Read more
Thực Hành Vô Ngã by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Ngày Nay
Chương 8. Khảo sát thực tại II
Những hệ thống giáo
lý Bắc phương cũng như những hệ thống giáo lý Nam phương đều nhắm đến sự khai
thị chân lý vô thường, vô ngã, y tha khởi, nhân duyên sinh để giúp con người
lay đổ lề lối nhận thức cũ, đào luyện một khả năng nhận thức mới, hoặc gọi là
nhất thiết trí, hoặc diệu quan sát trí, vô lậu trí, bát nhã trí, vô phân biệt
trí... tùy theo trường hợp, đối tượng và trình độ tu chứng. Nhưng dù sao, những
giáo lý ấy cũng chỉ mới có thể gây trong ta những biến động cần thiết đủ để lay
đổ lề lối nhận thức cũ. Ta phải tỉnh dậy và theo sự hướng dẫn của giáo lý mà
sinh hoạt để đào luyện nhận thức mới, mới mong trực nhận thực tại trong tự tính
y tha khởi của nó.
Không phải chỉ cần học
tập kinh điển mà tự khắc có được nhận thức duyên sinh về sự vật. Chừng nào ta cảm
nhận, suy tư và hành động phù hợp hoàn toàn với thực tại, chừng đó nhận thức
duyên sinh mới hoàn toàn thành tựu. Còn nếu ta chỉ học hỏi và công nhận tính
cách y tha khởi của vạn vật mà nhận thức và hành động ta vẫn sai lạc không phù
hợp với y tha khởi tính của hiện tượng thì ta chưa có thể nói rằng ta đã chứng nghiệm
chân lý y tha khởi. Ta mới "kiến tạo" chứ chưa "chứng đạo".
Phải tập rèn đào luyện
nhận thức, nghĩa là phải tu tập diệt mê trừ vọng hằng ngày để mỗi lúc một tiến
gần thực tại, mỗi lúc một nhận thức thực tại rõ ràng hơn. Nhận thức vấn đề mà
không y cứ trên nguyên lý y tha khởi và hành động phản lại với nguyên lý ấy thì
ta sẽ thất bại chua cay trong cuộc đời và trên lịch trình tu chứng. Ngày nào mà
ta nhìn một sự vật, suy tưởng một vấn đề, thực hiện một hành động, nhất nhất đều
phù hợp với nguyên lý y tha khởi, ngày đó ta mới chứng được nguyên lý y tha khởi
của thực tại.
Nói tóm lại, tất cả mọi
lầm lạc về nhận thức và về hành động của chúng ta đều phát nguyên từ chỗ không
thấy rõ tính cách vô thường, vô ngã, duyên sinh và y tha khởi của thực tại.
Nhân sự giới muốn đẹp đẽ phải mô phỏng tự nhiên giới; mà tự nhiên giới chỉ hiển
lộ khi ta không cắt xén nó, không đóng khung nó trong khái niệm và danh ngôn.
Tuy nhiên, giáo lý vẫn
được chuyên chở bằng danh ngôn và khái niệm, cho nên giáo lý không thể thuyết
minh được thực tại. Giáo lý dùng danh ngôn và khái niệm để lay đổ danh ngôn và
khái niệm. Ta phải nhận thức được chủ đích của giáo lý mà đừng chấp chặt ở giáo
lý, bởi vì "chân lý thực tại là mặt trăng, giáo lý là ngón tay chỉ mặt trăng;
đừng lầm ngón tay là chính mặt trăng". Vì dù sao ta cũng nhận thức những
nguyên lý vô thường vô ngã bằng khái niệm và diễn tả chúng bằng danh ngôn. Mà
như vậy, ta đã có những khái niệm về thực tại. Mà đã là khái niệm tức là có cắt
xén, có nhãn hiệu: như thế thực tại lại cũng thoát khỏi nhận thức ta. Phải luôn
luôn nhớ rằng những khái niệm vô thường, vô ngã, duyên sinh có nhiệm vụ lay đổ mọi
khái niệm và như thế phải tự lay đổ cả chính chúng nữa. Khái niệm cũng như danh
ngôn, trong trường hợp này, lay đổ nhau, hủy hoại nhau và tiêu diệt nhau để nhường
chỗ cho một nhận thức trực giác đặc biệt, có thể tạm gọi là vô phân biệt trí
hay vô lậu trí chẳng hạn.
Đọc một bộ sách của
Tam Luận Tông hay Duy Thức Tông chẳng hạn ta sẽ nhận thấy rõ ràng điều đó. Và nếu
đạt thấu như thế, ta sẽ vượt khái niệm y tha khởi và sẽ mầu nhiệm xúc tiếp thẳng
với bản thân linh động của thực tại, với tính chất viên thành thực của thực tại.
Thực tại là thực tại,
"pháp nhĩ như thị", không có tính cách biến kế sở chấp cũng không phải
không có tính cách biến kế sở chấp, không có tính cách y tha khởi cũng không phải
không có tính cách y tha khởi: tính cách nó là viên thành thực. Và để nhận thức
hoàn hảo để cho thực tại đúng là viên thành thực, ta phải thêm như sau: thực tại
không phải có tính cách viên thành thực cũng không phải không có tính cách viên
thành thực, do đó nó mới hoàn toàn là thành thực. Đó là chân lý mầu nhiệm mà
Kinh Kim Cương muốn diễn tả. Đó cũng là điểm cao chót vót của nhận thức luận Phật
giáo.
Những điểm hết sức
thiết yếu mà chúng tôi đã cố trình bày một cách giản lược như trên, có thể tìm
thấy trong mọi kinh điển căn bản ở Nam tông cũng như ở Bắc tông, ở Tiểu thừa
cũng như ở Đại thừa. Những hệ thống Bát nhã Duy thức, Viên giác... có vẻ hình
như là đặc biệt của riêng Đại thừa giáo nhưng kỳ thực chỉ là những khai triển của
giáo lý Nguyên thỉ. Những hệ thống tư tưởng ấy không nhắm mục đích nào khác hơn
là trao truyền phương pháp đào luyện nhận thức giác ngộ, mà khởi điểm là thuyết
minh vô thường vô ngã để lay đổ nhận thức cũ, để cuối cùng tiêu diệt luôn khái
niệm vô thường vô ngã mà đi đến nhận thức viên giác vô phân biệt.
Tìm học ở những kinh
điển Nam tông, ta sẽ nhận thấy sự hiện diện của những tư tưởng nhân duyên, vô
thường, vô ngã, duy thức, bát nhã và cả viên giác nữa. Thiền học là một đóa hoa
tuyệt vời nở trên nhận thức luận Phật giáo, tổng hợp được tinh ba của tất cả hệ
thống giáo lý khác biệt. Cho nên, những kinh sách nào, những giáo lý nào không
chuyên chở được nhận thức luận duyên sinh và viên giác của đạo Phật thì có thể xem
như là không phải của Phật giáo, và ít ra không phải của Phật giáo chính thống.
Giáo lý mênh mông và rất thiên sai vạn biệt nhưng đồng nhất vị, chính là ý ấy.
Bước đầu của sự khảo
sát thực tại, như thế, là nhận thức duyên sinh, tức là nhận thức vô thường, vô
ngã. Câu kinh A Hàm sau đây có thể là đại diện căn bản cho tất cả các kinh điển
về phương diện khai thị chân lý ấy:
"Thử hữu tắc bỉ hữu,
Thử vô tắc bỉ vô,
Thử sinh tắc bỉ sinh,
Thử diệt tắc bỉ diệt"
(Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu,
Cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu,
Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh,
Cái này hoại diệt thì cái kia hoại diệt).
Trên nhận thức duyên
sinh ấy, ta thấy mọi kiến chấp về thường và ngã tan rã, mọi xây dựng tri thức
lay đổ, mọi cố gắng hệ thống hóa trở nên vô nghĩa. Thực tại là thực tại nguyên
vẹn linh động không thể cắt xén, không thể mệnh danh, không thể dán nhãn hiệu.
Những khái niệm sinh, diệt, hữu, vô, khứ, lai, nội, ngoại đều là những kiến tạo
của tri thức chủ quan sai lạc không thể được gán cho thực tại, và cả những khái
niệm vô thường, vô ngã giúp ta lay đổ nhận thức lầm lạc cũ cũng phải đến phiên
bị lay đổ. Và ta thấy:
"Nhất thiết pháp bất sinh,
Nhất thiết pháp bất diệt,
Nhược năng như thị giả,
Chư Phật thường hiện tiền".
(Mọi hiện tượng không sinh,
Mọi hiện tượng không diệt,
Nếu hiểu được như thế, ta sẽ thấy
Chư Phật thường hiện hữu trước mắt ta).
(bài kệ của Thiền sư Việt Nam Điều Ngự Giác Hoàng, sáng tổ của
phái Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam đời Trần).
Đến đây, viên thành
thực tính của thực tại đã được hiển lộ, vì khái niệm danh ngôn đã đổ vỡ nhường
chỗ cho nhận thức viên giác. Mà nhận thức được thực tại tức là thấy được chân
tướng của thực tại, thấy được chư Phật, thấy được Niết Bàn.
Niết Bàn chẳng có nghĩa gì khác hơn là chân tướng của thực tại. Ta vì không đạt đến chân tướng của thực tại, chỉ có thể vọng chấp được bóng dáng của thực tại nên không thấy được Niết Bàn mà chỉ thấy luân hồi sinh tử khổ đau.
Ba pháp ấn của Phật
giáo là Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn; khi chưa đánh đổ được nhận thức bằng khái
niệm và danh ngôn, ta chỉ nhìn thấy thực tại qua vọng chấp thường, ngã. Theo sự
hướng dẫn của giáo lý ta đào luyện nhận thức duyên sinh để thấy được tính cách
vô thường vô ngã của thực tại, và sau đó khi đã lay đổ luôn được những khái niệm
cuối cùng về vô thường vô ngã, ta sẽ trực nhận được thực tại trong tự tính Niết
Bàn viên thành thực của nó. Vì vậy tuy Thường Ngã đã đành là vọng chấp, nhưng
Vô Thường, Vô Ngã cũng còn là vọng chấp. Chỉ có Niết Bàn là viên thành thực.
Tuy nhiên, ta phải
thấy rõ rằng vọng chấp
và viên giác là hai khái niệm tương thành tương lập, cả hai đều bất tương ly, cả
hai là một, cả hai đều giả lập, hoặc cũng có thể nói rằng cả hai đều là thực tại.
Có sự hiện hữu của Vọng chấp thực tại, tức là có sự hiện hữu của Viên giác thực
tại. Nói khác hơn, nếu thế giới vô thường vô ngã hiện hữu, thì Niết Bàn cũng hiện
hữu. Như thế, sinh tử với Niết Bàn là một, hoặc "Niết Bàn sinh tử thị
không hoa" (cả hai thứ Niết Bàn và sinh tử đều là những hoa đốm trong hư
không). Đó là chân lý mà giáo lý viên giác chủ ý diễn tả trong các kinh điển của
mình.
Câu hỏi: "Có Niết
Bàn không?" và "Niết Bàn là gì?" như thế, trở thành không quan
trọng, và đôi khi ngớ ngẩn nữa.
Kinh điển Nam tông
cũng nói đến thực tướng viên giác bất ly thế giới sinh tử: "Phải có thực
thể không sinh không diệt; bởi vì nếu không có thực thể không sinh không diệt ấy
thì do đâu mà các hiện tượng có sinh có diệt?" (Kinh A Hàm)
Như vậy ta nhận thấy
dù ở Bắc tông hay Nam tông, giáo lý Phật giáo đều chú trọng đặc biệt đến vấn đề
khảo sát thực tại, đều trao truyền những phương pháp hướng dẫn diệt trừ mê vọng,
giúp con người thoát bỏ nhận thức nông cạn và sai lạc để đạt đến nhận thức giác
ngộ viên minh. Nhận thức càng chân xác thì hành động càng chân xác; trên quá
trình nhận thức và hành động (quá trình tri, hành) con người diệt trừ dần dần
đau khổ và thất bại, kiến tạo cho mình một nếp sống phù hợp chân lý, an lạc, hạnh
phúc và sáng tỏ.
0 Đánh giá