Chương 2. Gieo Mầm

Chương 2. Gieo Mầm

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Mã Tổ (Ma Tsu)

Gương Rỗng – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 2. Gieo Mầm













Nghe hoặc Tải MP3 'Mã Tổ (Ma Tsu) – Gương Rỗngê


Thầy kính yêu của chúng tôi,

Sau khi nghe lời khai thị đầu tiên của thầy, Nam Nhạc Hoài Nhượng, về nghĩa của pháp, Mã Tổ cảm thấy như mình vừa uống nước cam lồ tuyệt diệu. Sụp lạy thầy, Mã Tổ hỏi, "Phải làm sao để hợp với vô tướng tam muội?"

Thầy nói, "Khi ông chuyên tâm theo con đường của trí huệ bên trong, điều đó cũng giống như gieo hạt vậy. Khi ta dẫn giải cho ông tinh tuý của pháp, điều đó giống như mưa rào từ trên trời. Nếu ông cảm nhận giáo huấn này, ông được định mệnh thấy đạo."

Mã Tổ lại hỏi: "Vì Đạo không sắc tướng, làm sao thấy được?"

Thầy nói: "Pháp nhãn của tâm linh bên trong ông có khả năng cảm nhận đạo. Vô tướng tam muội cũng như vậy."

"Có việc làm và không làm không?" Mã Tổ hỏi.

Với điều này, thầy đáp, "Nếu người ta thấy đạo theo quan điểm làm và không làm, hay tụ và tán, thì người ta không thực sự thấy đạo đâu. nghe kệ của ta đây:

"Mảnh đất của vô trí

chứa nhiều hạt mầm

tất cả đều mọc lên

khi trời mưa xuống.

Hoa tam muội

ngoài sắc và tướng.

Làm sao có thể có

biến đổi nào nữa?"

Tương truyền rằng lúc đó, Mã Tổ được khai ngộ, tâm trí siêu việt trên thế giới hiện tượng. Ông ấy theo hầu thầy suốt mười năm. Trong thời kì này, ông ấy ngày càng tiến sâu vào thiền.

Maneesha, một thầy vĩ đại với thẩm quyền riêng của mình, Nam Nhạc Hoài Nhượng, đang làm việc trên một thầy vĩ đại, Mã Tổ, người ngay bây giờ chỉ là hạt mầm, nhưng chứa phật vĩ đại.

Các bạn cũng là hạt mầm. Điều đó là tuỳ ở bạn nếu bạn vẫn còn đóng. Thế thì bạn sẽ không bao giờ biết được bản tính tối thượng của mình là phật. Một chút ít dũng cảm, một chút ít cởi mở, một chút ít chết đi lớp vỏ bọc của hạt mầm và phật bắt đầu đâm chồi ra trong bạn.

Bạn không thể trách khí hậu được. Mưa có đó. Mây thậm chí đã vào trong thính phòng này, chúng trôi qua ngay trước mắt tôi. Mây mới gần thế... nhưng điều kì lạ là ở chỗ mây càng gần, thì hạt mầm càng trở nên sợ hãi hơn. Sợ cái không biết, sợ... người ta không bao giờ biết cái gì sắp xảy ra bên ngoài. Ẩn kín bên trong lớp vỏ, hạt mầm cảm thấy an toàn hơn, an ninh hơn.

Trên con đường của Thiền bạn phải học những từ quan trọng này: cởi mở, vui mừng trong bất an ninh - thách thức từ cái không biết bao giờ cũng được đón chào. Đó là cách thức trưởng thành. Phần lớn mọi người trong thế giới này, người mà Wilhelm Reich đã gọi là "con người nhỏ bé," đều chết đi như con người nhỏ bé, mặc dầu định mệnh của họ không phải là con người nhỏ bé. Wilhelm Reich hoàn toàn phải đối với quần chúng, đám đông, để gọi cuốn sách của mình là Lắng nghe, hỡi con người bé nhỏ - Listen, Little Man. Nhưng ông ấy tuyệt đối sai bởi vì ông ấy đã không thể thấy được rằng ẩn bên trong con người bé nhỏ đó là phật vĩ đại nhất.

Ông ấy đơn giản kết án con người bé nhỏ bởi vì tất cả mọi con người bé nhỏ đều kết án ông ấy. Ông ấy là một thiên tài; không phải là phật nhưng là một người khổng lồ về trí tuệ, và ông ấy đã bị đám đông kết án. Cuối cùng ông ấy bị buộc sống trong các bức tường của nhà thương điên. Và ông ấy đã nói những điều nhạy cảm vô cùng. Ông ấy đã đem ra một lãnh thổ mới để được khám phá.

Nhưng tất cả những người sợ sệt đó, sợ cái không biết, sợ mất an ninh và an toàn của số dư ngân hàng, đã buộc ông ấy vào nhà thương điên. Và ông ấy không điên. Trong những ngày ở nhà thương điên, ông ấy đã viết những cuốn sách hay nhất của mình. Chúng là bằng chứng rằng ông ấy không điên. Nhưng các chính khách và đám đông và chính phủ tất cả đều thông đồng để buộc ông ấy sống trong nhà thương điên. Họ tất cả đều cười vào những khám phá vô cùng có giá trị của ông ấy về năng lượng con người. Một cách tự nhiên ông ấy giận là phải.

Cho nên khi ông ấy viết cuốn sách Lắng nghe, hỡi con người bé nhỏ - Listen, Little Man, điều đó không phải bắt nguồn từ từ bi, nó là từ phản ứng. Họ đã làm hại ông ấy, và ông ấy ít nhất cũng có khả năng lên án họ. Cuốn sách của ông ấy là hay trong việc mô tả con người bé nhỏ. Nhưng phần bản chất của con người bé nhỏ là hạt mầm, tiềm năng của người đó, điều Reich hoàn toàn quên mất trong cơn giận của mình.

Bằng không thì ông ấy đã rất gần trở nên chứng ngộ. Nhưng trong cơn giận của mình, phản ứng của mình, ông ấy đã không thể nào thấy được vấn đề là mọi người nhất định sẽ lên án ông ấy - việc là thiên tài của ông ấy đã đủ là lí do cho việc kết án ông ấy. Họ nhất định phải đóng đinh ông ấy và điều đó phải được hiểu như quá trình tự nhiên của mọi sự. Nhưng ông ấy đã không thể hiểu nổi rằng chính cái gì đó phải xảy ra cho mọi thiên tài, người mở ra cánh cửa của bất an ninh.

Và bởi vì đám mây giận dữ lớn lao này, ông ấy đã hoàn toàn mù quáng, không có khả năng thấy rằng con người bé nhỏ là phật, ẩn sâu bên dưới như hạt mầm.

Nam Nhạc Hoài Nhượng đang khai thị Mã Tổ.

Sau khi nghe lời khai thị đầu tiên của thầy, Nam Nhạc Hoài Nhượng, về nghĩa của pháp, Mã Tổ cảm thấy như mình vừa uống nước cam lồ tuyệt vời. Sụp lạy thầy, Mã Tổ hỏi, "Phải làm sao để hợp với vô tướng tam muội?"

Điều đầu tiên cần hiểu là nghĩa của pháp - dharma. Không may tiếng Phạn từ 'dharma' - hay tiếng Pali từ mà Phật hay dùng, 'dhamma' - đã bị các nhà thông thiên dịch sai là 'tôn giáo', và theo các học giả nó đã được dịch thành 'pháp (luật)', luật tối thượng. Cả hai đều bỏ lỡ vấn đề.

Pháp - dharma không phải là tôn giáo. Thực tế nếu bạn đi tới gốc rễ của từ này, thì tôn giáo nghĩa là cái ràng buộc bạn lại, còn pháp nghĩa là cái giải phóng bạn ra. Chúng tuyệt đối mâu thuẫn với nhau. Pháp đơn giản nghĩa là bản tính cố hữu của bạn. Nó không được viết trong kinh sách và không ai có thể nói cho bạn pháp của bạn là gì. Bạn phải tự tìm nó. Đây là phẩm hạnh lớn lao, được sự tồn tại ban cho từng cá nhân, rằng bạn không phải sống theo tri thức vay mượn. Nguồn sống của cuộc sống chỉ tuôn chảy ngay cạnh đó thôi. Sao không uống nó và được giải khát đi?

Mã Tổ nói, sau khi hiểu nghĩa của pháp, rằng ông ấy cảm thấy như mình vừa uống nước cam lồ tuyệt diệu. Bạn càng đi sâu vào trong thiền của mình, thì bạn càng tới gần dòng suối vĩnh hằng của cội nguồn cuộc sống của bạn. Nó là nước cam lồ thuần khiết, bởi vì nó tuyên bố về cái bất tử của bạn, nó tuyên bố cái vĩnh hằng của bạn. Nó tuyên bố rằng cái chết là hư cấu; điều đó chưa bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra cho bất kì ai. Người ta chỉ đổi nhà; người ta lấy một dạng khác hay có thể đi vào sự tồn tại vô hình dạng.

Phát biểu của Mã Tổ rằng ông ấy cảm thấy như mình vừa uống nước cam lồ tuyệt diệu chỉ ra hiểu biết vô cùng của ông ấy. Ông ấy là người rất mới trong thiền, ông ấy còn trẻ thế. Nhưng tuổi tác không liên quan gì tới việc nhận ra của bạn. Không phải là khi bạn già đi thì bạn mới có khả năng trở thành phật dễ dàng. Ngược lại, bạn càng già đi càng trở thành khó khăn hơn cho bạn để vứt bỏ đi thói quen, quan niệm, ý thức hệ cả đời của bạn.

Mới hai năm trước đây Giáo hoàng Polack đã ở Ấn Độ và ông ta đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng chính những người nghèo và mồ côi đã được cải đạo thành Ki tô giáo đang làm cùng điều họ đã từng làm trước đây trong nhà thờ: thắp hương, đem hoa tới cho Jesus Christ. Ông ấy không thể nào tin nổi điều các linh mục này đang làm, bởi vì những người này đã làm đích xác điều họ quen làm trong đền chùa của họ. Thay vì Krishna, bây giờ Christ có đó, mọi thứ khác vẫn thế.

Nhưng các các linh mục bảo ông ấy rằng họ phải suy xét, thoả hiệp. Những người này không thể hiểu nổi tôn giáo mà không có hương, không có hoa. Và giáo hoàng nhân nhượng rằng với người Ki tô giáo Ấn Độ thì thế là được.

Khi bạn già đi, sự việc trở nên rất khó để thay đổi ý thức hệ của bạn, niềm tin cả đời của bạn. Điều đó trở nên ngày một khó hơn. Người già trở nên cứng rắn, và theo cùng cách đó mọi thứ quanh người đó cũng trở nên cứng rắn. Tình huống tốt nhất để trưởng thành trong tiềm năng của bạn là thời niên thiếu. Tiếp đó là thời thanh niên của bạn. Với phần lớn mọi người có lẽ thời niên thiếu sẽ bị bố mẹ, tu sĩ làm hỏng mất.

Tôn giáo đích thực phải phụ thuộc vào tuổi trẻ, bởi vì tuổi trẻ có bản chất nổi dậy nào đó của nó. Thanh niên có thể nổi dậy chống lại toàn bộ quá khứ mà không mặc cảm gì. Anh ta có thể chùi sạch trái tim mình mọi kinh sách và tượng cũ, và thách thức cái không biết khuấy động trái tim mình. Anh ta muốn chấp nhận thách thức lớn lao, và đây là thách thức lớn lao nhất trong cuộc sống - cho phép hạt mầm của bạn mở ra hướng tới những bầu trời không biết, tới những làn gió, mặt trời, cơn mưa; người ta không bao giờ biết cái gì sẽ xảy ra cả.

Không có ai để hướng dẫn hạt mầm, không có kinh sách cho hạt mầm đọc. Hạt mầm đang nhận lấy rủi ro bằng việc bước ra, và bạn nên hiểu rằng rủi ro không phải là nhỏ đâu. Rủi ro này đích xác là cái chết đấy. Hạt mầm phải chết đi trong đất; chỉ thế thì chồi của tiềm năng của hạt mầm mới bắt đầu mọc lên. Có lẽ nó sẽ trở thành hoa hồng, hay hoa sen, hay loại hoa nào đó. Điều đó không thành vấn đề. Điều thành vấn đề là việc nở hoa, không phải là cái tên hoa. Hoa dại cũng đẹp như hoa hồng quí giá. Theo một cách nào đó chúng là anh em, rằng chúng cả hai đã đi tới việc nở hoa của mình. Chúng cả hai đều tận hưởng niềm vui của sự trưởng thành, chúng cả hai đều đã thấy bằng con mắt riêng của mình điều được ẩn kín trong hạt mầm của chúng. Chúng cả hai đã nhận lấy cùng rủi ro và cùng thách thức.

Trong thực tế đó là cái chết và sự phục sinh. Hạt mầm chết đi và phục sinh thành nhiều bông hoa, thành nhiều quả, thành nhiều hạt mầm. Người ta nói rằng chỉ một hạt mầm cũng có thể làm cho cả trái đất thành xanh tươi. Chỉ một cây thôi thì không phải là tiềm năng của nó. Trên một cây đó hàng nghìn hạt mầm sẽ lại tới, mỗi hạt mầm lại mang hàng nghìn hạt mầm.


Chỉ một hạt mầm có thể lấp đầy cả trái đất với mầu lục tuyệt đối. Khả năng mênh mông thế trong một hạt mầm nhỏ bé! Và bạn là hạt mầm sống, có ý thức. Điều quí giá nhất trong sự tồn tại là ở bên trong bạn: tâm thức. Hạt mầm đang dò dẫm trong bóng tối, vẫn đang tìm đường. Còn bạn là ý thức, bạn có chút ít ánh sáng, nhưng nếu bạn không đi từ vị trí của mình, bạn vẫn còn là con người bé nhỏ. Trong thực tế bạn ghét tất cả những người đã sang bờ bên kia bởi vì chính việc sang của họ lên án bạn, rằng bạn đã thất bại không hoàn thành được định mệnh riêng của bạn.






Sụp lạy thầy, Mã Tổ hỏi, "Phải làm sao để hợp với vô tướng tam muội?"

Thầy phải đã nói với ông ấy rằng chừng nào ông ấy còn chưa trở nên hoà hợp với sự tồn tại trong im lặng hoàn toàn, ông ấy không thể nào biết được pháp, chính nguyên lí của cuộc sống và sự tồn tại. Câu hỏi của Mã Tổ là câu hỏi của người tìm kiếm chân thực. Ông ấy yêu mến điều thầy nói, ông ấy cảm thấy nó dường như là nước cam lồ tuyệt diệu - nhưng ông ấy sẽ không tin vào nó. Vẫn còn có những điều cần được giải quyết. Câu hỏi của ông ấy không phải là câu hỏi của học sinh, nó là câu hỏi của người sẽ trở thành thầy.

"Phải làm sao để hợp với vô tướng tam muội?"

Ông ấy đã cắt bỏ đi mọi câu hỏi không cần thiết và đi tới đích xác điều đúng, làm sao người ta phải hài hoà với vô tướng tam muội.

Tam muội - samadhi là từ tiếng Phạn, rất hay trong nghĩa của nó. Nó bắt nguồn từ một gốc nghĩa là, nơi không có câu hỏi và không có câu trả lời, khi im lặng của bạn sâu lắng tới mức bạn thậm chí không có câu hỏi nữa; câu trả lời bị bỏ nơi xa xăm nhưng bạn thậm chí không có cả câu hỏi. Hồn nhiên như thế, chỉ là im lặng, được gọi là tam muội samadhi. Và trong tam muội này bạn có thể rơi vào hoà hợp với nhịp đập của vũ trụ. Chỉ trong tam muội bạn có thể trở thành một với cái toàn thể. Không có cách khác.

Mọi ngày điều chúng ta đang làm nhân danh thiền là đi tới tam muội. Thiền là chỗ bắt đầu và tam muội là chỗ kết thúc. Câu hỏi của Mã Tổ là câu hỏi của phật tiềm năng. Ông ấy không hỏi về điều không tinh tuý, chỉ hỏi những điều tinh tuý.

Thầy nói, "Khi ông chuyên tâm theo con đường của trí huệ bên trong, điều đó cũng giống như gieo hạt vậy. Khi ta dẫn giải cho ông tinh tuý của pháp, điều đó giống như mưa rào từ trên trời. Nếu ông cảm nhận giáo huấn này, ông được định mệnh thấy đạo."

Đạo trong tiếng Trung Quốc để chỉ điều chúng ta gọi là tam muội; người Nhật gọi nó là satori, người Trung Quốc gọi nó là đạo. Đạo có lẽ là từ tốt nhất trong tất cả các cách diễn đạt này, bởi vì nó không phải là một phần của ngôn ngữ. Nó đơn giản chỉ ra cái gì đó không thể diễn đạt được, cái gì đó bạn có thể biết nhưng không thể nói được, cái gì đó bạn có thể sống nhưng không thể diễn tả được. Nó là cái gì đó bạn có thể nhảy múa, bạn có thể ca hát, nhưng bạn không thể thốt ra lời về nó được. Bạn có thể là nó; bạn có thể là cách diễn đạt của Đạo, nhưng bạn không thể nói cái bạn đang diễn đạt.

Mã Tổ lại hỏi: "Vì Đạo không sắc tướng, làm sao thấy được?"

Bạn phải hiểu đối thoại này rất sâu sắc, bởi vì nó sẽ cho bạn chiều hướng đúng về điều phải được hỏi. Có hàng nghìn thứ để hỏi, nhưng điều tinh tuý lại rất ít và chừng nào mà bạn còn chưa bắt đầu bằng việc hỏi điều tinh tuý, bạn sẽ không đi tới gần chân lí.

Khi Nam Nhạc Hoài Nhượng nhắc tới Đạo, Mã Tổ lập tức hỏi: "Vì Đạo không sắc tướng, làm sao thấy được? - thầy vừa nói rằng nếu tôi đi vào tam muội, tôi sẽ thấy Đạo mà."

Thầy nói: "Pháp nhãn của tâm linh bên trong của con có khả năng cảm nhận đạo. Vô tướng tam muội cũng như vậy."

Chính bởi lí do này mà phương Đông đã phát triển khái niệm về con mắt thứ ba. Hai con mắt này chỉ có thể thấy hình tướng, mầu sắc, nhưng chúng không thể thấy cái vô hình và vô sắc. Đối với cái vô hình và vô sắc chúng là mù. Trong tam muội bạn nhắm những con mắt này lại và một cảm nhận mới, mà có thể gọi một cách biểu tượng là 'con mắt thứ ba', nảy sinh trong bạn; nhạy cảm mới có thể cảm và thấy điều vốn là không thể thấy được đối với các giác quan bên ngoài của bạn.

Pháp nhãn, chính là con mắt thứ ba của tâm linh bên trong của bạn, có khả năng cảm nhận Đạo. Khi tôi nói với bạn trong thiền, "đi sâu hơn, nhìn sâu hơn," là tôi đang cố gắng theo mọi cách để cho con mắt thứ ba của bạn, vẫn còn đang ngủ, được mở ra. Mã Tổ vẫn hỏi, "Có việc làm và không làm không?"

Chúng ta có thể làm cái gì đó bên trong không? Chúng ta có thể làm ra phật bên trong không? Vẫn có sáng tạo nào đó bên trong chứ? Đó là câu hỏi rất sâu sắc.

Với điều này, thầy đáp, "Nếu người ta thấy đạo theo quan điểm làm và không làm, hay tụ và tán, thì người ta không thực sự thấy đạo đâu. nghe kệ của ta đây"

Ông ấy nói rằng khi có liên quan tới thế giới bên trong của bạn thì phật đã có đó rồi; bạn không phải làm ra điều đó. Mọi thứ đều như nó đáng phải vậy trong thế giới bên trong của bạn.

Tôi nhớ tới một nhà khoa học Nga, Kirlian, người đã mang một cách nhìn mới cho nhà khoa học khách quan; hệ luỵ của điều này lớn lắm. Ông ấy là nhà nhiếp ảnh lớn và ông ấy đã hoàn thiện và làm tinh vi cho ống kính của mình. Toàn thể ý tưởng của ông ấy là ở chỗ nếu cái gì đó bị ẩn dấu trong hạt mầm như một tiềm năng, thế thì có lẽ có thể chụp được ảnh của tiềm năng đó bằng ống kính tốt hơn.

Đó đã là một ý tưởng kì lạ, nhưng các nhà khoa học và nhà huyền môn và các triết gia và các nhà thơ tất cả đều có chút ít kì quái. Mọi người đều cố thuyết phục ông ấy: "Đừng làm điều vô nghĩa thế, làm sao ông có thể thấy được hoa hồng trong hạt mầm?"

Ông ấy nói, "Nếu nó sẽ hiện hữu, thế thì nó phải hiện diện bằng cách nào đó - có lẽ mắt chúng ta không có khả năng thấy được nó." Và cuối cùng ông ấy đã thành công. Ông ấy xoay xở tạo ra ống kính có thể chụp ảnh của điều sẽ xảy ra trong tương lai. Ông ấy sẽ đặt hạt mầm trước máy ảnh của mình và tấm ảnh sẽ là của bông hoa hồng.

Và thế rồi ông ấy sẽ đợi cho hạt mầm này chết đi trong đất - và đó là một trong những phép mầu của thiên tài hiện đại, là khi hoa hồng thực xuất hiện, nó đích xác hệt như trong chiếc ảnh. Ông ấy đã bắt được tương lai vào trong cái lưới của mình.

Ông ấy đã trở nên bị thuyết phục rằng nếu điều đó mà đúng cho hạt mầm thì người ta có thể dùng điều đó trong nhiều việc. Chẳng hạn, kĩ thuật chụp ảnh của Kirlian bây giờ đã trở thành điều tuyệt đối phải có ở trong các bệnh viện Nga. Mọi người tới chỉ để được kiểm tra, để xem liệu có khả năng bị bệnh tật nào trong tương lai hay không.

Ống kính của ông ấy thậm chí đã trở thành ngày một tinh tế hơn sau khi ông ấy chết; cả một trường phái các nhà nhiếp ảnh kiểu Kirlian đã làm việc theo điều đó. Họ có thể thấy được ít nhất từ sáu tháng trước. Nếu bạn sắp bị ốm trong khoảng thời gian sáu tháng, thì tấm ảnh sẽ chỉ ra điều đó - rằng sau sáu tháng bạn sẽ bị ung thư. Không có cách khác để tìm ra điều đó, nhưng điều đó có thể được trị liệu mặc dầu nó còn chưa trở nên biểu lộ. Đó là phúc lành vô cùng cho y học. Chúng ta có thể chữa cho mọi người trước khi họ bị ốm.

Điều chúng ta thấy bằng mắt của mình không phải là tất cả. Ngay cả trong thế giới bên ngoài thì mắt chúng ta cũng có giới hạn. Kĩ thuật chụp ảnh của Kirlian đã vượt hơn mắt chúng ta khi nhìn vào thế giới đối thể. Theo cùng cách đó con mắt thứ ba mở vào thế giới bên trong và đem bạn tới toàn thể tiềm năng của bạn trong sự tràn đầy của nó. Bạn không phải làm gì, bạn chỉ phải nhận ra nó. Phật không được làm ra, phật chỉ được nhớ tới.

Nam Nhạc Hoài Nhượng nói, "Nghe kệ của ta đây." Đó là cách thức cổ đại; 'kệ' nghĩa là thơ ca. "Điều ta có thể nói được bằng văn xuôi thì ta đã nói rồi. Bây giờ nghe thơ của ta. Cái gì đó mà ta đã không thể nào nói được trong văn xuôi lại có thể được nói trong thơ đấy.

"Mảnh đất của vô trí

chứa nhiều hạt mầm

tất cả đều mọc lên

khi trời mưa xuống.

Chúng đã tới và bây giờ điều đó là tuỳ ở bạn đón nhận lấy thách thức.

Hoa tam muội

ngoài sắc và tướng.

Làm sao có thể có

biến đổi nào nữa?"

Tương truyền rằng lúc đó, Mã Tổ được khai ngộ, tâm trí siêu việt trên thế giới hiện tượng. Ông ấy theo hầu thầy suốt mười năm. Trong thời kì này, ông ấy ngày càng tiến sâu vào thiền.

Kanzan đã viết:

Trong nhà tôi có một cái hang,

và trong hang không có gì cả -

thuần khiết và trống rỗng diệu kì,

chói lọi, với ánh sáng

như mặt trời.

Bữa ăn chay sẽ có tác dụng

cho thân thể già này,

tấm áo khoác tả tơi sẽ che phủ

hình dạng ma quái này.

Cứ để cả nghìn thánh xuất hiện

trước tôi - tôi có

phật của chân lí siêu phàm!

Một khi bạn đã nhìn vào cái hang bên trong của mình và đã tìm ra ánh sáng, cuộc sống, chính ngọn nguồn của bản thể bạn, thế thì cái gọi là các thánh nhân không có nghĩa gì cả. Họ chỉ là các nhà đạo đức, tuân theo một hệ thống đạo đức nào đó, những niềm tin, nhưng họ không có chân lí. Nếu bạn có chân lí thế thì ngay cả nghìn thánh nhân cũng không thể nặng hơn phật của bạn. Phật của bạn là điều tối thượng và nó không được vay mượn. Bạn đã khám phá ra nó.

Maneesha đã hỏi:

Thầy kính yêu của chúng tôi,

Tôi yêu mến cách diễn đạt, "Bước một bước tới Allah và ông ấy sẽ chạy nghìn bước tới bạn."

Điều đó dường như gợi ý rằng sự cảm thụ không phải hoàn toàn thụ động chờ đợi mà yêu cầu sự tham gia nào đó.

Ngay cả để nhận một bông hoa, người ta không phải giữ nó trong tay sao? Hay tôi trên đường sai rồi?

Đúng đấy, Maneesha, bạn trên con đường sai rồi. Câu ngạn ngữ đó có nguồn gốc từ Hồi giáo, "Bước một bước tới Allah và ngài sẽ chạy nghìn bước tới bạn."

Nhưng trong thế giới của Thiền thì không có Allah, và khi có liên quan tới bên trong của bạn, chỉ bước một bước thôi và bạn là Allah. Không ai chạy tới cả. Ngược lại, bạn đi tới chỗ dừng lại. Chỉ một bước, bên trong - câu ngạn ngữ đó của người Hồi giáo vẫn là về Thượng đế bên ngoài - bạn bước một bước và Thượng đế sẽ chạy về phía bạn. Nhưng loại Thượng đế đó không tồn tại, cho nên đừng phí bước đi của bạn một cách không cần thiết! Tiết kiệm nó đi, bạn sẽ cần nó để đi vào trong. Và khoảnh khắc bạn đi một bước vào trong, bạn là Allah. Trong thế giới của Thiền loại phát biểu đó không áp dụng được chút nào.

Bây giờ mây đã tới, thực sự với khẩn trương vô cùng! Năm nay Pune sẽ bị lụt mà không cần Shankaracharya phải tự tử. Chỉ tiếng cười của mười nghìn chư phật là đủ để gọi tất cả mây của thế giới. Chúng không cần hộ chiếu nào, visa nào. Chúng không phải đi qua bất kì hải quan nào. Chúng là chư phật tự do di chuyển trong bầu trời, và khi chúng thấy mười nghìn chư phật tụ tập, thì tự nhiên chúng chạy tới - đặc biệt vào lúc tôi sẽ kể cho bạn chuyện cười.

Sardar Gurudayal Singh đâu rồi? Cười to lên. Cuốn sách này định dành cho Sardar Gurudayal Singh, người duy nhất trong lịch sử cười trước khi chuyện cười được kể. Tin cậy đến thế! Bạn nên học tin cậy từ Sardar Gurudayal Singh.

Maggie MacTavish chết và bỏ lại Hamish già thành người goá vợ. Điều ấy làm nhẹ nhõm cho ông ấy tới mức ông ấy phấn khởi quá chạy xô tới gặp ông Tomb, người làm dịch vụ lễ tang. "Để chôn vợ tôi phải tốn bao nhiêu?" Hamish hỏi.

"Năm trăm bảng," Tomb đáp, xoa xoa hai tay.

"Những năm trăm cơ à?" Hamish lúng búng, giữ chặt lấy hầu bao. "Ông không thể lấy ít hơn được sao?"

"Thôi được," ông Tomb đáp, "giá rẻ nhất mà tôi có thể làm được là ba trăm bảng."

"Lạy Trời!" Hamish rền rĩ, vừa đếm tiền ra, "tôi ước là bà ấy vẫn còn sống!"

Magic Mushroom Melvin, ông già hippie, bận rộn làm bữa trưa cho ông bạn thân của mình, Buffalo Grass.

"Úi, cậu!" Melvin nói, bước lùi lại từ bồn rửa bát và ngồi xuống hút vài điếu thuốc. "Đó là công thức làm món ăn phóng túng nhất mà tớ đã từng thử."

"Hấp dẫn đấy, cậu!" Buffalo Grass nói, trong một đám khói. "Cái gì vậy?"

"Đấy là món sa lát, cậu!" Melvin nói. "Này, mát đấy, cậu - sa lát!" Buffalo Grass đồng ý. "Cậu làm nó thế nào vậy?"

"Thế này, nó dễ lắm, cậu!" Melvin nói, "cậu cắt rau diếp, khoai tây, dưa chuột và cà rốt; rồi cậu ném một ít LSD vào, đứng lùi ra, và quan sát món sa lát tự nó lắc nó!"

Dilly và Dally là anh em sinh đôi giống hệt nhau, sống ở một thị trấn nhỏ gần biển.

Dilly có gia đình còn Dally vẫn một mình, nhưng anh ta giữ một chiếc thuyền chèo nhỏ.

Một hôm vợ Dilly chết, và vài ngày sau, chiếc thuyền chèo của Dally cũng bị chìm.

Đang bước đi trên phố một tuần sau đó, Dally gặp bà Godball, vợ ông giám mục. Bà Godball lầm Dally, người chủ thuyền, là Dilly, người vừa mất vợ. "Tôi rất buồn khi biết tin về mất mát to lớn của anh!" Bà Godball nói.

"Ôi, cám ơn bà quá!" Dally, thuyền nhân, đáp, "nhưng tôi không buồn chút nào đâu. Nó là cái đồ cũ rích ngay từ đầu rồi. Nó có một vết nứt khổng lồ đằng trước và một lỗ hổng lớn đằng sau, mà cứ mỗi ngày lại to hơn khi tôi dùng nó. Nó sặc mùi cá ươn và thường rò rỉ nước mọi lúc. Đáy nó mới thực sự bị xước tệ lắm và bất kì khi nào có gió thì thật không an toàn mà tới gần nó.

"Tuần trước, ba gã đàn ông tới để tìm trò vui, cho nên tôi cho họ thuê nó. Tôi bảo họ cứ thoải mái với nó đi, nhưng cả ba kẻ ngốc đó đều muốn chui vào nó một lúc. Tất nhiên, nó nứt toác từ sau ra trước. Bây giờ thì nó qua đời rồi, và tôi rất sung sướng về điều đó!"

Bà Godball ngất xỉu.

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng. Nhắm mắt lại, và cảm thấy thân thể bạn hoàn toàn bị đông cứng. Nhìn vào bên trong với thôi thúc khẩn thiết. Đi ngày một sâu hơn, cho tới khi bạn tới cội nguồn của chính bản thể mình. Nó ở rất gần - chỉ một bước thôi và bạn là phật.

Buổi tối đẹp thế, và mưa nhảy múa hân hoan trong im lặng của bạn, hân hoan trong tam muội của bạn.

Chư phật mây này đã tới từ nơi xa xăm thế, đừng để họ xuống thấp. Đi ngày một sâu hơn không cần phải sợ.

Đó là không gian riêng của bạn và đó là quyền tập ấm riêng của bạn để là phật.

Để làm cho điều đó tuyệt đối rõ ràng rằng bạn không là thân thể, không là tâm trí, mà chỉ là một nhân chứng,

Nivedano...

(tiếng trống)

Thảnh thơi, và chỉ là nhân chứng. Việc chứng kiến này là cái tên khác của phật.

Việc chứng kiến làm bạn thành gương rỗng, phản xạ mọi thứ mà không bị đồng nhất. Và đây là phép màu của thiền; nó cho bạn tự do, nó cho bạn cõi bên kia.

Thu lấy kinh nghiệm này, hương thơm này, bởi vì sắp đến lúc bạn sẽ được gọi lại.

Nếm nước cam lồ, dòng suối chảy vĩnh hằng của cuộc sống bạn, để nó chìm sâu vào từng thớ thịt bạn, bởi vì điều đó sẽ là cách sống hai mươi bốn tiếng.

Sống hay chết, bạn phải vẫn còn như phật.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại, nhưng quay lại như phật với tam muội, với cảm giác về nước cam lồ. Ngồi xuống vài khoảnh khắc, chỉ hồi tưởng lại kinh nghiệm về nơi bạn vừa ở, về điều bạn đã là.

Mọi ngày điều đó phải trở nên ngày một sâu hơn.

Được chứ, Maneesha??

Vâng, Thưa Thầy kính yêu.

Chúng ta có thể mở hội chư phật được chứ?

Vâng, Thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 3Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Osho - Download Sách Osho PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Osho Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post