Chương 2. Ra Ngoài Trống Rỗng

Chương 2. Ra Ngoài Trống Rỗng

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Nam Tuyền (Nansen)

Điểm Khởi Hành – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 2. Ra Ngoài Trống Rỗng









Nghe hoặc Tải MP3 'Nam Tuyền (Nansen) – Điểm Khởi Hànhê


Osho ơi,

Một sư hỏi Nam Tuyền, "Từ tổ sang tổ đều có truyền trao. Cái gì là cái họ muốn truyền trao từ tổ nọ sang tổ kia?"

Nam Tuyền nói, "Một, hai, ba, bốn, năm."

Sư lại hỏi, "Cái gì là cái người cổ đại sở hữu?"

Thầy nói, "Khi nào nó có thể được sở hữu, ta sẽ bảo cho ông."

Sư nói một cách nghi hoặc, "Thưa thầy, sao thầy phải nói dối?"

Thầy đáp, "Ta không nói dối. Huệ Năng nói dối."

Một lần khác một sư nói với Nam Tuyền, "Có ngọc trên trời; làm sao chúng tôi có thể lấy được nó?"

Nam Tuyền nói, "Chặt tre và làm thang; bắc nó lên trời và trèo lên lấy nó!"

Sư nói, "Làm sao thang có thể dựng lên trời được?"

Nam Tuyền nói, "Làm sao ông có thể hoài nghi về việc lấy ngọc của mình?"

Maneesha, rất hãn hữu mới tìm ra so sánh chính xác giữa hai nhà huyền môn. Nhưng đôi khi cách diễn đạt của họ là như nhau, biểu tượng và biểu dụ của họ là như nhau. Điều đó ngẫu nhiên xảy ra bởi vì họ có thể đã không biết nhau chút nào. Đây là trường hợp như vậy mà Maneesha đã đem tới:

Một sư hỏi Nam Tuyền, "Từ tổ sang tổ đều có truyền trao. Cái gì là cái họ muốn truyền trao từ tổ nọ sang tổ kia?"

Đó là một câu hỏi rất hàm chứa, nhưng gần như không thể nào trả lời được. Nhưng chính sự hiện hữu của thầy lại đem điều không thể được vào bên trong những giới hạn có thể được - nếu không phải là bản thân mặt trăng, thì ít nhất cũng là sự phản xạ. Và sự phản xạ có thể được đem lại. Và qua sự phản xạ người ta có thể tìm được mặt trăng.

Nam Tuyền nói, "Một, hai, ba, bốn, năm."

Điều này làm tôi nhớ tới Kabir. Tôi không nghĩ đã biết về người khác, nhưng đây là cách Kabir thường hay trả lời các câu hỏi, đích xác là một. Với bất kì ai điều đó đều có thể có vẻ như câu đố, nhưng nó không phải là câu đố. Nó là cách chỉ ra cái không thể nói ra được.

Kinh nghiệm là về cái không. Cho nên khi kinh nghiệm chứng ngộ xảy ra, nó là một; không có gì khác hơn sự bừng sáng. Nhưng ngay lập tức bạn nhận ra sự bừng sáng, ngay lập tức việc nhận biết tới, nó trở thành hai. Vào lúc bạn nhận ra, đó là sự nhận biết mơ hồ, vẫn còn chưa thành quan niệm. Khi bạn quan niệm nó như chứng ngộ, như thức tỉnh, như phật tính, nó đã trở thành ba. Khi bạn nói nó cho ai đó khác - đó là việc truyền trao - khi bạn truyền đạt nó, trao đổi với ai đó khác, nó trở thành bốn. Và nếu người mà bạn đã truyền đạt nó hiểu nó, thì nó trở thành năm.

Tại từng bước bạn cứ đi xa mãi từ cái không, nhưng chẳng cái gì có thể được làm về nó. Đó là bản chất của thực tế. Bây giờ nó không còn là câu đố khi bạn hiểu điều họ ngụ ý bởi một, hai, ba, bốn, năm. Đến năm thì việc truyền trao mới hoàn chỉnh.

Sư lại hỏi, "Cái gì là cái người cổ đại sở hữu?"

"Người cổ đại" không mang nghĩa những người của thời xưa. 'Người cổ đại' nói tới những người đã đạt tới những chiều cao của tâm thức. Họ là những người cổ đại thực, không theo thời gian mà theo tâm thức. Theo thời gian họ có thể là người đương đại, họ có thể ngồi bên cạnh bạn. Khi có liên quan tới thời gian, bạn có thể đồng đại với phật. Nhưng chiều cao tâm thức của ông ấy đã đưa ông ấy vượt xa. Ông ấy đã trở thành người cổ đại.

Thông thường khi một người trở nên già, chúng ta không gọi người đó là cổ đại. Người đó chỉ được gọi là già cả. Nhưng nếu một người trở thành phật, thế thì không chỉ theo thời gian người đó đã trở thành già, trưởng thành, chín chắn, mà bên ngoài thời gian người đó đã đạt tới chính ngọn nguồn của cuộc sống nơi mọi chư phật cổ đại đã đạt tới. Đó là cùng một cội nguồn. Người đó đã trở thành một với tất cả mọi chư phật.

Cho nên khi những câu hỏi này được hỏi, bao giờ bạn cũng nhớ, 'người cổ đại' không có nghĩa người già, hay người của thời xưa. Nó có nghĩa con người của tâm thức lớn hơn, của các đỉnh cao lớn hơn của con người. Họ là những người cổ đại thực sự. Họ có thể đương đại với bạn, nhưng bạn tồn tại chỉ trên những mức độ khác biệt thế, bạn không thể gọi họ là đồng đại với mình được.

"Cái gì là cái", sư lại hỏi, "người cổ đại sở hữu?"

Thầy nói, "Khi nào nó có thể được sở hữu, ta sẽ bảo cho ông."

Thầy đang nói rằng cái đó không bao giờ có thể được sở hữu hoặc bởi bạn hoặc bởi bất kì người cổ đại nào. Khi bạn đạt tới kinh nghiệm đó, bạn bị tràn ngập bởi nó. Nó sở hữu bạn, không phải bạn sở hữu nó. Bạn có thấy khác biệt khi bạn bị sở hữu không? Kinh nghiệm này còn lớn hơn bạn rất nhiều. Bạn bị hấp thu vào trong nó.

Thầy là phải khi thầy nói, "Khi nào nó có thể được sở hữu, ta sẽ bảo cho ông." Như chỗ tôi biết, nó không thể nào bị sở hữu; bạn phải sẵn sàng để bị nó sở hữu. Nhưng Thiền không làm đầy đủ các câu của nó; nó để mọi thứ mở; nó đơn giản nêu ra gợi ý. Đó là phép thử trí thông minh của người hỏi để hoàn chỉnh nó.

Sư nói một cách nghi ngờ, "Thưa thầy, sao thầy phải nói dối? Thầy sở hữu nó. Và thầy đang nói dối tôi." Người đó đã bỏ lỡ vấn đề. Thầy không sở hữu nó; nó sở hữu thầy. Bởi vì việc sở hữu của nó với thầy, nên thầy không còn nữa. Nó là cái không thuần khiết mà qua đó toàn thể sự tồn tại có thể đi qua - không cản trở, chỉ là sự cảm nhận thuần khiết.

Thầy đáp, "Ta không nói dối. Huệ Năng nói dối."

Huệ Năng là thầy của thầy. Thầy nói rằng, "Ông nên tới Huệ Năng. Ông ấy đã nói dối ta rằng 'Đúng, chân lí có thể được sở hữu.' Nhưng khi ta đạt tới điểm đó, tảng đá nơi ông nhảy vào cái không, đó lại là câu chuyện khác hoàn toàn. Ta bị nó sở hữu; ta không được tìm thấy ở đâu cả; kinh nghiệm này quá nhiều. Ta không thể giữ nó trong tay ta; nó giữ ta từ mọi hướng.

"Ta không nói dối. Nếu ông muốn bất kì lời dối trá nào, ông nên tới thầy ta Huệ Năng. Ông ấy đã nói dối ta." Nhưng điều đó được nói ra với sự kính trọng lớn lao. "Bởi vì việc nói dối của thầy mà ta mới có thể đi tới điểm nơi chân lí sở hữu ta. Nếu mà thầy không nói dối, ta sẽ không đi lấy một li."

Tất cả các thầy đều phải nói dối, bởi vì không có cách nào để nói ra chân lí. Nhưng với phương thức nào đó bạn có thể bắt đầu đi hướng tới chân lí.

Tôi đã kể cho các bạn câu chuyện này nhiều lần rồi. Nhà một người bị cháy. Anh ta có lũ con còn bé lắm trong nhà. Một đám đông đã tụ tập bên ngoài và họ đang gọi lũ trẻ, "Chạy ra khỏi nhà đi. Vài phút nữa sẽ không có lối ra đâu." Và không ai dám vào. Điều đó là nguy hiểm. Lửa cháy mạnh thế.

Và vừa lúc đó người bố của tụi trẻ từ cửa hiệu trở về. Tụi trẻ con không nghe lời những người hàng xóm, bởi vì chúng không thể hiểu được. Chúng thực sự thích thú ngọn lửa khắp quanh nhà; chúng chưa bao giờ thấy cảnh đẹp thế. Chúng nhảy múa và tận hưởng và chúng không thể hiểu được sao họ lại bảo chúng rời khỏi nhà.

Khi người bố tới, mọi người bảo anh ta, "Làm ngay lập tức điều gì đó đi, mọi lối vào đều bị lửa bắt rồi. Chúng tôi đã hét to, nhưng bọn trẻ nhà anh kì lạ thật. Chúng cứ nhảy múa, chúng ca hát và chơi đùa. Chúng tận hưởng ngọn lửa đẹp khắp xung quanh."

Bây giờ thì không có lối vào và cũng không có thời gian để vào nữa. Người bố hét lên, "Bố về đây rồi và bố mang mọi thứ đồ chơi về cho các con đây."

Bọn trẻ nhảy qua cửa sổ cuối cùng cũng sắp bị lửa đốt cháy. Chúng chạy ra và chúng nói, "Đồ chơi của chúng con đâu rồi?"

Người bố nói, "Bố xin lỗi nhé, hôm nay bố quên mất rồi, nhưng mai bố sẽ đem đồ chơi cho các ông."

Anh ta đã nói dối. Nhưng lời nói dối đã cứu mạng tụi trẻ. Bạn không thể chê trách người bố được.

Nam Tuyền không chê trách gì thầy mình cả, ông ấy đang nói thầy từ bi tới mức nói dối. "Ta không nói dối, ta chỉ nói, 'Khi nào nó có thể được sở hữu.' Nếu có lúc nào đó mà ta có thể sở hữu nó, ta sẽ nói cho ông. Ngay bây giờ thì nó sở hữu ta cho nên ta không thể nói cho ông được."

Sư này nghi ngờ. Anh ta nói, "Thưa thầy, sao thầy phải nói dối? Tôi biết và mọi người đều biết rằng thầy có nó." Nhưng đây là vấn đề vấn đề với ngôn ngữ. Anh ta nói, "Thầy có nó." Nếu như anh ta nói, "Nó có thầy," thì mọi sự sẽ khác.

Thầy đáp, "Ta không nói dối. Ta đơn giản nói thẳng sự kiện. Ông hỏi ta, 'Thầy có sở hữu nó không?' Ta không sở hữu. Nếu khi nào ngẫu nhiên ta sở hữu nó, ta sẽ nói cho các ông. Nếu ông nói rằng ta nói dối, ta không nói dối. Thầy ta Huệ Năng mới nói dối. Và bởi vì thầy nói dối, nên ta mới là thầy. Ông nên tới Huệ Năng."

Một lần khác một sư nói với Nam Tuyền, "Có ngọc trên trời; làm sao chúng tôi có thể lấy được nó?"

Nam Tuyền nói, "Chặt tre và làm thang; bắc nó lên trời và trèo lên lấy nó!"

Sư nói, "Làm sao thang có thể dựng lên trời được?"

Nam Tuyền nói, "Làm sao ông có thể hoài nghi về việc lấy ngọc của mình?"

Câu hỏi này không phải về việc dựng thang, câu hỏi này là để phá huỷ hoài nghi. Và ngọc không ở trên trời; ngọc ở trong bạn. Trên trời nó được phản xạ, cũng như mặt trăng phản xạ vào hồ. Ngọc ở bên trong bạn, nhưng nó được phản xạ lên trời xa xăm.

"Ông hỏi ta một câu hỏi ngu xuẩn, ta phải trả lời ông bằng câu trả lời ngu xuẩn. Đừng hỏi câu hỏi ngu xuẩn và ta có thể nói cho ông chân lí. Từ đâu ông có ý tưởng là có ngọc trên trời? Ông đã bao giờ nhìn vào bên trong mình chưa? Nếu ông đã nhìn vào bên trong ông, ông sẽ ngạc nhiên rằng tất cả mọi cái đẹp của sự tồn tại đều là sự phản xạ của cái huy hoàng bên trong của ông. Điều ông thấy ở bên ngoài - hoa hồng và cái đẹp của chúng, và những ngôi sao và sự oai nghiêm của chúng - nhợt nhạt đi vào khoảnh khắc ông nhìn vào bên trong. Ngay bây giờ ông không có tiêu chuẩn nào để phán xét cái gì là phản xạ và cái gì là thật."

Nhìn vào bên trong và bạn sẽ thấy cái thực - hương vị của nó, chắc chắn của nó, hùng vĩ của nó - và mọi thứ bên ngoài sẽ trở nên nhạt mờ, chỉ là phản xạ.

Phải ghi nhớ rằng trước khi hỏi thầy một câu hỏi, bạn nên nhìn vào trong câu hỏi của mình thật sâu sắc nhất có thể được. Nó nên trở thành có ý nghĩa hơn. Chỉ khi bạn đã được thoả mãn rằng câu hỏi chín muồi, nó không thể được tô điểm thêm nữa, nó không thể được làm thông minh hơn nữa, thì bạn có thể hỏi. Chỉ câu hỏi thông minh mới thu được câu trả lời thông minh. Bằng không bạn hỏi một câu hỏi ngu xuẩn và thầy sẽ cho câu trả lời ngu xuẩn. Đấy chỉ là vì lòng tốt. Thầy có thể đơn giản nói, "Đừng hỏi những câu hỏi ngu xuẩn thế." Thay vì nói như vậy, thầy bảo anh ta, "Chặt tre và làm thang; bắc nó lên trời và trèo lên lấy nó!"

Bất kì người nào có chút ít thông minh đều có thể hiểu rằng vì câu trả lời là ngu xuẩn, nên câu hỏi phải đã ngu xuẩn rồi. Thầy không muốn nói điều đó một cách trực tiếp, nhưng một cách gián tiếp thầy đang chỉ ra cái ngu xuẩn của câu hỏi. Nhưng người hỏi vẫn không dừng ở đó; anh ta cứ đi tiếp. Đây là vấn đề: người ngu khi người đó lớn lại trở nên ngu hơn; kẻ ngốc lại thành kẻ ngốc lớn hơn khi người đó trở nên lớn hơn - những kẻ ngốc già hơn lại nguy hiểm hơn và mọi người cứ nghĩ người già trí huệ.

Sekiso có bài thơ:

Sáu năm ngồi một mình

tĩnh lặng như rắn

trong cây tre,

không gia đình ngoài băng

trên núi tuyết...

Đêm qua, nhìn trời rỗng

bay thành từng mảnh,

Ông ấy lay sao mai tỉnh dậy

và giữ ngôi sao trong mắt mình.

Một bài thơ cực kì hay. Ông ấy đang nói, Sáu năm ngồi một mình - điều đó nghĩa là thiền; ngồi đấy, trong Thiền, là tương đương với thiền. Chỉ ngồi và không làm gì cả. Sáu năm ngồi một mình tĩnh lặng như rắn... Khi rắn đợi bắt cái gì đó để ăn, nó vẫn còn tuyệt đối bất động cứ dường như nó chết rồi. Một hơi chút chuyển động, thế thì chim nó định bắt sẽ đi đời, thế thì bướm nó định bắt sẽ không còn đó nữa. Nó phải vẫn còn như chết, không chuyển động.

Tĩnh lặng như rắn trong cây tre, không gia đình ngoài băng trên núi tuyết Đêm qua… sáu năm ngồi đó đã chín muồi. Đêm qua khoảng khắc của phúc lành lớn lao tới.

Đêm qua, nhìn trời rỗng bay thành từng mảnh, ông ấy lay sao mai tỉnh dậy và giữ ngôi sao trong mắt mình. Ông ấy đang nói về bầu trời bên trong, cái trống rỗng bên trong, bỗng nhiên cái đó để lộ ra con đường. Trong sáu năm ông ấy đã giữ gìn. Đêm qua, bỗng nhiên cái trống rỗng cũng tan thành từng mảnh. Ông ấy nghĩ rằng chỉ trống rỗng là đủ cho thiền. Chỉ là trống rỗng cũng mới là bắt đầu. Một khoảnh khắc tới khi cái trống rỗng tan thành từng mảnh. Bạn vượt ra ngoài cái trống rỗng.

Đêm qua, nhìn trời rỗng bay thành từng mảnh, ông ấy lay sao mai tỉnh dậy... Ông ấy đang nói về con người bên trong riêng của mình. Cái trống rỗng đó bay thành từng mảnh lay ngôi sao tỉnh dậy và ông ấy giữ nó trong mắt mình. Bây giờ ông ấy đang mang ngôi sao đó trong mắt mình, sự sáng tỏ đó, ánh sáng đó, viên ngọc chói sáng không ở trong bầu trời, cái vẫn ẩn kín ở đâu đó bên trong cái trống rỗng của bạn, cái bị bao phủ bởi ý nghĩ và xúc động của bạn. Tâm trí bạn đang chắn con đường, nhưng đâu đó bên trong bạn, nó vẫn chiếu sáng ra. Chỉ quay vào trong chút ít, và bạn sẽ được mãn nguyện.

Maneesha đã hỏi:

Osho ơi,

Thầy vẫn thường nói Thầy sẽ không có người kế tục. Nhưng chẳng lẽ tất cả những người yêu mến Thầy lại không phải là người kế tục Thầy sao, theo nghĩa chúng tôi mang Thầy trong máu và xương mình và như vậy Thầy là một phần của chúng tôi mãi mãi chứ?

Maneesha, khái niệm về người kế tục là quan liêu. Chính cái ý tưởng về sự kế tục không phải là ý tưởng đúng trong thế giới tâm thức. Đó là lí do tại sao tôi đã nói, tôi sẽ không có người kế tục. Nhưng bạn cũng đúng khi nói rằng bạn sẽ mang trong xương bạn và máu bạn tình yêu của tôi, sáng suốt của tôi. Nhưng đừng dùng từ 'kế tục', thay vì thế dùng từ 'bạn sẽ là tôi'. Sao lại phải đi xa thế, người kế tục, khi bạn có thể là tôi? Trống rỗng tới mức tôi có thể làm nhà trong bạn, tới mức cái trống rỗng của bạn có thể hấp thu cái trống rỗng của tôi, tới mức trái tim bạn có thể có cùng điệu vũ như trái tim tôi. Điều đó không phải là kế tục; nó là truyền trao.

Chính ý tưởng về kế tục là chính trị. Chỉ một người mới có thể là người kế tục, cho nên nhất định có ganh đua, tham vọng. Nhất định có đấu tranh tinh vi để được ở gần thầy hơn, để buộc người khác ở xa hơn. Điều đó có thể không ở trên bề mặt nhưng, ngầm phía dưới, vấn đề vẫn sẽ còn lại trong các đệ tử: "Ai sẽ là người kế tục?"

Tôi phá huỷ toàn bộ khái niệm này. Mọi đệ tử đã yêu đều trở thành một với thầy. Không có nhu cầu về bất kì ganh đua nào, không có một người kế tục. Điều đó dành cho mọi người đã cống hiến mình trong lòng biết ơn sâu sắc, người đã trở thành một theo nghĩa nào đó với sự hiện diện của thầy. Không có nhu cầu về bất kì ganh đua nào. Hàng nghìn người có thể có cùng kinh nghiệm, hàng triệu người có thể có cùng kinh nghiệm.


Để tránh chính trị trong tôn giáo, tôi đã nói rằng tôi sẽ không có người kế tục. Tôi muốn tôn giáo phải tuyệt đối tránh tham vọng, ganh đua, cao hơn người khác, đặt mọi người thấp hơn bản thân bạn. Với tôi các bạn tất cả đều bình đẳng. Và tôi tin cậy và yêu các bạn, rằng các bạn sẽ chứng tỏ sự bình đẳng này. Trong bình đẳng không có ganh đua; có nỗ lực tổ hợp. Các bạn tất cả đều sẽ mang thông điệp của tôi, nhưng không ai sẽ là người cao hơn hay thấp hơn, không ai sẽ là người kế tục. Tất cả sẽ là người yêu của tôi và họ sẽ mang tôi.






Tôi nhớ tới một trường hợp: Ramakrishna bị ung thư họng. Trong giai đoạn cuối thậm chí còn không thể uống được nước. Tất cả mọi đệ tử của ông ấy đều nói, "Sao thầy không xin trong lời cầu nguyện của mình với Thượng đế để loại bỏ ung thư này đi? Chúng tôi biết rằng nếu thầy hỏi xin, lời cầu nguyện của thầy sẽ được nghe thấy. Và nếu lời cầu nguyện của thầy mà không thể được nghe thấy, thế thì mọi lời cầu nguyện khác đều giả cả."

Ramakrishna là con người mà nếu lời cầu nguyện của ông ấy không được Thượng đế nghe thấy, thì điều đó chỉ có nghĩa là không có Thượng đế, hay Thượng đế điếc rồi. Nếu lời cầu nguyện của Ramakrishna mà không được trả lời, thế thì không ai khác trên toàn thế giới này lại hòng hi vọng rằng lời cầu nguyện của mình sẽ được trả lời. Cho nên họ cứ nài nỉ mãi, nhưng Ramakrishna nói, "Điều đó có vẻ không phải. Ta nhắm mắt lại vì sự nài nỉ của các ông. Nhưng ta không thể hỏi xin cái gì từ sự tồn tại được. Có lẽ ung thư là phải; bằng không thì sao nó lại được trao cho ta? Ta không thể khôn ngoan hơn sự tồn tại được."

Các đệ tử trong thất vọng đề nghị vợ của Ramakrishna, Sharda, "Nếu mà cô không nói với thầy, thì thầy sẽ chẳng chịu nghe ai cả. Và cô phải rất nài nỉ vào."

Sharda bảo Ramakrishna. Ông ấy nói, "Anh biết rằng các đệ tử của anh sẽ đem em tới, và anh không thể từ chối em bởi vì anh chưa bao giờ từ chối cả. Mà em cũng chưa bao giờ yêu cầu điều gì; đây là lần đầu tiên trong cả đời em mà em yêu cầu điều gì đó, và trong những khoảnh khắc cuối cùng này làm sao anh có thể từ chối em được? Anh sẽ thử." Ông ấy nhắm mắt lại và sau đó vài giây ông ấy mở mắt ra và bắt đầu cười. Sharda nói, "Có chuyện gì vậy? Anh đã hỏi chưa?"

Ông ấy nói, "Anh đã hỏi. Nhưng câu trả lời tới: 'Sao con cứ nhất định là cổ của riêng con thế? Uống từ tất cả các cổ của các đệ tử ấy. Sao cứ nhất định phải đồng nhất với thân thể riêng của con vậy? Sao không nhập vào trong tất cả mọi người yêu con?' Đó là lí do tại sao anh bắt đầu cười bởi vì anh biết đây sẽ là câu trả lời. Em đã làm anh thành có vẻ ngu xuẩn không cần thiết trước sự tồn tại."

Nếu đệ tử yêu thầy, nếu có sự tin cậy, và sự tin cậy dựa trên kinh nghiệm, thì người đó sẽ mang một cách tự phát thông điệp của thầy. Không có nhu cầu phải nói điều gì cả, người đó sẽ là thông điệp của thầy mình. Bây giờ điều gì đó nghiêm chỉnh nhé...

Ronald Reagan đang ở chặng cuối cùng của nhiệm kì tổng thống. Cho nên để gây cho thế giới ấn tượng về mình là con người văn hoá, ông ta mở một phòng tranh mới ở Washington DC. Reagan mời giáo hoàng Polack, Margaret Thatcher và Mikhail Gorbachev - mời cả anh bạn thân cũ của mình, Bonzo, con tinh tinh.

Ronald và người hướng dẫn nhóm của mình, Reginald người đồng dục, cho những nhân vật nổi tiếng thế giới này một chuyền thăm đặc biệt bộ sưu tập các bức tranh vô giá.

"Ah, đây rồi," Reagan nói, như một nhà am hiểu nghệ thuật nghiệp dư, "bức tranh này là của Rembrandt."

"Không, không phải vậy," Reginald nói, "bức này là của Salvador Dali."

Nhóm dừng lại một chốc, lấy hơi thở sâu, và rồi đi tiếp.

"Còn bức này," Reagan nói một cách tự hào, "do Monet vẽ đấy."

"Không đâu," Reginald lại sửa, "bức này là do Van Gogh vẽ."

Tại bức ảnh tiếp, Reagan đứng bất động. Ông ta nhìn chăm chăm vào nó theo cách này cách nọ, và rồi ông ta gãi đầu.

"Hừ, tôi đoan chắc bức này phải là một Picasso," ông ta nói to cho cả nhóm.

"Lại sai toét, Ronnie," Reginald đáp. "Đấy là cái gương!"

Gia đình Babblebrain định đi xem hát buổi tối, nhưng chẳng ai muốn ở nhà trông ông cả. Thế là họ đem ông đi cùng.

Vở kịch đang gần tới cao trào của nó thì cả hàng ghế bị ông già Babblebrain quấy rối bằng việc ông ấy bò lồm cồm bằng tay và đầu gối.

"Ông ơi!" Boris thì thào to tướng. "Về chỗ ông đi!"

"Tao không thể về được," ông đáp. "Tao đánh rơi miếng kẹo bơ rồi."

"Ngồi xuống đi!" Boris cắn cảu. "Ông làm phiền cả rạp hát chỉ vì miếng kẹo bơ. Con sẽ mua cho ông cái khác chỉ cần ông ngồi xuống."

"Tao cần cái đó cơ," ông nói.

"Lạy chúa!" Boris kêu lên. "Có gì đặc biệt thế với cái kẹo bơ ấy?"

"Thế này," ông nói, "răng tao ở trong nó rồi!"

Giáo hoàng Polack đang trong chuyến hành hương mười triệu đô la về Ấn Độ. Ông ấy đi tới Calcutta, nơi ông ấy viếng thăm trẻ con mồ côi của Mẹ Teresa.

Ông ấy đứng ở giữa một nhóm tụ tập đông những người Ki tô giáo Ấn Độ, thì một đứa nhỏ đi tới ông ấy.

"Cha thiêng liêng," đứa bé hỏi, "xin kể cho con cái gì đi. Nếu cha của cha mà là con đười ươi và mẹ của cha là đười ươi, thì cha sẽ là gì?"

Giáo hoàng Polack lập tức thấy khó chịu, những vẫn cố mỉm cười, và trả lời tỉnh bơ, "Con ta, ta đoán ta sẽ là con đười ươi, tất nhiên rồi."

Một chốc sau đó, lại cùng đứa nhỏ ấy ngắt buổi lễ của Polack và hỏi, "Cha thiêng liêng, nếu mẹ của cha là con lừa và bố của cha là con lừa, thì cha sẽ là gì?"

Giáo hoàng Polack rất khó chịu và bực mình - nhưng vẫn giữ khuôn mặt bình thản, và trả lời đứa bé. "Một cách tự nhiên, con ta," ông ấy trả lời một cách căng thẳng, "ta sẽ là con lừa."

Sau buổi lễ, giáo hoàng Polack thấy chính đứa bé đó ở bên ngoài. Ông ta lôi nó vào góc yên tĩnh, tóm cổ nó, và nổi đoá, ông ta nói lắp bắp, "Được rồi, thằng hợm con. Đây là câu hỏi cho mày! Nếu bố mày là con đười ươi, còn mẹ mày là con lừa, thì mày sẽ là gì?"

"Điều đó thì đơn giản," đứa bé đáp, vẻ rạng sáng. "Cháu sẽ là giáo hoàng Polack!"

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng.

Nhắm mắt lại; cảm thấy thân thể bạn hoàn toàn đông cứng.

Bây giờ nhìn vào bên trong, với sự khẩn thiết toàn bộ, dường như đây là khoảnh khắc sống cuối cùng của bạn.

Đi sâu nhất có thể được.

Tại chính chỗ cuối đó là cội nguồn cuộc sống của bạn. Khoảng cách không nhiều. Chỉ chút ít can đảm, can đảm đi vào trong cái không biết và bạn ở tại chính ngọn nguồn của cuộc sống. Chỗ này được gọi là phật.

Đây không phải là thành tựu; đây là khám phá. Nó bao giờ cũng cùng với bạn; nó là bản tính của bạn. Cho dù bạn có muốn làm mất nó, bạn cũng không thể làm được; bạn chỉ có thể quên mất nó hay nhớ lại nó: đây là hai khả năng duy nhất. Bạn đã sống hàng triệu năm trong quên lãng. Ý nghĩa căn nguyên của tội lỗi là quên lãng.

Bây giờ khoảnh khắc đã tới, bạn có thể thay đổi khuôn mặt mình, con người mình thành việc nhớ lại. Việc nhớ lại là đức hạnh duy nhất, chỉ sự quên lãng mới là tội lỗi duy nhất. Với tính toàn bộ của cái nhìn tâm thức của bạn, và bạn sẽ thấy mình là phật.

Để làm cho điều đó rõ ràng,

Nivedano...

(tiếng trống)

Quan sát và chứng kiến thân thể và tâm trí. Bạn không phải là thân thể, không là tâm trí. Bạn chỉ là nhân chứng thuần khiết. Phật tính của bạn chỉ bao gồm nhân chứng thuần khiết - tấm gương - phản xạ mọi thứ mà không bị ảnh hưởng bởi bất kì cái gì.

Buổi tối nay đẹp theo cách riêng của nó, nhưng bạn đã làm cho nó thành đẹp hơn, đáng nhớ hơn. Bạn đã làm nó thành khoảnh khắc vàng, cột mốc trong cuộc sống của bạn bởi vì phật này, việc chứng kiến này phải trở thành chính phong cách sống của bạn. Chỉ trong ngọn lửa của chứng kiến bạn mới được biến đổi; không có cách nào khác. Đây là chính điểm khởi hành từ dốt nát tới trí huệ, từ bóng tối tới ánh sáng, từ hữu tử tới bất tử, từ thời gian tới vĩnh hằng.

Trong khoảnh khắc đẹp vô biên này trong Thính phòng Phật không có mười nghìn người, mà chỉ một tâm thức đại dương. Mọi người đều tan biến vào trong nó; mọi người đều bị nó sở hữu. Đây là điều lớn nhất có thể xảy ra trong cuộc sống con người. Và nếu bạn có thể sống nó trong cuộc sống hàng ngày bình thường của mình, trong các hành động của bạn, cử chỉ, lời nói, im lặng, thì bạn đã đạt tới đỉnh cao nhất của Himalayas - Himalayas của tâm thức.

Nivedano...

(tiếng trống)

Mời chư phật quay lại, ai đó có thể đi quá xa. Quay lại một cách im lặng, duyên dáng, nhớ rằng bạn là phật. Đừng quên điều đó.

Tôi phải gọi các bạn vào khoảnh khắc tôi thấy rằng vài người đang tới điểm tại đó họ có thể nhảy ra ngoài phật. Thế thì không có cách nào quay lại cả. Phật là cột mốc cuối cùng nơi con đường kết thúc. Những người đã vượt ra ngoài phật, họ đơn giản tan biến vào trong sự tồn tại.

Bản thân Phật đã nói, vẫn còn thêm một bước nữa. Chỉ có hai bước trong toàn bộ cuộc hành trình: một bước từ bạn tới phật, và bước thứ hai từ phật tới sự tồn tại đại dương. Trước hết học bước thứ nhất trong tính toán bộ của nó. Khi điều đó trở thành sự tồn tại hai mươi bốn giờ của bạn, thế thì tôi sẽ không nói 'Nivedano' để gọi bạn lại. Bạn có thể lấy cái nhảy, nhưng chưa chín muồi. Chín muồi, thế rồi cái nhảy xảy ra theo cách riêng của nó. Nó không phải là nỗ lực. Nó tuyệt đối tự phát.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, thưa Osho.

Chúng ta có thể mở hội mười nghìn chư phật được chứ?

Vâng, thưa Osho.

Xem Tiếp Chương 3Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Thiền - Download Sách Thiền PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Thiền Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post