Chương 8. Khoảnh Khắc Này

Chương 8. Khoảnh Khắc Này

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Mã Tổ (Ma Tsu)

Gương Rỗng – Osho

Bài Nói Về Thiền

Chương 8. Khoảnh Khắc này













Nghe hoặc Tải MP3 'Mã Tổ (Ma Tsu) – Gương Rỗngê


Thầy kính yêu của chúng tôi,

Một lần một sư vẽ bốn vạch trước mặt Mã Tổ. Vạch trên cùng dài, ba vạch còn lại ngắn. Rồi ông ấy hỏi thầy, "Không nói một vạch dài và ba vạch ngắn, thầy có thể nói được gì khác?"

Mã Tổ liền vẽ một vạch trên đất và nói, "Điều này có thể được gọi là dài hay ngắn. Đó là câu trả lời của ta."

Một dịp khác, một sư nói với Mã Tổ, "Ý của việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây là gì?"

Mã Tổ đáp, "Tại lúc này, ông định nói 'ý' là gì?"

Sư lại hỏi câu hỏi này, và Mã Tổ đánh ông ta, vừa nói, "Nếu ta không đánh ông, mọi người sẽ cười ta."

E ở Rokutan đã hỏi Mã Tổ cùng câu hỏi đó về việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây.

Mã Tổ nói, "Nói khẽ thôi và lại gần hơn một chút!"

E tới gần hơn. Mã Tổ đánh cho ông ta một cái, và nói, "Sáu tai không cùng kế hoạch. Ngày khác tới."

Về sau, E tới phòng và nói, "Xin cầu thầy nói cho!"

Mã Tổ nói với ông ấy, "Đi hẳn một thời gian đi rồi tới phòng này lần nữa khi ông có dịp, và ta sẽ xác nhận công khai điều đó."

E từ đó chứng ngộ. Ông ấy nói, "Tôi xin cám ơn mọi người về sự xác nhận của họ," và đi quanh phòng một lần rồi ra đi.

Một dịp sau đó, một sư khác lại nói với Mã Tổ, "Xin thầy đừng dùng tứ cú bách phi, mà nói cho tôi ý của việc Bồ đề đạt mà tới từ phương Tây."

Mã Tổ nói, "Hôm nay ta mệt và không thể nói được cho ông. Đi hỏi Trí Tạng đi."

Sư đi hỏi Trí Tạng, ông này nói, "Sao ông không hỏi thầy?"

"Thầy bảo tôi tới hỏi ông," sư nói.

"Hôm nay ta đau đầu lắm," Trí Tạng nói, "nên ta không thể nói cho ông được; ông sang hỏi Bách Trượng Huệ Hải."

Sư lại tới Bách Trượng Huệ Hải, ông này nói, "Ồ về chuyện ấy thì ta thực sự không biết."

Sư nói lại mọi điều này cho Mã Tổ, thầy nói, "Trốc đầu Bách Trượng Huệ Hải đen; trốc đầu Trí Tạng trắng."

Maneesha, trước khi tôi thảo luận về Mã Tổ và những phát biểu của ông ấy, tôi phải khánh thành một thần khác cho Bảo tàng các Thần của Avirbhava. Đây là một thần rất quan trọng. Tôi sẽ nói cho các bạn về thần này trước khi Avirbhava đem nó tới trước các bạn.

Tên của thần này mà ngựa. Nó đã được tôn thờ trên khắp thế giới từ hàng thế kỉ nay. Ngay cả ngày nay vẫn còn những nơi mà ngựa được tôn thờ như thần.

"Ngựa đực hay cái là một trong các dạng của linh hồn ngô ở Châu Âu.

"Tại Hi Lạp cổ đại, Artemis và Aphrodite đã được liên kết với ngựa, còn Cronus được coi là lấy hình dạng ngựa.

"Tại Gaul, có thần ngựa cái tên là Epona và thần ngựa đực tên là Rudiobus.

"Thần ngựa cái, Medb ở Tara và Macha ở Ulster, đã được coi là có quyền năng của thần chết.

"Việc tôn thờ ngựa cũng tồn tại ở vịnh Péc xích, nơi ngựa trắng được xem như thiêng liêng. Tại vùng Teutonic chúng được giữ trong hàng rào linh thiêng.

"Tại đây, ở Ấn Độ, vào thời xưa, ngựa đã được thần thánh hoá, và sự thờ cúng vẫn còn tới ngày nay. Koda Pen là thần ngựa của Gonds."

Tại Ấn Độ cổ đại ngựa không chỉ được tôn thờ, chúng cũng còn được hiến tế để làm hài lòng Thượng đế. Không chỉ ngựa bị đem đi hiến tế; bò cũng bị giết, thậm chí người cũng bị giết làm vật cúng tế. Với bò, nghi lễ này được gọi là gomedh - go nghĩa là bò. Với ngựa, nghi lễ này được gọi là ashvamedha. Ashva nghĩa là ngựa, medha nghĩa là giết. Với người nghi lễ này được gọi là narmedha. Nar nghĩa là người còn medha nghĩa là giết.

Và đây là những người làm nên sự ồn ào lớn về việc chấm dứt giết bò. Họ đã giết cả người nhân danh Thượng đế. Bản thân họ đã giết bò, ngựa, nhân danh Thượng đế. Hiến tế người sống nhân danh Thượng đế là rất biểu tượng. Với tôi điều đó còn ý nghĩa hơn chỉ việc cúng tế thường. Toàn thể nhân loại đã bị mọi tôn giáo đem ra hiến tế nhân danh Thượng đế.

Bạn đang sống cuộc sống què quặt bởi vì các tôn giáo. Họ đã không giết bạn, nhưng họ cũng không để cho bạn sống. Họ đã làm què quặt bạn. Họ đã chặt bạn ra làm nhiều phần. Phần nào đó trong bạn phải bị vứt đi. Phần nào đó trong bạn được tôn thờ, phần nào đó bị kết án. Tính toàn thể của bạn không được chấp nhận bởi bất kì tôn giáo nào trên thế giới. Những tôn giáo này được coi là rất thông minh, và họ đang tôn thờ đủ mọi loại con vật!

Hoá thân Hindu đầu tiên của Thượng đế là cá. Tất nhiên ở Bengal, cá được mọi người ăn như cái gì đó thiêng liêng; gạo và cá là thức ăn cơ bản của họ. Toàn thể vùng Bengal khắm mùi cá. Mọi nhà đều có cây đẹp, ngay cả nhà nghèo nhất, và một cái ao đẹp trong đó họ nuôi cá. Phong cảnh thì đẹp, rất xanh tươi. Không ở đâu xanh rờn được như Bengal, và mọi nhà đều có ao, ao lớn được vây quanh là những cây lớn. Bạn có thể biết được nhà nào giầu bởi kích cỡ ao của họ. Nhà giầu có ao mênh mông, họ ăn cá đắt nhân danh Thượng đế.

Giết bất kì cái gì nhân danh Thượng đế dễ dàng làm sao. Nhân danh Thượng đế chính là chỗ trú ẩn rất bảo vệ.

Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng khi người Anh tới Ấn Độ, trước hết họ chiếm Bengal, và Calcutta là thủ phủ của họ. Người hầu Ấn Độ đầu tiên của họ, từ đẳng cấp thấp nhất đến cao nhất, tất cả đều là người Bengal. Và bởi vì họ tất cả đều khắm mùi cá, nên họ bắt đầu gọi họ là "Babu." Babu là từ Pec xích nghĩa là người bốc mùi khắm. Nhưng bởi vì họ là người phục vụ chính phủ, ở vị trí cao, nên "Babu" trở thành rất đáng kính trọng. Bây giờ gọi ai đó là Babu là kính trọng lắm đấy, vinh dự lắm đấy.

Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ, Tiến sĩ Rajendra Prasad, bao giờ cũng được gọi là Babu Rajendra Prasad. Và ngay cả vị tổng thống đó cũng không có ý tưởng gì rằng Babu là từ bẩn thỉu. Nhưng mọi người đã quên mất nghĩa rộng. Bu nghĩa là bốc mùi, còn ba thực sự nghĩa là mùi khắm.

Trong đạo Hindu không chỉ cá là hoá thân của Thượng đế. Còn có cả rùa, có cả lợn, có cả sư tử, và sư tử kì lạ - nửa sư tử nửa người - narsimha; phần trên thân thể là của người. Và mọi người đã tôn thờ chúng. Người ta phải tự hỏi liệu nhân loại có điên không. Điều gì đó chắc chắn điên rồ.

Và hoá thân cuối cùng của Thượng đế mà sắp sửa tới sẽ là ngựa trắng. Tên nó là Kalki. Và con ngựa trắng đó sẽ cứu người đức hạnh và tiêu diệt kẻ tội lỗi và sẽ thay đổi toàn thể quá trình lịch sử loài người - một con ngựa!

Và tất cả những kẻ ngốc này, người tin vào những điều này sẽ ngồi sang bên quan sát. Hoá thân thứ mười của Thượng đế tên là Kalki. Ông ấy sắp tới để phán xử thế giới vào cuối của yuga này, chu kì thứ tư và cuối cùng của một triệu tám trăm nghìn năm theo quan niệm Hindu về thế giới.

Ông ấy sẽ tiêu diệt kẻ ác, thưởng cho người thiện, và làm Vishnu, Thượng đế của người Hindu, tạo ra thế giới mới.

Trong Phật giáo, ngựa biểu thị cho việc không thể huỷ diệt được, bản chất ẩn kín của mọi vật. Ngựa có cánh hay ngựa vũ trụ, mang tên "Mây," là một dạng của Quán Âm Avalokiteshvara. Đó là hoá thân của Phật Gautam.

Tôi cho phép những thượng đế con vật này trong trại này để làm cho các bạn nhận biết về quá khứ của mình. Và điều đó không được diễn ra toàn bộ, nó vẫn còn ẩn kín trong tâm trí bạn.

Tại Varanasi... đó là một chỗ kì lạ, đó là thành phố cổ nhất trên thế giới. Bởi vì nó là thành phố cổ thế nên phố xá của nó rất nhỏ, bởi vì vào những ngày đó không cần có xe bus và xe tải hay ô tô chạy. Ngay cả xe kéo tay cũng khó mà đi được qua phố xá này.

Người ta sẽ coi là một đức hạnh lớn nếu bạn đem tới một con bò đực và để nó ở trong thành Varanasi. Thành Varanasi được coi là thành phố của Thần Vishnu, và ông ấy yêu bò lắm. Cho nên trong thành phố Varanasi bạn sẽ thấy nhiều bò hơn người, và bạn không thể loại bỏ con bò đang đứng trên phố. Bạn cứ bóp còi đi và những con bò kia không định nghe theo con người tầm thường vậy đâu. Cứ bóp còi... chúng sẽ chỉ đứng đấy mà không bận tâm gì.

Bạn phải xuống xe và đẩy chúng sang bên. Bạn không được đánh chúng bằng không bạn sẽ bị giết. Điều đó sẽ làm tổn thương tới tình cảm tôn giáo của người Hindu. Chúng vào cửa hàng, vào cửa hàng rau, và chúng bắt đầu ăn. Bạn không thể dừng chúng lại được. Chúng không phải là người thường, chúng là VVIP! Varanasi, trên toàn thế giới...

 (Vào lúc này những đợt sóng cười lan rộng qua hội chúng khi một con ngựa trắng đi vào thính phòng qua cửa bên trái bục, phi quanh bục rồi biến mất qua cửa bên phải.)

Rồi, Avirbhava, bạn có thể quay lại, ngựa của bạn đã được giới thiệu. Về lại chỗ của bạn.

(Vỗ tay lớn từ thính giả.)

Bây giờ, những phát biểu của Maneesha về Mã Tổ và công việc của ông ấy:

Mã Tổ là một trong những thầy đầu tiên dùng kĩ thuật Thiền một cách đặc biệt trong dạy bảo; tức là, qua việc sống, không qua các ý tưởng triết lí. Bằng việc chỉ ra cái tuyệt đối trong cái tương đối - cái tương đối không có giáo điều tôn giáo, lãng mạn, biểu tượng hay duy lí trí, mà bằng một cảm giác sâu sắc về giá trị tồn tại của một vật - Mã Tổ đã đem Thiền vào cuộc sống bình thường, hàng ngày.

Đóng góp của ông ấy cho Thiền là mênh mông. Ông ấy đã mang nó từ tầm cao xuống nơi bạn hiện hữu. Về Mã Tổ người ta có thể nói, cũng như người ta đã nói về Mohammed... Mohammed tương truyền đã nói rằng nếu người khát không tới giếng thì giếng sẽ đi tới người khát.

Đi tới đỉnh cao của chư phật thực sự là điều gian nan. Họ toả sáng như trăng tròn trên bầu trời, và một niềm khao khát mênh mông dậy lên trong bạn để đạt tới cùng chiều cao đó. Nhưng có nỗi sợ lớn về bất an, về nguy hiểm, về những vùng núi non đó nơi bạn sẽ phải một mình. Nhiều người muốn đạt tới những chiều cao đó phải nghĩ hai lần trước khi họ cất bước đi đầu tiên của mình.

Mã Tổ đã thấy điều này và ông ấy đã đưa vào cái gì đó mà chưa bao giờ được biết tới trước đây. Ông ấy đã từ vùng núi non đi xuống bãi chợ. Ông ấy nói, "Bãi chợ không thể thay đổi được ta, cho nên sao lại tránh nó? Ta sẽ thay đổi bãi chợ. Ngồi ở chỗ cao của ta, ta sẽ không có khả năng thay đổi hàng nghìn người. Và nếu khi điều đó là có thể ta sẽ đi tới những người đó, cũng bình thường như họ vậy, việc trao đổi sẽ dễ dàng hơn."

Do đó ông ấy đã vứt bỏ mọi giáo huấn triết lí. Ông ấy đã đem những phương cách mới tới, hài hoà nhiều hơn với đất, không hài hoà với trời, nhiều hài hoà với những hoạt động con người bình thường. Một khi ông ấy đã bắt giữ lấy bạn, ông ấy sẽ đưa bạn lên các đỉnh cao. Nhưng vấn đề thứ nhất là phải bắt lấy bạn.

Ông ấy là thầy đầu tiên trong lịch sử của Thiền đã biểu lộ từ bi thế. Ông ấy cũng đã đưa việc đánh vào lần đầu tiên. Đấy nữa cũng là một phần của từ bi của ông ấy. Việc đánh của ông ấy phải được hiểu bởi vì nó cứ lặp đi lặp lại. Ông ấy đánh bạn để thức bạn dậy. Không có nhu cầu phải đi đâu để tìm phật cả. Phật đang ngủ say bên trong bạn. Ông ấy chỉ cần một chút ít thức tỉnh. Việc đánh là từ tình yêu và từ bi thuần khiết.

Rất khó cho các tôn giáo khác trên thế giới hiểu được: "Loại giáo huấn gì thế này? Dạy về Thượng đế, dạy về thiên đường và địa ngục và đức hạnh và mười điều răn chứ." Với họ điều đó có vẻ... điều đó quả có vẻ điên rồ.

Nhưng Mã Tổ đã giúp nhiều người trở nên chứng ngộ hơn bất kì thầy nào khác. Kết quả cuối cùng chứng tỏ rằng phương cách của ông ấy có tác dụng.

Một lần một sư vẽ bốn vạch trước mặt Mã Tổ. Vạch trên cùng dài, ba vạch còn lại ngắn. Rồi ông ấy hỏi thầy, "Không nói một vạch dài và ba vạch ngắn, thầy có thể nói được gì khác?"

Mã Tổ liền vẽ một vạch trên đất và nói, "Điều này có thể được gọi là dài hay ngắn. Đó là câu trả lời của ta."

Điều đó làm tôi nhớ lại một sự vụ trong triều đình của một vị hoàng đế Ấn Độ lớn, Akbar. Một hôm ông ấy đi vào triều và kẻ một đường trên tường và bảo mọi người trong triều... và ông ta đã tập hợp những người khôn ngoan nhất từ khắp nơi trong nước về triều đình; đấy phải là một triều đình giầu có nhất trên thế giới khi có liên quan tới khôn ngoan. Ông ấy có tất cả mọi nghệ sĩ lớn, nhạc sĩ, vũ công - bất kì ai hàng đầu đều được mời tham dự vào triều đình của ông ấy.

Ông ấy hỏi các thành viên triều đình, "Các khanh có thể làm cho đường này nhỏ đi mà không chạm vào nó không?" Điều đó có vẻ giống như một công án Thiền. Làm sao bạn có thể làm cho nó nhỏ đi mà không chạm vào nó? Bạn sẽ phải chạm vào nó, chỉ thế thì bạn mới có thể làm cho nó nhỏ đi. Điều đó dường như hiển nhiên.

Nhưng một người cười to. Người đó là anh hề của triều đình, Birbal. Mọi triều đình trong thời cổ đại đều có một anh hề triều đình, chỉ để làm cho triều đình được vui, không nghiêm chỉnh. Có những vấn đề nghiêm chỉnh, nhưng anh hề bao giờ cũng giữ cho nó được mát mẻ; anh ta sẽ làm trò hề, và tất cả mọi sự nóng nảy sẽ biến mất, và mọi người sẽ trở về với ý thức của mình. Birbal có lẽ là một trong những người nổi tiếng nhất, người có cảm giác khôi hài mênh mông; nhưng anh ta cũng là một người khôn ngoan nữa. Anh ta đứng dậy và anh ta đi tới bức tường và vẽ một đường to hơn ở phía trên đường nhỏ mà Akbar đã vẽ. Và anh ta nói, "Tôi đã làm cho nó nhỏ hơn mà không chạm vào nó" - bởi vì nhỏ, hay dài, hay ngắn, tất cả đều là những từ tương đối.

Trong bản thân nó bạn có thể vẽ ra một đường... đó là điều Mã Tổ đang làm, vẽ ra một đường. Và ông ấy nói, "Ông có thể gọi nó là dài hay ngắn." Đấy là vấn đề tương đối. Nếu bạn so sánh nó với đường dài hơn, thì nó ngắn; nếu bạn so sánh nó với đường ngắn hơn, thì nó dài. Trong chính nó, nó chỉ là cái nó đang vậy. Tính tương đối là ở việc so sánh với cái gì đó khác.

Tại sao Mã Tổ đã làm điều đó thì phải được hiểu. Và đặc biệt bởi vì Albert Einstein đã đưa vào lí thuyết tương đối trong phạm vi khoa học, nên sự việc trở nên quan trọng hơn để hiểu ý của Mã Tổ. Ông ấy đang nói, "Mọi người đều chỉ là bản thân mình, không lớn, không nhỏ - bởi vì tính lớn hay nhỏ tới từ sự tương đối - không đẹp không xấu. Mọi người đơn giản là chính mình."

Bạn có thể đem một người cao hơn đến bên cạnh người đó và người đó trở thành nhỏ hơn, nhưng người đó vẫn còn nguyên như thế. Chí tính tương đối, về mặt khái niệm, về mặt trí tuệ, bạn mới có thể thấy rằng người đó là nhỏ hơn, nhưng người đó thậm chí không thay đổi lấy một li. Bạn có thể đem một người lùn pygmy đến bên cạnh người đó và bỗng nhiên người đó trở thành cao hơn, mà người đó không thay đổi chút nào. Điều ông ấy đang nói là ở chỗ tính tương đối là khái niệm nguy hiểm để đem áp dụng cho con người.

Chính tính tương đối làm cho người nào đó thành to lớn, vĩ đại, nổi tiếng, nổi danh. Người nào đó sống không tên tuổi, người nào đó chỉ là không ai cả. Đây là tính tương đối; bằng không thì mọi người chỉ là bản thân mình, điều đó không tạo ra khác biệt gì. Không có vấn đề bất bình đẳng, mọi người đều duy nhất. Người là không ai cả thì hạnh phúc trong tính không ai cả của mình. Nhưng khái niệm này về tính tương đối lại làm cho mọi người phát điên. Mọi người đều cố gắng trèo lên cao hơn trên chiếc thang, để trở thành ai đó đặc biệt. Và ngay cả người đặc biệt nhất cũng khao khát biết bao nhiêu thứ họ đang thiếu.

Chẳng hạn, Napoleon đã là người chinh phục thế giới. Nhưng ông ta lại chịu phức cảm tự ti bởi vì chiều cao của mình - ông ta chỉ cao quãng một mét sáu tư. Ngay cả vệ sĩ của ông ta cũng cao hơn một mét tám ba và ông ta cảm thấy rất ngượng nghịu - cả hai phía đều có các vệ sĩ, và vệ sĩ được chọn là những người đặc biệt cao to khoẻ mạnh. Ông ấy trông như đứa trẻ nhỏ trong so sánh với vệ sĩ của mình, và điều này gây rất ngượng.

Một hôm ông ấy đang cố chỉnh lại bức tranh trên tường, nhưng tầm với của ông ấy có hơi hụt, ông ấy không thể với tới được bức tranh. Vệ sĩ của ông ấy nói, "Thưa ngài, ngài đừng bận tâm về nó. Tôi lớn hơn ngài, tôi có thể làm việc đó mà không khó khăn gì."

Napoleon said, "Ta sẽ bắn ngươi. Nói lại từ 'lớn' đi. Ngươi đơn giản cao hơn ta, không 'lớn hơn'."

Anh chàng vệ sĩ đáng thương này không thể thấy được tại sao ông ta lại trở nên giận dữ thế. Anh ta đã chạm vào chính chỗ yếu trong vô thức của ông ta. Lớn hơn sao? - không ai lớn hơn cả. Nhiều nhất bạn có thể nói, về mặt thể chất, rằng bạn cao hơn. Nhưng Napoleon đã khổ sở nhiều về điều đó. Cứ lúc nào ông ta thấy một người cao hơn, ông ấy lại khổ sở vô cùng.

Bạn không thể có mọi thứ trên thế giới được. Sẽ có những nhà thơ, sẽ có những nhạc sĩ, mà cái chạm của họ là vàng. Sẽ có những lực sĩ với thân thể gần như công trình của nghệ thuật. Bạn không thể có tất cả những điều này được. Một cách tương đối, mọi người đều kém cỏi khi so sánh với ai đó khác. Bạn có thể tìm ra người mà bạn là kém và bạn sẽ tìm ra biết bao nhiêu người bạn kém hơn. Ai đó là nghệ sĩ thổi sáo vĩ đại và bạn không biết đặt sáo lên môi phía bên nào. Ai đó là nhà toán học lớn... nhà toán học kì diệu đã xảy ra.

Ở Ấn Độ, ngay trong thế kỉ này, đã có hai người; một là Shankaran, một người đi xe lăn ở Madras. Chỉ bởi tình cờ mà một giáo sư tại đại học Madras nắm lấy xe lăn của anh ta và trên đường người đi xe lăn hỏi ông ta, "Ông dạy gì tại đại học vậy?" Ông ta là người Anh. Ông ta nói, "Tôi là giáo sư toán học."

Người đi xe lăn nói, "Toán học à? Đó là chủ đề đặc biệt của tôi đấy. Ông cứ bảo tôi bất kì con số nào, nhân với bất kì con số nào khác, và trước khi ông kết thúc câu hỏi của ông tôi sẽ trả lời nó." Và anh ta làm điều đó.

Ông giáo sư không thể tin được vào mắt và tai mình. Con số mà ông ta cho để nhân với một số khác làm ông giáo sư mất ít nhất ba phút tính. Không trải qua toàn bộ quá trình này, anh ta đơn giản trả lời ngay. Và ông giáo sư phải làm việc về nó, xem liệu câu trả lời của anh ta là đúng hay sai - và nó đúng.

Ông ta đưa anh ta về đại học. Shankaran đã thuyết phục tất cả các giáo sư rằng anh ta có sự hiểu thấu trực giác. Được hỏi anh ta xoay xở làm điều đó thế nào, anh ta nói anh ta không biết. "Ngay khi ông hỏi, một số xuất hiện trên màn ảnh của tâm trí tôi, và tôi đơn giản nhắc lại số đó. Tôi không biết quá trình nào cả, tôi không được giáo dục."

Ông giáo sư đưa anh ta đi vòng quanh thế giới như việc trưng bầy về toán học trực giác - tới Oxford, tới Cambridge - và ở mọi nơi anh ta đều là người nổi danh. Một người đi xe lăn vô giáo dục - và một nhà toán học vĩ đại như Whitehead, Bertrand Russell, họ đơn giản không thể tin được vào điều đó.

Bertrand Russell đã viết cuốn sách vĩ đại nhất về toán học. Chỉ để giải thích hai cộng với hai là bốn, ông ấy đã để ra hai trăm bốn mươi trang. Còn người này - bạn đưa cho anh ta bất kì số nào để nhân hay bất kì câu hỏi nào, và anh ta lập tức viết ra câu trả lời trên bảng. Anh ta không trải qua quá trình nào.

Và thế rồi có một người đàn bà khác, tên cô ấy là Shakuntala, và tôi nghĩ cô ấy vẫn còn sống - và điều kì lạ là cũng ở cùng một chỗ, Madras. Cô ấy đã đi khắp thế giới để biểu diễn khả năng trực giác của cô ấy về toán học.

Ngay cả những nhà toán học vĩ đại cũng cảm thấy như trẻ con khi ở cạnh những người này; họ không có giáo dục, họ không biết gì về toán học cả, nhưng họ có thể làm cho các nhà toán học vĩ đại cảm thấy kém cỏi.

Nếu bạn định so sánh, nếu bạn định nghĩ quanh, thì bạn sẽ thấy hàng nghìn người sẽ làm cho bạn thành kém cỏi. Và bạn không thể làm được gì về điều đó cả. Bạn không thể là vũ công vĩ đại nhất, bạn không thể là nhà toán học vĩ đại nhất, bạn không thể là nhà thơ vĩ đại nhất, bạn không thể là hoạ sĩ vĩ đại nhất trên thế giới cùng một lúc được.

Chính ý tưởng nghĩ trong tương đối về con người là ngớ ngẩn. Bạn chỉ là bản thân bạn thôi. Đích thực là bản thân mình, đừng có so sánh gì. Không kém cỏi nào nảy sinh; không lớn lao nào nảy sinh. Bạn đơn giản thảnh thơi như bạn hiện thế. Và bất kì cái gì bạn làm, bạn làm cho tốt nhất vào, với niềm vui và sự sáng tạo.

Câu trả lời của Mã Tổ... ông ấy vẽ một vạch trên đất và nói, "Điều này có thể được gọi là dài hay ngắn. Đó là câu trả lời của ta."

Điều đó tuỳ thuộc vào cái gì bạn lấy ra so sánh với nó. Nhưng tại sao so sánh ngay chỗ đầu tiên?


Tương đối là hoàn toàn tốt trong lĩnh vực khoa học. Nó tuyệt đối sai trong thế giới của nhân loại. Con người không phải là những con số toán học; con người là duy nhất. Mọi người - dù người đó thế nào, dù người đó là gì - chỉ phải đem tiềm năng của mình tới tính toàn bộ của nó, sự uyên thâm của nó, để lau sạch nó và đem nó tới nở hoa. Không thành vấn đề dù đó là hoa dại hay hoa hồng. Vấn đề là việc nở hoa, việc đem tiềm năng của bạn tới đỉnh cao nhất của nó.






Và điều đó sẽ đem tới cho bạn niềm vui và an bình, và nghỉ ngơi, thảnh thơi với vũ trụ. Bạn sẽ trong hài hoà, và sẽ không có rối loạn trong tâm trí bạn - làm sao trở thành cái này, làm sao trở thành cái kia. Làm sao là người giầu nhất, làm sao là người nổi tiếng nhất - tất cả những cái đó chỉ là rác rưởi; và nó đang làm hàng nghìn người phát điên, điên không cần thiết.

Họ có thể là người đẹp nhất nếu họ không nghĩ dưới dạng tương đối. Nếu họ tự thoả mãn với mình và tiềm năng của mình, và họ làm việc để đem tiềm năng của mình tới đỉnh cao nhất của nó, không so sánh với bất kì ai - đây là cách duy nhất con người có thể lành mạnh về tâm lí.

Một dịp khác, một sư nói với Mã Tổ, "Ý của việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây là gì?"

Đây là câu hỏi truyền thống trong Thiền, đã được hỏi hàng nghìn lần, đã được hỏi cho hàng trăm thầy khác nhau bởi hàng nghìn đệ tử; và mọi lần lại một câu trả lời khác nhau. Mã Tổ không định cho câu trả lời triết lí.

Các thầy theo hướng triết lí có thể cho nhiều ý về việc Bồ đề đạt ma từ Ấn Độ tới Trung Quốc - nhớ rằng ở Trung Quốc thì Ấn Độ là ở phương Tây.

Bồ đề đạt ma đã mang thông điệp của Phật Gautam, và ông ấy đã biến đổi toàn thể Trung Quốc thành chuyện tình lớn với Phật. Ông ấy đã không tạo ra tôn giáo có tổ chức, ông ấy đơn giản lan toả hương thơm của Phật giáo. Không nhà thờ có tổ chức, nhưng mọi người đều được phép uống từ giếng của Phật, và làm dịu cơn khát của mình. Không tu sĩ nào tồn tại trong Phật giáo - không có nhu cầu về tu sĩ. Ông ta là cản trở, không phải là cây cầu. Bản thân bạn có thể là phật, chỉ bằng việc đi vào bên trong mình. Không cần tu sĩ nào cho việc đó cả.

Trung Quốc đã hạnh phúc khi nghe được thông điệp này, "Bạn là phật; bạn chỉ không hiểu lãnh thổ bên trong của mình, tính chủ thể của mình."

Biết bao nhiêu điều có thể được nói về "Ý của việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây là gì?"

Nhưng Mã Tổ đáp, "Tại lúc này, ông định nói 'ý' là gì?"

Mã Tổ là một thầy kì lạ với phương pháp kì lạ. Thay vì trả lời câu hỏi, ông ấy biến câu hỏi này thành câu hỏi khác. Ông ấy thay đổi toàn bộ sự việc.

Ông ấy hỏi, "Tại lúc này, ông định nói 'ý' là gì?"

Sư lại hỏi câu hỏi này, và Mã Tổ đánh ông ta, vừa nói, "Nếu ta không đánh ông, mọi người sẽ cười ta."

Một giai thoại kì lạ, nhưng Mã Tổ là phải. Ông ấy đang nói, "Toàn thể ý của Phật Gautam và thông điệp của ông ấy là ông. Bồ đề đạt ma tới đây để đánh thức ông dậy. Thay vì triết lí hoá điều đó, ta sẽ làm đích xác cùng điều như Bồ đề đạt ma đã làm.

"Tại lúc này, ông định nói 'ý' là gì?"

Điều đó tới như một cơn sốc, bởi vì sư này đã không nghĩ rằng ai đó sẽ hỏi câu hỏi này.

Sư lại hỏi câu hỏi này, và Mã Tổ đánh ông ta, vừa nói, "Nếu ta không đánh ông, mọi người sẽ cười ta." -bởi vì ông là ý đó, và ông lại hỏi nó. Ông là phật, và ông lại đang hỏi phật ở đâu. Nếu ta không đánh ông, thì hàng thế kỉ mọi người sẽ cười ta."

E ở Rokutan đã hỏi Mã Tổ cùng câu hỏi đó về việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây.

Mã Tổ nói, "Nói khẽ thôi và lại gần hơn một chút!"

E tới gần hơn. Mã Tổ đánh cho ông ta một cái, và nói, "Sáu tai không cùng kế hoạch. Ngày khác tới."

Người này có thể đã không hiểu. Ông ta đang hỏi một câu hỏi đơn giản theo truyền thống, "Ý của việc bồ đề đạt ma tới Trung Quốc là gì?" Và Mã Tổ đang trả lời điều đó theo hai cách: trước hết, "Nói khẽ thôi!"

Người này phải đã hỏi cứ dường như câu trả lời là không thể có. Người này phải đã hỏi với một bản ngã to, trông đợi rằng Mã Tổ sẽ chấp nhận thất bại.

Bằng việc nói với ông ta, "Nói khẽ thôi!" đơn giản nghĩa là, "Im đi, im lặng đi, khiêm tốn vào, bởi vì trong cái khiêm tốn của mình ông sẽ thấy câu trả lời; trong im lặng của mình ông sẽ thấy ý đó."

Và, "lại gần hơn một chút!" Người này đã không hiểu ý của việc tới gần hơn một chút. Thầy đang nói, "thân thiết hơn chút nữa với ta, lại lại gần hơn chút nữa với trái tim ta, cởi mở hơn chút nữa. Đừng đứng đó mà vẫn còn đóng kín, và cùng một bản ngã to. Khiêm tốn và lại gần hơn."

Nhưng ông này đã không hiểu ý của cả việc nói khẽ thôi, lẫn việc lại gần hơn một chút. Ông ta tới gần hơn - về mặt vật lí.

Mã Tổ đánh cho ông ta một cái, và nói, "Sáu tai không cùng kế hoạch. Ngày khác tới."

Mã Tổ đánh cho ông ta một cái, và nói, "Sáu tai không cùng kế hoạch. Ngày khác tới - ông đã không hiểu hôm nay rồi, nhưng ai mà biết được? - Ngày khác tới. Hôm nay thế là đủ rằng ta đã cho ông một cú đánh ra trò. nghĩ về điều đó." Và "Sáu tai không cùng kế hoạch."

Tại đây các ông có cả nghìn tai, nhưng đằng sau tai của các ông mọi người đều có các kế hoạch khác nhau. Cho nên một ngày khác tới và vứt bỏ đi kế hoạch của ông. Nếu ông tới với định kiến, với câu trả lời đã có trong mình, ông không thể hiểu được ta.

Tại đây chúng ta không làm việc về mặt triết lí. Đây không phải là chỗ cho các nhà trí thức. Với điều đó ông có thể đi bất kì đâu, tới bất kì tu viện nào nơi kinh sách được coi là đưa ông vào bản tính bên trong của ông. Nhưng nếu ông muốn nghe câu trả lời từ ta, ngày khác tới. Hôm nay thế là đủ.

Về sau, E tới phòng và nói, "Xin cầu thầy nói cho!"

Mã Tổ nói với ông ấy, "Đi hẳn một thời gian đi rồi tới phòng này lần nữa khi ông có dịp, và ta sẽ xác nhận công khai điều đó."

E từ đó chứng ngộ. Ông ấy nói, "Tôi xin cám ơn mọi người về sự xác nhận của họ," và đi quanh phòng một lần rồi ra đi.

Mọi thứ quanh Mã Tổ đều rất bí ẩn. Người này đã không đi, ông ta theo Mã Tổ tới phòng hội chúng. Và lần nữa trong phòng hội chúng ông ấy lặp lại điều đó, nhưng bây giờ, chỉ trong vài khoảnh khắc, ông ấy đã là con người khác. Ông ấy nói, "Xin cầu thầy nói cho!"

Kẻ bản ngã cũ của vài khoảnh khắc trước đó không còn nữa. Tiếng nói này đã trở thành tiếng nói của cầu xin, của khiêm tốn.

Mã Tổ nói với ông ấy, "Đi hẳn một thời gian đi rồi tới phòng này lần nữa khi ông có dịp, và ta sẽ xác nhận công khai điều đó."

Thầy đã không cho câu trả lời, nhưng thầy đã cho cái gì đó khác. Thầy đang bảo ông ấy đi xa, "và về đây chỉ khi ông có dịp nhận câu trả lời. Điều đó nghĩa là khi ông đã thiền về nó, đã vứt bỏ mọi thành kiến của mình, khi ông không có ý tưởng nào về câu trả lời là gì. Đó sẽ là cơ hội của ông. Thế thì ông có thể tới, và ta sẽ xác nhận công khai điều đó."

Bởi vì ông ấy đã hỏi với sự khiêm tốn, người này phải đã có sự thông minh lớn lao. Thời gian không tạo nên ý nghĩa gì; sao không làm điều đó bây giờ đi? Cho nên ông ấy đã vứt bỏ - điều đó không được viết trong giai thoại này, điều đó không thể được viết ra, nó là cái gì đó xảy ra bên trong người này - người đó vứt bỏ mọi quan điểm của mình. Và khi người đó vứt bỏ mọi quan điểm của mình, thì không cần câu trả lời nào cho người đó nữa.

Đó là một tình huống kì lạ. Khi câu hỏi biến mất, thì cũng không cần câu trả lời làm gì. Đó tất cả chỉ là trò thể dục tâm trí. Thấy ra chân lí, rằng thầy không định dính líu vào đối thoại trí tuệ... Có lẽ không có cách nào để giải thích về mặt trí tuệ ý của việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây. Nó là cái gì đó có thể được truyền trao chỉ khi bạn hoàn toàn im lặng và không có câu hỏi nào. Thế thì ngọn lửa, đám cháy có thể loé ra từ tim của thầy. Và điều đó thực tế đã xảy ra.

E từ đó chứng ngộ. Ông ấy nói, "Tôi xin cám ơn mọi người về sự xác nhận của họ," và đi quanh phòng một lần rồi ra đi.

Một dịp sau đó, một sư khác lại nói với Mã Tổ, "Xin thầy đừng dùng tứ cú bách phi, mà nói cho con ý của việc Bồ đề đạt mà tới từ phương Tây."

Mã Tổ nói, "Hôm nay ta mệt và không thể nói được cho ông. Đi hỏi Trí Tạng."

Trí Tạng là một trong các đệ tử gần gũi nhất của ông ấy.

Sư đi hỏi Trí Tạng, ông này nói, "Sao ông không hỏi thầy?"

"Thầy bảo tôi tới hỏi ông," sư nói.

"Hôm nay ta đau đầu lắm," Trí Tạng nói, "nên ta không thể nói cho ông được; ông sang hỏi Bách Trượng Huệ Hải." Bách Trượng Huệ Hải là đệ tử thân thiết thứ hai của Mã Tổ.

Sư lại tới Bách Trượng Huệ Hải, ông này nói, "Ồ về chuyện ấy thì ta thực sự không biết."

Sư nói lại mọi điều này cho Mã Tổ, thầy nói, "Trốc đầu Bách Trượng Huệ Hải đen; trốc đầu Trí Tạng trắng."

Bây giờ câu hỏi này hoàn toàn bị quên khuấy mất. Không ai đã hỏi nó. Ngược lại, Bách Trượng Huệ Hải đã chấp nhận rằng bản thân mình không biết câu trả lời là gì.

Trốc đầu trắng và trốc đầu đen nói tới một câu chuyện cổ về hai kẻ cướp. Một kẻ cướp đội mũ trắng, trong khi kẻ cướp kia đội mũ đen. Khi câu chuyện diễn ra, người với mũ đen tàn nhẫn và cực đoan hơn người mũ trắng. Cho nên chính điều Bách Trượng Huệ Hải nói còn cực đoan hơn Trí Tạng trong phương pháp giải quyết cho sư trẻ này.

Mã Tổ đã nói rằng ông ấy rất mệt. "Hôm nay ta mệt và không thể nói được cho ông." Sự kiện là, dù bạn mệt hay không, bạn cũng không thể nói được điều đó. Ý của Bồ đề đạt ma là kinh nghiệm, nó không phải là việc giải thích. Nhưng để khiêm tốn, Mã Tổ đã không nói, "Không thể nói được gì về điều đó cả." Ngược lại, ông ấy nhận toàn bộ trách nhiệm về phần mình. "Hôm nay ta mệt và không thể nói được cho ông. Đi hỏi Trí Tạng."

Ông ấy nhân cơ hội này để kiểm tra Trí Tạng và Bách Trượng Huệ Hải. Ông ấy biết rằng Trí Tạng sẽ không thể trả lời được, mà cả Bách Trượng Huệ Hải cũng không trả lời được. Câu hỏi này trong Thiền là một trong những điều không thể nào trả lời nổi, chỉ có thể được kinh nghiệm. Không có cách nào đem chúng thành lời. Người này tới Trí Tạng, ông này nói, "Sao ông không hỏi thầy đi? Sao làm phiền tôi thế? Tôi chỉ là một đệ tử."

Nhưng sư này nói, "Thầy bảo tôi tới hỏi ông..."

"Hôm nay ta đau đầu lắm," Trí Tạng nói, "nên ta không thể nói cho ông được; ông sang hỏi Bách TrượngBách Trượng Huệ Hải."

Sư lại tới Bách TrượngBách Trượng Huệ Hải, ông này nói, "Ồ về chuyện ấy thì ta thực sự không biết."

Sư nói lại mọi điều này cho Mã Tổ, thầy nói, "Trốc đầu Bách Trượng Huệ Hải đen; trốc đầu Trí Tạng trắng."

Điều đó lại dẫn tới câu chuyện về hai kẻ cướp trên. Tên cướp hay dùng mũ trắng là nhà cách mạng triệt để. Và Mã Tổ nói rằng trốc đầu của Bách Trượng Huệ Hải đen. Đó là một phát biểu khác thường để nói rằng ông không biết, cần dũng cảm chấp nhận cái dốt của ông. Trốc đầu Trí Tạng trắng. Ông ấy đang cố gắng che dấu - cứ dường như ông ấy biết, nhưng bởi vì ông ấy bị đau đầu quá, hôm nay ông ấy không thể nói được điều đó.

Mã Tổ làm việc theo cách kì lạ. Bây giờ ông ấy đã làm việc với một câu hỏi trên ba người: trên sư đã mang tới câu hỏi, trên Trí Tạng, người đang cố gắng che dấu cái dốt của mình, trên Bách TrượngBách Trượng Huệ Hải, người vượt ra hẳn bằng câu trả lời triệt để của mình, "Tôi không biết."

"Tôi không biết" là câu trả lời vĩ đại nhất trong toàn thể kinh nghiệm của nhân loại.

Socrates đã nói, "Tôi không biết," vào chính khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời mình. Toàn thể cuộc đời mình, ông ấy đã giảng về chân lí, và vào khoảnh khắc cuối cùng ông ấy nói, "Tôi không biết." Vào khoảnh khắc cuối cùng ông ấy trở thành thực sự khiêm tốn, và ông ấy thấy sự vĩ đại của chân lí và sự huyền bí của nó, tính không diễn đạt được của nó - và điều mà ông ấy đã từng làm chỉ là chơi đùa với lời cả đời mình. Bây giờ, không thế nữa; ông ấy sắp chết trong vòng vài phút. Thuốc độc đang được chuẩn bị. Ít nhất thế giới cũng nên biết rằng Socrates, trước khi chết, đã thốt ra câu trả lời chân thành của mình, "Tôi không biết. Tôi không biết gì về cái gì cả. Tôi chỉ hồn nhiên và dốt nát như đứa trẻ."

Nhưng đây là đỉnh cao nhất của trí huệ. Khi bạn không biết, tâm trí là trống rỗng, bạn đã đạt tới trái tim trống rỗng. Khi bạn biết, tâm trí tràn đầy. Tri thức là rào chắn lớn nhất cho việc đạt tới vũ trụ, đạt tới cái bất tử, tới chân lí vĩnh hằng. Tri thức là rào chắn lớn nhất, cái ngăn cản bạn không cho nhận ra phật tính của bạn.

Trí Tạng gần với Mã Tổ hơn nhưng ông ấy đã không được làm người kế tục. Bách Trượng Huệ Hải đã được chọn là người kế tục. Khi Mã Tổ chết... trước khi chết ông ấy tuyên bố Bách Trượng Huệ Hải. Không ai trông đợi điều đó; mọi người đều biết rằng Trí Tạng sẽ là người kế tục. Nhưng Bách Trượng Huệ Hải đã được chọn bởi lẽ đơn giản rằng ông ấy có dũng cảm để bầy tỏ dốt nát của mình, sự hồn nhiên của mình.

Phát biểu "Tôi không biết," là phát biểu vĩ đại nhất ai cũng có thể làm được. Nó làm cho trái tim bạn trống rỗng hoàn toàn. Tại đây, trong việc thiền của mình, chúng ta đang làm đích xác điều này. Toàn bộ nỗ lực của tôi là để dỡ đi mọi tri thức của bạn, bởi vì nó tất cả đều là vay mượn, và không cần thiết cho bạn mang nó. Nó không cho phép trái tim bạn được trống rỗng, và chỉ trái tim trống rỗng mới có khả năng rơi vào sự hài hoà với trái tim vũ trụ. Từ điểm đó cuộc sống trở thành lễ hội.

Soseki đã viết,

Mảnh đất hoang này

không có biên giới -

bắc, nam, đông hay tây.

Khó thấy ngay cả cây

ở giữa nó.

Quay đầu

bạn có thể nhìn ra ngoài từng hướng.

Lần đầu tiên bạn biết rằng mắt mình

đã từng lừa dối mình.

Khi bạn đi vào bên trong, không có đông, không có tây, không có nam, không có bắc; chỉ không gian thuần khiết, theo mọi hướng đều như nhau. Bạn đã đi tới chính gốc rễ của mình, và bây giờ lần đầu tiên bạn biết rằng tất cả bao nhiêu kiếp sống này con mắt của bạn đã lừa dối bạn bởi vì chúng giữ bạn bị gắn bó với các đối thể bên ngoài. Chúng không cho phép bạn đi vào trong bản thân mình. Bạn bị giữ bận rộn với cái gì đó bên ngoài - tiền bạc, tri thức, sự kính trọng.

Có cả nghìn cách để giữ bạn bận rộn để cho bạn không quay vào bên trong. Cuộc sống được xã hội điều khiển theo cách ngay từ ban đầu bạn đã bị buộc phải bị bận rộn. Nó trở thành thói quen. Nếu bạn không có gì làm, bạn tìm cái gì đó để làm. Tôi biết mọi người... cứ vào chủ nhật là họ lại trong tình trạng không thoải mái nhất - không có gì để làm cả! Họ có thể mở đồng hồ cũ của ông mình ra sửa chữa - đấy đã là làm việc rồi. Hay họ có thể đi tới ô tô và mở nắp đậy ra, mà ô tô vẫn chạy tốt có làm sao đâu - nhưng đấy là cái gì đó để làm. Họ có thể đọc cùng tờ báo nhiều lần.

Tôi hay sống với một người họ hàng trong vài ngày. Anh ta đã về hưu và hay đọc cùng tờ báo từ sáng tới đêm. Và tôi nói, "Anh đọc tờ báo này bao nhiêu lần vậy?"

Anh ta nói, "Vấn đề không phải là đọc. Vấn đề là ở chỗ tôi không có gì để làm cả. Vợ tôi chết rồi. Bà ấy thường giữ cho tôi được bận rộn - 'Đem cho tôi cái này, đem cho tôi cái kia' - và bà ấy hay làm tình làm tội tôi. Bây giờ tôi thấy thiếu bà ấy quá. Vào lúc đó tôi hay nghĩ rằng nếu bà ấy chết đi thì sẽ tốt bởi bà ấy bị đau ở cổ. Nhưng ít nhất thì cũng có cái gì đó để mà bận rộn. Bây giờ tôi hoàn toàn vô dụng."

Ở đây tất cả các bạn đều biết Maitreya đang nằm trong hầm mộ mình. Anh ấy quen giữ mọi báo chí - báo cũ. Có lần tôi nhìn vào phòng anh ấy. Tôi không thể đi vào phòng anh ấy được vì anh ấy hay ăn tỏi nhiều tới mức cả căn phòng sặc sụa mùi tỏi. Anh ấy đã được gắn với tôi trong gần bốn mươi năm. Anh ấy đã là nghị sĩ của nghị viện. Anh ấy bao giờ cũng yêu cầu tôi ở cùng anh ấy trong nhà anh ấy ở Delhi, còn tôi bao giờ cũng nói, "Không đâu. Chừng nào anh còn chưa bỏ tỏi đi thì không có cách nào. Tôi không thể vào nhà anh được."

Anh ấy nói, "Rất khó cho tôi bỏ tỏi. Tôi có thể bỏ mọi thứ" - và anh ấy đã bỏ mọi thứ: anh ấy bỏ vợ, anh ấy bỏ nhà, anh ấy bỏ là nghị sĩ nghị viện, anh ấy đã trở thành một sannyasin - nhưng tỏi, cái đó anh ấy không thể xoay xở bỏ được. Cho nên tôi không bao giờ vào phòng anh ấy cả - anh ấy đã sống cùng tôi trong nhà riêng của tôi - chỉ từ bên ngoài cửa tôi đã nhìn biết bao nhiêu là báo... chúng gần như chất tới trần. Và tôi hỏi anh ấy, "Anh định làm gì với đống báo cũ này? Anh có điên hay cái gì không đấy?"

Và anh ấy sẽ cười to và anh ấy sẽ nói, "Đôi khi, khi người ta không có gì để làm, thì hoàn toàn tốt là đọc lại báo cũ. Đó chỉ là thói quen của chính khách già."

Khu vực bầu cử của anh ta là Patna. Tại Patna anh ấy cứ nhấn mạnh mãi là tôi nên ở tại nhà anh ấy. Tôi nói, "Tôi có thể ở trong khách sạn. Nhưng cho dù đời tôi có gặp nguy hiểm thì tôi cũng vẫn sẽ không vào nhà anh đâu. Tôi không thể chịu được tỏi. Nó nguy hiểm thế, chính cái mùi tỏi ấy." Khi anh ấy chết, tôi nói, "Trời, điều đó là tốt. Ít nhất bây giờ không ai đem tỏi vào nhà này!"

Và tôi đã nói rằng bây giờ những người hâm mộ tỏi không nên được phép ở trong nhà tôi - vậy mà vẫn có người hâm mộ! Sarjano này, làm đủ mọi loại mì ống, là anh chàng hâm mộ tỏi. Cũng tốt là chính phủ Italy không cho phép tôi vào Italy. Tôi sung sướng về điều đó. Và các sannyasin của tôi, Sarjano, Majid, và những người khác, họ cứ ép buộc nghị viện còn tôi lại lo lắng nhiều rằng ngày nào đó...

Trong hai năm liên tục nghị viện đã thảo luận về điều đó. Cuối cùng họ đồng ý cho tôi visa ba tuần, với điều kiện. Điều đó rất tốt. Tôi đã từ chối; tôi đã từ chối hoàn toàn. "Có điều kiện thì tôi không thể vào nước các ông được. Bỏ mọi điều kiện đi, thế thì tôi sẽ xem xét điều đó." Thế là chính phủ vẫn đang xem xét, và tôi hi vọng rằng họ sẽ không cho phép tôi bởi vì tôi chắc chắn phải lo rằng cả nước Italy sặc sụa mùi tỏi. Tôi biết nhiều sannyasins Italia - tôi phải để họ ở xa xa một chút.

Maneesha đã hỏi:

Thầy kính yêu của chúng tôi,

Tôi không biết ý của việc Bồ đề đạt ma tới từ phương Tây, nhưng dường như có ý nghĩa trong việc ông ấy đem tôn giáo tồn tại của Thiền sang phương Đông, còn thầy - bao nhiêu thế kỉ sau - lại đem nó trở lại cho con người đương đại. Qua cả hai thầy, Thiền đã làm thành vòng tròn đầy đủ. Thầy có trong quan hệ đối tác với Bồ đề đạt ma không?

Maneesha, đó là bí mật để mở đấy.

Bây giờ là lúc cho Sardar Gurudayal Singh.

Sardar Gurudayal Singh có việc mới làm người phục vụ bàn trong Toà nhà Pancakes của Ken khoe khoang. Hai quí ông vừa kết thúc bữa tối của họ, và Sardar Gurudayal Singh lại gần họ. "Trà hay cà phê thưa các ông?" Sardar Gurudayal Singh hỏi.

"Tôi uống trà," ngườ thứ nhất nói.

"Vâng, tôi cũng uống trà," người thứ hai nói, "nhưng phải chắc là cốc sạch đấy."

Vài phút sau, Sardar Gurudayal Singh trở lại và nói, "Đây rồi, hai cốc trà. Bây giờ, ông nào hỏi về cốc sạch ạ?"

Bác sĩ Feelgood đang dự hội nghị các nhà tâm thần tại New York. Trong một lần nghỉ, ông ấy vào tiệm cà phê. Ông ấy để ý thấy một phụ nữ đẹp ngồi một mình trong góc, uống cà phê. Cô ta đẹp và hấp dẫn tới mức Feelgood không thể cưỡng được cám dỗ nói chuyện với cô ấy. Ông ta lại gần cô ấy và hỏi một cách yên tĩnh, "Tôi có thể kết nối cô được chứ?"

Quí bà trẻ lùi lại nhìn ông ấy vài giây và rồi đáp, "Sao vậy, tôi trông có vẻ như bị rời ra sao?"

Bây giờ bạn hiểu điều đó chưa?

Walter và Larry, hai kị sĩ vùng biên giới Australia, đang uống bia và thảo luận xem chó của họ khôn thế nào.

"Con chó Rex của tôi khôn tới mức," Walter nói, "tôi có thể cho nó năm chỉ dẫn một lúc và nó sẽ mang từng thứ về một."

"Thế chưa là gì nhé!" Larry đáp. "Con chó Butch của tôi chỉ cần một chỉ dẫn từ tôi, và thế rồi nó đoán ra hết phần còn lại."

Sau vài chầu bia nữa, Walter huýt sáo gọi Rex. Anh ta bảo con chó ra phố, rẽ trái ở chỗ đèn giao thông, đi nửa dặm và đem về con cừu đen từ cánh đồng ở đó. Mười phút sau, Rex trở lại với con cừu. "Cũng không tồi," Larry nói, "nhưng xem đây!" Thế rồi anh ta gọi Butch. "Butch," Larry nói, "Tao đói rồi!"

Butch chạy ra đường cho tới khi nó thấy một chuồng gà. Nó đào một cái hố dưới hàng rào, nâng con gà mái ra khỏi ổ, và lấy một quả trứng dưới con gà.

Thế rồi nó chạy về Larry, nhả quả trứng ra, lấy một cái nồi nhỏ, chạy đi kiếm ít nước, đặt nồi lên bếp lửa và thả quả trứng vào.

Đích xác ba phút sau thì nước sôi, Butch lật nghiêng nước, lấy ra quả trứng, đem trứng trao cho Larry và thế rồi đứng trồng cây chuối với đuôi ngỏng lên trời.

"Không thể nào tin được!" Walter nói, "nhưng bảo tớ - sao nó đứng trên đầu như thế, chổng đít lên trời?"

"Thế này, nó là con chó khôn," Larry đáp. "Nó biết rằng tớ không ăn cốc trứng."

Nivedano...

(tiếng trống)

(nói lắp bắp)

Nivedano...

(tiếng trống)

Im lặng. Nhắm mắt lại. Cảm thấy thân thể bạn hoàn toàn đông cứng. Nhìn vào bên trong với sự khẩn thiết lớn lao.

Bạn phải đạt tới, vào chính khoảnh khắc này tới trung tâm của bạn. Trung tâm của bạn là điều vĩnh hằng của bạn. Khoảnh khắc bạn ở tại trung tâm, bạn chỉ là một nhân chứng - một gương phản chiếu thân thể, tâm trí, nhưng biết hoàn toàn rõ nó tuyệt đối trống rỗng.

Gương rỗng... và cánh cửa của mọi bí ẩn của sự tồn tại sẽ mở ra cho bạn. Đi ngày một sâu hơn... làm tối nay thành cột mốc trong đời bạn.

Nhận ra phật của bạn và rồi làm điều đó hai mươi bốn giờ, cả ngày - trong mọi cử chỉ, trong mọi hành động, một cách an bình, duyên dáng, với trái tim quan sát, im lặng. Đây là chính tinh tuý của tôn giáo; mọi thứ khác chỉ là lời bình luận không bản chất. Từ nhân chứng chứa mọi kinh sách.

Nivedano...

(tiếng trống)

Làm rõ ràng rằng bạn không là thân thể, không là tâm trí mà chỉ là tâm thức quan sát, nhân chứng.

Buổi tối nay là vĩ đại, và im lặng của bạn đã làm cho nó vĩ đại hơn. Nó đẹp thế, và việc chứng kiến của bạn đã thêm cái đẹp mênh mang vào nó. Trên toàn trái đất vào khoảnh khắc này, chỗ này, nơi mười nghìn chư phật đơn giản đang chứng kiến, có một đặc tính duy nhất.

Trong quá khứ, đã có nhiều chỗ giống chỗ này. Không may, những ngày vàng đó là quá khứ, nhưng nỗ lực của tôi là để mang những khoảnh khắc vàng đó lại trong tương lai của nhân loại. Các bạn sẽ là phương tiện.

Nivedano...

(tiếng trống)

Quay lại... nhưng quay lại như phật, không ngần ngại gì, không hoài nghi gì. Đây là niềm tin cậy duy nhất tôi dạy.

Bạn là phật. Ngồi trong vài khoảnh khắc, chỉ để hồi tưởng lại toàn thể kinh nghiệm này. Mưa đã tới để đón chào bạn. Huy hoàng sao, khoảnh khắc này. Im lặng sao, khoảnh khắc này.

Được chứ, Maneesha?

Vâng, Thưa Thầy kính yêu.

Chúng ta có thể mở hội mười nghìn chư phật chứ?

Vâng, Thưa Thầy kính yêu.

Xem Tiếp Chương 9Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Osho - Download Sách Osho PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Osho Hoặc Download ê

0 Đánh giá

Ads Belove Post