Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đường Xưa Mây Trắng
Chương 44. Tứ Đại Tan Rã, Rồi Tứ Đại Lại Kết Hợp
Một hôm Bụt được thầy
Meghiya cho biết là đại đức Nanda, em cùng cha khác mẹ với Bụt, không cảm thấy
thoải mái và hạnh phúc trong đời sống xuất gia. Thầy Nanda có tâm sự với thầy
là thầy nhớ người yêu cũ ở thành Kapilavatthu quá.
"Sư huynh biết
không, thầy Nanda nói, tôi còn nhớ hôm tôi cầm bình bát theo Bụt đi về tu viện
Nigrodha, công nương Janapada Kalyani đã nhìn tôi và nói: điện hạ đi mau mà về
nhé, em chờ điện hạ. Tôi nhớ rất rõ mái tóc mượt như nhung được vắt một phần
sau cái vai thon nhỏ của nàng. Hình ảnh này hay hiện về với tôi mỗi khi tôi ngồi
thiền, mà mỗi khi hình ảnh đó hiện về là tôi cảm thấy xốn xang và thao thức; mỗi
lúc như thế này tôi thấy tôi không có hạnh phúc khi sống đời sống xuất
gia".
Chiều ngày hôm sau, Bụt
rủ Nanda đi thiền hành chung với người. Ra khỏi vườn Kỳ Đà, hai người đi về
phía một thôn trang hẻo lánh, họ đi tới một cái hồ và cùng ngồi xuống trên một
phiến đá bên hồ. Nước hồ trong vắt, một đàn vịt bơi lội thảnh thơi dưới hồ. Ở
những lùm cây phía trên, chim chóc ca hát vang lừng, Bụt nói với Nanda:
- Các thầy có nói là
em không được hạnh phúc trong đời sống xuất gia, có phải vậy không?
Thầy Nanda im lặng. Một
lát sau, Bụt hỏi:
- Hay là em muốn trở
về Kapilavatthu tập sự làm chính trị để sau này thay thế cho phụ vương?
Nanda vội đáp:
- Không, em đã nói là
em không thích làm chính trị. Em biết em không có khả năng làm chính trị, vì vậy
em cũng đã nói là em không thích làm vua.
- Vậy tại sao em lại
không có hạnh phúc khi sống đời sống xuất gia?
Nanda lại giữ sự im lặng.
- Hay là em nhớ cô
Kalyani?
Thầy Nanda đỏ mặt,
nhưng thầy vẫn không nói gì.
Bụt bảo:
- Này Nanda, ở xứ
Kosala này cũng có rất nhiều cô thiếu nữ mà nhan sắc còn mặn mà hơn cả cô
Kalyani của em. Em còn nhớ hôm dự trai tăng ở trong cung vua Pasenadi không?
Theo em, các cô thiếu nữ tiếp tân hôm ấy có đẹp bằng Kalyani không?
Nanda tỏ ý không bằng
lòng:
- Có thể là trong số
các cô ấy, có nhiều cô đẹp hơn Kalyani, nhưng mà em chỉ lưu luyến Kalyani mà
thôi. Ở trên đời chỉ có một Kalyani thôi.
- Nanda, luyến ái là
một trong những trở ngại lớn cho sự tu tập. Sắc đẹp của phụ nữ cũng chóng tàn
như sắc đẹp của một bông hồng. Em đã biết trên lý thuyết rằng cuộc đời là vô
thường. Em phải thật sự quán chiếu tự tánh vô thường của vạn vật. Này em nhìn
xem.
Theo ngón tay Bụt,
Nanda nhìn lên thì thấy một bà lão đang chống gậy đi qua ngõ trúc. Bà lão còn mạnh
khỏe, nhưng da trên mặt bà đã nhăn nhúm lại.
- Bà già này hồi trẻ
chắc chắn là người có nhan sắc. Nhan sắc Kalyani rồi cũng sẽ tàn tạ trong vòng
vài mươi năm. Trong khi đó sự nghiệp giác ngộ của em có thể đem lại ánh sáng và
an lạc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nanda, em hãy nhìn lên đôi khỉ đang đong
đưa trên cành cây kia. Em hãy để ý tới con khỉ cái, em có thể nghĩ rằng với một
cái miệng nhọn như thế và một cái đít đỏ như thế, con khỉ đó không đẹp đẽ gì,
nhưng đối với con khỉ đực ngồi một bên thì đó là một con khỉ cái đẹp nhất trên
đời. Đối với nó, con khỉ cái là độc nhất, và nó có thể sẵn sàng để chết vì con
khỉ cái kia. Em có biết rằng...
Nanda ngắt lời Bụt:
- Thôi xin Bụt đừng
nói nữa. Em đã hiểu rồi, em hứa từ nay sẽ tinh tiến tu học.
- Vậy thì tốt lắm, em
phải thực tập trở lại phép quán niệm hơi thở cho chuyên cần mỗi ngày, rồi em sẽ
tập quán chiếu thân thể, quán chiếu cảm giác, quán chiếu tâm ý và cuối cùng
quán chiếu các pháp. Các pháp chính là đối tượng của tâm ý. Phải quán chiếu để
thấy cho được quá trình sinh khởi, tồn tại và hoại diệt của mọi hiện tượng, từ
thân thể qua cảm giác đến tâm tư và các pháp. Có gì không hiểu em có thể đến hỏi
lại ta, hoặc nếu ta không có đó thì em có thể hỏi thầy Sariputta. Nanda! Nên nhớ
rằng hạnh phúc của giải thoát mới là thứ hạnh phúc chân thật, không tùy thuộc
vào điều kiện, không bao giờ bị tàn hoại. Em phải đạt cho được thứ hạnh phúc ấy.
Trời đã chiều, Bụt đứng
dậy, và đưa thầy Nanda về tu viện. Tu viện Jetavana đã tạo được nền nếp tu học
vững chãi. Số lượng các thầy khất sĩ ở lại tu học đã lên tới năm trăm vị.
Mùa mưa năm sau, Bụt
về an cư tại Vesali. Địa điểm an cư là Rừng Lớn, nơi ấy có một tòa giảng đường
hai tầng có nóc nhọn gọi là giảng đường Kutagara và một số các tăng đường rải
rác trong rừng. Tất cả những ngôi nhà này đều đã được các vương tử trong bộ tộc
Licchavi vận động xây cất trong năm vừa qua để làm chỗ tu học cho Bụt và các vị
khất sĩ. Hầu hết cây trong rừng đều là cây sala. Mùa an cư năm nay, các vương tử
Licchavi là những người đứng ra bảo trợ.
Ambapali đã rất sốt sắng
đóng góp phần mình vào việc xây cất và bảo trợ khóa tu. Nhiều vị khất sĩ hành đạo
rải rác trong vương quốc Magadha và cả ở vương quốc Sakya nghe Bụt về an cư tại
giảng đường Trùng Các cũng đã tìm về kịp thời để được cùng an cư với Bụt.
Số lượng các vị khất
sĩ an cư năm nay lên tới sáu trăm vị. Từ vương quốc Magdha, nhiều vị nhân sĩ và
cư sĩ nghe nói Bụt an cư tại đây cũng đã tìm tới để được thân cận và học hỏi
trong ba tháng với Bụt. Họ tìm chỗ cư trú trong đô thị Vesali để thỉnh thoảng
có thể vào tu viện Trùng Các để cúng dường và nghe pháp.
Một buổi sáng đầu thu
khi mùa an cư vừa chấm dứt, có tin từ Kapilavatthu báo về là quốc vương
Suddhodana bệnh nặng. Ngài sắp từ trần. Chính vua đã cho người đi triệu Bụt về
để được thấy Bụt lần chót. Sứ giả là hoàng thân Mahanama. Hoàng thân xin Bụt
dùng phương tiện xe ngựa về tới quê hương cho kịp giờ trước giờ vua băng hà. Bụt
nhận lời. Người bảo Anuruddha, Nanda, Ananda, và Rahula cùng lên xe với người.
Bụt khởi hành ngay buổi trưa hôm ấy. Các vương tử từ Licchavi và ca nương
Ambapali cũng có cơ hội để tiễn đưa người, nhưng hàng trăm vị khất sĩ đã ra tiễn
ở cửa tu viện Trùng Các. Sau khi Bụt đi rồi, trên hai trăm vị khất sĩ cũng khởi
hành đi về miền Bắc, nhắm hướng Kapilavatthu. Họ muốn có mặt bên Bụt trong lễ
trà tỳ của quốc vương Suddhadana, phụ thân của người. Trong số các vị này có mặt
tất cả các vương tử Sakya đã đi xuất gia theo Bụt.
Gia đình hoàng gia
đón Bụt ngay ở cổng hoàng cung. Lệnh bà Mahapajapati đưa Bụt ngay vào tâm điện.
Thầy Bụt, vua tươi tỉnh hẳn lên. Ngồi bên giường ngự, Bụt đưa hai tay ra nắm lấy
bàn tay vua. Vua đã già yếu: năm nay ngài đã tám mươi hai tuổi. Bụt nói:
- Phụ vương hãy thở
thật nhẹ, thật dài và mỉm cười. Không có gì quan trọng cho bằng hơi thở của phụ
vương lúc này. Nanda, Rahula, Anuruddha và con cũng thở theo phụ vương.
Vua nhìn Bụt, nhìn
Nanda, nhìn Rahula, nhìn Ananda, nhìn hoàng hậu Gotami, nhìn công nương
Yasodhara. Ngài mỉm cười, rồi ngài thở theo lời Bụt dạy. Không ai dám khóc lóc
trong lúc này. Ai cũng nghe lời Bụt, theo dõi hơi thở của mình. Một lát sau,
vua nhìn Bụt nói:
- Bây giờ ta thấy được
rõ ràng cuộc đời là vô thường, và con người muốn có hạnh phúc, thì không nên
tham đắm vào vòng ái dục. Hạnh phúc là một cuộc sống thanh thản, bình dị và có
tự do.
Hoàng hậu Gotami nói
với Bụt:
- Mấy tháng nay,
hoàng thượng sống rất thanh thản. Ngài đã thật sự làm theo lời Bụt dạy. Thế
Tôn! Những lời Bụt dạy đã chuyển hóa được nếp sống của nhiều người ở đây. Hoàng
thượng là một trong những người đã được thấm nhuần nhiều nhất lời giáo huấn của
Bụt.
Vẫn cầm tay vua trong
tay mình, Bụt khai thị:
Phụ vương hãy nhìn con, nhìn Nanda, nhìn Rahula. Phụ vương hãy nhìn cây cối màu xanh qua các cửa sổ. Sự sống còn tiếp tục. Sự sống vẫn còn thì phụ vương vẫn còn. Phụ vương vẫn còn tiếp tục sống trong con, trong Nanda, trong Rahula, trong tất cả mọi loài. Sắc thân hiện thời là do tứ đại kết hợp. Tứ đại tan rã rồi kết hợp hoài hoài. Phụ vương đừng có vì sự tan rã của một thân tứ đại mà nghĩ rằng sự sống chết có thể ràng buộc được ta. Sắc thân của Rahula đây cũng là sắc thân của phụ vương vậy.
Bụt ra hiệu cho
Rahula lại gần và bảo Rahula nắm lấy tay của ông nội trong hai tay mình. Một nụ
cười rất tươi nở trên môi của vị quốc vương sắp băng hà. Vua đã hiểu được lời
nói của Bụt. Vua có vẻ không còn sợ sự sống chết nữa.
Bên giường ngự lúc
đó, các vị cận thần cũng đều có mặt. Một lúc sau, vua ra hiệu cho các vị cận thần
lại gần. Vua nói với họ:
- Các khanh, có thể
là trong thời gian cùng làm việc nước, trẫm đã có làm những điều lầm lỗi khiến
các khanh phiền lòng. Trước khi nhắm mắt, trẫm muốn các khanh tha thứ cho trẫm.
Giọng vua yếu ớt, các
quan đều khóc. Hoàng thân Mahanama, quỳ xuống bên gối, tâu:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ là
một ông vua có đức khoan dung và công bình lớn nhất trên đời. Các quan trong
triều không ai có lòng oán trách bệ hạ.
Vua nói:
- Nhân có đủ mọi người
ở đây, xin Bụt và các quan sắp xếp việc cử người thay thế cho trẫm để trị nước.
Trẫm tin nơi sự sáng suốt của Bụt và của mọi người.
Mahanama tâu:
- Thần xin đề nghị
hoàng thái tử Nanda cởi bỏ áo tu, lên ngôi và chấp chính. Đó là giải pháp đẹp đẽ
nhất theo thần. Trăm họ sẽ được an lòng khi chính thái tử đông cung đảm trách
nhiệm này. Riêng thần, thần sẽ đem hết cuộc đời của thần để phụ tá hết lòng cho
thái tử.
Đại đức Nanda nhìn về
phía Bụt cầu cứu. Hoàng hậu Gotami cũng nhìn về phía Bụt. Bụt lặng lẽ nói:
- Nếu phụ vương, các
quan và mọi người muốn tôi phát biểu ý kiến thì tôi xin nói thế này. Em Nanda
không có khiếu về chính trị và không muốn làm chính trị. Em còn phải tu học nhiều
thêm mới có đủ các đức kiên trì và dũng cảm. Rahula thì còn bé quá, năm nay
cháu mới có mười lăm tuổi. Tôi thấy hoàng thân Mahanama hiện là người xứng đáng
nhất để lên ngôi cửu ngũ. Ai cũng biết hoàng thân là một người có chí khí lớn.
Hoàng thân lại là một người có lòng từ bi, có nhiều hiểu biết và có nhiều kinh
nghiệm về chính sự. Hoàng thân đã làm phụ tá cho phụ vương trên sáu năm rồi.
Tôi nghĩ là hoàng thân nên vì hoàng gia và vì dân tộc mà đứng ra lãnh trách nhiệm
khó khăn và nặng nề này.
Mahanama chắp tay thối
thác:
- Con sợ tài đức kém
cõi không cáng đáng nổi việc lớn. Xin hoàng thượng, xin Bụt và các vị cận thần
xét lại mà cử người xứng đáng hơn.
Một vài vị đại thần đứng
lên phát biếu ý kiến. Người nào cũng tán đồng đề nghị của Bụt, cho đó là một đề
nghị thiết thực và thông minh. Cuối cùng tất cả các quan đều một lòng một dạ thỉnh
cầu hoàng thân Mahanama đứng lên chấp chính. Vua gật đầu, ngài gọi Mahanama tới
bên giường ngự. Cầm tay Mahanama, vua nói:
- Các quan đã tín nhiệm
khanh, Bụt cũng tín nhiệm khanh, khanh là con cháu của trẫm. Trẫm rất sung sướng
được khanh chấp nhận trách vụ nối tiếp trẫm để mà an lòng trăm họ.
Mahanama phủ phục lạy
xuống để vâng mệnh. Vua hoan hỷ nhìn mọi người:
- Trẫm rất an lòng mà
nhắm mắt. Trẫm rất vui được gặp Bụt trước khi từ giã cõi đời. Lòng trẫm thanh
thản lắm, trẫm không luyến tiếc gì, cũng không ân hận gì, trẫm mong Bụt để tâm
nâng đỡ cho Mahanama và hướng dẫn cho Mahanama trong những bước đầu. Đạo đức của
Bụt sẽ khiến cho đất nước và trăm họ an lành.
Giọng của vua càng
lúc càng yếu. Bụt ngồi xuống gần bên giường ngự. Người cầm tay vua:
- Con xin hứa là sẽ
nâng đỡ cho Mahanama. Xin phụ vương yên lòng. Con sẽ ở lại dây một thời gian,
cho đến khi nào mọi việc được an bài và tình thế hoàn toàn ổn định.
Vua mỉm cười yếu ớt, nhưng
vẻ mặt của ngài an hòa và mãn nguyện. Rồi ngài nhắm mắt qua đời.
Hoàng hậu Gotami là
công nương Yasodhara khóc lên thành tiếng. Các quan cũng khóc rống lên. Bụt vuốt
mắt cho vua, đặt hai tay vua lại cho ngay ngắn và đứng dậy. Người ra hiệu cho mọi
người nín khóc, và bảo mọi người theo dõi hơi thở để hộ niệm cho vua. Cuối cùng,
người đề nghị mọi người ra hội ý với nhau ở phòng ngoài về việc tổ chức tang lễ.
Lễ trà tỳ của quốc
vương Suddhodana được tổ chức bảy hôm sau đó. Các thầy Bà-la-môn ở thủ đô và từ
các tỉnh về tham dự trên một ngàn vị. Đặc biệt trong lễ trà tỳ này là sự có mặt
của gần năm trăm vị tu sĩ của một giáo đoàn mới, đó là giáo đoàn khất sĩ. Tất cả
các vị khất sĩ đều khoác ca-sa màu cam. Ngoài kinh lễ cổ truyền của đạo Bà la
môn lại có kinh lễ của giáo đoàn mới. Các vị khất sĩ đã trì tụng Kinh Bốn Sự Thật,
Kinh Lửa, Kinh Vô Thường, Kinh Nhân Duyên và sau hết là Ba Lời Quay Về Nương Tựa.
Kinh Tụng toàn bàng tiếng Magadha, ngôn ngữ miền Đông lưu vực sông Ganga, nên tất
cả quần chúng tham dự đều nghe và hiểu rõ.
Bụt đứng lên đi ba
vòng quanh hỏa đàn rồi tự tay châm lửa cho hỏa đàn. Trước khi châm lửa, người
nói:
- Sinh, già, bệnh và
chết là những gì phải xảy đến cho tất cả mọi người. Chúng ta phải nghĩ đến
sinh, già, bệnh và chết trong đời sống hàng ngày để đừng bị chìm đắm trong dục
vọng, để sống an lạc, thảnh thơi và làm cho cuộc đời chung quanh bớt khổ. Sinh,
già, bệnh và chết cũng là lý thường nhiên. Người đạt đạo có thể đạt tới trạng
thái thản nhiên trước sinh, già, bệnh, và chết. Trong tự tính của vạn pháp,
không có gì sinh, không có gì diệt, không có gì còn, không có gì mất, không có
gì thêm, không có gì bớt.
Hỏa đàn bốc cháy phần
phật. Có tiếng chiêng tiếng trống hòa lẫn với tiếng tụng kinh trầm bỗng. Dân
chúng Kapilavatthu tới lễ trà tỳ rất đông. Họ biết hôm nay chính Bụt sẽ châm lửa
cho hỏa đàn.
Sau lễ đăng quang của
Mahnama, Bụt còn ở lại giáo hóa một thời gian ba tháng tại Kapilavatthu. Một
hôm, thái hậu Mahapajapati Gotami đến tu viện Nigrodha viếng Bụt để cúng dường
mấy chiếc ca sa và cầu xin được xuất gia để làm một vị nữ khất sĩ.
Bà nói:
- Bạch Thế Tôn, nếu
Thế Tôn cho phép phái nữ được đi xuất gia thì trong thiên hạ sẽ có những kẻ được
thừa hưởng ân huệ từ bi của người lắm. Thế Tôn, trong hàng vương tử có nhiều vị
đã đi xuất gia theo học với Bụt. Trong số đó, có vị đã từng có gia đình, phu
nhân của các vị cũng rất ước ao được học theo giáo pháp của Bụt với tư cách của
những người xuất gia. Tôi cũng muốn xin Thế Tôn cho tôi được xuất gia. Đó là niềm
vui lớn nhất mà tôi mong mỏi, sau khi thượng hoàng đã từ bỏ cuộc đời.
Bụt lặng thinh, một
lát sau, người nói:
- Không được đâu, lệnh
bà Gotami.
Bà Pajapati cầu khẩn:
- Tôi biết đây là một
điều khó cho đức Thế Tôn, Thế Tôn chấp thuận cho người nữ xuất gia thì thế nào
cũng có sự chống đối trong xã hội, nhưng tôi nghĩ là Bụt sẽ không e ngại gì sự
chống đối đó.
Bụt lại lặng thinh, rồi
người nói:
- Tại Rajagala cũng
đã có những người phụ nữ muốn xin xuất gia, nhưng con nói rằng chưa đến lúc.
Con thấy hiện chưa có đủ điều kiện để nhận cho người nữ xuất gia.
Ba lần thỉnh cầu, ba
lần Bụt không chấp thuận. Hoàng hậu Gotami buồn bã giã từ Bụt. Bà trở về cung
và than thở với lệnh bà Yasodhara.
Mấy hôm sau, Bụt lên
đường trở về Vesali. Tới Vesali, người cư trú tại tu viện Trùng Các. Trong khi
đó, bà Gotami đi tập hợp những người phụ nữ có ý chí xuất gia lại, trong đó có
cả những thanh nữ muốn theo gương nam giới đi xuất gia. Những thiếu nữ này chưa
từng lập gia đình. Hầu hết đều thuộc về bộ tộc Sakya. Bà Gotami nói với họ:
- Tôi biết chắc rằng
trong tinh thần đạo pháp tỉnh thức, mọi người đều bình đẳng, bởi vì ai cũng có
khả năng giác ngộ và giải thoát. Chính Bụt đã nói điều này. Người đã nhận vào
giáo đoàn cao quý những người thuộc giai cấp hạ tiện, thì không có lý nào người
lại kỳ thị phái nữ. Người nữ cũng là người, người nữ cũng có thể đạt tới giác
ngộ và giải thoát. Vậy thì không có lý do gì mà chúng ta lại không được đối xử
bình đẳng, tôi đề nghị là chúng ta nên tự ý xuống tóc, cởi bỏ mọi đồ trang sức
và khoác y vàng lên người. Rồi chúng ta cũng bỏ hết guốc dép và đi bộ về thành
Vesali để xin được xuất gia. Trước hết chúng ta phải chứng tỏ quyết tâm của
chúng ta, và sau đó chúng ta phải chứng tỏ khả năng của chúng ta. Chúng ta phải
chứng tỏ cho Bụt và mọi người thấy rằng chúng ta cũng có thể từ bỏ xa hoa, sống
đời đơn giản của kẻ không nhà không cửa, có thể đi chân đất hàng trăm dặm và có
thể đi xin ăn mà sống. Nếu không làm như vậy được thì không bao giờ chúng ta hy
vọng có thể được chấp nhận và giáo đoàn. Muốn được chấp nhận, chúng ta phải được
công nhận trước đã.
Mọi người trong cuộc
họp đều phấn khởi khi nghe bà Gotami nói. Họ thấy nơi bà một vị lãnh đạo thực sự
của phái nữ. Yasodhara cũng có mặt trong buổi họp. Bà mỉm cười, đã từ lâu, bà
biết tính khí của thái hậu Gotami. Thái hậu Gotami là người không thối tâm bất
cứ trước một trở lực nào. Những năm cùng làm việc với bà để giúp cho kẻ nghèo
đói, Yasodhara đã thấy rõ điều đó.
Tất cả mọi người
trong buổi họp đã quyết định làm theo đề nghị của lệnh bà Gotami. Họ hẹn ngày
giờ hành động. Bà Gotami nói với Yasodhara :
- Gopa, con hãy thong
thả, đừng đi theo ta trong chuyến này, không có con kỳ này, tình trạng có thể
ít khó khăn hơn, chừng nào ta thành công con sẽ đi theo sau cũng không muộn.
Gopa hiểu ý, bà mỉm
cười nhìn hoàng hậu.
0 Đánh giá