Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Hiện Đại Hóa
Chương 4. Đạo Phật trong các lĩnh vực sinh hoạt
I. Trong lĩnh vực tín ngưỡng

Nếp sống tôn giáo của
người Phật tử phải được tổ chức cách nào để cho tinh thần đạo Phật được thấm nhuần
và lưu lộ trong những sinh hoạt thường nhật. Đây là điều mà Giáo hội cần thực
hiện ngay bởi vì đó là khởi điểm cho công việc đem đạo Phật đi vào cuộc đời.
Mục đích của sinh hoạt
tôn giáo là nuôi dưỡng tình cảm từ bi, phát triển trí tuệ phá chấp và bồi đắp ý
chí phụng sự. Muốn đạt đến những kết quả tốt ấy, phải có đủ ba điều kiện: chùa,
vị tăng sĩ hướng dẫn và chương trình tu học.
Chùa là quê hương của tôn giáo của người Phật tử,
vì vậy hình bóng của ngôi chùa phải là một hình bóng thân yêu và dịu hiền trong
lòng người Phật tử. Quê hương ta có những ngôi chùa thật đẹp, thật trang nghiêm
mà mỗi khi nói đến ta thấy lòng ta rung động. Nhưng những ngôi chùa như thế bây
giờ còn ít lắm.
Ta thấy những ngôi
chùa mới được dựng lên vào chỗ những ngôi chùa đổ nát và trong rất nhiều trường
hợp, các ngôi chùa mới ấy không còn chiếm chỗ trong cảm tình của chúng ta nữa.
Không phải vì chúng ta chỉ biết lưu luyến những gì cổ kính mà thực sự là vì lối
kiến trúc và trang trí của những ngôi chùa ấy không mang được truyền thống dân
tộc, không biểu lộ được tinh thần đạo Phật. Một cái nhìn về các ngôi chùa được
tạo lập trong vòng ba mươi năm nay đủ cho ta thấy điều đó. Lối kiến trúc và trang
trí thực là phản lại tinh thần đạo Phật. Kiến trúc thì chắp vá đủ kiểu, còn
trang trí bằng những màu sắc nóng nảy, nhức mắt. Từ một cửa sổ trên chính điện
cho đến một bức màn che nơi tăng xá, tất cả đều nói lên sự suy đồi của tinh thần
đạo Phật. Nhìn những thứ ấy ta thấy bực bội và không ưa ngôi chùa lâu nữa. Đi
tìm một công viên mà ngồi còn thấy tâm hồn yên tĩnh hơn.
Vấn đề kiến trúc và
trang trí cần phải đặt lại ngay từ bây giờ. Không phải cần lắm tiền nhiều bạc mới
có thể làm lưu lộ được tinh thần đạo Phật, mới có thể làm đẹp được cho ngôi
chùa trong tinh thần đạo Phật. Đôi khi ngược lại là khác. Một mái tranh mà đẹp
thì cũng cứ đẹp như thường. Các kiến trúc sư, các nhà trang trí nên giúp cho
các chùa lấy lại hình dáng và phong độ của mình. Tổng vụ kiến thiết trong Giáo
hội phải có một văn phòng về kiến trúc, với sự tham gia của những kiến trúc gia
và các nhà mỹ thuật Phật tử để mà hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm sát và chỉnh đốn các
công trình kiến trúc tự viện trong toàn quốc.
Một số các chùa cổ được
trùng tu với sự hợp tác của cơ quan bảo trợ cổ tích cho nên còn giữ lại được
tính cách thuần túy của mình và do đó, giữ trọn được tình cảm của mọi người. Cố
nhiên luôn luôn phải có sự sáng tạo trên phương diện kiến trúc cũng như trên
các phương diện khác, nhưng sáng tạo phải là sáng tạo một cách đích thực và
đúng mức, hợp với tinh thần đạo Phật và tinh thần dân tộc chứ không phải là những
chấp nối một cách lố lăng một ít Tây một ít Tàu, một ít Ấn Độ, một ít Thái Lan.
Không ai cấm làm những
ngôi chùa có nhiều tầng, nhưng không ai thích nhìn những chiếc building có
trang trí vàng đỏ đang được gọi là chùa ấy.
Chùa phải đẹp, phải
giúp ta có cảm giác thảnh thơi, êm ả, dù là chùa nằm ngay trong thành phố cũng
vậy . Nếu chùa mà rộn ràng, đầy những màu sắc nhức mắt và những âm thanh chói
tai thì ta thà ở nhà còn hơn. Ta chỉ cần đến chùa mỗi khi có buổi họp. Mà như
thế thì quả là một điều thua thiệt rất lớn cho đời sống tâm linh ta.
Hiện nay còn có những
ngôi chùa mà chỉ cần bước vào thôi ta cũng đã thấy tâm hồn êm dịu, thanh thoát.
Lối kiến trúc và trang trí chùa phải là thế nào để cho mỗi khi bước qua tam
quan, ta có cảm tưởng là đã bỏ lại ở ngoài tất cả những phiền muộn những bực dọc
và những tầm thường của cuộc sống hằng ngày. Nếu không, chỉ cần nhìn vào những
rộn rã và vụng về kia, kẻ bàng quan cũng đánh giá được nếp sống tâm linh của những
người sinh hoạt trong những Cảnh kiến trúc và trang trí ấy.
Vị tu sĩ hướng dẫn
chương trình tu học của chùa cũng phải có trình độ văn hóa cao để có thể thống
nhiếp được đại chúng. Đại chúng (communauté) ở đây nên hiểu là tất cả những Phật
tử cùng tu cùng học, cùng có nhiệm vụ xây đắp và bảo vệ cho chùa, dưới sự hướng
dẫn của các vị tu sĩ được Giáo hội chỉ định. Như vậy, chữ đại chúng có nghĩa
tương đương với chữ bổn đạo.
Đại chúng chừng vài
trăm người thì đã cần tới hai vị tu sĩ, một vì chủ trì và một vị phụ tá. Chừng
nào đại chúng đông hơn, thì số tu sĩ cũng phải nhiều hơn. Khi đại chúng đông
quá thì nên tách làm đôi và một ngôi chùa mới phải được tạo dựng để làm cơ sở
sinh hoạt tôn giáo cho đại chúng mới. Chỉ trừ ở những nơi mà dân trí còn thấp
kém quá và chỉ mong được thỏa mãn những nhu yếu tín ngưỡng rất bình dân thì
không nói, chứ ở những nơi trình độ dân chúng khá cao thì các vị tu sĩ hướng dẫn
cũng phải có trình độ học vấn cao mới có thể lãnh đạo được. Những vị tu sĩ làm
việc trong ngành này phải có kiến thức vững chãi về giáo lý, nghĩa là phải tốt
nghiệp ở một trường Phật học, phải có kiến thức về lễ nhạc Phật giáo để dạy bảo
và hướng dẫn đại chúng về phương diện nghi lễ, phải có kiến thức về tâm lý,
giáo dục, tôn giáo để có thể giúp đỡ những cá nhân trong đại chúng khi những
người này cần đến mình để giải quyết những vấn đề thuộc tâm lý, gia đình hay xã
hội của họ.
Ở một ngôi chùa mà đại
chúng có những nhu yếu đó thì thường thường có ít ra là hai vị tu sĩ tiếp hiện
hướng dẫn: một vị chuyên trách về lễ nhạc và tổ chức, một vị Chuyên trách về giảng
dạy và cố vấn. Tất cả những kiến thức cần thiết này đều phải được cung cấp tại
trường Phật học.
Về chương trình sinh
hoạt tôn giáo, ta có những mục như sau: học giáo lý, học tham thiền, ăn chay tụng
kinh niệm Phật, sám hối, tham gia công việc xã hội. Tất cả những công việc ấy
phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh đúng với tinh thần đạo Phật.
Trước hết là việc học giáo lý. Học giáo lý không phải là đi tìm những giây phút tự hào những giây phút mà trong đó cả người dạy lẫn người học đều sung sướng nghĩ rằng giáo lý đạo Phật hay như thế này mà mình là Phật tử thì thật là mình đã đi đúng đường, chọn đúng đạo. Tâm lý này rất phổ thông, và ở tôn giáo nào cũng có hiện tượng ấy. Học Phật, thực ra, là để mà hành. Phải làm sao cho mọi Phật tử thấu đạt được tinh thần phá chấp, thực nghiệm, khế cơ và phương tiện của đạo Phật để tự luyện mình thành ra khiêm nhường, cởi mở và bao dung.
Ta thấy Phật tử đang
còn cố chấp quá và số lượng những người hành đạo trên căn bản tự ái tôn giáo vẫn
còn đông quá. Học tập tinh thần phá chấp và thực nghiệm, người Phật tử sẽ chắc
chắn đạt được đức khiêm nhượng và cởi mở, những đức tính căn bản không thể
không có. Phải học Phật như thế nào để hiểu và hành Tứ Diệu Đế một cách thiết thực.
Phải có dịp được hướng dẫn đi thăm và quan sát những hiện tượng khổ đau trong địa
phương mình để phát khởi và nuôi dưỡng Từ Bi. Rồi lại phải học tri túc để có
thêm thì giờ tham dự vào công việc phụng sự. Mỗi tuần một vài lần ở chùa phải
có những lớp học giáo lý và thực tập giáo lý ấy.
Học tham thiền và thực
hành tham thiền cũng nằm trong phạm vi ấy. Người Phật tử cần có những giờ sinh
hoạt đơn độc vắng lặng để tự tìm mình, để tự mình còn là mình và để tự mình làm
giàu thêm cho mình về phương diện tâm linh và tâm đức. Điều này quan trọng quá
bởi vì giá trị con người và hạnh phúc gia đình tùy thuộc nơi nó thật nhiều. Sống
trong một xã hội đảo điên thác loạn ai cũng dễ đánh mất mình, cũng dễ trở nên
cáu kỉnh, khó chịu, ngay đối với chính những người mình thương yêu nhất.
Nếu ở nhà không có một
căn phòng nhỏ im lặng, thì ta phải lên chùa tìm tới chính điện để ngồi tĩnh tâm
và tham thiền. Phàm ai có thể thực hành phép tĩnh tâm và tham thiền đều thấy
ngay được hiệu quả tốt đẹp của nó.
Ăn chay cũng rất quan trọng. Người Phật tử
không nên nghĩ rằng ăn chay là để cầu xin một phước đức siêu hình nào mà chỉ
nên nghĩ rằng ăn chay là để nuôi dưỡng tâm đức mình và hạnh phúc của mình. Mỗi
tháng nên có ít nhất là vài ba ngày ăn chay: hoặc là nên ăn chay trong tất cả mọi
buổi chiều, bởi vì buổi chiều mà ăn mặn, nhất là ăn trễ và no quá thì thật là
thiệt hại cho đời sống của mình quá.
Các bà nội trợ nên sửa
soạn những bữa cơm chay cho cẩn thận. Những ngày ăn chay thì nên dùng khăn bàn
và bát đũa đặc biệt. Trước khi ăn, mọi người nên chắp tay yên lặng để một người
trong gia đình đọc lại một câu nào có ý nghĩa trích trong các lời dạy của đức
Phật. Làm như thế ăn chay sẽ gây thêm được đức tin, tạo thêm được lý tưởng và bảo
vệ được sự thân ái và hòa thuận trong gia đình. Nên thực hành việc ăn chay như là
một phương tiện mà đừng nghĩ rằng đó là một cứu cánh, một giáo điều, một sự bắt
buộc. Ăn chay không phải là một khổ hạnh. Ta có thể có những bữa ăn chay ngon
lành và đầy đủ chất bổ nếu ta chú trọng tới vấn đề ăn chay.
Vấn đề tụng kinh
niệm Phật cũng rất là quan trọng. Người ta chỉ có thể tụng kinh và niệm Phật
khi người ta có học về phương pháp tụng kinh niệm Phật. Lời tụng, điệu tụng và
cách tụng biểu lộ được nội dung sinh hoạt tâm linh và do đó phải có thiền vị.
Có nhiều người tụng
kinh nghe chát óc chát tai. Tụng kinh không có nghĩa là cúng tế cầu đảo. Tụng
là đọc, đọc những lời Phật dạy, hay đọc những bài sám nguyện để phản tỉnh và cầu
nguyện. Người tụng kinh cũng như người nghe kinh phải thấy tâm hồn êm ả, thanh
thản và dâng lên cao vút. Phương pháp tụng niệm đã bị phá sản. Chỉ còn lại ít
các chùa xưa là giữ được thiền vị trong các thời công phu, còn ở các chùa bây
giờ, màu sắc lễ nhạc đang chứng tỏ sự thế tục hóa của đạo Phật.
Rất nhiều chùa mang
micro vào chính điện để phát ra những bài oang oác điếc tai điếc óc không thể gọi
là kinh được. Dùng máy phóng thanh trong chùa là một việc bất đắc dĩ, không
dùng thì vẫn hơn. Nếu có dùng cũng chỉ nên để vừa cho trong phòng nghe mà thôi,
chẳng nên bắc loa ra ngoài xóm làng phố phường như những rạp hát cải lương. Cái
bệnh ham dùng máy phóng thanh ở các chùa và mở to đến mức tối đa đã lan tràn rất
rộng và đã làm khổ không biết bao nhiêu người. Cuốn sách này viết hoài không
xong cũng là do mấy cái máy phóng thanh.
Có những ngôi chùa mà
mỗi khi nghe tiếng chuông và tiếng tụng kinh đầy thiền vị ta muốn quỳ xuống và
chắp tay. Trái lại có những ngôi chùa mà khi tiếng tụng kinh nổi lên ta đã muốn
chạy trốn.
Lễ nhạc cần được
nghiên cứu, chỉnh lý lại; những vị tu sĩ phụ trách nghi lễ phải nắm cho được
nguyên tắc và kỹ thuật của lễ nhạc ấy, bởi vì sinh hoạt lễ nghi là một sinh hoạt
quan trọng nhất trong đời sống tôn giáo. Đến dự một buổi lễ sám hối, nghe những
âm thanh nhìn những màu sắc chói tai chói mắt rồi lạy cho đến mồ hôi ướt đầm mấy
lớp áo, chỉ mong cho khóa lễ chóng xong mà về: đó là một sự thất bại lớn của lễ
nhạc. Không thể nói được rằng nhờ buổi lễ sám hối ấy mà tâm hồn thanh tịnh hơn,
an lạc hơn.
Trẻ em của chúng ta
cũng phải được chia thành từng nhóm tuổi để học hành và thực tập giáo lý trong
những lớp học chủ nhật (Sunday school). Các em cũng cần có những cuốn sách giáo
lý căn bản cho các em, luyện tập cho các em biết cởi mở, bao dung, khiêm nhượng,
nuôi dưỡng cho các em tình thương và ý chí phụng sự, biết chịu trách nhiệm về
những khổ đau xung quanh do mình gây ra hoặc không do mình gây ra. Chương trình
học Phật cho người lớn và cho trẻ em phải được Giáo hội cho ấn hành thành sách,
và các Phật tử cư sĩ đã học Phật khá vững nên tham dự và giúp đỡ các vị tu sĩ
tiếp hiện trong việc mở dạy những lớp giáo lý chủ nhật cho các em thuộc các lứa
tuổi khác nhau. Vì vậy cho nên phòng xá sinh hoạt cho từng lớp cần được trang bị
thêm cho được đầy đủ. Gia đình Phật tử có thể giúp đỡ được rất nhiều trong việc
tổ chức học tập và thực hành Phật pháp.
Chương trình học Phật
phải sát với sự sống và do đó phải bao hàm luôn những vấn đề giáo dục gia đình,
tổ chức ngân sách gia đình, nuôi dạy trẻ con, vấn đề y tế vệ sinh, vấn đề luyến
ái nam nữ... tùy theo các lớp tuổi.
Sau hết là vấn đề
tham gia những công tác tương trợ và hưởng ứng những kế hoạch văn hóa, kinh tế,
xã hội do Giáo hội chủ trương.
Người Phật tử chân
chính không bao giờ ích kỷ chỉ biết tự lo cho mình. Phải mở rộng tầm mắt, phải
tiếp xúc với sự thực thứ nhất để mà phát khởi tình thương, để mà phát tâm phụng
sự. Chương trình và kế hoạch phụng sự được các vị tu sĩ hướng dẫn đề nghị. Đại
chúng trong những buổi họp đông đủ tại chùa sẽ thảo luận và quyết nghị.
Làm thế nào để đừng
làm ngơ trước những đau khổ quanh mình. Làm thế nào để từ bi và hùng lực của đạo
Phật là những sự thực mà không phải chỉ là ngôn từ trên đầu môi chót lưỡi. Và đến
khi Giáo hội đề ra những kế hoạch văn hóa giáo dục xã hội chung, phải biết hy sinh
thì giờ và nếu cần một ít quyền lợi của mình, để tham dự trong ý hướng làm vơi
đi những khổ đau và bất công của xã hội.
Tóm lại, trong lĩnh vực
sinh hoạt tôn giáo, ta có những công việc sau đây cần thực hiện:
1. Sáng tạo và chỉnh
đốn kiến trúc và trang trí, làm cho chùa đẹp, thanh tịnh, phản chiếu được văn
hóa Phật giáo và dân tộc; công việc này cần có sự tham dự của các nhà văn hóa,
các nhà kiến trúc và mỹ thuật.
2. Nghiên cứu truyền
thống lễ nhạc, sáng tác lễ nhạc mới khế hợp với tâm hồn Việt Nam trong xã hội mới,
dạy lễ nhạc và tham thiền tại các Phật học viện, các chùa: công việc này cần có
sự hợp tác của các tu sĩ tinh thông lễ nhạc tôn giáo.
3. Dạy giáo lý và làm
cố vấn giáo lý cho các Phật tử đủ các lớp tuổi về những vấn đề của đời sống bản
thân, gia đình, xã hội: công việc này cần có sự hợp tác của các vị cư sĩ có học
lực vững chắc về Phật học và về các môn học... và của tổ chức Gia Đình Phật Tử,
một tổ chức có rất nhiều triển vọng trong tương lai.
4. Hướng dẫn Phật tử
ý thức về các vấn đề khổ đau của sự sống và cố gắng đóng góp phần của mình
trong các công tác xã hội: công việc này cần sự tham gia của nhiều người, trong
đó có cả những người làm việc trong các cơ quan xã hội của chính quyền.
0 Đánh giá