Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Muốn An Được An
Chương 5. Làm Việc Cho Hòa Bình
Ở Làng Mai nước Pháp,
chúng tôi nhận được rất nhiều thư từ từ các trại tị nạn ở Singapore, Mã Lai,
Indonesia, Thái Lan và Philippin. Mỗi tuần nhận cả hàng trăm lá thư và mỗi lần
đọc là thấy đau lòng nhưng cũng phải đọc, phải tiếp xúc với những khổ đau đó.
Chúng tôi cố gắng giúp nhưng những nỗi khổ ấy quá lớn nên đôi khi cũng thấy nản
lòng. Người ta nói rằng một nửa số thuyền nhân bị chết trên đại dương, chỉ có một
nửa là đến được bên kia bờ của Đông Nam Á.
Nhiều cô gái trẻ, nhiều
thuyền nhân bị hải tặc hãm hiếp. Cho dù Mỹ và nhiều nước khác tìm cách giúp
chính phủ Thái Lan ngăn chặn tình trạng cướp biển này, nhưng hải tặc vẫn tiếp tục
gây ra nhiều khổ đau cho những người tỵ nạn. Một hôm chúng tôi nhận được một lá
thư báo cho biết có một bé gái trên thuyền đã bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp. Cô
bé nhảy xuống biển và chết ngay trên biển. Cô bé chỉ mới 12 tuổi.
Khi mới nghe những
tin như thế các bạn sẽ rất tức giận hải tặc. Tự nhiên các bạn muốn đứng về phía
em bé. Nhưng khi nhìn sâu hơn thì các bạn sẽ thấy khác. Nếu đứng về phía em bé
thì quá dễ rồi. Chúng ta chỉ việc lấy súng ra bắn tên hải tặc đó, nhưng chúng
ta không thể làm như thế. Khi thiền quán, tôi thấy rằng nếu tôi được sinh ra
trong ngôi làng hải tặc, được lớn lên trong những hoàn cảnh như người hải tặc
kia thì bây giờ tôi cũng đã là một tên hải tặc. Có rất nhiều khả năng để tôi có
thể trở thành hải tặc lắm. Chúng ta không thể lên án những người hải tặc một
cách quá đơn giản như vậy. Trong khi quán chiếu tôi thấy được nhiều đứa trẻ được
sinh ra trên vịnh Thái Lan, mỗi ngày có cả hàng trăm đứa, nếu chúng ta là những
nhà giáo dục, những nhà chính trị, những nhà hoạt động xã hội mà chúng ta không
làm gì để giải quyết tình trạng này thì trong vòng 25 năm nữa một số trong
chúng sẽ trở thành hải tặc. Đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Nếu bây giờ các bạn
và tôi được sinh ra trong ngôi làng chài lưới thì có thể trong vòng 25 năm nữa
chúng ta sẽ trở thành hải tặc. Nếu các bạn cầm súng bắn tên hải tặc kia tức là
các bạn bắn tất cả chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm cho tình
trạng ấy.
Sau khi thiền quán một
hồi lâu, tôi làm một bài thơ, trong đó có ba đối tượng: cô bé 12 tuổi, tên hải
tặc và tôi. Chúng ta có thể nhìn nhau và nhận ra nhau trong mỗi người không? Tựa
đề của bài thơ là Hãy gọi đúng tên tôi. Bởi vì tôi có rất nhiều tên, khi nghe một
trong những cái tên này tôi phải trả lời: “Có tôi đây.”
Hãy Gọi Đúng Tên Tôi
Đừng bảo ngày mai tôi đã ra đi
Bởi vì chính hôm nay tôi vẫn còn đang tới
Hãy ngắm nhìn tôi thoát hình trong từng phút, từng giây
Làm đọt lá trên cành xuân
Làm con chim non cánh mềm chiêm chiếp vui mừng trong tổ mới
Làm con sâu xanh trên cuống hoa hồng
Làm gân viên ngọc trắng tượng hình trong lòng đá
Tôi còn tới để khóc để cười Để ước mong, để lo sợ
Sự xuất nhập của tôi là hơi thở
Nhịp sinh diệt của tôi cũng là tiếng đập một lần của hàng triệu
trái tim.
Tôi là con phù du thoát hình trong mặt nước
Và là con chim sơn ca mùa xuân về trên sông đón bắt phù du
Tôi là con ếch bơi trong hồ thu Và cũng là con rắn nước trườn đi
Tìm cách nuôi thân bằng thân ếch nhái
Tôi là em bé nghèo Uganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra,
hai bàn chân bằng hai ống sậy
Tôi cũng là người chế tạo bom đạn
Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á phi Tôi là em bé mười hai
Bị làm nhục nhảy xuống biển sâu
Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết
nhìn biết cảm
Nỗi vui của tôi thanh thoát như trời Xuân, ấm áp cỏ hoa muôn lối
Niềm đau của tôi đọng thành nước mắt, ngập về bốn đại dương sâu.
Hãy nhớ gọi đúng tên tôi
Cho tôi được nghe một lần tất cả những tiếng tôi khóc tôi cười
Cho tôi thấy được nỗi đau và niềm vui là một Hãy nhớ gọi đúng
tên tôi
Cho tôi giật mình tỉnh thức
Và để cho cánh cửa lòng tôi để ngỏ Cánh cửa Xót Thương.
Trong thiền có một
câu chuyện kể về một người đàn ông đang cưỡi ngựa, ông ta phi rất nhanh. Một
người đàn ông khác đứng bên lề đường hỏi lớn: “Ông đi đâu đó?” Người đàn ông
đang cưỡi ngựa đáp: “Tôi không biết, hãy hỏi con ngựa.” Có thể chúng ta đang cười
ông ấy nhưng đó cũng là trường hợp của chúng ta. Chúng ta đang cưỡi rất nhiều
con ngựa mà chúng ta không kiểm soát được. Sự phát triển vũ khí cũng là một con
ngựa. Chúng ta đã cố gắng hết sức nhưng chúng ta vẫn không điều khiển được những
con ngựa này. Cuộc sống của chúng ta quá bận rộn.
Trong đạo Bụt, giới
quan trọng nhất là sống trong ý thức, ý thức được những gì đang xảy ra. Cái
đang xảy ra đó không phải chỉ ở đây thôi mà còn ở kia nữa. Ví dụ như khi ăn một
miếng bánh mì, chúng ta phải ý thức về những người nông dân đang trồng lúa mì,
đang sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu, nhiều chất độc hóa học. Ăn bánh mì, chúng
ta cũng phải chịu chung phần nào trách nhiệm trong việc hủy diệt hệ sinh thái của
chúng ta. Khi ăn thịt hay uống rượu, chúng ta ý thức rằng ở những nước đang
phát triển có tới 40.000 trẻ em đang chết đói mỗi ngày. Và để có được một miếng
thịt hay một chai rượu, người ta phải dùng rất nhiều ngũ cốc. Vì vậy, ăn một tô
ngũ cốc có thể hóa giải được những khổ đau trên thế giới nhiều hơn là ăn một miếng
thịt. Một chuyên gia kinh tế sống ở Pháp nói với tôi rằng ở các nước Tây phương
nếu người ta giảm ăn thịt và uống rượu 50% thì cũng đủ để thay đổi tình trạng
thế giới. Chỉ cần giảm 50% thôi.
Mỗi ngày, khi làm,
nghĩ hay nói điều gì ta phải nói, nghĩ và làm với sự bình an. Nếu ý thức được
cách sống của mình, ý thức cách ta tiêu thụ, cách ta nhìn nhận vấn đề thì ta biết
cách chế tác an lạc ngay trong giây phút hiện tại, giây phút ta đang sống. Chẳng
hạn như khi cầm lên một tờ báo Sunday (Chủ Nhật), chúng ta ý thức rằng tờ báo
này rất nặng, có thể nặng tới một hai ký. Để in ra một tờ báo như vậy có thể
người ta cần đến cả khu rừng. Khi cầm tờ báo lên chúng ta phải ý thức điều đó.
Nếu ý thức rõ chúng ta có thể làm gì đó để thay đổi tình trạng.
Ở chùa tôi, tôi là
người đầu tiên lái xe gắn máy. Hồi đó không có thi kệ lái xe gắn máy. Chúng ta
phải thực tập thông minh, phải cập nhật và làm mới để cho sự thực tập của chúng
ta phù hợp với thời đại ngày nay. Gần đây tôi có viết một bài thi kệ lái xe để
thực tập trước khi nổ máy. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn.
Trước khi cho máy nổ
Tôi biết tôi đi đâu
Xe với tôi là một
Xe mau tôi cũng mau.
Đôi khi ta không thực
sự cần đi hay cần dùng xe, nhưng vì muốn chạy trốn bản thân nên ta phải nổ máy
xe lên để đi đâu đó. Nếu đọc lên bài thi kệ: “Trước khi cho máy nổ, tôi biết
tôi đi đâu” thì đó có thể là một tín hiệu cho ta thấy rằng ta không cần đi đâu
cả. Đi đâu ta cũng không trốn thoát được chính mình. Ta phải luôn luôn đối điện
với chính mình. Tốt hơn thì ta tắt máy và đi thiền hành. Và điều đó có thể thú
vị hơn.
Người ta nói rằng
trong những năm trước, hơn 300.000 héc ta rừng đã bị tàn phá bởi những cơn mưa
axit, và một phần là do xe cộ gây ra. “Trước khi cho máy nổ, tôi biết tôi đi
đâu” là một sự thực tập rất thâm sâu. “Tôi sẽ đi đâu? Có phải đi đến chỗ hủy diệt
không?” Bởi vì nếu rừng cây bị chết thì loài người cũng sẽ chết. Nếu cây cối và
động vật không sống được làm sao ta sống được?
“Xe với tôi là một.” Chúng ta có cảm tưởng rằng chúng ta là ông chủ, còn chiếc xe chỉ là một dụng cụ, nhưng điều đó không đúng. Có xe hơi chúng ta sẽ trở nên khác. Có cây súng trong tay chúng ta trở nên rất nguy hiểm. Có cây sáo trong tay chúng ta trở nên rất dễ chịu, nhẹ nhàng, vui tươi. Với 50.000 trái bom nguyên tử loài người chúng ta sẽ trở nên nguy hiểm nhất trên Trái đất này. Chúng ta chưa bao giờ nguy hiểm như hiện nay. Chúng ta nên ý thức về điều đó. Giới căn bản nhất là ý thức được những gì chúng ta đang làm và tình trạng mà chúng ta đang sống trong mỗi phút, mỗi giây. Và những giới khác sẽ dựa theo những căn bản đó.
Chúng ta phải nhìn sâu
vào lòng sự vật để thấy rõ vấn đề. Khi một người bơi lội thích thú với dòng
sông thì người đó phải có khả năng thấy được mình là một với dòng sông. Một
ngày nọ, khi đang ăn trưa với mấy người bạn ở trường đại học Boston, tôi nhìn
xuống và thấy được dòng sông Charles. Xa nhà đã lâu nên khi thấy dòng sông là
tôi thích ngay. Sông Charles rất đẹp. Vì vậy tôi đi xuống rửa mặt và ngâm chân
dưới sông ấy như tôi vẫn thường làm lúc ở quê. Khi tôi quay lên, một giáo sư hỏi:
“Nguy hiểm quá, thầy có súc miệng bằng nước sông đó không?” Tôi trả lời: “Có.”
Ông nói: “Vậy thì thầy phải đi bác sĩ ngay.”
Tôi quá đỗi ngạc
nhiên vì không biết là sông ở đây ô nhiễm đến như vậy. Người ta gọi chúng là những
con sông chết. Ở Việt Nam có những con sông rất nhiều bùn, nhưng không dơ như vậy.
Có người cho tôi biết dòng sông Rhine ở Đức cũng có quá nhiều chất hóa học đến
nỗi mà người ta có thể rửa phim sang hình trong đó. Chúng ta phải có khả năng
thấy được mình là những nhà bơi lội giỏi, mà cũng là những dòng sông đang trải
qua những nỗi sợ hãi và hy vọng của chúng. Nếu chúng ta không có khả năng làm
được điều đó thì chúng ta không có cơ hội để được an lạc. Nếu tất cả các con
sông đều chết thì thú vui được bơi lội trong dòng sông sẽ không còn nữa.
Nếu chúng ta là một
người leo núi, một người thích miền quê, thích núi rừng xanh tươi thì chúng ta
biết rằng rừng núi là buồng phổi nằm ngoài thân thể ta. Ấy vậy mà chúng ta đã
làm gì để cho hơn ba trăm ngàn héc ta rừng bị tàn phá bởi những cơn mưa axit.
Chúng ta giam mình trong cái bản ngã nhỏ bé, chỉ nghĩ đến những điều kiện thuận
lợi trước mắt cho riêng mình trong khi lại phá hủy những cái lớn lao hơn. Một
ngày nọ bỗng nhiên tôi nhận ra rằng mặt trời là trái tim của tôi, nằm ngoài
thân thể tôi. Nếu trái tim tôi ngừng đập thì tôi sẽ chết, nhưng nếu mặt trời, một
trái tim khác của tôi ngừng hoạt động thì tôi cũng sẽ chết ngay lập tức. Ta phải
có khả năng thấy rõ thực chất của ta (We should be able to be our true self).
Nghĩa là ta phải có khả năng thấy được ta là dòng sông, là rừng cây để hiểu được
tình trạng của chúng và đem lại hy vọng cho tương lai. Đây là cái nhìn bất nhị.
Trong khóa tu ở trung
tâm Thiền Tập Providence, tôi đã yêu cầu một thiền sinh quán tưởng mình là một
người bơi lội trong dòng sông, sau 15 phút thực tập hơi thở ý thức, người ấy
quán tưởng mình là dòng sông. Người đó phải trở thành dòng sông để có thể bày tỏ
mình trong ngôn ngữ và cảm thọ của dòng sông. Sau đó tôi yêu cầu một người phụ
nữ gốc Xô Viết, quán chiếu mình là một người Mỹ, sau vài hơi thở ý thức, quán
chiếu mình là một công dân Xô Viết với tất cả những nỗi sợ hãi và hy vọng cho
hòa bình. Những bài tập này liên quan đến cái nhìn bất nhị.
Những thanh niên phụng
sự xã hội ở Việt Nam cũng đã thực tập như vậy. Nhiều người đã bị chết trong quá
trình phụng sự. Tôi đã làm một bài thơ cho những anh chị em trẻ của tôi, khuyến
khích động viên họ chết như thế nào để không gây hận thù và bạo động. Đó là bài
Dặn Dò:
Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng em không bao giờ thù hận con người.
Dù con người
Có đổ chụp trên đầu em
Cả ngọn núi hận thù Tàn bạo,
Dù con người Giết em,
Dù con người
Dẫm lên mạng sống em
Như là dẫm lên giun dế,
Dù con người móc mật moi gan em
Đày ải em vào hang sâu tủi nhục,
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn:
Kẻ thù chúng ta không phải con người.
Xứng đáng chỉ có tình xót thương
Vì tôi xin em đừng đòi điều kiện
Bởi không bao giờ
Oán hờn lên tiếng
Đối đáp được
Sự tàn bạo con người
Có thể ngày mai
Trước khuôn mặt bạo tàn
Một mình em đối diện.
Hãy rót cái nhìn dịu hiền
Từ đôi mắt
Hãy can đảm
Dù không ai hay biết
Và nụ cười em
Hãy để nở
Trong cô đơn
Trong đau thương thống thiết
Những người yêu em
Dù lênh đênh
Qua ngàn trùng sinh diệt
Vẫn sẽ nhìn thấy em.
Tôi sẽ đi một mình
Đầu tôi cúi xuống
Tình yêu thương
Bỗng trở nên bất diệt
Đường xa
Và gập ghềnh muôn dặm
Nhưng hai vầng nhật nguyệt
Sẽ vẫn còn
Để soi bước cho tôi.
Thiền tập là ý thức được nỗi khổ đau đang có mặt.
Bài pháp thoại đầu tiên mà Bụt dạy sau khi thành đạo là ‘khổ và con đường đưa đến
sự chuyển hóa khổ đau’. Ở Nam Phi, không những người da màu khổ đau cùng cực mà
người da trắng cũng khổ đau. Nếu đứng về một bên thì chúng ta không hoàn thành
được sứ mạng hòa giải để đem lại hòa bình cho mọi người.
Có ai có khả năng tiếp
xúc được với cả hai cộng đồng người da trắng và người da màu ở Nam Phi không? Nếu
số người này quá ít thì tình trạng sẽ rất tệ hại. Phải có những người có khả
năng tiếp xúc được với cả hai bên, hiểu được những nỗi khổ đau của cả hai bên
và nói cho bên này nghe nỗi khổ đau của bên kia. Có ai chịu hiểu, thiền tập và
hòa giải giữa hai đảng phái chính trị lớn không? Bạn có khả năng vượt thoát ý
niệm mình là người Mỹ không? Bạn lớn hơn một người Mỹ nhiều lắm. Bạn có khả
năng hiểu được sâu sắc nỗi khổ của cả hai bên không? Bạn có khả năng mang thông
điệp hòa giải đến cho mọi người không?
Có thể bạn đã không ý
thức được nước mình đã từng sản xuất nhiều bom đạn (conventional weapons) bán
cho các nước thứ ba trên thế giới để họ giết hại lẫn nhau. Các bạn biết rằng
người lớn và trẻ em ở những nước này cần thức ăn hơn là những vũ khí gây chết
người đó. Tuy nhiên không một ai có đủ thời gian để tổ chức một cuộc đàm phán
quốc gia để nhìn vào vấn đề sản xuất và bán những thứ gây chết người này. Ai
cũng quá bận rộn. Bom đạn đã giết chết rất nhiều người trong những năm 30, 40,
50 của thế kỷ XX. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về những trái bom nguyên tử có thể nổ
trong tương lai mà không để ý đến những trái bom đang nổ trong hiện tại thì
chúng ta cũng phạm một sai lầm. Tôi tin rằng khi Tổng thống Reagan nói : ‘Hoa Kỳ
phải tiếp tục sản xuất bom đạn để bán, bởi vì nếu không sản xuất thì các nước
khác sẽ sản xuất và như vậy Hoa Kỳ sẽ mất đi lợi tức’ thì lời tuyên bố này chỉ
là một cái cớ. Tuy nhiên trong đó có những yếu tố thúc đẩy ông ta và cả quốc
gia tiếp tục sản xuất vũ khí để bán. Chẳng hạn như nhiều người sẽ thất nghiệp nếu
như họ ngưng sản xuất vũ khí. Chúng ta có nghĩ ra cách nào để giúp những người
này có công ăn việc làm nếu nền công nghiệp vũ khí ngưng hoạt động không?
Nhiều người Mỹ đã
không ý thức được những vũ khí này đang giết người ở các nước thứ ba trên thế
giới mỗi ngày. Quốc hội đã không bàn bạc vấn đề này một cách nghiêm túc. Chúng
ta đã không dành nhiều thì giờ để hiểu rõ vấn đề cho thấu đáo, vì vậy mà chúng
ta không thể thay đổi chính sách của nhà nước. Chúng ta không đủ mạnh để gây áp
lực cho chính phủ. Chúng ta đang mang trách nhiệm cao cả của một công dân,
chúng ta phải làm điều gì đó. Chính sách đối ngoại (foreign policy) của một
chính phủ được ban hành rộng lớn bởi dân tộc của nước đó và cách sống của họ.
Chính phủ có thể tự do ban hành đạo luật, nhưng tự do đó phải phù hợp với đời sống
hàng ngày của chúng ta và nếu chúng ta buộc họ thay đổi thì họ phải thay đổi.
Bây giờ ta chưa có khả năng đó. Có thể ta nghĩ rằng khi nào làm việc cho chính
phủ, có quyền hành, ta sẽ làm bất cứ những gì ta muốn. Thế nhưng điều đó không
đúng. Nếu trở thành Tổng thống ta cũng sẽ gặp phải những vấn đề nan giải ấy. Có
thể ta cũng làm y chang như vậy, chỉ khá hơn hay tệ hơn đôi chút mà thôi.
Vì vậy ta phải thấy
rõ sự thật này, phải thấy rõ tình trạng thực chất của chúng. Trong đời sống
hàng ngày, thức ăn và cách ta ăn uống cũng liên hệ đến tình hình của thế giới.
Thiền quán là nhìn sâu vào lòng sự vật để tìm ra phương thức thay đổi và chuyển
hóa tình trạng. Chuyển hóa tình trạng cũng chính là chuyển hóa tâm mình, bởi vì
tình trạng là tâm, tâm là tình trạng. Tỉnh thức rất quan trọng. Bản chất của
bom đạn, bản chất của bất công, bản chất của vũ khí, bản chất của con người đều
giống nhau. Đây là ý nghĩa đích thực của đạo Bụt dấn thân.
Trong suốt 2.500 năm
qua, trong những tu viện Phật giáo đều thực tập Bảy phương pháp diệt trừ tranh
chấp (đưa tới hòa giải). Tuy những phương pháp này được chế tác ra để giải quyết
những tranh chấp giữa những người xuất sĩ, nhưng chúng ta cũng có thể ứng dụng
trong gia đình và xã hội.
Phương pháp thứ nhất
là Đối diện (Face-to- face sitting). Dưới sự bảo hộ của cả đại chúng, mọi người
ngồi lại với nhau trong chánh niệm, thở những hơi thở ý thức và mỉm cười với
thiện chí muốn giúp đỡ mà không phải là muốn đối chọi nhau. Điều này rất căn bản.
Cả hai vị xuất sĩ đang có xung đột với nhau đều có mặt và ý thức rằng mọi người
trong tăng thân đều rất muốn mình hòa giải với nhau để phục hồi lại an lạc.
Ngay cả trước khi chia sẻ thì không khí an lạc đã có mặt ở đó rồi. Không ai được
nghe và nói chuyện riêng, không được loan truyền những tin về người xuất sĩ này
hay người xuất sĩ kia, không phê bình về cách hành xử của người này hay của người
kia. Bởi vì những điều đó sẽ không giúp ích gì cả. Tất cả phải được chia sẻ ra
giữa đại chúng. Hai vị xuất sĩ kia ngồi đối diện với nhau, tập thở và mỉm cười.
Phương pháp thứ hai
là Nhớ (Rememberance). Cả hai vị xuất sĩ đều cố gắng nhớ lại toàn bộ câu chuyện
dẫn đến sự tranh cãi và mọi chi tiết phải liên quan đến vấn đề tranh cãi ấy.
Trong khi đó đại chúng chỉ thực tập lắng nghe bằng tâm từ bi: “Con nhớ ngày hôm
đó trời mưa, con đi vào nhà bếp thì sư anh…” nhớ chừng nào kể lại chừng đó. Điều
này rất quan trọng bởi vì cả hai vị xuất sĩ đang cố gắng để làm mới lại quá khứ.
Nguyên tắc của đời sống tăng thân là ý thức những gì đang xảy ra mỗi ngày. Nếu
không ý thức được những gì đang xảy ra thì một ngày nào đó sự việc sẽ bùng nổ
và sẽ không thể cứu chữa kịp thời. Nếu hai vị xuất sĩ có mặt với sự chứng minh
của đại chúng thì những mâu thuẫn, tranh chấp sẽ được khai mở. Ngồi yên và nhớ
lại những chi tiết từ quá khứ là điều duy nhất phải làm lúc này.
Giả sử hai vợ chồng mới
cưới nhau, sống hạnh phúc không được bao lâu thì trở nên hờ hững, thiếu trách
nhiệm với nhau, không ý thức được những gì đang thực sự xảy ra. Những cảm thọ
và nhận thức của họ đang tạo nên một tình huống nguy kịch. Đôi khi chỉ ngấm ngầm
thôi, nhưng rồi một ngày nào đó mọi thứ sẽ bùng nổ, và lúc đó thì không thể cứu
vãn được nữa, chỉ có nước ly dị, đánh nhau hay thậm chí giết hại nhau. Trong
trường hợp này thì hai bên phải ngồi lại để giải quyết những xung đột trong
lòng để đưa tới sự hòa giải. Thiền tập là ý thức được những gì đang xảy ra
trong tự thân, trong cảm thọ, trong nhận thức, trong thân thể và trong gia
đình. Điều này rất quan trọng cho mọi gia đình. Đối với phương pháp thứ hai là
nhớ lại này, ta cho tăng thân biết càng nhiều chi tiết thì càng dễ dàng giúp đỡ.
Phương pháp thứ ba là
Không cố chấp (Non-stubbornness). Mọi người trong tăng thân đều mong muốn hai vị
xuất sĩ này đừng cố chấp, đừng nắm giữ ý riêng của mình mà phải cố gắng hòa giải
với nhau. Kết quả như thế nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất là mỗi người
phải bày tỏ thiện chí muốn hiểu nhau và muốn hòa giải. Khi đã làm hết sức để hiểu,
để chấp nhận thì chúng ta không cần phải lo lắng gì đến kết quả nữa. Chúng ta
đã làm hết lòng, như vậy là đủ. Người kia sẽ làm hết phần của họ. Năng lượng và
không khí của đại chúng rất quan trọng. Bởi vì ai cũng đang mong đợi hai người,
và hai người biết là mình phải thực tập tốt, nếu không thì không xứng đáng là
anh em một nhà.
Phương pháp thứ tư là
Lấy rơm phủ bùn (Covering Mud with Straw). Ở miền quê, sau khi trời mưa, những
con đường thường hay bị bùn sình và lầy lội. Nếu có rơm phủ lên chỗ bùn lầy đó
thì ta có thể đi lại rất dễ dàng. Tương tự như vậy, đại chúng sẽ thỉnh hai vị
tôn túc được mọi người tôn kính để đại diện cho mỗi bên đang xung đột (mỗi bên
một vị). Hai vị tôn túc này trình bày trước đại chúng, cố gắng nói những điều
làm cho người kia lắng dịu. Trong truyền thống đạo Bụt, những vị tôn túc rất được
tôn kính. Họ không cần phải nói nhiều, nhưng những gì họ nói ảnh hưởng rất lớn
đến đại chúng. Vị tôn túc này nói lên những điều liên quan đến vị xuất sĩ đang
có xung đột. Những điều mà tôn túc nói sẽ làm cho người kia hiểu người này hơn
và làm lắng dịu những cơn giận, những cảm xúc, những bức xúc trong người kia. Vị
tôn túc thứ hai nói lên những điều để bảo hộ cho người thứ hai, và vị tôn túc
cũng sẽ nói như thế nào đó để người thứ nhất thấy dễ chịu hơn, thấy mình hiểu
người thứ hai hơn. Làm như vậy sẽ giúp họ xua tan đi những cảm giác nặng nề,
khó chịu trong lòng và tiếp nhận được quyết định mà đại chúng đưa ra. “Lấy rơm
phủ bùn,” bùn đây là tranh chấp, hiềm hận, và rơm đây là lòng từ bi, là pháp
nhũ.
Phương pháp thứ năm là Tự
sám hối (Voluntary Confestion). Mỗi người
tự chia sẻ những yếu kém của mình mà không phải đợi người kia nói ra. Nếu tự
nói ra được những lỗi lầm của mình thì sẽ hay hơn. Trước tiên mình chỉ có khả
năng nói ra được những yếu kém nho nhỏ. Có thể chúng ta phạm những lỗi lầm vụng
về lớn, nhưng ta chỉ nói lên một vài lỗi nhỏ. Khi sám hối chúng ta có thể nói:
“Vào ngày đó con không có chánh niệm lắm. Con đã nói những điều như vậy, như vậy…
thật là kinh khủng. Con xin sám hối.” Cho dù đó chỉ là một lời sám hối nhỏ
nhưng sẽ làm cho người kia cảm thấy dễ chịu hơn. Và khuyến khích người kia cũng
sám hối tương tự.
Không khí của đại
chúng có khả năng khích lệ và động viên hai bên. Mọi người đều yểm trợ và mong
muốn có sự hòa giải và xuống thang này. Phật tính trong mỗi người cócơ hội đi
lên, những căng thẳng nặng nề của hai bên do cơn giận, oán hờn gây ra sẽ nhẹ
đi. Trong bầu không khí này, hiểu biết, cảm thông và chấp nhận sẽ được phát
sinh. Sau đó các vị tôn túc cũng nhắc nhở hai người đang có hiềm khích nhau:
“Quý vị là một phần của tăng thân. Sự an lạc của tăng thân là quan trọng nhất.
Đừng chỉ nghĩ về khó khăn và khổ đau của riêng mình mà phải nghĩ đến sự an lạc
của tăng thân…” Như vậy, mỗi người sẽ sẵn sàng buông bỏ những khiếm khuyết của
người kia và những giận hờn trong lòng để tiếp nhận kết quả cũng như quyết định
của tăng thân.
Phương pháp thứ sáu
và thứ bảy là Cùng nhau quyết định và Chấp nhận kết quả (Decision by Consensus
and Accepting the Verdict). Tất cả đều đồng ý trước là cả hai người đều chấp nhận
bất kỳ kết quả nào mà tăng thân đưa ra, nếu không thì họ phải rời tăng thân. Vì
vậy sau khi tìm hiểu tất cả những chi tiết của cuộc tranh chấp xung đột, và đi
đến việc hòa giải tối đa, tăng thân sẽ tuyên bố kết quả. Kết quả được tuyên bố
ba lần như sau: “Sau khi tìm hiểu, quán chiếu, bàn bạc và cố gắng hết lòng, đại
chúng đề nghị thầy này sẽ làm như vậy, như vậy… Và thầy kia sẽ làm như vậy, như
vậy… Điều này nên được sửa đổi theo cách này, điều kia nên được sửa đổi theo
cách kia. Đại chúng các vị tỳ kheo có chấp thuận kết quả này không?” Nếu đại
chúng giữ im lặng, nghĩa là đồng ý chấp thuận. Câu hỏi được lặp lại: “Đại chúng
có chấp thuận kết quả này hay không?” Đại chúng im lặng. Câu hỏi được lặp lại lần
thứ ba: “Đại chúng có chấp thuận kết quả này hay không?” Sau ba lần im lặng, vị
này tuyên bố: “Đại chúng các vị tỳ kheo đã chấp thuận quyết định, vì vậy, xin
đương sự thực hiện quyết định này.” Và kết thúc buổi hòa giải. Chúng ta có thể
ngồi lại nhiều buổi để giải quyết cho một trường hợp. Cho dù một trong hai vị
này có chống lại quyết định thì điều đó cũng không có trọng lượng, vì tất cả đã
đồng ý tuân thủ theo bất kỳ quyết định nào của đại chúng.
Bảy phương pháp này được
các vị tu sĩ thực tập trong các truyền thống Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt
Nam, Nhật Bản, Đại Hàn và nhiều nước khác đã hơn 2.500 năm nay. Chúng ta có thể
học hỏi từ đó để ứng dụng cho gia đình và xã hội.
Trong các phong trào
hòa bình có rất nhiều giận hờn, tuyệt vọng và hiểu lầm. Người ta có thể viết những
lá thư chống đối rất hay nhưng chưa có khả năng viết được những lá thư thương
yêu. Chúng ta nên học cách viết thư cho quốc hội, cho thủ tướng Hoa Kỳ như thế
nào để họ có cảm hứng đọc mà không phải là quăng vào sọt rác. Khi nói, chúng ta
cũng sử dụng ngôn ngữ và sự hiểu biết của ta như thế nào để làm người nghe
không bị mất hứng. Tổng thống cũng là một con người như chúng ta.
Phong trào hòa bình
có khả năng sử dụng ngôn ngữ hòa ái để diễn bày con đường hòa bình hay không,
điều đó còn phụ thuộc vào những người làm công tác hòa bình có bình an hay
không. Bởi vì không có bình an thì chúng ta không thể làm được gì cho hòa bình.
Nếu chúng ta không cười được thì chúng ta không thể giúp người khác cười được.
Nếu chúng ta không có bình an thì chúng ta cũng không thể giúp cho người khác
bình an, không thể đóng góp cho phong trào hòa bình.
Tôi hy vọng chúng ta
có thể mang một đường hướng mới đến cho hòa bình. Nếu phong trào hòa bình chứa
đầy hận thù và giận dữ thì ta không thể hoàn thành sứ mạng như ta mong đợi. Vì
vậy chúng ta cần phải làm tươi mới lại sự bình an của chúng ta, cũng như làm
tươi mới lại cách thức mà chúng ta muốn đóng góp cho con đường hòa bình. Điều
quan trọng là chúng ta phải thiền tập để có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách
sáng suốt và hiểu rõ chúng. Chúng ta có thể đóng góp cho phong trào hòa bình bằng
cách nhìn nhận vấn đề của chúng ta, làm thế nào để có thể xóa bỏ hận thù và
xung đột. Vì thế công tác hòa bình trước hết là làm sao cho tự thân có được an
lạc. Thiền tập là cho tất cả chúng ta. Chúng ta nương vào nhau mà sống, mà tồn
tại. Chúng ta nương vào con cái để được tiếp nối và con cái chúng ta nương vào
chúng ta để có tương lai.
Xem Chương 6 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá