Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Hiện Đại Hóa
Chương 4. Đạo Phật trong các lĩnh vực sinh hoạt
III. Trong lĩnh vực giáo dục
Sự nghiệp trí thức của
nhân loại là một sự khám phá liên tục về thực tại và trao truyền những kết quả
khám phá ấy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực tại đây là thực tại tâm linh
cũng như thực tại vật lý và xã hội. Chân lý bất cứ khám phá được từ đâu cũng
mang tính cách nhân bản và vì vậy có liên hệ mật thiết với chủ thể nhận thức của
con người. Bởi vì chân lý vừa linh động vừa không có tính cách thuần túy khách
quan cho nên vai trò của giáo dục không thể là vai trò của một cái máy truyền đạt
kiến thức: vai trò của người giáo dục phải là vai trò của thực thể sinh động và
tràn đầy ý thức.
Khi một nhà thám hiểm
nổi danh trao truyền kinh nghiệm và kiến thức của mình cho một người sắp lao đầu
vào cuộc thám hiểm đầu tiên trong đời người đó, thì nhà thám hiểm không nghĩ rằng
mình đang làm một việc đáng được trả tiền thù lao.
Động cơ giáo dục ở
đây là tình thương, là sự lo sợ cho tính mạng người khác, là niềm thao thức muốn
trao truyền kinh nghiệm và kiến thức linh động đang cần được trao truyền. Do đó
khi nhìn một người học trò đem tiền học hàng tháng nạp cho một vị giáo sư, ta
thấy có một cái gì bất nhẫn và tủi hổ, tuy rằng sự thật lặp đi lặp lại nhiều lần
đã khiến cho cảm tưởng ấy lờn đi rất nhiều. Thà rằng người giáo sư đóng vai trò
làm một cái máy truyền đạt kiến thức thì sự thù lao sỗ sàng như thế còn có thể
chấp nhận được. Nhưng nếu tất cả các giáo sư trên trái đất này đều làm những
cái máy truyền đạt kiến thức thì thật bất hạnh cho nhân loại: bởi vì những cái
máy thì chỉ có thể truyền đạt được một phần nhỏ của kho tàng kiến thức nhân loại:
đó là những mảnh kiến thức về khoa học, kỹ thuật - những mảnh kiến thức mà nếu
đứng riêng thì sẽ đưa con người tới một nếp sống thực sự duy vật.
Sự truyền đạt những ý
chết không phải là mục đích của giáo dục. Những ý chết không có ích lợi gì cho
ai cả mà lại làm hại cho trí óc của lớp người đang phải chịu đựng để chuyên chở
chúng. Trí óc của người ta không bao giờ là một cái hầm chứa những kiến thức
khô chết. Nếu bắt nó phải làm công việc của một cái hầm chứa tức là chúng ta bức
bách nó, dày vò nó, thống trị nó và như thế là tiêu hủy nó.
Trong phạm vi giáo dục,
kiến thức phải được trí óc tiếp nhận như những gì linh động để có thể được nẩy
nở tươi tốt và biến thành chất liệu cho sự sống. Cho nên nhà giáo dục phải sống
những gì mình dạy và dạy những gì mình sống. Người thu nhận giáo dục phải được
trao truyền những kiến thức sống. Khi người giáo sư dạy những điều mà chính
mình đã sống, đã cảm, đã chiêm nghiệm thì sức truyền cảm sẽ được tạo nên một
cách dễ dàng và do đó người sinh viên sẽ tiếp nhận được những kiến thức và kinh
nghiệm kia như là những chân lý linh hoạt mà không phải là những ý chết nữa.
Trong đạo Phật, sự lặp
đi lặp lại những công thức và cái biết chữ nghĩa bề ngoài được coi là những chướng
ngại lớn lao trên con đường tu học. Người Phật tử phải coi trọng thực chứng, thực
nghiệm. Trong các học phái Duy Thức, Bát Nhã, và nhất là trong học phái Thiền,
thứ kiến thức khô chết luôn luôn bị đả phá, lên án. Uy quyền của một thiền sư
không là ở chỗ học rộng nghe nhiều mà là ở chỗ thực chứng. Trong số các môn đệ
của đức Phật, không ai nghe nhiều nhớ nhiều bằng A Nan tôn giả, những địa vị của
A Nan đối với các vị khác như Ca Diếp, Xá Lợi Phất... còn thấp kém xa bởi vì
trình độ thực chứng của A Nan trong sinh thời của Phật còn chưa có gì đáng kể.
Dù là thực chứng tâm linh hay thực chứng chân lý của cuộc đời, tính cách thực
chứng của giáo dục phải được xem như là căn bản của một nền giáo dục tốt đẹp và
hữu hiệu.
Khi mà tôi đã từng ăn
trái sầu riêng, đã biết hương vị trái sầu riêng rồi thì tôi mới diễn tả được
trái sầu riêng cho người khác được. Cái đó chính là thực chứng. Những gì ta
không thực chứng thì ta không thể diễn tả linh động được. Trong mọi lĩnh vực
văn học, triết học, xã hội, những cái biết thực chứng thật là cần thiết cho
giáo dục.
Sở dĩ ta chỉ tiếp nhận
và truyền đạt những kiến thức khô chết là vì ta không sống, không suy tư, không
thấy được những liên hệ giữa các kiến thức ấy với đời sống tâm lý, sinh lý và
xã hội của ta.
Uy quyền của nhà giáo
không phải được quy định bởi những điều lệ của một học đường mà chính là ở nơi
tính cách thực chứng của các kiến thức. Khi mà một thầy giáo không tỏ vẻ trân
trọng và sốt sắng trong sự trao truyền kiến thức - cố nhiên là kiến thức thực
chứng – mà chỉ vụ làm cho xong công việc dạy giờ ăn tiền của mình thì chính thầy
giáo đã tự mình đánh mất uy quyền của mình. Những thầy giáo đó có thể ví với một
ông thợ vẽ, thay vì một họa sĩ. Họa sĩ trong khi vẽ đem hết tâm hồn mình để vẽ,
trong khi ông thợ vẽ chỉ cần chút kỹ thuật khéo léo của mình thôi.
Giáo dục mới thường tự
hào là để cho trẻ em tự do phát triển khả năng mình bằng cách thầy giáo chỉ
đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ. Một ít nước Tây phương, nhất là nước Mỹ, đã đi
quá đà trên chủ trương này. Uy quyền của giáo sư bị đánh đổ và học sinh trở
thành thần tượng trong phạm vi giáo dục. Thầy giáo, trong quan niệm giáo dục
này, không có quyền chi phối học sinh bằng quan điểm và nhận thức của mình. Người
học trò rất ý thức điều đó, cho nên chỉ trong phạm vi khoa học và kỹ thuật mới
chịu cúi đầu khuất phục. Còn những nhận thức khác, dù đã từng được mua bằng
kinh nghiệm của cả một cuộc đời, cũng không được tiếp nhận đúng với tầm quan trọng
của chúng. Cho nên một nền giáo dục thực chứng sẽ mang lại sinh khí và hiệu quả
tốt đẹp cho sự trao truyền kiến thức đồng thời tái lập uy quyền của nhà giáo,
uy quyền đã được tạo dựng bởi chính sự thực chứng chứ không phải bởi một quan
niệm phong kiến độc tài.
Thực chứng bao giờ
cũng tôn trọng thực chứng từ người giảng dạy với sự phát triển kiến thức thực
chứng cho nên sự tiếp nhận kiến thức thực chứng nơi người sinh viên sẽ không thể
có mâu thuẫn và hỗ tương chướng ngại.
Thực chứng là hoa
trái của dòng sinh hoạt kinh nghiệm vì vậy luôn luôn có một giá trị thực dụng
và nhân bản. Sở dĩ tất cả những gì được thực chứng trong địa vực tâm linh, cũng
như trong mọi địa vực khác của sinh hoạt con người, đều mang tính chất thực dụng
và nhân bản là vì các kiến thức và kinh nghiệm kia đều được rút ra từ sinh hoạt
con người mà không phải là từ những giả định hoặc những tín ngưỡng siêu hình.
Con người hay làm khổ
nhau vì không chịu đứng trên miếng đất thực nghiệm, vì cứ muốn chụp vào đầu kẻ
khác những giả định hoặc tín ngưỡng siêu hình của mình. Thái độ đó dễ đưa đến
cuồng tín và độc tài.
Một nền giáo dục biết
đặt đúng vị trí của giả thiết và siêu hình, một nền giáo dục căn cứ trên thực
chứng thực nghiệm sẽ khiến cho kho tàng kiến thức sinh động của con người được
truyền đạt vĩnh cửu và phát triển thêm mãi để phục vụ cho con người. Tính cách
nhân bản được nhận thấy rõ ràng trong một nền giáo dục như thế, bởi vì chỉ có con
người và kiến thức thực chứng của con người trong địa hạt tâm linh, vật lý và
xã hội mới là nguồn gốc và cứu cánh cho sự sống của con người, chứ không phải
là thần linh hay hệ thống sản xuất kinh tế.
Tính cách thực chứng
của giáo dục do đó bao gồm tính chất sinh động nhân bản, thực dụng và phi siêu
hình.
Đặc điểm thứ hai của
một nền giáo dục theo quan điểm Phật giáo là tính cách phá chấp. Tính cách này thật là
yếu tố căn bản cho phương pháp nhận thức Phật học. Chấp có nghĩa là ôm chặt, kẹt
vào, vướng vào, làm nô lệ cho những gì mình thờ lạy như chân lý tuyệt đối và nhất
định không chịu mở rộng nhận thức để đón nhận những hiến dâng của kinh nghiệm mới
cũng như của sự trao đổi quan điểm với kẻ khác. Cố chấp tức là tự mãn, tự túc, tức
làm chấm dứt sự tìm kiếm học hỏi, tức là tự giam mình trong một cái vỏ cứng chủ
quan nhỏ bé.
Phương pháp Thiền học chú trọng nhiều nhất đến sự phá chấp; những người nhiều cố chấp nhất theo đạo Phật, là những người khó đạt đạo nhất. Cố chấp thì sẽ không còn khiêm cung, không còn khách quan, không còn cơ hội để xúc tiếp với sự thực. Cố chấp thường đưa đến cuồng tín, cuồng tín nơi đức tin cũng như nơi chủ nghĩa. Cố chấp tức là tự mình đánh mất tự do rộng lớn của mình, cái tự do của người đang được bơi lội thỏa thích trong biển thực nghiệm chân lý. Cố chấp cũng đưa tới khuynh hướng tước đoạt tự do ấy nơi những kẻ khác.
Trong mười năm qua, ở
xứ ta miền Nam cũng như miền Bắc, con người Việt Nam đã bị nhồi sọ một cách sỗ
sàng trong địa vực tuyên truyền và giáo dục. Chứng liệu nằm sờ sờ ra đó, sẵn
sàng để cho lịch sử phê phán. Hãy nói chuyện với các bạn trẻ vừa bước qua ngưỡng
cửa Tú tài ta sẽ thấy một phần đáng kể là nạn nhân cho sự nhồi sọ. Họ là những
chứng liệu linh động cho sự vi phạm tự do của con người phát sinh từ cố chấp và
cuồng tín.
Một nền học vấn giúp
cho con người thái độ phá chấp sẽ bảo tồn được tự do, được sự thao thức thường
xuyên trong bước đường học hỏi sẽ tạo được niềm thông cảm rộng lớn giữa người với
người, sẽ tiêu diệt mầm mống của tự hào và chia rẽ.
Một nền học vấn phá
chấp sẽ giúp điều kiện thuận lợi nhất để cho con người thiết lập những cuộc đối
thoại chân thật rất cần thiết cho sự hiểu nhau, thương nhau để đoàn kết xây dựng.
Thái độ phá chấp sẽ tự nhiên đưa đến kết quả điều hợp các quan điểm và nhận thức
để tạo nên nhận thức tổng hợp.
Khai phóng, nếu chỉ
được hiểu theo nghĩa mở cửa để thâu hóa văn hóa quốc tế thì phạm vi vẫn còn nhỏ
hẹp. Học hỏi phải là một quá trình nhận thức trong đó những kiến thức và kinh
nghiệm mới được thường xuyên đón nhận để hoặc chỉnh lý hoặc bổ túc hoặc thay thế
cho những kiến thức và kinh nghiệm trước còn thô sơ hơn và non yếu hơn. Nhờ có
tinh thần cởi mở, nhờ có niềm thao thức của con người biết rằng mình đang đi
trên con đường tìm sự thực chứ chưa phải đã giữ độc quyền về sự thực mà con người
mở rộng được cánh cửa nhận thức phía trước mình. Điều kiện của tiến bộ là ở đấy,
mà điều kiện của tự do, của cảm thông, của điều hợp và đoàn kết cũng là ở đấy.
Đặc điểm thứ ba của một
nền giáo dục theo quan điểm Phật giáo là tính cách khế cơ. Giáo dục phải là để phục
vụ cho con người, vì vậy phải kết hợp với điều kiện và tình trạng của con người.
Khế cơ như vậy có nghĩa là thực tế, hữu hiệu, và cũng do đó mà nền giáo dục sẽ phải
có tính cách dân tộc. Dân tộc tính nơi con người và nơi xã hội Việt Nam là một
cái gì hiện thực không thể không chú ý đến, nếu nền giáo dục không muốn thất bại.
Đề cao tính cách dân tộc không phải là đề cao một cái ngã, nuôi dưỡng tự hào tự
phụ, mà là để nhắc nhở rằng giáo dục luôn luôn phải là giáo dục cho ai và phải
giáo dục như thế nào để có thể thích hợp.
Truyền thống văn hóa Việt
Năm đã nuôi dưỡng người Việt Nam, và do đó một nền giáo dục và bản chất phản lại
với nếp truyền thống đó sẽ dễ dàng chuốc lấy thất bại. Cố nhiên không phải truyền
thống nào của Việt Nam cũng là tốt đẹp. Nói đến dân tộc tính Việt Nam là nói đến
những gì có thể làm rung động được trái tim Việt Nam, là nói đến tình cảm tốt đẹp
đã nuôi dưỡng người Việt và tạo nên được đồng nhất tính của dân tộc. Ý niệm khế
cơ tuy bao gồm ý niệm khế dân tộc tính, nhưng rộng rãi hơn nhiều.
Giáo dục cần được đặt
trên cơ sở nhận thức về bốn sự thực, và bởi vì giáo dục trước tiên phải nhắm đến
hướng thực dụng - thực dụng hiểu theo nghĩa rộng - nên đường hướng của nó phải
được soi sáng bằng thực trạng con người và xã hội. Chênh lệch xã hội, cơ cực lầm
than, tật bệnh, chiến tranh, du đãng, phạm pháp, cuồng tín, độc tài.... tất cả những
sự thực ấy của xã hội cần được nghiên cứu một cách chính xác và với tất cả sự tỉnh
thức để nền giáo dục của chúng ta có thể khế cơ một cách đích thực.
Nếu quả một nền giáo
dục có thể có thể lay tỉnh được con người Việt Nam tới sự nhận thức thấm thiết
về những thảm trạng đó của xã hội và con người thì bản chất của giáo dục cũng
bao hàm lòng xót thương và ý chí phụng sự. Học hành mà chỉ để giật lấy một mảnh
bằng và kiếm cho mình một địa vị trong lòng xã hội để phó mặc các vấn đề của cuộc
đời cho kẻ khác thì quả thực đó là một thứ giáo dục phản bội. Người Việt Nam
không nên tự mình sa vào vũng lầy đó. Nếu đã sa vào thì phải vùng vẫy với tất cả
sức lực mình để thoát ra. Không thể học đòi bắt chước các nước khác. Người Phật
tử biết giác ngộ điều đó nên liên kết lại và dùng tất cả mọi biện pháp để xoay
giáo dục về hướng khế cơ và thực dụng.
Giáo dục phải là một
phương tiện cải tạo sự sống, lấp bằng những hố bất công chia rẽ, bồi đắp tình
thương và tinh thần liên đới trách nhiệm về những khổ đau của dân tộc.
Trong Giáo Hội, phải
có cả một Tổng vụ giáo dục chuyên môn lo về tất cả những công trình đóng góp của
Giáo Hội về phương diện giáo dục. Tổng vụ phải phổ biến một lý thuyết giáo dục,
một kế hoạch giáo dục trong viễn tượng cải thiện nếp sống xã hội, tạo nên một
cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực giáo dục, một cuộc cách mạng thực chứng,
phá chấp và khế cơ.
Giáo dục thôn ấp hiện
giờ phải được xem như là công tác lớn lao nhất để cải thiện đời sống nghèo khổ
tật bệnh của dân quê. Để thực hiện tính cách khế cơ, chương trình giáo dục bậc
tiểu học nhất định là phải được cải thiện để được đơn giản hơn và thực dụng
hơn. Song song với giáo dục trẻ em trong thôn ấp phải có giáo dục căn bản cho
tráng niên để giáo dục thôn ấp có thể đóng vai trò xây dựng thôn ấp một cách
thiết thực.
Nền giáo dục thôn ấp
phải nhắm đến đối tượng thiết thực nhất tức là những vấn đề liên hệ đến sự sống
của con người trong thôn ấp. Địa lý và lịch sử trước hết phải là địa lý và lịch
sử của địa phương. Thảo mộc, thú vật, bệnh tật và kinh tế trước hết phải là thảo
mộc, thú vật, bệnh tật và kinh tế của địa phương. Tìm hiểu rõ rệt những gì ở
các tỉnh và các nước xa trong khi mù tịt về thực trạng của địa phương mình tức
là làm uổng phí thì giờ, tức là thiếu tinh thần khế cơ và thực dụng.
Ta nên xét qua về ý
niệm giáo dục căn bản. Ở các nước mà mức
sống đã cao, người ta
đòi hỏi một con người phải có những kiến thức
căn bản khá rộng rãi
để có thể xứng đáng là người. Nhà giáo dục John
Daniel Wild nói:
"Có một số kiến thức căn bản mà mỗi con người phải
đạt tới nếu muốn sống
một đời sống cho ra người trong gia đình,
trong quốc gia và
trong nhân loại..." Rồi ông kể ra:
a. Ngôn
ngữ, tức là khí cụ của tri thức, nhất là tiếng mẹ đẻ, phương pháp suy luận và toán
học sơ đẳng;
b. Phương
pháp của vật lý, hóa học, sinh vật học và những thực hiện căn bản mà các khoa học
ấy đã khám phá ra được;
c. Sử học
và nhân văn;
d. Các tác văn chương giá trị nhất trong nước,
văn học thế giới và nghệ thuật;
e.
Triết học.
Nếu ta đòi hỏi như thế
trong trường hợp giáo dục nông thôn tức là ta tham lam quá và không biết khế cơ
chút nào. Mục tiêu của giáo dục thôn ấp trong giai đoạn hiện tại, là làm cho trẻ
con và dân làng hiểu biết và yêu mến địa phương họ, giúp cho họ có khái niệm
căn bản về các vấn đề sinh hoạt xã hội để họ có thể tự cải thiện và nâng cao đời
sống của họ. Và như thế thì kiến thức về y tế và kinh tế là những kiến thức
quan trọng nhất.
Cố nhiên con người cần
đạt tới nhiều loại kiến thức; nhưng nếu nhìn vào thực trạng sinh hoạt thôn xóm
hiện nay, ta thấy không thể không tập trung giáo dục vào một số các chủ điểm
quan trọng nhất. Giáo dục nông thôn phải cung cấp cho người nông thôn khả năng
tiếp nhận văn hóa - nghĩa là thanh toán nạn mù chữ - trao truyền một cách cẩn
thận những kiến thức thực tiễn về y tế, vệ sinh, canh nông, kỹ thuật canh tác mới,
hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ… Ngoài ra còn phải bài trừ óc bảo thủ, mê tín,
bài trừ cờ bạc rượu chè và củng cố nền tảng gia đình.
Một trường Thanh Niên
Phụng Sự Xã Hội của Giáo Hội cần được tổ chức ngay để đào tạo những thanh niên
và thanh nữ thiện chí đi về nông thôn và bằng kiến thức và lý tưởng của họ, thổi
vào một luồng sinh khí mới cho sinh hoạt thôn ấp. Tình thương và ý thức mới sẽ
giúp họ từ công tác giáo dục nông thôn đi đến sự thực hiện một cuộc cách mạng
xã hội đích thực.
Những con số thống kê
cho biết là bốn mươi phần trăm trẻ em đến tuổi mà không được vào trường, và năm
mươi phần trăm trẻ em vào trường chỉ học được nửa chừng, nghĩa là vào khoảng lớp
ba, rồi bỏ học vì những điều kiện sinh hoạt gia đình và kinh tế. Các nhà giáo dục
đều đồng ý rằng cái học nửa vời như thế không có hiệu lực. Hiệu lực của giáo dục
phải được xây dựng ít nhất là bằng năm năm tiểu học mới được lâu dài. Như vậy,
bổ túc cái học thiếu sót cho những trẻ em chưa học hết tiểu học, thanh toán nạn
mù chữ cho tráng niên và thực hiện giáo dục căn bản cho mọi người là những việc
to lớn phải làm song song với việc cung cấp giáo dục cho hằng triệu trẻ em đến tuổi
chưa được vào trường và việc khế cơ hóa chương trình tiểu học.
Giáo Hội Phật Giáo có
thể đóng góp rất nhiều vào các công việc này bởi vì số thanh niên thanh nữ Phật
tử tình nguyện phục vụ cho chương trình sẽ không phải là ít nếu chương trình được
thực hiện hợp lý và cung cấp cho những người thanh niên thiện chí những điều kiện
sinh hoạt vật chất tối thiểu. Ngân sách quốc gia và viện trợ văn hóa của các nước
sẽ cần ủng hộ cho chương trình.
Ở các thành phố lớn,
vấn đề thiếu nhi phạm pháp và thanh niên du đãng đã trở nên một trong những vấn
đề lớn lao của giáo dục. Nguyên do của hiện tượng phải được tìm ở gia đình, ở
những điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, ở tiểu thuyết, phim ảnh, ở sự chán nản và
ở chiến tranh liên miên từ hai mươi năm nay. Bà Odette Philipin trong cuốn La
jeunesse coupable vous accuse (1950) cho biết rằng 81, 88 phần trăm các trường
hợp thiếu nhi phạm pháp có nguyên nhân từ gia đình. Đó là những gia đình không
bình thường, hoặc thiếu cha mẹ, hoặc thiếu tình thương, hoặc thiếu giáo dục.
Trong xứ ta, Giáo Hội
Phật giáo có thể đóng góp nhiều cho sự xây dựng cơ sở gia đình và giáo dục gia
đình nếu số lượng những nhà tu tiếp hiện trở thành đáng kể. Giáo Hội phải chú
trọng về việc cung cấp tài liệu giáo dục gia đình, không phải chỉ là những cuốn
sách khô khan nói về giáo lý mà những cuốn sách đề cập tới mọi khía cạnh sinh
hoạt của gia đình như vấn đề giáo dục con cái, vấn đề sinh hoạt tôn giáo, vấn đề
tổ chức ngân quỹ gia đình, vấn đề bảo tồn hạnh phúc gia đình. Tổ chức Gia đình
Phật tử phải được nâng đỡ và có tự do để có thể tự phát triển và lan rộng thêm
mãi, nhất là ở thôn quê các tỉnh miền nam. Biện pháp hay nhất để bài trừ nạn du
đãng và phạm pháp không phải là biện pháp trừng trị mà là biện pháp ngăn ngừa.
Ngăn ngừa bằng cách làm cho thanh thiếu niên say mê lý tưởng.
Trong rất nhiều trường
hợp, người thanh thiếu niên trở thành du đãng và phạm pháp là vì chán nản, thiếu
lý tưởng, thiếu tin tưởng, không thấy được một cái gì hay đẹp để mà tôn thờ, phụng
sự. Lý tưởng đồng sự và lợi hành của đạo Phật là một lý tưởng đẹp: Giáo Hội cần
phải khai thị cho người thanh niên thời đại để cho họ có thể tìm thấy ở đấy một
đời sống biết thương yêu biết phụng sự.
Phải chứng minh bằng
thực tế rằng đạo Phật không phải chỉ là một nền tín ngưỡng. Tín ngưỡng chỉ là một
phương tiện của đạo Phật. Đạo Phật là một lý tưởng phụng sự căn cứ trên trí tuệ
phá chấp và trên tình thương lợi hành. Những trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội
vì thế cần được tạo dựng gấp để đào tạo thanh thiếu niên thành những con người
biết phụng sự lý tưởng Bồ tát.
Về phương diện học đường,
Phật giáo nên lập thêm nhiều trường tiểu học và trung học nữa để một mặt góp sức
với chính quyền trong việc giáo dục, một mặt thực hiện tinh thần thực chứng,
phá chấp và khế cơ. Rất không nên nghĩ rằng lập trường học là để mà giữ người,
để mà có thêm tín đồ, hoặc để mà huấn luyện cho trẻ em sau này trở thành Phật tử
trung kiên sùng đạo. Tinh thần thực chứng, phá chấp và khế cơ của nền giáo dục
mới sẽ tạo nên những Phật tử trong bản chất - Đạo Phật không thấy sự cần thiết
của một số lượng Phật tử hình thức.
Thiển nghĩ trong các
học đường của Phật giáo chủ trương rất không nên tuyên truyền cho đạo Phật.
Không cần đọc kinh hay niệm Phật trước giờ học, cũng không cần giờ giáo lý hàng
tuần. Bắt học sinh đọc kinh hay niệm Phật trước giờ học và học giờ giáo lý hàng
tuần, theo thiển ý, không có lợi gì cả mà chỉ thêm mang tiếng là nhồi sọ giáo
lý cho trẻ em. Các em có thể tới chùa để học lớp giáo lý chủ nhật, hay có thể
gia nhập Gia đình Phật tử để học chương trình Phật pháp do các huynh trưởng dạy.
Ý kiến bỏ lệ đọc kinh và giờ giáo lý tại các trường có thế bị một số đông Phật
tử cho là sai lạc, nhưng trong tương lai sẽ được chấp nhận. Chúng tôi biết thế,
bởi vì điều đó phù hợp với tinh thần tự do và dân chủ. Mà đạo Phật thì bao giờ
cũng sẵn sàng chấp nhận tinh thần đó.
Hiện nay có rất nhiều
trường tiểu học và Trung Học Bồ Đề tại các tỉnh. Số lượng cần tăng thêm gấp mấy
mươi lần. Tuy nhiên, sự hiện diện của những trường Bồ Đề không hẳn là sự hiện
diện của nền Giáo dục Phật giáo, dù tại trường Bồ Đề có giờ giáo lý đi nữa. Tổ
chức của các trường Bồ Đề phải nói lên được một cái gì độc đáo của tinh thần đạo
Phật và giáo sư Bồ Đề trước hết phải được thấm nhuần tinh thần đạo Phật và nắm
vững phương pháp giáo dục Phật giáo. Hiện trạng các trường Bồ Đề trong toàn quốc
không cho phép chúng ta lạc quan. Do đó những chứng chỉ sư phạm Phật giáo mở tại
Viện Cao Đẳng Phật Học cần được tổ chức ngay để cung cấp giáo sư cho các trường
Bồ Đề.
Những trường Bồ Đề và
những gia đình Phật tử cần gửi mỗi năm một số giáo sư và huynh trưởng về để ghi
tên học các chứng chỉ ấy, trong khi chờ đợi có một trường Sư Phạm do Giáo hội
chủ trương. Có như thế các trường Bồ Đề mới có được bản chất của Bồ Đề và mới
có được lý do để tồn tại. Các trường Đại học và Cao Đẳng Phật học cần chú trọng
đến sự tinh luyện và bồi đắp ý thức hệ mới của đạo Phật và nắm lấy vai trò hướng
dẫn sự thực hiện nền văn hóa Phật giáo.
Những đặc tính của nền
giáo dục Phật giáo như thực chứng, phá chấp và khế cơ cần được biểu lộ rõ rệt tại
các cơ sở giáo dục cao đẳng ấy để làm mẫu mực cho các ngành giáo dục khác của
Giáo hội.
Cuối cùng, vấn đề
giáo dục có liên hệ đến vấn đề kinh tế. Tuy vậy ta phải phân biệt ranh giới giữa
giáo dục và công tác từ thiện. Giáo dục tự nó cũng là một hành động phụng sự và
do đó phải giữ được tính chất, lập trường và giá trị của nó. Do đó xem giáo dục
như một công tác từ thiện, ta có thế vô tình làm mất hiệu lực của giáo dục.
Một ngôi trường mở ra
để dạy miễn phí cho học trò nghèo mà không chú trọng đến đường lối kỹ thuật
giáo dục thì chỉ có thể làm thỏa mãn ý niệm từ thiện nhưng lại phản bội sứ mạng
giáo dục vậy.
0 Đánh giá