Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Giận
Chương 3. Dập Tắt Lửa Giận
Cứu Căn Nhà Cháy
Khi ai làm cho ta giận
thì ta khổ. Ta muốn nói một câu hay làm một việc gì đó để cho người kia khổ,
nghĩ rằng làm như thế thì ta sẽ bớt khổ. Ta tự bảo: "Tôi muốn trừng phạt
anh. Tôi muốn làm cho anh đau khổ vì anh đã làm cho tôi đau khổ. Thấy anh đau
khổ tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.”
Rất nhiều người có xu
hướng hành động một cách trẻ con như vậy. Sự thật là khi ta làm cho người kia
đau khổ thì người ấy sẽ trả đũa bằng cách làm cho ta đau khổ thêm. Kết quả là
leo thang đau khổ cho cả hai bên. Đáng lẽ ra thì cả hai bên đều cần tình
thương, cần giúp đỡ. Không ai đáng bị trừng phạt cả.
Khi ta giận, khi một
ai đó làm cho ta giận thì ta phải trở về với thân tâm và chăm sóc cơn giận của mình.
Không nên nói gì hết. Không nên làm gì hết. Khi đang giận mà nói năng hay hành
động thì chỉ gây thêm đổ vỡ mà thôi. Phần lớn chúng ta không làm được điều đó.
Chúng ta không muốn trở về với tự thân. Chúng ta chỉ muốn theo đuổi người kia để
trừng phạt.
Nếu một cái nhà đang
cháy thì việc trước nhất phải làm là chữa cháy căn nhà chứ không phải chạy theo
đuổi bắt người đốt nhà. Nếu chỉ lo chạy theo người mà ta nghi là đã đốt nhà thì
căn nhà sẽ cháy rụi trong khi ta chạy theo đuổi bắt người kia. Như thế là không
khôn ngoan. Phải trở về dập tắt lửa trước đã. Vậy thì khi giận, nếu tiếp tục đối
đầu, tranh cãi với người làm cho ta giận, nếu chỉ muốn trừng phạt người ấy thì
ta đã hành động y như người chạy theo người đốt nhà trong khi căn nhà của ta
đang bốc lửa.
Dụng Cụ Chữa Lửa
Bụt cho chúng ta nhiều
dụng cụ rất hữu hiệu để dập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt tâm ta. Đó là hơi thở
chánh niệm. Đó là bước đi chánh niệm. Đó là thực tập ôm ấp sân hận, quán chiếu
tri giác. Đó là phương pháp nhìn sâu vào người đã làm ta giận để nhận ra rằng
người kia cũng đang đau khổ và cần được giúp đỡ. Những phương pháp trên đây rất
thực tế và do chính đích thân Bụt dạy.
Hơi thở có ý thức là
khi thở vào thì biết mình thở vào, biết là không khí đang đi vào cơ thể, khi thở
ra thì biết là thở ra, biết là không khí đang đi ra khỏi cơ thể. Thở như thế
thì tiếp xúc được với cả không khí và cơ thể đồng thời cũng tiếp xúc được cả với
tâm bởi vì tâm đang tập trung chú ý vào hơi thở. Chỉ cần một hơi thở có ý thức
là có thể trở vềtiếp xúc với thân, tâm và những gì đang xẩy ra chung quanh. Chỉ
cần ba hơi thở có ý thức là có thể duy trì được sự tiếp xúc đó.
Khi ta không đứng,
không ngồi, không nằm thì ta đi. Nhưng mà ta đi đâu? Ta đã tới! Mỗi bước chân
có thể đem ta về với giây phút hiện tại. Mỗi bước chân có thể đưa ta tiếp xúc với
Tịnh Độ, tiếp xúc với Nước Chúa. Khi đi từ góc phòng này đến góc phòng kia, từ
căn nhà này đến căn nhà kia, ta phải ý thức từng bước đi, ý thức bàn chân đang
tiếp xúc với mặt đất, theo dõi hơi thở, theo dõi không khí vào ra cơ thể theo mỗi
bước chân. Như thế chúng ta có thể đếm biết ra rằng ta đã bước thoải mái được
bao nhiêu bước trong một hơi thở vào hay một hơi thở ra. Khi thở vào ta nói thầm
"vào", khi thở ra ta nói thầm "ra". Như thế ta thực tập suốt
ngày. Đây là một thực tập luôn luôn có sẵn và nhờ đó mà có thể thay đổi cả cuộc
sống.
Có nhiều người chỉ ưa
đọc sách nói về các truyền thống tâm linh, chỉ ưa lễ nghi hình thức mà ít khi
thực tập các giáo lý đã dạy. Giáo lý của bất cứ truyền thống tâm linh nào cũng
có thể chuyển hóa với điều kiện là phải đem ra mà thực tập. Thực tập như trên
thì ta có thể 'biến hầm lửa thành hồ sen.' Và như thế không những có thể chấm dứt
đau khổ trong ta mà còn là một nguồn vui tươi hạnh phúc cho những người chung
quanh.
Gương Mặt Khi Đang Giận
Khi giận nếu soi
gương thì sẽ thấy khuôn mặt mình chẳng đẹp đẽ, chẳng coi được chút nào. Các bắp
thịt trên mặt co rúm lại. Hãy nhìn một người đang giận. Gương mặt người đó căng
thẳng trông mà phát sợ. Như một quả bom sắp nổ tung! Thế cho nên nhìn kỹ khuôn
mặt mình khi đang giận có thể giúp ích rất nhiều. Đó là một tiếng chuông chánh
niệm. Khi thấy gương mặt mình như vậy thì tự nhiên khởi ý muốn 'làm ăn cho khá
hơn.' Khi giận quý vị dư biết phải làm gì để cho khuôn mặt tươi đẹp hơn. Chả cần
đến mỹ phẩm. Chỉ cần thở hơi thở tĩnh lặng, bình an. Chỉ cần cười nụ cười chánh
niệm. Nếu thở được như thế một hay hai lần là bạn sẽ thấy mình dễ coi ra rất
nhiều. Nhìn vào gương, 'thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười,' là tự nhiên
cảm thấy nhẹ nhõm.
Cơn giận là một hiện
tượng tâm lý, tuy nhiên cơn giận cũng liên hệ với các yếu tố sinh hóa của cơ thể.
Cơn giận làm cho các bắp thịt căng thẳng, nhưng khi biết mỉm cười bạn sẽ thư
giãn và cơn giận sẽ giảm bớt ngay. Nụ cười giúp cho năng lượng chánh niệm phát
sinh và từ đó giúp ta ôm ấp cơn giận.
Đời xưa, các quan
trong triều luôn luôn cầm trên tay cái 'hốt' có gắn một tấm kiến soi nhỏ. Khi bệ
kiến nhà vua thì phải luôn soi gương để sửa sang mũ áo, triều phục cho tề chỉnh.
Có lẽ chúng ta cũng nên có sẵn một cái gương soi như vậy trong người. Thỉnh thoảng
đem gương ra soi để xem sắc diện mình ra sao, vui, buồn, hay giận dữ? Nếu cần thì
chỉ vài hơi thở và mỉm cười là bao nhiêu căng thẳng sẽ tiêu tan, ta sẽ cảm thấy
nhẹ nhõm.
Ôm ấp Cơn Giận Bằng Tia Nắng Chánh Niệm
Cơn giận giống như một
em bé đang la khóc và cần được mẹ ôm ấp. Bạn chính là mẹ cơn giận của bạn. Khi
bắt đầu thở hơi thở chánh niệm là bạn đã có năng lượng của một bà mẹ để nâng
niu, ôm ấp em bé sân hận của bạn. Chỉ cần ôm lấy cơn giận, chỉ cần thở vào, thở
ra. Chỉ cần có thế thôi. Em bé sân hận sẽ lắng dịu ngay tức khắc.
Tất cả các giống thảo
mộc đều được tia nắng mặt trời nuôi dưỡng. Khi tia nắng mặt trời chiếu xuống,
ôm ấp thì cây cỏ sẽ sinh trưởng. Buổi sáng những đóa hoa thường vẫn còn khép
kín. Khi mặt trời mọc, tia nắng mặt trời sẽ chiếu vào bông hoa. Các quang tử
(photon) mang năng lượng của mặt trời từ từ thấm vào hoa. Cho đến một lúc thì,
dầu muốn, dầu không, hoa sẽ nở ra dưới ánh mai rực rỡ. Cũng vậy, tất cả những
hiện tượng trong tâm cũng như trong than đều chịu ảnh hưởng của năng lượng
chánh niệm. Nếu chánh niệm có đó và ôm ấp lấy thân thì thân sẽ chuyển hóa. Nếu
chánh niệm có đó và ôm ấp lấy cơn giận thì cơn giận cũng sẽ chuyển hóa. Theo lời
Bụt dạy, và theo kinh nghiệm của chính chúng ta, thì tất cả những gì trong cơ
thể nếu được năng lượng của chánh niệm ôm ấp thì sẽ được chuyển hóa.
Cơn giận cũng như
bông hoa kia. Ban đầu ta không hiểu được bản chất của cơn giận, ta không biết
vì sao mà cơn giận phát khởi. Nhưng nếu biết ôm ấp bằng năng lượng của chánh niệm
thì cơn giận sẽ từ từ khai mở. Ta có thể ngồi yên và theo dõi hơi thở hay đi
thiền hành ngoài trời để chế tác năng lượng chánh niệm và ôm ấp cơn giận. Sau mười
hay hai mươi phút thì cơn giận sẽ khai mở và đột nhiên ta thấy được bản chất của
cơn giận. Có thể cơn giận đó chỉ là một tri giác sai lầm hay một hành động vụng
về.
Nấu Chín Cơn Giận
Cần phải duy trì năng
lượng chánh niệm trong một thời gian để cho cơn giận, như một bông hoa dưới ánh
nắng, có thể khai mở. Cũng giống như khi nấu một nồi khoai. Không thể hấp tấp
đun lửa thật mạnh trong năm ba phút mà khoai chín ngay được. Phải nấu khoai ít nhất
là mười lăm, hai mươi phút hay nửa giờ mới có được nồi khoai chín, thơm.
Cơn giận cũng thế. Cơn giận cũng cần nấu cho chín. Ban đầu thì cơn giận 'còn sống'. Khoai còn sống thì ăn không được. Cơn giận 'còn sống' thì không có gì vui. Nhưng nếu biết chăm sóc, ôm ấp cơn giận, nghĩa là biết nấu cho chín, thì năng lượng tiêu cực của cơn giận sẽ được thay thế bằng năng lượng tích cực của hiểu biết và thương yêu.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Điều này bạn có thể
làm được. Không phải chỉ có các Bậc Đại Nhân mới làm được. Chính bạn, bạn có thể
làm được. Bạn có thể chuyển đổi đống rác của tâm sân hận thành bông hoa của tâm
từ bi. Nhiều người đã có thể làm được như thế trong vòng mười lăm phút. Bí quyết
là phải tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, tiếp tục thực tập bước chân chánh
niệm, chế tác năng lượng chánh niệm để ôm ấp cơn giận.
Hãy ôm ấp cơn giận với
tất cả nâng niu, dịu hiền. Cơn giận không phải là kẻ thù, cơn giận là em bé do
chính ta thai nghén và cho ra đời. Cơn giận cũng giống như bao tử hay buồng phổi.
Mỗi khi bao tử hay buồng phổi bị bệnh ta không bao giờ nghĩ tới chuyện cắt bỏ
nó đi. Cơn giận cũng vậy. Ta chấp nhận cơn giận trong ta, biết rằng ta có thể chăm
sóc, chuyển hóa nó thành một năng lượng tích cực.
Biến Rác Thành Hoa
Người làm vườn sử dụng
phân xanh (compost) sẽ không bao giờ vất bỏ rác. Người ấy biết rằng rác là cần
thiết để biến đổi thành phân xanh, nhờ đó mà có được rau cải, hoa trái. Trên đường
thực tập, bạn cũng là một người làm vườn đang sử dụng phương pháp hữu cơ.
Cơn giận và tình yêu
cũng có tính chất hữu cơ nghĩa là cả hai đều có thể thay đổi. Bạn hẳn đã biết
tình yêu có thể biến thành thù hận. Tình yêu lúc ban đầu thì rất cao đẹp, rất nồng
ấm. Tưởng chừng như nếu xa người mình yêu thì không thể nào sống nổi. Nhưng nếu
không thực tập chánh niệm thì chỉ cần một năm, hai năm là tình yêu lý tưởng ấy
có thể biến thành thù hận. Sống với nhau không chịu nổi được nhau và chỉ còn một
con đường là ly dị. Tình yêu đã biến thành thù hận, bông hoa đã biến thành rác.
Nhưng với năng lượng chánh niệm ta có thể nhìn rác và nói: "Ta không sợ.
Ta có khả năng chuyển rác lại thành hoa, chuyển thù hận lại thành yêu thương.” Nếu
bạn khám ra một vài cọng rác trong tâm như sợ hãi, tuyệt vọng, thù hận chẳng hạn
thì đừng có hoảng sợ. Như một nhà làm vườn giỏi, như một hành giả tu tập vững bạn
có thể đối diện với rác trong bạn.
"Tôi ý thức là
đang có rác trong tôi. Tôi sẽ chuyển đổi rác ấy thành phân xanh để vun bón cho
thương yêu được phục hồi.”
Những ai tin tưởng
vào pháp môn tu tập sẽ không bao giờ chạy trốn khi gặp khó khăn trong liên hệ của
cuộc sống. Khi đã nắm vững phép tu theo dõi hơi thở, bước chân chánh niệm, đi,
đứng, nằm, ngồi, ăn uống trong chánh niệm ta có thể chế tác năng lượng chánh niệm
để ôm ấp sân hận, tuyệt vọng trong ta. Chỉ cần ôm ấp thôi cũng đã đủ thoa dịu.
Sau đó, trong khi vẫn tiếp tục ôm ấp ta sẽ quán chiếu sâu sắc vào bản chất của
tâm sân hận trong ta.
Vậy thì phép thực tập
gồm có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là ôm ấp và nhận diện. "Sân hận của
ta ơi! Ta biết ngươi có đó. Ta sẽ chăm sóc ngươi cẩn thận." Giai đoạn thứ
hai là quán chiếu bản chất của cơn giận để tìm hiểu vì sao mà nó phát khởi.
Chăm Sóc Em Bé Sân Hận
Chúng ta phải như là
một bà mẹ luôn luôn lắng nghe tiếng con khóc. Một bà mẹ ở trong bếp nghe tiếng
con khóc liền buông bỏ tất cả để chạy vào phòng con. Dầu đang nấu một nồi canh
ngon bà cũng bỏ đó mà đến với em bé. Sự hiện diện của bà mẹ đầy ấm áp, lo lắng,
dịu hiền giống như những tia ấm mặt trời. Việc trước nhất là bà ẵm em bé lên và
ôm em vào lòng. Khi bồng con, ôm ấp con, năng lượng yêu thương của mẹ thấm vào
cơ thể con và thoa dịu con. Đây chính là điều mà chúng ta phải thực tập khi cơn
giận bắt đầu xuất hiện trong ta. Phải buông bỏ tất cả những gì đang làm bởi vì
điều quan trọng nhất lúc này là trở về với thân tâm mà chăm sóc em bé sân hận.
Không có gì cấp thiết
hơn là việc chăm sóc em bé sân hận trong ta. Hãy nhớ lại hồi thơ ấu, khi chúng
ta bị sốt. Mặc dầu đã được cho uống bao nhiêu thuốc nhưng không có gì làm cho
ta cảm thấy khỏe khoắn hơn cho đến khi mẹ vào đặt tay lên trán. Dễ chịu làm
sao! Bàn tay mẹ như bàn tay thiên thần. Bàn tay chuyền mát dịu và thương yêu vào
cơ thể. Bàn tay của mẹ chính là bàn tay của bạn hôm nay. Nếu có chánh niệm, nếu
thực tập hơi thở có ý thức bạn sẽ nhận ra rằng bàn tay của mẹ vẫn đang còn sống
động trong bàn tay mình. Rồi nếu bạn đặt tay mình lên trán thì đó chính là bàn
tay của mẹ với bao thương yêu dịu hiền. Khả năng thương yêu, dịu hiền của mẹ vẫn
còn đó trong bạn ngày hôm nay.
Mẹ ẵm em bé trong tay
với tất cả chánh niệm, chú tâm. Em bé sẽ cảm thấy an ổn vì được mẹ ấp ủ, như một
bông hoa dưới ánh mặt trời. Nhưng mẹ không phải chỉ ẵm em bé mà thôi mà còn để
ý tìm xem có gì xẩy ra cho em bé, và mẹ đã tìm ra rất nhanh, nhờ tình thương,
nhờ tài ba của mẹ. Mẹ quả thật là một chuyên gia giỏi chăm sóc em bé. Là một
hành giả thiền tập chúng ta cũng phải là những chuyên gia giỏi chăm sóc cơn giận.
Chúng ta phải chăm sóc sân hận, phải thực tập cho đến khi chúng ta hiểu rõ nguồn
gốc và vận hành của tâm sân hận trong ta.
Ôm ấp Em Bé
Khi bồng em bé trong
tay bà mẹ khám phá ra một cách dễ dàng lý do vì sao mà em bé khóc (nóng sốt,
đói sữa hay ướt tã) và biết ngay là cần phải làm gì để cho em bé êm trở lại.
Chúng ta cũng vậy. Để
đối trị với cơn giận ta phải ôm ấp cơn giận như bà mẹ ôm ấp em bé. Ta theo dõi
hơi thở, đi thiền hành để ru dịu cơn giận. Năng lượng chánh niệm sẽ thấm vào
cơn giận cũng như năng lượng của bà mẹ thấm vào em bé. Và cũng như bà mẹ ta biết
ngay là cần phải làm gì để cho cơn giận êm dịu. Chẳng có gì khác. Nếu biết thực
tập hơi thở, nụ cười chánh niệm và bước chân chánh niệm thì chắc chắn là ta sẽ
phục hồi bình an trong vòng năm, mười, mười lăm phút.
Tìm Hiểu Bản Chất Của Cơn Giận
Khi ai làm cho ta giận
ta thường cho rằng chính người đó đã làm cho ta khổ. Ta đỗ lỗi hoàn toàn cho
người đó. Tuy nhiên, nếu xét cho thật kỹ, ta sẽ khám phá ra rằng cơn giận đã có
sẵn trong ta dưới hình thức một hạt giống, hạt giống giận. Hạt giống giận trong
ta mới là nguyên nhân chính làm ta giận và khổ. Có rất nhiều người cũng gặp
hoàn cảnh giống ta mà lại không nổi giận như ta. Cũng cùng một lời nói, cũng
cùng một cử chỉ mà người kia thì giữ được bình tĩnh trong khi ta lại giận dữ. Tại
sao ta có thể nổi giận dễ dàng như vậy? Có thể là vì hạt giống giận trong ta
quá mạnh. Và vì ta không có cơ hội tu tập chăm sóc cơn giận cho nên hạt giống
giận đã được tưới tẩm quá nhiều trong quá khứ.
Tất cả chúng ta đều
có sẵn hạt giống giận trong chiều sâu của tâm thức. Nhưng trong vài người hạt
giống giận đã trở thành mạnh hơn những hạt giống của hiểu biết, thương yêu. Lý
do là vì trong quá khứ những người ấy đã không tu tập. Khi bắt đầu tu tập và chế
tác năng lượng chánh niệm thì tuệ giác đầu tiên mà ta có được là ta khám phá ra
rằng nguyên nhân chính của khổ đau của ta không phải là tự người kia mà do ở hạt
giống giận trong tâm ta. Thấy được như thế ta sẽ không còn trách móc người làm
ta giận, làm ta khổ. Người kia chỉ là nguyên nhân thứ yếu của niềm đau nỗi khổ
của ta. Tuệ giác này giúp ta bớt khổ rất nhiều. Nhưng người kia thì vì không biết
tu tập nên vẫn còn ở trong địa ngục. Nhờ có chăm sóc cơn giận, ta ý thức rằng
người kia còn đang đau khổ, và ta bắt đầu để tâm đến người ấy.
Nên Giúp, Không Nên Phạt
Một người không biết
xử lý đau khổ của mình thường vung vãi đau khổ ra chung quanh. Mình khổ và làm
người khác khổ. Thường thường là như vậy. Vì vậy cho nên phải học cách xử lý
đau khổ để đừng có vung vãi đau khổ ra chung quanh.
Nếu là cha hay là mẹ
thì bạn phải biết rằng hạnh phúc trong gia đình bạn là một điều rất quan trọng.
Vì tình thương đối với những người thân mà bạn không muốn làm cho họ khổ lây
khi bạn khổ. Bạn thực tập chăm sóc khổ đau là vì khổ đau của bạn không phải là
một vấn đề của riêng bạn. Khổ đau không phải là một vấn đề cá nhân. Hạnh phúc cũng
không phải là một vấn đề cá nhân. Khi một người giận mà không biết cách chăm
sóc cơn giận cho nên đau khổ, cô đơn rồi làm cho những người chung quanh cùng
khổ.
Thoạt đầu chúng ta
nghĩ rằng người đó đáng bị ta trừng phạt. Ta muốn trừng phạt vì người ấy làm
cho ta khổ. Nhưng chỉ sau mươi, mười lăm phút thiền hành và quán chiếu ta khám
phá ra rằng người ấy cần được giúp đỡ hơn là trừng phạt. Đây là một tuệ giác tốt
đẹp. Người kia có thể là người rất thân của ta, là vợ hay chồng, hay là con cái
của ta. Nếu chính ta không giúp những người ta thương thì ai giúp họ bây giờ?
Vì biết ôm ấp cơn giận
mà bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhưng bạn nhận ra rằng người kia đang khổ. Nhờ
thấy như vậy mà bạn có ý muốn đến với người ấy. Không ai giúp đỡ cho người ấy
được ngoại trừ bạn. Và bây giờ trong lòng bạn tràn đầy ý muốn giúp đỡ. Đây là một
ý tưởng hoàn toàn khác hẳn - ý muốn trừng phạt không còn nữa. Sân hận của bạn
đã biến thành tình thương.
Thực tập Chánh Niệm
đưa đến Định và Tuệ. Tuệ giác là hoa trái của sự tu tập. Nhờ đó mà bạn có khả
năng thương yêu và tha thứ. Chỉ trong mười lăm phút hay nửa giờ sự thực tập có
thể giải phóng bạn ra khỏi tâm sân hận và biến bạn thành một người dễ thương.
Đây là sức mạnh của giáo pháp. Đây là mầu nhiệm của tu tập.
Cắt Đứt Vòng Luân Hồi Sân Hận
Có một thiếu niên mười
hai tuổi thường đến Làng Mai vào các mùa hè để tu tập với một số bạn trẻ. Ở nhà
cứ mỗi khi em lầm lỗi gì hay cả khi em vấp té trầy da, chảy máu thì Ba của em
thay vì giúp em lại la mắng nặng lời. "Cái thằng ngu này, tại sao mày làm
vậy?" Em rất buồn và bất mãn với ba và nghĩ rằng ba em không thương em. Em
tự nhủ rằng khi em lớn lên, lập gia đình, có con em sẽ không đối xử với con của
em như thế. Nếu con em té ngã, bị trầy da, chảy máu em sẽ không bao giờ la con
nặng lời mà sẽ ôm ấp và săn sóc nó.
Thế rồi, năm sau người
thiếu niên ấy trở lại Làng Mai, lần này có em gái cùng đi theo. Một hôm em gái
của em nằm chơi trên võng rồi bị té xuống đất. Bỗng nhiên em cảm thấy rất giận
và cũng muốn hét lên "Cái con ngu này, Tại sao mày làm vậy?" giống hệt
như ba em ở nhà. Nhưng nhờ có tu tập tại Làng Mai hai mùa hè nên em đã dừng lại
được. Thay vì la mắng, em đã thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm
và chỉ trong mấy phút em đã giác ngộ một điều. Em thấy rõ phản ứng giận dữ của
mình chính là năng lượng của tập khí do ba em truyền lại. Em đã muốn hành xử với
em gái giống hệt như ba. Em chính là tiếp nối của ba em. Em chẳng bao giờ muốn
đối xử với em gái như thế nhưng vì năng lượng của tập khí quá mạnh mà suýt nữa em
đã hành động như ba em.
Đối với một thiếu
niên mười hai tuổi đây là một giác ngộ khá lớn. Rồi em tiếp tục thiền hành và bỗng
nhiên nẩy sinh quyết tâm tu tập để chuyển hóa năng lượng tập khí giận dữ trong
người; hy vọng rằng em sẽ không trao truyền năng lượng tập khí ấy cho con em
sau này. Em biết rằng chỉ có tu tập chánh niệm mới giúp cắt đứt vòng luân hồi của
khổ đau do tập khí sân hận gây nên.
Cậu bé ấy cũng đã ý
thức rằng ba của em cũng là nạn nhận của sự trao truyền tập khí sân hận. Ba của
em chắc không muốn đối xử với em như vậy. Ông ta đã hành động như vậy chỉ vì tập
khí trong ông quá mạnh. Khi cậu bé ý thức rằng ba của em là nạn nhân của sự
trao truyền thì em không còn giận ba nữa. Liền sau đó em có ý muốn trở về nhà
ngay để mời ba em cùng tu tập. Đây quả là quyết định khá lớn của một thiếu niên
trẻ mười hai tuổi.
Người Làm Vườn Giỏi
Khi đã cảm thông niềm
đau nỗi khổ của người khác thì bạn không còn có ý muốn trừng phạt nữa mà chỉ muốn
giúp đỡ. Làm được như vậy thì bạn biết bạn thực tập đã thành công. Bạn là một
người làm vườn giỏi.
Trong mỗi chúng ta là
một khu vườn mà chúng ta phải trở về và chăm sóc. Có lẽ đã từ lâu lắm ta đã bỏ
phế khu vườn của ta. Chắc rằng ta đã biết rõ tình trạng khu vườn của ta và biết
rõ phải làm gì để phục hồi phong quang của nó. Một khu vườn được chăm sóc kỹ lưỡng
sẽ là nguồn vui cho rất nhiều người khác.
Chăm Sóc Tự Thân, Chăm Sóc Người Khác
Khi còn nhỏ chúng ta
được cha mẹ dạy tập thở, tập đi, tập ăn, tập nói. Đến khi tiếp nhận nếp sống
tâm linh, ta như được sinh ra một lần thứ hai và phải bắt đầu tập lại. Ta lại
phải tập thở, thở trong chánh niệm, tập đi, đi trong chánh niệm, tập ăn, ăn
trong chánh niệm. Ta lại tập nghe, nghe trong chánh niệm, nghe với tâm từ bi.
Ta lại tập nói, nói trong chánh niệm, nói với ngôn ngữ của yêu thương vì ta muốn
giữ đúng lời phát nguyện ban đầu. "Em ơi, anh đang khổ, anh đang giận và
anh muốn em biết cho anh điều đó." Nói như vậy là giữ đúng lời phát nguyện.
"Em ơi, anh sẽ cố gắng hết lòng. Anh sẽ chăm sóc tâm giận của anh, chăm
sóc cho anh và cả cho em. Anh sẽ thực tập những gì mà anh học được của Thầy, của
tăng thân." Câu nói này sẽ làm cho người kia tâm phục và tin tưởng. Và câu
nói sau cùng "Em ơi, anh cần em giúp anh." Đây là một lời tuyên bố
mãnh liệt, bởi vì khi giận thì thường thường ta nói "Tôi không cần
ai!"
Nếu nói được ba câu ấy
một cách thành thực, nếu ba câu nói phát xuất từ đáy lòng thì sẽ có một sự chuyển
hóa nơi người kia. Chắc chắn là như vậy. Và nhờ cách hành xử đó mà ta sẽ khuyến
khích được người kia cùng tu tập. Người kia sẽ tự nhủ: "Anh ấy còn chung
thủy với mình, anh ấy giữ lời phát nguyện. Anh ấy đang cố gắng thì mình cũng phải
cố gắng mới được.”
Vậy thì chăm sóc tự
thân tức là chăm sóc người thương. Có khả năng thương mình mới có khả năng
thương người khác. Nếu bạn không chăm sóc bản thân, không hạnh phúc, không an lạc
thì làm sao bạn có thể làm cho người khác hạnh phúc, an lạc? Làm sao bạn có thể
giúp đỡ người kia và có thể thương yêu? Khả năng thương yêu người khác hoàn
toàn tùy thuộc vào khả năng thương yêu, chăm sóc chính bản thân bạn.
Chữa Trị Em Bé Bị Thương Tích Trong Ta
Rất nhiều người trong
chúng ta đang có một em bé bị thương tích ở trong mình. Thương tích đó có thể
là do cha hay mẹ truyền lại. Cha hay mẹ cũng có thể đã bị thương tích khi còn
nhỏ. Vì cha mẹ ta không biết cách chữa trị em bé bị thương tích của thời ấu thơ
cho nên đã truyền lại thương tích ấy cho ta. Nếu ta không biết cách chữa trị
cho em bé bị thương tích trong ta thì ta sẽ trao truyền những thương tích ấy
cho con, cho cháu. Vì vậy mà ta phải trở về với em bé bị thương tích trong ta
mà tìm cách chữa trị.
Em bé bị thương tích
trong ta rất cần được ta lưu tâm. Từ sâu thẳm của tâm thức ta, em bé mời gọi ta
chú ý. Nếu có chánh niệm ta sẽ nghe được tiếng kêu cứu của em và ta sẽ trở về
ôm ấp em bé thương tích trong ta "Thở vào, tôi sẽ trở về với em bé bị
thương tích trong tôi. Thở ra, tôi sẽ chăm sóc em bé bị thương tích trong tôi.”
Muốn chăm sóc bản
thân, ta phải trở về chăm sóc em bé thương tích trong ta. Mỗi ngày ta phải thực
tập trở về với em. Phải ôm ấp em trong nâng niu, hiền dịu như người anh cả, người
chị cả. Hãy thì thầm tâm sự với em bé bị thương tích ấy. Bạn có thể viết vài ba
trang thư cho em để nói cho em biết rằng bạn biết là em đang có đó và hứa sẽ chăm
sóc thương tích của em.
Khi nói đến hạnh lắng
nghe với tâm từ bi, ta cứ nghĩ rằng lắng nghe chỉ là lắng nghe một người khác.
Nhưng ta cũng phải lắng nghe em bé bị thương tích trong ta nữa. Em bé bị thương
tích có mặt trong ta ngay trong giây phút này đây. Và ta có thể chữa lành em bé
ngay trong giây phút này. "Này em bé bị thương tích. Tôi đang có mặt cho em
và đang lắng nghe em. Em hãy nói cho tôi nghe tất cả niềm đau nỗi khổ của em.
Tôi đang lắng nghe em chăm chú." Nếu bạn bỏ ra năm mười phút mỗi ngày lắng
nghe em bé thì sự chữa trị sẽ có kết quả. Mỗi khi dạo chơi cảnh đẹp đồi cao bạn
hãy mời em bé cùng dạo chơi. Mỗi khi ngắm ánh chiều tà rực rỡ bạn hãy mời em bé
cùng ngắm. Làm như vậy trong vài tuần hay vài tháng thì thương tích trong em bé
lần lần sẽ được chữa lành. Đó là diệu dụng của năng lượng chánh niệm.
Trở Thành Một Người Tự Do
Mỗi phút giây tu tập
là mỗi phút giây chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm không phải
là đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong. Năng lượng của chánh niệm giúp ta có mặt
bây giờ và ở đây. Khi uống một chén trà hay tách cà-phê trong chánh niệm thì thân
và tâm hợp nhất toàn hảo. Ta có thật và chén trà cũng có thật. Khi vào quán ăn
mà nhạc đệm ồn ào và trong óc đầy ắp dự án thì không thể uống trà thật sự. Ta
đang uống những dự án, những lo âu chứ không phải uống trà. Ta không có thật và
chén trà cũng không có thật. Chén trà chỉ thật sự có mặt khi nào ta thật sự có
mặt, khi ta trở về với thân tâm, không còn bị ràng buộc bởi quá khứ, tương lai
và lo âu. Khi ta có thật chén trà thành có thật và sự tiếp xúc của ta với chén
trà mới có thật. Như vậy mới là đích thực uống trà.
Chúng ta có thể tổ chức
những buổi thiền trà để bạn bè có dịp thực tập có mặt để có thể cùng thưởng thức
trà và cùng vui bên nhau.
Thiền trà là một phép
thực tập. Một phép thực tập để có được tự do. Nếu tâm bận rong ruổi về quá khứ
hay lo lắng cho tương lai, nếu trôi nổi trong những dự án hay trong sợ hãi, lo
lắng, buồn giận thì không phải là người có tự do. Vì không thật sự có mặt bây
giờ và ở đây cho nên sự sống không thật sự có mặt. Tách trà, người bạn ngồi trước
mặt, bông hoa, trời xanh, mây trắng không thật sự có mặt. Muốn thật sự sống, muốn
tiếp xúc sâu sắc với sự sống chúng ta phải có tự do. Thực tập chánh niệm giúp
ta có tự do.
Năng lượng chánh niệm
là năng lượng của sự có mặt, của thân tâm hợp nhất. Khi thực tập hơi thở chánh
niệm, thực tập bước chân chánh niệm thì ta sẽ không còn bị quá khứ, tương lai
hay dự án ràng buộc, khi đó ta thật sự sống, thật sự có mặt. Tự do là điều kiện
căn bản giúp ta tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, với chim hót, thông reo, với
tách trà tên tay hay với người thân trước mặt. Vì vậy cho nên thực tập chánh niệm
vô cùng quan trọng. Tuy nhiên đây không phải là một điều mà ta phải bỏ ra nhiều
năm tháng thực tập. Chỉ cần một giờ thực tập là ta có thể trở nên chánh niệm
hơn. Hãy thực tập để trở nên một người có tự do trong khi uống trà. Hãy thực tập
để trở nên một người có tự do trong khi soạn bữa ăn sáng. Bất cứ giờ phút nào
trong ngày cũng là một cơ hội để ta thực tập chánh niệm, để chế tác năng lượng chánh
niệm.
“Em ơi, anh biết em
có đó, và anh rất hạnh phúc.”
Nhờ có năng lượng
chánh niệm mà ta biết được gì đang có mặt trong giây phút hiện tại, kể cả người
mà ta thương. Khi mà bạn nói được với người thương câu "Em ơi, anh biết em
có mặt ở đó và anh rất hạnh phúc," là bạn đã chứng tỏ rằng bạn là một người
tự do, là bạn có chánh niệm, có khả năng trân quý những gì đang xẩy ra trong
giây phút hiện tại. Những gì đang xẩy ra trong giây phút hiện tại là sự sống. Bạn
đang còn sống và người thương trước mắt bạn đang còn sống.
Mức độ chánh niệm mà
bạn đang có rất quan trọng. Bạn ấp ủ người thương bằng năng lượng chánh niệm
đó. Bạn nhìn người thương và nói, "Em ơi, em còn sống đây và anh vô cùng hạnh
phúc." Không những bạn được hạnh phúc mà người thương của bạn cũng được hạnh
phúc vì đang được chánh niệm của bạn bao bọc. Như thế thì khó mà có cơ hội sinh
tâm sân hận.
Ai cũng có thể thực tập
được điều này. Không cần phải năm, bảy tháng. Chỉ cần một hay hai phút thở
chánh niệm hay thiền hành để đem thân tâm về với bây giờ và ở đây, để thật sự tỉnh
thức. Khi đó bạn có thể đến với người thương của bạn nhìn người ấy, mỉm cười và
nói lên câu, "Em ơi, em còn sống đây. Tuyệt diệu quá. Anh vô cùng hạnh
phúc.”
Chánh niệm đem đến
cho ta và người thương của ta hạnh phúc và tự do. Người thương của ta có thể
đang bị chìm đắm trong lo lắng, sân hận hay thất niệm, nhưng nhờ chánh niệm mà
ta có thể cứu người thương của ta và chính cả ta. Chánh niệm là năng lượng của
Bụt, là năng lượng của giác ngộ. Khi có chánh niệm là có cánh tay từ bi của Bụt
ôm ấp bảo hộ.
Xem Tiếp Chương 4 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá