Read more
Trở về Cội nguồn
- Osho
Bài nói về Thiền
Chương 5. Phật
giáo giải thích thế nào về duy ngã độc tôn
Thừa tướng Quách Tử Nghi, thuộc triều nhà
Đường, là một chính trị gia nổi bật, một vị tướng lỗi lạc, và là một anh hùng
dân tộc được ngưỡng mộ nhất trong thời của ông ấy. Nhưng danh vọng, quyền lực,
của cải và thành công không thể làm ông ấy sao lãng khỏi mối quan tâm thiết tha
và sự sùng kính với Phật giáo. Tự coi mình là một Phật tử thành tâm khiêm tốn
và ngay thẳng, ông ấy thường tới thăm Thiền sư yêu mến của mình để học dưới sự
chỉ bảo của Thiền sư.
Ông ấy và Thiền sư dường như rất tâm đầu ý
hợp. Sự kiện là ông ấy là thừa tướng dường như chẳng có ảnh hưởng nào tới liên
kết của họ. Không có dấu vết đáng để ý nào về sự lễ phép về phần Thiền sư, hay
về sự kiêu căng hão huyền về phần thừa tướng; mối liên kết dường như là liên kết
tôn giáo thanh tịnh của một thầy đáng kính và một đệ tử vâng lời.
Tuy nhiên, một hôm, khi ông ấy theo thường
lệ tới thăm Thiền sư, ông ấy đã hỏi câu hỏi sau: 'Kính thầy, Phật giáo giải
thích thế nào về duy ngã độc tôn?' Mặt Thiền sư đột nhiên tái xanh, và theo một
cách cực kì ngạo mạn và khinh bỉ ông ấy nói với thừa tướng: 'Ông nói gì vậy đồ
đần độn?' Việc coi thường vô lí và bất ngờ này làm tổn thương tình cảm của thừa
tướng tới mức làm cho mặt ông ấy sị ra vì giận.
Thế rồi Thiền sư mỉm cười và nói: 'Thưa đại
vương, đây là duy ngã độc tôn.'
Bản ngã là vấn đề cơ bản, cơ bản
nhất. Và chừng nào bạn chưa giải quyết được nó, không cái gì được giải quyết.
Chừng nào bản ngã chưa biến mất, điều Tối thượng không thể xuyên thấu bạn được.
Bản ngã giống như chiếc cửa
đóng. Khách đang đứng bên ngoài. Khách đã từng gõ cửa, nhưng cửa bị đóng. Không
chỉ cửa bị đóng, mà bản ngã còn liên tục diễn giải. Nó nói: Không có ai ở ngoài
cả, không khách nào tới, không ai đã gõ cửa, chỉ gió lớn đập cửa thôi. Nó liên
tục diễn giải từ bên trong, không nhìn vào sự kiện. Và cửa vẫn còn bị đóng. Bằng
diễn giải, ngay cả khả năng của việc mở nó cũng trở thành ngày một ít đi. Và một
khoảnh khắc tới khi bạn hoàn toàn bị đóng trong bản ngã riêng của bạn. Thế thì
mọi sự nhạy cảm bị mất. Thế thì bạn không là lối mở, và bạn không thể có gặp gỡ
với sự tồn tại. Thế thì bạn gần như chết. Bản ngã trở thành nấm mồ của bạn.
Đây là vấn đề cơ bản nhất. Nếu
bạn giải nó, mọi thứ được giải. Không có nhu cầu đi tìm Thượng đế. Không có nhu
cầu đi tìm Chân lí. Nếu bản ngã không có đó, đột nhiên mọi thứ được tìm thấy. Nếu
bản ngã không có đó bạn đơn giản đi tới biết rằng Chân lí bao giờ cũng ở quanh
bạn, bên ngoài và bên trong. Chính bản ngã sẽ không cho phép bạn thấy nó. Chính
bản ngã che kín mắt bạn và bản thân bạn. Cho nên điều đầu tiên cần được hiểu là
bản ngã này là gì.
Đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ
được sinh ra không có tri thức nào, không có ý thức nào về cái ngã riêng của
nó. Và khi đứa trẻ được sinh ra điều đầu tiên nó trở nên nhận biết không phải
là bản thân nó. Điều đầu tiên nó trở nên nhận biết là về người khác. Điều đó là
tự nhiên, vì mắt mở hướng ra ngoài; tay chạm người khác, tai nghe người khác,
lưỡi nến thức ăn và mũi người từ bên ngoài. Tất cả những giác quan này đều mở
ra ngoài.
Đó là điều sinh ngụ ý. Sinh ngụ
ý đi vào trong thế giới này, thế giới của cái bên ngoài. Cho nên khi đứa trẻ được
sinh ra, nó được sinh ra trong thế giới này. Nó mở mắt, thấy những người khác.
'Người khác' ngụ ý ngươi.
Nó trở nên nhận biết về người mẹ
trước hết. Thế rồi, dần dần, nó trở nên nhận biết về thân thể riêng của nó. Cái
đó nữa cũng là cái khác, cái đó nữa thuộc vào thế giới. Nó đói và nó cảm thấy
thân thể; nhu cầu của nó được thoả mãn, nó quên thân thể. Đây là cách đứa trẻ lớn
lên. Đầu tiên nó trở nên nhận biết về bạn, ngươi, người khác, và thế rồi dần dần
trong tương phản với bạn, ngươi, nó trở nên nhận biết về bản thân nó. Nhận biết
này là nhận biết được phản xạ. Nó không nhận biết về nó là ai. Nó đơn giản nhận
biết về người mẹ và điều người mẹ nghĩ về nó. Nếu nó mỉm cười, nếu mẹ khen con,
nếu cô ấy nói: Con đẹp con xinh; nếu cô ấy ôm và hôn nó, đứa con cảm thấy sung
sướng về bản thân nó.
Bây giờ bản ngã được sinh ra.
Khen ngợi, yêu, chăm sóc, nó cảm thấy nó là tốt, nó cảm thấy nó có giá trị, nó
cảm thấy nó có ý nghĩa nào đó. Một trung tâm được sinh ra. Nhưng trung tâm này
là trung tâm được phản xạ. Cái đó không phải là bản thân thực của nó. Nó không
biết nó là ai. Nó đơn giản biết điều người khác nghĩ về nó. Và đây là bản ngã:
sự phản xạ, điều người khác nghĩ. Nếu không ai nghĩ rằng nó có hữu dụng gì,
không ai khen ngợi nó, không ai mỉm cười, thế nữa bản ngã cũng được sinh ra - bản
ngã ốm yếu: buồn, bị bác bỏ, như vết thương; cảm thấy kém cỏi, vô giá trị. Điều
này nữa là bản ngã. Điều này nữa là phản xạ. Đầu tiên người mẹ - và mẹ ngụ ý thế
giới lúc ban đầu - thế rồi người khác sẽ gia nhập cùng người mẹ, và thế giới
liên tục tăng trưởng. Và thế giới càng tăng trưởng, bản ngã càng trở nên phức tạp
hơn, vì ý kiến của nhiều người khác được phản xạ.
Bản ngã là hiện tượng được tích
luỹ, sản phẩm phụ của việc sống với người khác. Nếu đứa con sống một mình toàn
bộ, nó sẽ không bao giờ đi tới việc phát triển bản ngã. Nhưng điều đó sẽ không
giúp ích. Nó sẽ vẫn còn giống như con vật. Điều đó không ngụ ý rằng nó sẽ đi tới
biết cái Ngã thực, không. Cái thực chỉ có thể được biết qua cái giả, cho nên bản
ngã là cái phải có. Người ta phải trải qua nó. Đó là kỉ luật. Cái thực chỉ có
thể được biết qua ảo vọng. Bạn không thể biết Chân lí một cách trực tiếp. Đầu
tiên bạn phải biết cái không là thực. Đầu tiên bạn phải đương đầu với cái không
thực. Qua việc đương đầu đó bạn trở nên có năng lực biết Chân lí. Nếu bạn biết
cái giả là cái giả, Chân lí sẽ bừng lên với bạn.
Bản ngã là nhu cầu; nó là nhu cầu
xã hội, nó là sản phẩm phụ của xã hội. Xã hội ngụ ý mọi thứ xung quanh bạn -
không phải bạn, nhưng mọi thứ xung quanh bạn. Mọi thứ, trừ bạn, là xã hội, và mọi
người phản xạ. Bạn sẽ đi học và thầy cô sẽ phản xạ bạn là ai. Bạn sẽ ở trong
tình bạn với những đứa trẻ khác và chúng sẽ phản xạ bạn là ai. Dần dần, mọi người
bổ sung thêm cho bản ngã của bạn, và mọi người đang cố thay đổi nó theo cách mà
bạn không trở thành vấn đề cho xã hội.
Họ không đề cập tới bạn đâu. Họ
đề cập tới xã hội đấy. Xã hội đề cập tới bản thân nó, và đó là cách nó phải vậy.
Họ không lo lắng rằng bạn phải trở thành người biết cái ngã. Họ lo lắng rằng bạn
phải trở thành một phần hiệu quả trong bộ máy của xã hội. Bạn phải khớp vào
hình mẫu. Cho nên họ đang cố cho bạn một bản ngã khớp với xã hội. Họ dạy bạn đạo
đức. Đạo đức ngụ ý cho bạn bản ngã mà khớp với xã hội. Nếu bạn vô đạo đức, bạn
bao giờ cũng là người không thích nghi với đâu đó hay những người khác.
Đó là lí do tại sao chúng ta
đưa kẻ tội phạm vào tù - không phải vì họ đã làm cái gì sai - không phải bằng
việc cho họ vào tù chúng ta sẽ cải thiện họ, không. Họ đơn giản không khớp. Họ
là người gây rắc rối. Họ có kiểu bản ngã nào đó mà xã hội không chấp thuận. Nếu
xã hội chấp thuận, mọi thứ là tốt.
Một người giết ai đó - anh ta
là kẻ giết người. Và cùng người đó trong thời gian chiến tranh giết hàng nghìn
người - anh ta trở thành anh hùng lớn. Xã hội không bị bận tâm bởi một kẻ giết
người, nhưng việc giết người được phạm phải vì xã hội - thế thì nó là được. Xã hội
không bận tâm về đạo đức. Đạo đức chỉ ngụ ý rằng bạn phải khớp với xã hội. Nếu
xã hội đang chiến tranh, thế thì đạo đức thay đổi. Nếu xã hội đang hoà bình, thế
thì có đạo đức khác.
Đạo đức là chính trị xã hội. Nó
là ngoại giao. Và từng đứa trẻ đều phải được nuôi dưỡng lớn lên theo cách mà nó
khớp với xã hội, có vậy thôi. Vì xã hội quan tâm tới các thành viên hiệu quả.
Xã hội không quan tâm rằng bạn phải đạt tới tự biết. Xã hội bao giờ cũng chống
lại tôn giáo. Do đó có việc đóng đinh Jesus, sát hại Socrates - vì họ cũng
không khớp.
Hai kiểu người không khớp. Một:
ai đó đã phát triển một bản ngã phản xã hội; người đó sẽ không bao giờ khớp.
Nhưng người đó có thể bị đưa ra toà xét xử. Có khả năng đó. Bạn có thể tra tấn
người đó, bạn có thể trừng phạt người đó, và người đó có thể trở lại ý thức. Việc
tra tấn có thể là quá nhiều, và người đó có thể được chuyển đổi. Thế rồi có một
kiểu người khác, người không thể được cho xã hội - một Jesus. Ông ấy không phải
là tội phạm, nhưng ông ấy không có bản ngã. Làm sao bạn có thể làm khớp cho một
người không có bản ngã? Người có có vẻ tuyệt đối vô trách nhiệm, nhưng người đó
không thế. Người đó có cam kết lớn hơn với Thượng đế. Người đó không có cam kết
với xã hội.
Người được cam kết với Thượng đế
không bận tâm. Người đó có chiều sâu đạo đức khác. Nó không tới từ các chuẩn mực
- nó tới từ việc tự biết của người đó.
Nhưng thế thì vấn đề nảy sinh
vì xã hội đã tạo ra chuẩn mực đạo đức của họ. Những chuẩn mực đạo đức đó do con
người làm ra. Bất kì khi nào một Jesus hay một Phật xảy ra, người đó không bận
tâm về các tục lệ do con người làm ra. Người đó có cam kết lớn hơn; người đó được
tham gia cùng cái Toàn thể. Từng khoảnh khắc người đó quyết định việc đáp ứng của
mình qua nhận biết của người đó, không qua ước định; cho nên không ai biết về
người đó, về điều người đó sẽ làm. Người đó là không thể dự đoán được.
Xã hội có thể dung thứ cho những
kẻ tội phạm, nhưng họ không thể dung thứ cho Jesus và Socrates - điều đó là
không thể được. Và những người này là gần như không thể được. Bạn không thể làm
được bất kì cái gì về họ vì họ không sai. Và nếu bạn cố hiểu thế thì, họ sẽ
chuyển đổi bạn - bạn không thể chuyển đổi được họ. Cho nên tốt hơn cả là giết
ngay họ. Khoảnh khắc xã hội trở nên nhận biết, nó giết họ ngay lập tức vì nếu bạn
nghe họ, có nguy hiểm. Nếu bạn nghe họ, bạn sẽ bị chuyển đổi. Và không có khả
năng năng nào chuyển đổi họ, cho nên tốt hơn cả là được hoàn toàn kết thúc,
không có quan hệ gì với họ. Bạn không thể cho họ vào tù, vì ở đó họ cũng sẽ vẫn
trong quan hệ với xã hội. Họ sẽ tồn tại. Chính sự tồn tại của họ là quá nhiều -
họ phải bị giết đi. Và thế thì, khi các tu sĩ tiếp quản, thế thì không có vấn đề
gì. Giáo hoàng ở Vatican là một phần của xã hội; Jesus không bao giờ là vậy.
Đó là khác biệt giữa giáo phái
và tôn giáo. Tôn giáo không bao giờ là một phần của bất kì xã hội nào. Nó là phổ
quát, nó có tính tồn tại, và rất, rất nguy hiểm. Bạn không thể tìm được người
nào nguy hiểm hơn người tôn giáo, người nổi dậy nào nguy hiểm hơn người tôn
giáo, người cách mạng nào nguy hiểm hơn người tôn giáo. Vì cách mạng của người
đó là tuyệt đối tới mức không có khả năng nào cho bất kì thoả hiệp nào với người
đó. Và vì người đó biết điều người đó làm, người đó tuyệt đối chắc chắn, tới mức
bạn không thể chuyển đổi được người đó. Và người đó lại có tính lây nhiễm. Nếu
người đó có đó người đó sẽ lan toản như bệnh dịch, người đó sẽ làm tiêm nhiễm
nhiều người.
Jesus phải bị giết. Ki tô giáo
có thể được chấp nhận, nhưng không phải Christ. Ki tô giáo là gì? Ki tô giáo là
nỗ lực của xã hội để thay thế Christ. Christ là nguy hiểm, cho nên xã hội tạo
ra Ki tô giáo quanh ông ấy. Ki tô giáo là được vì nó là hiện tượng xã hội,
chính trị xã hội. Nhà Thờ là được, linh mục là được - người sáng lập là nguy hiểm.
Đó là lí do tại sao có ba trăm tôn giáo tồn tại trên thế gian. Làm sao có thể
có ba trăm tôn giáo!
Khoa học có một thôi. Bạn không
thể có khoa học Cơ đốc giáo và khoa học Tin lành. Bạn không thể có khoa học Mô
ha mét giáo và khoa học Hindu. Khoa học là một. Làm sao tôn giáo có thể có ba
trăm được? Chân lí không thể có tính giáo phái. Chân lí là một và phổ quát. Chỉ
một tôn giáo tồn tại. Phật thuộc vào tôn giáo đó. Jesus thuộc vào tôn giáo đó.
Krishna, Mohammed, tất cả họ thuộc vào tôn giáo đó. Và thế rồi có ba trăm tôn
giáo - đây là những tôn giáo giả, đây là những thủ đoạn mà xã hội đã giở ra với
bạn, đây là cái thay thế, sự bắt chước.
Xem đấy, Jesus bị đóng đinh
trên cây thập tự, và giáo hoàng ở Vatican đang làm gì? Ông ấy có chiếc thập tự
vàng quanh cổ mình. Jesus bị treo trên cây thập tự, và quanh cổ của giáo hoàng
lủng lẳng cây thập tự. Và nó là cây thập tự vàng. Jesus phải khênh cây thập tự
của riêng mình - cây thập tự đó không bằng vàng. Làm sao cây thập tự có thể bằng
vàng được? Cây thập tự của ông ấy rất, rất nặng. Ông ấy ngã khi khênh nó đi lên
đồi Golgotha. Dưới trọng lượng này, ông ấy ngã, ông ấy ngất. Bạn có thấy linh mục
nào ngất đi dưới trọng lượng của cây thập tự vàng không? Không, nó là cái thay
thế giả. Nó là thủ đoạn. Bây giờ điều này không còn là tôn giáo.
Đây là một phần của chính trị
xã hội. Ki tô giáo là chính trị, Hindu giáo là chính trị, Phật giáo là chính trị.
Phật, Jesus, Krishna, họ không mang tính xã hội chút nào. Họ không phản xã hội
- họ ở bên ngoài xã hội.
Cho nên có hai nguy hiểm cho xã
hội: người phản xã hội, tội phạm; bạn có thể giải quyết họ. Họ có thể nguy hiểm,
nhưng cái gì đó có thể được làm về họ; họ không nguy hiểm thế. Thế rồi có một
nhóm người ở bên ngoài xã hội. Họ là không thể được. Bạn không thể thay đổi được
họ. Họ sẽ không sẵn sàng làm bất kì thoả hiệp nào.
Xã hội tạo ra bản ngã vì bản
ngã có thể bị kiểm soát và thao túng. Cái Ngã không bao giờ có thể bị kiểm soát
và thao túng. Không ai đã bao giờ nghe nói về xã hội kiểm soát cái Ngã - không
thể được. Và đứa trẻ cần một trung tâm; đứa trẻ là hoàn toàn vô nhận biết về
trung tâm riêng của nó. Xã hội cho nó một trung tâm và đứa trẻ dần dần bị thuyết
phục rằng đây là trung tâm, bản ngã mà xã hội trao cho.
Đứa trẻ quay về nhà nó. Nếu nó
được nhất lớp, cả gia đình sung sướng. Bạn ôm và hôn nó, và bạn công kênh đứa
trẻ trên vai và nhảy múa và bạn nói: Đứa trẻ giỏi làm sao! Con là niềm tự hào của
chúng ta. Bạn đang cho nó bản ngã, bản ngã tinh vi. Và nếu đứa trẻ về nhà chán
nản, không thành công, thất bại, nó không thể đỗ, hay nó chỉ trên hàng chót, thế
thì không ai khen ngợi nó và đứa trẻ cảm thấy bị bác bỏ. Nó sẽ cố gắng vất vả lần
sau, vì trung tâm cảm thấy bị rung chuyển.
Bản ngã bao giờ cũng bị rung
chuyển, bao giờ cũng trong việc tìm thức ăn, rằng ai đó phải khen ngợi nó. Đó
là lí do tại sao bạn liên tục đòi có sự chú ý.
Nếu chồng đi vào phòng và không
nhìn vợ, rắc rối có đó. Nếu anh ta quan tâm tới báo của mình hơn, rắc rối có
đó. Làm sao bạn dám quan tâm tới báo chí nhiều hơn khi vợ bạn có đó? Đó là lí
do tại sao điều đó bao giờ cũng là khổ. Nếu một người rất, rất vĩ đại thế thì vợ
người đó bao giờ cũng là vấn đề. Điều ngược lại cũng sẽ là vậy: nếu vợ rất, rất
vĩ đại, chồng cô ấy sẽ là vấn đề. Cứ hỏi vợ những người đàn ông vĩ đại mà xem.
Người vĩ đại có nhiều thứ sâu hơn để làm. Một Socrates; ông ấy quan tâm tới suy
ngẫm nhiều hơn tới vợ ông ấy, và đó là vết thương. Vợ của Socrates liên tục đay
nghiến. Ông ấy đã chăm chú ở đâu đó khác. 'Cái gì đó quan trọng hơn mình sao?'
Điều nay làm rung chuyển bản ngã.
Tôi đã nghe: Mulla Nasrudin và
vợ anh ta đang đi dự bữa tiệc rượu, và Mulla nói: 'Em yêu, Có người nào đã bao
giờ nói với em: em quyến rũ làm sao, đẹp làm sao, kì diệu làm sao?' Vợ anh ta cả
thấy rất, rất sướng âm ỉ. Cô ta nói: 'Em tự hỏi tại sao không ai đã bao giờ nói
với em điều này.' Nasrudin nói: 'Thế thì em có cái ý tưởng đó từ đâu?'
Bạn có ý tưởng về bạn là ai từ
những người khác. Nó không phải là kinh nghiệm trực tiếp. Chính là từ những người
khác mà bạn có ý tưởng về bạn là ai. Họ hình thành nên trung tâm của bạn. Trung
tâm này là giả, vì bạn mang trung tâm thực của bạn. Nó không là việc của bất kì
ai. Không ai hình thành nên nó. Bạn đi cùng nó. Bạn được sinh ra cùng nó.
Cho nên bạn có hai trung tâm. Một
trung tâm bạn tới cùng nó, cái do đích thân sự tồn tại trao cho. Đó là cái Ngã.
Và trung tâm kia, được xã hội tạo ra, là bản ngã - nó là thứ giả - và nó là thủ
đoạn rất lớn. Qua bản ngã xã hội đang kiểm soát bạn. Bạn phải cư xử theo cách
nào đó, vì chỉ thế thì xã hội ca ngợi bạn. Bạn phải bước đi theo cách nào đó; bạn
phải cười theo cách nào đó; bạn phải tuân theo phong tục tập quán nào đó, đạo đức,
chuẩn mực. Chỉ thế thì xã hội sẽ ca ngợi bạn, và nếu nó không vậy, bản ngã của
bạn sẽ bị đập tan. Và khi bản ngã bị đập tan, bạn không biết bạn ở đâu, bạn là
ai. Người khác đã cho bạn ý tưởng. Ý tưởng đó là bản ngã.
Cố hiểu nó sâu nhất có thể được
đi, vì điều này phải bị vứt đi. Và chừng nào bạn chưa vứt nó đi bạn sẽ không
bao giờ có khả năng đạt tới cái Ngã. Vì bạn bị nghiện với trung tâm này, bạn
không thể hành động, và bạn không thể nhìn vào cái Ngã.
Và nhớ, sẽ có một thời kì chuyển
tiếp, một khoảng hở, khi bản ngã sẽ bị đập tan, khi bạn sẽ không biết bạn là
ai, khi bạn sẽ không biết bạn đang đi đâu, khi mọi biên giới sẽ tan ra. Bạn sẽ
đơn giản hoang mang, sự hỗn độn. Vì hỗn độn này, bạn sợ mất bản ngã. Nhưng nó
phải là như vậy. Người ta phải trải qua hỗn độn trước khi người ta đạt tới
trung tâm thực.
Và nếu bạn mạnh dạn, thời kì
này sẽ là nhỏ. Nếu bạn sợ, và bạn lại rơi trở lại bản ngã, và bạn lại bắt đầu
thu xếp nó, thế thì điều đó có thể rất, rất lâu; nhiều kiếp có thể bị phí hoài.
Chứng ngộ bao giờ cũng là bất
thần. Không có cái gì giống như chứng ngộ dần dần. Sự dần dần tới nếu bạn không
đủ can đảm, nó bắt nguồn từ nỗi sợ của bạn. Thế thì bạn lấy một bước tới trung
tâm, trung tâm thực, và bạn trở nên sợ - bạn lui lại. Nó cũng giống như trẻ nhỏ
đứng trên cửa nghĩ tới đi, nhưng có bóng tối. Nó nhìn ra, quay lại, lại thu lấy
chút dũng cảm, lại nhìn.
Tôi đã nghe nói: Một cậu bé đi
thăm ông bà. Nó mới bốn tuổi. Trong đêm khi bà cho nó đi ngủ, nó đột nhiên bắt
đầu kêu khóc và nói: 'Cháu muốn về nhà. Cháu sợ tối.' Nhưng bà nói: 'Bà biết rõ
là ở nhà cháu cũng ngủ trong tối, bà chưa bao giờ thấy đèn bật lên. Thế sao
cháu sợ ở đây?' Cậu bé nói: 'Dạ, điều đó đúng - nhưng đó là tối của cháu.' Tối
này hoàn toàn không được biết.
Ngay cả với tối bạn cảm thấy:
Cái này là của tôi. Bên ngoài - cái tối không biết. Với bản ngã bạn cảm thấy:
Đây là tối của tôi. Nó có thể phiền hà, có thể nó tạo ra nhiều khổ, nhưng dầu vậy
- của tôi. Cái gì đó để ôm giữ, cái gì đó để níu bám, cái gì đó ở bên dưới
chân; bạn không trong chân không, không trong trống rỗng. Bạn có thể khổ, nhưng
ít nhất bạn hiện hữu. Ngay cả bị khổ cũng cho bạn một cảm giác về 'tôi đây'.
Hành động từ nó, nỗi sợ tiếp quản; bạn bắt đầu cảm thấy sợ cái tối không biết
và hỗn độn - vì xã hội đã xoay xở để xoá đi phần nhỏ của bản thân bạn.
Điều đó cũng giống như đi vào
trong rừng. Bạn làm quang đãng chút ít, bạn dọn quang mảnh đất nhỏ; bạn làm
hàng rào, bạn làm lều nhỏ; bạn làm cái vườn nhỏ, bãi cỏ, và bạn thấy được. Bên
ngoài hàng rào của bạn - rừng, thú hoang. Ở đây mọi thứ là được; bạn đã lập kế
hoạch mọi thứ. Đây là cách nó đã xảy ra.
Xã hội đã làm việc dọn quang
chút ít trong ý thức của bạn. Xã hội đã dọn sạch hoàn toàn chỉ một phần nhỏ,
ràu dậu nó lại. Mọi thứ là được ở đó. Đó là điều mọi đại học đang làm. Toàn thể
nền văn hoá và việc ước định chỉ là để dọn sạch một phần để cho bạn có thể cảm
thấy như ở nhà tại đó.
Và thế rồi bạn trở nên sợ. Bên
ngoài hàng rào có nguy hiểm. Bên ngoài hàng rào bạn hiện hữu như bên trong hàng
rào bạn hiện hữu - và tâm trí có ý thức của bạn chỉ là một phần, một phần mười
của toàn thể bản thân bạn. Chín phần mười đang chờ đợi trong bóng tối. Và trong
chín phần mười đó, ở đâu đó trung tâm thực của bạn đang được ẩn kín.
Người ta phải táo bạo, dũng cảm.
Người ta phải tiến một bước vào trong cái Không biết. Một thoáng chốc mọi biên
giới sẽ mất đi. Một thoáng chốc bạn sẽ cảm thấy chóng mặt. Một thoáng chốc, bạn
sẽ cảm thấy rất sợ và run lên, dường như động đất đã xảy ra. Nhưng nếu bạn dũng
cảm và bạn không quay lui, nếu bạn không rơi lại vào bản ngã và bạn đi tiếp đi
tiếp, có một trung tâm ẩn kín bên trong bạn mà bạn đã từng mang đi trong nhiều
kiếp. Đó là linh hồn bạn, atma, cái Ngã. Một khi bạn tới gần nó, mọi thứ thay đổi,
mọi thứ lắng đọng. Nhưng bây giờ việc lắng đọng này không được làm bởi xã hội.
Bây giờ mọi thứ trở thành hài hoà, không hỗn độn; một trật tự mới nảy sinh.
Nhưng điều này không còn là trật tự của xã hội - nó là chính trật tự của bản
thân sự tồn tại.
Đó là điều Phật gọi là
dhamma-pháp, Lão Tử gọi là đạo, Heraclitus gọi là logos. Nó không do con người
làm ra. Nó là chính trật tự của bản thân sự tồn tại. Thế thì mọi thứ đột nhiên
lại là đẹp, và lần đầu tiên thực sự đẹp, vì những thứ con người làm không thể
là đẹp. Nhiều nhất bạn có thể che giấu cái xấu của chúng, có vậy thôi. Bạn có
thể trang hoàng cho chúng nhưng chúng không bao giờ có thể là đẹp.
Sự khác biệt cũng giống như
khác biệt giữa hoa thực và hoa nhựa hay hoa giấy. Bản ngã là hoa nhựa - chết.
Nó có vể như hoa, nó không là hoa. Bạn không thể thực sự gọi nó là hoa. Ngay cả
về mặt ngôn ngữ, gọi nó là hoa là sai, vì hoa là cái gì đó nở hoa. Và thứ nhựa
này chỉ là một vật, không phải là việc nở hoa. Nó là chết. Không có sự sống
trong nó.
Bạn có một trung tâm nở hoa bên
trong. Đó là lí do tại sao người Hindus gọi nó là hoa sen - nó là việc nở hoa.
Họ gọi nó là hoa sen một nghìn cánh. Một nghìn ngụ ý vô hạn cánh hoa. Và nó
liên tục nở hoa, nó không bao giờ dừng, nó không bao giờ chết.
Nhưng bạn được thoả mãn với bản
ngã nhựa. Có một số lí do tại sao bạn được thoả mãn. Với thứ chết, có nhiều thuận
tiện hơn. Một là ở chỗ thứ chết không bao giờ chết. Nó không thể chết được - nó
đã không bao giờ sống. Cho nên bạn có thể có hoa nhựa, chúng là tốt theo cách nào
đó. Chúng là thường hằng; chúng không vĩnh hằng, nhưng chúng là thường hằng.
Hoa thực bên ngoài trong vườn là vĩnh hằng, nhưng không thường hằng.
Và cái vĩnh hằng có cách riêng
của nó để là vĩnh hằng. Cách của vĩnh hằng là được sinh và chết lặp đi lặp lại.
Qua chết nó làm tươi mới bản thân nó, làm khoẻ lại bản thân nó. Với chúng ta dường
như là hoa thực đã chết - nó không bao giờ chết. Nó đơn giản đổi thân thể, cho
nên nó bao giờ cũng tươi tắn. Nó bỏ lại thân thể cũ, nó đi vào thân thể mới. Nó
nở hoa ở đâu đó khác; nó liên tục nở hoa. Nhưng chúng ta không thể thấy được sự
liên tục này vì sự liên tục là vô hình. Chúng ta chỉ thấy hoa này, hoa khác;
chúng ta không bao giờ thấy sự liên tục. Nó là cùng hoa đã nở hôm qua. Nó là
cùng mặt trời, nhưng trong cách ăn mặc khác.
Bạn cần con mắt rất xuyên thấu
để thấy sự liên tục vô hình. Sự liên tục vô hình là Thượng đế. Nếu bạn có thể
thấy, đây là cùng hoa trong thân thể khác. Đó là điều người Hindus gọi là lí
thuyết đầu thai. Ki tô giáo, Do Thái giáo, Mô ha mét giáo, tất cả họ bỏ lỡ cái
đẹp của nó, cho nên cả ba tôn giáo này dần dần trở thành duy vật. Họ phải vậy,
vì cái vô hình đã bị bỏ lỡ.
Tôi ở đây. Bạn ở đây. Bạn đã từng
ở đây hàng triệu lần trước đây. Nó là việc trở lại vĩnh hằng; trong các thân thể
khác nhau, các hình dạng khác nhau - nhưng sự liên tục là như nhau. Và chúng ta
gọi sự liên tục đó là linh hồn. Không phải thân thể này, hình tướng thay đổi;
cái vô hình tướng, nó còn lại. Và đây là cách để nó là vĩnh hằng; bằng không nó
không thể là vĩnh hằng.
Chết là cách để làm khoẻ lại bản
thân người ta lần nữa. Bạn thở ra; đây là cách hít vào lần nữa. Bạn chết; đây
là cách để được tái sinh. Từng khoảnh khắc bạn chết; thân thể đang làm cùng điều
đó.
Bạn hỏi nhà sinh lí học - họ
nói rằng thân thể chết và làm mới bản thân nó mọi khoảnh khắc. Mọi tế bào sẽ chết.
Nếu bạn sống bẩy mươi năm, thế thì ít nhất mười lần thân thể sẽ chết hoàn toàn.
Nhưng nó là thay đổi dần dần. Một tế bào chết, tế bào khác được thay thế, lá rụng
xuống. Nó tiếp diễn.
Mới vài ngày trước đây, cây hạnh
bên ngoài đã trở nên hoàn toàn trụi lá. Mọi lá của nó rụng xuống. Đây là cách
thức. Giờ nó trẻ lại. Giờ lá mới đã tới. Lá cũ đã mất đi, lá mới đã tới. Nhưng
lá không phải là cây. Cây là cội nguồn mà từ đó lá tới, và cội nguồn đó là ẩn
kín.
Lá già rụng đi để cho lá mới có
thể tới. Thân thể cũ chết đi để cho thân thể mới có thể tới. Đây là cách sự tồn
tại tồn tại vĩnh hằng, bao giờ cũng chết đi bao giờ cũng quay lại. Nó là cái
bánh xe; nan hoa đi lên, thế rồi chúng đi xuống. Đây là cách bánh xe chuyển động.
Bản ngã là thứ đồ nhựa, nhưng
nó có vẻ thường hằng. Nhớ, vĩnh hằng không phải là thường hằng. Vĩnh hằng hoạt
động qua chuyển động. Vĩnh hằng chuyển động qua thay đổi. Vĩnh hằng là thay đổi
liên tục, và vậy mà nó vẫn còn như vậy: thay đổi, vậy mà vẫn còn như vậy, vậy
mà không bao giờ chuyển động.
Bản ngã có phẩm chất nào đó -
nó là chết. Nó là thứ đồ nhựa. Và rất dễ có nó, vì người khác cho nó. Bạn không
cần tìm nó. Không có việc tìm kiếm được bao hàm. Đó là lí do tại sao chừng nào
bạn chưa trở thành người tìm kiếm cái Không biết, bạn vẫn còn chưa trở thành một
cá nhân. Bạn chỉ là một phần của đám đông. Bạn chỉ là khối người. Khi bạn không
có trung tâm thực, làm sao bạn có thể là cá nhân được?
Bản ngã không phải là cá nhân.
Bản ngã là hiện tượng xã hội - nó là xã hội, nó không phải là bạn. Nhưng nó cho
bạn sự vận hành trong xã hội, hệ thống cấp bậc trong xã hội. Và nếu bạn vẫn còn
được thoả mãn với nó, bạn sẽ bỏ lỡ toàn thể cơ hội để tìm ra cái Ngã.
Và đó là lí do tại sao bạn khổ
thế. Với cuộc sống nhựa, làm sao bạn có thể hạnh phúc? Với cuộc sống giả, làm
sao bạn có thể cực lạc và phúc lạc? Và thế rồi bản ngã này tạo ra nhiều khổ sở,
hàng triệu khổ. Bạn không thể thấy được, vì nó là 'tối riêng của bạn'. Bạn được
hoà hợp theo nó.
Bạn đã bao giờ để ý rằng mọi kiểu
khổ đều đi vào qua bản ngã không? Nó không thể làm cho bạn phúc lạc; nó chỉ có
thể làm cho bạn khổ. Bản ngã là địa ngục. Bất kì khi nào bạn khổ, cứ thử quan
sát và phân tích, và bạn sẽ thấy, ở đâu đó bản ngã là nguyên nhân cho khổ. Và bản
ngã liên tục tìm nguyên nhân của khổ.
Có lần tôi đã ở nhà Mulla
Nasrudin. Cô vợ nói những điều rất khó chịu về Mulla Nasrudin, rất giận dữ, thô
lỗ, hùng hổ, ngay trên bờ bùng nổ, rất bạo hành. Còn Mulla Nasrudin chỉ ngồi im
lặng và nghe. Thế rồi đột nhiên cô ấy quay sang anh ta và nói: 'Vậy lần nữa,
anh cãi lại tôi!' Mulla nói: 'Nhưng anh thậm chí đã không nói một lời.' Cô vợ
nói: 'Điều đó tôi biết - nhưng anh đang nghe một cách rất hùng hổ.'
Bạn là người bản ngã, như mọi
người vậy. Một số người rất thô thiển, chỉ trên bề mặt, và họ không khó khăn thế.
Một số người rất tinh tế, sâu bên dưới, và họ là vấn đề thực. Bản ngã này liên
tục tới trong xung đột với bản ngã khác vì mọi bản ngã đều không tự tin thế về
bản thân nó. Điều đó phải vậy - nó là thứ giả. Khi bạn không có cái gì trong
tay và bạn cứ nghĩ rằng cái gì đó có đó, thế thì sẽ có vấn đề. Nếu ai đó nói:
'Không có gì cả,' lập tức đánh nhau sẽ bắt đầu, vì bạn cũng cảm thấy rằng không
có cái gì. Người kia làm cho bạn nhận biết về sự kiện này.
Bản ngã là giả, nó không là gì
cả. Điều đó bạn cũng biết. Làm sao bạn có thể bỏ lỡ việc biết nó? Điều đó là
không thể được! Người có ý thức, làm sao người đó có thể bỏ lỡ việc biết rằng bản
ngã này chỉ là giả? Và thế rồi người khác nói nó không là gì - và bất kì khi
nào người khác nói rằng nó không là gì, họ đánh vào vết thương, họ nói ra chân
lí - và chẳng cái gì đánh như chân lí. Bạn phải phòng thủ, vì nếu bạn không
phòng thủ, nếu bạn không trở nên có tính phòng thủ, thế thì bạn sẽ ở đâu? Bạn sẽ
bị mất. Căn cước sẽ bị vỡ tan. Cho nên bạn phải phòng thủ và đánh nhau - đó là
va chạm.
Người đạt tới cái Ngã không bao
giờ trong bất kì va chạm nào. Người khác có thể tới và va chạm với người đó,
nhưng người đó không bao giờ va chạm với bất kì ai.
Chuyện xảy ra là một Thiền sư
đi qua một phố. Một người chạy tới và va mạnh vào ông ấy. Thầy ngã nhào. Thế rồi
thầy đứng dậy và bắt đầu bước đi theo cùng hướng mà thầy đã đi trước đó, thậm
chí không nhìn lại sau. Một đệ tử đã đi cùng thầy. Anh ta đơn giản bị choáng.
Anh ta nói: 'Người này là ai? Đây là cái gì? Nếu người ta sống theo cách như thế,
thế thì bất kì ai cũng có thể tới và giết thầy. Và thầy thậm chí đã không nhìn
người đó, người đó là ai, và tại sao người đó đã làm điều đó.' Thầy nói: 'Đó là
vấn đề của người đó, không phải của ta. Ông có thể va vào một người đã chứng ngộ,
nhưng đó là vấn đề của ông, không phải của người đó. Và nếu ông bị đau trong va
chạm đó, điều đó nữa là vấn đề của riêng ông. Người đó không thể làm đau ông.
Và nó cũng giống như đâm vào tường - ông sẽ bị đau, nhưng tường đã không làm
đau ông.'
Bản ngã bao giờ cũng tìm rắc rối
nào đó. Tại sao? Vì nếu không ai chú ý tới bạn, bản ngã cảm thấy đói. Nó sống
trên sự chú ý. Cho nên ngay cả nếu ai đó đánh và giận bạn, điều đó nữa là tốt
vì ít nhất sự chú ý được dành cho bạn. Nếu ai đó yêu, điều đó là được. Nếu ai
đó không yêu bạn, thế thì ngay cả giận sẽ là tốt. Ít nhất sự chú ý sẽ tới với bạn.
Nhưng nếu không ai chú ý gì tới bạn, không ai nghĩ bạn là ai đó quan trọng, có
ý nghĩa, thế thì làm sao bạn sẽ nuôi dưỡng bản ngã của bạn? Sự chú ý của người
khác được cần tới.
Theo cả triệu cách bạn thu hút
sự chú ý của người khác: bạn ăn mặc theo cách nào đó, bạn cố để trông đẹp, bạn
cư xử, bạn trở nên rất lịch sự, bạn thay đổi. Khi bạn cảm thấy kiểu tình huống
nào có đó, bạn lập tức thay đổi để cho mọi người chú ý tới bạn.
Đây là việc ăn xin sâu. Người
ăn xin thực là người đòi hỏi và yêu cầu sự chú ý. Và hoàng đế thực là người sống
trong bản thân người đó; người đó có trung tâm của riêng mình, người đó không
phụ thuộc vào bất kì người nào khác. Phật ngồi dưới cây bồ đề... nếu toàn thể
thế giới đột nhiên biến mất, sẽ không tạo ra bất kì khác biệt nào cho Phật sao?
- không. Nó sẽ không tạo ra bất kì khác biệt chút nào. Nếu toàn thể thế giới biến
mất, điều đó sẽ không tạo ra bất kì khác biệt nào vì ông ấy đã đạt tới trung
tâm.
Nhưng bạn, nếu vợ trốn đi, li dị
bạn, đi với ai đó khác, bạn hoàn toàn bị tan nát - vì cô ấy đã chú ý tới bạn,
chăm nom, yêu thương, đi quanh bạn, giúp bạn cảm thấy rằng bạn là ai đó. Toàn
thể vương quốc của bạn bị mất đi, bạn đơn giản tan nát cõi lòng. Bạn bắt đầu
nghĩ về tự tử. Tại sao? Tại sao, nếu vợ bỏ bạn, bạn phải tự tử? Tại sao, nếu chồng
bỏ bạn, bạn phải tự tử? Vì bạn không có trung tâm nào của riêng bạn. Vợ đã cho
bạn trung tâm; chồng đã cho bạn trung tâm.
Đây là cách mọi người tồn tại.
Đây là cách mọi người trở thành phụ thuộc vào người khác. Nó là sự nô lệ sâu. Bản
ngã phải là nô lệ. Nó phụ thuộc người khác. Và chỉ người không có bản ngã lần đầu
tiên mới là người chủ; người đó không còn là nô lệ.
Cố hiểu điều này đi. Và bắt đầu
tìm bản ngã, không trong người khác, điều đó không phải là việc của bạn, mà
trong bản thân bạn. Bất kì khi nào bạn cảm thấy khổ, lập tức nhắm mắt lại và cố
tìm ra khổ này đang tới từ đâu và bạn bao giờ cũng sẽ thấy chính trung tâm giả,
cái đã va chạm với ai đó.
Bạn mong đợi cái gì đó, và nó
đã không xảy ra. Bạn mong đợi cái gì đó, và chính cái ngược lại đã xảy ra - bản
ngã của bạn bị rung chuyển, bạn trong khổ. Cứ nhìn mà xem, bất kì khi nào bạn
khổ, cố tìm ra tại sao.
Nguyên nhân không ở bên ngoài bạn.
Nguyên nhân cơ bản là ở bên trong bạn - nhưng bạn bao giờ cũng nhìn ra ngoài, bạn
bao giờ cũng hỏi: 'Ai làm cho mình khổ? Ai là nguyên nhân của cơn giận của
mình? Ai là nguyên nhân cho phiền não của mình?' Và nếu bạn nhìn ra ngoài, bạn
sẽ bỏ lỡ. Chỉ nhắm mắt lại và bao giờ cũng nhìn vào bên trong. Cội nguồn của mọi
khổ, giận, phiền não, được ẩn bên trong bạn, bản ngã của bạn. Và nếu bạn tìm ra
cội nguồn, sẽ dễ dàng đi ra ngoài nó. Nếu bạn có thể thấy rằng chính bản ngã
riêng của bạn đem cho bạn rắc rối, bạn sẽ muốn bỏ nó đi - vì không ai có thể
mang cội nguồn của khổ nếu người đó hiểu nó.
Và nhớ, không có nhu cầu bỏ bản
ngã. Bạn không thể bỏ được nó. Nếu bạn cố bỏ nó, bạn sẽ đạt tới bản ngã tinh vi
nào đó, cái nói: 'Mình đã trở nên khiêm tốn.' Đừng cố là khiêm tốn. Điều đó lại
là bản ngã giấu mình - nhưng nó không chết.
Đừng cố là khiêm tốn. Không ai
có thể cố khiêm tốn được. Và không ai có thể tạo ra khiêm tốn qua bất kì nỗ lực
nào của riêng mình - không. Khi bản ngã không còn nữa, khiêm tốn tới với bạn.
Nó không phải là việc tạo ra. Nó là cái bóng của trung tâm thực. Và người khiêm
tốn thực không khiêm tốn, không bản ngã. Người đó đơn giản bình dị. Người đó thậm
chí không nhận biết rằng người đó khiêm tốn. Nếu bạn nhận biết rằng bạn khiêm tốn,
bản ngã có đó.
Nhìn người khiêm tốn. Có hàng
triệu người nghĩ rằng họ rất khiêm tốn. Họ cúi mình rất thấp, nhưng quan sát họ
mà xem - họ là những bản ngã tinh vi nhất. Bây giờ khiêm tốn là nguồn lương thực
chính của họ. Họ nói: 'Tôi khiêm tốn đây,' và thế rồi họ nhìn bạn và họ đợi bạn
khen họ. 'Anh thực sự khiêm tốn.' Họ muốn bạn nói: 'Thực ra, anh là người khiêm
tốn nhất trên thế giới; không ai khiêm tốn được như anh.' Thế rồi xem nụ cười tới
trên mặt họ.
Bản ngã là gì? Bản ngã là hệ thống
cấp bậc nói: 'Không ai giống tôi.' Nó có thể nuôi dưỡng trên khiêm tốn - 'Không
ai giống tôi, tôi là người khiêm tốn nhất.'
Một lần chuyện xảy ra: Một sư tới
tôi và ông ấy nói về khiêm tốn của ông ấy, và tôi nói: 'Ông không là gì cả. Tôi
biết người còn khiêm tốn hơn ông.' Đột nhiên giận dữ, bản ngã, và ông ấy nói:
'Người đó là ai? Chỉ người đó cho tôi.' Điều đó không phải là vấn đề - tôi bảo
ông ấy: 'Điều đó không phải là vấn đề. Tôi sẽ không chỉ người đó cho ông đâu.'
Nhưng cố hiểu đi, vì đột nhiên bản ngã bước vào và nói: 'Làm sao ai đó khác dám
là khiêm tốn hơn tôi?'
Có lần chuyện xảy ra: Một
fakir, người ăn xin, đang cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo, ngay sáng sớm khi
trời vẫn còn tối. Đó là ngày tôn giáo nào đó cho người Mô ha mét giáo, và ông ấy
đang cầu nguyện, và ông ấy nói: 'Con là không ai cả. Con là người nghèo nhất
trong những người nghèo, kẻ tội lỗi lớn nhất trong những kẻ tội lỗi.' Đột nhiên
có một người nữa đang cầu nguyện. Ông ta là hoàng đế của nước đó, và ông ta
không nhận biết rằng có ai đó khác ở đó đang cầu nguyện - trời còn tối, và
hoàng đế cũng đang nói: 'Con là không ai cả. Con là hư không. Con chỉ là trống
rỗng, kẻ ăn xin ở cửa của ngài.' Khi ông ta nghe thấy rằng ai đó khác đang nói
cùng điều, ông ta nói: 'Dừng lại! Ai đang cố vượt ta? Ông là ai? Làm sao ông
dám nói trước hoàng đế rằng ông là không ai cả khi hoàng đế nói rằng ông ấy là
không ai cả.'
Đây là cách bản ngã diễn ra. Nó
tinh vi thế. Cách thức của nó là tinh vi và tinh ranh thế, bạn phải rất, rất tỉnh
táo, chỉ thế thì bạn sẽ thấy nó. Đừng cố là khiêm tốn. Cứ cố thấy rằng mọi khổ,
mọi phiền não đều tới qua nó. Chỉ quan sát! Không cần bỏ nó. Bạn không thể bỏ
nó được. Ai sẽ bỏ nó? Thế thì người bỏ sẽ trở thành bản ngã. Nó bao giờ cũng
quay lại.
Bất kì cái gì bạn làm, đứng ra
khỏi nó, và nhìn và quan sát. Bất kì cái gì bạn làm - khiêm tốn, nhún nhường,
đơn giản - không cái gì sẽ giúp ích. Duy nhất một điều là có thể, và đó là chỉ
quan sát và thấy rằng nó là cội nguồn của mọi khổ. Đừng nói, đừng lặp lại 'quan
sát', vì nếu bạn nói nó là cội nguồn của mọi khổ và bạn lặp lại nó, thế thì điều
đó là vô dụng. Bạn phải đi tới hiểu biết đó.
Bất kì khi nào bạn khổ, cứ nhắm
mắt lại và không cố tìm nguyên nhân nào đó bên ngoài. Cố nhìn khổ này đang tới
từ đâu. Nó là bản ngã riêng của bạn. Nếu bạn liên tục cảm thấy và hiểu, và việc
hiểu rằng bản ngã là nguyên nhân trở nên được bắt rễ sâu thế, một ngày nào đó bạn
sẽ đột nhiên thấy rằng nó đã biến mất.
Không ai bỏ nó - không ai có thể
bỏ nó. Bạn đơn giản thấy; nó đã đơn giản biến mất, vì chính việc hiểu rằng bản
ngã gây ra mọi khổ trở thành việc bỏ. Chính việc hiểu là sự biến mất của bản
ngã.
Và bạn láu lỉnh thế trong việc
thấy bản ngã trong người khác. Bất kì người nào đều có thể thấy bản ngã của ai
đó khác. Khi việc thấy động tới bản ngã riêng của bạn, thế thì vấn đề nảy sinh
- vì bạn không biết lãnh thổ này, bạn không bao giờ du hành trên nó. Toàn thể
con đường hướng tới điều Thiêng liêng, điều Tối thượng, phải đi qua lãnh thổ
này của bản ngã. Cái giả phải được hiểu là giả. Cội nguồn của khổ phải được hiểu
là cội nguồn của khổ - thế thì nó đơn giản mất đi. Khi bạn biết nó là độc, nó mất
đi. Khi bạn biết nó là lửa, nó mất đi. Khi bạn biết đây là địa ngục, nó mất đi.
Và thế thì bạn không bao giờ nói: 'Tôi đã bỏ bản ngã.' Thế thì bạn đơn giản cười
vào toàn thể sự việc, trò đùa rằng bạn là người tạo ra toàn thể khổ.
Tôi mới xem vài phim hoạt hình
về Charlie Brown. Trong một phim hoạt hình ông ấy đang chơi với các khối lắp,
làm nhà từ các khối lắp của trẻ con. Ông ấy ngồi ở giữa các khối lắp xây tường.
Thế rồi một khoảnh khắc tới khi ông bị vây kín; khắp xung quanh ông ấy đã làm
ra tường. Thế rồi ông ấy kêu lên: 'Cứu tôi với, cứu tôi với!' Ông ấy đã làm
toàn thể mọi thứ. Giờ ông ấy bị vây kín, bị cầm tù. Điều này là trẻ con, nhưng
đây là toàn thể mọi điều bạn cũng đã làm. Bạn đã làm nhà khắp xung quanh bạn,
và giờ bạn đang kêu khóc: 'Cứu tôi với, cứu tôi với!' Và khổ trở nên gấp cả triệu
lần - vì có những người giúp đỡ người cũng trong cùng con thuyền.
Chuyện xảy ra là một người đàn
bà rất đẹp đi tới gặp nhà tâm thần lần đầu tiên. Nhà tâm thần nói: 'Xin mời lại
gần hơn.' Khi cô ấy lại gần hơn, ông ta đơn giản nhảy tới và ôm chầm và hôn người
đàn bà này. Cô ấy bị choáng. Thế rồi ông ta nói: 'Bây giờ ngồi xuống. Điều này
giải quyết vấn đề của tôi, giờ vấn đề của cô là gì?' Vấn đề trở nên được nhân
lên, vì có những người giúp đỡ, người trong cùng thuyền. Và họ muốn giúp, vì
khi họ giúp ai đó bản ngã cảm thấy rất hả hê, rất, rất hả hê - vì bạn là người
giúp đỡ lớn lao, một guru lớn, một thầy; bạn đang giúp đỡ nhiều người thế. Đám
đông những người đi theo bạn càng lớn, bạn càng cảm thấy sướng hơn. Nhưng bạn
đang trong cùng con thuyền - bạn không thể giúp được. Thay vì thế, bạn sẽ làm hại.
Những người vẫn có vấn đề riêng
của họ không thể giúp được gì mấy. Chỉ ai đó không có vấn đề riêng nào của mình
mới có thể giúp bạn. Chỉ thế thì mới có sự sáng tỏ để thấy, để nhìn qua bạn.
Tâm trí không có vấn đề của riêng nó có thể thấy bạn, bạn trở thành trong suốt.
Tâm trí không có vấn đề riêng của nó có thể thấy qua bản thân nó, đó là lí do tại
sao nó trở nên có khả năng thấy qua người khác.
Ở phương Tây, có nhiều trường
phái phân tâm, nhiều trường phái, và không giúp đỡ nào đạt tới mọi người, nhưng
thay vì thế, lại gây hại. Vì những người đi giúp đỡ người khác, hay cố giúp đỡ,
hay làm ra vẻ là người giúp đỡ, là trong cùng thuyền.
Tôi đọc tự truyện của vợ
Wilhelm Reich. Ông ấy là một trong những nhà phân tâm có ý nghĩa nhất, một
trong những người cách mạng nhất - nhưng khi câu hỏi tới với một trong những vấn
đề riêng của ông ấy, khó khăn nảy sinh. Vợ ông ấy đã viết trong tự truyện của
bà ấy rằng ông ấy đã dạy những người khác không ghen tuông - rằng yêu là không
sở hữu, nó là tự do. Nhưng về vợ riêng của ông ấy, ông ấy bao giờ cũng ghen
tuông. Nếu bà ấy cười với ai đó, sẽ có khổ ngay lập tức. Và ông ấy đã làm tình
với nhiều đàn bà, nhưng sẽ không cho phép vợ riêng của ông ấy thậm chí mỉm cười
với ai đó; thậm chí chỉ ngồi và nói chuyện ông ấy sẽ không cho phép. Bất kì khi
nào ông ấy đi ra ngoài - đôi khi ông ấy phải đi thăm bệnh nhân - điều đầu tiên
ông ấy sẽ làm khi ông ấy về nhà là truy hỏi về vợ ông ấy đã đi đâu, bà ấy đã gặp
ai, ai đã tới nhà, và sẽ có kiểm tra chéo. Vợ ông ấy nói rằng bà ấy đơn giản ngạc
nhiên. Người đàn ông này khôn thế với những người khác - nhưng với vợ riêng của
ông ấy....
Khó thấy được bản ngã riêng của
người ta. Rất dễ thấy bản ngã của người khác. Nhưng đó không phải là vấn đề, bạn
không thể giúp được họ. Cố thấy bản ngã riêng của bạn đi. Chỉ quan sát nó. Đừng
vội vàng bỏ nó, chỉ quan sát nó. Bạn càng quan sát, bạn sẽ càng trở nên có năng
lực hơn. Đột nhiên một ngày nào đó, bạn đơn giản thấy rằng nó đã mất đi. Và khi
nó mất đi bởi bản thân nó, chỉ thế thì nó mới mất. Không có cách khác.
Chưa chín muồi bạn không thể bỏ
được nó. Nó mất đi cũng giống như lá vàng. Cây không làm cái gì cả. Chỉ làn gió
thổi, một tình huống, và chiếc lá vàng đơn giản rụng xuống. Cây thậm chí không
nhận biết rằng lá vàng đã rụng. Nó không gây ra tiếng động nào, nó không phàn
nàn - không cái gì. Lá vàng đơn giản rụng xuống và vụn ra trên đất, giống điều
đó.
Khi bạn chín chắn qua việc hiểu,
nhận biết, và bạn đã cảm thấy một cách toàn bộ rằng bản ngã là nguyên nhân của
mọi khổ của bạn, đơn giản một ngày nào đó bạn thấy lá vàng rụng xuống. Nó đọng
trên đất, chết đi theo cách riêng của nó. Bạn đã không làm cái gì cho nên bạn
không thể tuyên bố được rằng bạn đã bỏ nó. Bạn thấy rằng nó đã đơn giản biến mất,
và thế thì trung tâm thực nảy sinh. Và trung tâm thực đó là linh hồn, cái Ngã,
Thượng đế, Chân lí, hay bất kì cái gì bạn muốn gọi nó. Nó là vô danh, cho nên mọi
tên đều được. Bạn có thể cho nó bất kì cái tên nào của việc thích riêng của bạn.
Bây giờ lắng nghe câu chuyện hay này.
Thừa tướng Quách Tử Nghi, thuộc
triều nhà Đường, là một chính trị gia nổi bật, một vị tướng lỗi lạc, và là một
anh hùng dân tộc được ngưỡng mộ nhất trong thời của ông ấy.
Nhớ, khi bạn ở tại đỉnh, rất dễ
dàng là khiêm tốn. Tôi sẽ lặp lại điều đó - khi bạn thành công, khi bạn đã lên
tới đỉnh, rất dễ là khiêm tốn. Khi bạn không ở đâu, không ở đâu trong hệ thống
cấp bậc, rất khó là khiêm tốn. Người nghèo thấy khó là khiêm tốn hơn người giầu.
Một chính khách đã thua thấy khó là khiêm tốn hơn chính khách đã thắng. Nhìn
vào người trên đỉnh thế giới mà xem. Họ bao giờ cũng khiêm tốn. Họ có thể đảm
đương được là vậy. Bây giờ không có nguy hiểm cho bản ngã của họ. Họ đã đạt tới.
Họ không bận tâm về sự chú ý của bạn. Bạn không ngụ ý cái gì với họ - bây giờ họ
đã đạt tới rồi. Họ có thể khiêm tốn; họ có thể đảm đương được là vậy. Đó là lí
do tại sao những nhà lãnh đạo lớn bao giờ cũng khiêm tốn. Nhưng khiêm tốn đó
không phải là khiêm tốn của vị Phật, không phải là khiêm tốn của một Lão Tử;
khiêm tốn đó là giả.
Khi bạn không là ai cả, thế thì
là khiêm tốn là rất khó. Khi bạn bị thua, thế thì khiêm tốn là rất khó vì bản
ngã bị tổn thương thế - nó cần thức ăn, nó đói. Khi bạn đã thắng, bạn chiến thắng,
bạn ở trên đỉnh con sóng đang vươn lên ngày càng cao hơn; bạn có thể cúi xuống
vì mọi người biết chẳng có gì mà nói, bạn là ai. Không có nhu cầu cho bạn tuyên
bố điều đó, toàn thế giới đã biết điều đó. Thế thì bạn có thể cúi mình xuống và
khiêm tốn.
Vua là khiêm tốn hơn người ăn
xin. Và thế rồi mọi người nghĩ: 'Những vua này là người hay làm sao, những người
lãnh đạo này.' Chẳng cái gì là hay. Bạn có thể thấy mặt thực của họ khi họ bị
thất bại, không bao giờ trước đó. Thế thì là khiêm tốn là rất, rất khó. Khi
toàn thể cuộc sống bị làm bẽ mặt, thế thì là khiêm tốn là khó. Khi mọi người
khen ngợi và mọi người tung hô bạn, thế thì bạn có thể cúi mình với bộ mặt mỉm
cười. Không cần bạn phải tuyên bố - nó đã được thiết lập. Đây đã từng là kinh
nghiệm của tôi với mọi người. Nếu ai đó tới tôi, và người đó đã đạt tới đâu đó
trong cuộc sống, người đó bao giờ cũng khiêm tốn. Người đó cúi mình sâu sắc,
người đó ngồi trên sàn. Người đó có địa vị. Khiêm tốn này là tốt cho bản ngã của
người đó. Bất kì khi nào ai đó tới, người bị thất vọng, người đã đánh bạc và
thua, người là không ai cả, thế thì khó cho người đó ngồi trên sàn.
Một người đã viết một lá thư
cho tôi nói: 'Tôi có thể tới và gặp thầy chỉ nếu tôi cũng có chiếc ghế, bằng
không tôi sẽ không đến.' Tôi biết người này đã bị rất, rất thất bại, mất mặt bởi
cuộc sống. Người đó không thể cúi mình, người đó không thể buông xuôi, người đó
không thể khiêm tốn. Người đó bị mất mặt tới mức điều đó đã trở thành vết
thương. Bây giờ khiêm tốn có vẻ giống mất mặt.
Nhưng cả hai là trong cùng một
thuyền. Một người bị thất bại, người cảm thấy tổn thương; người cảm thấy rằng
người đó phải đứng, người đó phải tuyên bố, người đó phải tranh đấu cho nó, người
kia có địa vị, không có tranh đấu - người này đã biết.
Chuyện xảy ra là Henry Ford một
lần tới nước Anh. Tại sân bay ông ấy hỏi về khách sạn rẻ nhất ở London. Và người
này nhận ra ông ấy, vì mới hôm nọ đã có ảnh trên báo chí về việc tới của Henry
Ford. Cho nên ông ta nói: 'Nếu như tôi không quên, nếu tôi còn nhớ tốt, ông có
vẻ như là Henry Ford với tôi. Nhưng ông ăn mặc xoàng xĩnh thế; áo choàng của
ông cũ nát thế và tại sao ông đòi khách sạn rẻ nhất?' Henry Ford nói: 'Dù tôi có
áo choàng mới hay cũ, tôi vẫn là Henry Ford và mọi người đều biết về điều đó.
Nó không tạo ra khác biệt nào - tôi là Henry Ford. Dù áo choàng là cũ hay mới
không tạo ra khác biệt gì.' Người này nói: 'Và tôi biết rõ rằng khi các con
trai của ông tới, họ đòi khách sạn đắt nhất.' Henry Ford cười và nói: 'Họ vẫn
còn chưa có địa vị và họ cảm thấy bất an ninh. Họ được biết tới là 'con trai của
Henry Ford', họ không là gì bởi bản thân họ. Tôi là cái gì đó bởi bản thân tôi,
cho nên khách sạn rẻ nhất sẽ không tạo ra khác biệt gì.'
Người giầu không cần tuyên bố rằng
mình là giầu. Người nghèo bao giờ cũng tuyên bố. Bạn càng trở nên giầu, càng ít
có tuyên bố. Bạn có quan sát điều đó trong cuộc sống không? Điều đó xảy ra ở mọi
nơi. Và đàn bà xấu sẽ có nhiều đồ trang sức hơn, đàn bà đẹp không cần. Một nước
càng trở nên đẹp, đàn bà càng trở nên đẹp, càng nhiều thứ mất đi, dần dần.
Không có nhu cầu về đồ trang sức và vàng. Bởi bản thân họ, họ là đủ. Nhưng đàn
bà xấu không thể đảm đương được điều đó. Cô ấy phải mang nhiều, nhiều đồ trang
sức - kim cương, đá quí, vì chỉ qua những đồ trang sức đó cô ấy mới là ai đó, bằng
không thì không. Điều này xảy ra ở khắp mọi chiều cuộc sống. Nhưng cả hai đều
trong cùng một thuyền.
Thừa tướng này là người rất
khiêm tốn. Nhưng danh vọng, quyền lực, của cải và thành công không thể làm ông ấy
sao lãng khỏi mối quan tâm thiết tha và sự sùng kính với Phật giáo. Tự coi mình
là một Phật tử thành tâm khiêm tốn và ngay thẳng, ông ấy thường tới thăm Thiền
sư yêu mến của mình để học dưới sự chỉ bảo của Thiền sư.
Điều này nữa phải được hiểu:
Nhưng danh vọng, quyền lực, của cải và thành công không thể làm ông ấy sao lãng
khỏi mối quan tâm thiết tha.... Chúng không bao giờ làm sao lãng được bất kì
người nào. Khó để được thành tâm với tôn giáo khi bạn là nghèo, kẻ thất bại. Rất,
rất dễ khi bạn thành công để có mối quan tâm thiết tha tới tôn giáo, vì bạn đã
thành công trong cuộc đời này, bạn đã đạt tới đỉnh. Và người này là thừa tướng,
người này đã đạt tới đỉnh; không còn chỗ nào khác để đi bây giờ. Bây giờ người
này sẽ lấy mối quan tâm thiết tha vào thiền, tôn giáo, Thượng đế - vì một người
như Quách Tử Nghi, một thừa tướng, một anh hùng, phải sở hữu cả Thượng đế nữa.
Người thành công thể phải thành công trong thế giới khác nữa. Đó là lí do tại
sao bất kì khi nào một nước trở nên giầu, sung túc, lập tức mối quan tâm thiết
tha vào tôn giáo nảy sinh.
Bây giờ không chỗ nào khác trên
thế giới có nhiều mối quan tâm thiết tha tới tôn giáo như ở Mĩ. Nó phải như vậy.
Nếu bạn hỏi người Ấn Độ nghèo tại sao nhiều người phương Tây thế tới Ấn Độ, họ
đơn giản nghĩ những người đó dở hơi - chẳng có gì ở đây.
Tôi ở đây tại Poona; bạn thấy
bao nhiêu người ở đây là từ Poona? - không một người nào bạn có thể nhận ra: Họ
đơn giản tự hỏi tại sao các bạn những người điên đã tới đây từ phương Tây để
nghe tôi. Bạn phải đã phát rồ, hay tôi phải đã thôi miên bạn. Cái gì đó là sai.
Họ không cần bận tâm ngay cả việc tới và nghe và xem liệu cái gì đó sai hay
không. Họ đã bị thuyết phục về nó rồi. Tại sao?
Họ không giầu, họ không thành
công, họ không có địa vị. Khi bạn thất bại trong thế giới này - bạn vật lộn để
thành công ở đây trong thế giới vật chất này trước hết. Khi bạn thành công, thế
thì bạn muốn thành công ở thế giới kia nữa.
Cho nên đây là việc hiểu của
tôi: rằng chỉ nước giầu có thể có tính tôn giáo; nước nghèo không bao giờ có thể
có tính tôn giáo. Đôi khi người nghèo có thể có tính tôn giáo, vì các cá nhân
có thể là ngoại lệ, nhưng đám đông - không bao giờ. Đôi khi chuyện xảy ra là
người nghèo trở nên có tính tôn giáo và đạt tới điều Tối thượng - một Nanak, một
Kabir, một Jesus - nhưng bình thường quần chúng không thể đảm đương được việc
có tính tôn giáo chừng nào họ chưa đạt được địa vị. Tôn giáo là thứ xa xỉ cuối
cùng. Và tôi mói điều đó không với giọng điệu kết án. Nó là vậy; bạn phải có khả
năng đảm đương nó. Và khi bạn có được mọi thứ và bạn cảm thấy bạn không có gì,
thế thì lần đầu tiên mối quan tâm tha thiết nảy sinh để tìm kiếm cái Không biết.
Ông ấy và Thiền sư dường như rất
tâm đầu ý hợp. Sự kiện là ông ấy là thừa tướng dường như chẳng có ảnh hưởng nào
tới liên kết của họ. Không có dấu vết đáng để ý nào về sự lễ phép về phần Thiền
sư, hay về sự kiêu căng hão huyền về phần thừa tướng; mối liên kết dường như là
liên kết tôn giáo thanh tịnh của một thầy đáng kính và một đệ tử vâng lời.
Nhưng đây chỉ là trên bề mặt.
Sâu bên dưới thừa tướng là Thừa tướng. Sâu bên dưới ông ấy là ai đó rất, rất
quan trọng. Sâu bên dưới ông ấy có cùng bản ngã như mọi người khác. Tình huống
này, dáng vẻ trên bề mặt này chỉ là như làn da. Để tìm thấy thực tại bạn sẽ phải
đi sâu hơn chút ít. Thừa tướng có thể đã bị lừa, nhưng thầy không bị lừa bởi điều
đó. Người khác có thể đã bị lừa; họ có thể đã nghĩ: Thừa tướng này là người vĩ
đại làm sao, khiêm tốn thế, tới và ngồi dưới chân thầy, tôn giáo thế, hiếm khi
tìm ra người như vậy - nhưng thầy không bị lừa bởi dáng vẻ. Dáng vẻ không ngụ ý
cái gì.
Điều thực là cái ở sâu hơn. Và
Thừa tướng này là người tao nhã. Ông ấy đã thành công với thế giới, bây giờ ông
ấy đang cố thành công với thầy cũng bằng phong cách tao nhã của mình. Nhưng bạn
không thể lừa được thầy. Nếu bạn có thể lừa được thầy, ông ấy không phải là thầy
chút nào.
Tuy nhiên, một hôm, khi ông ấy
theo thường lệ tới thăm Thiền sư, ông ấy đã hỏi câu hỏi sau: 'Kính thầy, Phật
giáo giải thích thế nào về duy ngã độc tôn?'
Sâu bên dưới, bạn thực sự không
thể lừa được bản thân bạn nữa. Làm sao bạn có thể lừa được? Bạn biết bạn đang
làm gì. Trong khi bạn đang lừa, thế nữa bạn biết rằng bạn đang lừa. Bạn có thể
lừa toàn thế giới, nhưng làm sao bạn có thể lừa bản thân bạn? Điều đó là không
thể được. Bạn có thể không tỉnh táo, nhưng khoảnh khắc bạn trở nên tỉnh táo, bạn
biết bạn đã từng làm gì.
Điều này nữa là việc lừa dối.
Ông ấy không hỏi câu hỏi trực tiếp. Ông ấy không nói: 'Tôi là người duy ngã độc
tôn, cho nên thưa thầy, xin thầy bảo tôi phải làm gì về nó.' Những người tinh
ranh này bao giờ cũng hỏi câu hỏi gián tiếp. Tôi biết nhiều người trong số họ.
Một người tới tôi và người đó nói: 'Một trong những người bạn của tôi bị bất lực.
Vậy phải làm gì?' Và tôi có thể thấy rằng người này bị bất lực, nhưng người đó
đang nói về bạn của mình. Cho nên tôi hỏi anh ta: 'Sao bạn không bảo bạn của bạn
tới? Anh ta có thể nói với tôi rằng một trong những người bạn của anh ta bị bất
lực - Về điều đó thì sao? Phải làm gì? Tại sao bạn bận tâm tới? Bạn của bạn có
thể đã tới và nói cho tôi cùng điều đó.' Thế là anh ta trở nên bị rối.
Mọi người nói một cách gián tiếp
và vấn đề là vấn đề cá nhân. Và họ nói triết lí; họ hỏi câu hỏi như: 'Duy ngã độc
tôn trong Phật giáo được giải thích thế nào?' Vô nghĩa làm sao! Nó liên quan gì
tới Phật giáo? Duy ngã độc tôn là vấn đề của bạn. Sao làm nó thành gián tiếp? Nếu
bạn làm nó thành gián tiếp, bạn sẽ bỏ lỡ. Bạn sẽ không có khả năng hiểu vì từ
chính ban đầu bạn đang lừa dối. Và bạn có thể nghĩ rằng bạn đang hỏi về Phật
giáo và duy ngã độc tôn, thế thì một lí thuyết có thể được trao cho bạn, một giả
thuyết, một triết lí, một hệ thống, nhưng điều đó sẽ không giúp ích - vì từng
cá nhân có vấn đề riêng của mình, và từng cá nhân có vấn đề riêng của mình theo
cách duy nhất.
Nếu bạn nói: 'Tôi là người duy
ngã độc tôn, phải làm gì về nó?' Câu trả lời của tôi sẽ khác. Nếu bạn hỏi Phật
giáo nói gì, câu trả lời sẽ khác. Phật giáo - thế thì nó trở thành một thứ
chung chung, và không cá nhân nào là thứ chung chung. Mọi cá nhân là cá nhân,
cá nhân đích thực tới mức bạn không thể giúp cho cá nhân bằng lí thuyết chung.
Không, nó sẽ không phù hợp. Mọi cá nhân cần cách tiếp cận trực tiếp.
Đừng bao giờ hỏi câu hỏi triết
lí. Nó là vô dụng. Cứ hỏi câu hỏi cá nhân riêng, hỏi trực tiếp.
Và đó là điều thầy phải làm với
Thừa tướng này. Thầy phải mang ông ấy xuống từ các đỉnh của Phật giáo đề với thực
tại của bản thân riêng ông ấy, vì những đỉnh đó đã không thuộc vào ông ấy. Đó
không thực là vấn đề của ông ấy.
Mọi người tới tôi; họ hỏi liệu
Thượng đế có tồn tại hay không. Bạn định làm gì với Thượng đế? Để Ngài là Bản
thân ngài đi. Bạn định làm gì? Nếu Ngài tồn tại, bạn sẽ làm gì? Nếu Ngài không
tồn tại, bạn sẽ làm gì? Điều đó có vẻ giống như tâm trí bạn không đối diện với
vấn đề thực và né tránh chúng qua các vấn đề tưởng tượng.
Thượng đế là vấn đề tưởng tượng của bạn. Giận, bản ngã, dục, đam mê, ghét: chúng là vấn đề thực. Bạn không hỏi về chúng - bạn hỏi về Thượng đế. Bạn đề cập tới Thượng đế thế nào? Không có mối quan hệ. Tôi gặp những người tin vào Thượng đế và những người không tin vào Thượng đế. Tôi không thấy bất kì khác biệt gì. Bạn có thể phát hiện liệu một người là vô thần chỉ bằng việc nhìn vào hành vi của người đó không? - không. Làm sao bạn có thể biết liệu người này tin vào Thượng đế và người kia không tin vào Thượng đế? Họ cả hai đều cư xử theo cùng cách. Nếu bạn xúc phạm họ, cả hai sẽ nổi giận. Khác biệt là gì? Nếu bạn làm tổn thương bản ngã của họ, cả hai sẽ phát điên. Cho nên Thượng đế bước vào chỗ nào? Đây là thủ đoạn - bạn muốn né tránh vấn đề thực. Các từ 'thượng đế', 'moksha', 'chân lí', giống như những cái chăn. Bạn che đậy mọi vấn đề bằng chúng và che giấu chúng. Chúng không phải là vấn đề, chúng là chăn. Và những người trả lời chúng giúp bạn né tránh thực tại.
'Kính thầy, Phật giáo giải
thích thế nào về duy ngã độc tôn?' Mặt Thiền sư đột nhiên tái xanh, và theo một
cách cực kì ngạo mạn và khinh bỉ ông ấy nói với thừa tướng: 'Ông nói gì vậy đồ
đần độn?'
Mọi thứ đã thay đổi ngay lập tức
bây giờ. Thầy đã mang ngay Thừa tướng về thực tại, về đất bằng, chỉ bằng một lời,
'đồ đần độn'. Một lời có thể làm phép màu đó xảy ra - vì bạn không nhận biết,
đó là lí do tại sao. Bằng không, Thừa tướng chắc đã cười, và ông ấy chắc đã
nói: 'Vâng, thầy đúng.' Bây giờ về Phật giáo và cách nó giải thích duy ngã độc
tôn sao? Nhưng chỉ một lời....
Bạn bị nghiện với lời nhiều làm
sao! Một lời, và toàn thể tình huống thay đổi sao? Và lời là gì? Chỉ là âm
thanh không thực sự có nghĩa, vì nghĩa chỉ là thoả thuận của xã hội, giữa con
người: Chúng ta sẽ ngụ ý cái này bằng cái này. Nó chỉ là một bản thoả thuận xã
hội. 'Đồ đần độn' ngụ ý gì? - chả cái gì, chỉ là âm thanh. Nếu bạn không hiểu
tiếng Việt, nó ngụ ý gì? Chẳng cái gì, chỉ các âm thanh. Nếu bạn hiểu tiếng Việt,
thế thì có rắc rối. Ai đó đang gọi bạn là 'đồ đần độn' sao? - lập tức triết lí
biến mất và thực tại thò ra. Mọi cung cách xã giao chỉ bề ngoài. 'Kính Thầy' -
toàn bề ngoài. Ông ấy cúi mình và nói 'Kính Thầy'. Đây là kiểu kính trọng gì mà
một lời có thể phá huỷ nó? Thiền sư thực khéo léo.
'Ông nói gì vậy đồ đần độn?' Việc
coi thường vô lí và bất ngờ này làm tổn thương tình cảm của thừa tướng tới mức
làm cho mặt ông ấy sị ra vì giận.
Vâng, nó là vô lí. Và bất ngờ.
Thầy là vô lí và bất ngờ. Bạn không thể dự đoán được họ. Họ giống như gió, hay
giống như mây bay qua bầu trời. Họ đi đâu không ai có thể nói, vì họ không theo
bất kì bản đồ nào. Họ đơn giản đi bất kì chỗ nào gió thổi tới. Họ không có mục
đích, họ không có chiều hướng. Họ đơn giản sống trong khoảnh khắc này. Bạn
không thể nói thầy sẽ làm cái gì - không bao giờ. Thầy là không thể dự đoán được
vì thầy không được lập kế hoạch cho tương lai. Thầy không được chuẩn bị theo bất
kì cách nào. Thầy di chuyển trong khoảnh khắc, nhìn vào tình huống, và đáp ứng.
Thầy không bao giờ phản ứng, thầy đáp ứng. Người có nhận biết không bao giờ phản
ứng, người đó đáp ứng. Bạn phản ứng. Cố hiểu sự khác biệt.
Phản ứng là thói quen bắt rễ
sâu. Đáp ứng không phải là thói quen. Nó là nhạy cảm sống với khoảnh khắc. Đáp ứng
là thực. Phản ứng bao giờ cũng không thực. Ai đó xúc phạm bạn và bạn phản ứng.
Phản ứng ngụ ý: giữa xúc phạm và điều bạn làm, giữa hai điều này, không có một
khoảnh khắc của nhận biết. Bạn phản ứng qua thói quen như bạn đã phản ứng trong
quá khứ - nhưng tình huống là khác toàn bộ. Ai đó xúc phạm bạn trên phố và thế
rồi một thầy xúc phạm bạn. Tình huống là khác toàn bộ. Ai đó xúc phạm bạn trên
phố là giống như bạn. Nó là tình huống khác toàn bộ. Và thế rồi một thầy, vị Phật
xúc phạm bạn - ông ấy xúc phạm theo cách khác toàn bộ. Ông ấy tạo ra tình huống.
Ông ấy cho bạn cơ hội để không phản ứng, không đi theo hình mẫu thói quen cũ,
không hành động và cư xử như robot, mà trở nên tỉnh táo và nhận biết.
Nếu như người này đã chút ít tỉnh
táo, chút ít nhận biết, chút ít lưu tâm, ông ấy chắc đã cười, ông ấy chắc đã
cúi mình và chạm chân thầy, vì thầy xúc phạm bạn chỉ khi có tình yêu và từ bi
sâu sắc. Bằng không, hữu dụng gì? Thầy xúc phạm bạn để chỉ ra cho bạn cái gì
đó. Thầy có thể nổi giận trong khoảnh khắc nào đó, nhưng thầy không giận - nó
là một phần của từ bi của thầy.
Mới hôm nọ, một sannyasin bảo
tôi rằng anh ấy đã trong tiếp xúc với nhóm của Gurdjieff, và anh ấy nói dường
như không có từ bi trong hệ thống đó. Anh ấy đúng. Gurdjieff là từ bi sâu sắc;
ông ấy không bao giờ biểu lộ điều đó. Ông ấy rất dữ tợn - ngay cả các Thiền sư
cũng không thể thắng được ông ấy. Nhưng nếu bạn có thể dung thứ ông ấy một
chút, nếu bạn có thể cùng ông ấy, mặc ông ấy, thế thì dần dần bạn sẽ cảm thấy
ông ấy có từ bi sâu sắc nào. Và chính chỉ bởi vì từ bi sâu sắc mà ông ấy khắc
nghiệt thế, vì ông ấy biết rằng với bạn từ bi sẽ không giúp ích. Con tim của bạn
đã thành chết thế, chúng đã trở thành đá. Nhiều việc gian nan được cần.
Nếu ai đó đơn giản tốt với bạn,
người đó sẽ không có khả năng thay đổi bạn. Ông ấy phải rất nghiêm khắc. Nhưng
nếu bạn có thể nhận biết một chút, sống cùng người như Gurdjieff, ở quanh ông ấy,
trong sự hiện diện của ông ấy trong vài ngày, dần dần bạn sẽ thấy cốt lõi bên
trong - một trong những người sâu sắc nhất - sâu trong từ bi, nhưng ông ấy đã
trở nên nghiêm khắc qua kinh nghiệm. Nếu ông ấy bầy tỏ từ bi từ đầu, bạn nghĩ bạn
được phép có nhược điểm, bạn nghĩ bạn được phép vẫn còn như bạn vậy; bạn nghĩ
không có nhu cầu về bất kì biến đổi nào. Từ bi của ông ấy trở thành thức ăn cho
nhược điểm của bạn. Không, điều đó sẽ không có tác dụng.
Khi một thầy xúc phạm hay trở
nên giận, đừng phán xét bởi các chuẩn mực bình thường, đừng phán xét bằng kinh
nghiệm bình thường của bạn. Đợi thêm chút ít và không phản ứng. Thừa tướng đã
phản ứng ngay lập tức.
Việc coi thường vô lí và bất ngờ
này làm tổn thương tình cảm của thừa tướng tới mức làm cho mặt ông ấy sị ra vì
giận.
Ông ấy phải thực sự là người
tao nhã. Ngay cả giận có tới, nhưng rất thoáng qua. Nó không bùng nổ.
Ông ấy phải đã kìm nén bản thân
ông ấy rất sâu. Ông ấy là người có văn hoá, thực sự có văn hoá. Nhưng ngay cả
người có văn hoá đó, chỉ một lời nhỏ, 'đồ đần độn', và cách diễn đạt sị mặt ra
và hơi thoáng giận bắt đầu biểu lộ trên mặt ông ấy. Bây giờ tình huống là thực.
Thầy có đó, không có bản ngã nào; và Thừa tướng có đó - bây giờ bản ngã thò ra,
bây giờ cái thực đã nổi lên bề mặt.
Thế rồi Thiền sư mỉm cười và
nói: 'Thưa đại vương, đây là duy ngã độc tôn.'
Và điều đó chẳng liên quan gì tới
Phật giáo. Nó có cái gì đó liên quan với bạn. Thầy thực sự tài nghệ. Thầy đã tạo
ra tình huống như thế chỉ bằng việc dùng một lời.
Có lần chuyện xảy ra là một
phóng viên báo chí đi tới gặp Gurdjieff. Và bạn không thể tìm được kẻ đần độn
nào lớn hơn phóng viên báo chí. Họ là những người trên bề mặt nhất; họ phải vậy
vì báo chí tồn tại trên bề mặt. Gurdjieff nhìn người này, thế rồi nhìn người
đàn bà đang đứng ngay bên cạnh anh ta, một đệ tử, và ông ấy hỏi người đàn bà:
'Hôm nay là ngày nào nhỉ?' Cô ấy nói: 'Thứ bẩy.' Gurdjieff đột nhiên nổi giận
và nói: 'Làm sao điều đó là có thể được? Hôm qua là thứ sáu, vậy làm sao hôm
nay có thể là thứ bẩy được, cô ngu!' Người đàn bà bị choáng. Ông ấy có đột
nhiên phát điên không? Và chàng phóng viên đơn giản bỏ đi. Thế rồi Gurdjieff cười.
Cách gạt bỏ đồ đần độn hay làm sao! Và ông ấy nói: 'Nếu người này không thể thấy
ra vấn đề về sự vô lí và điên của ta, anh ta sẽ không có khả năng hiểu điều ta
đang làm ở đây.' Điều đó sẽ là không thể được, vì nó không có lí do. Nó là phi
lí, nó là bất hợp lí. Và bạn không thể phân loại điều đó qua cái đầu. Nếu anh
ta không thể đợi được, nếu anh ta phán xét ngay lập tức thế, thế thì anh sẽ
không có khả năng phán xét điều ta đang làm ở đây. Cho nên tốt hơn cả là gạt bỏ
anh ta ngày từ đầu.
Bạn sống qua lí trí, và bất kì
khi nào bạn thấy cái gì đó bất hợp lí, bạn lập tức đưa ra phán xét. Ngay lập tức!
Đó là phản ứng. Bằng không có cả triệu khả năng.
Phóng viên báo chí này có thể
đã nghĩ: Đó có thể chỉ là chuyện đùa, không cần phán xét. Phóng viên báo chí
này có thể đã nghĩ: Người này dường như huyền bí. Chúng ta hãy xem - đợi đã. Và
toàn thể sự việc là ngớ ngẩn thế, Gurdjieff này đang khẳng định rằng hôm nay
không thể là thứ bẩy khi mới hôm qua là thứ sáu. Toàn thể sự việc là ngớ ngẩn
thế. Phải có nghĩa ẩn sâu nào đó trong nó chứ. Đợi đã, đừng phán xét. Nhưng điều
này cần nhận biết. Và bạn sẽ mất gì nếu bạn đợi?
Gurdjieff đã tạo ra nhiều tình
huống, và hàng triệu hiểu nhầm vẫn còn được đồn về ông ấy trên khắp thế giới.
Không ai biết ông ấy là kiểu người nào. Không ai có thể biết, vì bạn cố đạt tới
qua lí trí, và công việc mà một thầy đang làm là bên ngoài lí trí - nó là siêu
hợp lí. Nhưng với bạn nó sẽ có vẻ như bất hợp lí vì bạn không biết siêu hợp lí
là gì. Với bạn nó sẽ có vẻ bất hợp lí; đó là vì quan điểm của bạn, chỗ bạn đứng,
từ nơi bạn nhìn, thái độ của bạn, việc quá nghiện với lí trí. Nó sẽ có vẻ bất hợp
lí. Nếu bạn theo một thầy, dần dần bạn bắt đầu cảm thấy rằng nó không phải là bất
hợp lí, nó là siêu hợp lí.
Nó không phải là hợp lí, điều
đó là đúng, nhưng nó cũng không là bất hợp lí. Nó có thể không có vẻ hợp lí với
bạn, nhưng khi phẩm chất bản thân bạn thay đổi, thế thì một cái nhìn mới, sự
sáng tỏ mới, cảm nhận mới xảy ra cho bạn. Và thế thì mọi thứ lắng đọng theo
cách khác. Thế thì nó bắt đầu dường như là siêu hợp lí; không bất hợp lí, mà
cao siêu hơn lí trí, vĩ đại hơn lí trí, bao la hơn lí trí. Nhưng thế thì người
ta phải đợi. Và các thầy bao giờ cũng cố tạo ra các tình huống, vì qua tình huống
thực tại nổi lên bề mặt.
Và điều thầy nói hay làm sao.
Thế rồi thầy mỉm cười. Bạn không thể mỉm cười ngay lập tức sau giận - không, vì
bạn không phải là thầy. Cho dù bạn cố mỉm cười, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng nhiều
trong môi bạn, tới mức bạn sẽ không có khả năng thả lỏng chúng. Sau giận bạn
không thể mỉm cười ngay lập tức được; bạn sẽ cần thời gian, để cho giận nguôi
đi.
Người ta nói về Gurdjieff rằng
đôi khi ông ấy sẽ tạo ra hai ấn tượng lên hai người trong một tình huống. Nếu
ai đó đang ngồi bên phải ông ấy và ai đó ngồi bên trái ông ấy, ông ấy sẽ nhìn
sang trái với giận dữ thế, và thế rồi ông ấy sẽ nhìn sang phải với bộ mặt mỉm
cười đẹp thế - thế thì cả hai người bạn sẽ mang các diễn giải khác nhau. Một
người sẽ nói: Người này là nguy hiểm, có vẻ giống kẻ giết người. Người kia sẽ
nói: Tôi chưa bao giờ thấy người tốt bụng thế, mỉm cười, mặt như Phật. Với ai
đó, ông ấy sẽ giống như một Rasputin, một Thành Cát tư Hãn, một Thiết Mộc Nhi;
với ai đó, ông ấy sẽ có vẻ như một Phật, một Jesus, một Socrates - và ông ấy có
thể tạo ra điều này ngay lập tức chỉ bằng việc quay trái và phải.
Điều này là có thể. Điều này là
không thể với bạn, vì bạn phản ứng. Khi bạn phản ứng, bạn là nạn nhân, bạn bị sở
hữu bởi xúc động, bạn không là người chủ. Khi bạn không phản ứng, bạn đơn giản
tạo ra tình huống.
Thầy có vẻ giận, kết án, khi thầy
xúc phạm Thừa tướng. Và khi việc xúc phạm đã làm xong việc của nó, và
Thừa tướng thực đã lộ diện, thầy
mỉm cười và nói: 'Thưa Đại vương, đây là duy ngã độc tôn.'
Xem tiếp Chương 6 - Quay về Mục lục
0 Đánh giá