của mật tông là ở chỗ nhân cách được tạo ra bởi việc tổ hợp của surya-nadis và chandra-nadis; bản thân sự tồn tại được tạo ra bởi việc tổ hợp của surya và chandra. Làm cân bằng hai năng lượng này là toàn thể sadhana, toàn thể kỉ luật tâm linh.
Bạn có thể hiểu được điều đó theo cách này: mặt trời là cơ sở của cuộc sống, biểu tượng của ham muốn sống. Sức sống, chuyển động và đam mê tất cả đều là từ mặt trời. Đây là lí do tại sao với mặt trời lên, toàn thể thế giới đi vào trong ham muốn và đam mê. Con sóng của cuộc sống lan khắp trên thế giới như mặt trời lên. Chim chóc thức dậy, cây cối bắt đầu đi tới cuộc sống, con người trở dậy và việc theo đuổi cuộc sống bắt đầu. Khi mặt trời lặn, cuộc sống đi xuống, bóng tối đi vào; trời là đêm và mọi người rơi lại vào giấc ngủ.
Nhưng có hai loại đêm: đêm trăng và đêm không trăng. Đêm tối đại diện cho vô ý thức, đêm trăng đại diện cho samadhi, siêu tâm thức. Đêm tới với mọi người, và cũng tới với những người đã kiệt sức và mệt mỏi với cả ngày hoạt động - họ tất cả đều rơi vào giấc ngủ sâu. Sáng sẽ lại tới và mặt trời sẽ lại mọc lên. Nhưng thế rồi có những người đã không chỉ trở nên mệt mỏi với tất cả những hoạt động mặt trời này và đã rơi vào trong giấc ngủ sâu, họ cũng đã nhận ra cái vô tích sự của hoạt động mặt trời này và đã đi vào chiều hướng của trầm lặng, bình thản, của việc trở thành một với trăng.
Cho nên nhóm, cụm kinh nghiệm, nơi các kênh năng lượng bên trong đưa bạn tới trăng, tới an bình và trầm lặng, được gọi là chandrama. Theo ngôn ngữ của mật tông, người đạt tới trăng này là đạt tới param virat, tới sự mênh mông bao la. Người ta phải đạt tới trạng thái nơi có sống, nhưng bình thản và thanh bình như chết. Sẽ có sống, nhưng an bình như chết. Một ngày nào đó cuộc gặp gỡ này của sống và chết xảy ra, khoảnh khắc đó được gọi là chandrama, trăng. Đây tất cả đều là những từ tượng trưng.
Nó cũng được gọi là Brahma, Shiva, Indra, aksharbrahman, param virat, Vishnu, prana, kalagni, và chandrama.
Người nhận ra rằng quá khứ và tương lai
- nó tất cả đều là điều thiêng liêng - được giải thoát khỏi vòng sinh và tử.
Người hiểu hiện tượng này, hiện tượng có nhiều tên, người hiểu rằng sự mênh mông bao la này là vô danh và rằng tất cả mọi cái tên đều thuộc vào nó, người không trở nên bị mắc với các cái tên, trở nên tự do. Nếu ai đó trở nên bị mắc với các cái tên, điều đó nữa cũng chỉ là bắt đầu của một loại tính trần tục mới.
Người nhận ra rằng quá khứ và tương lai - tất cả đều là điều thiêng liêng - được giải thoát khỏi vòng sinh và tử.
Tên của điều thiêng liêng là tất cả những cái đang hiện hữu, tất cả những cái đang có và tất cả những cái sẽ có. Mọi hình dạng đã từng có, đang có và sẽ có cũng thuộc vào nó. Tất cả những cái đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra cũng là điều thiêng liêng. Người được nhắc nhở về điều thiêng liêng qua mọi kinh nghiệm, người bắt đầu thấy nó trong tất cả mọi chiều hướng, người dùng mọi thứ như con trỏ tới nó...
...Không có cách khác để giải thoát.
Người ta bắt đầu kinh nghiệm rằng tất cả mọi con đường đều đi tới điều thiêng liêng, rằng tất cả mọi hướng đều thuộc vào nó, rằng tất cả mọi cái tên đều thuộc vào nó, tất cả mọi cách diễn đạt - mọi thứ đều thuộc vào điều thiêng liêng. Khác hơn việc làm sâu sắc thêm nhận biết này, không có cách nào để giải thoát.
Cố hiểu điều này đi. Điều này nghĩa là bạn không thể nào được giải thoát. Chừng nào bạn còn có đó, không thể có giải thoát. Khi bạn trở thành trống rỗng toàn bộ, chỉ thế thì giải thoát mới xảy ra. Khi mọi thứ đều thuộc vào điều thiêng liêng và không cái gì là của bạn thêm nữa, chỉ thế thì giải thoát mới xảy ra. Theo ngôn ngữ của bạn, bạn nói “Giải thoát của tôi: làm sao tôi có thể tìm ra giải thoát của tôi được, làm sao tôi có thể đạt tới niết bàn của tôi được?” Điều này tuyệt đối sai, bởi vì chính là từ cái của tôi này mà người ta phải được giải thoát. Chính cái “tôi” này sẽ được biến đổi thành niết bàn, thành việc dừng lại. Chính cái “tôi” đó phải biến mất, chính cái “tôi” đó phải tan biến đi; không thể có giải thoát cho cái “tôi” này, cho cái “mình” này.
Đây là cùng ảo tưởng rằng ai đó ốm mà người đó lại hỏi, “Làm sao bệnh tật của tôi trở thành mạnh khoẻ được?” Liệu bệnh tật có phải trở thành mạnh khoẻ không? Không, bệnh tật phải trở thành không tồn tại để cho mạnh khoẻ có thể hiện hữu.
Tôi phải trở thành không tồn tại để cho giải thoát có thể hiện hữu. Không có điều như giải thoát của tôi. Nơi có giải thoát, không có tôi; nơi có tôi, không có giải thoát.
Giải thoát nghĩa là tự do tối thượng. Cho dù bạn có trở nên tự do với mọi thứ khác, nếu cái tôi còn lại cái đó nữa vẫn là sự tù túng.
Hiền nhân này nói, “Không có cách khác để giải thoát ngoại trừ khi tất cả đều trở thành của điều thiêng liêng - tất cả!” Sướng và khổ đều là của điều thiêng liêng, thành công và thất bại, thắng và thua, sinh và tử. Mọi thứ đều trở thành của điều thiêng liêng - không có ngoại lệ nào. Không cái gì bạn có thể gọi là của bạn mà còn lại. Chừng nào bạn có thể nói “của tôi” về bất kì cái gì, bạn sẽ vẫn còn trong tù túng bởi vì theo nghĩa chung cuộc, cái "của tôi" này là tù túng duy nhất bạn có.
Người thấy rằng cái ngã lan tràn mọi người, và rằng tất cả mọi người lan tràn cái ngã, cũng thấy brahman, thực tại tối thượng. Không có cách khác.
“Người thấy rằng cái ngã lan tràn mọi người, và rằng tất cả mọi người lan tràn cái ngã, cũng thấy điều thiêng liêng.” Người này đã siêu việt lên trên mọi giới hạn và đã phá huỷ tất cả mọi biên giới. Với người đó, cây này không xuất hiện như “ngươi,” thân thể này không xuất hiện như “ta” - cái “ta” của người đó xuyên thấu vào cây và cái "ngươi" của cây xuyên thấu vào người đó. Với người đó, không có đường biên của ta và ngươi trong thế giới này. Cảm thấy biên giới giữa ta và ngươi nghĩa là bạn vẫn cảm thấy bản thân mình là tách rời.
Martin Buber đã viết một cuốn sách, Ta và Ngươi. Martin Buber là triết gia Do Thái, một nhà tư tưởng lớn của thế kỉ này. Ông ấy là một trong vài nhà tư tưởng lớn của thế kỉ này - nhưng tư duy Do Thái không vượt ra ngoài ta và ngươi. Ông ấy đã làm một nghiên cứu sâu về mối quan hệ giữa ta và ngươi, và ông ấy nói rằng kinh nghiệm đỉnh cao nhất của cuộc sống xảy ra trong mối quan hệ hoàn hảo giữa ta và ngươi. Theo tư duy Do Thái, không ai có thể trưởng thành một mình được. Theo một nghĩa nào đó, đúng là không ai có thể một mình được. Và cho dù người đó có thế, người đó sẽ rất bất hạnh.
Điều này đáng để hiểu, bởi vì tư duy phương Đông chính là cái đối lập với điều này. Phương Đông nói rằng bạn càng đi vào trong cái một mình, bạn càng trở nên một mình, tuyệt đối một mình, bạn sẽ càng trưởng thành. Triết lí Do Thái thấy điều đó từ đầu kia: nó nói rằng bạn càng đi vào trong cái một mình, bạn càng trở nên nghèo nàn và khổ bởi vì không thể có trưởng thành mà không có mối quan hệ. Cho nên các mối quan hệ càng sâu hơn, bạn sẽ càng trưởng thành hơn. Và chiều sâu tối thượng của mối quan hệ là ở trong tính gần gũi giữa ta và ngươi. Khi bạn có thể nói “ngươi” với ai đó, thế thì qua điều này bạn cũng sẽ đạt tới chiều cao. Khi bạn gửi tới ai đó bằng tình yêu, bạn cũng được biến đổi. Cho nên điều đó là tốt, chiều hướng này là có giá trị.
Có hai kiểu người trên thế giới, và đây là lí do tại sao phương Đông và phương Tây đã trở thành biểu tượng cho hai kiểu người này. Jung đã chấp nhận hai kiểu nhân cách, và cũng đúng là như vậy: một là người hướng nội và kiểu kia là người hướng ngoại. Người hướng nội trưởng thành trong sự một mình: người đó càng một mình, người đó càng sẽ trưởng thành hơn. Sự hiện diện của người khác làm hại người đó. Bất kì khi nào người đó trở về từ đám đông, người đó đều cảm thấy rằng mình đã đánh mất đi cái gì đó. Bất kì khi nào người đó gặp người khác, người đó đều cảm thấy dường như người đó đã rơi xuống. Bất kì khi nào người đó nói với ai đó, người đó đều cảm thấy rằng cái gì đó trong người đó bị quấy rối. Khi người đó im lặng, trong một mình, với không ai khác ngoài bản thân người đó, người đó cảm thấy linh hồn mình soải cánh bay lên trời. Đây là người hướng nội. Phương Đông là biểu tượng cho hướng nội này. Cho nên, tôn giáo được sinh ra ở phương Đông đã nhấn mạnh vào đơn độc, một mình, tính chất sannyas, tự do khỏi mối quan hệ - giải thoát.
Tất cả các tôn giáo có nguồn gốc từ phương Tây, bên ngoài Ấn Độ, tất cả đều bắt nguồn từ tôn giáo Do Thái. Tất cả các tôn giáo đã được sinh ra ở Ấn Độ đều có gốc rễ trong Hindu giáo và tất cả các tôn giáo được sinh ra bên ngoài Ấn Độ đều có gốc rễ ở Do Thái giáo.
Hindu giáo và Do Thái giáo là các tôn giáo cội nguồn: tất cả các tôn giáo khác đều là chi nhánh. Hindu giáo hướng nội, Do Thái giáo hướng ngoại. Đây là lí do tại sao người Hindu không thể hiểu được người Do Thái chút nào và người Do Thái không thể hiểu được người Hindu. Gặp gỡ giữa hai người này là rất khó khăn; nó rất khó bởi vì họ là những kiểu người khác nhau. Người Do Thái nói, “Một mình sao? Một mình thì tôi sẽ chết, tôi sẽ co lại! Mọi sự trưởng thành đều trong mối quan hệ. Mối quan hệ càng phong phú, ý thức càng trưởng thành hơn.” Cho nên bạn sẽ không thấy nhà huyền môn Do Thái nào mà không có vợ và con. Nhà huyền môn Do Thái sẽ là một phần của xã hội; người đó không từ bỏ thế giới. Người đó thậm chí không thể nào quan niệm nổi điều đó. Ngược lại, người đó sẽ có nhiều mối quan hệ hơn người khác, bởi vì chính hiểu biết của người đó là ở chỗ người đó càng có nhiều mối quan hệ, người đó sẽ càng trưởng thành và phát triển hơn. Quan hệ lẫn nhau, quan hệ với người khác, là con đường trưởng thành của người đó.
Tư duy Do Thái nói rằng, chung cuộc, con người sẽ còn lại “ta” và toàn thể cái mênh mông sẽ trở thành “ngươi” - toàn thể vũ trụ sẽ trở thành "ngươi" và con người sẽ vẫn còn là “ta.” Trong gặp gỡ xảy ra giữa hai điều điều này, linh hồn con người sẽ đạt tới điều tối thượng và trưởng thành hoàn hảo. Nhưng tư duy Do Thái không vượt ra ngoài điều này.
Lời kinh này vượt ra ngoài điều này. Nó nói rằng chừng nào mà ngươi vẫn còn là ngươi và ta vẫn còn là ta, dù mối quan hệ có sâu sắc đến thế nào cũng chẳng thành vấn đề, nó vẫn không là điều tối thượng. Khoảng cách giữa hai điều này vẫn có đó, kẽ hở giữa hai điều này vẫn có đó. Cho nên tôi có thể yêu ai đó nhiều bao nhiêu cũng chẳng thành vấn đề, chừng nào người đó vẫn còn là ngươi đối với tôi và tôi là tôi, dù chúng ta có thể đi tới gần thế nào cũng không thành vấn đề, khoảnh cách sẽ vẫn còn lại. Khoảng cách này giữa ta và ngươi có thể rất nhỏ, nhưng dầu vậy nó vẫn là khoảnh cách. Và một điều thú vị về khoảnh cách là ở chỗ nó càng nhỏ, nó càng đau hơn, nó càng buốt hơn. Khoảng cách càng lớn nó càng ít được để ý tới hơn. Khoảng cách được chú ý tới chỉ khi nó rất nhỏ, và thế thì đau là khủng khiếp.
Đây là lí do tại sao có nguyên nhân cố hữu cho nỗi đau đớn mà những người yêu trải qua: khoảng cách đã trở nên nhỏ bé thế, vậy mà nó vẫn không biến mất hoàn toàn. Nó chưa bao giờ biến mất, mặc dầu khoảng cách trở nên nhỏ tới mức nó tạo ra hi vọng rằng chẳng mấy chốc nó sẽ biến mất hoàn toàn. Và mỗi lúc những người yêu lại gần thế, sự cọ sát, sự đụng độ cũng bắt đầu xảy ra - nhưng khoảnh cách không tan biến toàn bộ. Cảm giác về khoảng cách chỉ bắt đầu trở nên rõ ràng hơn, sắc nét hơn thôi. Theo một nghĩa nào đó, khoảng cách càng nhỏ đi, thì khoảng cách lại càng trở nên lớn hơn bởi vì bây giờ nó gây đau nhiều hơn. Nó gây đau nhiều hơn bởi vì bây giờ nó cảm thấy rằng khoảnh cách có thể tan biến. Bây giờ bến bờ ở gần tới mức bạn có thể với tay ra và chạm vào người kia - nhưng cái chạm không xảy ra và khoảnh cách vẫn liên tục còn lại. Cho nên cho dù bạn đi rất sâu tới điều thiêng liêng, ngôn ngữ có thể trở thành giống như ngôn ngữ của những người yêu, ta và ngươi - vậy mà khoảnh cách vẫn tiếp tục.
Người viết Upanishad này nói: Nếu cái ngã của người ta mà không được thấy trong mọi người và mọi người không được thấy trong cái ngã của người ta, nếu ngươi không trở thành ta và ta không trở thành ngươi, khoảng cách sẽ vẫn còn. Đây là bước nhảy cuối cùng - nơi người yêu trở thành người được yêu và người được yêu trở thành người yêu. Đây là bước nhảy cuối cùng, nơi người sùng kính trở thành Thượng đế và Thượng đế trở thành người sùng kính. Đây là bước nhảy cuối cùng, khi không còn rõ ai là ai. Ai là ai không còn được biết tới nữa.
Hiền nhân này nói:
Người thấy rằng cái ngã lan tràn mọi người, và rằng tất cả mọi người lan tràn cái ngã, cũng thấy brahman, thực tại tối thượng.
Không có cách khác.
Đây là phát biểu chung cuộc mà trí tuệ có thể nghĩ tới, mà nó có thể cảm nhận. Bên ngoài điều này, thế giới của cảm nhận chấm dứt và không còn khả năng nào cho suy nghĩ.
Đủ rồi... Bây giờ sẵn sàng cho thiền.

0 Đánh giá

Ads Belove Post