Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đường Xưa Mây Trắng
Chương 35. Ra Nhìn Tia Nắng Sớm
Tin thái tử Siddhatta
đi tu đắc đạo đã trở về được truyền đi rất mau trong thành Kapilavatthu. Tin
này được xác định bằng sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ mỗi buổi sáng ở thành phố
và các vùng lân cận thủ đô. Nhiều người đã được trông thấy cảnh tượng những
đoàn khất sĩ lặng lẽ và trang nghiêm đi khất thực trên các nẻo đường. Nhiều nhà
đã học được cách thức cúng dường thực phẩm cho các vị khất sĩ theo nghi lễ. Nhiều
gia đình đã được nghe các vị khất sĩ thuyết pháp. Quốc vương Suddhodana cũng đã
ra lệnh dân chúng treo cờ kết hoa vào ngày rước Bụt và giáo đoàn đến hoàng cung
thọ trai. Vua cũng đã ra lệnh dựng lên những am thất nhỏ rải rác trong công
viên Nigrodha để che nắng che mưa cho Bụt và các vị đệ tử lớn tuổi của người.
Ngoài những người có phận sự đến xây dựng am thất, đã có một số các người tìm tới
tận công viên Nigrodha để thăm viếng và học hỏi với Bụt và các vị khất sĩ. Nhiều
người ở thủ đô quả quyết đã được gặp thái tử Siddhatta trong hình thức tu sĩ
trang nghiêm mang bình bát đi khất thực. Trong suốt cả tuần lễ, dân
Kapilavatthu chỉ nói có một câu chuyện này khi dịp gặp gỡ nhau.
Hai vị phu nhân
Gotami và Yasodhara cũng rất muốn lên vườn Nigrodha để thăm Bụt nhưng họ không
có thì giờ. Cả hai người đều phải lo điều động công việc tổ chức lễ trai tăng.
Vua đã cho mời hàng ngàn tân khách. Không những nhân vật trong giới chính trị
và văn hóa trong và ngoài hoàng gia được mời mà tất cả các giới lãnh đạo tôn giáo
và trí thức cũng đã được mời. Theo lời Bụt dặn, tất cả các thực phẩm cúng dường
và thết đãi ngày hôm ấy sẽ đều là những món chay tịnh.
Hoàng tử Nanda đã lên
thăm Bụt được hai lần vào hai buổi chiều. Chàng đã được ngồi với Bụt khá lâu và
được Bụt giảng dạy cho những điều căn bản của đạo lý tỉnh thức. Nanda rất
thương kính Bụt và rất mến nếp sống tịnh lạc của các vị khất sĩ. Chàng có hỏi
thăm về đời sống hàng ngày của các vị khất sĩ. Chàng lại hỏi Bụt xem thấy chàng
có đủ khả năng sống đời sống xuất gia không. Bụt chỉ mỉm cười không trả lời.
Nanda là một thanh niên có nhiều tình cảm nhưng chưa được vững mạnh lắm về mặt
ý chí. Khi ngồi với Bụt thì có ý muốn đi xuất gia, khi về đến cung điện và nghĩ
tới mỹ nhân Kalyani, vị hôn thê của mình thì chàng lại thấy chàng chưa đi xuất
gia được. Chàng tự hỏi không biết anh mình nghĩ gì về mình.
Ngày trai tăng đã đến.
Cả thủ đô treo cờ hết hoa để đón Bụt và tăng đoàn. Hoàng thành cũng được treo cờ
kết hoa bốn phía. Cả thủ đô tưng bừng chuẩn bị đón rước người hùng của cả nước.
Nhiều nơi trong thành phố, thiên hạ mở hội vũ nhạc. Trên con đường mà Bụt và tăng
đoàn sẽ đi qua, quần chúng tập họp rất đông đảo. Ai cũng muốn thấy tận mặt Bụt.
Trong hoàng cung, tân khách của quốc vương đã tề tựu đầy đủ. Phu nhân Gotami và
Yasodhara đích thân điều khiển công cuộc tiếp đãi. Gopa đã nghe lời hoàng hậu
trang điểm và phục sức thật đúng mức trong ngày hội lớn này.
Trong lúc ấy Bụt cùng
đoàn khất sĩ đang trầm lặng và nghiêm chỉnh đi vào thành. Hai bên đường dân
chúng đứng chen từng hàng đông đảo. Nhiều người chắp tay cúi đầu khi Bụt đi
qua. Những em bé được công kênh lên để có thể thấy được Bụt. Có cả những tiếng
hò reo mừng Bụt trở về. Trong không khí rộn rã tưng bừng ấy, đoàn khất sĩ vẫn lặng
lẽ và chậm rãi đi tới. Các vị khất sĩ để hết tâm ý vào bước chân và hơi thở của
họ.
Vua Suddhodana ra đón
Bụt tận ngoài cổng hoàng cung, cũng như vua Bimbisara ở nước Magagha vậy, Bụt
và các vị khất sĩ được hướng dẫn vào chỗ ngồi đã bày sẵn ở giữa sân điện. Thấy
vua kính cẩn chắp tay làm lễ Bụt, tất cả các vương hầu và quan khách đều phải bắt
chước đứng lên làm lễ người, dù trong số đó có người nghĩ rằng không có lý do
gì mà họ phải tôn trọng vị khất sĩ trẻ này một cách quá đáng như vậy.
Sau khi Bụt và các vị
khất sĩ đã an tọa, vua ra hiệu cho các người hầu mang thức ăn ra cúng dường.
Chính tay vua cúng dường thức ăn vào bát của Bụt. Các vị khất sĩ cũng đều được
cúng dường một lượt. Trong khi ấy hoàng hậu và Yasodhara hướng dẫn những cung
nhân thừa tiếp trên một ngàn tân khách của vua, trong đó có nhiều đạo sĩ Bà la
môn, các du sĩ và cả những nhà tu khổ hạnh. Tất cả đều thọ trai im lặng theo Bụt
và tăng đoàn. Thức ăn thuần là chay tịnh.
Sau khi mọi người đã
thọ trai và bát của Bụt và của chư vị khất sĩ đã được rửa và trả lại cho từng
người, vua đứng dậy chắp tay và thỉnh Bụt thuyết pháp. Bụt ngồi im lặng một lát
để quán chiếu tâm ý của đại chúng, Sau đó người lên tiếng. Trước hết người nói
cho mọi người nghe sơ lược về kinh nghiệm học đạo, tìm đạo và tu đạo của người.
Những điều này, người biết, ai trong đại chúng cũng muốn được nghe. Rồi Bụt
khai thị cho đại chúng về đạo lý vô thường, vô ngã, và duyên sinh của vạn vật,
nghĩa là về những khám phá căn bản trong công trình thiền quán của người. Người
nói đến con đường quán chiếu và thực tập tỉnh thức như là con đường duy nhất có
thể đưa đến sự diệt khổ và thực hiện an lạc. Người cũng cho biết là tế tự và cầu
nguyện không phải là những phương thức hữu hiệu để đạt tới giải thoát.
Rồi Bụt giảng dạy về
bốn sự thật căn bản: sự có mặt của khổ đau, nguyên do của khổ đau, khả năng diệt
khổ để kiến tạo an lạc và giải thoát, và con đường thực hiện diệt khổ và kiến tạo
an lạc.
Bụt khai thị thêm:
Ngoài những tai nạn như sinh, già, bệnh, chết, có người còn phải gánh chịu biết bao nhiêu khổ đau khác do mình tự tạo ra cho mình. Vì vô minh, nghĩa là vì nhận thức sai lầm, con người nghĩ, nói và làm những điều có thể tạo ra cho bản thân mình và cho những người xung quanh rất nhiều nỗi khổ. Những đau khổ vì giận dữ, hờn oán, nghi kỵ, ganh ghét, bất mãn... đều do ta thiếu sáng suốt mà sinh ra. Ta sống trong những khổ đau ấy như sống trong một nhà đang bốc cháy. Phần lớn những khổ đau mà ta chịu đều do ta tự tạo ra cho ta. Ta không thể thoát ra được khổ đau bằng cách cầu cứu một vị thần linh. Ta phải quán chiếu tâm ta và hoàn cảnh ta để loại trừ những nhận thức sai lầm đã từng là nguồn gốc phát sinh ra các khổ đau ấy. Ta phải tìm tới ngọn nguồn của đau khổ thì ta mới thật sự hiểu được bản chất của đau khổ. Một khi hiểu được bản chất của một niềm đau khổ thì ta thoát được ra khỏi niềm đau khổ ấy.
Ví dụ có một người
kia tới chửi mắng ta. Ta có thể nổi giận và chửi mắng trả lại người ấy. Trong
trường hợp này ta khổ mà người ấy cũng khổ. Theo đạo lý tỉnh thức thì không nên
vội nổi giận và chửi mắng người kia. Ta phải bình tâm quán chiếu để thấy được
vì sao người kia lại tới chửi mắng ta, nghĩa là ta đi tìm tới cội nguồn của sự giận
dữ của người ấy. Do công phu quán chiếu bình tĩnh đó mà ta có thể thấy được những
nguyên nhân sâu xa và chằng chịt nào đó đưa tới thái độ và hành động hôm nay của
người ấy. Nếu ta thật sự có lỗi thì ta thấy sự chửi mắng đó là kết quả tất
nhiên của lỗi lầm ta. Nếu ta quả không có lỗi lầm gì thì chắc chắn đã có một sự
hiểu lầm nơi người ấy. Ta quán chiếu để tìm ra và chứng minh được sự hiểu lầm ấy
cho người kia thấy. Làm như vậy, ta tránh được khổ đau cho ta và cũng giải tỏa
được khổ đau cho người kia.
Thưa Đại Vương và các
vị quan khách! Tất cả mọi khổ đau của ta, ta đều có thể thoát ra khỏi bằng đường
lối quán chiếu ấy, nhưng muốn quán chiếu cho thành công ta phải biết theo dõi
hơi thở, biết thực tập sống theo tinh thần giới định tuệ. Giới là những nguyên
tắc sống cho an lạc. Có sống theo các nguyên tắc này, ta mới thực hiện được định.
Định là nếp sống có tỉnh thức, có chú tâm. Có tỉnh thức và chú tâm ta mới có khả
năng quán chiếu về thực tánh của tâm ta và của hoàn cảnh, và có quán chiếu ta mới
có Tuệ. Tuệ tức là sự hiểu biết. Một khi đã có hiểu biết, ta có thể thương yêu
và tha thứ. Cuộc đời sẽ bớt khổ rất nhiều khi ta có hiểu biết. Nếu không hiểu biết,
ta không thể thương yêu và tha thứ. Cho nên con đường giải thoát chân thật là con
đường thực hiện sự hiểu biết. Hiểu biết là trí tuệ, là bát nhã. Mà trí tuệ chỉ
có thể do quán chiếu đem lại. Con đường giới, định và tuệ vì vậy là con đường
duy nhất đưa tới giải thoát.
Bụt lặng yên một lát
rồi mỉm cười. Người nói tiếp: "Nhưng khổ đau chỉ là một mặt của sự sống. Sự
sống còn có một mặt khác: đó là sự có mặt của những mầu nhiệm trong cuộc đời,
và nếu con người được tiếp xúc với những mầu nhiệm ấy, con người sẽ có niềm vui
và sự an lạc. Khi tâm ta được giải thoát, ta tiếp xúc ngay được với những mầu nhiệm
ấy. Nếu ta chứng nghiệm được sự thật về vô thường, vô ngã và duyên sinh thì ta
có thể thấy được rằng tất cả đều là mầu nhiệm: từ tâm ý ta, thân thể ta cho đến
cành tre tím, bông cúc vàng, dòng sông trong, mặt trăng sáng.
Chỉ vì ta tự giam hãm
ta trong thế giới khổ đau cho nên ta mới không xúc tiếp được với thực tại mầu
nhiệm. Phá được vô minh rồi, ta sẽ thênh thang trong thế giới của an lạc, của
giải thoát, của niết bàn. Niết bàn là sự chấm dứt của vô minh, tham đắm và giận
hờn. Niết bàn cũng là sự hiển lộ của niềm an lạc và giải thoát. Quý vị cứ thử
ra nhìn một dòng sông trong hay một tia nắng sớm. Quý vị sẽ thấy mình đã tiếp
xúc được với thế giới của an lạc và giải thoát chưa. Nếu bị giam hãm trong ngục
tù của phiền não, ta vẫn còn chưa tiếp xúc thật sự được với những nhiệm mầu của
vũ trụ, trong đó có hơi thở ta, thân và tâm ta. Phá giặc phiền não bằng phép
quán chiếu, đó là con đường tôi đã tìm ra được. Tôi đã thực nghiệm, đã thành
công và đã chỉ bày cho nhiều người khác. Nhiều người thực hành theo phương pháp
ấy cũng đã thành công.
Khi Bụt chấm dứt pháp
thoại, người đã chinh phục được hầu hết mọi người trong số những tân khách của
vua Suddhodana. Điều này có thể cảm nhận được trong không khí và trong ánh mắt
của các vị tân khách. Vua sung sướng đã đành mà hoàng hậu Gotami và công nương
Yasodhara cũng tỏ vẻ hết sức hoan hỷ. Họ nhất quyết trong những ngày kế tiếp
tìm tới với Bụt để được học về những phương pháp quán chiếu thực tiễn có thể
giúp họ đạt tới giải thoát và giác ngộ.
Sau buổi pháp thoại,
vua tiễn Bụt và giáo đoàn ra khỏi hoàng cung rồi mới đưa tiễn các vị tân khách.
Mọi người đều chúc mừng vua về sự thành công của Bụt.
Công viên Nigrodha đã
được biến thành một tu viện cho Bụt và tăng đoàn. Ở đây có rất nhiều cây sung cổ
thụ. Các cây này cho Bụt và tăng đoàn rất nhiều bóng mát. Rất nhiều người đến
xin xuất gia thọ trì năm giới của người cư sĩ. Trong số những người đến xin Bụt
xuất gia có cả những thanh niên thuộc dòng họ Sakya của người.
Yasodhara thường đi
chung với hoàng hậu và Rahula đến thăm và cúng dường Bụt và tăng đoàn tại tu viện.
Bà đã được nghe Bụt thuyết pháp nhiều lần. Bà cũng đã có cơ hội hỏi Bụt những
câu hỏi về sự liên hệ giữa sự tu đạo và công việc cứu tế xã hội. Bà được Bụt dạy
cho những phương pháp theo dõi hơi thở và thực tập thiền quán để nuôi dưỡng sự
an lạc trong thân tâm. Bà biết rằng nếu không có an lạc thì con người không thể
giúp được gì cho kẻ khác. Bà học được rằng phát triển sự hiểu biết cũng là nuôi
dưỡng được tình thương. Bà rất sung sướng tìm ra được rằng bà có thể thực tập
thiền quán ngay trong đời sống hàng ngày và trong những lúc làm công tác cứu tế
xã hội. An lạc có thể đạt được ngay trong khi mình làm công việc. Phương tiện
và cứu cánh không còn là hai cái khác nhau. Hoàng hậu Gotami cũng đạt được nhiều
tiến bộ tu học trong thời gian mấy mươi ngày sau đó.
0 Đánh giá