Chương 4. Thô Lỗ Làm Sao

Chương 4. Thô Lỗ Làm Sao

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Lâm Tế (Rinzai)

Thầy Của Tiếng Hét – Osho

Chương 4. Thô Lỗ Làm Sao








Nghe hoặc Tải MP3 'Lâm Tế (Rinzai) – Thầy Của Điều Phi Líê


Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Một hôm khi Lâm Tế và Phổ Hoá10 cả hai cùng đang dự bữa tối tại nhà người chủ, Lâm Tế hỏi: "Sợi tóc nuốt hết biển cả, và hạt tiêu đựng trọn núi Thái sơn. Đây là hoạt động phi thường của quyền năng siêu nhiên hay bản chất nguyên thuỷ như nó vẫn thế?"

Phổ Hoá đá chân dưới bàn ăn.

"Thô lỗ làm sao!" thầy kêu lên.

Phổ Hoá vặn vẹo, "Thầy nghĩ đây là chỗ nào - mà lại nói về thô lỗ và tế nhị!"

Hôm sau Lâm Tế và Phổ Hoá lại dự bữa tối. Thầy hỏi, "Bữa tiệc hôm nay thế nào so với bữa hôm qua?"

Phổ Hoá đá chân dưới bàn như trước.

"Đủ tốt đấy," Lâm Tế nói, "nhưng thô lỗ làm sao!"

Phổ Hoá bình luận, "Lão mù! Phật pháp liên quan gì tới thô lỗ và tế nhị?"

Lâm Tế thè lưỡi ra.

Maneesha, trước khi tôi thảo luận giai thoại nhỏ nhưng ý nghĩa này về Lâm Tế, tôi phải giới thiệu cho Bảo tàng các Thần một món quà từ Rafia.

Trong vài tháng đã có căng thẳng rất kì lạ phát sinh trong giao thông Mĩ, bởi vì nhiều ô tô đi trên đường đến mức bạn có thể đi bộ về nhà còn nhanh hơn bạn đi xe ô tô. Trong ba giờ, bốn giờ, năm giờ mọi người đơn giản bị mắc kẹt lại. Một cách tự nhiên, có giới hạn cho sự kiên nhẫn, và vài người bắt đầu đem theo súng.

Ở San Francisco và LA sáu người đã bị bắn mà không có lí do gì cả, nhưng chỉ bởi vì sau khi bóp còi trong năm giờ mà không thể nhúc nhích được một li, họ trở nên giận dữ - và giận dữ là ở bên trong mọi người, nó chỉ cần một thời điểm nào đó để trồi lên bề mặt - đến mức họ bắn mọi người, những người họ tuyệt đối không biết gì cả. Những người này không chắn đường, họ không phải là nguyên nhân; họ cũng bị chắn đường. Không ai biết liệu luồng giao thông đã bị dừng ở đâu hay điều gì đã xảy ra - liệu đó là một tai nạn hay xe tải bị lật.

Thấy tình huống này, rằng sáu người đã bị giết trong vòng một tuần, những người chủ xe khác bắt đầu mua súng, bởi vì sự việc trở nên rất nguy hiểm; ít nhất để tự bảo vệ mình, cho dù bạn không định giết ai đó, bạn có thể giơ súng ra.

Nhưng tình huống này lại đang trở nên tồi tệ hơn bởi vì ở Mĩ bạn không cần bất kì giấy phép nào về súng cả. Súng sẵn có tự do ở thị trường. Giấy phép chỉ cần thiết cho người bán, chủ tiệm, không cho người chủ súng. Điều tuyệt đối ngu xuẩn là cho mọi người vũ khí gây nguy hiểm tới cuộc sống, nhưng hiến pháp của Mĩ lại cho phép điều đó.

Điều đó đã được phép vào thời kì đầu, nhưng bây giờ nó đã trở thành một truyền thống cứng nhắc. Hiến pháp đã cho phép mọi người dùng súng để giết người da đỏ. Người da đỏ bị giết như con vật - bị săn bắt, săn đuổi, đuổi sâu trong rừng hay trên núi. Bây giờ nước Mĩ thuộc về những người không là người Mĩ, cả nước Mĩ, và cũng khá kì lạ là hiến pháp Mĩ cứ nói tới tự do, tới tự do ngôn luận và tính cá nhân, và bản thân họ lại chiếm giữ đất của ai đó khác.

Dường như là cả thế giới bị mù.

Nước Pháp đã tặng cho nước Mĩ món quà tượng thần Tự do, và nước Mĩ là mảnh đất nô lệ lớn nhất ngày nay. Trong thực tế sự nô lệ là ở chỗ không có khả năng nào cho người da đỏ - cho người sở hữu mảnh đất này - thậm chí được trở lại nắm quyền. Họ đã bị làm què quặt hoàn toàn. Phần lớn trong họ đã bị giết chết, và phần còn lại bị buộc phải sống ở nơi dành riêng, trong rừng sâu, không được phép sống trong các thành phố, và họ được cho tiền trợ cấp.

Người ta cho rằng điều này là rất từ bi, nhưng lí do thực để cho họ tiền trợ cấp - không làm việc - là một chiến lược rất tâm lí. Họ sẽ làm gì với tiền? Họ sẽ uống rượu cồn, họ sẽ tới nhà thổ, họ sẽ đánh bạc, và họ sẽ đẻ ra ngày một nhiều trẻ con hơn, bởi vì mỗi đứa trẻ lại đem tới thêm tiền trợ cấp. Họ đã hoàn toàn quên mất chính ý tưởng về tự do, rằng đây là mảnh đất của họ.

Vào thời đó súng đã được phép dùng tự do với mọi người, và tình huống này vẫn còn tiếp tục. Bạn vẫn có thể có gần như đủ loại súng, tự động hay bán tự động - và nếu chính phủ nói rằng chỉ có sáu người bị giết, thì ít nhất bạn có thể chắc chắn mười tám người phải đã bị giết. Bao giờ cũng nhớ, bất kì báo cáo nào của chính phủ cũng nhất định là dối trá. Nếu điều đó liên quan tới kẻ thù, thì thế nữa nó cũng vẫn cứ là dối trá.

Vài tháng trước đây, khi nhà máy hạt nhân của Nga bị tai nạn, đài phát thanh Mĩ lập tức công bố rằng hai trăm người đã chết. "Xác chết của họ đã được tìm thấy, và nhiều người đã bị lửa thiêu hết."

Một nhóm nhà báo từ châu Âu tới tìm hiểu tình huống này - và chỉ có bốn người chết. Đài phát thanh Mĩ thậm chí đã không được yêu cầu ngỏ lời xin lỗi gì. Từ đâu mà họ đã có được ý tưởng về hai trăm người chết và nhiều người nữa bị lửa thiêu cháy? Cho nên khi có liên quan tới người khác thì họ nói dối, khi có liên quan tới chính họ, họ cũng nói dối.

Chức năng chính của chính khách dường như là nói dối.

Và nhân loại điên khùng này dường như liên tục bận tâm với chiến tranh. Nhìn xa về trước bạn có thể thấy, toàn là chiến tranh và chiến tranh và chiến tranh, và mỗi cuộc chiến tranh đều lấy đi hàng triệu sinh mạng.

Genghis Khan đã giết bốn mươi triệu người, Tamerlane đã giết ba mươi triệu người - và họ đã không có những phương tiện tinh xảo. Không có dữ liệu về nhiều người khác giết người. Alexander Đại đế và Napoleon và Ivan Khủng khiếp tất cả đều đã giết người... độ lớn của họ phụ thuộc vào bao nhiêu người họ đã giết. Adolf Hitler đã giết ba mươi triệu người. Joseph Stalin đã giết trong nước mình một triệu người Nga.

Dường như là mục đích chính trên trái đất này là để giết người; và đặc biệt ở Mĩ ngày nay họ đang chất đống các loại vũ khí, biết hoàn toàn rõ rằng họ đã có đủ vũ khí để phá huỷ trái đất này nhiều lần. Nhưng điều đó dường như là chứng điên cuồng, một loại loạn thần kinh.

Rafia đã đem tới một món quà nhỏ cho Bảo tàng các thần, và nó không phải là đồ chơi. Ban đầu nó đã được làm ra như đồ chơi. Bây giờ cái gọi là người văn minh và thông minh và chín chắn đang mang nó theo mình, và các nhà tâm lí thậm chí còn gợi ý rằng điều đó là có ích. Nếu bạn cảm thấy giận dữ, thì thay vì dùng súng máy, dùng công cụ nhỏ này. Nếu bạn muốn dùng các phương pháp cũ, thế thì nút bấm giữa là để ném bom... (Thầy chĩa hộp nhỏ mầu đen vào phía khán giả và nhấn nút bấm giữa, tạo ra tiếng bom trong một lúc.)

Nút thứ nhất là cho tia chết...

(Thầy nhấn nút bên trái, tạo ra âm thanh báo động điện tử.)

Và nút thứ ba là cho vũ khí hạt nhân, tên lửa...

(Thầy nhấn nút bên phải, tạo ra âm thanh như tên lửa bay đâm xuống đất với tiếng nổ to.)

Các nút đích xác giống như các nút sẽ phá huỷ nhân loại. Và tại sao mọi người lại bắt đầu đem theo đồ chơi này? Các nhà tâm lí gợi ý rằng nó giúp làm giảm nhẹ sự giận dữ của bạn.

Nếu có ai đó bạn muốn giết, thì có sẵn ba cách đấy. Với kẻ thù ở xa - đây là ma thuật mới nhất - bắn tên lửa hạt nhân tới...

(Thầy nhấn nút, tạo ra nhiều âm thanh tên lửa.)

Nếu kẻ thù ở rất gần, ném bom tốt hơn...

(Thầy nhấn nút ném bom lần nữa.)

Nếu bạn không muốn phá huỷ mọi thứ, chỉ phá huỷ mạng sống, thì tia chết là tốt...

(Thầy phát ra vài âm thanh tia chết.)

Bây giờ nó được người lớn, những người chín chắn, mang theo trong túi mình. Dường như là giết người tự nó đã trở thành thần. Đã có thần chiến tranh, với chức năng duy nhất là tạo ra chiến tranh; đã có thần huỷ diệt - chẳng hạn Shiva, trong huyền thoại Ấn Độ, là người sẽ phá huỷ toàn thể nhân loại. Tôi không nghĩ Ronald Reagan sẽ có khả năng cạnh tranh với Shiva. Ông ta đang cố gắng hết sức để là Shiva của huyền thoại Hindu.

Công cụ nhỏ này chỉ ra tâm trí của con người. Tia chết đơn giản giết chết cuộc sống; chúng không phá huỷ nhà cửa của bạn, chúng không phá huỷ đồ đạc của bạn, chúng không phá huỷ cái gì ngoài sự sống. Bạn sẽ bị phá huỷ, thực vật của bạn, cây cối của bạn sẽ bị phá huỷ, và tất cả những cái gì chết thì sẽ còn lại. Thử nghĩ tới một nơi mà mọi thứ sống đều đã bị phá huỷ và chỉ những thứ chết vẫn còn không bị động chạm tới: điều đó sẽ tạo ra cơn ác mộng cho tâm trí bạn.

Và công cụ nhỏ bé này đích xác tái tạo lại điều Gorbachev và Ronald Reagan đang tiến hành với nhau. Vấn đề chỉ là việc nhấn nút, và ngay lập tức cuộc sống sẽ biến mất khỏi trái đất. Chưa bao giờ dễ dàng huỷ diệt đến như vậy.

Mọi tôn giáo đều phủ nhận cuộc sống, và đó là nguyên nhân của tính huỷ diệt như vậy trong tâm trí con người. Nếu như họ đã bảo mọi người học im lặng và an bình và thiền, thế thì những kẻ ngốc như Ronald Reagan đã không xảy ra. Chính tất cả các tôn giáo đang phá huỷ tình yêu của con người với cuộc sống, tình yêu của con người vì niềm vui, tình yêu của con người vì tiếng cười, vì nhảy múa, vì chơi nhạc, vì ca hát. Mọi thứ đều đã bị phủ nhận bởi các tôn giáo, và hậu quả chung cuộc là ở chỗ toàn thể năng lượng sáng tạo này đã biến thành tự huỷ diệt.

Không ai phân tích đích xác tại sao mọi người quan tâm nhiều đến thế tới việc huỷ diệt. Niềm vui của sáng tạo đã đi đâu mất rồi? Toàn bộ trách nhiệm nằm ở các tôn giáo.

Các chính khách này đơn giản đang mang những tư tưởng rằng tôn giáo vẫn đang thuyết giảng. Bất kì loại tư tưởng nào phủ nhận cuộc sống đều nguy hiểm - còn nguy hiểm hơn các tia chết, nguy hiểm hơn tên lửa hạt nhân.

Nếu chúng ta muốn cứu thế giới khỏi bị huỷ diệt một cách không cần thiết, một thế giới đã tạo ra những người như Phật và Mahavira và Bồ đề đạt ma... Một trái đất có khả năng đạt tới những đỉnh cao tâm thức thế thì đáng được cứu lắm. Toàn thể vũ trụ bao la thế, vậy mà chúng ta lại không chắc chắn được liệu có nơi nào mà cuộc sống đạt được đỉnh cao như chúng ta đã tới không. Người ta ngờ rằng năm trăm hành tinh trong toàn thể vũ trụ phải có một loại sự sống nào đó, nhưng đấy vẫn chỉ là phỏng đoán - mặc dầu điều đó được các nhà khoa học thực hiện cho nên phải có khả năng nào đó.

Không ai có thể nói chắc chắn tuyệt đối rằng ở đâu đó khác trong vũ trụ bao la này có tâm thức của phật - và bạn đang phá huỷ trái đất này, nơi là chỗ duy nhất trong vũ trụ bao la này có một hành tinh nhỏ đã đi tới đỉnh cao nhất của tâm thức. Điều đó không chỉ là tội ác chống lại nhân loại, nó còn là tội ác chống lại toàn thể vũ trụ.

Chiến tranh không phải là thần, con người phải không bị hi sinh cho nó. Nhưng cách duy nhất để cứu con người khỏi sự huỷ diệt này, sự hủy diệt đang tới ngày một gần hơn, là lan toả tình yêu nhiều hơn, là lan toả thiền nhiều hơn, là lan toả tự do nhiều hơn, tính cá nhân nhiều hơn. Khẳng định cuộc sống nhiều hơn là cách duy nhất để ngăn chặn trái đất tươi đẹp này cùng những khả năng vô cùng của nó khỏi bị phá huỷ.

Cho dù nhân loại có còn điên khùng, đánh nhau liên tục, thì vài cá nhân cũng vẫn được tạo ra. Chúng ta có thể tự hào về Leonardo da Vinci, chúng ta có thể tự hào về Michelangelo, chúng ta có thể tự hào về Leo Tolstoy, chúng ta có thể tự hào về Fyodor Dostoevsky, chúng ta có thể tự hào về Trang Tử, chúng ta có thể tự hào về Lâm Tế. Hàng nghìn đoá hoa, mặc cho sự điên khùng của đám đông, vẫn trưởng thành và nở hoa, đã để lại hương thơm ngào ngạt vẫn còn sống động, chuyển từ người này sang người khác.

Các chính khách phải bị ngăn cản trong mọi trường hợp bởi vì điều đó không chỉ là huỷ diệt nhân loại, điều đó là huỷ diệt chỗ có sự sống trong toàn thể vũ trụ. Trái đất này đã phải mất bốn triệu năm để đem tới con người, và mọi con người đều có thể trở thành phật. Có lẽ bốn triệu năm nữa lại cần có.

Và phật thì đẹp đẽ, duyên dáng, như bông hồng tới mức việc biến toàn thể trái đất thành nấm mồ sẽ là tội ác lớn nhất. Nhưng điều đó sẽ không được ghi lại vì sẽ không có ai để mà ghi lại nó. Nó sẽ tiêu diệt hết mọi người; không ai là người thắng, không ai là người bại. Khác biệt duy nhất sẽ là mười phút: nếu Nga bắt đầu chiến tranh, trong vòng mười phút - chỉ mười phút thôi - tên lửa của Mĩ sẽ trên đường bay. Nếu Mĩ bắt đầu, trong vòng mười phút tên lửa của Nga sẽ bay vào Mĩ.

Cho nên chỉ một khoảng thời gian mười phút... và mọi người sẽ bị tiêu diệt sống trong đám cháy lớn nhất đã từng xảy ra trên trái đất - hàng triệu cuộc chiến tranh cùng nhau, không chỉ phá huỷ con người mà cả con vật, cây cối, mọi thứ có sự sống.

Cho nên đây là món quà rất có ý nghĩa của Rafia... bởi vì chiến tranh là vị thần không được công bố của nhân loại điên từ trước tới giờ.

Tổng giám đốc, Avirbhava, không có mặt, cô ấy ốm, cho nên Anando, phó tổng giám đốc của Bảo tàng các thần, sẽ nhận nó cho bảo tàng của các bạn.

 (Anando tiến tới để nhận cái hộp đen nhỏ, và khi cô ấy ngồi xuống thì tiếng tên lửa bỗng nhiên bật ra. Mọi người, kể cả thầy, bắt đầu cười.)

Đừng bắt đầu ném bom ở đây!

Maneesha đã đem tới một giai thoại rất nhỏ, nhưng rất khó hiểu. Nhiều người có thể đã đọc nó mà không biết nó mang ý nghĩa gì. Nhưng bạn phải hiểu nó rất rõ ràng; nó có ý nghĩa lớn, nhưng theo cách của Thiền.

Một hôm khi Lâm Tế và Phổ Hoá cả hai cùng đang dự bữa tối tại nhà người chủ, Lâm Tế hỏi: "Sợi tóc nuốt hết biển cả, và hạt tiêu đựng trọn núi Thái sơn. Đây là hoạt động phi thường của quyền năng siêu nhiên hay bản chất nguyên thuỷ như nó vẫn thế?"

Điều ông ấy đang nói có ý nghĩa lớn. Bạn đã bao giờ nghĩ rằng ngay cả một hạt tiêu cũng có thể làm cho cả trái đất xanh tươi không? Bất kì hạt mầm nào, chỉ một hạt mầm thôi, cũng đều chứa cái vô hạn. Trước hết nó sẽ trở thành thực vật, và thực vật đó sẽ đem tới hàng trăm hạt mầm; rồi mỗi hạt mầm sẽ lại trở thành thực vật, và điều đó sẽ trở thành một dây chuyền liên tục, không chấm dứt. Toàn thể trái đất chỉ cần một hạt mầm của bất kì cái gì, và nó sẽ nhanh chóng thành xanh tươi khắp nơi.

Lâm Tế đang nói rằng sự sống nhỏ bé nhất đều hàm chứa sự sống vĩnh hằng; cái nhỏ nhất và cái lớn nhất là không khác nhau.

Ông ấy đang làm một phát biểu có ý nghĩa, nhưng

Phổ Hoá đá chân dưới bàn ăn.

"Thô lỗ làm sao!" thầy kêu lên.

Đệ tử này, thay vì nói điều gì để đáp ứng lại nó, thì lại đá chân dưới bàn ăn. Anh ta định nói gì bằng việc đá chân qua bàn ăn? Anh ta là một trong những đệ tử thân thiết của Lâm Tế, và anh ta đang nói, "Đây không phải là đúng chỗ để nói những điều lớn lao và ý nghĩa vô cùng như vậy. Người đã bố trí bữa ăn này không thể hiểu được điều thầy đang nói đâu."

Thầy nói, "Thô lỗ làm sao! Ta không trông đợi rằng ông lại thô lỗ thế. Ông có thể đã hành động theo cách tinh tế hơn và bảo ta rằng, 'Đây không phải là đúng chỗ để đưa ra những phát biểu lớn lao như vậy. Những phát biểu lớn lao chỉ có thể dành cho những người lớn lao, những người có trạng thái cởi mở và im lặng của vô trí. Chỉ họ mới hiểu điều này.'"

Phổ Hoá vặn vẹo, "Thầy nghĩ đây là chỗ nào - mà lại nói về thô lỗ và tế nhị!"

Hôm sau Lâm Tế và Phổ Hoá lại dự bữa tối. Thầy hỏi, "Bữa tiệc hôm nay thế nào so với bữa hôm qua?"

Phổ Hoá đá chân dưới bàn như trước.

"Đủ tốt đấy," Lâm Tế nói, "nhưng thô lỗ làm sao!"

Phổ Hoá bình luận, "Lão mù! Phật pháp liên quan gì tới thô lỗ và tế nhị?"

Lâm Tế thè lưỡi ra.


Thiền là tôn giáo rất vui đùa. Lâm Tế thè lưỡi ra với đệ tử mình phải là việc không gì sánh nổi. Không thầy nào ở bất kì đâu trên thế giới làm việc như vậy. Nhưng Thiền chấp nhận với chắc chắn tuyệt đối rằng dù hành động của thầy là bất kì cái gì, nó đều có ý nghĩa. Ông ấy không chê trách Phổ Hoá, mà chỉ lấy anh ta làm trò cười.





Ông ấy đang nói, "Dù ở bất kì chỗ nào, dù người ta có thể hiểu được hay không, ông vẫn có thể đưa ra những phát biểu lớn lao. Chúng rơi vào mọi người như những hạt mầm. Có lẽ không hôm nay thì ngày mai hay ngày kia, khi mưa tới hạt mầm có thể nảy mầm." Bạn có thể không hiểu hôm nay, bạn có thể bỏ qua nó hôm nay, nhưng ai mà biết được về ngày mai của bạn? Ngày mai bạn có thể bất thần trở nên nhận biết về điều hạt mầm lớn đã được gieo vào tâm trí vô ý thức của bạn.

Cho nên quan điểm của Lâm Tế là ở chỗ không thành vấn đề gì liệu người đó có khả năng hiểu điều đó hay không. Nếu bạn có nó, chia sẻ nó. Đừng bận tâm liệu người đó có xứng đáng với nó hay không.

Mọi người về bản chất đều là phật. Sớm hay muộn người đó sẽ hiểu điều đó. Điều đó có thể không xảy ra trong cuộc sống của bạn, bạn có thể chết - nhưng ngày nào đó người đó sẽ hiểu nó, người đó sẽ cúi lạy dưới đất với lòng biết ơn sâu sắc, trong cám ơn rằng ngay cả khi người đó còn chưa được chuẩn bị bạn đã chuyển giao cho người đó chính chiếc chìa khoá chủ mở ra mọi cánh cửa của sự tồn tại.

Ông ấy không đồng ý với Phổ Hoá, người có quan điểm rất bình thường và thực dụng. Phổ Hoá nói, "Phỏng có ích gì mà nói những điều này cho mọi người, điều tuyệt đối không liên quan tới tâm trí họ?"

Nhưng cho dù rằng điều đó không được hiểu vào khoảnh khắc này... bạn có thể bỗng nhiên hiểu ra nó vào giữa đêm. Bỗng nhiên việc nhận ra lớn lao có thể tới khi bạn thảnh thơi và im lặng, và bạn sẽ thấy điều bạn đã bỏ lỡ. Nhưng không thành vấn đề liệu bạn bỏ lỡ nó buổi sáng và hiểu ra nó lúc buổi tối. Bất kì lúc nào bạn hiểu ra điều đó, nó bao giờ cũng sớm cả. Quan điểm của Lâm Tế là quan điểm của thầy vĩ đại.

Tôi nhớ tới một câu nói của Jesus - và Phổ Hoá sẽ đồng ý với câu nói đó - "Đừng ném hạt mầm đi. Chúng có thể rơi lên đá, chúng có thể rơi xuống đường, chúng có thể rơi vào mép cánh đồng, nơi mọi người bước qua. Chúng có thể nảy mầm, nhưng chúng sẽ bị dẫm chết. ném hạt mầm của bạn vào chỗ đất thật tốt."

Phổ Hoá sẽ tuyệt đối đồng ý với Jesus. Nhưng đó là phát biểu không bắt nguồn từ dư thừa, không bắt nguồn từ năng lượng tràn ngập quá nhiều của bạn; đó là quan điểm của người keo kiệt.

Lâm Tế nói, "Đừng bận tâm! Cho dù là đá thì thỉnh thoảng cũng trở thành mảnh đất mầu mỡ. Đừng bận tâm, bởi vì bạn càng cho nhiều, bạn càng có nhiều, cho nên không thành vấn đề liệu nó rơi vào mảnh đất sai hay không. Bạn không nên là người chọn lựa; đó là mang tính phán xét đấy. Bạn là ai mà chọn ai là xứng dáng và ai là không xứng đáng?"

Ông ấy hoàn toàn phải, và mặc dầu Phổ Hoá dường như thực dụng hơn, thực tế hơn, dầu vậy ông ấy vẫn có cái gì đó để đóng góp cho giai thoại này.

Tại cuối ông này nói, "Lão mù! Phật pháp liên quan gì tới thô lỗ và tế nhị?"

Bởi vì Lâm Tế đã đưa ra phát biểu, "Việc đá qua bàn của ông là rất thô lỗ ," nên ông này nói, "Lão mù! Phật pháp liên quan gì tới thô lỗ và tế nhị?"

Điều đó đúng, phật-pháp không liên quan gì tới thô lỗ và tế nhị. Nó phải vượt ra ngoài cả hai. Đó là chỗ Lâm Tế thè lưỡi ra - chỉ để làm Phổ Hoá thành trò cười, nhưng không phủ nhận ông ta, hay nói điều ông ta nói là phải.

Cho nên giai thoại này là rất kì lạ theo nghĩa Phổ Hoá là phải trên nền tảng rất thực tế, còn Lâm Tế là phải khi có liên quan tới điều tối thượng. Cả hai đều phải, tính phải của họ liên quan tới những hoàn cảnh khác nhau.

Nơi Lâm Tế đang hiện hữu, ông ấy đang chia sẻ bản thân mình từ dư thừa. Ông ấy chỉ là đám mây mưa đầy nước đến mức không thành vấn đề nó sẽ mưa xuống đâu; ông ấy phải tự mình làm nhẹ gánh cho mình.

Còn Phổ Hoá cũng phải, nhưng ở mức thấp hơn nhiều. Ông ấy đang nói, "Thầy nên trao sáng suốt của thầy chỉ cho những người hiểu." Nhưng nếu chư phật trở nên keo kiệt thế thì cuộc sống sẽ mất đi nhiều sự bùng nổ có ý nghĩa trong tâm thức con người, bởi vì đôi khi một khách thăm tình cờ đột nhiên loé sáng.

Cuộc sống bí ẩn đến mức ai đó có thể tìm kiếm chân lí trong nhiều năm và sẽ thậm chí đi ngày một xa hơn bởi việc tìm kiếm của mình - tìm kiếm theo hướng sai. Và ai đó có thể là khách thăm tình cờ không liên quan gì tới chân lí cả, người còn chưa bao giờ nghĩ về nó, nhưng người đó hồn nhiên, người đó không có định kiến, không ý tưởng. Tới đủ gần một thầy người đó có thể trở thành ngọn lửa.

Cho nên người ta chẳng bao giờ biết được, người ta không nên mang tính phán xét. Nếu bạn có nó, chia sẻ nó với tảng đá. Ngay cả tảng đá một ngày nào đó cũng trở thành chư phật. Chia sẻ với mọi người đi - với người mù, với người điếc, bởi vì ngày của họ rồi cũng sẽ tới. Vấn đề chỉ là thời gian. Mọi người đều đang trở thành phật, mọi người đều đang trên đường. Dù bạn đi lạc xa đến đâu, bạn cũng sẽ quay lại. Bạn phải nhận ra bản thể mình và tiềm năng của nó.

Ikkyu đã viết:

Dép rơm,

với đôi chân khẳng khiu và không bạn thân,

chỉ cột trụ đi cùng ta,

đồng hành với bài ca của ta.

Tiếng cúc cu than vãn

bằng máu nó:

đó là mùa xuân trong tim ta.

Ông ấy đang nói, "Ta là kẻ ăn xin nghèo - dép rơm thôi. Ta chỉ có đôi dép rơm - với đôi chân khẳng khiu và không bạn thân, chỉ cột trụ đi cùng ta."

Cột trụ này là gì? Trong Thiền họ gọi tâm thức là cột trụ thực của bạn. Chỉ cột trụ đi cùng ta, đồng hành với bài ca của ta. Tiếng cúc cu than vãn bằng máu nó; đó là mùa xuân trong tim ta.

Không thành vấn đề là bạn có tiền bạc hay quyền lực, không thành vấn đề bạn là hoàng đế. Mọi sự thành vấn đề là liệu bạn có cây cột trụ tâm thức hay không - toàn thể bản thể bạn được thắp sáng bên trong, không bóng tối. Trong chính khoảnh khắc này đó là mùa xuân cho bạn. Hàng nghìn hoa sẽ bắt đầu nở ra xung quanh bạn.

Chính một trong những đóng góp vĩ đại của Thiền là bất kì khi nào một người trở nên chứng ngộ thì toàn thể sự tồn tại đều hân hoan trong việc đó, bởi vì chúng ta tất cả đều được nối, được nối sâu sắc đến mức cho dù chỉ một người trở nên chứng ngộ, thì việc chứng ngộ của người đó là khoảnh khắc vui mừng cho toàn thể sự tồn tại. Không chỉ con người, mà cây cối cũng sẽ hớn hở, chim chóc sẽ cất tiếng hót, toàn thể bầu trời sẽ tràn đầy với tình yêu vô cùng với bạn. Nó bắt đầu mưa rào lên bạn.

Khi chứng ngộ của bạn xảy ra điều đó rõ ràng tới mức bạn đã trở thành vị khách đón chào cho tất cả mọi bí ẩn của sự tồn tại. Thời điểm mùa xuân của bạn đã tới.

Maneesha đã hỏi:

Thưa Thầy kính yêu của chúng tôi,

Với con đường của Sufi giáo, con đường của trái tim đằng sau chúng ta, người sùng kính khớp vào ở đâu?

Maneesha, người sùng kính khớp ở mọi nơi. Tất nhiên hoàn cảnh trở thành khác.

Trong Sufi giáo, người sùng kính được hiến dâng cho Thượng đế tới mức al-Hillaj Mansoor bắt đầu kêu lên, "Ta là Thượng đế!" Người sùng kính biến mất vào trong Thượng đế. Nhưng Thượng đế là giả tưởng, cho nên người sùng kính trong Sufi giáo chỉ sống trong ảo giác rất lớn. Đó là phóng chiếu của tâm trí người đó.

Nhưng người sùng kính trong Thiền không có giả tưởng nào, người đó không bị hiến dâng cho bất kì Thượng đế hay bất kì điều hư cấu nào. Sùng kính của người đó là dành cho thầy sống. Điều đó không phải là hư cấu, điều đó là tiếp xúc thực giữa con người với con người.

Cho nên đừng nghĩ rằng người sùng kính không có chỗ trong Thiền. Trong thực tế, trong Thiền người sùng kính có nghĩa thực và đích thực hơn. Trong Sufi giáo nó chỉ là tưởng tượng, tưởng tượng lớn. Nó sẽ mang tới nhiều hoa, sẽ làm cho người ta rất phúc lạc, nhưng nó chỉ giống như người đang ngất ngây.

Không phải là ngẫu nhiên mà trong Sufi giáo họ có rượu, và saki - người đàn bà mang rượu - và Thượng đế đã được quan niệm là đàn bà. Người tham dự sâu sắc trong trong tưởng tượng Sufi có vẻ gần như điên, nhưng bạn có thể thấy người đó rất vui vẻ; người đó nhảy múa và ca hát, toàn thể năng lượng của người đó bây giờ bị chi phối bởi sự tưởng tượng của người đó.

Nhưng nếu một người, bằng việc uống rượu cồn hay bằng việc uống marijuana, mà nhảy múa và ca hát, bạn có cho rằng điều đó có ý nghĩa gì theo nghĩa tối thượng không? Nó chỉ là hoá chất. Chẳng mấy chốc hoá chất sẽ ra khỏi thân thể và với việc hoá chất ra khỏi thân thể, người đó trở lại với đất, tan nát hơn là người đó đã như vậy trước đó. Tưởng tượng chắc chắn là sự giảm nhẹ bên trong bạn bởi cái gì đó gây say sưa.

Đó là lí do tại sao tôi nói với Coleman hôm qua, "Bạn đem một người Sufi tới tôi, và trong vòng một giờ tôi sẽ đem người đó xuống đất. Bằng không người đó vẫn đang bay trên trời."

Đã có những trường hợp mà mọi người dưới ảnh hưởng của LSD cứ tưởng mình có thể bay được. Điều đó rõ ràng cho họ thế, không một hoài nghi nào, rằng họ đã bay từ toà nhà mười bẩy tầng. Đấy không phải là vấn đề về lòng dũng cảm, đấy không phải là vấn đề về quyết định nào; họ chắc chắn dưới tác dụng của LSD đến mức họ tự thấy tan thành từng mảnh trên đất.

Sufi giáo ở trạng thái thấp lắm, nhưng rất đơn giản để mà bị ngất ngây. Nhưng người sùng kính trên con đường của Thiền không biến mất, người đó đơn giản lấy hoàn cảnh mới. Bây giờ vấn đề là tới gần hơn một thầy sống.

Không phải vấn đề tới gần Thượng đế hơn, điều chỉ là giả tưởng. Bạn có thể tới gần Thượng đế chỉ trong tưởng tượng, và bạn không biết quyền năng của tưởng tượng.

Chuyện xảy ra là Ramakrishna đã thử nhiều con đường. Ông ấy là người đầu tiên trong lịch sử những người tìm kiếm đã thử nhiều con đường để xem liệu chúng có đạt tới cùng một điểm hay không. Cho nên bất kì cái gì có sẵn quanh ông ấy ở Bengal, ông ấy đều thử. Có một giáo phái tin rằng chỉ mỗi Krishna mới là đàn ông còn mọi người đều là đàn bà. Ông ấy đã theo con đường đó nữa. Điều đó tuyệt đối là tưởng tượng, nhưng câu chuyện này chỉ ra quyền năng của tưởng tượng.

Trong sáu tháng Ramakrishna đã sống giống như đàn bà, và các đệ tử của ông ấy bị hoàn toàn sốc khi thấy rằng ông ấy bắt đầu bước đi như đàn bà. Không chỉ thế, mà vú ông ấy trở thành giống như đàn bà; không chỉ thế, mà ông ấy bắt đầu có kinh. Ngay cả bác sĩ cũng không thể tin được vào điều đó. Giọng nói của ông ấy thay đổi; và khi ông ấy bắt đầu có kinh đều đặn, các đệ tử của ông ấy cố gắng che dấu sự kiện này, bởi vì nếu người khác mà biết thì họ sẽ cười. Họ đã khuyên ông ấy đổi con đường này đi: "Thầy đã đi quá xa!" - và phải mất gần sáu tháng để ông ấy trở lại thành mình như cũ.

Tưởng tượng không phải là điều nhỏ, nó có quyền năng vô cùng. Nếu bạn đi theo sự tưởng tượng - và mọi tôn giáo vẫn đang làm điều đó - bạn sẽ thấy Krishna và bạn sẽ thấy Christ. Nhưng tất cả những việc thấy đó đều là phóng chiếu riêng của bạn. Bạn muốn thấy Krishna, bạn cứ nhất định trong trí tưởng tượng của mình tạo ra Krishna, và nó sẽ tạo ra. Nhưng bạn đang rơi vào trong cái bẫy của tâm trí riêng của mình.

Người sùng kính trong bất kì tôn giáo nào khác đều được hiến dâng cho Thượng đế; chỉ trong Thiền hiến dâng của người đó mới hướng tới thầy sống. Không có vấn đề về tưởng tượng. Tưởng tượng phải được tránh hoàn toàn nếu bạn muốn biết chân lí.

Bây giờ là lúc cho Sardar Gurudayal Singh. Anh ấy đâu rồi? Anando, bắn tên lửa đi!

(Anando bắn âm thanh tia chết theo hướng Sardarji.)

Không, tôi cho là bom thì tốt hơn!

(Anando bắn bom âm thanh quanh thính phòng.)

Bert Badbreath nghi ngờ vợ mình, Luscious Lucy, đang lừa dối mình, cho nên anh ta thuê Manfred Sneek, một thám tử tư, theo dõi cô ấy.

Manfred hăng hái lần theo dấu vết của Lucy, theo dõi cô ấy trong tiệm rượu, hộp đêm và khách sạn ở khắp thành phố. Sáng hôm sau, Sneek tới báo cáo cho Bert.

"Tôi đã theo cô ấy vào tiệm rượu Crawling Cat," Sneek nói, "và thế rồi cô ấy cho tôi cái váy lót. Và rồi tôi theo cô ấy tới hộp đêm Rotten Jazz, và cô ấy cho tôi cái váy lót ở đấy nữa."

"Điều này đang thành lố bịch đây," Bert kêu lên. "Điều gì xảy ra tiếp?"

"Thế này," Sneek nói, "rồi tôi theo dõi cô ấy tới khách sạn Screwing Sands..."

"Đừng kể cho tôi nữa," Bert ngắt lời. "Cô ấy lại cho anh cái váy lót ở đấy nữa chứ gì!"

"Đúng đấy," Sneek báo cáo, với cái cười nhăm nhúm cả mặt, "và cả quần silip của cô ấy nữa!"

Một nhóm công nhân công viên treo một cây thông lớn, mọc hết cỡ, lủng lẳng trên chiếc xe cẩu. Bỗng nhiên xe cẩu chồm lên và cái cây đung đưa, đập vào một chiếc Cadillac mới tinh đang đậu bên cạnh đường.

Betty Cheese nhảy ra khỏi chiếc xe bị đập méo mó và nhìn vào chỗ bị hỏng. "Các anh sẽ phải đi cùng tôi và giải thích việc này cho chồng tôi," cô ấy nói với một trong những người này.

"Đừng lo, thưa bà," công nhân công viên đáp. "Công ti chúng tôi sẽ đền tiền cho chỗ hỏng."

"Không, các ông không hiểu!" Betty kêu lên. "Tôi muốn một nhân chứng ở đó khi tôi nói cho Chester rằng tôi đã đậu xe và cái cây đâm vào tôi!"

Tiến sĩ Horton, nhà nhân chủng học, tình cờ gặp một bộ lạc ăn thịt người ở giữa rừng rậm. Đứng giữa làng của họ là một cái cột cao với một cái mũ treo trên đỉnh.

Ngay lập tức, Tiến sĩ Horton nhận ra cái mũ và hô lên với viên tù trưởng, "Lạy Trời! Đó là mũ của Tiến sĩ Fracture! Anh ấy là bạn tốt nhất của tôi!"

"Anh ấy đã là bạn tốt nhất của ông," viên tù trưởng ăn thịt người nói, vừa xỉa răng bằng tăm. "Đêm qua anh ấy đã là bữa tối của chúng tôi."

"Các ông đã ăn anh ta?" Tiến sĩ Horton kêu lên.

"Ấy chao," viên tù trưởng nói. "Trước hết chúng tôi chặt chân anh ta, rồi chúng tôi rán giòn đôi chân và ăn với nhiều Pepsi-Cola."

"Thật à?" Tiến sĩ Horton kêu lên.

"Ấy chao, " viên tù trưởng đáp. "Rồi chúng tôi luộc hai cánh tay anh ta trong nước sốt tỏi và ăn chúng, cũng với nhiều Pepsi-Cola."

"Thật à?" Tiến sĩ Horton kêu lên với vẻ không tin. "Các ông thực sự đã ăn hết cả anh ấy sao?"

"Ấy chao, " viên tù trưởng nói. "Ăn tất cả anh ta, với nhiều Pepsi-Cola."

"Ông muốn nói," Tiến sĩ Horton kêu lên, "các ông ăn cả cái ấy của anh ấy... của anh ấy sao?"

"Phải rồi, chúng tôi ăn cái ấy của anh ấy," kẻ ăn thịt người nói. "nhưng không với Pepsi-Cola đâu - với Coca-Cola cơ... bởi vì cái ấy hợp với Coke hơn!"

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng. Nhắm mắt lại. cảm thấy thân thể bạn hoàn toàn đông cứng. Bây giờ nhìn vào bên trong với toàn bộ tâm thức của bạn và với sự khẩn thiết lớn lao, dường như đây là khoảnh khắc cuối cùng của bạn.

Trung tâm này không xa xôi gì, và khi bạn tới ngày một gần hơn với trung tâm bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bình thản, hương thơm, và im lặng mênh mông, và niềm vui lớn lao.

Khoảnh khắc này, khi bạn ở tại trung tâm, bạn là nhân chứng duy nhất. Thân thể ở xa xăm, tâm trí ở xa xăm - bạn đã bỏ lại tất cả chúng.

Bạn chỉ là tấm gương, tỉnh táo, nhận biết, quan sát, và hoa bắt đầu mưa rào lên bạn - những hương thơm mới, an bình đi cùng hiểu biết. Bỗng nhiên bạn là một phần của toàn thể vũ trụ.

Trong phòng Phật này, mười nghìn chư phật đã biến mất... Chỉ một tâm thức phật... Để làm cho điều đó thành rõ ràng,

Nivedano...

(tiếng trống)

Vẫn còn là nhân chứng. Thân thể có đó, tâm trí có đó, nhưng bạn không là thân thể, không là tâm trí. Bạn là nhân chứng vĩnh hằng. Từ khi sự tồn tại bắt đầu, bạn đã từng ở đó như một nhân chứng trong những hình dạng khác nhau. Việc chứng kiến là bản chất đích xác của bạn, và nhận ra nhân chứng này là trở thành phật. Mọi biên giới đều biến mất, và Thính phòng Phật trở thành cái hồ của tâm thức im lặng không gợn sóng, im lặng tới mức nó trở thành gần như tấm gương.

Bạn may mắn được ở đây tại biến cố trọng yếu như vậy. Toàn thể nhân loại nghèo nàn thế nếu so sánh với bạn. Bạn có thể không có gì, nhưng nếu bạn có phật được thức tỉnh, thì bạn có mọi kho báu của sự tồn tại trong tay mình. Bạn phải mang nhận biết này, việc chứng kiến này, phật tính này, từ trung tâm ra chu vi của cuộc sống thường ngày của bạn. Trong mọi hành động, phật phải được thể hiện. Trong im lặng của bạn, phật phải hiện diện. Trong bài ca của mình bạn nên cho phép phật hát. Trong điệu vũ của mình bạn không nên nhảy múa; cho phép phật nhảy múa.

Dần dần, dần dần toàn thể cuộc sống của bạn bị chiếm lĩnh hoàn toàn bởi cốt lõi bên trong nhất. Sự khác biệt giữa chu vi và trung tâm biến mất. Đó là khoảnh khắc quí giá nhất. Trong Thiền họ gọi điều đó là về nhà.

Chẳng mấy chốc Nivedano sẽ gọi bạn trở lại. thu lấy thật nhiều hoa và hương thơm... thuyết phục phật đi cùng bạn. Ông ấy bao giờ cũng tới; chỉ cần khuyên nhủ đúng... Tại trung tâm ông ấy chỉ là hạt mầm, tại chu vi ông ấy sẽ thành đoá hoa.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại, nhưng quay lại như phật - với cùng sự duyên dáng, với cùng cái đẹp, với cùng phúc lạc. Ngồi xuống trong vài khoảnh khắc chỉ để hồi tưởng lại không gian bạn đã ở, con đường, con đường vàng bạn đã đi theo hướng tới trung tâm, và cùng con đường bạn đã theo trở lại. Nhớ lấy, phật không phải là thành tựu, đó là sự khải lộ. Bạn bao giờ cũng là phật; chỉ chút ít nhận ra và toàn thể cuộc sống của bạn sẽ trải qua sự biến đổi. Đây là cuộc cách mạng duy nhất xứng đáng gọi là cách mạng.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 5 – Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Thiền - Download Sách Thiền PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Thiền Hoặc Download ê


0 Đánh giá

Ads Belove Post