Chương 1. Thầy Của Tiếng Hét

Chương 1. Thầy Của Tiếng Hét

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Lâm Tế (Rinzai)

Thầy Của Tiếng Hét – Osho

Chương 1. Thầy Của Tiếng Hét








Nghe hoặc Tải MP3 'Lâm Tế (Rinzai) – Thầy Của Điều Phi Líê


Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Lâm Tế trở nên nổi tiếng là thầy của tiếng hét. Một lần, một sư hỏi, "Nguyên lí chính của Phật pháp là gì?"

Lâm Tế hét - Sư cúi lạy.

"Ông nói đó là tiếng hét tốt sao?" Lâm Tế hỏi.

Sư bình luận: "Tên cướp trong đồng cỏ đã gặp thất bại hoàn toàn."

"Bực mình của ta là gì?" Lâm Tế hỏi.

Sư đáp, "Điều đó sẽ không được tha thứ lần thứ hai."

Lâm Tế lại hét.

Maneesha, buổi tối im lặng và đẹp đẽ này chúng ta sẽ bắt đầu một chuỗi thiền mới về lời kinh của Lâm Tế. Lâm Tế là một trong những thầy đáng yêu nhất trong truyền thống Thiền.

(1) Rinzai: Lâm Tế Nghĩa Huyền (zh. línjì yìxuán/ lin-chi i-hsüan 臨濟義玄, ja. rinzai gigen), ?-866/867, là một vị Thiền sư Trung Quốc, là Tổ khai dòng thiền Lâm Tế.

Việc truyền trao ngọn đèn thứ nhất đã xảy ra giữa Phật Gautam và Ma-ha-ca-diếp. Việc truyền trao lớn thứ hai đã xảy ra giữa Bồ Đề Đạt Ma và người kế tục của ông ấy. Bồ Đề Đạt Ma đem kinh nghiệm tối thượng của tâm thức từ Ấn Độ sang Trung Quốc; Lâm Tế đã giới thiệu cùng tâm thức, cùng con đường của việc đi vào bản thân người ta, từ Trung Quốc sang Nhật Bản.

Ba cái tên này - Ma-ha-ca-diếp, Bồ Đề Đạt Ma và Lâm Tế - đứng như những đỉnh núi lớn của Himalayas.

Một trong những điều khó khăn nhất là chuyển từ kinh nghiệm thành giải thích, và từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, điều đó trở thành nhiệm vụ gần như không thể được. Nhưng Bồ Đề Đạt Ma đã làm được điều đó, và Lâm Tế cũng làm được điều đó. Việc truyền trao ngọn đèn này phải được hiểu một cách sâu sắc; chỉ thế thì bạn mới có khả năng hiểu lời kinh sau đây.

Không ngôn ngữ nào có khả năng dịch được kinh nghiệm bên trong, kinh nghiệm chủ thể, bởi một lẽ đơn giản là ngôn ngữ đó được tạo ra cho thế giới đối thể, về mọi thứ, về mọi người. Không ngôn ngữ nào đã được tạo ra về trung tâm bên trong nhất của bản thể bạn, bởi lẽ đơn giản là khi hai người có cùng kinh nghiệm gặp nhau thì không cần phải nói gì cả. Chính sự hiện diện của họ, chính im lặng của họ, chiều sâu của đôi mắt họ và duyên dáng của cử chỉ họ là đủ.

Chỉ có ba tình huống có thể có. Hoặc hai người chứng ngộ gặp nhau, thế thì ngôn ngữ là không cần thiết; họ cả hai gặp nhau bên ngoài ngôn ngữ, việc gặp gỡ của họ là việc gặp gỡ của vô trí.

(2) Phật Gautam: Phật Thích ca

(3) Mahakashyapa: Ma-ha-ca-diếp

Tình huống thứ hai là nếu hai người chưa chứng ngộ gặp nhau: họ sẽ nói nhiều, họ sẽ dùng những từ lớn lao, nhiều triết lí, nhiều siêu hình, nhưng tất cả đều vô nghĩa. Nó sẽ không được hỗ trợ bởi kinh nghiệm của họ. Họ chỉ là vẹt, lặp lại lời của người khác. Hiển nhiên họ không thể tạo ra ngôn ngữ cho chư phật. Họ không có ý tưởng gì về cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn.

Khả năng thứ ba là gặp gỡ giữa người chứng ngộ và người chưa chứng ngộ. Người chứng ngộ biết, người chưa chứng ngộ không biết. Nhưng mặc dầu người chứng ngộ biết, vẫn chưa đủ để truyền đạt lại điều đó. Biết là một việc; chuyển nó vào ngôn ngữ là việc khác.

Bạn biết yêu là gì - bạn có thể hát bài ca, bạn có thể nhảy múa, nhưng bạn không thể nói một lời về yêu là gì. Bạn có thể có nó, bạn có thể được tràn ngập bởi nó, bạn có thể biết kinh nghiệm tuyệt đối về yêu, nhưng dầu vậy bạn vẫn không thể đem, cho dù một mảnh của nó, vào lời. Lời không có nghĩa cho nó. Việc chuyển nó từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác là điều gần như không thể được.

Ngay cả Phật cũng không nói với Ma-ha-ca-diếp. Ma-ha-ca-diếp đơn giản sống cùng Phật trong nhiều năm, ngồi im lặng dưới gốc cây. Ông ấy chưa bao giờ hỏi một câu hỏi nào, ông ấy đơn giản chờ đợi và chờ đợi và chờ đợi. Ông ấy càng chờ đợi lâu, ông ấy càng trở nên im lặng. Kiên nhẫn của ông ấy càng dài và lâu, tin cậy của ông ấy và tình yêu của ông ấy và lòng biết ơn của ông ấy càng lớn. Chỉ bằng việc chờ đợi ông ấy đã trải qua biến đổi. Ông ấy đã đổi thành con người mới. Không ai biết điều đó nếu ngẫu nhiên sự việc này không xảy ra.

Một triết gia lớn của thời đó, Maulingaputta, tới Phật. Ở Ấn Độ vào những ngày đó đã có truyền thống rất thông thường là các thầy giáo sẽ đi tới các thầy giáo khác để thảo luận về các vấn đề. Với kính trọng lớn lao họ sẽ tranh luận kịch liệt, và bất kì ai thất bại sẽ trở thành đệ tử của người chiến thắng.

Maulingaputta đã đánh bại hàng trăm thầy giáo và bây giờ ông ấy tới Phật Gautam với năm trăm người đi theo để thách thức Phật. Thách thức này không phải là đối kháng; thách thức này tuyệt đối trong việc đi tìm chân lí.

Maulingaputta nói với sự kính trọng sâu sắc, "Tôi muốn thách ông tranh luận cùng tôi."

Phật nói, "Không có vấn đề gì... nhưng điều đó sẽ không quyết định được gì cả. Ông đã thảo luận với hàng trăm thầy giáo và ông đã thắng, không phải bởi vì ông có chân lí mà bởi vì ông logic hơn, giỏi biện luận hơn, tinh xảo hơn những người khác. Điều đó không có nghĩa là ông có chân lí; điều đó đơn giản nghĩa là ông được giáo dục tốt hơn - ông đã làm sẵn bài tập về nhà tốt hơn người khác, ông khôn ranh, thông minh hơn và có khả năng logic sắc bén. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông có chân lí.

"Ông muốn truy tìm về chân lí hay chỉ tranh luận? - bởi vì với hàng trăm cuộc tranh luận này, điều gì đã xảy ra? Ông đã tụ tập được hàng trăm người đi theo và tự ông không có chân lí. Bây giờ ông đã nhận trách nhiệm với hàng trăm người đi theo. Ông có hiểu ông đang làm gì không?"

Những ngày đó còn mang tính chân thành vô cùng. Maulingaputta nói, "Ông phải đấy. Tôi không biết chân lí là gì qua kinh nghiệm, nhưng tôi có thể biện luận về bất kì cái gì. Tôi đã được huấn luyện về biện luận." Ông ấy là nhà nguỵ biện. Các nhà nguỵ biện có thể biện luận hoặc ủng hộ hoặc chống lại, không thành vấn đề gì cả.

Ở Hi Lạp, trước Socrates, không có triết học, mà chỉ có nguỵ biện. Các thầy giáo đi lang thang để dạy cho mọi người việc biện luận. Không quan trọng nó là vấn đề gì, và việc bạn phải hay trái cũng không liên quan. Điều liên quan là liệu bạn có cách biện luận nặng kí hơn kẻ khác không.

Socrates đã thay đổi toàn bộ lịch sử của triết học ở phương Tây. Ông ấy nói rằng điều này là tuyệt đối ngu xuẩn. Chỉ thành thạo hơn về mặt logic không có nghĩa là bạn có chân lí. Ai đó có thể có chân lí... và điều có khả năng hơn là người có chân lí thậm chí có thể không có khả năng nói ra điều đó. Vấn đề về việc biện luận về nó, vì nó, không nảy sinh. Người đó thậm chí có thể không tìm được ra từ để truyền đạt nó.

Phật nói với Maulingaputta, "Nếu ông thực sự là người tìm kiếm chân lí, thế thì ngồi xuống cạnh ta trong hai năm đi, cứ dường như là ông không có đó - không câu hỏi, không trao đổi - và sau hai năm ta sẽ nhắc ông rằng ngày đó đã tới; bây giờ ông có thể thách thức ta."

Vào lúc này Ma-ha-ca-diếp, người đã ở đó trong ba mươi năm cùng Phật, đột nhiên bật ra tiếng cười ha hả. Toàn thể hội chúng mười nghìn sư không thể tin được vào điều đó: người này chưa từng nói ra một lời với bất kì ai, thậm chí cả với Phật. Ông ấy thậm chí chưa hề tới chạm chân Phật hay nói lời chào. Ông ấy vẫn cứ ngồi xa xa dưới gốc cây của mình. Ông ấy độc chiếm cây này và không ai khác có thể ngồi đó. Điều gì đã xảy ra mà bỗng nhiên ông ấy lại bắt đầu cười to thế? Maulingaputta nói, "Có chuyện gì vậy?"

Phật nói, "Ông có thể tự mình hỏi ông ấy."

Ma-ha-ca-diếp nói, "Vấn đề đơn giản thôi. Người này, Phật Gautam, đang lừa ông ông đấy. Ông ấy đã lừa tôi; ông ấy cũng bảo tôi im lặng trong hai năm. Bây giờ ba mươi năm đã qua, và câu hỏi không nảy sinh. Im lặng của tôi đã sâu sắc. Bây giờ tôi biết tôi là ai. Tôi biết chính đỉnh cao của tâm thức tôi. Không phải là tôi đã tìm thấy câu trả lời nào - không có câu hỏi và không có câu trả lời, chỉ im lặng sáng tỏ thuần khiết.

"Cho nên nếu ông muốn hỏi ông ấy, tất cả chúng tôi đều được hưởng. Ông có thể hỏi, nhưng đây là lúc để hỏi. Đừng đợi hai năm nữa. Đó là lí do tại sao tôi đã cười: lần nữa ông ấy lại quay về với cái mẹo của mình. Có nhiều người ở đây họ tới với cùng ham muốn đó" - Sariputra và Moggalayan và các triết gia lớn khác của thời đó đã tới với cùng ham muốn thảo luận - "nhưng rào chắn của hai năm im lặng này là rất nguy hiểm. Nếu ông muốn hỏi cái gì bây giờ, thì ngay bây giờ là lúc đấy. Đó là lí do tại sao tôi lại cười."

Maulingaputta đã đem tới một đoá sen đẹp làm quà tặng cho Phật Gautam. Phật gọi Ma-ha-ca-diếp và trao đoá hoa sen cho ông ấy. Điều này được gọi trong truyền thống Thiền là "việc truyền trao thứ nhất." Không cái gì đã được nói, nhưng mọi thứ đã được nghe. Im lặng của Ma-ha-ca-diếp và tiếng cười như trẻ con của ông ấy là đủ chứng tỏ ông ấy đã tìm thấy nó. Việc trao đoá sen cho Ma-ha-ca-diếp là sự xác nhận.

Theo cách này Ma-ha-ca-diếp đã trở thành tổ thứ nhất của truyền thống Thiền. Sau ông ấy đã có sáu người khác. Cứ tiếp nối từ thầy sang đệ tử ngọn lửa này đã được truyền trao trong im lặng. Người thứ sáu là đàn bà, và Bồ Đề Đạt Ma là đệ tử của bà ấy. Đó là những ngày vàng - khi đàn bà, đặc biệt ở phương Đông, không bị coi là kém hơn đàn ông. Bà ấy có thể trở thành thầy. Bà ấy đã truyền trao hiểu biết của mình cho Bồ Đề Đạt Ma bảo ông ấy, "Công việc của ông là vượt qua Himalayas và đi tới Trung Quốc."

Đó là một nhiệm vụ khó khăn, trước hết, đi bộ vượt qua Himalayas. Phải mất ba năm để Bồ Đề Đạt Ma đáng

(4) Sariputra: Xá lợi phất

thương tới được Trung Quốc. Và thế rồi rào chắn lớn nhất là ở chỗ ông ấy không biết tiếng Trung Quốc - mà cho dù bạn có biết tiếng Trung Quốc thì điều đó cũng khó - nhưng ông ấy đã làm được. Ông ấy dần dần được bao quanh bởi những người thực sự khao khát.

Tất cả mọi điều xảy ra là ông ấy ngồi im lặng đối diện với bức tường. Ông ấy đã ngồi chín năm liên tục, và những người muốn ngồi sẽ tới và ngồi quanh ông ấy. Chỉ ngồi quanh ông ấy không ngôn ngữ, không trao đổi, năng lượng nào đó bắt đầu chuyển động. Cái gì đó bắt đầu xảy ra cho mọi người. Cách sống của họ thay đổi, cuộc sống của họ trở thành duyên dáng và cái đẹp.

Sau mười bốn năm Bồ Đề Đạt Ma rời khỏi Trung Quốc để biến mất trong Himalayas. Bây giờ ông ấy quá già rồi. Bạn không thể tìm được một nơi nào tốt hơn Himalayas để biến mất - im lặng hoàn toàn, tuyết vĩnh cửu không bao giờ tan, hàng nghìn nơi mà chưa ai đã bao giờ đạt tới.

Trước khi ra đi ông ấy gọi bốn đệ tử của mình tới và bảo họ, "Ta sắp sửa ra đi đây, thời điểm của ta đã tới. Thân thể này không thể chứa đựng được ta thêm nữa. Chẳng mấy chốc tâm thức ta sẽ giang đôi cánh và sẽ ra đi. Trước khi điều đó xảy ra, ta muốn tới Himalayas. Ta đã gọi cả bốn ông lại, một trong các ông sẽ là người kế tục của ta. Cho nên đây là phép thử lớn lao. Ta sẽ hỏi cùng một câu hỏi cho cả bốn ông. Ai là người kế tục của ta sẽ tuỳ thuộc vào câu trả lời của các ông."

Bồ Đề Đạt Ma hỏi, "Điều bản chất của việc ta từ Ấn Độ tới Trung Quốc là gì?"

Người thứ nhất nói, "Thầy đã tới để truyền bá kinh nghiệm vĩ đại của Phật Gautam."

Bồ Đề Đạt Ma nói, "Ông đúng đấy, nhưng vừa đủ thôi. Ông chỉ là bộ da của ta. Ngồi xuống đi."

Ông ấy nhìn sang đệ tử tiếp, người này nói, "Việc thầy tới Trung Quốc nghĩa là đem chính cuộc cách mạng trong bản thể bên trong nhất từ vô thức tới tâm thức."

Bồ Đề Đạt Ma nói, "Có tốt hơn chút ít, nhưng vẫn chưa thoả đáng. Ngồi xuống đi."

Ông ấy nhìn vào đệ tử thứ ba, và đệ tử thứ ba này nói, "Thầy đã tới để truyền bá điều không thể được nói ra."

Bồ Đề Đạt Ma nói, "Ông có tốt hơn nhiều so với hai người kia. Nhưng ngay cả việc nói điều này cũng là nhiều rồi, rằng không gì có thể được nói ra về nó. Ngồi xuống đây. Người thứ nhất được da ta, người thứ hai được xương ta, ông được thịt ta."

Ông ấy nhìn vào người thứ tư, người này chỉ có nước mắt của lòng biết ơn và niềm vui sụp lạy dưới chân Bồ Đề Đạt Ma mà không nói lời nào.

Bồ Đề Đạt Ma bảo người đó, "Ông được chính tuỷ ta, ông là đệ tử được chọn của ta. Điều người khác không thể nói được bằng lời ông đã nói bằng nước mắt của mình. Điều người khác không thể nói được bằng những câu có ý nghĩa, ông đã phát biểu bằng lòng biết ơn của mình."

Lâm Tế tới sau vài tổ nữa. Và cũng như Bồ Đề Đạt Ma đã được thầy mình phái đi, thầy của Lâm Tế đã phái ông ấy sang Nhật Bản. Đó lại là cùng khó khăn đó, nhưng cũng như Ma-ha-ca-diếp đã thành công và Bồ Đề Đạt Ma đã thành công, Lâm Tế cũng đã thành công trong việc tạo ra im lặng, trong việc quay mọi người vào bên trong.

Thông điệp này không mang tính ngôn ngữ.

Thông điệp này mang tính tồn tại.

Thầy chỉ có thể tạo ra tình huống nào đó, phương sách nào đó mà, nếu bạn cho phép, nếu bạn cảm nhận, bạn có thể được biến đổi. Biến đổi này gần như là chết và phục sinh.

Nhân cách cũ của bạn sẽ phai nhoà đi; mặt nguyên thuỷ của bạn sẽ hiện ra.


Mặt bạn đang mang ngay bây giờ là do xã hội trao cho bạn, do văn hoá, do giáo dục, do cha mẹ trao cho bạn. Nhân cách của bạn không phải là cái nguyên thuỷ của bạn; cái nguyên thuỷ của bạn đã bị che đậy bằng đủ mọi loại dối trá, qui ước của xã hội và những quyền lợi được đầu tư.





Sống cùng thầy, nhân cách của bạn sẽ bị mất đi như lá khô rụng xuống. Bạn sẽ trần trụi hoàn toàn, như bạn đã được sinh ra. Mọi tri thức bạn đã vay mượn sẽ biến mất. Bạn sẽ hồn nhiên như trẻ thơ. Trong hồn nhiên này không cần nói gì cả.

Đó là điều đã xảy ra cho Maulingaputta. Sau hai năm ông ấy đã hoàn toàn quên bẵng về thời gian. Hai năm đó là của im lặng thế... Trong vài ngày ông ấy còn đếm, thế rồi ông ấy vứt bỏ ý tưởng đếm. Trong vài ngày ý nghĩ thoáng qua tâm trí ông ấy, nhưng chúng có thể thoáng qua được bao lâu...? Nếu bạn không quan tâm tới chúng, nếu bạn chỉ là gương, chúng tới như mây và đi mất, không để lại dấu vết gì đằng sau. Sau hai năm ông ấy hồn nhiên thuần khiết thế - không câu hỏi, không câu trả lời, không tranh luận, không thách thức. Tất cả những cái đã là bộ phận của nhân cách đã tan chảy ra trong hai năm này sống trong trường năng lượng của phật.

Bản thân Phật cũng bảo Maulingaputta, "Ông quên rồi sao? Hôm nay là tròn hai năm rồi đó. Bây giờ nếu ông muốn thách thức ta, nếu ông muốn hỏi bất kì câu hỏi nào và thảo luận bất kì cái gì, ta sẵn sàng đây."

Maulingaputta chạm chân Phật và nói, "Ma-ha-ca-diếp phải đấy. Tôi không còn nữa; ai có đó để mà thách thức thầy? Tôi không còn nữa; ai sẽ hỏi câu hỏi và ai sẽ nghe câu trả lời? Hai năm này đã trôi qua nhanh thế. Cứ dường như hôm nọ tôi mới tới đây. Thầy đã làm phép màu."

Phật nói, "Ta không làm gì cả. Chỉ sống trong sự hiện diện của ta, dần dần trái tim ông bắt đầu trong sự đồng bộ nào đó với trái tim thầy. Từng bước một ông tan ra trong hơi ấm và tình yêu của thầy. Đây đã là kinh nghiệm của ta - rằng ít nhất hai năm là thời gian cần thiết để hoàn thành quá trình này. Thứ lỗi cho ta khi giữ ông phải chờ đợi trong hai năm, nhưng không có cách nào khác để đạt tới trái tim từ trái tim, từ bản thể tới bản thể."

Lâm Tế đã làm cùng phép màu đó ở Nhật Bản, và uy tín của ông ấy cực lớn bởi vì ở Nhật Bản Thiền đã đạt tới đỉnh cao nhất. Hạt mầm được sinh ra ở Ấn Độ, trong Phật Gautam. Nó đã được Ma-ha-ca-diếp mang như đoá hoa cho sáu thế hệ. Bồ Đề Đạt Ma, người mang nó như đoá hoa nở hết sang Trung Quốc, là người thứ bảy. Ngay cả hoàng đế cũng tới đón Bồ Đề Đạt Ma; danh tiếng của ông ấy đã vang vọng tới đó từ trước khi ông ấy tới. Nhưng hoàng đế không thể hiểu được cách thức của Thiền.

Thiền có cách thức nào đó, cách tiếp cận nào đó không sẵn có cho bất kì tín ngưỡng tôn giáo nào khác. Nó là duy nhất, mình nó một loại.

Hoàng đế Vũ đã tới từ nơi xa xôi, từ tận kinh đô ra biên ải Trung Quốc để đón Bồ Đề Đạt Ma. Ông ấy bị sốc với điều mình nhìn thấy, vì Bồ Đề Đạt Ma đang đội một chiếc giầy trên đầu còn một chiếc thì ở dưới chân.

Lúc này, hoàng đế là người rất tinh tế; ông ấy có triều đình lớn gồm những người rất có văn hoá. Cái loại hành vi này... nhưng chỉ bởi vì sự tinh tế và văn hoá mà ông ấy không thể nói được điều gì về việc đó cả. Thậm chí ông ấy còn chưa được giới thiệu. Ông ấy đã tránh việc nhìn chiếc giầy nằm trên đầu của Bồ Đề Đạt Ma.

Hoàng đế hỏi - bởi vì ông ấy là người đã làm hàng nghìn tượng Phật ở Trung Quốc, đã đem hàng nghìn học sĩ từ Ấn Độ tới để cùng các học sĩ Trung Quốc dịch mọi kinh sách Phật giáo sang tiếng Trung Quốc. Ông ấy đã làm nhiều và đã cải đạo cả đất nước thành mảnh đất của Phật. Hiển nhiên các sư hay nói với ông ấy, "Bệ hạ đã tích luỹ quá nhiều công đức. Tất cả những hành động đức hạnh này... vô vàn điều sẽ là phần thưởng cho bệ hạ ở thế giới bên kia." Cho nên ông ấy đã hỏi Bồ Đề Đạt Ma, "Trẫm đã làm tất cả những điều này; phần thưởng của trẫm sẽ là gì?"

Bồ Đề Đạt Ma nói, "Ông ngốc thì có! Ông sẽ xuống thẳng địa ngục. Ông còn đòi thưởng sao? Chính ý tưởng về phần thưởng là tham. Chính ý tưởng thành đạt cái gì đó không phải là phản ánh trí huệ của ông."

Hoàng đế choáng, triều đình ông ấy choáng - nhưng bây giờ làm sao tránh đi được? Con người này không phải là người đúng để đưa vào đất nước. Dầu vậy ông ấy lại hỏi câu hỏi khác, không để ý tới ngôn ngữ xấc xược mà Bồ Đề Đạt Ma đã dùng. Ông ấy nói, "Thưa Trưởng lão..." và ông ấy không thể nói hết câu của mình.

Bồ Đề Đạt Ma nói, "Không có gì linh thiêng, không có gì không linh thiêng. Tất cả đều là trống rỗng, chỉ cái không thuần khiết. Những sự phân chia này của tâm trí, thiêng liêng và báng bổ, linh thiêng và không linh thiêng, thánh nhân và tội nhân, đều không tồn tại khi ông đi sâu hơn vào thiền. Mọi phân chia biến mất. Cho nên đừng gọi ta là 'Thưa Trưởng lão'; ta đã bỏ lại sau cái ngôn ngữ trẻ con ấy của việc là linh thiêng, của việc là không linh thiêng. trung thực."

Nhà vua nói, "Tâm trí tôi liên tục bị các ý nghĩ quấy rối. Tôi đã đọc kinh Phật, và tất cả kinh đều nói rằng chừng nào người ta chưa vô ý nghĩ và chưa hoàn toàn nhận biết thì người ta sẽ không tìm thấy chân lí."

Bồ Đề Đạt Ma đã nói một cách bất ngờ - ông ấy là con người bất ngờ, bạn không thể dự kiến được hành vi của ông ấy - ông ấy nói, "Nếu đó là vấn đề, thì sáng sớm tới ta. Ta không vào Trung Quốc, ta sẽ sống bên ngoài trong ngôi chùa nhỏ này. Ông có thể tới vào sáng sớm, vào lúc ba giờ. Nhưng phải tới một mình - không triều thần, không vệ sĩ, không vũ khí. Chỉ tới một mình, và ta sẽ gạt mọi ý nghĩ khỏi tâm trí ông. Ta sẽ đem im lặng tới cho tâm trí ông."

Hoàng đế rất sợ. Con người này dường như gần điên. Cả đêm hoàng đế không thể ngủ được, cứ nghiêng ngả giữa đi hay không đi, một mình "... Và con người đó điên thế, để một chiếc giầy trên đầu, còn gọi mình là 'ngốc' nữa, và ông ta có chiếc thiền trượng lớn mà lại bảo mình không đem vũ khí gì. Ông ta có thể làm mọi thứ: ông ta có thể đánh mình, ông ta có thể ném đá" - hoàng đế nghĩ đủ mọi thứ.

Nhưng đến lúc phải đi thì ông ấy cảm thấy một sức hút lớn lao: "Bất kì điều gì ông ấy nói, mọi cách ông ấy cư xử, ông ấy đều có sự hiện diện vô cùng và lực hút lớn lao. Mình phải liều với việc này."

Ông ta đi tới ngôi chùa, còn Bồ Đề Đạt Ma đang đợi ông ấy. Bồ Đề Đạt Ma nói, "Đó là vấn đề rất đơn giản. Ông ngồi đây và ta ngồi ngay trước ông. Ông thấy cây thiền trượng của ta rồi đó - nếu ta cảm thấy ý nghĩ nào đó còn ngoan cố và không chịu rời khỏi ông, ta sẽ đánh vào đầu ông. Công việc của ông chỉ là quan sát các ý nghĩ của mình mà không có phán xét gì. Chỉ là một nhân chứng."

Hoàng đế nghĩ, "Có lẽ mình đã lấy bước đi sai rồi. Người này có thể đánh vào bất kì lúc nào, bởi vì tâm trí mình đầy những ý nghĩ. Nhưng thôi thì ta cứ thử xem sao, bởi vì mình đã tới. Chạy trốn bây giờ thực là hèn nhát." Thế là ông ta ngồi trước Bồ Đề Đạt Ma, chỉ quan sát ý nghĩ của mình.

Việc quan sát ý nghĩ bao hàm không phán xét, không ca ngợi, không đồng nhất. Chỉ quan sát như bạn quan sát đám đông đi qua đường, hay bạn quan sát mây bay trên trời - không phán xét. Tâm trí bạn chỉ là màn ảnh. Vài đám mây lang thang; bạn đơn giản quan sát. Bạn là người quan sát, và mọi thứ khác trên thế giới là cái được quan sát.

Khi mặt trời buổi sáng mọc, toàn thể hào quang của hoàng đế đã thay đổi. Chỉ trong hai giờ không ý nghĩ nào còn lại. Việc chứng kiến là ngọn lửa, ngọn lửa duy nhất có thể đem bạn tới chân lí của mình, ngọn lửa có thể thiêu đốt đi mọi cái giả dối của bạn, mọi đồ dỏm của bạn. Bồ Đề Đạt Ma đã thấy khuôn mặt thay đổi, duyên dáng mới phát sinh. Ông ấy lay hoàng đế và hỏi, "Còn ý nghĩ nào nữa không?"

Hoàng đế cúi lạy dưới chân ông ấy và nói với ông ấy, "Ông chắc chắn đã làm điều đó! Ta cầu xin ông, đừng bỏ Trung Quốc đi. Tất cả những học giả và tu sĩ kia đơn giản chỉ là lũ vẹt. Họ cứ nói mãi về chứng kiến và quan sát, nhưng ông đã cho ta kinh nghiệm đó. Không dạy ta về việc chứng kiến ông đơn giản đã làm ta thành nhân chứng. Ta không cần cái gì nữa."

Khoảnh khắc bạn thấy nhân chứng của mình, thì bạn đã tìm ra bản thể vĩnh hằng tối thượng của mình. Đó là tâm thức thuần khiết nhất của bạn. Điều đó làm bạn trở thành phật, và đó là tiềm năng của mọi người.

Lâm Tế đã tìm được cách biến đổi toàn thể kết cấu của tâm thức Nhật Bản. Ông ấy đã làm nhiều hơn bất kì ai khác. Ông ấy đã mang những chiều hướng mới vào trong thiền. Điều đó không thể nào tin được nhưng ông ấy đã tìm được cách biến đổi mọi thứ thành thiền. Chẳng hạn cung thuật... Bây giờ, không ai có thể nghĩ rằng cung thuật lại có thể là hành động thiền; nhưng Lâm Tế đã duy trì mọi hành động đó trở thành thiền, nếu bạn làm nó với nhận biết tràn đầy, chỉ như nhân chứng, không phải là người làm.

Một chút ít lưu ý về Lâm Tế, thầy của điều phi lí.

Lâm Tế, cũng còn được biết với cái tên là Lin-chi, được sinh ra vào đầu thế kỉ thứ chín và đã trở thành người sáng lập ra một trong những dòng thiền quan trọng nhất. Sáng dạ từ còn nhỏ, về sau, khi Lâm Tế trở thành sư, ông ấy đã học các kinh và kinh sách. Nhận thấy câu trả lời không nằm trong kinh sách, ông ấy đã đi hành hương, tới thăm Obaku và Daigu, hai thầy lớn. Sau chứng ngộ của mình ông ấy trở thành sư tại một ngôi chùa nhỏ bên bờ sông Hu-t'o.

Maneesha đã hỏi:

Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Lâm Tế trở nên nổi tiếng là thầy của tiếng hét. Điểm đặc thù của ông ấy bao gồm... ông ấy đã dùng tiếng hét như phương pháp làm im lặng bạn - tiếng hét bất thần.

Bạn đang hỏi về Thượng đế, bạn đang hỏi về thiên đường, bạn đang hỏi về các vấn đề triết lí hay thần học lớn lao và thầy lập tức hét lên. Tâm trí bạn bị sốc, gần như cú sốc điện. Trong một khoảnh khắc bạn không có đó, chỉ tiếng hét có đó. Trong một khoảnh khắc tâm trí dừng lại, thời gian dừng lại - và đó là toàn bộ bí mật của thiền.

(5) Obaku: Hoàng Bá

(6) Daigu: Đại Ngu

Nhiều nhà huyền môn khắp trên thế giới đã dùng âm thanh, nhưng theo cách rất hời hợt. Lâm Tế đã dùng tiếng hét theo một cách cực kì sâu sắc. Tiếng hét của ông ấy sẽ trở thành giống như lưỡi kiếm đi vào trong bạn, xuyên vào chính trung tâm.

Bạn có thể hiểu... khi bạn hét Yaa-Hoo! tâm trí bạn biến mất. Yaa-Hoo! không có nghĩa gì, nhưng hét nó bạn bỗng nhiên bị ném về trung tâm riêng của mình, và một khi bạn đã chạm vào trung tâm riêng của mình, cho dù chỉ một thoáng nhìn đơn giản, thì cuộc sống của bạn đã bắt đầu thay đổi.

Lâm Tế sẽ hét với đệ tử để cho họ kinh nghiệm đầu tiên về việc định tâm của họ. Bạn vừa là chu vi vừa là trung tâm. Bạn sống ở chu vi; tiếng hét đơn giản đẩy bạn vào trung tâm. Một khi bạn kinh nghiệm việc ở trung tâm, bỗng nhiên bạn thấy toàn thế giới thay đổi. Đôi mắt bạn không còn như cũ nữa; sự sáng tỏ và trong suốt của bạn là tuyệt đối. Bạn thấy cùng lá xanh đó lại xanh hơn, cùng hoa hồng đó lại hồng hơn, cùng cuộc sống đó như cuộc liên hoan, như lễ hội. Bạn sẽ thích nhảy múa.

Và thế rồi đệ tử, một khi họ đã biết rằng tiếng hét có thể giúp cho họ đạt tới chính trung tâm mình... Đó là cảnh tượng kì lạ khi Lâm Tế bắt đầu chấp nhận đệ tử ở gần sông. Các đệ tử sẽ hét ở khắp thung lũng, và thung lũng vang vọng những tiếng hét đó. Từ xa nhiều dặm đường bạn vẫn có thể biết được rằng mình đang ở đâu đó gần Lâm Tế. Đấy không phải chỉ là ông ấy hét, việc hét đó là phương pháp để ném bạn từ chu vi về trung tâm.

Có nhiều cách để ném bạn về trung tâm. Mọi cách đều hợp lệ nếu bạn đạt tới trung tâm của mình, bởi vì trung tâm của bạn là phần bất tử duy nhất trong bạn. Mọi thứ khác đều sẽ chết.

Hôm nay giáo sư Barks ở đây. Ông ấy đã làm một việc lớn lao lắm trong việc dịch Rumi. Ông ấy đã tới gần nhất có thể được, nhưng tôi cho rằng ông ấy không biết toàn thể nỗ lực của Rumi thông qua việc xoay tít là để tìm ra trung tâm. Nếu việc xoay tít của bạn kéo dài hàng giờ, bạn dần dần sẽ thấy rằng cái gì đó ở chính trung tâm lại không chuyển động chút nào, và cái đó là bạn. Thân thể bạn xoay tít, nhưng tâm thức bạn là cây cột ánh sáng.

Rumi đạt tới chứng ngộ đầu tiên của ông ấy qua việc xoay tít trong ba mươi sáu giờ liên tục. Mọi người nghĩ ông ấy điên. Thậm chí ngày nay một nhóm nhỏ những người đi theo ông ấy vẫn còn tiếp tục. Họ được gọi là các thầy tu xoay tít. Nhưng vấn đề là một: khi xoay tít, toàn bộ thân thể bạn trở thành cơn lốc, và bản thân việc chứng kiến của bạn trở thành trung tâm. Mọi thứ đều quay xung quanh bạn, nhưng trung tâm vẫn còn bất động. Việc biết tới trung tâm bất động này là biết tới chính chìa khoá chủ của mọi bí ẩn của cuộc sống.

Lâm Tế không có ý tưởng gì về Rumi, mà Rumi cũng không có ý tưởng nào về Lâm Tế, nhưng cả hai đều làm việc theo cùng một phương lược - bằng cách nào đó buộc bạn về trung tâm. Khi tâm thức bạn trở thành sâu sắc hơn, khi việc đi về trung tâm trở thành điều dễ dàng cũng giống như bạn đi vào và đi ra nhà mình, bạn đã trở thành phật.

Thế rồi chậm rãi, từ từ trung tâm của bạn bắt đầu thay đổi chu vi của bạn. Thế thì bạn không thể bạo hành được, thế thì bạn không thể mang tính phá huỷ được; thế thì bạn là tình yêu. Thế thì bạn im lặng, thế thì bạn là chân lí, ngay cả cái cũ bạn có, nay đã biến mất. Cái đó là chu vi của bạn, cái đó là cơn lốc đã qua. Bây giờ, chỉ trung tâm là còn lại.

Phương pháp của Lâm Tế đơn giản hơn phương pháp của Rumi nhiều. Rất ít người có khả năng xoay tít hàng giờ, nhưng hét là phương pháp đơn giản hơn. Bất kì ai cũng đều có thể hét và hét hết lòng, và điều đó có thể rất mạnh mẽ và khẩn thiết. Việc xoay tít sẽ làm bạn mất hàng giờ để tìm ra trung tâm; việc hét, chỉ một phần giây thôi và bạn ở ngay trung tâm.

Giai thoại này...

Lâm Tế trở nên nổi tiếng là thầy của tiếng hét. Một lần, một sư hỏi, "Nguyên lí chính của Phật pháp là gì?"

Bây giờ, ông ấy đang hỏi điều gì đó quan trọng. Nguyên lí chính của tôn giáo của Phật là gì?

Lâm Tế hét - Sư cúi lạy.

"Ông nói đó là tiếng hét tốt sao?" Lâm Tế hỏi.

Sư bình luận: "Tên cướp trong đồng cỏ đã gặp thất bại hoàn toàn."

"Bực mình của ta là gì?" Lâm Tế hỏi.

Sư đáp, "Điều đó sẽ không được tha thứ lần thứ hai."

Lâm Tế lại hét.

Tiếng hét thứ nhất của Lâm Tế là hoàn toàn tốt. Sư này cúi lạy bởi vì ông ta cảm thấy nhẹ nhõm lớn lao qua việc đi từ chu vi vàp trung tâm. Nhưng Lâm Tế vẫn còn chút ít hoài nghi. Bởi vì mọi thứ trên thế giới này đều trở thành truyền thống, nên ngay cả việc Lâm Tế hét và bạn phải cúi lạy để chứng tỏ rằng bạn đã hiểu điều đó, rằng điều đó đã đạt tới trung tâm bạn, cũng bắt đầu trở thành truyền thống. Điều đó đã thành truyền thống.

Điều này là rất không may. Mọi thứ đều trở thành thói quen, nghi lễ, truyền thống, và mất đi mọi ý nghĩa. Bây giờ, việc cúi lạy của ông ấy có thể đúng hay có thể chỉ là kiểu cách. Đó là lí do tại sao Lâm Tế lại hỏi, "Ông nói đó là tiếng hét tốt sao?"

Sư bình luận: "Tên cướp trong đồng cỏ đã gặp thất bại hoàn toàn."

Ông ấy ngụ ý gì bởi điều này? Sư này đang nói, "Ông đã không thành công rồi. Việc hét của ông đã lỡ."

Sư bình luận: "Tên cướp trong đồng cỏ đã gặp thất bại hoàn toàn."

"Bực mình của ta là gì?" Lâm Tế hỏi.

Sư đáp, "Điều đó sẽ không được tha thứ lần thứ hai."

Sư này đang nói, "Việc hét của ông lỡ rồi." Ông ấy không nó rằng việc hét vào ông ấy lần thứ hai sẽ không được tha thứ; ông ấy đang nói, "Thất bại của ông sẽ không được tha thứ - Điều đó sẽ không được tha thứ lần thứ hai. Lần thứ nhất tôi tha cho ông; ông lỡ, ông đã không đạt tới trung tâm của tôi. Tôi cúi lạy bởi vì ông đã cố gắng, ông đã cố gắng vất vả. Nhưng lần thứ hai điều đó sẽ không được tha thứ."

Bất kì ai đọc điều đó sẽ nghĩ rằng ông ấy đang nói, "Nếu ông hét lần thứ hai thì điều đó sẽ không được tha thứ." Đấy không phải là trường hợp ở đây. Ông ấy đang nói, "Thất bại của ông sẽ không được tha thứ lần thứ hai."

Lâm Tế lại hét - và giai thoại này đột nhiên chấm dứt. Sau tiếng hét này có im lặng. Tiếng hét thứ hai đã thành công. Bây giờ sư này im lặng, Lâm Tế im lặng.

Đã có quá trình dài để đạt tới bản thân bạn, cũng như yoga. Nhưng phương cách giống như của Lâm Tế rất đơn giản, không đòi hỏi bất kì kỉ luật nào là điều tiên quyết. Bất kì ai... không cần có tính cách nào đó, tốt hay xấu, tội nhân hay thánh nhân, điều đó không thành vấn đề. Điều thành vấn đề là đạt tới trung tâm, bởi vì tại trung tâm bạn không là tội nhân cũng chẳng thánh nhân. Việc bạn là tội nhân hay thánh nhân tất cả chỉ ở ngoại vi. Toàn thể xã hội sống ở ngoại vi; tất cả mọi sự phân chia của chúng ta đều rất bề ngoài.

Tôi nhớ tới một người đi theo lớn của Phật, Nagarjuna7. Ông ấy sống trần. Có lẽ Nagarjuna là nhà logic vĩ đại nhất đã bước đi trên trái đất này. Aristotle không so sánh được với ông ấy, mà cả Shankara cũng không so được; cách biện luận của Nagarjuna là tế nhị nhất. Nhưng ông ấy quen sống trần - một con người tuyệt vời - và thậm chí cả vua và hoàng hậu cũng là đệ tử của ông ấy. Trong một kinh đô nào đó hoàng hậu đã là đệ tử của ông ấy. Bà ta hỏi ông ấy, "Ông sẽ phải cho tôi một ân huệ. Tôi muốn lấy đi bình bát ăn xin của ông."

Ông ấy nói, "Không có vấn đề gì. Bà có thể lấy nó."

Bà ấy nói, "Đấy mới chỉ là một nửa của điều đó thôi. Tôi đã chuẩn bị một bình bát xin ăn cho ông. Bình bát này ông cho tôi; nó sẽ là món quà tặng, quí giá nhất đối với tôi trên toàn thế giới. Và tôi đã làm một bình bát mà ông không thể chối từ được, ông phải chấp nhận nó. "

Ông ấy nói, "Tôi chưa từng thấy nó."

(7) Nagarjuna: Long Thụ

Bà ấy nói, "Thấy hay không thấy không phải là vấn đề. Trước hết, ông hứa với tôi rằng ông sẽ không chối từ nó."

Thế là ông ấy nói, "Thôi được, tôi sẽ không chối từ nó."

Bà ấy đem ra chiếc bình bát, nó được làm bằng vàng thỏi, nạm kim cương. Nagarjuna nói, "Bà không hiểu tình huống. Dù tôi có chối từ nó hay không, tôi sẽ không có khả năng giữ nó cho dù vài giờ. Một người trần trụi mang bình bát làm bằng vàng thỏi, có nạm kim cương lớn - bà cho rằng tôi có khả năng giữ được nó sao? Nhưng tôi đã hứa rồi, cho nên tôi sẽ nhận nó."

Một tên trộm quan sát toàn bộ việc trao đổi này. Nó đi theo Nagarjuna. Nó biết rằng ông này sống ngoài thành phố trong một ngôi chùa hư nát, và mọi buổi trưa sau khi ông ta đã kiếm được thức ăn, ông ta sẽ đi ngủ. Đây là lúc rất tốt để lấy bình bát ăn xin này. Dẫu sao đi chăng nữa, ai đó cũng sẽ lấy nó đi mà thôi...

Thế là nó tới và ẩn đằng sau tường bên cạnh cửa sổ theo dõi để ai đó khác không vào bên trong. Nagarjuna dọn chỗ ngủ và ông ấy hoàn toàn nhận biết rằng ai đó đã theo mình.

"Sao phải giữ cho anh ta chờ đợi không cần thiết thế? Đằng nào thì mình cũng sắp ngủ và anh ta sẽ lấy bình bát ăn xin đi. Tốt hơn cả là đem bình bát cho anh ta. Sao lại làm cho anh ta thành kẻ trộm?" Thế là ông ấy ném bình bát ra ngoài cửa sổ nơi trên trộm đang ngồi.

Tên trộm không thể nào tin được vào điều đó. Đây thực là một người kì lạ. Một ham muốn kì lạ dâng lên trong tên trộm rằng chắc sẽ tốt lành nếu có chút thời gian ngồi dưới chân con người này, thế là anh ta từ ngoài cửa sổ hỏi vào, "Tôi có thể vào được không?"

Nagarjuna nói, "Ông cho rằng ta đã ném bình bát ăn xin để làm gì? - để đem ông vào đấy. Vào đi. Đấy chỉ là lời mời." Tên trộm không thể nào hiểu nổi, nhưng rất bị ấn tượng bởi người này.

Nagarjuna nói, "Ta đã không muốn làm ông thành tên trộm, đó là lí do tại sao ta đã ném chiếc bình bát ăn xin này. Bây giờ ông có thể lấy nó."

Tên trộm nói, "Nó quí giá thế; ông là con người có quyền làm chủ lớn lao với bản thân mình. Tôi cũng hi vọng một ngày nào đó tôi sẽ không là kẻ trộm mà là thầy giống như ông."

Nagarjuna nói, "Sao trì hoãn điều đó? Đó là bí mật rất đơn giản. Ông có thể trở thành thầy."

Ông ta nói, "Ông không hiểu. Tôi là tên trộm. Tôi không thể cưỡng lại cám dỗ."

Nagarjuna nói, "Điều đó không thành vấn đề chút nào. Ông có thể vẫn còn là tên trộm. Ta sẽ cho ông việc thiền nhỏ: bất kì điều gì ông làm, cho dù ông có đi ăn trộm trong cung điện, là nhân chứng cho điều ông đang làm. Ta không muốn ông không là tên trộm; làm bất kì điều gì ông muốn làm, nhưng làm nó với nhận biết tràn đầy. Chỉ là nhân chứng."

Ông ta nói, "Điều này dường như đơn giản. Tôi đã tới nhiều thánh nhân. Họ nói, 'Trước hết ông vứt bỏ việc ăn trộm, bằng không thì ông không thể mang tính tôn giáo được.' Ông là người đầu tiên không yêu cầu tôi vứt bỏ việc ăn trộm."

Nagarjuna nói, "Những thánh nhân đó mà ông đã gặp không phải là thánh nhân. Không vị thánh nào sẽ yêu cầu ông vứt bỏ việc ăn trộm. Tại sao? Làm điều đó thật hoàn hảo đi. Chỉ vẫn còn là nhân chứng."

Tên trộm không thể nào hiểu nổi phương cách này. Sau ba hay bốn ngày ông ta quay lại với Nagarjuna và nói, "Ông rất khôn. Trong bốn ngày này đã có biết bao nhiêu cơ hội để ăn trộm, nhưng khi tôi đi ăn trộm, lấy cái gì đó, thì ngay lập tức tay tôi lại buông lỏng ra. Khoảnh khắc tôi chứng kiến bản thân mình thì việc ăn trộm dường như ngượng nghịu tới mức tôi phải rụt tay lại. Trong bốn ngày tôi đã không có khả năng ăn trộm cái gì cả."

Nagarjuna nói, "Bây giờ đấy là vấn đề của ông; ta không liên quan gì tới điều đó cả. Ông có thể chọn lựa. Ông có thể chọn việc chứng kiến, hay ông có thể chọn việc ăn trộm."

Người này nói, "Chỉ trong bốn ngày này tôi đã có khả năng cảm thấy chân giá trị riêng của mình. Tôi không thể bỏ được việc chứng kiến. Tôi tới với ông."

Điều việc chứng kiến làm là ném bạn trở lại trung tâm của mình. Ở trung tâm bạn là phật. Ở ngoại vi, bạn là ai không thành vấn đề. Một khi bạn bắt đầu sống tại trung tâm, dần dần chu vi của bạn sẽ biến đổi mầu sắc của nó. Nó sẽ trở thành thuần khiết như bạn tại trung tâm. Nó sẽ trở thành từ bi như bạn ở tại trung tâm. Nó sẽ đem mọi hương thơm của trung tâm vào mọi hoạt động của bạn.

Tôn giáo đích thực không thuyết giảng về đạo đức. Đạo đức tới theo cách riêng của nó. Tôn giáo đích thực dạy bạn được định tâm vào bản thân bạn. Thế thì mọi thứ tốt sẽ theo đó, và cái xấu đơn giản không phát sinh. Đấy không phải là vấn đề chọn lựa; một cách vô chọn lựa thì bạn là tốt. Không phải là bạn đang là người tốt; bạn không thể khác được.

Đây là phép màu của Thiền.

Thiền đơn giản nghĩa là chứng kiến.

Những tiếng hét này ném bạn về trung tâm, và một khi bạn đã học được cách ở trung tâm, bạn sẽ biết rằng ở ngoại vi bạn bao giờ cũng là kẻ ăn xin, tại trung tâm bạn bao giờ cũng là hoàng đế. Và ai muốn là kẻ ăn xin? Tôn giáo là giả kim thuật của việc biến đổi kẻ ăn xin thành hoàng đế.

Một nhà thơ Thiền lớn, Ikkyu, đã viết:

Người điên kì quái,

Thổi lên cơn gió kì quái,

Vẩn vơ đây đó,

Giữa những tiệm thổ và tiệm rượu.

Sư chứng ngộ nào

Có thể sánh được với ta

cho dù chỉ một lời?

Ta vẽ phương nam; ta vẽ phương bắc;

Ta đang vẽ phương tây và phương đông.

Ông ấy đang nói "Mọi người coi ta là điên..." Người điên kì quái, thổi lên cơn gió kì quái, vẩn vơ đây đó, giữa những tiệm thổ và tiệm rượu.

Phật đích thực không sợ nhà thổ và tiệm rượu. Các thánh nhân sợ hãi mới thực là những người bị kìm nén; họ không phải là những người được biến đổi.

Sư chứng ngộ nào có thể sánh được với ta?

Phật có thể đi với tự do tuyệt đối nơi bãi chợ. Những người từ bỏ thế giới là những kẻ hèn nhát, kẻ trốn chạy, và họ đã phá huỷ mọi tôn giáo trên thế giới. Mọi tôn giáo đều trong tay của những kẻ hèn nhát.

(8) Ikkyu: Nhất Hưu Tông Thuần

Người tôn giáo đích thực là sư tử, và người đó định tâm trong bản thân mình tới mức người đó không lo nghĩ về việc ở bất kì đâu. Người đó chắc chắn về sự thuần khiết của mình, về vĩnh hằng của mình, về tính thiêng liêng của mình mà người đó biết rằng nếu kẻ trộm có tới mình, chính kẻ trộm sẽ phải thay đổi; nếu gái mãi dâm có tới mình, chính gái mãi dâm sẽ phải thay đổi.

Cái gọi là các thánh nhân của chúng ta sao mà sợ hãi nhiều thế. Nỗi sợ của họ chỉ ra sự kìm nén của họ. Người kìm nén không phải là người tôn giáo; người đó đơn giản ốm yếu, người đó cần trị liệu tâm thần.

Maneesha đã hỏi:

Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Tình yêu của chúng tôi với âm nhạc, thơ ca, điệu vũ, tình yêu của chúng tôi vì bản thân tình yêu - điều đó chẳng gợi ý về sự thôi thúc trong chúng tôi để biến mất sao? Nếu điều đó là như vậy, thì sao thiền, nghệ thuật làm biến mất, lại không tới với chúng tôi một cách tự nhiên hơn?

Maneesha, âm nhạc, thơ ca, điệu vũ, tình yêu chỉ là nửa đường thôi. Bạn biến mất trong một khoảnh khắc, thế rồi bạn trở lại. Và khoảnh khắc này nhỏ bé thế...

Cũng như một vũ công vĩ đại, Nijinsky, đã nói, "Khi điệu vũ của tôi đi tới cao trào của nó, tôi không còn nữa. Chỉ điệu vũ còn đó." Nhưng điều đó xảy ra chỉ cho những khoảnh thời gian nhỏ bé; thế rồi bạn trở lại.

Theo tôi, tất cả những điều này - thơ ca, âm nhạc, điệu vũ, tình yêu - là thứ thay thế nghèo nàn cho thiền. Chúng là tốt, đẹp, nhưng chúng không phải là thiền. Và thiền không tới một cách tự nhiên cho bạn đâu, bởi vì trong thiền bạn sẽ phải biến mất mãi mãi. Không có việc quay trở lại. Điều đó tạo ra nỗi sợ.

Thiền là cái chết - cái chết của tất cả những cái bạn đang là bây giờ. Tất nhiên sẽ có tái sinh, nhưng đó sẽ là con người nguyên thuỷ tươi tắn, hoàn toàn mới mà bạn thậm chí còn không nhận biết đang ẩn kín bên trong bạn.

Điều xảy ra trong thơ ca, trong âm nhạc, trong điệu vũ chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ mà bạn trượt ra khỏi nhân cách của mình và chạm vào cá nhân của mình. Nhưng chỉ bởi vì nó xảy ra cho một khoảnh khắc nhỏ, nên bạn không sợ; bạn bao giờ cũng quay lại.

Trong thiền, một khi bạn đi vào, bạn đi vào hẳn. Thế thì, cho dù khi bạn phục sinh bạn cũng là con người hoàn toàn khác. Nhân cách cũ không còn tìm thấy được ở đâu nữa. Bạn phải bắt đầu cuộc sống của mình lại từ ABC. Bạn phải học mọi điều với đôi mắt tươi tắn, với trái tim hoàn toàn mới. Đó là lí do tại sao thiền tạo ra nỗi sợ.

Upanishads nói rằng thầy là cái chết. Đó là một phát biểu không đầy đủ. Thầy là cái chết nhưng cũng là tái sinh, phục sinh. Thầy không là gì khác hơn việc thiền. Thầy đơn giản cho bạn việc thiền; thầy không thể làm gì khác được. Thầy cho bạn việc thiền để chết đi và được tái sinh.

Thiền nhân có thể chơi nhạc và điều đó sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thiền nhân có thể làm thơ, nhưng thế thì thơ ca sẽ không chỉ là việc soạn lời. Nó sẽ diễn đạt cái gì đó không thể diễn đạt nổi. Thiền nhân không thể làm gì, nhưng thầy sẽ mang cho nó duyên dáng mới, cái đẹp mới, ý nghĩa mới.

Âm nhạc, thơ ca, điệu vũ hay tình yêu có thể trở thành cản trở cho thiền nếu bạn dừng lại ở chúng. Trước hết tới thiền, và thế rồi bạn có thể tạo ra thơ ca lớn và âm nhạc lớn. Nhưng bạn sẽ không là người sáng tạo; bạn sẽ chỉ là chiếc sáo tre hổng. Vũ trụ sẽ hát bài ca qua bạn, sẽ nhảy múa điệu vũ qua bạn. Bạn sẽ chỉ là một địa chỉ - tại chỗ bạn. Sự tồn tại sẽ tự diễn đạt bản thân nó, còn bạn sẽ chỉ là cây tre hổng.

Thiền làm bạn thành cây tre hổng; thế thì bất kì cái gì xảy ra qua tính hổng đó, trái tim trống rỗng đó thuộc vào bản thân sự tồn tại. Thế thì sự tồn tại hát lên các bài ca. Có vài bài ca mà sự tồn tại...

Chẳng hạn, trong Kinh Thánh, kinh Cựu Ước, Bài ca về Solomon là mang tính tồn tại. Điều rất kì lạ là người Do Thái thậm chí không muốn nhắc tới Bài ca về Solomon. Họ rất lo âu nếu ai đó phát hiện ra bài ca này. Nó hay thế, đích thực thế và đúng nữa, nhưng trong thế giới của cái giả này, cái nguỵ tạo này, cái giả dối này, thì bất kì cái gì đích thực cũng đều bị hoài nghi.

Upanishads, Sách về Đạo hay Sách về Mirdad, rất ít tác phẩm điêu khắc... một số bản nhạc cổ điển - một vài mẩu đã giáng xuống từ bản thân sự tồn tại và nhạc sĩ đã chỉ là một nhạc cụ, người đó đã cho phép nó thành hình, lấy hình dạng qua người đó. Khi có liên quan tới tôi, thơ ca và âm nhạc và tình yêu và điệu vũ là những hoạt động mang tính tôn giáo nhiều hơn cái gọi là những nghi lễ tôn giáo, bởi vì ít nhất chúng cũng cho bạn một thoáng nhìn nho nhỏ. Nếu bạn đi theo thoáng nhìn đó thì bạn sẽ đi vào trong thiền.

Thiền không trực tiếp và tự nhiên hấp dẫn bạn bởi vì nỗi sợ lớn về cái chết. Bạn không biết sau cái chết liệu sẽ có phục sinh hay không. Đó là nơi mà thầy được cần tới để cho bạn lời hứa hẹn, niềm tin cậy: "Đừng lo. Cái mà chết đi không phải là bạn, còn cái đang nảy sinh là bản thể nguyên thuỷ của bạn."

Nhưng bạn có thể có thầy chỉ nếu bạn có thể tin cậy vào ai đó. Đó là việc đi vào những con đường rất nguy hiểm. Thiền là điều nguy hiểm nhất. Bạn cần ai đó đã đi trên con đường này rồi, người đã bước đi trên con đường đó, đi tới và lui. Bạn cần ai đó có thể tạo ra dũng cảm, động viên và tin cậy trong bạn để bạn có thể lấy bước nhảy lượng tử.

Bây giờ là lúc của Sardar Gurudayal Singh.

Một sáng Nancy Reagan đang phân loại đồ giặt giũ thì bắt gặp một chiếc áo sơ mi trắng của Ronald. Dường như là bút bi của Ronnie bị vỡ, và nó làm loang mầu đỏ bẩn với một tâm điểm đen trên túi ngực áo sơ mi.

Khi Nancy đưa chiếc áo này cho thợ giặt Trung Quốc, Wank, anh ta giơ nó lên, và nhìn vào vết nhơ vài phút. Thế rồi gật gật đầu chấp thuận, Wank nói với Nancy, "Cú bắn khá đấy!"

Ronald Reagan bị đem ra toà vì bị buộc tội quấy nhiễu con vượn cái tại vườn bách thú Washington. Ông ta bị kết tội nhanh chóng theo một quyết định nhất trí.

Sau đó, quan toà già Grump nhìn vào Reagan và nói, "Thưa ngài tổng thống, ngài còn điều gì để nói cho toà trước khi tôi đọc lời phán quyết cho ngài không?"

"Thưa quí toà," ông tổng thống lão suy nói, "chỉ một điều thôi: Nếu tôi mà biết sẽ có sự nhặng sị về tất cả những điều này, thì tôi đã cưới con mụ đó rồi!"

Cha Dingle đi tới Jerusalem vào ngày nghỉ để xem tất cả thánh tích linh thiêng. Do tò mò, ông ấy tới thăm bệ thờ Do Thái nổi tiếng, bức tường Wailing. Khi ông ấy tới đó, ông ấy quan sát hết sức kinh ngạc khi tất cả mọi người Do Thái cầu nguyện như điên, vung tay và tóc mai cuốn theo gió thoảng.

Bỗng nhiên, ông ấy để ý tới một người đứng hoàn toàn bình thản, nói năng nhỏ nhẹ với bức tường, không có bất kì cử chỉ điên dại nào. Điều đó là kì lạ bởi vì người Do Thái không thể nói mà không vung tay. Cha Dingle đi tới người đó và tự giới thiệu mình.

"Xin chào ông! tên tôi là Cha Dingle," ông linh mục nói, "và tôi không thể đừng mà để ý rằng phương pháp cầu nguyện của ông có khác với mọi người khác quanh đây."

"Cầu nguyện sao?" Moishe, ông già Do Thái nói. "Ai cầu nguyện? Tôi đang nói với Thượng đế đấy chứ! Tôi đang xin lời khuyên của ngài."

"Ô!" Cha Dingle nói với vẻ ngạc nhiên. "Thôi được, tôi không muốn chõ mũi vào nhưng loại lời khuyên gì vậy?"

"Đủ mọi kiểu lời khuyên," Moishe đáp. "Như thế này: Con có nên để con trai mình đi tới Pune không? Con có nên để con gái mình cưới Herno-good, cậu bạn trai người Mĩ không? Làm sao thuyết phục vợ con Ruthie phiêu lưu nhiều hơn trên giường? - những thứ đại loại như vậy đấy."

"Tôi hiểu," Cha Dingle nói. "Thế Thượng đế nói gì với ông?"

"Ha!" Moishe nói. "Nói với tôi á? Tôi đã đứng ở đây ba mươi năm rồi và ông ấy không bảo gì tôi cả! Giống như nói với tường gạch vậy!"

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng. Nhắm mắt lại... cảm thấy thân thể bạn hoàn toàn đông cứng. Bây giờ nhìn vào bên trong, thu lấy toàn bộ tâm thức bạn với sự khẩn thiết dường như đây sắp là khoảnh khắc cuối cùng của bạn. thấm sâu vào trung tâm của bản thể bạn.

Khoảnh khắc bạn đạt tới trung tâm này, bạn là phật. Bỗng nhiên, hàng nghìn hoa bắt đầu mưa rào lên bạn. Toàn thể vũ trụ bắt đầu hân hoan.

Tại khoảnh khắc này chỉ tâm thức là có đó. Mọi sự phân chia biến mất... chỉ việc chứng kiến... và dần dần, chậm rãi, thính phòng Phật trở thành cái hồ tâm thức. Không có mười nghìn chư phật, mà chỉ một phật tính - giống như chiếc hồ không gợn sóng nào. Đây là khuôn mặt nguyên thuỷ của bạn. Toàn bộ cuộc cách mạng tôn giáo là để mang phật từ trung tâm ra chu vi. Khoảnh khắc phúc lạc và an bình làm sao đã tới!

Buổi tối nay đẹp trong chính nó nhưng sự hiện diện của mười nghìn chư phật đã làm cho nó thành huy hoàng oai nghiêm. Để làm cho việc chứng kiến được rõ ràng hơn,

Nivedano...

 (tiếng trống)

Thảnh thơi. Chỉ quan sát. Thân thể không phải là bạn, tâm trí không phải là bạn, bạn chỉ là việc chứng kiến. Kinh nghiệm này về việc chứng kiến là chân lí tối thượng của bản thể bạn. Đây là điều Upanishads đã gọi là satyam, shivam, sunderam - chân lí, cái thiện, cái đẹp.

Tại chỗ này bạn là vĩnh hằng. Bạn chưa bao giờ biết tới việc sinh nào, bạn chưa bao giờ biết tới cái chết nào. Mọi điều xảy ra ở chu vi. Tại trung tâm không có cái chết, không có việc sinh... chỉ bầu trời thuần khiết. Bạn có phúc lành ở đây trong khoảnh khắc vô cùng có giá trị này. Thu lấy thật nhiều hoa và hương thơm... thuyết phục phật đi cùng bạn. Chẳng mấy chốc Nivedano sẽ gọi các bạn lại. Trước điều đó, chứng kiến con đường bạn đã đi qua. Bạn sẽ quay lại qua cùng con đường đó. Việc quen thuộc này với con đường dẫn từ chu vi tới trung tâm là quan trọng nhất, bởi vì bạn sẽ phải đi lại nhiều lần nữa cho tới khi chu vi và trung tâm trở thành một.

Khi Nivedano gọi bạn quay trở lại, nhớ rằng bạn là phật. Quay lại với cùng sự duyên dáng và cái đẹp và niềm vui và niềm phúc lạc.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại, nhưng quay lại như phật, im lặng, an bình, với duyên dáng lớn lao. Ngồi vài khoảnh khắc, chỉ để hồi tưởng và nhớ lại nơi bạn đã ở, con đường nào bạn đã theo. Điều bạn đã kinh nghiệm phải trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn phải diễn đạt phật của mình trong hành động của bạn, trong cử chỉ của bạn, trong lời của bạn, trong im lặng của bạn. Dần dần, dần dần người cũ biến mất đi và người mới được sinh ra. Con người mới này là niềm hi vọng duy nhất cho toàn thế giới. Chúng ta phải truyền bá thông điệp này cho mọi người trên trái đất, Bạn là phật; bạn chỉ quên mất điều đó.

Nhớ lấy, đó không phải là cái gì cần đạt tới, mà chỉ cần được ghi nhớ. Do đó điều đó là rất dễ dàng và rất hiển nhiên.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 2 – Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Thiền - Download Sách Thiền PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Thiền Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post