Chương 3. Đại Dương Không Núi

Chương 3. Đại Dương Không Núi

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Đạo Nguyên Thiền Sư (Dogel)

Tìm Kiếm Và Hoàn Thành – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 3. Đại Dương Không Núi








Nghe hoặc Tải MP3 'Đạo Nguyên Thiền Sư (Dogel) - Tìm Kiếm Và Hoàn Thành' ê


Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Đạo Nguyên tiếp tục:

Khi chúng ta nhìn quanh con thuyền trên đại dương không núi, chúng ta không thấy gì ngoài hình dạng tròn của đại dương. Nhưng đại dương lớn này không tròn hay vuông; hình dạng và chuyển động khác của nó là không kể được.

Với cá nó giống như lâu đài. Với sinh linh trên trời nó giống như chuỗi hạt. Chỉ ở xa mà mắt có thể nhìn tới, thì nó mới tạm thời có vẻ tròn.

Đây cũng là trường hợp với mọi thứ. Tất cả mọi thứ trên thế gian và không trên thế gian đều có những khía cạnh khác nhau, nhưng chúng ta có thể thấy và nhận ra chúng chỉ qua hiểu biết thực hành...

Dù cá bơi xa đến đâu trong nước, vẫn không có kết thúc của nước. Dù chim bay xa đến đâu trên bầu trời, vẫn không có kết thúc của bầu trời. Nhưng tất cả chúng đều chưa bao giờ rời khỏi nước hay bầu trời.

Khi nhu cầu của chúng lớn, có hoạt động lớn; khi nhu cầu của chúng nhỏ, có hoạt động nhỏ. Do vậy chúng chưa bao giờ không diễn đạt được khả năng đầy đủ của mình trong từng thứ, và chưa bao giờ dùng hết hoạt động tự do của mình tại từng chỗ.

Nhưng ngay khi chim rời khỏi bầu trời, nó chết. Hoàn cảnh cũng vậy khi cá rời khỏi nước. Chúng ta có thể nhận ra rằng nước là cuộc sống của cá; rằng bầu trời là cuộc sống của chim; rằng chim là cuộc sống của bầu trời; cá là cuộc sống của nước; rằng cuộc sống là chim, hay rằng cuộc sống là cá. Về điều này có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau.

Trong thế giới con người, có công phu và chứng ngộ, hay cuộc đời dài và cuộc đời ngắn. Điều này cũng là trạng thái thực của mọi vật. Dẫu sao đi chăng nữa, nếu chim hay cá cố đi qua bầu trời hay nước sau khi biết nó hoàn toàn, chúng vẫn sẽ không tìm ra cách nào để đi hay không tìm ra chỗ nào để đạt tới.

Maneesha, huyền môn phương Đông đã chấp nhận các tầng của thực tại. Khoa học phương Tây chỉ biết một thực tại thôi - thực tại của vật chất. Nó nghèo nàn, nó thiếu sự đa dạng. Huyền môn phương Đông, trong đó Thiền là đỉnh tối thượng, chấp nhận thực tại của cái ta bên trong của bạn, điều bạn không thể thấy được, không thể hiểu được, nhưng lại chính là bạn. Bạn có thể được thức tỉnh về nó hay bạn có thể vẫn còn ngủ, điều đó không tạo ra khác biệt gì cho phẩm chất bên trong của con người bạn. Đó là thực tại tối thượng của bạn.

Thế rồi có thân thể này, cái chỉ là một dáng vẻ - một dáng vẻ theo nghĩa nó thường xuyên thay đổi. Bạn thấy người đàn bà đẹp hay người đàn ông đẹp và họ đang trở nên già đi rồi. Khoảnh khắc bạn hân hoan trong cái đẹp của bông hồng, thời gian cho nó biến trở lại vào trong đất không còn xa xôi nữa. Loại thực tại này cũng có chỗ của nó trong tầm nhìn phương Đông. Họ gọi nó là hình tướng, dáng vẻ, sự thay đổi khoảnh khắc qua khoảnh khắc. Có thời điểm được sinh ra và có thời điểm chết đi. Mùa vụ sẽ lại tới, và hoa sẽ lại nở. Đó là hành trình vòng tròn của sự tồn tại mà trong đó - ngoại trừ con người bạn, trung tâm bạn - mọi thứ đều cứ thay đổi hoài. Thế giới thay đổi này là thực tại tương đối.

Và có những thực tại khác nữa - như mơ. Bạn biết chúng không hiện hữu, nhưng dầu vậy bạn vẫn thấy chúng. Mà không chỉ bạn thấy chúng, chúng còn ảnh hưởng lên bạn. Nếu bạn có ác mộng và bạn tỉnh dậy, bạn sẽ thấy tim mình đập thình thịch, hơi thở của bạn bị cơn ác mộng làm thay đổi. Bạn thậm chí có thể vã mồ hôi vì sợ. Bạn không thể nói rằng cơn ác mộng không có đó; bằng không thì từ đâu mà mồ hôi này tới, và nhịp tim, nhịp thở này bị thay đổi?

Huyền môn phương Đông chấp nhận tầng thứ ba này của thực tại: mơ, đường chân trời mà bạn thấy khắp xung quanh, cái chẳng tồn tại ở đâu cả... nhưng bạn có thể thấy nó từ mọi nơi.

Trước khi tôi giải thích Đạo Nguyên cho bạn, để điều này thành việc giới thiệu, bởi vì đây là điều ông ấy đang cố gắng nói: rằng mọi thứ trôi qua và vậy mà vẫn có cái gì đó không bao giờ trôi qua; rằng mọi thứ được sinh ra và chết đi vậy mà vẫn có cái gì đó không bao giờ được sinh ra và không bao giờ chết đi. Và chừng nào bạn còn chưa được định tâm vào trong cội nguồn vĩnh hằng đó, bạn sẽ không tìm thấy an bình, bạn sẽ không tìm thấy thanh thản, bạn sẽ không tìm thấy phúc lạc, bạn sẽ không tìm thấy sự mãn nguyện. Bạn sẽ không cảm thấy như ở nhà, thoải mái trong vũ trụ. Bạn sẽ vẫn còn như sự ngẫu nhiên, bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành bản chất.

Và toàn thể nỗ lực của Thiền, hay của bất kì phương pháp thiền nào, là để mang bạn lại gần hơn với cái không bao giờ thay đổi, cái bao giờ cũng hiện hữu. Nó không biết tới thời gian... Nếu không có thay đổi, làm sao có thể có quá khứ, tương lai, hiện tại? Thế giới biết tới quá khứ, tương lai và hiện tại chỉ có thể là thực tương đối - hôm nay nó có đó, ngày mai nó mất. Thân thể, cái bạn đã tin vào nhiều thế, một ngày nào đó sẽ chết. Tâm trí, cái bạn đã tin vào nhiều thế, không còn theo bạn nữa, nó chết cùng thân thể. Nó đã là một phần của cơ chế thân thể.

Cái bay ra khỏi thân thể trong chết là con chim vô hình bay vào trong bầu trời vô hình. Nhưng nếu bạn nhận biết, bạn sẽ nhảy múa, bởi vì lần đầu tiên bạn sẽ biết tự do là gì. Nó không phải là tự do chính trị hay tự do kinh tế; nó là tự do mang tính tồn tại, cơ bản hơn. Và bất kì cái gì trưởng thành từ tự do này đều đẹp đẽ, duyên dáng. Mắt bạn vẫn thế, nhưng cái nhìn của bạn đã thay đổi. Yêu của bạn có đó nhưng nó không còn là thèm khát nữa, nó không còn là sở hữu nữa. Nó biến đổi nó thành từ bi. Bạn vẫn chia sẻ niềm vui của mình trong bài ca, trong điệu vũ, trong thơ ca, trong âm nhạc - nhưng chỉ vì niềm vui tột đỉnh của chúng.

Đã có tranh luận hàng thế kỉ: Nghệ thuật vì cái gì? Đã có những người theo thuyết vụ lợi thực dụng nói rằng nghệ thuật nên phục vụ cho chủ định nào đó, bằng không thì nó là vô dụng. Nhưng những người này không biết nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ có thể vì mục đích riêng của nó. Nó là niềm vui tột đỉnh của con chim cu cu đơn độc, của tiếng tre đứng trong im lặng, của chim bay trên trời. Chính chuyến bay đó, chính cảm giác tự do đó, là đủ cho chính nó. Nó không cần phục vụ bất kì cái gì khác.

Nhưng điều đó là có thể chỉ nếu bạn đã biết tới sự tồn tại nền tảng của mình. Bạn đã quen với tâm trí, cái vốn được vay mượn, cái được nuôi dưỡng, giáo dục. Bạn đã quen với thân thể mình một cách rất hời hợt. Bạn không biết nó vận hành ra sao, mặc dầu nó là thân thể của bạn. Bạn không biết cách nó biến thức ăn thành máu, cách nó phân phối ô xi cho các phần khác nhau của thân thể.

Thân thể có trí huệ riêng của nó. Tự nhiên đã không để cho bạn phải nhớ tới việc thở, bởi vì bạn có thể quên. Bạn còn ngủ thế, tự nhiên không thể mạo hiểm được. Nếu bạn phải nhớ tới việc thở, tôi cho rằng bạn đã không ở đây rồi. Bạn đã bị quên lãng từ lâu trước đây rồi.

Nhưng dù bạn có nhớ hay không, dù bạn thức hay ngủ, việc thở vẫn tiếp tục theo cách riêng của nó, tim vẫn làm việc theo cách riêng của nó, dạ dầy vẫn tiêu hoá theo cách riêng của nó. Nó không hỏi lời khuyên của bạn, nó chẳng cần giáo dục y tế nào, nó cũng chẳng cần lời khuyên nào. Nó đơn giản có trí huệ bẩm sinh của riêng nó.

Nhưng nó chỉ là ngôi nhà của bạn - bạn không phải là nó. Ngôi nhà này một ngày nào đó sẽ trở nên cũ kĩ. Ngày nào đó tường của nó sẽ bắt đầu rơi rụng đi, cửa long ra. Ngày nào đó sẽ thậm chí không có tới một dấu vết của ngôi nhà này nữa - tất cả sẽ mất đi. Nhưng điều gì đã xảy ra cho người đã từng sống trong ngôi nhà này?

Bạn phải hiểu nguyên tắc đó. Bạn có thể gọi nó là nhận biết, chứng ngộ, tâm thức, phật tính - không thành vấn đề bạn cho nó cái tên gì. Nhưng trách nhiệm tuyệt đối của mọi con người là đừng bỏ phí thời gian trong những chuyện trần tục. Điều quan trọng phải giải quyết trước tất cả. Và điều đầu tiên là hiện hữu và biết hiện hữu này là gì. Đừng đuổi theo bướm. Đừng cứ nhìn ra đường chân trời, cái chỉ dường như xuất hiện mà thực lại không có.

Tôi nhớ tới... Hai mươi ba thế kỉ trước đây, Alexander Đại Đế đã tới Ấn Độ. Thầy của ông ấy là một triết gia lớn, cha đẻ của logic học, Aristotle. Và khi ông ấy sắp sang Ấn Độ, Aristotle đã yêu cầu ông ấy, "Nhà vua có thể đem cái gì đó về làm quà cho ta được không?"

Alexander nói, "Bất kì cái gì - nói nó ra."

Aristotle nói, "Điều đó không dễ vậy, nhưng ta sẽ đợi. Đem về cho ta một sannyasin khi nhà vua quay lại, một người đã hiểu bản thân mình. Bởi vì chúng ta không biết điều này nghĩa là gì... là phật nghĩa là gì. Bắt lấy một phật và đem ông ta về cùng nhà vua."

Alexander đã không nhận biết về điều mình hứa. Ông ta nói, "Đừng lo. Nếu Alexander muốn dời núi Himalayas, chúng sẽ phải dời. Và thầy đang yêu cầu về mỗi một con người. Đợi đấy - trong vòng vài tháng ta sẽ quay lại."

Và đã có quá nhiều việc phải làm đến mức chỉ vào lúc cuối ông ấy mới nhớ rằng mình đã quên không bắt giữ phật, người biết thực tại bên trong. Ông ấy hỏi ở biên giới Ấn Độ khi ông ấy quay về. Mọi người đều cười vào ngay chính cái ý tưởng này. Họ nói, "Ngay chỗ đầu tiên, rất khó nhận ra ai đó là phật. Rồi thứ nữa, nếu tình cờ mà ông đủ cởi mở để nhận ra sự rạng ngời của phật, thì ông sẽ sụp lạy dưới chân người đó. Ông sẽ quên hết về việc đưa người đó đi cùng ông. Chúng tôi hi vọng là ông không tìm ra phật - về nhà đi."

Alexander không thể nào hiểu nổi... Phật là cái loại người gì mà ông ta không thể bị bắt đem đi bằng vũ lực? Cuối cùng, ông ta nói: "Hãy phái sứ giả đi khắp nơi, tìm cho ra liệu có ai đó tuyên bố rằng mình đã về nhà."

Và mọi người tới, và họ nói, "Vâng có, một sannyasin trần trụi đứng bên sông nói, 'Ta có thể ở đâu khác được? - ta ở đây. Và ta có thể là ai khác được? - ta là phật.'"

Alexander đích thân tới gặp người này. Cuộc đối thoại cực kì hay, nhưng rất gây chấn động cho Alexander Đại Đế. Ông ta chưa bao giờ bắt gặp một người như vậy trước đây vì trước khi ông ta nói - ông ta đã cầm lăm lăm chiếc kiếm tuốt trần trong tay - ông già này, trần trụi, nghèo nàn, đã nói, "Cất kiếm vào bao đi, nó chẳng cần gì ở đây cả. Con người của thông minh mà mang kiếm sao? Ta sẽ đánh ông đấy! Cất kiếm vào bao đi."

Alexander lần đầu tiên thấy ai đó dám ra lệnh cho mình, và ông ta phải tuân theo. Mặc cho bản thân mình ông ta phải tuân theo. Và ông ta nói, "Ta đã tới với lời nguyện: Đi cùng ta, về đất nước ta. Thầy ta muốn gặp phật. Ở phương Tây chúng ta không biết gì về cái ta bên trong nghĩa là gì."

Ông già cười to. Ông ấy nói, "Điều này buồn cười quá. Nếu thầy ông không biết, thì ông ấy thậm chí không phải là thầy giáo. Còn nếu ông ấy muốn gặp phật, thì ông ấy phải đi tới phật chứ; phật không thể bị mang tới ông ấy được. Nói với thầy của ông, 'Nếu ông khát, đi tới giếng; giếng không định đi tới ông đâu.'"

"Còn đối với ông, Alexander," ông già nói, "ít nhất học là con người đi đã. Ông tự giới thiệu mình là Alexander Đại Đế. Đây là bản ngã đang ngăn cản ông không cho biết phật của ông. Ông đang mang nó bên trong mình, nhưng cái "đại' này, cái ham muốn chinh phục thế giới này... Ông sẽ làm gì với việc chinh phục thế giới này? Chẳng mấy chốc cái chết sẽ lấy đi mọi thứ. Ông sẽ chết trần trụi, ông sẽ bị chôn vào đất. Chẳng ai sẽ băn khoăn để không dẫm lên ông, và ông thậm chí sẽ không thể phản đối được, 'Tránh ra đi. Ta là Alexander Đại Đế.' Xin vứt cái ý tưởng về vĩ đại này đi. Và cũng nhớ rằng từ 'Alexander' không phải là tên ông."

Alexander nói, "Trời! Đấy là tên ta - làm sao ta có thể thuyết phục được ông?"

Ông ấy nói, "Không có vấn đề thuyết phục ta. Không ai tới thế giới này với tên cả. Tất cả các tên được trao cho - đều là nhãn được dán vào, dính vào - và ông trở thành cái nhãn đó. Ông quên mất hoàn toàn rằng ông đã tới mà không tên tuổi, không danh tính. Và ông sẽ chết đi theo cùng cách đó.

"Bảo thầy ông tới đây mà đối diện với sư tử. Nếu ông ấy có khả năng đi vào bên trong, chỉ thế thì ông ấy mới có khả năng biết là phật nghĩa là gì; trở nên chứng ngộ nghĩa là gì. Bởi ai đó khác trở nên chứng ngộ, ông không thể hiểu được nó - điều đó cũng giống như khi ai đó khác uống nước việc này không thể làm dịu cơn khát của ông được."

Alexander chạm chân ông già và nói, "Ta rất tiếc đã quấy rầy ông. Có lẽ chúng ta không hiểu được ngôn ngữ của nhau chút nào."

Và điều đó vẫn còn đúng thậm chí cho tới ngày nay: tâm trí phương Tây và tâm trí được giáo dục của phương Tây - nó có thể đã được sinh ra ở phương Đông - đã quên mất ngôn ngữ mà Đạo Nguyên định dùng. Bạn phải rất ý thức, rất tỉnh táo, để bạn không hiểu lầm. Một thế giới khác, một bầu khí hậu khác đã có ở đây, điều đã làm cho thế giới này thành cuộc hành hương tìm và kiếm tuyệt đẹp... Bây giờ nó chỉ là bãi chợ để mua bán vũ khí, và đánh nhau và giết người và chiến tranh. Ai bận tâm về thiền? Dường như nó là tiếng vọng rất xa xôi. Dường như nó chẳng liên quan gì tới chúng ta theo bất kì cách nào. Nhưng chừng nào bạn còn chưa cởi mở cho tiếng vọng xa xăm này, bạn sẽ không hiểu được điều Đạo Nguyên đang nói đâu.

Đạo Nguyên nói:

Khi chúng ta nhìn quanh con thuyền trên đại dương không núi, chúng ta không thấy gì ngoài hình dạng tròn của đại dương. Nhưng đại dương lớn này không tròn hay vuông; hình dạng và chuyển động khác của nó là không kể được.

Với cá nó giống như lâu đài. Với sinh linh trên trời nó giống như chuỗi hạt. Chỉ ở xa mà mắt có thể nhìn tới, thì nó mới tạm thời có vẻ tròn.

Tính tròn của nó chỉ là dáng vẻ. Mặc dầu khi bạn thấy nó, nó có đó, nhưng bạn biết rằng nó không phải là thực tại. Nếu bạn đi tới nó bạn sẽ chẳng bao giờ đạt tới nó cả; nó cứ lùi mãi ra... nó là đường chân trời. Nhưng nó có thực tại nào đó của riêng mình, mặc dầu nó không phải là thực tại tối thượng. Thân thể chúng ta là chu vi của chúng ta, đường chân trời của chúng ta. Nó xuất hiện, nó sống, nó thở, vậy mà nó không phải là chính cái ta của chúng ta.

Đây cũng là trường hợp với mọi thứ. Tất cả mọi thứ trên thế gian và không trên thế gian đều có những khía cạnh khác nhau, nhưng chúng ta có thể thấy và nhận ra chúng chỉ qua hiểu biết thực hành...

Với người mù, không có ánh sáng.

Chuyện xảy ra... Một học giả rất có học thức bị mù, vào thời của Phật Gautam. Và ông ta lại là người giỏi lí sự đến mức cả làng bị ông ta hành hạ, bởi vì mọi người đều thử, "Ông mù, đó là lí do tại sao ánh sáng không trong tầm với của ông."

Nhưng ông ấy nói, "Thế thì làm cho nó thành có ở các nguồn khác đi. Tôi có thể nghe - đánh nó như cái trống xem sao." Bạn không thể đánh ánh sáng như cái trống được.

Và người mù này nói, "Tôi có thể sờ, ít nhất thì để tôi chạm vào ánh sáng. Tay tôi để mở đây này - ánh sáng của các ông đâu? Tôi có thể ngửi..." Nhưng tất cả các giác quan này đều không có khả năng cảm nhận thực tại của ánh sáng.

Cả làng bị hành hạ: "Phải làm gì với con người này? Ông ta hay lí sự thế... chúng ta tất cả đều biết ánh sáng là gì, nhưng ông ấy cứ phủ nhận. Và ông ấy có lí do hợp lệ - chúng ta không thể đưa ra được bằng chứng nào."

Họ nghe nói rằng Phật Gautam vừa tới làng mình. Họ nghĩ, "Đây là cơ hội tốt để đem người mù này tới Phật Gautam. Nếu Phật Gautam không thể thuyết phục được ông ta thì có lẽ điều đó là điều không thể được. Và cách đó sẽ rất chủ chốt; chúng ta có thể thấy Phật Gautam có thể tranh luận với người này được đến đâu."

Nhưng họ nhầm. Phật Gautam chẳng tranh luận gì với người này cả. Ông ấy đơn giản nói, "Đừng quấy rầy ông ấy, việc các ông bảo ông ấy có ánh sáng là điều xấu. Nếu như chúng ta đủ từ bi với ông ấy thì các ông nên cố gắng tìm ra thầy lang nào đó chữa mắt cho ông ấy. Ánh sáng không phải là việc cãi lí; các ông cần mắt để thấy nó và thế thì không có vấn đề hoài nghi gì."

Phật có thầy lang trị liệu cá nhân riêng của mình. Ông ấy bảo với thầy lang, "Ông ở lại trong làng này cho tới khi chữa xong mắt cho người này. Ta sẽ đi cùng đoàn lữ hành."

Sau sáu tháng thầy lang và người mù tới, nhưng ông ấy không còn mù nữa. Ông ấy vừa tới vừa nhảy múa! Ông ấy sụp lạy dưới chân Phật Gautam và ông ấy nói, "Tôi biết ơn thầy là thầy đã không triết lí với tôi, là thầy đã không làm mất mặt tôi. Thay vì tạo ra cuộc tranh luận lớn, thầy đơn giản làm ra một điều: rằng vấn đề không phải là ở ánh sáng, vấn đề là ở mắt."

Cùng điều đó cũng đúng cho cái ta bên trong - vấn đề không phải là ở trí thông minh của bạn, không phải là sự hợp lí hoá của bạn, không phải là logic của bạn, tri thức khoa học của bạn, kinh sách của bạn. Vấn đề là sự xuyên thấu trực tiếp bằng mắt nhắm vào trong con người bạn, ẩn đằng sau xương cốt bạn. Một khi cái đó được biết tới, thì sự thảnh thơi vô cùng sẽ đi theo sau. Cuộc sống lần đầu tiên trở thành điệu vũ. Ngay cả cái chết cũng không còn là quấy rối nữa.

Dù cá bơi xa đến đâu trong nước, vẫn không có kết thúc của nước. Dù chim bay xa đến đâu trên bầu trời, vẫn không có kết thúc của bầu trời. Nhưng tất cả chúng đều chưa bao giờ rời khỏi nước hay bầu trời.

Đó là một câu chuyện cổ... về một con cá con rất tò mò đi hỏi, "Cháu đã nghe nói nhiều về đại dương mà cháu chẳng thấy nó ở đâu cả…"

Và con cá già nói với triết gia trẻ này, "Đừng là kẻ ngốc - chúng ta đang trong đại dương, và chúng ta là đại dương. Chúng ta bắt nguồn từ nó và chúng ta biến mất vào trong nó. Chúng ta không là gì ngoài con sóng trong đại dương."

Cũng điều đó là đúng đối với chim. Bạn có cho rằng chúng có thể tìm ra được bầu trời không? Mặc dầu chúng bay cả ngày - bay tới những chỗ xa xăm - chúng vẫn không thể nào tìm thấy được bầu trời. Bởi vì chúng được sinh ra từ bầu trời và một ngày nào đó chúng sẽ biến mất vào trong bầu trời.

Đây là những phát biểu tượng trưng. Thực tế chúng đang nói rằng bạn là một phần của vũ trụ. Bạn phát sinh như con sóng trong vũ trụ và bạn biến mất một ngày nào đó trở lại trong vũ trụ. Vũ trụ này không phải là cái gì đó mang tính khách quan, nó là cái gì đó mang tính chủ quan. Nó là cái gì đó được nối với cốt lõi bên trong nhất của bạn. Nếu bạn đã tìm thấy bản thân mình, bạn đã tìm thấy toàn thể đại dương, toàn thể bầu trời, với mọi ngôi sao của nó, với mọi hoa của nó, với mọi chim của nó. Tìm thấy bản thân mình là tìm thấy mọi thứ. Và bỏ lỡ bản thân mình... bạn có thể có cung điện và vương quốc và của cải giầu có - tất cả đều vô tích sự.

Khi nhu cầu của chúng lớn, có hoạt động lớn; khi nhu cầu của chúng nhỏ, có hoạt động nhỏ.

Cá và chim là những sinh linh tự phát. Ngoại trừ con người, trong toàn thể vũ trụ này không ai đã phát điên. Bạn cứ làm việc cho dù không cần phải làm việc - cứ để bận bịu, chẳng có việc gì, bằng không thì ai đó sẽ trỏ vào bạn, "Anh đang làm gì vậy?" Và bạn không có dũng cảm để nói, "Tôi chỉ hiện hữu."

Mọi người sẽ cười và họ sẽ gợi ý, "Làm cái gì đó đi, chỉ hiện hữu sẽ chẳng ích gì. Kiếm việc đi! Kiếm tiền đi." Nhưng cá sẽ không làm việc nhiều hơn điều tuyệt đối cần thiết.

Henry Ford, trước khi chết, đã được người ta hỏi, "Ông đã vượt qua giới hạn từ lâu trước đây rồi, phá mọi kỉ lục về giàu có. Bây giờ chẳng còn kẻ cạnh tranh nào với ông cả. Sao ông cứ làm việc liên tục thế?"

Và bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng ông ấy hay tới văn phòng vào bảy giờ sáng. Người làm công thường tới lúc mười giờ, thư kí tới lúc mười một giờ, người quản lí lúc mười hai giờ. Người quản lí sẽ đi về trước bốn giờ, thư kí đi về trước năm giờ, người làm công đi về lúc sáu giờ, nhưng Henry Ford vẫn làm việc. Và ông ấy là người giầu nhất thời của ông ấy.

Người hỏi cũng phải mà hỏi ông ấy, "Sao ông cứ làm mãi thế? Đó là hoạt động không cần thiết. Ông đã kiếm được nhiều thế, ông có thể làm bất kì cái gì ông muốn."

Và câu trả lời của ông ấy là câu trả lời của người khôn ngoan, chưa chứng ngộ, nhưng chắc chắn cuộc sống đã làm cho ông ấy thành khôn ngoan. Ông ấy nói, "Điều đó chỉ trở thành thói quen thôi. Tôi không thể tự dừng mình trong việc trở nên ngày một giầu hơn. Tôi biết điều đó chẳng cần thêm chút nào nữa, nhưng rất khó vứt bỏ thói quen cũ, thói quen cả đời."


Ngoại trừ con người... không cây nào có bất kì thói quen nào, không chim nào, không cá nào. Toàn thể tự nhiên là tự phát. Nó đơn giản vận hành khi nó được cần đến, nó dừng vận hành và vẫn còn đơn giản im lặng khi nó không được cần đến. Thực ra, theo tôi đây mới là lành mạnh: chỉ làm những gì cần thiết. Cho dù đi thêm một li thôi và bạn đã vượt ra ngoài lành mạnh rồi, bạn đã trở thành điên khùng. Và không có chấm hết cho điên khùng.





Khi nhu cầu của chúng lớn, có hoạt động lớn. Điều này có thể được hiểu từ nhiều khía cạnh. Ngoại trừ con người, không con vật nào quan tâm tới dục trong suốt cả năm. Có thời vụ, thời kì giao phối; một khi thời kì đó qua rồi... với phần còn lại của năm chẳng con vật nào bận tâm tới dục. Bạn sẽ không tìm thấy kẻ điên vì dục trong chim chóc, mà bạn cũng chẳng thể tìm thấy con chim vô dục nào. Bạn sẽ không tìm thấy, ngay trong mùa giao cấu của chúng, rằng chúng sung sướng lắm.

Tôi đã quan sát chim chóc, con vật, và tôi ngạc nhiên là hoạt động dục của chúng dường như là điều bị ép buộc lên chúng. Chúng không có vẻ sung sướng. Bạn nhìn chó làm tình mà xem. Nó làm điều đó dưới sự cưỡng bách nào đó, sự cưỡng bách sinh học nào đó, bằng không thì nó chẳng quan tâm. Và một khi mùa vụ đã qua rồi thì không có sự quan tâm chút nào. Đó là lí do tại sao hôn nhân đã không xuất hiện trong thế giới loài vật. Bạn sẽ làm gì với hôn nhân? Một khi mùa giao cấu chấm dứt - chào tạm biệt nhau nhé!

Nhưng với con người điều đó lại là thói quen. Con người đã biến ngay cả sự cần thiết sinh học thành thói quen. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng, theo các nhà tâm lí và những cuộc điều tra của họ, mọi đàn ông đều nghĩ tới đàn bà cứ tối thiểu bốn phút một lần, và mọi đàn bà lại nghĩ tới đàn ông cứ tối thiểu bảy phút một lần. Sự chênh lệch này là nguyên nhân cho những khổ vô cùng.

Đó là lí do tại sao mọi đêm, khi chồng về nhà... vợ hoàn toàn khoẻ, và bỗng nhiên cô ấy bắt đầu có khuôn mặt lạnh lùng của người Anh, cô ấy đang bị đau đầu. Anh chồng tài giỏi đem thuốc aspirin Hi Lạp siêu mạnh về nhà. Nhưng hiếm có những anh chồng tài giỏi thế lắm, bởi vì nếu bạn tài giỏi thì bạn sẽ không bao giờ là chồng cả. Loại việc đó là dành cho người chậm phát triển, người tài giỏi vẫn còn tuyệt đối tự do.

Nếu bạn quan sát nhân loại, bạn sẽ tin rằng nó là nhà thương điên. Ai đó đang hút thuốc... mặc dầu trên bao thuốc có đề rõ hút thuốc là nguy hiểm cho cuộc sống của bạn.

Và mới ngày hôm nọ, tai tôi có bị đau chút ít. Anando có đó. Tôi hỏi cô ấy, "Bạn có mang tăm quấn bông không?"

Cô ấy nói, "Không."

Bây giờ ngay cả trên que tăm quấn bông cũng viết cùng phát biểu, "Nó là nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn. Đừng dùng chúng."

Và Anando đã nói với tôi, "Hasya đáng thương đang nói rằng đây chỉ là sự thích thú của cô ấy, bây giờ ngay cả điều đó cũng mất rồi." Ngồi im lặng và tận hưởng... Điều đó chẳng hại gì cho bất kì ai.

Có những người nhai kẹo cao su. Người ta không thể nghĩ được thứ gì ngu ngốc hơn. Kẹo cao su sao? Cao su được làm ra để nhai thôi sao?

Mọi người đang làm đủ mọi thứ, nếu họ quan sát và viết chúng ra, họ sẽ thấy... "Trời, những điều này mình đang làm, và mọi người cứ nghĩ mình lành mạnh." Nhưng mọi người đều đeo mặt nạ và cố gắng che giấu mọi thứ điên khùng đằng sau nó. Bạn sẽ thấy ngay thôi, khi chúng ta thiền... bởi vì trong thiền bạn phải dỡ bỏ mọi mặt nạ và để cho mọi thứ điên khùng của hàng thế kỉ được bùng ra. Đừng giữ nó lại, bởi vì đó là việc rửa sạch vô cùng. Và một khi bạn là tâm thức sạch sẽ, trong trẻo thì nhận biết của bạn về phật tính không còn xa xôi nữa - có lẽ chỉ thêm một bước nữa thôi.

Đạo Nguyên tiếp tục:

Do vậy chúng chưa bao giờ không diễn đạt được khả năng đầy đủ của mình trong từng thứ, và chưa bao giờ dùng hết hoạt động tự do của mình tại từng chỗ.

Nhưng ngay khi chim rời khỏi bầu trời, nó chết. Hoàn cảnh cũng vậy khi cá rời khỏi nước.

Thế con người thì sao? Con người đã rời bỏ đại dương của mình từ lâu trước đây rồi. Mối quan hệ đại dương của con người với sự tồn tại hoàn toàn bị phá vỡ, không cây cầu nào còn lại. Và đây là điều làm cho con người làm đủ mọi thứ ngu xuẩn. Trong ba nghìn năm, năm nghìn cuộc chiến tranh. Người ta không thể nào tin được rằng chúng ta ở đây chỉ để giết lẫn nhau. Không có gì quan trọng hơn vũ khí hạt nhân sao?

Bảy mươi phần trăm thu nhập của toàn nhân loại đổ vào những nỗ lực chiến tranh. Ngay cả những nước nghèo, nơi họ không thể đảm đương được thức ăn hai lần một ngày cho dân mình, nơi họ sống dưới mức nghèo đói, dầu vậy họ vẫn phí hoài bảy mươi phần trăm thu nhập của mình trong việc tạo ra bom, trong việc mua vũ khí. Bạn có cho rằng cái gì còn có thể điên khùng hơn chiến tranh không?

Một nước như nước Đức, một trong những nước văn hoá nhất, đã rơi vào trong tay kẻ điên, Adolf Hitler. Chẳng ai nghĩ được tại sao điều đó lại xảy ra. Ngay cả một người như Martin Heidegger, có lẽ là triết gia vĩ đại nhất ở Đức, cũng là tín đồ của Adolf Hitler. Và Adolf Hitler tuyệt đối điên khùng. Ông ta cần phải được đưa vào bệnh viện.

Nhưng phải có điều gì đó trong mọi con người mà theo đó ông ta đã lôi cuốn được. Cả nước Đức - với tất cả mọi thông minh của nó - đã trở thành nạn nhân. Và bạn có thể thấy cái ngu xuẩn này. Ông ta nói, "Chính bởi vì người Do Thái mà nước Đức không vươn lên thành cường quốc thế giới, bằng không thì quyền tập ấm của chúng ta là cai trị cả thế giới. Chỉ bởi vì người Do Thái thôi."

Tôi đã nghe một giai thoại nhỏ. Ông giáo sĩ trưởng của Berlin, trong buổi đi dạo buổi sáng, bắt gặp Adolf Hitler. Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ, ngẫu nhiên; cả hai đều đi dạo buổi sáng. Adolf Hitler nhận ra ông giáo sĩ trưởng và ông ta nói, "Ông có đồng ý với ta hay không? Điều ông nghĩ là nguyên nhân làm cho người Aryan Na uy Đức không cai trị được trên khắp thế giới?"

Viên giáo sĩ nói, "Đấy là tại xe đạp. Ông phá mọi xe đạp đi và ông sẽ cai trị khắp thế giới."

Adolf Hitler nói "Ông có lành mạnh không đấy?"

Ông này nói, "Tôi lành mạnh cũng như ông vậy. Ông đã lấy cớ giết sáu triệu người Do Thái, chẳng lí lẽ gì."

Sao mọi người lại trở nên bị thuyết phục rằng ông ta là đúng về điều ngu xuẩn là người Do Thái đang ngăn cản nước Đức không trở thành cường quốc lớn? Người Do Thái đã đóng góp của cải, thông minh, mọi thứ cho nước Đức. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng bốn mươi phần trăm giải thưởng Nobel đều về tay người Do Thái.

Nhưng sao mọi người Đức còn lại đã trở nên bị thuyết phục? Đó là vì ghen tị. Người Do Thái giầu có, người Do Thái thông minh, người Do Thái bao giờ cũng ở trên đỉnh trong mọi thứ.

Rất nguy hiểm để thành công trong một thế giới điên khùng bởi vì mọi người đều muốn giết bạn - trên bất kì nền tảng nào; phải hay trái cũng chẳng thành vấn đề. Toàn thể nước Đức trở nên bị thuyết phục, không phải bởi vì có bất kì luận cứ hay lí do nào trong phát biểu của Adolf Hitler; mà bởi vì mọi người Đức đều ghen tị với trí thông minh Do Thái, sự thành công của họ, của cải của họ, phong cách sống của họ. Bởi ghen tị này, Adolf Hitler đã cai quản ngay cả những người Đức thông minh nhất để hành động như con vật.

Adolf Hitler một mình đã giết ba mươi triệu người. Và bây giờ vũ khí Adolf Hitler dùng chỉ là đồ chơi cho trẻ con.

Trong bốn mươi năm qua công nghệ chiến tranh đã phát triển nhiều thế... và nó vẫn trong tay của những người như Ronald Reagan. Nó đang trong tay của mọi chính khách, và chính khách là những người ốm yếu về tâm lí. Chính ham muốn quyền lực là ốm yếu.

Người mạnh khoẻ muốn yêu - không sở hữu, không chi phối. Người mạnh khoẻ hân hoan trong cuộc sống - không cầu xin lá phiếu. Chính những người đang chịu chứng tự ti mới là người muốn có quyền lực nào đó, để chứng tỏ cho mình và những người khác rằng họ là cao siêu. Người cao siêu thực không bận tâm tới thứ như quyền lực. Người đó biết sự cao siêu của mình, người đó sống trong sự cao siêu của mình. Trong bài ca của mình, trong điệu vũ của mình, trong thơ ca của mình, trong tranh vẽ của mình, trong âm nhạc của mình, người đó sống sự cao siêu của mình. Chỉ người kém cỏi bị bỏ lại cho chính trị.

Điều Đạo Nguyên đang nói là, "Đừng bỏ bầu trời của bạn, đừng bỏ nước của bạn, đừng bỏ bản tính của bạn. Đừng bỏ sự tồn tại. Bởi vì một khi bạn bỏ nó thì bạn chỉ là cái xác đi quanh."

Trong thế giới con người, có công phu và chứng ngộ, hay cuộc đời dài và cuộc đời ngắn. Điều này cũng là trạng thái thực của mọi vật.

Đừng lo nghĩ rằng bạn không chứng ngộ.

Đạo Nguyên là thiên tài độc đáo. Ông ấy đang nói, "Các ông có thể nhận biết về phật tính của mình hay không nhận biết về phật tính của mình - đừng lo. Khi đúng thời điểm và đúng mùa vụ tới các ông sẽ nở hoa thành phật." Đợi đi... đợi một cách thông minh, đợi không ham muốn, tận hưởng việc chờ đợi, làm cho bản thân việc chờ đợi thành im lặng phúc lạc, và bất kì cái gì là quyền tập ấm của bạn thì nhất định sẽ nở hoa. Không ai có thể ngăn cản chim không cho bay, không ai có thể ngăn cản chim cu cu hót, không ai có thể ngăn cản hoa hồng nở. Ai ngăn cản bạn không cho thành phật? Ngoại trừ bạn, không ai chịu trách nhiệm cho điều đó.

Dẫu sao đi chăng nữa, nếu chim hay cá cố đi qua bầu trời hay nước sau khi biết nó hoàn toàn, chúng vẫn sẽ không tìm ra cách nào để đi hay không tìm ra chỗ nào để đạt tới.

Nếu bạn đi vào thế giới bên trong của mình và vào bầu trời bên trong của mình thì bạn sẽ không tìm thấy con đường nào hay chỗ kết thúc nào. Bạn sẽ thấy cái vĩnh hằng vô tận, cuộc hành hương không có bắt đầu và không có kết thúc... sự bất tử, việc không chết bỗng nhiên biến đổi bạn toàn bộ mà chẳng nỗ lực gì, chẳng khổ hạnh gì, chẳng tự hành hạ mình gì. Bạn đã là cái bạn muốn là, chỉ một điều nhỏ bé bị bỏ lỡ - rất nhỏ bé. Thức dậy đi! Trong việc thức của mình bạn là phật. Trong giấc ngủ của mình bạn vẫn còn là phật, nhưng bạn không nhận biết về điều đó.

Khi một người trở thành phật người đó biết rằng mọi người khác cũng là phật. Ai đó đang ngủ, ai đó đang ngáy, ai đó đang theo đuổi đàn bà, ai đó đang làm điều ngu xuẩn nào đó khác - nhưng phật là phật. Cho dù bạn đang hút thuốc, điều đó không có nghĩa là bạn đã đánh mất điều tinh tuý của mình; nó chỉ biểu lộ giấc ngủ của bạn chứ không gì khác.

Một nhà thơ đã viết:

Nắm giữ, người ta lạc lối trong cái không;

Buông bỏ, người ta thu lại cội nguồn.

Buông bỏ, thảnh thơi, lắng đọng vào bản thân mình, người ta thu lại cội nguồn.

Từ khi âm nhạc dừng lại

không cái bóng nào

chạm cửa nhà tôi:

Trăng làng lại ở trên sông.

Thậm chí khi bạn trở nên chứng ngộ, chỉ cái nhìn của bạn thay đổi, mọi thứ khác vẫn còn như cũ. Tất nhiên, hoa hồng đẹp hơn nó vẫn vậy. Chỉ bởi vì tất cả bụi bặm trên tấm gương của bạn bị loại đi, thế giới lại trở thành thiên đường. ... Cửa nhà tôi: trăng làng lại ở trên sông... phản chiếu trên sông.

Bạn càng trở nên sạch các ý nghĩ, cái vốn là bụi bặm, thì bạn càng trở nên phản chiếu. Và cái ngày bạn có thể phản chiếu toàn thể sự tồn tại trong sự thuần khiết của nó thì bạn đã về tới nhà.

Một bài thơ khác:

Vục nước, và

trăng trong tay;

cầm hoa, và

quần áo đượm hương.

Đây là điều gì đó cực kì đẹp. Thiền nói ngôn ngữ của thơ ca. Điều nhà thơ đang cố gắng nói là ở chỗ nếu bạn bắt gặp phật - bạn có thể biết điều đó hay không biết - hương thơm nào đó của phật và sự hiện diện của ông ấy sẽ bị con người bạn bắt giữ lấy.

Một thực hành thông thường trong Thiền là người tìm kiếm liên tục đi từ thầy nọ sang thầy kia cho tới một khoảnh khắc họ tìm thấy một người mà chính sự hiện diện của người đó đáp ứng cho họ; trong sự hiện diện của người đó tất cả mọi mặt nạ của họ và mọi phòng thủ đều sụp đổ; trong sự hiện diện của người đó họ đột nhiên trở thành trần trụi, như mới sinh, hồn nhiên. Thế thì đây là dấu hiệu rằng bạn đã tìm thấy thầy của mình.

Basho2 đã viết:

Nô đùa

hát cả ngày,

và ngày không dài nữa.

Ông ấy đang nói rằng bạn làm việc cả ngày, cả đời, chẳng bao giờ biết sự huy hoàng của con người mình bởi vì công việc của bạn - cái gọi là những hoạt động trần tục - choán hết thời gian của bạn. Cuộc sống ngắn thế, bảy mươi năm trôi qua nhanh chóng thế... Bạn thậm chí không biết khi nào thời thơ ấu của mình trở thành thời thanh niên, bạn không biết khi nào thời thanh niên của mình biến mất và bạn trở thành già, bạn không biết rằng bạn đang liên tục đi tới nấm mồ. Bất kì điều gì bạn làm, nấm mồ đang lại gần hơn.

Nhớ lấy, cuộc sống ngắn ngủi, nhưng nó đã trở thành quá ngắn bởi vì hoạt động không cần thiết của bạn. Tôi ngạc nhiên với những người chơi cờ hay chơi bài, hay đi xem phim. Và nếu bạn hỏi họ, "Các bác đang làm gì đấy?" họ nói họ đang giết thời gian. Cứ dường như quá nhiều thời gian, vô dụng, đã được trao cho họ và họ đang giết nó đi bằng cách chơi bài. Nhìn những người đang nghiêng mình bên bàn cờ cứ dường như đó là cuộc sống của họ, đứng sắp hàng trước rạp chiếu phim...

Tôi vẫn biết một người... người đó là bố của một trong những bạn tôi. Trong làng tôi chỉ có mỗi một phòng chiếu phim. Tôi thấy ông già đó đi tới rạp chiếu phim hàng ngày, vào đích xác cùng một giờ. Và bộ phim này được chiếu ít nhất là năm hay bảy ngày, hay nhiều hơn thế. Nó chẳng phải là chỗ to lớn gì. Nhưng ông ấy đều tới đó hàng ngày trong cả bảy ngày.

Cuối cùng tôi phải làm gián đoạn ông ấy. Tôi nói, "Thế này thì quá lắm. Bác có điên không? Bác cứ đi xem cùng một phim cả bảy ngày."

Ông ấy nói, "Làm sao để giết thời gian? Bác về hưu rồi, chỉ đợi chết thôi. Bác nghĩ chẳng thành vấn đề gì cả, thêm một ngày nữa... Đi xem phim. Người ta còn định làm gì khác khi người ta về hưu?"

"Và đằng nào cũng vậy," ông ấy nói, "mọi người đều đang làm cùng một việc lặp đi lặp lại mãi, cho nên đừng cho rằng bác gàn."

Tôi nói, "Không, bác không gàn, bác chỉ là một hạng người của toàn nhân loại này."

Tôi đã nghe nói về một người ở California - Avirbhava, chú ý - anh ta đã lấy vợ mười lần. Bởi vì ở California sự gàn dở của con người đã lên tới đỉnh cao. Mọi cuộc điều tra đều chỉ ra rằng mọi thứ ở California đều kéo dài nhiều nhất là ba năm. Mọi thứ đều theo mốt: hôn nhân, công việc, thành phố, nhà cửa, xe cộ - mọi thứ. Trong vòng ba năm người ta phát chán, muốn đổi sang cái gì đó khác.

Và người này đã lấy vợ mười lần. Lần thứ mười, sau hai ngày, người đó nhận ra, "Người đàn bà này hình như là người mình đã lấy trước đây."

Thực ra tất cả mọi đàn bà đều chỉ là các nhãn hiệu xe khác nhau - chỉ là nắp đậy ô tô khác nhau. Ai đó có mũi lõ hơn, ai đó có mũi tẹt hơn... Nhưng điều kì lạ là mọi người cứ thám hiểm đi thám hiểm lại cùng một lãnh thổ mãi. Và dầu vậy họ cứ cho là mình lành mạnh.

Một bài thơ Thiền khác:

Gió ngớt,

Hoa rụng;

chim kêu,

núi lặng

sâu lắng.

Đây là kinh nghiệm về thiền, đã trở nên được cô đọng trong bài cú.

Gió ngớt,

Hoa rụng;

chim kêu,

núi lặng

sâu lắng.

Đây phải là con người của thiền... ngồi im lặng bên cạnh núi, ngắm nhìn bất kì cái gì đang xảy ra. Về bản chất, thiền là trở thành người quan sát trên núi.

Maneesha đã hỏi:

Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Cũng đủ dễ để cảm thấy sự hài lòng toàn bộ trong sự hiện diện của Thầy và tận hưởng chứng ngộ của Thầy; cũng đủ dễ để tự mình làm việc trong trạng thái hoảng hốt về điều chúng tôi phải làm để nhận ra chứng ngộ riêng của mình.

Liệu có nghệ thuật sống cùng thầy để có sự mãn nguyện và niềm khát khao đồng thời chạy như dòng chảy ngầm qua người ta không?

Maneesha, một kinh nghiệm thôi là đủ, nó kéo dài vĩnh viễn. Tôi không nói tới kinh nghiệm trí tuệ. Bạn có thể cảm thấy về mặt trí tuệ rằng bạn đã thảnh thơi. Khi tôi đưa bạn vào bên trong, chắc chắn bạn nhắm mắt lại. Nhưng khi tôi nói với bạn, "Im lặng," tâm trí bạn vẫn cứ tiếp tục, vẩn vơ cả nghìn lẻ một thứ. Bạn cảm thấy im lặng nào đó... nhưng nó sẽ bị mất. Và khi tôi nói với bạn, "buông bỏ," bạn cố gắng, nhưng bạn cố gắng rất cẩn thận. Bạn nhìn cả hai bên, bạn đang ngã vào ai, liệu có đáng ngã không. Bạn thật cẩn thận để đừng làm gãy xương. Nhưng chính trong cẩn thận này bạn bỏ lỡ vấn đề buông bỏ.

Chứng ngộ đáng hơn việc gãy xương nhiều. Khi bạn buông bỏ, buông bỏ đi. Khi bạn cười, thế thì trở thành tiếng cười. Khi bạn im lặng, là im lặng. Khi tôi nói, "Đi vào" - tìm việc đi vào. Quên thân thể và quên thế giới đi.

Tôi thậm chí còn bảo bạn chết đi. Bạn làm mọi nỗ lực, nhưng để chết đi thì không cần tới nỗ lực nào cả. Bạn chỉ nằm ra đó đợi tiếng trống của Nivedano để cho bạn có thể dậy lần nữa. Không một người nào vẫn còn chết chỉ một chốc lát nữa, mọi người ngay lập tức... đó tất cả là trí tuệ. Nếu đó không phải là trí tuệ, thì mọi ngày chúng ta sẽ phải gọi xe cứu thương bởi vì chỗ này sẽ trở thành nấm mồ. Nhưng không ai chết cả. Trên toàn thế giới mọi người đang chết, ngoại trừ trong Phòng Phật này nơi chúng ta đang cố gắng chết đi mọi ngày. Ngược lại, bạn trở lại mạnh khoẻ hơn, cường tráng hơn.

Maneesha, điều bạn cảm thấy vẫn là trí tuệ. Bạn đủ thông minh để cảm thấy nó, nhưng trí tuệ không định cho bạn kinh nghiệm đúng; nó phong toả. Bạn không cần cố gắng dùng tâm trí, theo bất kì cách nào. Để cho nó xảy ra một cách tự phát đi. Bạn đơn giản liều mình một cách toàn bộ. Thế thì cho dù bạn chết, điều đó có thành vấn đề gì? Một ngày nào đó bạn sẽ đi tới chết, và hôm nay điều đó là hoàn toàn tốt. Chỉ có bảy ngày. Bạn sẽ phải chết vào thứ hai, vào thứ ba, vào thứ bảy, vào chủ nhật... Có thành vấn đề gì?

Nhưng nếu bạn chết thực, bỏ lại tâm trí và thân thân thể một bên, bạn sẽ đi tới biết cái bất tử của mình; bạn sẽ thấy sự hư huyễn của cái chết. Cái chết chưa bao giờ xảy ra cả, bạn chỉ thay hình dạng của mình. Và vài người đã nhận ra điều đó thì thậm chí không đi vào hình dạng khác, họ đã đi vào trong đại dương vĩnh hằng, vào chính bản thân sự tồn tại, đánh mất mình hoàn toàn. Đó là cực lạc tối thượng.

Trước khi ai đó chết... đặc biệt Sardar Gurudayal Singh đang sẵn sàng rồi. Anh ấy đã bỏ lỡ mọi ngày, có lẽ hôm nay anh ấy sẽ chết. Chúng ta hứa với anh ấy chúng ta sẽ mở hội... đừng lo nghĩ.

Gorgeous Gloria rất kích động khi cô ấy lập kế hoạch cho đám cưới sắp tới của mình, với bạn cô ấy, Sherry Cherry.

"Cậu có biết bí mật kích dục của Ấn Độ không?" Sherry hỏi.

"Sao, không biết," Gloria nói. "Nó là gì vậy?"

"Nó được gọi là 'bhindi cháy,'" Sherry nói. "Và nếu cậu muốn có một đêm tân hôn không thể quên, thì cho anh ấy ăn một tá bhindis cháy sau buổi lễ."

Một tuần sau, Gloria gặps Sherry trong siêu thị. "Đêm tân hôn thế nào?" Sherry hỏi.

"Ồ, tốt lắm tớ cho là vậy," Gloria nói. "Nhưng chỉ tám bhindis là có tác dụng!"

Trong một thị trấn nhỏ ở Miền Tây hoang dã của Mĩ, Polly Peekin, một khách du lịch trẻ xinh, bị mê mẩn bởi một người Ấn Độ có vẻ đại trượng phu to lớn. Cô ấy quan sát anh ta và đã để ý rằng anh ta nói, "May nhé!" cho mọi phụ nữ đi ngang qua.

Cuối cùng, tính tò mò của Polly nổi lên mạnh hơn cô ấy và cô ấy bước tới anh ta và nói, "Chào anh."

Anh ta trả lời, "May nhé!"

"Hay đấy," Polly nói. "Tôi cứ nghĩ mọi người Ấn Độ đều nói, 'Thế nào!'"

"Tôi biết thế nào," anh ta đáp. "Chỉ muốn may!"

Swami Deva Coconut tới sân bay Bombay cùng con vẹt thân đậu trên vai. Anh ta bị viên hải quan Ấn Độ chặn lại, ông này nói, "Này, dừng lại! Anh phải trả tiền thuế nhập khẩu con vẹt kia!"

"Bao nhiêu?" Coconut hỏi.

"Để tôi xem," viên hải quan nói, lật các trang cuốn sổ nhập khẩu của mình ra. "Đây rồi," ông ta tiếp tục. "Năm trăm ru pi cho con vẹt sống, một trăm ru pi cho con vẹt nhồi."

"Này, Coconut," con vẹt la lên. "Chớ có nhận ý tưởng gàn dở nhé!"

Swami Bharti Barfi, một trong những đệ tử Ấn Độ của Shree Rajneesh, đang ngồi trên chiếc máy bay của hãng Air India cùng Shankaracharya của vùng Puri và một số người giúp ông ấy. Họ bay tại độ cao ba mươi nhăm nghìn bộ qua tiểu lục địa Ấn Độ, thì shankaracharya bỗng nhiên cảm thấy rất hào phóng.

"Nếu tôi ném tờ một trăm ru pi này ra ngoài cửa sổ," ông ta nói, "tôi sẽ làm cho một người harijan rất hạnh phúc."

Một trong những người giúp việc của ông ấy thêm vào, "Nhưng nếu ông ném ra hai tờ năm mươi ru pi thì ông sẽ làm cho hai người hạnh phúc."

Và người giúp việc khác nói, "Thế này, sao không ném ra một trăm tờ một ru pi và làm cho một trăm người hạnh phúc?"

Đến điểm đó Swami Bharti Barfi đứng dậy và nói, "Sao các ông không làm cho chín trăm triệu người hạnh phúc và tự ném mình ra ngoài cửa sổ?"

Được rồi Nivedano... cho tiếng trống đầu tiên đi, và mọi người sẽ phát cuồng.

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng... nhắm mắt lại... không chuyển động thân thể - Cảm thấy đông cứng. Đi vào bên trong, sâu hơn... và sâu hơn, giống như mũi tên. Xuyên thấu qua mọi tầng và đâm vào trung tâm của sự tồn tại của bạn. Im lặng này... An bình này... Bắt đầu khám phá phật bên trong bạn. Bạn chỉ là hòn đá... những phần không bản chất phải bị tước bỏ đi, và tượng phật tự nó sẽ lộ ra.

Nivedano...

(tiếng trống)

Thảnh thơi... buông bỏ... chết đi! Trong khoảnh khắc này, tại chính trung tâm con người bạn, bạn là phật bất tử. Bạn không phải cầu nguyện. Bạn không phải tôn thờ. Bạn không phải đi tới bất kì đền chùa nào. Bởi vì bạn là ngôi chùa của phật. Nhận ra điều đó và diễn đạt điều đó trong mọi hành động - duyên dáng của điều đó, cái đẹp của điều đó, phúc lạc của điều đó, cực lạc của điều đó. Và toàn thể cuộc sống của bạn trở thành ngọn lửa nhảy múa của niềm vui bất tử. Đây là chiều hướng toàn thể phương Đông đã tự mình cống hiến trong hàng triệu năm: để khám phá và điểm bất động, là chính tâm cơn xoáy lốc. Hân hoan trong điều đó, và nhớ tới con đường, cách bạn đã đạt tới điều đó, để cho bất kì khi nào bạn muốn, bạn nhắm mắt lại và ngay lập tức phật có đó.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại từ cái chết của bạn... về cuộc sống vĩnh hằng. Ngồi xuống vài khoảnh khắc như phật, trong mọi huy hoàng và rực rỡ. Những khoảnh khắc này làm cho chỗ này thành nơi quí giá nhất trên toàn thế giới.

Mười nghìn chư phật tan chảy và hội nhập vào nhau, như sóng của đại dương. Thế giới đã quên mất ngôn ngữ này... nó phải được nhắc lại. Mọi người phải trở thành một thông điệp, không phải nhà truyền giáo. Làm lộ ra phật tính riêng của bạn là đủ để đánh thức mọi người quanh bạn. Niềm vui của bạn, phúc lạc của bạn, phúc lành của bạn phải được chia sẻ. Bạn càng chia sẻ nó nhiều, bạn càng có nó nhiều.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, thưa Thầy kính yêu.

Chúng ta có thể mở hội hội ngộ của mười nghìn chư phật được chứ?

Vâng, thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 4Quay Về Mục Lục

Đọc Miễn Phí Sách Osho - Download Sách Osho PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Osho Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post