Chương 5. Ngồi Ở Trung Tâm Vòng Tròn

Chương 5. Ngồi Ở Trung Tâm Vòng Tròn

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Nam Tuyền (Nansen)

Điểm Khởi Hành – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 5. Ngồi Ở Trung Tâm Vòng Tròn









Nghe hoặc Tải MP3 'Nam Tuyền (Nansen) – Điểm Khởi Hànhê


Osho ơi,

Có lần, Nam Tuyền bảo với hai đệ tử của ông ấy rằng ông ấy định đưa họ cùng đi thăm Quốc Sư.

Nhưng trước khi họ bắt đầu khởi hành cuộc hành trình, Nam Tuyền vẽ ra một vòng tròn trên đường và nói, "Ngay khi các ông đưa ra câu trả lời đúng, chúng ta sẽ đi."

Vào lúc đó, một trong các đệ tử ngồi vào bên trong vòng tròn và người kia cúi mình như đàn bà.

Nam Tuyền nói, "Xét từ đáp ứng này, sẽ không cần đi."

Một lần khác, Nam Tuyền đang giặt quần áo thì một sư bắt gặp ông ấy.

Thấy ông ấy đang làm việc như vậy, sư than, "Thưa thầy, thầy vẫn không thoát khỏi 'cái này' sao?"

Nam Tuyền, giơ quần áo ướt lên, bình luận "Ông có thể làm gì về 'cái này'?"

Maneesha, trước khi tôi thảo luận về lời kinh của bạn, tôi phải nói lời khai mạc cho những kẻ mới tới của Avirbhava về Bảo tàng các Thần. Bảo tàng này sẽ chỉ cho thế giới cách con người đã mất trí thế nào. Con người đã tôn thờ con vật và giết con người. Điều đó ngu ngốc tới mức các thế hệ tương lai đơn giản sẽ cười lớn. Họ có thể không hiểu.

Tại Australia người da trắng đã giết gần hết người bản xứ của Australia. Họ thường gọi điều đó là đi săn; cũng như bạn đi săn con vật, họ thường đi săn con người. Và đến tối họ sẽ hỏi lẫn nhau họ đã giết được bao nhiêu. Và họ chưa bao giờ nghĩ một khoảnh khắc rằng điều họ đã làm là tuyệt đối mất trí.

Họ đã làm cùng điều đó với con vật. Họ đã tôn thờ con vật một đằng và họ đã giết và phá huỷ nhiều loài. Đã có hàng nghìn loài động vật; nhiều loài thậm chí không còn để lại dấu vết đằng sau. Con người đã săn bắt chúng, giết chúng. Thế giới này trước đây sống động hơn, mầu sắc hơn. Nó đã trở thành gần như chết bởi bàn tay chúng ta; bàn tay chúng ta đầy máu.

Mới hai mươi năm trước đây chỉ có bốn con sư tử trắng còn lại trên thế giới. Tại một thị trấn nhỏ, Rewa, ở Ấn Độ, nơi Narendra là giáo sư - bởi vì Narendra là giáo sư ở đó, ông ấy đã mời tôi tới nói chuyện - ở đó đã từng có hàng nghìn con sư tử trắng, thuần trắng; sự oai nghiên đường bệ của chúng là bao la lắm. Chỉ bốn con còn lại, và bây giờ tôi nghe nói hai con trong số đó đã chết. Hai con còn lại có thể chết vào bất kì ngày nào. Bởi vì hai con còn lại cả hai đều là con đực, cho nên không có khả năng có con cái gì cả. Dần dần nhiều loài đơn giản đã biến mất.

Sư tử thường được coi là con vật tượng trưng quốc gia ở Ấn Độ, nhưng chúng ta đã giết chúng nhiều tới mức chúng gần như hết. Nghị viện Ấn Độ phải thay đổi điều đó; bây giờ hổ là con vật tượng trưng quốc gia. Hổ không thể so sánh được với sư tử. Chẳng bao giờ có con vật nào sánh được với sư tử, oai nghiêm của nó, sức mạnh của nó. Nhưng chúng ta đã giết chúng. Chúng chẳng làm gì hại cho chúng ta cả. Chúng sống ở vùng núi non, rừng rậm.

Avirbhava đã mang tới một con hổ và một con sư tử. Tôi sẽ nêu cho các bạn chút ít ghi chép về từng con.

"Hổ.

"Ở Hà Nội hổ được tôn thờ như thần. Ở Sumatra hổ là đại diện cho nơi cư ngụ của linh hồn người chết.

"Tại nhiều nước, có những điều mê tín và tin tưởng bao quanh hổ. Ở Mirzapur, Bagheshwar, thần hổ được cho là ở trong cây bira và tương truyền thường lấy dạng người vào ban đêm và gọi mọi người theo tên. Phải cẩn thận với những người trả lời lời gọi: họ bị ốm ngay. Ở Hi Lạp, xe của Dionysius được vẽ hổ. Ở Nhật Bản, hổ biểu thị cho lòng dũng cảm. Ở Nepal, có lễ hội hổ, được biết là Bagh Jatra, trong đó những người tôn thờ nhảy múa ăn mặc trá hình là hổ. Ở Ấn Độ, Durga, nữ thần mẹ huỷ diệt, cưỡi trên hổ, và Shiva, người huỷ diệt, đôi khi cũng mặc áo da hổ.

"Có niềm tin ở Ấn Độ rằng khu vườn mà hổ đã từng bị giết mất đi sự mầu mỡ của nó. Răng, vuốt và ria hổ được dùng làm bùa yêu, và như phương tiện chống lại sự khống chế của các ác linh.

"Ở Trung Quốc, hổ là vua các loài vật và là chúa vương quốc loài vật. Đôi khi nó mô tả cho quyền uy, lòng dũng cảm, sức mạnh quân sự và sự dữ tợn cần để bảo vệ."

Nếu bạn nhìn điều này về mặt tâm lí, thì hổ và sư tử thực sự là được tôn thờ một cách biểu tượng. Việc tôn thờ hổ và sư tử đơn giản nói rằng bạn tôn thờ sức mạnh - cũng như những người tôn thờ tiền. Ở Ấn Độ mỗi năm lại có một lễ hội - đặc biệt vào Deepavali, lễ hội ánh sáng - tiền được tôn thờ như thần… chỉ bạc giấy và đồng xu! Và chúng ta gọi những người này là thông minh! Những người tầm thường đó đã tôn thờ tiền... bởi vì nếu bạn tôn thờ tiền, nữ thần của giàu sang, Laxmi, sẽ đổ tiền vào nhà bạn. Điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Tiền không mọc ra từ cây, mà cũng chẳng rơi xuống từ mái nhà bạn. Nhưng dầu vậy lễ hội vẫn cứ tiếp diễn.

Vào thời thơ ấu của mình tôi đã từ chối ngồi đấy khi họ tôn thờ tiền. Tôi nói điều đó mất trí đến mức ngay cả đứa trẻ cũng không thể xem được nó. Tiền là thứ chết, chỉ là phương pháp trao đổi mọi thứ; nó không có chân giá trị. Nhưng nỗi sợ là ở chỗ nếu bạn không tôn thờ, thế thì Laxmi có thể quay lưng lại nhà bạn. Bà ấy có thể tới chỉ để làm mưa tiền xuống còn bạn lại không tôn thờ; bà ấy có thể quay đi.

Tôi hỏi bố tôi, "Bố đã bao giờ nghe nói rằng bà ấy làm mưa tiền xuống không? Chỉ cần một trường hợp thôi sẽ đủ để thuyết phục con."

Ông ấy nói, "Về điểm đó thì bố chẳng thể nói được điều gì vì điều đó chưa bao giờ xảy ra cả."

Nhưng thèm khát, ham muốn tiền, nhiều tiền, thậm chí đã làm cho tiền thành thần - một thứ chết, chẳng có nghĩa gì. Cũng điều ấy là trường hợp đối với sư tử và hổ, bởi vì chúng đại diện cho sức mạnh và quyền lực. Mọi người đều khao khát quyền lực: quyền lực để chi phối người khác, để trở thành thủ tướng, trở thành tổng thống, trở thành vua hay nữ hoàng. Ham muốn sâu sắc trong mọi người là chinh phục cả thế giới.

Không chỉ Alexander Đại đế ốm yếu, mọi người đều ốm yếu. Alexander đủ ngu để đem ốm yếu của mình vào hoạt động. Phần lớn các Alexanders giữ điều đó bên trong mình; nhưng ham muốn chinh phục thế giới vẫn có đó.

Khi Alexander tới Ấn Độ, ông ta gặp trên đường một người đẹp nhất mà Hi Lạp đã từng tạo ra, Diogenes. Diogenes hỏi Alexander, "Ông sẽ làm gì nếu ông chinh phục xong thế giới? Cứ giả thiết làm làm được điều đó đi, chỉ để biện luận. Cho dù ông có chinh phục được cả thế giới, ông sẽ làm gì tiếp?"

Alexander nói, "Ta chưa bao giờ nghĩ tới điều đó, nhưng ta cứ giả sử thế, ta sẽ thảnh thơi và nghỉ ngơi."

Diogenes đang nằm nghỉ bên bờ sông, tắm nắng trần. Ông ấy cười to và ông ấy nói, "Nếu sau khi chinh phục cả thế giới, tàn sát hàng triệu người, ông mới thảnh thơi, thì sao không thảnh thơi ngay bây giờ đi? Bờ sông này đủ lớn. Cả hai chúng ta có thể ở đó được. Đó sẽ là việc đồng hành tốt đấy."

Alexander ban đầu bị sốc bởi vì không ai đã từng nói với ông ấy theo như cách Diogenes đã nói. Nhưng ông ấy phải nhân nhượng rằng, "Ông phải đấy. Nếu sau khi chinh phục thế giới người ta chỉ thảnh thơi và nghỉ ngơi, thì sao không nghỉ ngơi và thảnh thơi ngay bây giờ? Ai biết liệu mình sẽ có khả năng chinh phục được thế giới hay không?"

Và đó là điều đã xảy ra. Ông ấy đã không thể hoàn thành được cuộc chinh phục thế giới của mình. Ông ấy quay về từ biên giới Ấn Độ bên bờ sông Sindhu. Ông ấy đã đánh nhau với vị vua tên là Poras, một người cực kì dũng cảm và chân thực, đại diện cho những ngày vàng của nhân loại.

Alexander giở trò tinh ranh với Poras. Ông ta biết rất rõ không dễ chinh phục con người đó. Đấy là tháng sawan, khi những người chị em Ấn Độ buộc chỉ vào tay người anh. Điều đó được gọi là raksha bandhan. Sợi chỉ đó nhắc nhở người anh rằng anh ta phải bảo vệ người em mình trong mọi hoàn cảnh; cho dù người đó phải liều thân mình, người đó cũng sẽ làm; đó là lời hứa. Và sau khi buộc chỉ vào tay Poras cô ấy nói, "Anh có biết em là ai không? Em là vợ của kẻ thù của anh, Alexander, người đang cắm trại ở bên kia sông Sindhu. Bây giờ anh nhớ và giữ lấy sợi chỉ trên tay anh. Làm bất kì điều gì anh muốn làm, nhưng đừng giết chồng em."

Poras hứa. Đây là một chiến lược kì lạ. Nhưng khi đánh nhau, Poras đã có cơ hội, khi ông ta đã giết chết ngựa của Alexander và Alexander ngã xuống đất và Poras nhảy lên ông ta từ con voi của mình với cái giáo. Nhưng khi ông ta chĩa mũi giáo vào ngực Alexander, ông ta thấy sợi chỉ. Ông ta đơn giản dừng lại. Alexander hỏi, "Có chuyện gì vậy?"

Ông ta nói, "Ta đã có lời hứa với vợ ông. Cô ấy đã trở thành em gái ta. Ta không thể giết ông được."

Theo cách đó Alexander đã trở thành kẻ chinh phục. Đây không phải là chinh phục. Đây là tinh ranh thuần tuý. Và từ đó ông ta đã quay về. Thấy cách Poras đối xử, ông ta đã không còn bạo dạn để đi vào sâu trong Ấn Độ, bởi vì ông ta sẽ phải đối mặt với nhiều chiến binh vĩ đại, dũng cảm, và có cả lục địa cần chinh phục. Cho nên ông ta quay về, thế giới vẫn còn không bị chinh phục và ông ta chết trùng với ngày Diogenes chết.

Bây giờ đây mới là câu chuyện hay. Nó không thể được nói là sự kiện, nhưng nó chắc chắn đúng. Và bạn bao giò cũng phải có phân biệt rõ giữa sự kiện và chân lí. Chân lí không nhất thiết là sự kiện, ngay cả hư cấu cũng có thể có chân lí.

Câu chuyện là, họ cả hai lại gặp nhau trên biên giới của thế giới này và thiên đường. Có một con sông làm đường biên. Phía trước là Alexander, trần trụi, bởi vì bạn không thể đem cái gì theo cùng mình được cả, chỉ bộ xương. Bỗng nhiên ông ta nghe thấy một tiếng cười ha hả đằng sau mình. Ông ta ngoái lại và ông ta không thể tin được điều đó. Ông ta nghĩ, "Lạy trời, đây là Diogenes."

Nhưng để giữ thể diện, ông ta nói với Diogenes, "Một sự trùng hợp lớn lao là hoàng để gặp ăn xin bên sông này, nơi biên giới của thế giới và thiên đường." Ông ta đang nói rằng, "Ta là hoàng đế còn ông là ăn xin."

Diogenes nói, "Ông tuyệt đối đúng. Nhưng có sự hiểu lầm nào đó. Ăn xin đang đi trước tôi còn hoàng đế đi sau ông. Tôi tự do khi tôi còn ở trái đất. Tôi không có của cải, không quyền lực, không danh vọng. Tôi đơn giản tận hưởng cuộc sống của mình trong tự do hoàn toàn chẳng bận tâm về điều mọi người nói. Ông quan tâm tới việc chinh phục thế giới, cho nên ông đã có lời hứa. Ông phải thoả hiệp đủ mọi loại, ông phải tinh ranh, ngoại giao. Ông đã là kẻ ăn xin tại đó nữa, và ở đây bây giờ ông vẫn là ăn xin. Tôi là hoàng đế ở đó nữa. Không ai đã từng thách thức tính chất hoàng đế của tôi và tôi đã bảo ông - ông đã quên chưa? - rằng cuộc chinh phục của ông có thể không được hoàn tất và ông có thể không có thời gian để nghỉ ngơi và thảnh thơi. Bây giờ ông phải nói gì về điều đó?"

Alexander nói, "Xin ông thứ lỗi, tôi quá bản ngã. Giá mà tôi nghe ông và nằm nghỉ lại bên ông, thì ít nhất đã có vài năm vui sướng, im lặng, thiền, an bình, yêu đương. Nhưng tôi đã không nghe lời ông."

Có hàng nghìn con đường đi vào cuộc hành trình của quyền lực, chính trị, tiền bạc, tri thức, bất kì cái gì nơi con người bắt đầu khoe khoang về bản thân bạn như một thứ đặc biệt.

Tâm lí đằng sau tôn thờ này với hổ và sư tử biểu trưng cho tôn thờ quyền lực. Cho nên con người một mặt tôn thờ chúng và mặt khác giết hại chúng. Tôi đã là khách của ông Maharaja vùng Bhavnagar. Ông ấy đưa tôi đi thăm quanh lâu đài của ông ấy. Và tôi đã thấy trên khắp lâu đài có hàng trăm cái đầu sư tử treo trên tường hay cả con sư tử nhồi đang đứng trong hành lang. Tôi nói, "Ai đã làm điều này?"

Ông ấy nói, "Bố tôi là thợ săn lớn. Ông ấy đã giết nhiều sư tử hơn bất kì ai khác ở Ấn Độ."

Tôi nói, "Ông gọi điều đó là đi săn. Và nếu một con sư tử giết chết bố ông, ông sẽ gọi điều đó là gì? Một thảm hoạ. Ông sẽ không gọi điều đó là đi săn. Và việc đi săn này là gì? Từ chỗ xa, ngồi trên cây với khẩu súng máy, một con vật đáng thương không vũ khí tự bảo vệ mình hay để đánh nhau... giết chết nó và sung sướng trong việc giết chết này!"

Tôi bảo ông Maharaja, "Bố ông phải đã điên rồi. Ông có còn tiếp tục cái điên khùng này không? Những điều này tới như đồ thừa kế. Tôi thấy trong mắt ông khi ông trưng bầy cho tôi tất cả những thứ vô nghĩa này với niềm tự hào lớn, cứ dường như bố ông đã làm điều gì đó tốt cho nhân loại. Ông nên thấy xấu hổ về việc là con của người đã huỷ diệt không cần thiết những con vật đẹp thế."

Một ghi chép về sư tử.

"Một cách phổ biến sư tử nổi tiếng là vua của loài vật, và ở nhiều nước nó được tôn thờ như biểu tượng của mặt trời, và biểu tượng của kẻ phá huỷ. Ở Baalbek, sư tử được tôn thờ như thần. Bê được dâng tặng cho sư tử và trong khi sư tử ăn ngấu nghiến con bê, thì những khán giả ngưỡng mộ sẽ ca lên những bài hát ca ngợi sư tử. Ở vùng Persia, Mythras, thần ánh sáng của người Persian, bao giờ cũng đi kèm với sư tử, còn người Arabs có thần sư tử, Yaghuth. Ở Ai cập, có nữ thần đầu sư tử, Sekhmet. Và thần Ai cập cổ đại, Ammit, một phần là sư tử và người ta tin là ăn linh hồn của những kẻ có tội.

"Ở châu Phi hiện đại có tượng thần sư tử trong những người Balondas. Nó được làm bằng cỏ được bao phủ bằng đất sét và được đặt trong rừng. Trong trường hợp có bệnh tật, lời cầu nguyện được cúng dường và trống được đánh lên trước nó.

"Ở Ấn Độ, hoá thân thứ tư của Vishnu, là người-sư tử, tên là Narsinha - nửa người, nửa sư tử."

Điều tốt là ý thức về cách thức nhân loại đang hành xử vô ý thức thế nào. Điều tốt là biết những điểm xấu của hành vi con người bởi vì thế thì bạn có thể tránh nhiều điều xấu trong cuộc sống của mình, và năng lượng của bạn có thể di chuyển theo cách duyên dáng hơn, theo cách đáng yêu hơn, theo cách từ bi hơn.

Avirbhava, đưa hổ và sư tử của bạn lên đây. (Avirbhava tới trong trang phục sư tử, còn Anando trong trang phục hổ, nhảy múa quanh bục)

Lời kinh:

Thầy kính yêu,

Có lần, Nam Tuyền bảo với hai đệ tử của ông ấy rằng ông ấy định đưa họ cùng đi thăm Quốc Sư.

Vào những ngày đó, đặc biệt là ở Nhật Bản, một thiền sư nào đó được công bố là Quốc Sư về thiền. Có nhiều thầy thế, nhưng Quốc Sư được gắn bó với cung điện của vua. Và tất cả các thầy khác thường hay tới gặp Quốc Sư. Có lẽ nhất là ông ấy già rồi và được rất kính trọng, một người đã giúp nhiều người khác trở nên chứng ngộ. Nam Tuyền đã chứng ngộ, với hai đệ tử của mình ông ấy định tới thăm Quốc Sư.

Nhưng trước khi họ bắt đầu khởi hành cuộc hành trình - đây là cách Nam Tuyền làm việc. Ông ấy là duy nhất theo phương cách của mình. Nhưng trước khi họ bắt đầu khởi hành cuộc hành trình, Nam Tuyền vẽ ra một vòng tròn trên đường và nói, "Ngay khi các ông đưa ra câu trả lời đúng, chúng ta sẽ đi." Bây giờ, vẽ một vòng tròn trên đường, bạn có thể đưa ra câu trảlời gì?

Nhưng đệ tử này chắc chắn là người giỏi nhất có thể có. Vào lúc đó, một trong các đệ tử ngồi vào bên trong vòng tròn và người kia cúi mình như đàn bà. Nam Tuyền nói, "Xét từ đáp ứng này, sẽ không cần đi." Trong thực tế ông ấy chẳng định đi đâu cả, đây chỉ là cách thức làm việc kì lạ của ông ấy. Nhưng câu trả lời mà các đệ tử đã xoay xở, là cực kì hay.

Trước hết, một đệ tử ngồi vào tâm của vòng tròn. Đó là toàn bộ nỗ lực của mọi tôn giáo, ở tại trung tâm con người bạn. Tại trung tâm của con người mình bạn ở tại trung tâm của toàn thể vũ trụ. Đó là điện thờ duy nhất, ngôi đền duy nhất. Cánh cửa là ở chính trung tâm của con người bạn; bạn chỉ là chu vi.


Và người kia cúi mình xuống trước người đệ tử đang ngồi ở trung tâm. Tại Nhật Bản đàn bà hành xử theo cách rất duyên dáng. Đàn ông không được trông đợi có nhiều duyên dáng thế. Nhưng đàn bà được trông đợi rất duyên dáng. Cho nên người kia cúi mình như đàn bà; với duyên dáng lớn anh ta cúi mình trước đệ tử đang ngồi tại trung tâm. Anh ta cũng biểu lộ sáng suốt rằng, chừng nào bạn còn chưa cúi mình trước ai đó đang ở trung tâm của con người mình, với khiêm tốn lớn lao, với an bình lớn lao, với tính toàn bộ, với tình yêu, với cảm nhận, tất cả đều là phẩm chất của đàn bà, bạn chẳng bao giờ có thể đạt tới trung tâm riêng của bạn.






Thấy điều này Nam Tuyền nói, "Xét từ đáp ứng này, sẽ không cần đi." Cuộc hành trình bị xoá bỏ vì cả hai con đều hiểu đích xác chính tiến trình để người ta trở nên mang tính tôn giáo.

Một lần khác, Nam Tuyền đang giặt quần áo thì một sư bắt gặp ông ấy. Thấy ông ấy đang làm việc như vậy, sư than, "Thưa thầy, thầy vẫn không thoát khỏi 'cái này' sao?" Từ 'cái này' có ý nghĩa đặc biệt đối với lữ khách của Phật Gautam.

Phật Gautam nhấn mạnh vào 'tính cái này' của mọi sự. Bạn trở nên già và bạn phàn nàn, và Phật sẽ nói, "Không cần phải phàn nàn. Đây là cách thức tự nhiên làm việc."

Ngay cả nếu bạn sắp chết, ông ấy cũng sẽ không biểu lộ thông cảm nào. Ngược lại ông ấy sẽ biểu lộ hiểu biết của ông ấy. Ông ấy sẽ bảo bạn, "Đừng lo nhé. Chết cho an bình; mọi thứ được sinh ra một ngày nào đó sẽ chết đi. Đón nhận chết với cảm nhận duyên dáng, không ác cảm và không phàn nàn. Sống phải không ác cảm nào và không phàn nàn gì; chết cũng phải như vậy. Từ mà ông ấy dùng là tathata. Nó có thể được dịch sang tiếng Anh thành như thế này hay tính như thế. Như thế là cách sống, hay cái này là cách sống; chẳng có gì để phàn nàn cả; bạn không thể đi ngược lại dòng chảy, nổi cùng nó đi. Đây là con đường đúng: như thế là con đường của những người biết.

Mặc dầu Nam Tuyền đang giặt quần áo của mình khi sư này bắt gặp, thấy ông ấy làm hoạt động bình thường như vậy - một thầy vĩ đại với hàng nghìn đệ tử mà lại đi giặt quần áo sao? - sư than, "Thưa thầy, thầy vẫn không thoát khỏi 'cái này' sao?" Nam Tuyền bao giờ cũng sẵn sàng dùng bất kì tình huống nào để đưa sáng suốt lớn lao vào trong mọi việc. Sư này đang trỏ vào việc giặt giũ bằng cách nói, "Đây là lúc thầy nên thoát khỏi mọi việc vặt vãnh này, bất kì ai khác cũng có thể làm điều đó." Nhưng Nam Tuyền đã biến đổi từ 'cái này' ngay lập tức.

Nam Tuyền, giơ quần áo ướt lên, bình luận "Ông có thể làm gì về 'cái này'?" Toàn bộ tình tiết về việc giặt giũ quần áo thay đổi ngay màu sắc của nó, ngay ý nghĩa của nó. Nó trở thành vấn đề về tính cái này. Bạn không thể làm gì về cái này. 'Cái này' nghĩa là khoảnh khắc hiện tại. Bạn có thể nghĩ về quá khứ, rằng nó có thể đã là cái gì đó khác; bạn có thể nghĩ về tương lai, nó phải như thế nào; nhưng bạn có thể làm gì về khoảnh khắc hiện tại? Bạn có thể làm gì về cái này? Trong khoảnh khắc hiện tại người ta chỉ có thể làm một thứ, chỉ một thứ: người ta có thể đơn giản im lặng và chứng kiến. Nhiều hơn điều đó... không đủ chỗ trong khoảnh khắc hiện tại.

Nhưng nhân chứng hoàn toàn khớp. Bạn có thể quan sát. Thầy đang nói, "Ta đang giặt quần áo và quan sát. Còn cái gì nữa có thể được làm với cái này?" Thứ nữa ông ấy cũng đang chỉ ra.... Và đây là một trong những điều mới mà ông ấy đã đưa vào - tôi đã gọi nó là điểm khởi hành vĩ đại - ông ấy đã làm cho các thiền sư phải làm việc. "Nếu các ông không làm việc ngày này, thì ngày khác các ông đừng ăn. Làm việc hôm nay, chỉ thế thì các ông mới được phép ăn ngày mai."

Đó đã là điều rất mới và xã hội đã rất giận với Nam Tuyền bởi vì các sư bao giờ cũng được xã hội cho thức ăn, quần áo và những thứ tiện nghi khác. Nam Tuyền đã bảo các sư rằng các ông không được là kẻ ăn xin. Ông ấy có tính cách rất cách mạng. Các sư phật giáo mang bình bát khất thực; Nam Tuyền buộc các sư của mình vứt mọi bình bát khất thực đi. Trong đạo tràng của ông ấy không có bình bát khất thực, bởi vì trong đạo tràng của ông ấy chỉ có các hoàng đế, không có ăn xin!

"Chúng ta sẽ làm việc từ nó ra, nhu cầu của chúng ta rất đơn giản: một hay hai chén trà, chỉ gạo làm thức ăn, và chúng ta có đủ đất quanh đạo tràng; chỉ ba hay bốn giờ làm việc và biến công việc thành thiền. Trong khi làm việc, làm việc toàn bộ tới mức các ông quên cả thế giới, để cho chỉ mỗi công việc còn lại, thậm chí không có cả các ông; các ông cũng mất rồi, bị quên mất rồi. Cho nên sâu bên dưới các ông tham gia vào công việc tới mức công việc trở thành việc thiền lớn, biến đổi lớn."

Vậy là ông ấy đã đưa vào một điều mới. Phật đã đưa vào thiền ngồi và thiền đi, bởi vì bạn không thể ngồi cả ngày và thiền; xương bạn sẽ bắt đầu đau. Cho nên ông ấy đã cho thiền một giờ ngồi và một giờ đi, để có thể duy trì được cân bằng và lành mạnh của thiền nhân.

Nam Tuyền nói, "Vài giờ thiền ngồi và vài giờ thiền làm." Ông ấy vứt bỏ thiền đi. Khi bạn có thể làm việc thì cần gì bước đi? Làm việc sẽ là đủ luyện tập cho bạn, nó cũng sẽ có hiệu suất và nó sẽ làm thay đổi khuôn mặt các sannyasin. Anh ta không nên là kẻ ăn bám vào xã hội; anh nên trở thành độc lập.

Ông ấy đã thấy rằng xa xăm trong tương lai vấn đề này sẽ thành lớn. Chỉ mới vài năm trước ở Thái lan chính phủ đã phải làm luật rằng không ai được trở thành sư mà không được phép của chính phủ. Số sư đã tăng lên theo qui mô lớn đến mức cứ bốn người thì một người là sư. Bây giờ ba người kia phải mang toàn bộ gánh nặng cho một người, và bản thân ba người này cũng bên lề chết đói. Thái lan là nước nghèo, thế mà người này chẳng làm gì, chẳng đóng góp gì cho xã hội và lại đòi hỏi mọi thứ, đòi cả kính trọng, tôn kính.

Nam Tuyền phải rất rõ ràng rằng với cách sư tăng lên ở Viễn Đông, chẳng mấy chốc họ sẽ tràn ngập xã hội thông thường. Sẽ không thể nào nuôi họ được; họ sẽ làm mất mọi kính trọng và trở thành gần như ăn xin. Việc nhìn xa thấy trước của ông ấy là tuyệt đối đúng. Đó là tình huống trong nhiều nước phật giáo.

Cho nên sự việc nhỏ này không chỉ làm lộ ra ý tưởng về tính cái này. Nó cũng còn chỉ ra rằng, "Ta phải làm việc chứ.

Ta chứng ngộ chẳng thành vấn đề, ta phải giặt quần áo của mình và ta phải làm việc trên cánh đồng vì thức ăn của mình."

Khi ông ấy trở nên rất già, ông ấy vẫn khăng khăng làm việc. Và ông ấy già và mảnh mai thế, các đệ tử trở nên rất bận tâm. Vào lúc nào đó họ đánh cắp hết công cụ làm việc của ông ấy. Nam Tuyền tìm công cụ của mình những chẳng thể tìm được. Ông ấy không ăn hôm đó; các đệ tử đáng thương phải trả lại cho ông ấy công cụ. Ông ấy làm việc đến tận khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình. Ông ấy đã nêu ra giá trị của công việc, ông ấy đã nêu ra sự kính trọng về sannyasin. Ông ấy đã đem tới nhiều ý tưởng mới chống lại, đối lập lại với toàn bộ truyền thống.

Cuối cùng ông ấy là người chiến thắng bởi vì ông ấy đã thấy trước tương lai. Con người của chứng ngộ có cảm nhận, sáng tỏ để có thể nhìn xa vào tương lai. Và nếu bạn muốn chuẩn bị cho tương lai, bạn phải bắt đầu từ bây giờ.

Tôi nhớ tới một nhà huyền môn Sufi người hay làm việc trong vườn và ông ấy đã trở nên rất già, gần cổ đại, một trăm hai mươi tuổi; nhưng ông ấy vẫn quen làm việc trong vườn. Nhà vua thường tới hàng ngày khắp thành phố đi vi hành để xem liệu mọi sự có ổn thoả không. Ông ấy rất quan tâm khi thấy ông già này, người già nhất vương quốc mình, vẫn làm việc trên đồng, trong vườn.

Ông ấy không thể cưỡng lại được sự cám dỗ. Ông già này có khu vườn thực đẹp với những cây tuyết tùng lớn, dễ đến bốn trăm tuổi và ông ấy còn lập kế hoạch trồng cây tuyết tùng mới, chỉ là cây con. Nhà vua không thể cưỡng lại được cám dỗ; ông ta xuống ngựa, đi tới ông già và hỏi ông ấy, "Ông bao nhiêu tuổi rồi?"

Người này nói, "Tuổi á? Mọi người nói rằng tôi phải quãng một trăm hai mươi tuổi. Nhưng tôi chưa bao giờ đếm cả. Có thế nhiều hơn chút ít, có thể ít hơn chút ít. Nhưng sao ông lại hỏi?"

Nhà vua nói, "Ta hỏi điều này bởi vì ông là người trồng cây. Ông sẽ không có khả năng thấy những cây này lớn lên. Ông đang trồng cây ăn quả sẽ có quả sau bốn mươi hay năm mươi năm nữa. Ông sẽ không còn ở đây. Và ông làm việc cả ngày. Ta không thể hiểu được logic của ông."

Ông già nói, "Ông sẽ hiểu. Nếu bố mẹ tôi mà không trồng cây, những cây mà họ sẽ không thấy việc nở hoa hoàn toàn của chúng, thì tôi đã không thấy được chúng. Tôi sẽ không hưởng quả của những cây đó. Tôi sẽ không thấy những cây tuyết tùng bốn trăm năm tuổi này gần như vươn tới các vì sao, vẻ đẹp và sức mạnh của chúng. Nếu ông cha tôi từ bốn trăm năm trước đây mà không trồng chúng, tôi đã không có khả năng tận hưởng bóng mát của chúng, vẻ đẹp của chúng, vĩ đại của chúng. Tôi có phải trả lời thêm hay ông đã hiểu?"

Nhà vua nói một cách khiên tốn, "Ta hiểu rồi. Nếu ông thấy tương lai một cách rõ ràng, thế thì đây là khoảnh khắc để bắt đầu, bây giờ hay không bao giờ."

Một bài thơ của Sekiso:

Trong những thôn làng núi non này

và những thị trấn hải cảng

tôi sung sướng đã tìm ra

người đồng hành tốt,

đám đông ngư dân

vào và ra lều tôi mọi lúc.

Vì tôi chưa bao giờ đưa ra cái gì nhỏ nhất

theo kiểu con mồi

tôi đã đảm đương được không lừa dối

cá đang bơi tới

bất chấp cả hiểm nguy mạng chúng.

Người ta nói về Sekiso là ông ấy sống trong một túp lều ở một làng chài lưới. Ông ấy có chiếc lều ngay bên cạnh hồ, và bất kì khi nào ông ấy tới hồ, hàng trăm con cá bơi tới đón mừng ông ấy. Cũng hệt như người ta nói về thánh Francis ở Assisi, cũng có điều như vậy với Sekiso.

Và trong bài thơ này ông ấy đang nói, Vì tôi chưa bao giờ đưa ra cái gì nhỏ nhất theo kiểu con mồi tôi đã đảm đương được không lừa dối cá đang bơi tới bất chấp cả hiểm nguy mạng chúng. Cá hay bơi tới ông ấy cũng là đang tiến tới mối nguy hiểm cho mạng chúng. Nhưng điều đó xảy ra nếu trái tim bạn tràn đầy tình yêu. Nếu toàn thể con người bạn không bạo hành thì bạn thậm chí không thể hình dung ra được việc giết hại vật sống, ngay cả cây cối cũng hiểu điều đó, ngay cả chim chóc cũng hiểu điều đó, con vật cũng hiểu điều đó.

Và theo nghĩa sâu sắc hơn, nếu bạn làm cho điều đó thành cách diễn đạt biểu dụ, thì mọi thầy đều được hàng nghìn đệ tử tới gần bất chấp nguy hiểm tới mạng họ. Điều đó là có thể chỉ nếu thầy toả ra sự tin cậy, nếu thầy toả ra tình yêu, nếu bạn có thể thấy trong mắt thầy không cái gì khác ngoài nhân chứng thuần khiết, tấm gương. Bằng không bạn không thể tới quá gần thầy được; bạn sẽ giữ khoảng cách, bởi vì, ai mà biết được, ông ấy có thể lừa bạn, ông ấy có thể dối bạn.

Nhưng với thầy đích thực thì đấy không phải là vấn đề phân biệt tinh thần. Nó chỉ là việc đột nhiên khi bạn tới gần thầy đích thực, cái gì đó trong tim bạn bắt đầu nhảy múa. Không ai sẽ thấy điều đó; duy nhất bạn sẽ thấy rằng trái tim bạn đã đi vào trong một loại năng lượng khác, rằng trái tim bạn đã đi vào trong một bầu khí hậu khác, hương thơm mới hấp dẫn bạn như nan châm.

Đúng là bạn càng tới gần thầy hơn, thì cái gọi là nhân cách riêng của bạn sẽ ngày càng biến mất dần đi. Chỉ cái đích thực, và tự nhiên, cái bạn đã mang từ lúc sinh thành của mình, mới còn lại, không phải là cái đã được xã hội trao cho bạn.

Đúng là thầy là cái chết và phục sinh. Đi ngang qua thầy, bạn đang đi ngang qua ngọn lửa; chỉ vàng ròng mới được giữ lại. Tất cả mọi cái giả tạo trong bạn sẽ bị thiêu cháy. Cho nên chỉ những người rất dũng cảm mới chọn bước tới gần thầy.

Maneesha đã hỏi một câu hỏi:

Osho ơi,

Có thể quan niệm được rằng thầy đích thực có thể phản bội đệ tử mình không?

Maneesha, điều đó có thể quan niệm được đấy. Nếu thầy đích thực cảm thấy rằng bằng việc phản bội đệ tử mà ông ấy sẽ giúp được cho họ, thầy sẽ phản bội. Thầy thực có thể làm bất kì điều gì để giúp đệ tử. Có chút ít khó khăn để quan niệm về điều đó - và trong khi Maneesha đang viết ra câu hỏi này, cô ấy có thể đã không nghĩ rằng đây sẽ là câu trả lời của tôi - nhưng thầy đích thực có thể làm bất kì điều gì. Thầy có thể phản bội nếu thầy cảm thấy rằng việc phản bội sẽ giúp cho sự trưởng thành tâm linh của bạn. Bằng không thì không có vấn đề về phản bội.

Ngay chỗ đầu tiên thầy chẳng cam kết gì với bạn cả. Trước khi có phản bội thì phải có cam kết. Thầy đích thực không bao giờ tự mình cam kết với bạn và không bao giờ buộc bạn cam kết, bởi vì mọi cam kết đều là nô lệ tâm linh. Cả đệ tử không bị buộc vào cam kết mà thầy cũng không bị buộc vào; họ tới gần như những bạn đồng hành trên cùng con đường. Có lẽ thầy đi trước hơn một chút, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn thấp hơn còn thầy cao hơn.

Bất kì ai nghĩ dưới dạng cao siêu và thấp kém đều không phải là thầy chút nào. Người đó chỉ chơi cùng trò chơi bản ngã vẫn đang được chơi ở mọi chỗ trên khắp thế giới theo những cách thức khác nhau. Thầy đích thực đứng ngoài trò chơi của bản ngã. Cho nên không có vấn đề buông xuôi theo ông ấy, không có vấn đề cam kết với ông ấy.

Bạn đang hỏi, "Thầy đích thực có thể phản bội đệ tử không?" và tôi thậm chí đang nói rằng đệ tử không thể phản bội được thầy đích thực bởi vì không có cam kết. Chúng ta đi cùng nhau trên con đường.

Tại điểm nào đó bạn cảm thấy cần đi theo hướng khác. Thầy đích thực sẽ đơn giản ban phúc lành cho bạn và sẽ cho bạn đảm bảo rằng nếu bạn thấy bất kì khó khăn nào, "Ta bao giờ cũng sẵn có đây. Ông có thể thám hiểm theo mọi hướng, toàn bộ vũ trụ này là của chúng ta. Và có hàng nghìn cách để đạt tới chân lí. Cho nên nếu một ham muốn đã nảy sinh trong ông để đi theo hướng nào đó, thì ông có thể rời bỏ ta. Đừng nghĩ cho dù một khoảnh khắc rằng ông đang phản bội ta. Đừng cảm thấy mặc cảm bởi vì đã không có cam kết gì ngay chỗ đầu tiên."

Và khi có liên quan tới thầy, thì hiển nhiên, sao thầy phải cam kết với đệ tử? Vì lí do gì? Thầy có điều đó rồi. Đệ tử đang tìm kiếm, thầy đã có nó rồi.

Điều đó làm tôi nhớ tới một câu chuyện rất hay trong cuộc đời của Phật Gautam.

Một đệ tử nào đó của Phật Gautam, tên là Manjushree, bao giờ cũng ngồi dưới một gốc cây. Phật có thể sắp nói nhưng ông ấy sẽ không đi từ cây đó tới phòng hội. Và mọi người cứ hỏi ông ấy mãi, "Manjushree, ông là con người của thông minh. Nếu ông đã từ bỏ thế giới để sống cùng Phật Gautam, thì cam kết của ông là với Phật Gautam hay với cái cây này? Thầy đang nói còn ông lại ngồi ở đây." Thường thì ông ấy chỉ cười và sẽ chẳng nói gì. Cuối cùng ông ấy nói, "Sao các ông không hỏi đích thân Phật Gautam ấy? Ta biết, thầy biết."

Những người hỏi chẳng thể thấy điều bí ẩn về việc đó. Họ hỏi Phật Gautam, "Sao Manjushree cứ ngồi dưới gốc cây đó thế? Thầy đi, thầy tới các chỗ khác, mà ông ấy cứ ở đó."

Phật nói, "Ông ấy đã tìm thấy rồi. Bây giờ không có vấn đề đi đâu cả. Mọi thứ đã trở thành tĩnh lặng trong ông ấy và điều hoàn toàn đẹp. Các ông chỉ thấy ông ấy từ bên ngoài ngồi dưới gốc cây. Các ông chưa thầy hàng nghìn hoa đang rơi xuống từ cây phủ khắp người Manjushree, cùng vui về chứng ngộ của ông ấy.

"Và các ông chưa bao giờ tự hỏi tại sao Phật không hỏi ông ấy. Các ông nên nghĩ về điều đó. tỉnh táo hơn chút ít. Ta cũng nhận biết rằng ông ấy đang ngồi dưới gốc cây, rằng ông ấy không tới hội chúng. Không có nhu cầu; ông ấy đã tìm thấy nó. Bây giờ ông ấy tự do; ông ấy có thể ngồi dưới gốc cây hay ông ấy có thể đi bất kì đâu. Không có cam kết."

Thầy đích thực không có cam kết bất kì loại gì cả từ phía đệ tử cũng như từ phía thầy. Đó là chín mươi chín chấm chín phần trăm của câu trả lời; chấm một phần trăm, tôi nói một thầy đích thực trong tình huống nào đó có thể phản bội đệ tử mình nếu ông ấy cảm thấy, nếu ông ấy thấy rằng sự phản bội của mình có thể giúp cho sự trưởng thành, có thể làm cho đệ tử tự do hơn, độc lập hơn. Khả năng có đó; điều đó không phải là không quan niệm nổi. Nhưng nó bao giờ cũng là vì ích lợi của đệ tử.

Bây giờ điều gì đó nghiêm chỉnh để tôn vinh sư tử và hổ...

Ông già Gronk, người gù, sắp sửa về hưu. Ông ấy làm việc rung chiếc chuông khổng lồ ở nhà thờ Tam thể trong bốn mươi năm nay, và ông ấy đã quá già không thể trèo lên các bậc tháp chuông được.

Ông ấy đăng quảng cáo tìm người thay thế trên báo chí, và ngày hôm sau một người gù khác xuất hiện.

"Tôi đã tới rồi," anh gù trẻ nói, "để nhận công việc này."

Cả hai người gù cùng trèo lên tháp chuông.

"Đó là công việc khó khăn," ông già Gronk thở hổn hển, phì phò. "Nhìn đây!"

Rồi ông già chạy ngược lại, quay mình, và chạy về phía cái dây chuông. Ông ấy nhảy lên không trung chừng quá nửa mét, tóm lấy chiếc dây thừng, và đung đưa điên cuồng trên nó, rung chiếc chuông khổng lồ, vang như sấm - Boong! Boong! Boong!

Anh gù trẻ nhìn điều đó và hăm hở thử. Anh ta quay lại, chạy nước rút tới chiếc dây chuông, nhảy lên không trung quá nửa mét, tóm hụt chiếc dây, và đập mạnh mặt mình và mặt chuông, tạo ra một âm thanh nhỏ 'Boong'.

"Khoan đã! Khoan đã!" chàng gù trẻ nói, tự phủi bụi người mình. "Để tôi thử lần nữa xem sao."

Anh ta chạy, nhảy lên không trung quãng nửa mét, tóm hụt sợi dây chuông, và lại đập mạnh mặt mình vào chuông - Boong!

"Khoan đã! Thử lần nữa này!" anh chàng gù mặt mày nhăn nhó lắp bắp.

Anh ta chạy tít tận vào góc tháp chuông, và mở tốc độ hết mức, nhào tới chiếc dây chuông. Anh ta nhảy lên gần một mét trong không trung, lại tuột mất chiếc dây, tuột luôn chiếc chuông, và lao ra ngoài cửa sổ, quãng sáu mươi mét cao trên phố phía dưới.

Ông già Gronk nhìn xuống đám đông nhỏ đang vây lấy chỗ bẩn tí hon trên đất.

"Này, ông trên kia!" viên cảnh sát quát lên. "Có ai biết anh chàng này không?"

"Không, tôi không biết anh ta là ai cả!" Gronk quát lại, "nhưng mặt anh ta rung chuông đấy!"

"Làm sao em có thể nói rằng anh đãng trí được?" Ronald Reagan nháy mắt với Nancy Reagan qua bàn ăn, trong khi ông ta làm dính bơ vào chiếc cà vạt, và nhìn vào miếng bánh của mình.

"Thế này, Ronnie," Nancy truy lại, "anh có thể giải thích cho em tại sao anh lại quên mặc quần lót hôm qua, trước khi anh tới gặp ông Gorbachev?"

"Gặp ông nào? Anh có gặp à?" Reagan hỏi, vừa gãi đầu. "Kì lạ thật! Anh không nhớ đã làm việc đó chút nào.

"Thực tế, chỉ có ba điều anh không thể nhớ được. Anh không thể nhớ được tên, anh không thể nhớ được mặt... và anh không thể nhớ được điều thứ ba là gì!"

Bà Wimple, hiệu trưởng đại học Bedding Down, trường con gái, đang đọc bài diễn văn nhân khai giảng năm học mới.

"Các em nhớ," bà Wimple nói, một cách kiên quyết, "giữ thân thể và tinh thần lành mạnh và sạch sẽ. Các em có trách nhiệm mới khi các em vào thời phụ nữ. Tình yêu là cơ sở để trên đó gia đình được xây dựng nên, cho nên đừng tự buông thả mình phóng đãng và bừa bãi dục. Từ đó chỉ có nguy hiểm tới, mà nó cũng chỉ là thú vui nhất thời. Trong khi các em làm mất đi sự duyên dáng và kính trọng, các em có thể lại bị bệnh và mang thai… và tất cả những cái đó để làm gì cơ chứ? Cái giá của một giờ vui thú!"

Bỗng nhiên, một tiếng nói từ hàng cuối cất lên, "Cô làm thế nào để kéo dài điều đó được một giờ?"

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

(tiếng trống)

Im lặng. Nhắm mắt lại và cảm thấy thân thể bạn trở nên đông cứng hoàn toàn. Bây giờ nhìn vào bên trong với sự khẩn thiết sâu sắc, dường như đây là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời bạn. Sự khẩn thiết này là tuyệt đối cần thiết bởi vì chỉ thế thì bạn mới có thể đạt tới trung tâm của con người mình.

Đi ngày một sâu như chiếc giáo vào trung tâm con người bạn. Đó là cội nguồn của cuộc sống. Tại trung tâm con người bạn, mọi người đều là phật. Và khoảnh khắc bạn đạt tới trung tâm và bạn cảm thấy phật tính tràn đầy tâm thức bạn một cách hoàn toàn, niềm vui vô biên nảy sinh. Hàng nghìn đoá hoa bắt đầu mưa rào lên bạn. Thanh thản, im lặng, phúc lạc, cực lạc sâu sắc… chỉ quan sát mọi thứ. Bạn đang đi vào trong chính bí ẩn của cuộc sống.

Để làm cho điều đó rõ ràng hơn,

Nivedano...

(tiếng trống)

Thảnh thơi đi. Bạn không là thân thể, bạn không là tâm trí, bạn chỉ là nhân chứng. Nhân chứng này là điểm khởi hành. Từ nhân chứng này bạn có thể đi vào trong vũ trụ, và cái vĩnh hằng. Đây là cánh cửa mở tới tất cả những điều vĩ đại - chân lí, cái thiện - satyam, shivam, sunderam.

Thu lấy thật nhiều hoa, thật nhiều hương thơm, thật nhiều vàng nhất có thể được, bởi vì bạn phải đem phật đi cùng mình. Dần dần, bạn phải hành động suốt hai mươi tư tiếng như phật; không phải như, mà đích thực là phật, nhớ tới duyên dáng, tình yêu, từ bi, nhớ tới cân bằng của mọi thứ và bao giờ cũng vẫn còn ở giữa, chỗ giữa vàng. Việc chứng kiến làm cho mọi điều này thành có thể.

Buổi tối nay đẹp theo cách riêng của nó, nhưng hiện diện của bạn, im lặng của bạn, chứng kiến của bạn, tan chảy của bạn vào lẫn nhau... Thính phòng Phật này không còn đầy mười nghìn người nữa. Nó đã trở thành cái hồ tâm thức.

Làm mất đi các biên giới là niềm vui lớn lao nhất; tan chảy vào trong vũ trụ là sự huy hoàng vĩ đại nhất.

Trước khi tôi gọi các bạn quay lại, nhìn cho rõ vào không gian này nơi bạn đang hiện hữu, bởi vì bạn phải tới thăm nơi này nhiều lần.

Nhìn cho rõ vào con đường bạn đã đi theo để đạt tới trung tâm của mình từ chu vi. Cùng con đường này, bạn sẽ đi lại lần nữa. Nó là con đường nhỏ, chỉ một bước thôi. Nhưng phép màu kì diệu làm sao trong một bước này! Người thường trở thành phi thường, người không ai cả trở thành phật.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại, nhưng quay lại như chư phật không sợ hãi và không hoài nghi gì. Phật là cái ta tinh tuý của bạn. Ngồi im lặng trong vài khoảnh khắc chỉ để hồi tưởng lại kinh nghiệm bạn đã trải qua. Và sống nó trong các điệu bộ của bạn, trong các hoạt động của bạn, trong lời của bạn, trong im lặng của bạn.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, thưa Osho.

Chúng ta có thể mở hội mười nghìn chư phật chứ?

Vâng, thưa Osho.

Xem Tiếp Chương 6Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Thiền - Download Sách Thiền PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Thiền Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post