Chương 4. Nguyên thỉ và đại thừa

Chương 4. Nguyên thỉ và đại thừa

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Đạo Phật Ngày Nay

Chương 4. Nguyên thỉ và đại thừa








Playlist Gia Đình Chánh Niệm


Vấn đề Phật giáo nguyên thỉ thường được các học giả xem như là một vấn đề chính yếu của Phật học. Có người nói rằng chính Phật giáo nguyên thỉ mới là Phật giáo, còn ngoại giả đều là những thứ Phật giáo cải cách. Có người lại lựa chọn ra một bên những thứ mình ưa thích và gọi đó là nguyên thỉ, và bên còn lại kia thì gọi là không nguyên thỉ. Thực ra ta phải định nghĩa thế nào là Phật giáo nguyên thỉ.

Trước hết, ta phải trở lại định nghĩa Phật giáo mà chúng tôi đã trình bày trong chương trước:


Phật giáo là tất cả những sinh hoạt nào của con người nhằm biểu hiện những nguyên lý Phật học mà đức Phật và các thế hệ Phật tử kế tiếp đã thực chứng.



Để thực hiện những nguyên lý ấy, mỗi thời đại, mỗi địa phương có những hình thái sinh hoạt khác nhau, để một mặt thích ứng với nhu cầu sinh hoạt của con người, một mặt biểu hiện được dòng sinh hoạt chính pháp.

Cho nên Phật giáo nguyên thỉ phải được định nghĩa là những hình thức sinh hoạt văn hóa trong xã hội Ấn Độ cách đây hai ngàn năm trăm năm nhằm mục đích thể hiện những nguyên lý Phật học để phụng sự cho con người của xã hội ấy.

Trong xã hội và thời đại của đức Phật, những hình thức sinh hoạt văn hóa ấy đã được coi là rất thích hợp cho con người, đáp ứng được mọi nhu cầu trí tuệ, tình cảm, lý tưởng và giải thoát của con người; nói tóm lại, đã thể hiện được những nguyên lý Phật học mà đức Phật đã chứng nghiệm. Nhưng các cơ cấu xã hội luôn luôn biến đổi theo luật vô thường: mỗi xã hội, mỗi thời đại đều có những nhu cầu sai biệt, và các sinh hoạt tâm lý, tình cảm và trí tuệ của con người trong xã hội đó cũng biến chuyển không ngừng. Cho nên, những hình thức sinh hoạt gọi là Phật giáo nguyên thỉ không còn thích hợp nữa, hoặc ít ra không còn thích hợp một cách hoàn toàn nữa; do đó sự tạo dựng những hình thức sinh hoạt Phật giáo mới là một sự tất yếu, dĩ nhiên phải có, nếu người Phật tử không muốn cho Phật chủng (hạt giống đạo Phật) bị đoạn diệt. Vì vậy mà chúng ta thấy có Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Tích Lan, Phật giáo Ấn Độ... Các nền Phật giáo nầy có những sinh hoạt khác biệt về phương diện hình thức và cũng có khi cả về phương diện nội dung tư tưởng nữa, nhưng tất cả đều nhắm tới một mục đích là làm sống những nguyên lý Phật học trong đời sống nhân loại.

Có người nói rằng Phật giáo Nam tông mà hiện thời đại biểu là phái Theravada là hình bóng bất biến của Phật giáo nguyên thỉ. Nói như vậy là không hiểu gì về Phật giáo nguyên thỉ cả. Làm sao mà những hình thức sinh hoạt văn hóa của một xã hội cách đây hai nghìn năm trăm năm lại có thể áp dụng thích nghi với những nhu yếu sinh hoạt của một xã hội mới hôm nay? Phật giáo Tích Lan, Cam Bốt chẳng hạn, đã biến đổi rất nhiều trong nội dung cũng như ngoài hình thức. Ta cần thêm rằng phái Theravada chỉ là một trong nhiều học phái khác của Phật giáo Nam phương, trong đó ta nên kể phái Sarvastivada, một học phái đã hưng thịnh trong suốt mười lăm thế kỷ ở Mathura, Gandhara và Kashmir. Điều đáng chú ý là con người phương Nam, nghĩa là con người những xứ nhiệt đới, bao giờ cũng thiên về sinh hoạt nội tâm hơn, và ít ưa hoạt động hơn người phương Bắc. Vì thế Phật giáo Nam phương có tính cách nội hướng và bảo thủ hơn. Cho nên, một ít hình thức sinh hoạt nguyên thỉ còn có thể bảo tồn được ở các xứ ấy. Và khi nhìn những hình thức kia người ta cứ tưởng lầm Phật giáo Nam phương là Phật giáo nguyên thỉ. Kỳ thực trên dòng lịch sử truyền bá và sinh hoạt, không giờ khắc nào mà Phật giáo không chuyển biến. Không chuyển biến tức là không sinh tồn, bởi vì sinh tồn là chuyển biến vậy (sinh sinh chi vị dịch).

Điều hệ trọng nhất là qua tất cả các sinh hoạt luôn luôn chuyển biến ấy của các nền Phật giáo, người ta đều có thể nhận thấy bản chất của đạo Phật: đó là những nguyên lý căn bản để tạo dựng nền sinh hoạt đạo pháp, là những căn nguyên khơi mở dòng sinh hoạt đạo pháp.

Những nguyên lý căn bản ấy mới chính là bản chất của đạo Phật. Nghiên cứu Phật giáo nghĩa là cố đạt tới những nguyên lý ấy, những nguyên lý rất linh động ấy, chứ không phải là chép lại những hình thái sinh hoạt trong một giai đoạn, trong đó kể cả kinh điển, chữ nghĩa. Kinh điển chữ nghĩa cũng là để đối trị với căn bệnh của thời đại, của con người trong thời đại. Ta phải đi xuyên qua kinh điển để tìm những nguyên lý sinh hoạt kia.

Kinh Trường A Hàm (tương đương với Dighanikaya, bản dịch của Pali Text Society) chẳng hạn đã nhắm nhiều tới mục đích chỉ vạch những kiến thức sai lạc của các nền tư tưởng học phái đương thời. Nếu Trường A Hàm được thuyết vào thế kỷ XX, thế nào ta cũng được đọc về những sai lạc căn bản của thuyết Mác xít, thuyết Hiện sinh và mọi tà thuyết khác hiện thời.

Như thế kinh điển, cũng như giáo điều căn cứ trên kinh điển, cũng như những hình thức sinh hoạt Phật giáo xây dựng trên các giáo điều ấy, đều chỉ là hình thức, là phương tiện biểu hiện cái nội dung quan trọng là bản chất Phật học, là những nguyên lý Phật học. Bản chất ấy, những nguyên lý ấy, ta thấy ở bất cứ một nền Phật giáo nào: ở Phật giáo Nam phương cũng như ở Phật giáo Bắc phương, ở Phật giáo Tây Tạng cũng như ở Phật giáo Nhật Bản, ở Phật giáo Không tông cũng như ở Phật giáo Hữu tông.

Bản chất ấy là những hạt giống, hạt giống Bồ Đề. Các hạt giống ấy, tùy theo miếng đất ta gieo, sẽ mọc lên thành nhiều cây Bồ Đề khác nhau. Khí hậu màu mỡ, đất đai sẽ qui định những chỗ khác nhau ấy, nhưng bao giờ cây Bồ Đề cũng vẫn là cây Bồ Đề. Chứ không phải chỉ có một cây ấy, trồng ở thời đại ấy, trên miếng đất xã hội ấy mới được gọi là cây Bồ Đề.

Huống nữa, đi sâu vào nội dung, ta thấy những danh từ Nam tông, Bắc tông, Đại thừa, Tiểu thừa chỉ gây những khái niệm hết sức tương đối. Ở Phật giáo Bắc phương người ta thấy có những tông phái Tiểu thừa, những kinh điển Tiểu thừa, cũng như ở Phật giáo Nam phương người ta vẫn thấy tư tưởng Đại thừa và lối hành trì Đại thừa.

Ở Cam Bốt chẳng hạn, vào khoảng năm 1360 của kỷ nguyên Phật giáo, tức là vào khoảng năm 800 của kỷ nguyên Tây lịch, giáo lý Đại thừa đã được phát đạt một thời. Kinh điển Pali và những sinh hoạt của Phật giáo Nam phương ngày xưa đã có hơn một lần truyền đến miền Bắc Việt Nam, nhưng có lẽ vì thủy thổ không thích hợp, nên những hạt giống kia không bắt rễ đâm chồi được. Những cố gắng hiện thời của Tăng sĩ Theravada ở Nam phần Việt Nam cũng chưa đạt đến những kết quả nào đáng kể, có lẽ vì Việt Nam từ lâu đã thuộc về khu vực văn hóa Bắc phương.

Trong giai đoạn lịch sử hiện tại, người Phật tử của Phật giáo Nam tông đã nhận thấy cần hướng nhiều hơn về những hoạt động nhập thế, cũng như người Phật tử của Phật giáo Bắc tông nhận thấy cần tăng cường năng lực sinh hoạt nội hướng để đủ chất liệu nuôi dưỡng những hoạt động nhập thế của mình. Như vậy ranh giới Bắc, Nam, Đại, Tiểu đang đi dần đến sự xóa bỏ, và Phật giáo chỉ là Phật giáo với tất cả những hình thái có thể phục vụ sự giải thoát con người về mọi mặt.

Đứng về phương diện kinh điển, ta phải thấy rõ rằng tuy cả bốn bộ Tứ A Hàm của tạng kinh Bắc phương cũng như bốn bộ Nikaya của tạng kinh Ba lị đều là những kinh điển căn bản của Phật giáo hiện giờ, nhưng tạng kinh Nam phương đã mang nặng màu sắc của nền văn học Abhidharma nhiều lắm.

Nền văn học Abhidharma nhắm mục đích ghi chép nhận thức và quan điểm của học giả Nam tông, do đó bốn bộ Nikaya hiện thời đều được xem như là đã được chỉnh lý theo tinh thần Abhidharma. Vào buổi đầu của nền văn học Phật giáo Nam phương, chưa có sự phân biệt rõ rệt về giới hạnh kinh và luận. Có nhiều tác phẩm thuộc về luận (sastra) được sáng tác mô phỏng theo hình thức kinh (sutra). Qua kết quả của sự nghiên cứu ngày nay, ta có thể khám phá ra được nhiều kinh vốn chính là luận như kinh "Chúng tập" của Trường A Hàm, "Vệ đà tư tha" của Trung A Hàm... Nhưng không sao, những "kinh" ấy vẫn nói được các nguyên lý Phật học, tiếp tục khai thác những khu rừng tư tưởng đã được đức Phật khai mở khi Ngài còn tại thế.

Bên Phật giáo Bắc tông, cũng có đại khái những hiện tượng như thế, nhưng ta phải công nhận với tinh thần cởi mở tự do, nền Phật giáo Bắc phương đã dám đi xa hơn, cho nên đã đạt tới những chân trời mới lạ hơn. Một bộ kinh như kinh Pháp Hoa chẳng hạn đã phản chiếu một giai đoạn sinh hoạt tư tưởng sáng rỡ và phản chiếu cả một xã hội Phật giáo hưng thịnh. Vậy nếu kinh Pháp Hoa nối được truyền thống tu chứng của đức Phật thì chính kinh Pháp Hoa đã nói được điều đức Phật muốn nói, thực hiện được điều đức Phật muốn làm.

Giới Phật tử thường nói đến những Pháp ấn như "chư hạnh vô thường", "chư pháp vô ngã", "niết bàn tịch tĩnh" hay những nguyên lý căn bản như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo tức là những đặc chất của Phật giáo. Ở bất cứ một nền giáo lý nào, ở bất cứ một sinh hoạt chính pháp nào, những pháp ấn ấy, những nguyên lý ấy vẫn được xem như là căn bản. Lìa những đặc chất kia, phản bội những nguyên lý kia, mọi sinh hoạt mệnh danh là Phật giáo đều không phải là Phật giáo, mà là tà đạo.

Như thế Phật giáo là tổng thể của mọi giáo lý, mọi sinh hoạt văn hóa hiện hữu của nhân loại trên khắp thế giới, không phân biệt thời gian, địa phương, miễn nhắm tới sự phục vụ con người bằng cách hướng dẫn con người sống đúng theo những nguyên lý căn bản của Phật học.

Mong rằng một nhận thức như thế sẽ đưa chúng ta đến gần đạo Phật hơn và xóa bỏ những quan niệm hẹp hòi vướng bận hình thức, vướng bận chủ quan thiên lệch. Để tìm đến những nguyên lý Phật học, ta phải đi sâu vào mọi thực tại sinh hoạt của Phật giáo; qua các thực tại sinh hoạt khác biệt đó ta mới có đủ yếu tố để suy luận, để chứng nghiệm, để có một nhận thức đầy đủ. Một giọt nước có thể đủ để cho ta biết được thế nào là đại dương, nhưng chấp rằng giọt nước là đại dương, ấy là điều nên tránh vậy.

Xem Tiếp Chương 5Quay Về Mục Lục


0 Đánh giá

Ads Belove Post