Chương 5. Như Bò

Chương 5. Như Bò

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Mã Tổ (Ma Tsu)

Gương Rỗng – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 5. Như Bò













Nghe hoặc Tải MP3 'Mã Tổ (Ma Tsu) – Gương Rỗngê


Thầy kính yêu của chúng tôi,

Mã Tổ có ba đệ tử lỗi lạc với mối thân tình đặc biệt. Họ là Trí Tạng, Nam Tuyền, và Bách Trượng Huệ Hải (còn được biết dưới tên Bách TrượngBách Trượng Huệ Hải).

Một buổi tối, khi ba đệ tử đang cùng thầy ngồi ngắm trăng, thầy hỏi họ làm gì tốt nhất trong đêm đó.

Nam Tuyền là người đầu tiên trả lời. Ông ấy nói, "Đúng lúc để cúng dường."

Bách Trượng Huệ Hải nói, "Đúng lúc để tu tập tâm linh."

Trí Tạng không trả lời mà phủi áo bỏ đi.

Mã Tổ quay sang Nam Tuyền và nói, "Kinh sẽ gắn với tạng (tsang)."

(Thầy đang chơi chữ với tên của Nam Tuyền, tsang - tạng, trong tiếng Trung Quốc nghĩa là 'cái giỏ', để mang lời của Phật.)

Thầy quay sang Bách Trượng Huệ Hải và nói: "Thiền sẽ về hải."

 (Mã Tổ lại chơi chữ lần thứ hai, vì, trong tiếng Trung Quốc, hai (hải) nghĩa là 'biển'.)

Rồi Mã Tổ kết luận, "Trí Tạng một mình siêu việt lên trên cõi giới của mọi vật, bản thân ông ấy trên tất cả."

Một lần khác một sư hỏi Mã Tổ, "Phật là gì?"

Mã Tổ trả lời, "Tâm là phật."

Sư lại hỏi, "Đạo là gì?"

"Vô trí là Đạo," Mã Tổ trả lời.

Sư lại hỏi, "Phật và Đạo có khác nhau không?"

Mã Tổ đáp, "Phật giống như duỗi bàn tay ra, Đạo giống như nắm bàn tay lại."

Maneesha, trước khi đi vào lời kinh này phải nói điều gì đó về bản thân Mã Tổ, bởi vì đó là điều rất lạ... Không Thiền sư nào khác cư xử theo cách Mã Tổ đã cư xử - nhưng điều đó rất tượng trưng.

Tương truyền Mã Tổ là người có dung mạo kì dị. Người ta nói rằng ông ấy có dáng đi như trâu, mắt nhìn như cọp, lưỡi lè chấm mũi, và lòng bàn chân có hai vòng tròn.

Cách Mã Tổ giảng pháp chuyển hoá không cùng. Người ta nói ông ấy đã là phương tiện để làm chứng ngộ một trăm ba mươi đệ tử, mỗi người lại trở thành tông sư của một phương.

Hiển nhiên con người kì lạ này, Mã Tổ, đã cư xử theo sự tự phát của mình, không quan tâm tới bất kì ai trên thế giới. Đó là điều thứ nhất cần được hiểu. Chỉ một người với lòng can đảm vô cùng mới có thể bước đi trên bốn chân như trâu - một người không thèm để ý chút nào tới ý kiến của người khác. Ông ấy biết chân lí và đó là chỗ kết thúc.

Và bước đi như trâu là rất tượng trưng. Bạn không thể rơi vào giấc ngủ khi đang đứng, điều đó khó lắm. Bạn phải nằm dài theo chiều ngang, để cho lực kéo hấp dẫn cân bằng trên khắp thân thể. Đứng, cúi hay ngồi, lực kéo hấp dẫn sẽ khác nhau trên những phần khác nhau của thân thể. Đó là sự nhiễu loạn trong tính hài hoà của bạn. Nhưng khi bạn nằm xuống bạn đi vào trong hài hoà sâu sắc với trường hấp dẫn.

Có một câu chuyện kì lạ trong giới Thiền - rất cổ - rằng con vật biết rõ ngôn ngữ của chúng ta, nhưng chúng không nói, thậm chí chúng không biểu lộ đến cả một dấu hiệu nào rằng chúng hiểu chúng ta.

Có lần một Thiền sư nói với một con khỉ - chỉ Thiền sư mới có thể làm điều như vậy - "Ta biết rõ lắm; sáng suốt của ta nói rằng mi hiểu ngôn ngữ của ta nhưng mi đang cố tình che dấu sự kiện đó."

Con khỉ nói, "Dạ vâng đúng, thưa thầy. Nhưng xin thầy đừng nói với ai bởi vì con sẽ không nói trước bất kì ai khác. Cho nên giữ bí mật điều đó. Mọi con vật đều hiểu ngôn ngữ của thầy, nhưng không con vật nào muốn làm nô lệ cho thầy cả. Khoảnh khắc bất kì con vật nào nói, nó sẽ bị bắt phải làm việc gì đó."

Câu chuyện cổ đó làm tôi nhớ tới một đứa trẻ không hề nói gì mãi cho tới khi nó tám tuổi. Người ta đã làm đủ mọi nỗ lực, người ta đã làm đủ mọi phép thử; tai nó hoàn hảo, không khuyết tật gì khi có liên quan tới chức năng sinh lí. Chính đấy là điều bí ẩn tại sao nó lại không trả lời. Cuối cùng họ đem nó tới nhà tâm thần, nhưng cũng không kết quả gì.

Một hôm nó la lên với mẹ nó, "Mẹ ơi, muối đâu rồi?" Nó đang ăn trưa. Bà mẹ không thể nào tin được vào điều đó, và bà mẹ có mỗi mình trong nhà, không ai tin bà ấy cả. Trong suốt tám năm đứa bé đã thách thức.

Người mẹ hỏi nó, "Sao con đã im lặng suốt tám năm thế?"

Nó nói, "Mọi sự đều hoàn hảo mãi cho tới nay. Mỗi hôm nay mới thiếu muối. Trước đây có cần gì phải nói đâu. Sao phải bận tâm?"

Nhưng bà mẹ nói, "Con sẽ nói trước người khác chứ?"

Nó từ chối. Nó nói, "Đây là bí mật giữa chúng ta. Mẹ đừng kể cho ai cả, bằng không mẹ sẽ bị coi là nói dối đấy. Con sẽ lại giữ im lặng nữa."

Đâu là lí do tại sao con vật không nói và tại sao chúng không phát triển tâm trí, không phát triển trí thông minh; tại sao chúng lại bằng lòng thế, như con trâu? Đấy là vì chúng theo chiều ngang. Không có rối loạn. Trong sinh lí của chúng, trong tâm lí của chúng, mọi thứ đều cân bằng. Lực hấp dẫn không bị rối loạn. Con người, bằng việc đứng thẳng trên đôi chân, đã làm rối loạn toàn thể sự cân bằng. Và đầu con người bắt đầu phát triển chỉ bởi vì con người đứng lên.

Chính sự kiện khoa học là ở chỗ việc đứng trên hai chân của con người là nguyên nhân làm tăng thông minh của con người. Tâm trí, trong một cái đầu nhỏ, là một hiện tượng rất phức tạp; một tỉ dây thần kinh tí xíu tạo nên nó, và những dây thần kinh nhỏ đó lại gần như không thấy được. Chúng cần lượng ô xi rất nhỏ trong máu. Chỉ thêm chút ít máu nữa là sẽ gần giống như trận lụt - như lụt ở Bangladesh, ngay bây giờ, ba phần tư Bangladesh bị tràn đầy nước. Con vật đã không phát triển não, tâm trí của chúng, bởi vì việc tràn ngập máu tới mọi phần đều như nhau.

Vì con người đứng thẳng, nên rất khó cho tim, cho phổi chuyển ô xi và máu lên não vì điều đó ngược lại với sức hấp dẫn. Số lượng trở nên nhỏ tới mức đó là lí do mà con người có thể phát triển những dây thần kinh rất tinh tế, có thể nghĩ, có thể triết lí, thậm chí có thể siêu việt lên trên việc nghĩ, có thể tạo ra phật.

Thói quen đi bốn chân của Mã Tổ giống hệt như trâu... Hậu quả thứ nhất là ở chỗ ông ấy bây giờ thành vô trí, cũng như tất cả mọi con vật vậy; ở chỗ ông ấy đã gia nhập thế giới này và đã vứt bỏ tâm trí mình; ở chỗ ông ấy bây giờ hài hoà với vũ trụ, không tranh đấu chống lại nó mà chỉ nổi với nó. Hậu quả thứ hai là ở chỗ bởi vì ông ấy đã vứt bỏ tâm trí, nên ông ấy đã trở thành cái trống rỗng - và điều đó tự động phát triển thành từ bi, thành tình yêu, thành khiêm tốn, thành vô ngã. Bạn không thể tìm được con vật nào khác giống như con trâu trong khiêm tốn, giản dị, mãn nguyện - vậy mà ông ấy lại có mắt nhìn như cọp.

Đó là mâu thuẫn của Thiền. Bạn phải giống trâu, hoàn toàn khiêm tốn, nhưng bạn nên như người nổi dậy, người cách mạng và triệt để như cọp. Cho nên mặc dầu ông ấy bước đi như trâu, bạn có thể thấy rằng mắt của ông ấy là mắt cọp - ông ấy sẽ nhảy lên bạn và kết thúc bạn! Điều đó là tượng trưng hay thực tại thì rất khó quyết định. Nhưng các nguồn đương thời tất cả đều nói rằng điều đó là đúng.

Ông ấy bước đi như trâu, và mắt nhìn như cọp. Ông ấy có thể lè lưỡi chấm mũi. Rất hiếm người có thể làm được điều đó. Chỉ rất ít người mới có thể vẫy dái tai. Bạn cứ thử vẫy dái tai mình mà xem. Chúng là của bạn đấy nhưng hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của bạn - bạn đâu có điều khiển được chúng.

Tôi chỉ bắt gặp mỗi một người, một bác sĩ trong làng tôi, và ông ấy là người duy nhất trên toàn thế giới, có lẽ vậy, vẫy được dái tai theo ý mình. Thật là điều kì diệu mà xem ông ấy vẫy dái tai, bởi vì điều đó là không thể được dù dái tai là tự nhiên. Chúng không có hệ thống thần kinh nào, cho nên bạn không thể điều khiển được chúng. Bạn cần hệ thần kinh nào đó có thể được tâm trí kiểm soát. Nhưng không có hệ thần kinh, nó chỉ toàn là thịt.

Có lẽ ông bác sĩ này - tên ông ấy là Manohar - đã có được hệ thần kinh trong dái tai, bởi nhầm lẫn nào đó của tự nhiên. Không có sự giải thích khác. Ở Trung Quốc tri thức cổ nói rằng bạn không thể chạm lưỡi vào mũi được. Nhưng gần lúc bạn chết, bạn có thể chạm được vào nó. Lí do đơn giản là ở chỗ răng của bạn đã bị rụng hết - không phải phép mầu gì - vào do vậy mũi và lưỡi có thể lại gần nhau hơn.

Ở Ấn Độ một ý tưởng tương tự cũng đã từng thống trị, nhưng có ý nghĩa nhiều hơn. Sáu tháng trước cái chết của mình, bạn hết khả năng thấy được chỏm mũi mình bởi vì mắt bạn bắt đầu quay lên. Khoảnh khắc bạn không thể thấy được chỏm mũi, bạn có thể chắc chắn rằng trong vòng sáu tháng nữa bạn sẽ chết, bởi vì mắt đã bắt đầu di chuyển lên trên. Đó là lí do tại sao, khi ai đó chết, bạn lập tức đóng mắt người đó lại. Bởi vì thấy người đó... chỉ có lòng trắng thô lố, lòng đen đã quay lên, và bạn sẽ hoảng hồn nếu có ai đó nhìn bạn bằng đôi mắt trắng dã! Cho nên trong mọi nền văn hoá mắt liền được nhắm lại ngay sau cái chết.

Nhưng mọi người đều chết với mắt mở. Không ai chết với mắt nhắm cả, bởi vì việc đóng tròng mắt cần sức mạnh ý chí nào đó, năng lượng sống nào đó. Bạn không thể chết mà nắm tay lại được, bởi vì việc nắm tay cần năng lượng sống nào đó. Bạn chỉ có thể chết với bàn tay mở, bởi vì bàn tay mở được thảnh thơi, nó không cần cuộc sống, không cần năng lượng. Theo cùng cách này, mọi người chết đi với mắt mở. Và không làm cho người khác bị hoàng hồn, ngay lập tức người già hơn kéo mi mắt xuống. Người già đã chết bây giờ thậm chí cũng không thể mở chúng ra được nữa, bởi vì để làm điều đó phải cần năng lượng nào đó. Người đó có thể muốn nhìn - chuyện gì xảy ra xung quanh vậy? - nhưng người đó không thể mở chúng ra được.

Cho nên không có gì đặc biệt về Mã Tổ rằng ông ấy lè lưỡi chạm mũi mình. Điều đặc biệt là ở chỗ người thường không thử điều đó; bằng không thì mọi người đều có thể chạm được. Chỉ mỗi răng bạn là rào cản thôi. Cho nên bất kì khi nào tình cờ răng bạn bị rụng ra, mà chúng thì đến ngày nào đó sẽ rụng, thì thử điều đó và bạn sẽ thấy rằng Mã Tổ không làm điều gì kì diệu lớn cả, ông ấy chỉ rất già mà thôi.

Ở Ấn Độ chúng ta có ý tưởng rằng trên chân của phật, ở lòng bàn chân, có hai vòng tròn. Khi đứa trẻ được sinh ra, chúng là dấu hiệu rằng người này sẽ trở thành phật. Không nhất thiết mọi phật đều có hai vòng tròn này, nhưng bất kì đứa trẻ nào được sinh ra với hai vòng tròn đó đều tất yếu sẽ trở thành phật.

Đấy không phải là điều chắc chắn cho tất cả mọi người. Bạn có thể trở thành hoặc bạn có thể không trở thành, đấy là chọn lựa của bạn. Nhưng điều đó không phải là chọn lựa cho người như Mã Tổ. Ông ấy đã có đủ từ việc thiền của mình trong kiếp sống quá khứ, và đã gần với phật tính tới mức khi ông ấy chết thì tuyệt đối chắc chắn rằng ông ấy sẽ trở thành phật.

Có lẽ Huệ Năng đã thấy hai vòng tròn đó ở chân ông ấy khi Huệ Năng nói với Nam Nhạc Hoài Nhượng, "Cậu trẻ này sẽ thành phật đây. Ta già rồi, và nó thì cần điểm đạo, nhưng ông sẽ là người kế tục của ta, cho nên tốt hơn cả là ông chăm nom lấy nó ngay từ đầu. Cho nó việc khai tâm, và nhớ, kính trọng nó. Nó đã là phật rồi - chỉ đẩy khẽ và nó sẽ ở bờ bên kia."

Câu chuyện Maneesha đã đem tới:

Mã Tổ có ba đệ tử lỗi lạc với mối thân tình đặc biệt. Họ là Nam Tuyền, Trí Tạng và Bách Trượng Huệ Hải (còn được biết dưới tên Bách Trượng Bách Trượng Huệ Hải).

Điều gần như tất yếu trong cách thức các thầy cổ đại đã làm việc là có thân thiết nào đó giữa họ và vài đệ tử. Họ có thể có hàng nghìn đệ tử, nhưng chỉ vài người mới thật thân thiết. Từ những đệ tử thân thiết này mà người kế tục sẽ được chọn ra.

Điều đó không còn áp dụng được nữa khi có liên quan tới tôi bởi vì không ai sẽ là người kế tục của tôi cả. Chính ý tưởng kế tục là ý tưởng được vay mượn từ hoàng gia. Cũng như vua lấy con trai cả của mình làm người kế tục, điều đó phản ánh vào truyền thống của các thầy rằng ai đó sẽ trở thành người kế tục họ.

Tôi muốn việc gián đoạn hoàn toàn. Khi có liên quan tới tôi, tất cả các bạn đều là thân thiết với tôi. Tôi có thể đảm đương thân thiết với tất cả các bạn, bởi vì không có vấn đề kế tục nào cả. Không ai sẽ là người kế tục của tôi. Tôi muốn mọi người đều là thầy cho chính mình.


Là người kế tục là có chút ít nhục nhã. Điều đó đi ngược lại nhân phẩm của người đã chứng ngộ. Không có ai trước người đó là người tiền nhiệm mà cũng không có ai sau người đó là người kế nhiệm. Người đó một mình, đứng đó như đỉnh Everest; không ai kế trước người đó, không ai kế sau người đó.






Tính một mình của người đó là thông điệp cho tất cả những người yêu người đó, rằng họ cũng phải một mình. Trong tính một mình của bạn, bạn thật đẹp, thuần khiết. Điều đó không có nghĩa rằng bạn phải từ bỏ thế giới này. Điều đó đơn giản có nghĩa là bạn không phải thuộc vào thế giới. Bạn có thể vẫn còn ở bãi chợ, nhưng chỉ là gương, nhân chứng, quan sát bất kì cái gì diễn ra.

Nhưng về mặt truyền thống người ta không bao giờ hiểu rằng điều đó là chống lại tự do của các cá nhân sắp là người kế tục. Điều đó làm cho kinh nghiệm tâm linh gần trở thành kho báu hay vương quốc. Nó không phải là cả hai điều này. Không ai có thể kế tục được. Mọi người đều phải dựa trên cái riêng mình, và sự độc lập đó và hương vị của độc lập đó có giá trị tới mức tôi muốn đem loại thầy mới và loại đệ tử mới vào trong thế giới này. Họ là thân thiết trong tình yêu của mình, trong tin cậy của mình, nhưng họ không bị ràng buộc theo bất kì cách nào - bởi bất kì sợi dây nào, dù là thấy được hay không thấy được. Thầy là bản thân mình, đệ tử cũng là bản thân mình. Và chức năng của thầy là chứng minh cho đệ tử rằng việc là chính mình là vinh quang vĩ đại nhất trên thế giới này, điều huy hoàng nhất.

Nhưng Mã Tổ già rồi... một phần của thế giới già. Ông ấy có ba đệ tử là đệ tử thân thiết - Nam Tuyền, Trí Tạng, và Bách Trượng Huệ Hải. Nam Tuyền nổi tiếng hơn dưới cái tên Nansen. Ông ấy có vị trí đặc biệt trong tim thầy, nhưng trong dòng truyền thừa, Bách Trượng Huệ Hải trở thành người kế tục của Mã Tổ.

Một buổi tối, khi ba đệ tử đang cùng thầy ngồi ngắm trăng, thầy hỏi họ làm gì tốt nhất trong đêm đó.

Trí Tạng là người đầu tiên trả lời. Ông ấy nói, "Đúng lúc để cúng dường." - đúng lúc để cảm thấy biết ơn sự tồn tại.

Bách Trượng Huệ Hải nói, "Đúng lúc để tu tập tâm linh."

Nam Tuyền không trả lời mà nhún vai bỏ đi.

Mã Tổ quay sang Trí Tạng và nói, "Kinh sẽ gắn với tạng (tsang)."

(Thầy đang chơi chữ với tên của Trí Tạng, tsang - tạng, trong tiếng Trung Quốc nghĩa là 'cái giỏ', để mang lời của Phật.)

Kinh Phật được chia vào ba giỏ. Mã Tổ nói với Trí Tạng, chơi chữ theo tên ông này, "Ông sẽ là một trong những người chứng ngộ sẽ mang kinh Phật. Ông sẽ là cái giỏ mang kinh Phật. Ông sẽ là học giả lớn đấy." Và đó là cách thức mọi sự xảy ra.

Sáng suốt của thầy, sáng tỏ của thầy, bao giờ cũng vậy, hai mươi bốn giờ một ngày. Thầy có thể thấy xuyên qua con người này mặc dầu thầy chỉ chơi chữ theo tên ông ta. Nhưng thầy thậm chí dùng cả cơ hội đó để chỉ ra cho ông ta rằng ông ta sẽ là học giả lớn.

Thầy quay sang Bách Trượng Huệ Hải và nói: "Dhyana Thiền sẽ về hải."

(Mã Tổ lại chơi chữ lần thứ hai, vì, trong tiếng Trung Quốc, hai (hải) nghĩa là 'biển'.)

Bách Trượng Huệ Hải đã nói rằng lúc đó là tốt để tu tập tâm linh. Và cách tu tập tâm linh là dhyana, thiền. Tên trong tiếng Trung Quốc của ông này 'hai' nghĩa là hải, 'biển'. Và mọi việc thiền đều đem dòng sông nhỏ của cuộc sống bạn tới đại dương vĩ đại của sự tồn tại, tới biển.

Cho nên Mã Tổ đã nói với Bách Trượng Huệ Hải, "Ông sẽ đạt tới biển." Và Bách Trượng Huệ Hải đã trở thành thầy chứng ngộ vĩ đại. Thế rồi thầy kết luận, "Nam Tuyền một mình siêu việt lên trên cõi giới của mọi vật, bản thân ông ấy trên tất cả." Nam Tuyền đã không trả lời. Ngược lại ông ấy đơn giản bỏ chỗ đó đi. Cử chỉ của ông ấy chỉ ra rằng nói về kinh sách không phải là cách đúng, nói về tu tập tâm linh là hoàn toàn ngớ ngẩn. Bạn không thể tu tập nó được, nó đã có đó rồi. Do đó ông ấy đã không trả lời. Và thay vì trả lời, ông ấy phủi áo bỏ đi. Đây là câu trả lời của ông ấy.

Trong Thiền bạn phải hiểu rằng thậm chí cử chỉ cũng là câu trả lời. Nó là vô lời, nhưng ông ấy đang trả lời. Ông ấy đang nói, "Các ông đi mà giữ lấy kinh sách và tu tập tâm linh. Ta bỏ đi đây. Đây không phải là chỗ của ta. Ta đã là phật rồi, ta không liên quan gì cả. Tu tập tâm linh hay trở thành học giả lớn, những cái này không dành cho ta. Những cái này chỉ dành cho người thường."

Người ta nói trong lịch sử về Thiền là Nam Tuyền, còn được biết dưới cái tên Nansen, có vị trí đặc biệt trong tim thầy. Ông ấy là người tuyệt vời với hiểu biết lớn lao. Ông ấy đã đi sâu vào thiền và cuối cùng đã trở thành một thầy chứng ngộ. Mọi người đều cho rằng Nam Tuyền sẽ được chọn làm người kế tục. Nhưng trong dòng truyền thừa, Bách Trượng Huệ Hải đã trở thành người kế tục của Mã Tổ.

Điều đó chỉ ra một cái gì đó rất đặc biệt, rằng không thành vấn đề ai là người gần gũi hơn với trái tim bạn; vấn đề là ai gần với chân lí hơn. Mã Tổ yêu Nam Tuyền, và mọi người đều cho rằng ông ấy sẽ được chọn. Nhưng cuối cùng, trước cái chết của mình, ông ấy đã chọn Bách Trượng Huệ Hải, bởi vì ông này là người gần với chân lí nhất. Ông ấy có thể không gần với trái tim thầy; điều đó không thành vấn đề. Đây không phải và việc truyền trao riêng tư. Đó là hiện tượng vũ trụ, rằng ngọn đèn chứng ngộ nên được truyền cho bất kì ai gần với chân lí tối thượng hơn.

Một lần khác một sư hỏi Mã Tổ, "Phật là gì?"

Mã Tổ trả lời, "Tâm là phật."

Lắng nghe thật chăm chú bởi vì đây là những phát biểu rất vĩ đại.

Mã Tổ trả lời, "Tâm là phật."

Sư lại hỏi, "Đạo là gì?"

"Vô trí là đạo," Mã Tổ trả lời.

Bây giờ ông ấy là cái ta kì lạ của mình. Trước hết ông ấy nói "Tâm là phật." Và khi được hỏi, "Đạo là gì?" ông ấy nói, "Vô trí là đạo." Ông ấy đang cắt bỏ tâm trí và làm vô trí thành đạo. Tâm trí trở thành vô trí, nếu nó trống rỗng. Vô trí không phải là thực thể nào đó khác. Vô trí là cùng thực thể như tâm trí; khác biệt là liệu tâm trí có đầy những ý nghĩ, hay trống rỗng ý nghĩ. Nếu trống rỗng, nó là vô trí, nếu tràn đầy ý nghĩ, nó là tâm trí.

Cho nên ông ấy đã làm rõ bằng việc trả lời to bởi vì câu trả lời bất thình lình có thể không được hiểu. Ông ấy nói, "Tâm là phật." Điều đó tạo sự an ủi - bạn có tâm trí, cho nên Phật không xa xôi gì.

Sư lại hỏi, "Đạo là gì?"

Và thế rồi thầy lại giở thủ đoạn cũ. Thầy nói "Vô trí là đạo," - ông sẽ phải làm trống rỗng khỏi tâm trí mọi nội dung của nó.

Sư lại hỏi, "Phật và Đạo có khác nhau không?"

Mã Tổ đáp, "Phật giống như duỗi bàn tay ra, Đạo giống như nắm bàn tay lại."

Không có khác nhau thực. Bàn tay tôi mở hay bàn tay tôi nắm - nó vẫn là cùng một thứ, chỉ là những hình dạng khác nhau của cùng một thứ. Đó là một phát biểu rất hay, rằng Phật và Đạo gần như nhau. Khi bạn du hành trên đường, bạn mỗi ngày đi từng li tới phật. Điều đó cũng giống như điêu khắc vậy. Nếu bạn làm tượng Phật Gautam, bạn không thể làm tượng hoàn chỉnh chỉ một nhát. Bạn sẽ phải cắt tỉa, từng tí một, bỏ đi những mẩu không cần thiết, để đẽo đá thành hình dáng của Phật Gautam.

Đó đích xác là điều bạn đang làm với bản thân mình. Trong thiền, mọi ngày, bạn đang vứt đi cái gì đó và thu được cái gì đó sâu sắc hơn trong bản thể mình. Bạn đang vứt đi mẩu đá nào đó và ít nhất cũng làm ra rõ ràng một phần của phật.

Dần dần toàn thể phật phát sinh ra trong tính toàn bộ của nó, và trong khoảnh khắc đó bạn biến mất. Trong khoảnh khắc đó chỉ phật còn lại trong bạn, bạn là phật. Con đường, lữ khách và mục đích chỉ là những giai đoạn khác nhau của cùng một hiện tượng.

Một bài thơ của Ikkyu (Nhất Hưu Tông Thuần):

Ông ta là người vô tích sự làm sao,

người đã được gọi là Sakya!

Bởi ông ta mà nhiều người bị làm cho phân vân.

Sakya là họ của Phật Gautam. Ikkyu đang nói ông ấy là anh chàng vô tích sự làm sao, thế mà nhiều người đã bị ông ấy làm cho phân vân.

Điều đó là đúng. Trong hai mươi nhăm thế kỉ liên tục Phật Gautam đã gây ưu tư cho mọi người. Tôi đang gây ưu tư cho bạn đây vào mọi đêm; dù bạn muốn thành phật hay không, tôi cứ nhất định là bạn phải trở thành phật.

Ikkyu đang nói điều đó từ tình yêu, đó không phải là làm giảm giá trị đâu. Ông ấy đơn giản nói, "Cái anh chàng vô tích sự làm sao!" Hai mươi nhăm thế kỉ sau Phật Gautam, mọi người vẫn còn phân vân làm sao trở thành phật. Chừng nào mà con người còn tồn tại trên trái đất này thì điều này sẽ vẫn còn là vấn đề gây phân vân, bởi vì không ai khác trong toàn thể bầu trời tâm thức dường như đã gây ra phân vân cho nhân loại nhiều như Phật Gautam. Ông ấy nhấn mạnh vào tính nguyên bản, ông ấy nhấn mạnh vào bản thể đích thực của bạn, ông ấy muốn tự do toàn bộ của bạn. Không người nào đã yêu nhân loại nhiều thế. Không người nào đã cho con người chân giá trị nhiều hơn Phật Gautam. Ông ấy không muốn bạn trở thành người đi theo, ông ấy muốn bạn trở thành phật.

Tất cả mọi thầy mang tính tôn giáo vĩ đại, so với Phật Gautam, đều thành rất không đầy đủ. Họ muốn bạn trở thành người đi theo, họ muốn bạn thực hành kỉ luật nào đó, họ muốn bạn kiểm soát công việc, đạo đức, cách sống của bạn. Họ làm ra khuôn mẫu cho bạn và họ cho bạn phòng giam đẹp.

Phật đứng một mình, toàn bộ vì tự do. Không có tự do con người không thể biết được bí ẩn tối thượng của mình; bị xiềng xích con người không thể giang đôi cánh vào bầu trời và không thể đi vào cõi bên kia. Mọi tôn giáo đều xiềng xích mọi người, giữ họ lại, không cho phép họ là bản thể nguyên thuỷ của mình, mà cho họ cá tính và mặt nạ - và điều này họ gọi là giáo dục tôn giáo.

Phật không cho bạn giáo dục tôn giáo nào. Ông ấy muốn bạn đơn giản là bản thân bạn, dù là bất kì cái gì. Đó mới là tôn giáo của bạn - là chính bản thân bạn. Không người nào đã yêu tự do nhiều như thế. Ông ấy sẽ không chấp nhận người đi theo bởi lẽ đơn giản: chấp nhận người đi theo là phá huỷ đi chân giá trị của người đó. Ông ấy chỉ chấp nhận những người bạn lữ hành. Phát biểu cuối cùng của ông ấy trước khi chết là, "Nếu ta mà quay lại, ta sẽ tới như bạn của các ông." Maitreya, Di lặc, nghĩa là người bạn.

Maneesha đã hỏi:

Thầy kính yêu của chúng tôi,

Ai trong chúng tôi ở đây sẽ không thích "hưởng sự thân thiết đặc biệt" với thầy mình, có một chỗ đặc biệt trong tim thầy?

Thực sự thân thiết với Thầy là gì?

Maneesha, trái tim tôi trống rỗng. Và bạn càng trở nên trống rỗng, bạn càng có thể thân thiết với tôi hơn. Bạn sẽ thân thiết với tôi trong việc trở thành trái tim trống rỗng. Thế thì bạn sẽ rơi vào cùng sự hài hoà, cùng điệu vũ, cùng âm nhạc. Và thân thiết này không phải là thân thiết cũ mà chúng ta đã nói tới. Đó là thân thiết hoàn toàn khác, khác về chất. Tôi thậm chí có thể không biết tới tên bạn, bạn có thể chưa bao giờ gặp riêng tôi, nhưng dầu vậy bạn vẫn có thể thân thiết với tôi, bởi vì tôi đang cho thân thiết một chiều hướng hoàn toàn mới. Nếu trái tim bạn trống rỗng, đột nhiên bạn sẽ trong hài hoà với tôi. Và thân thiết này sẽ không tạo ra ghen tị nào.

Tất cả những thân thiết cũ đều tạo ra ghen tị ngay cả trong đệ tử của thầy. Nếu ba người thân thiết, bạn có cho rằng họ không khó chịu không? Bạn có cho rằng những người khác không ghen tị không? Mọi người đều muốn được thân thiết đặc biệt. Điều đó không thể được theo cách cũ, nhưng định nghĩa của tôi về thân thiết là ở chỗ toàn thể vũ trụ có thể thân thiết mà không tạo ra bất kì ghen tị nào trong bất kì ai.

Bạn có thể thân thiết bởi vì điều đó không phụ thuộc vào tôi, điều đó phụ thuộc vào bạn. Bạn làm trống rỗng trái tim mình và trong việc làm trống rỗng đó bạn sẽ trở thành người thân thiết của tôi. Bạn có thể ở trên hành tinh khác, điều đó cũng không thành vấn đề gì. Và theo chiều hướng này của thân thiết, không có giới hạn nào cả. Mọi người đều có thể thân thiết đặc biệt với tôi.

Bây giờ là lúc cho cái gì đó nghiêm chỉnh. Sardar Gurudayal Singh, bạn già rồi, nhưng bạn sẽ không bỏ thói quen cổ đại của mình đâu!

Đó là ngày sinh của Ronald Reagan, và Nancy muốn làm cho ông ta nước chấm mì ống bữa ăn chiều. Thế là bà ta đi tới Giovanni và hỏi mua một chút cà chua. "Rất tiếc," Giovanni nói, "chúng tôi-a không có-a cà chua."

"Nhưng ông phải có cà chua chứ," Nancy cứ khăng khăng. "Đây là ngày sinh của Ronnie, và tôi muốn làm món nước chấm mì ống ưa thích cho ông ấy."

"Rất tiếc," Giovanni lặp lại, "chúng tôi-a không có-a cà chua."

"Nhưng điều đó là kì cục," Nancy than vãn. "Ông không thể gọi vợ ông, Maria được sao? Có thể bà ấy có cà chua thì sao?"

"Trông đây," Giovanni vẫn khăng khăng, "chúng tôi-a không có-a cà chua!"

Nhưng Nancy vẫn cứ lải nhải.

"Thôi được!" Giovanni hét lên. "bảo-a tôi điều gì đó vậy. Bà được-a cái gì khi bà lấy 'dứa' ra khỏi 'quả dứa'?"

"Quả," Nancy đáp.

"Phải rồi!" Giovanni nói. "Và bà được-a cái gì khi bà lấy 'nh' ra khỏi nho?"

"O," Nancy nói.

"Tốt!" Giovanni nói. "Và bà được-a gì khi bà lấy 'đéo có' ra khỏi cà chua?"

Nancy dừng lại, và rồi nói, "Nhưng 'đéo có' cà chua."

Giovanni la lên, "Đấy là-a điều tôi đã cố gắng bảo bà đấy!"

Paddy đã uống vài cốc uýtski và cần vào nhà vệ sinh. Anh ta đứng dậy từ quầy và lảo đảo đi trên sàn qua Gorgeous Gloria, đang ngồi ở một bàn với bộ váy maxi-mini mới.

Bị phân tán bởi đôi chân trần dài, gầy của cô ấy, Paddy say vấp vào ghế của cô ấy, loạng quạng và ngã xuống sàn. Gloria nhảy dựng lên và dẫm lên anh ta khi cố gắng giúp anh ta đứng dậy. Paddy không thể đừng việc nhìn phía dưới váy cô ấy.

"Ông Murphy," Gloria than, dạng chân ra, "tôi cứ tưởng ông là đàn ông lịch sự cơ đấy!"

"Được rồi, Gloria," Paddy lẩm bẩm, "Tôi cứ tưởng cô là loại tóc hung!"

Bé Ernie đi xem phim về.

"Con đã xem được gì rồi?" mẹ nó hỏi.

"'Họng sâu' của Linda Lovelace" Ernie đáp một cách thất thường. "Nó rất hay."

"Trời đất!" mẹ Ernie la lên. "Con đã xem 'Họng sâu' rồi sao? Nhưng đấy là phim hạng X đấy!"

"Vâng, thì làm sao?" Ernie nói. "Mọi phim đều như nhau cả. Trong phim hạng G, anh chàng tốt được cô gái; trong phim hạng R, anh chàng xấu được cô gái; còn trong phim hạng X, thì mọi người đều được cô gái!"

Moishe Finklestein tới nhà hàng Ritzy Glitz và tự chiêu đãi mình một bữa ăn thịnh soạn với nhiều rượu vang, kết thúc bằng một điếu xì gà Havana.

Cuối cùng người phục vụ đem lên hoá đơn trên chiếc khay bạc. Giá tiền lên tới chín mươi chín đô la và chín mươi chín xu, cho nên Moishe trả cho anh ta tờ một trăm đô la.

Năm phút sau, anh ta gọi người phục vụ lại và hỏi tiền trả lại. Không đổi cách diễn đạt, người phục vụ bỏ ra và chút sau quay lại với chiếc khay bạc. Trên nó có một xu và một gói bao cao su.

Moishe choáng váng, và yêu cầu giải thích. Người phục vụ ngửa mũi lên không trung và nói, "Thưa ông ấy, chính sách của nhà hàng là khuyến khích khách hàng như ngài không sinh đẻ thêm!"

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng. Nhắm mắt lại. Cảm thấy thân thể hoàn toàn bị đông cứng. Bây giờ nhìn vào trong với khẩn thiết toàn bộ dường như sẽ không có khoảnh khắc khác. Chỉ với khẩn thiết như vậy, dường như đây là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời bạn, cái nhìn của bạn mới có thể xuyên thấu vào cội nguồn cuộc sống của bạn, vào vĩnh hằng của bạn, vào phật của bạn.

Đi ngày một sâu hơn, bởi vì bạn sẽ không là người thua, bạn sẽ được vương quốc đã mất của mình. Bạn đã sống bên ngoài trong giấc mơ; bên trong bạn ở trung tâm sâu nhất chỉ là người quan sát, thanh thản, không gắn bó, không đồng nhất, gương của chính bản thể bạn đơn giản phản xạ. Gương này đã từng được gọi là phật. Và tất cả các bạn đều có nó. Nó không phải là riêng tư, nó là vũ trụ.

Để làm cho điều đó rõ ràng hơn, Nivedano...

(tiếng trống)

Thảnh thơi. Để thân thể ở đó và tâm trí bạn, nhưng nhớ rằng bạn chỉ là người quan sát. Bạn không là thân thể không là tâm trí, chỉ là gương phản xạ, không phán xét gì, phản xạ thuần khiết của mặt trăng trong hồ.

Đây là thực tại tối thượng của bạn. Đây là chính bản thể bạn. Nó ở bên ngoài lời, nhưng không bên ngoài kinh nghiệm. Nó là chính bầu trời của bạn, không giới hạn nào.

Buổi tối may mắn này, mười nghìn chư phật đã biến mất vào trong nhận biết đại dương, chỉ tâm thức thuần khiết. Thính phòng Phật đã trở thành cái hồ của tâm thức phản xạ. Hân hoan trong nó đi. Để nó đi sâu vào trong mọi thớ thịt của con người bạn, để cho dần dần mọi hành động của bạn đều được chất đầy bằng tự tính của bạn; để cho hai mươi bốn giờ bạn là phật.

Ngày bạn không cần thiền là ngày vĩ đại nhất của cuộc sống bạn. Phật không thiền, ông ấy là việc thiền.

Thu lấy kinh nghiệm, nhớ lấy con đường - vô trí là con đường - và nhớ phúc lành, cực lạc là bây giờ trong khoảnh khắc này đang mưa rào lên bạn. Tất cả những hoa này, tất cả những hoa hồng này, ít nhất đem hương thơm của chúng đi cùng bạn.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại, nhưng quay lại như phật, mang theo phật một cách duyên dáng. Ngồi xuống như phật. Khoảnh khắc này bạn đã làm chỗ này thành thiêng liêng, tối nay thành bất tử, khoảnh khắc này là chính vĩnh hằng của bạn. Satyam, shivam, sunderam. Chân lí, cái thiện và cái đẹp. Đây là khuôn mặt nguyên thuỷ của bạn.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, Thưa Thầy kính yêu.

Chúng ta có thể mở hội việc tụ tập của mười nghìn chư phật được chứ?

Vâng, Thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 6Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Osho - Download Sách Osho PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Osho Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post