Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Ngày Nay
Chương 10. Phương pháp thể hiện II
Chúng ta thường nghĩ
rằng tôn giáo nào cũng dạy bỏ ác làm lành và vì vậy tôn giáo nào cũng đáng quý
trọng. Điều đó thật đúng. Nhưng điều đó không quan hệ mấy. Quan hệ là ở chỗ bỏ
những ác nào, làm những lành nào, những gì là ác, những gì là lành, và lấy tiêu
chuẩn nào để đo lường mà biết thế nào là ác, thế nào là lành.
Vấn đề tiêu chuẩn thiện
ác là một vấn đề trọng đại của luân lý học. Nhưng luân lý bao giờ cũng được căn
cứ trên một nền tảng nhận thức có hệ thống về vũ trụ, về thực tại và về con người.
Nhận thức ta là một nhận thức duy vật chẳng hạn, thì luân lý ta là một luân lý
duy vật. Nhận thức ta là một nhận thức duy thần thì luân lý ta sẽ là một luân
lý duy thần. Và lẽ tất nhiên hễ nhận thức căn bản đổi thay thì quan niệm luân
lý đổi thay. Luân lý không phải những bài học hay những khuôn mẫu đúc sẵn để
cho mọi người khép theo. Luân lý phải là phương châm và pháp thức hành động của
con người hợp với hoàn cảnh, tâm lý và hạnh phúc chân thật con người.
Lịch sử đã chứng tỏ bao
nhiêu cuộc đổi thay của sinh hoạt xã hội của nhận thức trí tuệ và của luân lý
con người. Luân lý phải chuyển biến để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại của xã
hội, của con người. Quan niệm xưa "quân xử thần tử, thần bất tử bất
trung" chẳng hạn, đã được tôn sùng như một chân lý và cũng đã đóng góp
không ít cho nền trị an của những đế quốc nông nghiệp rộng rãi. Nhưng ngày nay
xã hội đã đổi khác, những nhận thức của con người cũng đổi khác cho nên, các
quan niệm luân lý như thế đã trở thành không hợp thời và lại trái chống với hạnh
phúc con người nữa. Cho nên, là một Phật tử chân chính không có nghĩa là phải bắt
chước y hệt khuôn mẫu hành động của một người Phật tử sống ở một xã hội khác biệt
cách đây hai ba ngàn năm, dù người Phật tử ấy là người Phật tử chân chính nhất.
Điều cốt yếu là tìm cho ra những nguyên lý này đã làm căn bản cho hành động của
người Phật tử ấy, và xây dựng sinh hoạt ý chí tình cảm hoạt động của mình trên
những nguyên lý căn bản kia.
Theo đúng nguyên tắc trên, ta thấy luân lý (tức là phương pháp) của ta phải:
1. Phù hợp với những nguyên lý căn bản của đạo Phật đã làm nền tảng cho sinh hoạt muôn mầu muôn sắc của hai-ngàn-năm-trăm-năm giáo sử.
2. Phù hợp với xã hội ta, lịch sử ta và những điều kiện tâm lý sinh lý của cá nhân ta.
Điều thứ nhất là khế lý, điều thứ hai là khế cơ. Hễ cái gì mà khế lý và khế cơ thì được gọi là Phật Pháp.
Như vậy trong khi thực
hành Phật Pháp, ta có ý thức rõ rệt và linh động về những phương pháp và mục đích
của công cuộc thực hiện ấy, chứ ta không bắt chước một cách vô ý thức khuôn khổ
hành động của một kẻ khác mà điều kiện xã hội, lịch sử, điều kiện tâm lý và
sinh lý chẳng giống gì của ta.
Vậy trước hết, ta phải
tìm hiểu những nguyên lý căn bản của đạo Phật và tiếp đó là tìm cách ứng dụng
những nguyên lý ấy trong những điều kiện đặc biệt của chính ta.
Trước hết ta phải tìm
đến những TIÊU CHUẨN THIỆN ÁC để có thể phân biệt được những gì là thiện phải
làm và những gì là ác phải tránh. Ta đừng nên hiểu chữ thiện theo nghĩa những
công việc xã hội từ thiện mà phải hiểu chữ thiện theo nghĩa nên làm. Ví dụ khi
ta cho một người khát uống nước thì đó là một việc thiện. Nhưng nếu ta cho một
bệnh nhân vừa mới giải phẫu ruột uống nước thì đó là một việc ác, dầu ta không
cố tâm giết người đó. Lại như ta cho một người bệnh uống sâm, có người uống sâm
thì mạnh khỏe thêm lên, có người (như người vừa bị cảm thương hàn) uống sâm thì
bệnh nặng đùng đùng kéo đến. Vậy uống sâm là thiện hay ác, là nên làm hay không
nên làm, điều đó còn tùy ở hoàn cảnh, ở trường hợp và ở điều kiện. Vậy điều quan
yếu không phải là kê khai trên một tờ giấy những gì thiện mà mọi người phải làm
bất cứ ở đâu, lúc nào; trái lại, là tìm cho ra những tiêu chuẩn để ứng dụng
trong mọi trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Theo đạo Phật, ta có thể có những
tiêu chuẩn sau, những tiêu chuẩn này bổ trợ cho nhau mà không thể tách rời nhau
được.
1. Tiêu chuẩn khổ
vui. Những gì gây khổ đau cho ta và cho người chung quanh ta trong hiện tại và
trong tương lai đều được gọi là ác. Ngược lại ta gọi là thiện những gì gây cho
ta tâm trạng an lạc thanh tịnh tự chủ và thanh thoát. Ví dụ tôi có bệnh bón. Nếu
tôi uống vào buổi sáng một cốc nước lạnh trong khi bụng còn trống, tôi thấy điều
đó giúp cho tôi trị được bệnh bón, tôi hết nhức đầu cáu kỉnh. Điều đó là một điều
thiện (đối với tôi trong những điều kiện của tôi) nhưng nếu tôi uống thật nhiều
nước trong khi tôi ăn cơm chẳng hạn, nhất là rượu và các thứ nước ngọt ướp đá lạnh
tôi thấy bệnh bón của tôi càng ngày càng khó chịu thêm lên. Vậy uống đây là một
điều ác (đối với tôi, trong những điều kiện của tôi). Ngàn vạn chuyện hằng ngày
điều có thể dùng tiêu chuẩn khổ vui này để đo lường.
2. Tiêu chuẩn mê ngộ.
Nhưng tiêu chuẩn khổ vui cần được bổ túc bằng tiêu chuẩn mê ngộ. Mê là sai lầm,
ngộ là hợp lý, mê là trái với nhận thức vô thường, vô ngã, nhân duyên và niết
bàn. Ngộ là đúng với nhận thức ấy. Trở lại ví dụ bệnh bón. Tôi đang uống rượu
và tôi thấy uống rượu là vui, nghĩa là hạnh phúc. Mà cái gì làm cho ta vui, làm
cho ta có hạnh phúc là nên làm, là thiện, suy xét theo tiêu chuẩn khổ vui. Đó
là trường hợp tiêu chuẩn khổ vui không được bổ túc bằng tiêu chuẩn mê ngộ. Nếu
áp dụng tiêu chuẩn mê ngộ ta sẽ thấy cái vui của giờ phút uống rượu không bù được
cái khổ của bệnh bón kéo dài, của thần kinh suy nhược, của những tan vỡ trong
gia đình do sự cáu kỉnh gây ra bởi say sưa, bởi bệnh uất bón. Những gì trái ngược
với suy lý, với nhận thức sáng suốt về vô thường, vô ngã, duyên sinh niết bàn đều
được xem là ác, vì vậy tôi không được uống rượu, dù rượu có gây khoái cảm cho
tôi trong vài giờ say túy lúy.
3. Tiêu chuẩn lợi hại.
Tiêu chuẩn này là một tiêu chuẩn phối hợp hai tiêu chuẩn trước. Tôi đang nhắm tới
sự thực hiện sức khỏe tôi, trí tuệ tôi, sự an lạc của bản thân tôi, của gia
đình tôi, và xa hơn nữa, tôi đang nhắm tới sự thực hiện diệt mê vọng để được
giác ngộ giải thoát. Vậy những gì đóng góp được vào sự thực hiện những mục tiêu
ấy - tức là hạnh phúc của tôi, của chúng tôi, nói rộng ra là của tất cả chúng ta
- đều được coi là lợi, và ngược lại là hại. Người xưa đã tỏ ý coi thường chữ lợi
"Hà tất viết lợi?", nhưng chữ lợi đây không có gì đáng bị coi thường
cả. Lợi đây là lợi ích chân chính của bản thân, của xã hội, của chúng sinh -
cái lợi Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, cái lợi Chánh giác, Niết bàn mà mọi Phật tử
đang nhắm đến thực hiện. Ta không ưa chữ lợi vì có lẽ nội dung của chữ ấy (theo
nghĩa phổ thông đang dùng) bao hàm tư lợi, tà lợi dục vọng. Những gì phản lại sự
thực hiện những mục tiêu trên đều gọi là hại.
Ở đây tôi không muốn
đi sâu vào chi tiết lắm, chỉ xin giải bày những điều đại cương. Sau khi ta đã
có những tiêu chuẩn (như người đi biển sẵn có bản đồ, địa bàn…) ta cần xét nội
dung của một hành động một nghiệp nói theo danh từ chuyên môn của ta; có thể là
thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, để đoán định giá trị của hành động ấy theo những
tiêu chuẩn trên.
Trước hết là động cơ
tâm lý của hành động, được xem là bản chất của hành động. Thứ đến là phương tiện,
cách thức biểu hiện động cơ tâm lý ấy. Và cuối cùng là kết quả xảy tới là hành
động ấy. Đó là 3 phương diện: căn bản, phương tiện, và thành dĩ. Ví dụ nó giết
người. Ý niệm giết người là căn bản. Dao súng, gậy, hay là lời vu cáo chẳng hạn,
là phương tiện. Người kia chết là thành dĩ. Nhưng có khi căn bản nặng, nhưng
phương tiện và thành dĩ nhẹ (muốn giết nhưng tay yếu và chỉ làm cho người kia bị
thương nhẹ). Có khi căn bản nặng, phương tiện nặng, nhưng thành dĩ nhẹ (muốn giết,
có súng nhưng bắn sai) có khi căn bản nhẹ nhưng phương tiện nặng và thành dĩ nặng
(chỉ có ý dọa không muốn giết nhưng lỡ tay bóp cò, người kia chết). Cứ như thế,
ta suy luận đoán định giá trị của một hành động và tạo nên luân lý cho ta và có
thể cho một số người cùng trong những điều kiện như ta.
4. Căn cơ đặc biệt.
Sau khi nắm được tiêu chuẩn, ta phải nghiên cứu căn cơ của ta, của xã hội ta, lịch
sử ta, tâm lý, sinh lý ta. Điều này cũng thật quan trọng. Vì trị bệnh phải biết
bệnh chứ không thể ỷ có thuốc hay mà cho bệnh nhân uống một cách mù quáng. Ta
trở lại thí dụ cho bệnh nhân uống sâm Cao ly: có khi ta làm cho bệnh nhân thêm
nặng.
Trong Phật giáo nghe
nói đến tám vạn bốn ngàn Pháp môn tức là có rất nhiều cửa pháp để đi vào Phật địa.
Tiền nhân đã ghi lại kinh nghiệm và phương pháp trong sách vở, đã truyền lại
kinh nghiệm và phương pháp cho hậu thế. Nhưng dòng kinh nghiệm biến chuyển hoài
hoài, vì bản chất của dòng kinh nghiệm là cơ cấu xã hội, lịch sử, tâm lý, sinh
lý luôn luôn biến chuyển. Có những Pháp môn ta còn dùng được, có những Pháp môn
phải sửa đổi lại cho hợp với những điều mới, có những Pháp môn không dùng được
nữa. Ta phải tìm hiểu, thí nghiệm, áp dụng và tìm lấy những phương pháp của
chính ta, phù hợp cho chính ta. Ví dụ khi tôi nói đến phương pháp điều tức (điều
hòa và chế ngự hơi thở) để giúp người tu nhập chỉ quán, tôi không nói đến một
phương pháp có thể áp dụng cho tất cả mọi người.
Vì cơ thể sinh lý,
tâm lý mỗi người mỗi khác, tôi không thể bắt chước làm giống hệt người kia. Phải
tự hiểu tình trạng vốn liếng của chính mình trước. Và vì vậy, bước đầu của người
Phật tử và kiểm điểm vốn liếng tâm lý, sinh lý là hoàn cảnh của mình để định
cho mình những phương pháp khế hợp. Giáo pháp quan trọng nhất là Bát chánh đạo.
Nhưng ở đây, ta chỉ được nghe chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp, chánh ngữ...
mà không thấy thống kê những gì là chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp,
chánh ngữ. Bởi vì Bát chánh đạo là tiêu chuẩn hành động mà không phải là giáo
điều cố định. Đạo Phật cao siêu và bất diệt một phần là nhờ ở đấy.
0 Đánh giá