Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Ngày Nay
Chương 7. Khảo sát thực tại I
Không phiêu lưu trong
những thế giới luận thuyết siêu hình đạo Phật, trở về thực tại, khảo sát thực tại
và giải quyết vấn đề đau khổ của thực tại. Vậy đạo Phật chú trọng hướng dẫn con
người đi đến một nhận thức chân xác về thực tại để làm nền tảng cho những
phương pháp thực hành nhắm mục đích giải thoát tình trạng khổ đau của con người
trong thực tại và trước thực tại.
Con người khổ đau vì
con người không có nhận thức chân xác về thực tại và trước thực tại. "Nguồn
gốc của mọi đau khổ là vô minh", đức Phật đã lặp lại nhiều lần câu nói
quan trọng đó. "Cái khổ của con lừa, con lạc đà chở nặng, cái khổ của kẻ bị
trôi lăn trong lục đạo chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận thức được thực tại,
không biết được hướng đi mới thật là đau khổ." (Sa di luật giải).
Tất cả những nghiệp
nhân xấu ác và vụng của con người đều bắt nguồn từ vô minh, từ chỗ không nhận
thức được chân tướng hiện hữu thực tại. Nhận thức sai lạc ấy được mệnh danh là
biến kế chấp, và đối tượng nhận thức sai lạc ấy được mệnh danh là biến kế sở chấp.
Màn vô minh, dục vọng
và tư kiến đã khiến cho trí tuệ con người yếu kém, vô năng, và vì vậy mang nặng
biến kế chấp tính. Biến có nghĩa là cùng khắp tất cả; kế chấp nghĩa là nhận thức
và suy tưởng sai lầm, rồi bảo thủ những nhận thức và suy tưởng sai lầm ấy. Cố
nhiên khi phần nhận thức khách quan đã "sai lầm cùng khắp" như thế
thì phần đối tượng nhận thức khách quan cũng không thể hiển lộ chân tướng được.
Và vì vậy ta không nắm được thực tại, ta chỉ tạo trong nhận thức ta những hình
bóng sai lạc méo mó về thực tại, và do đó ta hành động sai lạc để gặt lấy những
nghiệp quả khổ đau.
Ví dụ tôi đi ngoài đường
trong đêm tối, trong tâm trạng ngại ngùng lo âu. Tôi thấy một sợi dây thừng giữa
đường. Trong tâm trạng ngại ngùng lo âu đó, tôi mất bình tĩnh, hoảng hốt cho đó
là con rắn. Tôi hét lên, bỏ chạy, đâm đầu vào bụi tre, rách da, sưng trán. Vậy
là thực tại "sợi dây thừng" đã bị nhận thức biến kế chấp của tôi biến
thành con rắn, không hiển lộ được chân tướng của nó.
Kịp đến khi nghe tiếng
tôi la cầu cứu, mọi người đem gậy và đuốc đèn ra, thì chẳng thấy rắn đâu, chỉ
thấy sợi dây thừng. Bây giờ tôi mới đủ sáng suốt để nhận thấy sự thực dây thừng;
trong trường hợp này, nhận thức của tôi hết... vô minh, hết biến kế chấp, và thực
tại dây thừng được hiển lộ trong nhận thức sáng suốt ấy. Những con người phàm
phu (có nghĩa là chưa đạt đến tri thức giác ngộ của thánh nhân) đều mang nặng ở
nhận thức mình những lớp vô minh, dục vọng và tư kiến dày đặc khiến cho nhận thức
ấy trở thành biến kế chấp và cũng do đó không thể nắm được thực tại mà chỉ biến
thực tại thành những ảo tượng biến kế sở chấp, những con rắn trong tưởng tượng.
Con người phải rũ bỏ
vô minh, dục vọng và kiến chấp bằng học hỏi, bằng tham thiền, bằng suy tư, bằng
thăng hóa để trừ diệt dần dần biến kế chấp tính của nhận thức, để dần dần nắm
được chân tướng của thực tại.
Đức Phật đã nhấn mạnh
đến điểm này và đã khai thị cho mọi người những tính cách chân xác hiện thực của
thực tại để giúp người cởi bỏ biến kế chấp tính. Ngài trình bày cặn kẽ tính
cách y tha khởi của mọi thực tại.
Y có nghĩa là căn cứ
vào, lệ thuộc vào, nương tựa vào. Tha có nghĩa là tất cả hiện tượng khác. Khởi
có nghĩa là phát sinh và hiện hữu. Mọi hiện tượng đều phát sinh và hiện hữu tùy
thuộc và căn cứ vào tất cả những hiện tượng khác, và như vậy là đều có y tha khởi
tính. Điều này tuy giản dị nhưng thật quan trọng.
Nhận thức thực tại
trong tính cách y tha khởi của nó, ta sẽ gạt ra được không biết bao nhiêu là cố
chấp sai lạc của trí thức ta. Trước hết, là những cố chấp về tính cách đồng nhất
và bất biến của các hiện tượng.
Vạn vật tùy thuộc
nhau mà sinh khởi và tồn tại, luôn luôn chuyển biến và có tính cách vô thường.
Nhưng trong nhận thức ta chỉ có những khái niệm về những sự vật đồng nhất bất
biến; mỗi khái niệm như thế được mệnh danh bằng một từ ngữ nhất định. Ví dụ từ
ngữ "xe đạp của tôi". Từ ngữ này dùng để gọi một hiện tượng phát sinh
trong một thời gian nào đó, tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó. Trước hết
tôi nhận thấy từ ngữ "xe đạp của tôi" gợi cho tôi khái niệm về chiếc
xe đạp của tôi, cả từ ngữ, cả khái niệm đều như có những khuôn khổ nhất định.
Nhưng chính thực tại - chiếc xe đạp – thì không thế. Nó luôn luôn chuyển biến
cho đến nỗi sau ba năm thay sườn, thay lốp, thay sên, cũ kỹ, không giống gì với
chiếc xe đạp tôi mua mấy năm về trước, mà nó vẫn mang tên "xe đạp của
tôi" như thường.
Đó là chưa kể đến sự
cắt xén của trí thức. Tôi chỉ nhận biết sự hiện hữu của chiếc xe đạp khi nó thành
hình, mà không nhận biết được nó trong những nhân duyên y tha của nó. Tôi đã cắt
xén, trong thời gian và không gian, một mảnh thực tại và đặt tên cho nó, đóng khuôn
nó lại trong một khái niệm, trong một cái tên, trong khi chính nó, nó không hề
chịu đựng được sự khuôn khổ và luôn chuyển biến trong thời gian và không gian.
Trong từng sát na, sự chuyển biến được thực hiện: luôn luôn có một cái gì đang
bớt đi và có một cái gì đang thêm vào. Và như vậy, không có những hiện tượng bất
biến, chỉ có một thực tại bao la gồm có nhiều giòng hiện tượng hỗ tương tác động
sinh khởi, bù đắp và thay thế nhau. Tri thức tôi hay cắt xén thực tại ra từng mảnh
và nhận thức từng mảnh bằng từng khái niệm, hay suy tưởng bằng cách sắp xếp so
sánh các mảnh khái niệm ấy. Cho nên mọi sai lạc siêu hình đều bắt nguồn từ chỗ
cắt xén thực tại ra từng mảnh và đặt cho mỗi mảnh một cái tên cứng nhắc, trong
khi chính thực tại thì linh động vô cùng và không thể bị cắt xén mà không biến
hình. Chắp nối những mảnh cứng nhắc đó, và dựng nó thành hệ thống, tôi đã đánh
mất bản lai diện mục (bộ mặt thực từ xưa đến nay) của thực tại, và đã tạo ra một
bộ mặt kỳ lạ buồn cười cho thực tại. Mà như thế tôi đã không nắm được thực tại.
Cái mà tôi cho là thực tại không giống gì với bản thân của thực tại cả.
Các hiện tượng trong thực tại thì linh động, chuyển biến và vì vậy, vô thường. Các hiện tượng ấy không phải bao giờ cũng như bao giờ, luôn luôn hỗ tương tác động bù đắp nhau, phút trước khác phút sau, và vì vậy, vô ngã.
Ngã là tính cách đồng nhất của sự vật. Nhưng thực tại chứng minh rằng không có sự vật nào mà có tính cách đồng nhất cả: tất cả đều chuyển biến. Vì vậy khi công nhận tính cách vô thường, ta phải công nhận luôn tính cách vô ngã. Vô thường và vô ngã chỉ là một: đứng trên thời gian thì gọi vô thường, đứng trên không gian thì gọi vô ngã. Các hiện tượng vật lý sinh lý (sắc pháp) đều vô thường, vô ngã. Các hiện tượng tâm lý (tâm pháp) cũng đều vô thường, vô ngã.
Mọi nhận thức không
phù hợp lý vô thường vô ngã đều sai lạc, đều xa lìa thực tại. Tất cả những hệ
thống đạo đức luân lý, tất cả mọi phương pháp thực hành, cải tạo, thăng hóa và
tu chứng đều phải y cứ trên nhận thức vô thường vô ngã. Nếu không, tất cả đều
đưa đến thất bại bởi vì đã chống đối thực tại.
Trình bày tính cách y
tha khởi của mọi thực tại, đức Phật có chủ ý đánh tan nhận thức sai lạc cố chấp
của con người, trao quyền cho con người một phương pháp nhận thức thực tại cao
hơn phương pháp khái niệm suy tư mang nặng tính cách lầm lạc chỉ biết cắt xén
thực tại và sắp xếp những bóng dáng đã đổi hình của thực tại.
Giáo lý Pháp tướng
Duy Thức trình bày những sai lạc cố hữu của nhận thức và giúp ta khảo sát thực
tại trên quan điểm hiện tượng luận (point de vue phénoménologique) nhắm mục
đích đả phá lối nhận thức cố chấp thường, ngã.
Giáo lý Pháp Tánh
Không Tuệ nhắm mục đích làm cho vô lý đi (reductio ad absurdum) tất cả những
khái niệm của ta về sự vật để giúp ta đạt đến một nhận thức cao hơn.
Giáo lý Như Lai tạng
duyên khởi cũng trình bày luật trùng trùng duyên khởi, để giúp ta thấy rõ ràng
trong một có tất cả, tất cả là một và như vậy cũng nhắm đến mục đích cản ngăn
không cho ta cắt xén một cách sai lạc và ngây thơ cả dòng thực tại linh hoạt
đang diễn biến hiện hữu.
0 Đánh giá