Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Thiết Lập Tịnh Độ
Kinh A Di Đà Thiền Giải
Chương 9. Nắm Lấy Danh Hiệu
‘‘Xá Lợi Phất, những
kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng sanh về cõi ấy. Vì vậy Xá Lợi Phất!
Người con trai lành, người con gái lành nào muốn sanh về cõi ấy thì khi nghe
danh hiệu Bụt A Di Đà, phải nắm lấy danh hiệu ấy.’’
Nghĩa là nghe danh hiệu
thì phải nắm lấy danh hiệu. Cho tôi địa chỉ đi, cho tôi số fax, số phone đi.
Cho tôi địa chỉ điện thư. Phải nắm lấy chúng. Tại vì danh hiệu hay địa chỉ ấy rất
quan trọng. Vì sao? Vì cuộc đời dữ dằn lắm. Nó lôi kéo mình đi theo như một
dòng thác. Và trong những khi bị chìm đắm, trong khi bị lôi kéo như vậy mà giả
sử mình nhớ được cái tên đó và cái địa chỉ đó, thì mình có thể nhờ vậy mà được
cứu thoát. Còn nếu không ghi nhớ được, chỉ nhớ mờ mờ cái tên thì ta không thể
được cứu thoát. Ta phải nhớ danh hiệu và địa chỉ thật rõ ràng.
Nếu ghi nhận được
danh xưng ấy, tên gọi ấy, địa chỉ ấy, thì mình có cơ thoát ra khỏi cái trầm trệ
khổ đau của mình. Nước Úc, xa bên này biết bao nhiêu mà kể, vậy mà nhờ có một
cái tên, nhờ có một cái địa chỉ, nhờ có một số điện thoại mà chỉ trong một hai
ngày, mình đã được ngồi trong Đạo tràng Mai Thôn. Trong khi đó có rất nhiều người
ở chung quanh đây, đầy đủ các điều kiện để đến, vậy mà không bao giờ biết đến đạo
tràng.
‘‘Phải nắm lấy danh
hiệu ấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn, hoặc
trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy
ngày...’’
Đọc câu này, tôi chảy
nước mắt, tại vì nhớ tới kinh Niệm Xứ. Kinh Niệm Xứ là kinh căn bản của thiền tập
nguyên thỉ. Rất tiếc là ở trong các chùa viện đại thừa, có nhiều người không được
biết đến và không được học kinh Niệm Xứ, tại vì, kinh Niệm Xứ là kinh gối đầu
giường của các thầy và các sư cô thời Bụt còn tại thế. Đó là kinh mà các thầy và
các sư cô thời nguyên thỉ học thuộc lòng. Vì sao? Vì trong kinh này Bụt dạy về
quán niệm thân trong thân, quán niệm cảm thọ trong cảm thọ, quán niệm tâm trong
tâm, quán niệm pháp trong pháp. Đó là thiền của Bụt. Đó là thiền mà Bụt đã thực
tập, các thầy, các sư cô học trò của Bụt đã trực tiếp thực tập. Bụt đưa ra những
phương pháp rất cụ thể: Làm thế nào để quán niệm thân thể trong thân thể, cảm
thọ trong cảm thọ, tâm ý trong tâm ý, và đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý.
Sự thực tập của các thầy và các sư cô là sự thực tập chính trong hàng ngày: đi,
đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, rửa bát... Cho nên kinh phải được học thuộc lòng. Sự
thuộc lòng này đích thực là một trái tim, chứ không phải như một con vẹt. Con vẹt
có thể học thuộc được nhưng không phải thuộc lòng. Trong kinh Niệm Xứ, Bụt dạy
rằng: Người nào thực tập được bảy năm thì sẽ thành đạo. Rồi Bụt nói không cần bảy
năm, ba năm cũng thành. Rồi Bụt nói không cần ba năm, một năm cũng thành. Rồi Bụt
nói không cần một năm, nửa năm cũng thành. Rồi Bụt nói không cần nửa năm, một
tháng cũng thành. Rồi Bụt nói không cần một tháng, bảy ngày cũng thành. Rồi Bụt
nói không cần bảy ngày, một ngày cũng thành. Chính những câu đó làm cho tôi chảy
nước mắt. Khi mình nói bảy năm có người rất sung sướng: Trời ơi! chỉ có bảy năm
thôi. Nhưng có người nói: Bảy năm lâu quá, sao tôi có thể làm được? Vì vậy mà Bụt
nói không cần bảy năm, ba năm cũng được. Sở dĩ mình nghe mà muốn khóc, tại vì
thấy long thương của Bụt bao la không bờ bến. Bụt ngồi đó mà mặc cả với chúng
sanh: Nếu con không làm bảy năm thì ba năm cũng được, nếu không làm ba năm thì
một năm cũng được, tùy ý. Tôi khóc là khóc ở chỗ đó. Rồi Kinh A Di Đà lại nói:
Nếu niệm không được mười tiếng thì một tiếng cũng được. Không khóc sao được. Ở
đời làm sao lại có một người có tình thương lớn đến như vậy. Nếu đọc kinh này
mà không đọc bằng trái tim thì làm sao thấy được điều đó. Có người khó có định,
có tuệ, nghĩ rằng mình tu không được, người khác tu chắc cũng không được. Nhưng
Bụt nói: Tất cả đều tu được. Con cứ tu đi, nếu con nghĩ rằng, con niệm mười tiếng
không được thì con niệm một tiếng cũng được. Đoạn kinh Tứ niệm xứ ở trên tương
tự như đoạn kinh A Di Đà này. Điều cảm động nhất là ở chỗ đó. Bụt duỗi cánh tay
ra để cứu vớt những người trầm luân ở trong cuộc đời, và độ những người không
có khả năng giới, định và tuệ. Bụt nói: ‘‘Con hãy làm đi, con sẽ làm được.’’
Chúng ta biết rằng ở
trong dược khoa, nhiều khi vì thuốc đắng nên những nhà bào chế phải đưa chất ngọt
vào và làm cho thuốc đó trở thành ngọt. Những viên thuốc tể ở Đông y cũng vậy.
Người ta tán thuốc ra và trộn với mật ong để cho mình cảm thấy ngọt mà uống được.
Có một thứ chè gọi là sâm bổ lượng. Những thứ này mát, con nít chịu ăn vào thì
cơ thể chúng mới mát mẻ, mới không còn nổi mụt, vì vậy ta làm cho nó thành chè.
Cũng như mẹ bỏ viên thuốc ki-ninh đắng vào trong một miếng chuối để cho mình ngậm
vào miệng, rồi bảo: ‘‘Nuốt đi con.’’ Tất cả những cái đó đều từ lòng thương mà
ra. Ở đây cũng vậy, Đức Thế Tôn là một bà từ mẫu, biết rằng con mình có đứa mạnh
giỏi, nhưng cũng có đứa yếu đuối, thành phải thi thiết ra những pháp môn phương
tiện để các con có thể thâu thập một chút nào của chánh pháp. Nếu không thâu thập
nhiều thì thâu thập ít. Tất cả đều là do lòng từ bi vô lượng của đức Thế Tôn đối
với chúng sanh.
Đọc kinh ta phải đọc
với tất cả trái tim của mình, đừng chỉ đọc bằng trí năng, sự tìm tòi, sự phân
tích, một sợi tóc chẻ làm mười. Nếu thấy được điều đó, chúng ta cũng sẽ có tình
thương giống như Đức Thế Tôn. Ta ôm lấy tất cả mọi người, không chê bai một
pháp môn nào, dẫu pháp môn đó rất dễ dàng. Nó dễ nhưng chưa chắc ta đã hiểu được.
‘‘Sẽ thấy được Bụt A
Di Đà và thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt.’’
Câu này rất trung
thành với ý niệm ‘‘thiện căn, phước đức nhân duyên’’. Mỗi ngày mình niệm một
câu, mà ngày nào cũng niệm. Nếu giỏi thì niệm hai câu hay mười câu, và mỗi ngày
đều niệm như vậy. Đến khi lâm chung, tự nhiên mình sẽ nhớ mà niệm. Còn nếu nói:
‘‘Thôi, bây giờ chưa cần niệm, đợi đến phút gần lâm chung niệm một lần cho
luôn.’’ thì mình sẽ mất cơ hội. Vào giờ phút lâm chung, mình đau nhức quá trời.
Làm sao nhớ mà niệm. Quan trọng là ngày hôm nay. Chúng ta phải niệm, dù là niệm
chỉ được một hoặc hai câu. Người ta nói mình mê tín, mình cũng cứ niệm, bởi vì
niệm như vậy mình biết rằng mình đã gieo một hạt giống tốt đẹp vào trong tâm thức.
Nếu một ngày niệm một câu hay mười câu, thì thế nào đến giờ phút lâm chung mình
cũng không còn sợ hãi nữa. Mình đã có địa chỉ, đã có số điện thoại rồi, tự
nhiên lúc đó mình sẽ nhớ. Sư cô Thuần Nghiêm kể là hồi còn nhỏ ở bên Đức mấy chị
em trong nhà đều bắt phải học thuộc lòng địa chỉ của nhà, để lỡ đi chơi lạc đường
thì nói ra được địa chỉ để người ta có thể đem mình về nhà. Học thuộc địa chỉ
là lợi như vậy. Mình có một quê hương, mình không biết địa chỉ của quê hương
thì làm sao mà về được. Cho nên mình phải thuộc nằm long cái tên quê hương của
mình, cái địa chỉ quê hương của mình, để những lúc thất điên bát đảo, những lúc
bị ba đào sóng gió cuốn theo, nhớ đến tên gọi quê hương, nhớ tới địa chỉ, mình
có thể tìm về. Mỗi ngày chúng ta đều có công phu. Công phu ngồi, công phu kinh
hành, hay công phu tụng niệm... đều là công phu. Tất cả những cái đó là những
cái thực tập hàng ngày. Sự thực tập này hết sức quan trọng, nhất là khi thực tập
chung với anh em, chị em. Đừng nói tôi lớn rồi tôi khỏi cần thực tập theo
chúng.
Ta phải nắm lấy danh hiệu mà hết lòng thực tập quán niệm. Phương pháp này gọi là phương pháp trì danh. Trì danh không phải chỉ bằng miệng của mình, mà còn bằng tâm của mình. Nắm lấy là trì, hết lòng là nhất tâm. Nắm lấy danh hiệu, không phải bằng trí năng, hoặc bằng miệng lưỡi, mà bằng trái tim. Tâm của mình phải chuyên nhất. Mình phải để tâm vào danh hiệu đó, phải làm cho danh hiệu của Bụt có mặt trong tâm mình.
Khi niệm “Nam mô Bụt
A Di Đà” mà tâm ta nghĩ đến chuyện khác, thì đó là niệm danh hiệu suông, cũng
giống như vỏ trấu không có hạt gạo ở trong. Đó là hạt lúa lép. Niệm Bụt mà
không có nội dung, gọi là niệm Bụt không nhất tâm. Vỏ trấu không thể nấu thành
cơm được. Vì vậy trong vỏ trấu phải có hạt gạo. Cũng vậy, niệm Bụt có nhất tâm
thì gọi là niệm Bụt có nội dung. Khi mình niệm Bụt: “Namo Tassa Bhagavato Arahato
Samasambu-ddhassa” (Con kính lạy Đức Thế Tôn, Bậc A La Hán, Bậc ứng Cúng, Bậc
Chánh Biến Tri), thì mình biết Thế Tôn (Bhagavat) là Đấng mà người đời tôn
kính.
Ứng Cúng (Arahato) là
người xứng đáng được cúng dường. Chánh Biến Tri là bậc có sự hiểu biết chân thực
và toàn vẹn. Khi niệm danh hiệu, lòng mình có sự rung động và tha thiết. Giống
như mình gọi tên của người thương vậy. Nghe tên người thương mình cảm thấy rung
động. Nó làm cho mình khỏe, nó làm cho mình có hy vọng. Niệm Bụt cũng phải như
vậy. Niệm Bụt không phải chỉ là gọi tên một cách trống rỗng, mà phải làm cho
lòng mình tràn đày sự tín kính. Có những người niệm Bụt chưa kinh nghiệm, không
có nội dung. Có một bà cụ khi giận quá niệm Bụt: ‘‘Nam mô A Di Đà Phật, trời ơi
là trời, tức quá, tôi muốn chết quá đi!’’ Niệm Bụt như vậy thì không có an lành,
vững chãi và từ bi. Niệm Bụt là phải có an lành, vững chãi và từ bi. Chúng ta
đôi lúc gặp nhau, chào: ‘‘A Di Đà Phật’’ hay ‘‘Mô Phật’’.
Tiếng chào không có nội
dung, tiếng chào rất buồn cười. Và đôi khi lại còn sử dụng từ ‘’Mô Phật’’ để mỉa
mai nhau. Điều này không nên, vì nó đưa đến tội bất kính. Do đó trì danh là phải
nhất tâm. Nếu trì danh mà không nhất tâm là trì danh không có nội dung, tức là
không gieo được hạt sen giác ngộ vào trong tâm địa của mình.
Có một bà cụ niệm Bụt
rất siêng năng, sáng nào bà cũng lên hương đèn rồi niệm Bụt, có mõ có chuông
đàng hoàng. Nhưng bà đã niệm Bụt như vậy trải qua mười năm mà tánh xấu của bà vẫn
không thay đổi gì cả. Bà dữ lắm. Và hàng xóm ai cũng ngán cái khẩu nghiệp của bà.
Có một người đàn ông trong làng muốn dạy cho bà một bài học.
Buổi sáng hôm ấy,
đúng lúc bà lên hương đèn niệm Bụt, thì ông ta đến đứng trước ngõ gọi tên của
bà ‘‘Bà Tư ơi! Bà Tư ơi!’’ Nghe gọi tên mình, bà Tư thầm trách là đã tới sao
không vào, lại còn đứng ngoài cửa mà kêu, và bà bắt đầu bực bội. Bà thỉnh
chuông mõ lớn hơn và niệm Bụt to hơn để gián tiếp nói rằng bà đang niệm Bụt và
ông hang xóm không lịch sự. Ông hàng xóm giả bộ không nghe. Ông ta cứ đứng
ngoài cổng tiếp tục gọi tên bà. Ở trong này bà lại càng niệm lớn giọng. Hai bên
đều lớn tiếng. Nhưng ông hàng xóm cứ giả bộ không nghe, vẫn tiếp tục gọi tên
bà. Đến một lúc nào đó, bà chịu không nổi nữa. Bà vứt chuông mõ, ra đường chống
nạnh để chửi. ‘‘Này cái anh kia, anh có biết giờ này là giờ ta đang niệm Phật
không? Đồ bất lịch sự, đồ khốn nạn.’’ Bây giờ ông nọ mới cười lớn và bảo: ‘‘Trời
ơi! Tôi mới gọi bà mấy chục tiếng như vậy mà bà đã giận như thế, huống gì mỗi
ngày bà gọi tên Đức Thế Tôn hơn cả một tiếng đồng hồ, chắc là Đức Thế Tôn giận
bà lắm.’’ Qua câu chuyện bà Tư, ta biết rõ cái vô ích của sự trì danh mà không
có nội dung. Bởi vậy, trong kinh nói là phải nắm lấy danh hiệu mà hết lòng. Thực
tập chánh niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn là làm thế nào để trong khi
ta niệm Bụt thì tâm ta không nghĩ đến chuyện gì khác. Chỉ nghĩ đến Bụt mà thôi.
Điều đó rất đúng với
phép tùy niệm Buddha anusrmti. Niệm Bụt là một giáo lý nguyên thỉ của Phật
giáo. Không phải mình chỉ niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng trước khi vãng sanh.
Sau khi vãng sanh, mình vẫn tiếp tục niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Câu ‘’Nhất
tâm bất loạn’’ hết sức quan trọng. Niệm Bụt phải đạt đến nhất tâm bất loạn.
Nghĩa là lúc niệm Bụt, tâm ta ngưng tụ vào danh hiệu của Bụt mà không nghĩ đến
bất cứ chuyện gì khác, không nghĩ đến chuyện nấu cơm, chuyện nấu nước, chuyện
thắp đèn, chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Niệm Bụt chỉ để niệm Bụt mà thôi.
Thành tựu sự niệm Bụt nhất tâm bất loạn là một quá trình thực tập. Ban đầu tâm còn
tán loạn, nhưng ta đừng mất kiên nhẫn. Nhiều khi ta niệm mười tiếng, mà chín tiếng
lạc vào vọng tưởng, chỉ còn lại một tiếng có chánh niệm; cũng còn đỡ hơn không
có tiếng nào. Ngày mai ta niệm mười tiếng, thì có thể có được hai tiếng trong
chánh niệm. Như vậy đã là tiến bộ rồi. Niệm Bụt, nên ngồi chung nhiều người để
niệm,
những người bạn cùng
tu với mình. Niệm Phật Đường là chỗ để niệm Phật. Ta ngồi chung với nhiều người
niệm Bụt như vậy, thì ta có năng lượng nhiều hơn. Ban đầu mình chỉ thành công
được một phần mười, nhưng từ từ niệm và định tăng trưởng thành hai phần mười, rồi
ba phần mười, bốn phần mười, cho đến một lúc nào đó, mình niệm Bụt mười tiếng
thì có chánh niệm cả mười. Đó là sự thành công lớn.
‘‘Khi nghe danh hiệu
Bụt A Di Đà, thì phải nắm lấy danh hiệu ấy, mà hết lòng thực tập quán niệm theo
phương pháp ‘nhất tâm bất loạn’ hoặc ở trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày,
bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm chung sẽ thấy được
Bụt A Di Đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt.’’
Đó là phước đức tối
thiểu mà khi lâm chung ta được nương nhờ, vì giây phút lâm chung là giây phút hết
sức quan trọng và cực kỳ nguy hiểm của đời ta. Lúc ấy ta được dẫn dắt bởi năng
lượng thiện hoặc ác do ta tạo ra trong đời sống. Nếu ta thường niệm Bụt có
chánh niệm thì vào giờ phút lâm chung, tâm thức ta sẽ vững vàng để đưa ta đi về
hướng thiện, và gặp được các bậc ‘‘thượng thiện nhân’’. Còn nếu không được như
vậy thì ta sẽ đi về tam ác đạo. Giờ phút lâm chung ta cần có tăng thân bên cạnh
để hộ niệm cho ta, và ta biết rằng, được hộ niệm như vậy thì tâm ta vững vàng để
hướng về một cảnh giới tốt đẹp. Nếu thực tập giỏi thì ta không phải đợi giờ
phút lâm chung mới đến được Tịnh Độ mà trong mỗi giây phút niệm Bụt ta đã có Tịnh
Độ bên mình. Không phải niệm Bụt thì tới giờ phút lâm chung mới có định. Hễ có
niệm là có định ngay lập tức. Và hễ có niệm và có định thì cõi uế độ đã bắt đầu
chuyển hóa để trở thành cõi Tịnh Độ. Như vậy cõi Tịnh Độ bắt đầu hiện tiền. Ta
không đợi đến khi lâm chung mới đi về Tịnh Độ. Ta về Tịnh Độ ngay khi ta đang
niệm Bụt. Điều này ta phải thấy cho rõ vì nó hết sức quan trọng. Đức Thế Tôn
nói: ‘‘Giáo pháp của Như Lai mầu nhiệm ngay từ lúc bắt đầu’’. Giờ phút mà ta nắm
lấy hơi thở và thực tập trong mỗi bước chân là ta đã bắt đầu thấy có kết quả.
Cho nên Tịnh Độ không những sẽ biểu hiện ra lúc lâm chung, mà còn biểu hiện ra
cho ta lúc ta bắt đầu thực tập niệm Bụt. Sử dụng tâm để niệm Bụt, tâm ta lúc ấy
trở thành tâm của các bậc ‘‘thượng thiện nhân’’. Khi ta bắt đầu niệm Bụt và niệm
cõi Cực Lạc thì tâm ta lúc đó có Bụt và có cõi Cực Lạc. Nếu quý vị đã ở Làng
Mai tu học một tháng, hai tháng hoặc sáu tháng thì quý vị đã có những hạnh phúc
của Làng Mai, và khi quý vị rời Làng Mai thì quý vị mang hạnh phúc ấy của Làng
Mai đi theo về nơi trú xứ của quý vị. Nhiều lúc ở nơi trú xứ của quý vị, quý vị
gặp nhiều khó khăn, nhưng nghĩ đến những hình ảnh và hạnh phúc của Làng Mai,
thì hình ảnh và hạnh phúc ấy sẽ hiện tiền. Như vậy lúc đó là Làng Mai đang có mặt
trong tâm của quý vị. Tịnh Độ cũng vậy, không phải ta đi tới Cực Lạc mới có Tịnh
Độ, mà Tịnh Độ đi tới với ta, Tịnh Độ có sẵn trong lòng ta. Dù ta đang đứng ở
chỗ trầm luân nhưng nếu ta nghĩ tới Bụt và tới Tịnh Độ là ta đã thấy khỏe khoắn
trong lòng. Những người không có chỗ để hướng về, để nhớ tưởng, là những người
đã đánh mất mình. Ta có chỗ để về, có Bụt để tưởng nhớ, là ta đã có hạnh phúc lớn,
có phước đức lớn. Ta có tăng thân cùng tu học, có pháp Bụt để hành trì, có môi trường
để thực nghiệm, đó là những điều hết sức quý báu. Ta phải có bổn phận duy trì
và phát triển những điều kiện ấy bất cứ nơi nào ta có mặt. Nếu một người trong
giờ phút lâm chung mà an trú được trong định, nếu người ấy không hề điên đảo và
tán loạn thì người ấy sẽ vãng sanh ngay vào nước Cực Lạc. Điên đảo có nghĩa là
chúc đầu ngược lại. Không điên đảo gọi là chánh trực. Mình biết trời là trời, đất
là đất, Bụt là Bụt, ma là ma, cái biết đó là chánh trí. Nếu tâm ý ta lộn xộn,
không ổn định, cho trời là đất, đất là trời, Phật là ma, ma là Phật thì đến lúc
lâm chung, trong tâm trạng điên đảo đó, ta sẽ rơi vào tam ác đạo. Lúc lâm chung
mà ta có định là nhờ ta thực tập giới, niệm và định trong đời sống hàng ngày.
Và vì ta có thực tập giới, niệm và định, nên ta đã bắt đầu có hạnh phúc ngay
trong đời sống hàng ngày rồi, chứ không phải đợi đến lúc lâm chung ta mới có hạnh
phúc. Sở dĩ chúng ta nói đến lúc lâm chung vì lúc lâm chung là lúc sự tiếc nuối
thường phát hiện. Nếu có niệm Bụt là có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Mỗi hơi thở, mỗi bước chân mà ta có niệm Bụt là ta có thể đem Tịnh Độ về cho ta
trong giây phút hiện tại. Điều này là điều chúng ta thấy được trong lúc hành
trì.
‘‘Xá Lợi Phất, vì thấy
được điều lợi ích lớn lao này cho nên tôi muốn nói với quý vị rằng, những ai
đang nghe tôi nói đây hãy nên phát nguyện sanh về cõi ấy.’’
Trong giờ phút nói
lên câu này tâm lý Đức Thế Tôn cũng là tâm lý của chúng ta. Chúng ta cần có một
khung cảnh an toàn và hạnh phúc để chuyển hóa khổ đau, nên khi gặp ai đau khổ
là ta giới thiệu khung cảnh an toàn và hạnh phúc ấy cho họ để họ có dịp đến đó
tu học. Kinh A Di Đà là kinh đức Thế Tôn giới thiệu quê hương Tịnh Độ cho chúng
ta. Những đoạn kinh tiếp theo nói về sự hộ niệm của các vị Bụt trong mười
phương:
‘‘Này Xá Lợi Phất! Nếu
trong giây phút hiện tại, tôi đang ca ngợi sự lợi ích và công đức không thể
nghĩ bàn của Bụt A Di Đà, thì tại phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc,
phương Thượng và phương Hạ, các Bụt đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang
ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của quý vị, bao trùm cả
thế giới Tam thiên đại thiên, và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: Này
toàn thể chúng sanh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà các Bụt
trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’’
Trong câu kinh này, Bụt
nói rằng không những ngài đang tán dương cõi Tịnh Độ của Bụt A Di Đà mà Ngài
còn khuyến khích chúng sanh các cõi khác phát nguyện sinh về cõi ấy. Các vị Bụt
khác trong thế giới mười phương, ít nhất là sáu phương, đều đang làm như Ngài cả.
Kinh A Di Đà là một kinh rất mầu nhiệm, cõi A Di Đà là một nơi lý tưởng để thực
tập đời sống giác ngộ, và Bụt A Di Đà là một bậc đạo sư lý tưởng. Vì vậy tất cả
các vị Bụt trong mười phương, vị nào cũng nâng đỡ và yểm trợ cho nhau. Vị Bụt
nào cũng có đạo tràng và có Tịnh Độ cả. Các Ngài có đạo tràng và có Tịnh Độ để
yểm trợ cho chúng sanh tu học, và các ngài cũng yểm trợ cho nhau trong việc
thành tựu lý tưởng giác ngộ. Chúng ta phải biến ngôi chùa của chúng ta thành đạo
tràng tu học, thành một cõi Tịnh Độ nho nhỏ và đồng thời hỗ trợ cho đạo tràng của
các ngôi chùa khác, nhằm mở rộng niềm tin cho hàng Phật tử tu học. Đọc đoạn
kinh này, ta thấy các vị Bụt cư xử với nhau hết sức cao đẹp. Nói đến Cực Lạc là
các đức Thế Tôn ở các quốc độ khác đều đồng thanh khen ngợi rằng cõi Cực Lạc là
cõi rất đẹp, đức Bụt A Di Đà rất giỏi. Các Ngài ca ngợi nhau một cách hết lòng,
chứ không phải khen nhau bằng những từ ngoại giao. Các ngài không bao giờ nói xấu
nhau, như chùa này nói xấu chùa khác. Các Ngài đang ngồi tại quốc độ của mình,
biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các Ngài. Người có lưỡi rộng và dài là người
nói thật. Cái lưỡi của Bụt dài đến nỗi le ra một cái là bao trùm được hết tam
thiên đại thiên thế giới. Đây là ngôn từ đại thi sĩ. Cái lưỡi của chúng ta rất
ngắn, cái lưỡi của chúng ta rất nhỏ, cho nên ta không thể dùng lưỡi của chúng
ta mà tạo ra được nhiều hạnh phúc, như cái lưỡi của các đức Thế Tôn. Tướng lưỡi
rộng dài là một trong ba mươi hai tướng tốt của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nào
cũng có ba mươi hai tướng đẹp. Tướng đẹp thứ hai mươi bảy là tướng lưỡi rộng
dài. Và một người có cái lưỡi như vậy thì không thể nói ngang ngược, nói châm
chích, nói hai chiều, nói thêu dệt. Chỉ có cái lưỡi rộng dài mới nói ra được những
điều vi diệu thôi. Hãy quán tưởng Bụt A Di Đà đang ngồi trên cõi Cực Lạc mà thấy
các Bụt xung quanh đều nói tốt về mình. Điều này Bụt A Di Đà thấy cũng bình thường
thôi, không tự hào tự phụ, vì đã là Bụt, thì vị nào cũng ủng hộ cho nhau hết
lòng cả.
‘‘Này Xá Lợi Phất, thầy
nghĩ sao? Tại sao gọi kinh này là kinh mà tất cả các vị Bụt đều đem hết lòng
xưng tán và hộ niệm? Sở dĩ như thế là vì những người con trai hoặc con gái nhà
lành nào, nghe được vị Bụt A Di Đà, hết lòng hành trì và thực tập theo phương
pháp niệm Bụt, thì những người ấy được tất cả các vị Bụt hộ niệm, và tất cả đạt
tới địa vị cao tột không còn bị thối chuyển. Vì vậy, quý vị hãy tin vào những lời
tôi đang nói và cũng là những lời chư Bụt đang nói.’’
Trong đoạn kinh này,
ta thấy ẩn dấu một hạt minh châu. Phương pháp đó gọi là ‘‘nhất hạnh tam muội’’.
Tam muội này là thiền định theo phương pháp Niệm Phật Tam Muội. Khi thiền tập đạt
được tam muội rồi, thì bấy giờ ta niệm Bụt nào cũng được, miễn là mình niệm Bụt
mà thôi. Ta niệm Bụt A Di Đà cũng được, niệm Bụt Thích Ca cũng được, niệm Bụt
Di Lặc cũng được, ta chỉ cần niệm một vị Bụt thôi, mà nếu đạt đến nhất tâm, là
ta có định. Khi ta đã có định ở nơi một vị Bụt, thì thông qua vị Bụt đó, ta có
thể tiếp xúc được hằng hà sa số chư Bụt, vì một vị Bụt là tất cả các vị Bụt và
tất cả các vị Bụt là một vị Bụt.
Cho nên, niệm Bụt A
Di Đà cũng là niệm Bụt Thích Ca, niệm Bụt Thích Ca cũng là niệm Bụt Ca Diếp, niệm
Bụt Ca Diếp cũng là niệm Bụt Tỳ Bà Thi, v.v... Vì vậy, niệm Bụt này cũng là niệm
Bụt kia, ta đang kính lễ Bụt này cũng có nghĩa là ta đang kính lễ Bụt kia, cái
thấy đó, cái định đó được gọi là nhất hạnh tam muội. Đến đây, chúng ta đọc tới
một câu kinh khác rất là huyền diệu.
Xem Tiếp Chương 10 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá