Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Trái Tim Của Bụt
Phật Pháp Căn Bản
Bài 21. Bốn Duyên Và Sáu Nhân
Bài 21A. Bốn Duyên Và Sáu Nhân
Hôm nay là ngày 3
tháng 2 năm 1994, chúng ta ở xóm Thượng và học tiếp về bát chánh đạo. Bài hôm
nay đề cập đến giáo lý duyên khởi.
Duyên khởi là căn bản
của Chánh Kiến. Có Chánh Kiến tức là cái thấy sâu sắc và đứng đắn về Duyên Khởi.
Chúng ta đã biết Vô Thường và Vô Ngã cũng chỉ có nghĩa Duyên Khởi. Chữ Duyên tiếng
Phạn là pratyaya, tiếng Pali là paccaya.
Trong kinh Bụt thường nói rất đơn giản về Duyên Khởi. Ngài nói: ‘‘cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt.’’ Có khi Ngài dùng hình ảnh của một bó lau: một cọng lau, hai cọng lau, ba cọng lau nương vào nhau mà đứng vững. Khi một trong những cọng lau đổ xuống thì các cọng lau kia cũng đổ theo.
Đạo Bụt Nam truyền
nói tới hai mươi bốn Duyên. Tư tưởng về 24 Duyên này được ghi lại trong tác phẩm
Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo Luận) của thầy Phật Âm (Buddhaghosa). Thầy Phật
Âm phối hợp giải thích Hai Mươi Bốn Duyên đó với Mười Hai Nhân Duyên. Cách diễn
giảng rất chi li, phức tạp, đối với những người mới học khó mà hiểu được. Đạo Bụt
Nam truyền trong hệ phái Xích Đồng Diệp Bộ (nay là Theravada) đã tiếp nhận sự
truyền thừa từ Phân Biệt Thuyết Bộ trong Thượng Tọa Bộ. Trong khi ở miền Nam
nói về 24 Duyên thì Hữu Bộ tại miền Bắc lại có ý niệm về Bốn Duyên. Mà Hữu Bộ
cũng xuất phát từ Thượng Tọa Bộ. Chắc hẳn ngày xưa đã từng có những lý thuyết
chi li hơn về Duyên Khởi. Nhưng sau đó vì sự học hỏi và hành trì nên người ta
đã thâu tóm và giản lược lại. Đầu khóa tu chúng ta đã đọc tên 24 Duyên của Đạo
Bụt Nam Truyền. Bây giờ chúng ta nhìn lại Bốn Duyên Khởi theo đạo Bụt Bắc truyền.
Bốn Duyên Và Sáu Nhân
Duyên nói chung là những
điều kiện để cấu thành các hiện tượng về tâm cũng như thân. Trong Bốn Duyên, loại
duyên thứ nhất là Nhân duyên. Nhân tức là hạt giống từ đó sinh ra quả. Duyên là
một điều kiện. Khi ta nói Nhân duyên thì Nhân là một thứ duyên, một điều kiện để
tác thành. Điều kiện đầu tiên là có sẵn hạt giống. Ví dụ chúng ta có một hạt giống
của giác ngộ, của chánh niệm trong ta. Đó là một duyên đầu, gọi là Nhân duyên.
Bụt dạy rằng tất cả mọi chúng sinh đều có hạt giống của giác ngộ, của hạnh
phúc. Hạt giống đó vì còn bị ngăn trở không cho trưởng thành nên ta cứ trầm
luân trong biển khổ. Chúng ta cũng có hạt giống của niềm tuyệt vọng. Nếu chúng
ta cứ tự tưới tẩm hoặc để cho người khác tưới tẩm hạt giống đó, thì một ngày
kia niềm tuyệt vọng cũng sẽ lớn lên, tràn lấp tâm ta và sẽ làm ta đau khổ.
Chúng ta có hạt giống của giác ngộ, của niềm tin, của tình thương nhưng chúng
ta cũng có hạt giống của niềm tuyệt vọng và của sự căm thù. Hạt giống đó là một
điều kiện tác sinh, gọi là Nhân.
Loại điều kiện thứ
hai là duyên Tăng Thượng. Tăng tức là thêm, Thượng tức là trồi lên. Loại điều
kiện thứ hai là những điều kiện giúp vun trồng và tưới tẩm thêm cho hạt giống đầu
phát triển. Nếu hạt giống của niềm tin trong ta mỗi ngày được tăng thân, được
thầy, được bạn tưới tẩm cho, thì niềm tin đó ngày càng lớn. Duyên Tăng Thượng
có hai trường hợp: thuận và nghịch. Những điều kiện thích hợp, nâng đỡ, bổ túc
thì gọi là thuận. Ví dụ niềm tin của chúng ta mỗi ngày đều được các bài pháp
Thoại của thầy hay lời khuyên nhủ của các sư anh, sư chị hỗ trợ, thì đó gọi là
duyên Tăng Thượng thuận. Nếu có người ngày nào cũng nói những điều làm cho
chúng ta nghi ngờ, thì niềm tin của chúng ta ngày càng bị yếu, đó là duyên Tăng
Thượng nghịch. Nhiều khi duyên nghịch cũng có thể giúp chúng ta được chứ không
phải chỉ có duyên thuận. Nếu chỉ gặp những thuận duyên thôi thì có thể chúng ta
không biết quý. Gặp sóng gió ba đào, khó khăn trắc trở, niềm tin và sức mạnh có
thể nhờ thế lớn lên. Gặp những duyên nghịch thì mình mới biết sức mình, được
đào luyện trong những điều kiện khó khăn như thép được tôi luyện trong lửa.
Thành ra những duyên nghịch cũng có thể có ích lợi. Nếu Bụt không trải qua những
năm tháng tu khổ hạnh thất bại thì Bụt đã không dạy con đường Trung Đạo, con đường
không hành hạ xác thân mà cũng không đắm chìm trong năm thứ dục lạc.
Thứ ba là duyên Thứ Đệ,
có khi gọi là Đẳng Vô Gián Duyên. Thứ Đệ tức là có trước có sau. Đẳng tức là bằng
nhau, bình thường, đều đều. Vô-gián nghĩa là không gián đoạn. Sự hình thành nào
cũng cần được liên tục, không gián đoạn. Ví dụ như sự tu học cần được tiếp tục
ngày này sang ngày khác không gián đoạn thì mới thành công được. Tục ngữ có câu
‘‘cóc bỏ vào đơiaì là nói những người không đủ kiên trì, không tạo được duyên
thứ ba là duyên Thứ Đệ. Luộc khoai mà đốt lửa thật lớn trong ba phút rồi tắt lửa,
rồi hai phút sau đốt lửa trở lại rồi lại tắt, cứ như vậy thì không bao giờ
khoai chín cả. Đó là thiếu Đẳng vô gián duyên.
Thứ tư là duyên Sở
duyên. Sở duyên là đối tượng. Nếu không có đối tượng thì không có chủ thể; như
niềm tin thì có đối tượng của niềm tin, niềm tuyệt vọng cũng có đối tượng của
niềm tuyệt vọng. Đối tượng đó gọi là Sở Duyên (object), còn chủ thể gọi là Năng
Duyên (subject. )
Muốn hiểu vai trò và
tác động của bốn loại duyên chúng ta nên nhìn dưới ánh sáng của Duy Biểu học -
thường gọi là Duy Thức học. Trước hết, các tâm hành đều có chủ thể và đối tượng,
không thể tách rời nhau. Thử hình dung tâm của chúng ta, phía trên là ý thức và
phía dưới là tàng thức. Chúng ta hãy nói đến một tâm hành, ví dụ một niềm đau
khổ. Niềm đau khổ ấy có hạt giống sẵn ở trong tàng thức. Hạt giống đó có thể nằm
im trong bao nhiêu năm ta không cảm thấy gì hết. Niềm đau không phát hiện lên
trên ý thức, vì hạt giống ấy chưa được tưới tẩm. Hạt giống là duyên Nhân.
Bây giờ nếu có những
điều kiện tưới tẩm từ cha mẹ, anh em, xã hội, học đường thì hạt giống đó có cơ
hội nẩy mầm. Mọi người có thể tưới tẩm nó bằng lời nói, cử chỉ, cái nhìn và
hành động. Một hạt giống có thể được tưới tẩm bằng sự có mặt của những hạt giống
khác. Những hạt giống phiền não khác tưới tẩm hạt giống phiền não này. Những yếu
tố nội tại và những tác động bên ngoài đó đều được gọi là những duyên Tăng Thượng.
Việc tưới tẩm xẩy ra
liên tục. Ngày ngày ta cũng nghe, cũng thấy, ngày nào cũng xúc tiếp, hạt giống
đau buồn ấy tiếp tục lớn lên, biểu hiện trên mặt ý thức. Và đây là loại duyên
thứ ba, gọi là duyên Thứ Đệ. Giả thử niềm đau đó không có duyên Thứ Đệ, như ta
được đưa về một môi trường khác, một tăng thân có hạnh phúc để tu học, để thực
tập chánh niệm, chánh ngữ, chánh kiến, thì sự tưới tẩm hạt giống khổ đau tự
nhiên ngưng lại, bị gián đoạn, và duyên Thứ Đệ không còn nữa. Sự phát hiện hạt
giống bất thiện có thể ngừng lại để ta thực tập tưới tẩm những hạt giống thiện.
Và cuối cùng, đến các
điều kiện thứ tư là duyên Sở Duyên. Niềm đau khổ phải có một đối tượng để phát
hiện, như đau khổ về một chuyện gì: về tương lai, thân phận, hạnh phúc hoặc
tình thương. Đối tượng đó gọi là duyên Sở Duyên.
Trong truyền thống Đạo
Bụt Bắc Tông, từ bộ phái Hữu Bộ đã phát xuất quan niệm về Bốn Duyên và Sáu Nhân
mà sau này tông Duy Thức trong Đại Thừa đã khai triển. Tất cả mọi hiện tượng đều
có thể giải thích do bốn loại duyên mà thành hình.
Khi chúng ta quán chiếu
về một hiện tượng của tâm hay của thân, chúng ta phải quán chiếu đến cội nguồn
và phải thấy được bốn loại điều kiện ấy. Riêng về điều kiện đầu, Nhân duyên,
chúng ta có thêm lý giải về Sáu Nhân, tức là sáu loại hạt giống của sự hình
thành.
Trước hết là nhân
Năng Tác (Nói lối Hán Việt là Năng Tác Nhân), tức là nhân đầu tiên điều động và
tạo tác. Nhân Năng Tác có hai tác dụng: tác dụng dữ lực, nghĩa là tạo cho sức mạnh
(empowering); và tác dụng bất chướng, nghĩa là không gây chướng ngại
(non-resistant). Nhân thứ hai là Câu Hữu. Câu Hữu (co-existing) tức là cùng có
mặt, tiếng Phạn là sahabhuta, là những nhân có đồng thời với nhau, không có cái
nào trước, không có cái nào sau. Ví dụ như khi ta vẽ một đoạn thẳng AB thì ta
thấy đầu A với đầu B đều hiện diện, nếu đầu B không có thì A cũng không có; dù
đường ngắn hay dài cũng vậy. Có A là có B, có B là có A; B làm ra A, A làm ra
B; B và A cùng có một lần. Câu hữu có nghĩa như vậy. Điều này cũng là đặc tính
của những ý niệm có và không, trên và dưới, trong và ngoài, trước và sau, sinh
và tử.
Thứ ba là nhân Đồng
Loại. Đồng Loại tức là cùng chủng loại (of the same kind, same category). Những
nhân đó cùng là nhân tốt hay cùng là nhân xấu. Ví dụ như ta có hạt giống của niềm
tin và có thêm hạt giống của niềm vui; tin tưởng đưa đến sự vững chãi và sự vui
tươi mà vui tươi lại đưa tới sự tin tưởng và vững chãi. Hai nhân đó cùng nâng đỡ
nhau, gọi là nhân Đồng Loại.
Thứ tư là nhân Tương
Ưng. Tương Ưng (sampayupta) là hai cái đáp ứng với nhau, cộng tác với nhau
(associating). Hai cái có thể là khác nhau nhưng tương ứng với nhau. Nhân này
tiếp ứng, hỗ trợ cho nhân kia để lớn mạnh thì gọi là Tương Ưng.
Thứ năm gọi là nhân
Biến Hành (sanvatraga). Biến Hành tức là hoạt động khắp nơi, có mặt khắp nơi
(all pervading, universal). Ví dụ như nước có tính cách biến hành, chỗ nào nước
cũng có mặt: trong cơ thể chúng ta, trong cây cối, trong đất, trong không khí đều
có nước. Những tâm hành Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, TƯ là những tâm sở biến hành ở
đâu cũng có.
Nhân thứ sáu gọi là
nhân Dị Thục (vipaka). Dị Thục ở đây tức là nói về Tàng Thức. Dị tức là khác
nhau, Thục tức là chín. Chữ Dị có ba hình thức: khác thời, khác loại và thay đổi.
Dị thời nhi thục tức là có những nhân chín sớm, có những nhân chín trễ. Ví dụ
như một nải chuối: nải chuối chưa chín lắm chúng ta mang về để trên bàn, nải
chuối ở trong nhà ấm áp sẽ từ từ chín. Nghĩa thứ hai của Dị là khác loại, Dị loại
nhi thục tức là không cùng một loại. Ví dụ như xoài và chuối khác nhau; khi chuối
chín thì thành ra chuối chín, khi xoài chín thì không thành ra chuối chín. Khác
nhau là dị loại. Nghĩa thứ ba của Dị là Biến Dị Nhi Thục. Khi còn xanh, còn non
thì quả nó khác, khi chín thì nó khác. Hạt giống thế này, đến khi thành trái
cây chín muồi nó lại khác. Người ngồi thiền, mới ngồi thì thấy hơi khó chịu,
không được thoải mái lắm. Nhưng ngồi được chừng 20, 30 phút thì chuyện thiền tọa
đã chín và ta cảm thấy thư thái, an lạc; trong đó cũng có nhân Biến Dị Nhi Thục.
Ngồi cho đúng phép, có duyên Nhân, duyên Tăng Thượng, duyên Thứ Đệ và duyên Sở
Duyên thì ngồi thiền thành công. Tại sao có người trông mong đến giờ để được đi
thiền hành, lại có người nghe chuông thiền hành thấy mệt nhọc trong lòng? Đó là
tùy thuộc những thứ duyên khác nhau.
Mười Hai Nhân Duyên
Thuyết Duyên Sinh mà
cả Bắc Tông và Nam Tông đều nói tới một cách rất kỹ lưỡng gồm Mười Hai Chi Phần
(Anga). Đó là Mười Hai Nhân Duyên, từ Vô minh cho tới Lão tử. Trong Kinh Đại
Duyên (Mahanidana) và trong nhiều Kinh khác Bụt cũng nói tới 12 Nhân Duyên. Vì
thế con số 12 có tính chất linh thiêng.
Trước hết là Vô Minh,
không sáng. Vô Minh tức là sự mù mờ, là bóng tối, không hiểu, hiểu lầm, mê mờ,
hồ đồ, rối rắm.
Duyên thứ hai được
nói tới là Hành. Hành tức là một động lực trong tâm khi bị quấy động lên bởi Vô
Minh. Cái giận, cái thù, cái ghét, cái bực bội của mình, tất cả đều do Vô Minh
quấy động. Ta muốn nói cái này, muốn làm cái kia là vì những Hành do Vô Minh quấy
động.
Thứ ba là Thức. Thức ở
đây phải được hiểu là toàn thể tâm thức của chúng ta: cá nhân và tập thể, ý thức
và tàng thức, chủ thể và đối tượng. Mà nói đến Thức là chúng ta đã thấy có Vô
Minh và Hành trong ấy. Tại vì Thức được làm bởi Vô Minh và Hành. Vì chứa tính
sai lầm, vì chứa mầm khổ đau cho nên gọi là Thức. Nếu không thì nó đã được gọi
là Trí. Có Vô Minh gọi là Thức, có Minh ta gọi là Trí.
Thức làm phát hiện ra
Danh Sắc. Sắc tức là phần vật chất, sinh lý và Danh là phần tâm lý. Danh Sắc nằm
trong Thức. Sắc là đối tượng của Thức mà Danh cũng là đối tượng của Thức. Ví dụ
khi chúng ta nhìn bàn tay, thì bàn tay là đối tượng của Thức. Khi chúng ta tiếp
xúc với cái giận, cái buồn, với hạnh phúc của chúng ta thì cái giận, cái buồn,
vá cái hạnh phúc ấy cũng là đối tượng của Thức.
Lục Nhập tức là sáu
căn và sáu trần. Căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trần là sắc, thanh,
hương, vị, xúc và pháp. Lục Nhập nằm trong Danh Sắc. Sáu căn tiếp xúc với sáu
trần tạo thành sáu thức.
Lục Nhập tạo ra Xúc,
một tâm sở Biến Hành mới nói ở trên. Có sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý
và có sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp làm đối tượng, thì có xúc.
Xúc là tác động giữa căn và trần.
Sự xúc chạm đó tạo ra
Thọ, cảm thọ dễ chịu, khó chịu hay là trung tánh. Trong trường hợp đó là lạc thọ
thì chúng ta có thể vướng vào Ái. Ái tức là sự vướng mắc. Thứ chín là Thủ. Thủ
tức là bị kẹt vào. Vì vướng mắc cho nên ta bị kẹt vào. Kẹt vào mới sinh chuyện
ra, gọi là Hữu. Hữu tạo ra Sinh. Và có Sinh thì thế nào cũng có già chết, tức
là Lão-Tử. Đó là mười hai Nhân Duyên.
Trong những Kinh đầu
nói về đạo lý Nhân Duyên, có khi Bụt chỉ nói tới 9 Nhân Duyên, có khi nói 10
Nhân Duyên. Trong những lần thuyết pháp sau, Bụt thêm vào thành ra mười hai. Luận
Đại Tỳ Ba Sa của Hữu Bộ nói đạo lý Nhân Duyên có thể được trình bày qua một chi
cũng được, hai chi cũng được, ba, bốn, năm, sáu, bảy, chín, mười, hoặc mười hai
chi cũng được. Nếu một chi thì nói rằng các pháp hữu vi nương nhau mà có. Nếu
hai chi thì nói là Nhân và Quả; đạo lý Nhân Duyên cũng gọi là Nhân Quả. Nếu là
ba nhân duyên thì kể là Tam Thế: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Nếu là bốn nhân
duyên thì kể Vô minh, Hành, Sinh và Lão Tử; tám duyên kia cũng nằm gọn trong bốn
duyên này. Nói năm Nhân Duyên thì kể Ái, Thủ, Hữu, Sinh và Lão Tử. Nếu chia ra
sáu thì ba lần (Tam Thế) nhân với hai (Nhân và Quả), tức là Nhân và Quả của Quá
khứ là hai, thêm Hiện tại vào là bốn, và thêm Tương lai vào thì tất cả là sáu
Nhân Duyên.
Chín Nhân Duyên là do
chính Bụt nói. Trong Kinh Đại Duyên (Mahanidana), Trường Bộ Kinh thứ 19 ở tạng
Pali, Bụt không nhắc tới ba duyên Vô Minh, Hành và Lục Nhập. Sở dĩ Bụt không
nói đến Vô Minh và Hành là vì trong Thức đã có bản chất Vô Minh, có vọng tưởng
và vọng động là Hành. Nếu không có vọng tưởng và vọng động thì không gọi là Thức,
phải gọi là Trí. Không có Lục Nhập là vì trong Xúc, và Thọ đã có Lục Nhập, Danh
Sắc cũng hàm chứa Lục Nhập. Vì cái này gồm tất cả các cái kia, phân tích ra cho
rõ trong một chi phần đã có tất cả các chi phần. So sánh kinh điển Nam Truyền với
kinh điển Bắc Truyền, ta thấy kinh chữ Hán là Tạp A Hàm và kinh Pali là Tương
Ưng Bộ đều có một kinh trong đó Bụt chỉ nói về mười Duyên thôi, không kể tới Vô
Minh và Hành.
Như vậy, có lúc Bụt
nói 9 Duyên, có lúc Bụt nói 10 Duyên và có lúc Bụt nói 12 Duyên. Trong lúc giáo
hóa Ngài đã tùy trình độ đại chúng để khai triển dần dần. Bụt đưa ra giáo lý
Nhân Duyên đơn sơ lúc ban đầu rồi từ từ khai triển. Vì vậy không phải thuyết 9
Duyên là đúng, hay 10 Duyên, hay 12 Nhân Duyên là đúng, thuyết nào cũng đúng cả.
Hai duyên Vô Minh và Hành đã được nói tới từ thời Bụt, không phải do các thầy
thêm vào sau. Khi nghiên cứu kinh điển một cách khoa học chúng ta thấy điều đó.
Trong Tạp A Hàm và Tương Ưng Bộ, có một kinh Bụt bắt đầu từ Lão Tử, những khổ
đau của sự già chết, và Bụt đi ngược trở lại. Bụt nói rằng Danh Sắc duyên Thức,
Thức duyên Danh Sắc, tạo ra bao nhiêu khổ đau, đưa tới Sanh và Lão Tử. Kinh Đại
Duyên trong Trường Bộ nói tới chín nhân duyên, tuy dài nhưng không hẳn là một
kinh nói sau. Chúng ta có khuynh hướng cho kinh dài được nói sau, nhưng có thể
kinh này đã được nói trước. Có những Kinh ngắn nói tới 12 Nhân Duyên trong khi
Kinh này chỉ nói 9 Nhân Duyên.
Học về nền văn học
Abidharma, tức là Luận Tạng, cũng có nhiều điều lý thú. Những tác phẩm
Abhidharma ban đầu đã được các thầy viết dưới hình thức kinh. Vì các thầy còn
dè dặt, nói thác lời Bụt cho có uy tín. Giai đoạn thứ hai của Abhidharma có
tính cách độc lập, nên gọi đúng là Abhidharma. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn
phát triển, phân tích tỉ mỉ, dài trường giang đại hải, đọc có thể nhức đầu. Và
sau đó mới đến giai đoạn thứ tư là giai đoạn tóm tắt. Những tác phẩm mới nhất của
nền văn học Abidharma là những tác phẩm ngắn, gọn và dễ học. Tóm lại, chúng ta
có thể nói về Nhân Duyên bằng một chi phần cũng được, bằng hai, ba, bốn, năm, bảy,
chín, mười hoặc mười hai chi phần cũng được. Điều đó chỉ chứng tỏ một sự kiện
là một Duyên bao gồm tất cả các Duyên khác. Có hai lối diễn giải về mười hai
nhân duyên, một là thuận, hai là nghịch. Thuận là đi từ Vô Minh tới Lão Tử, và
nghịch là đi tử Lão Tử ngược lại tới Vô Minh. Bụt có khuynh hướng đi theo đường
nghịch : người thường hay nhìn thẳng vào bản chất Khổ để tìm ra nguyên nhân Khổ.
Tại sao có già và chết? Tại vì có sinh ra. Như vậy cho đến khi ta nắm được vô
minh là bản chất của sinh tử. Phần nhiều các vị tổ sư thì lại ưa đi theo lối
thuận : từ Vô Minh đi tới Lão Tử. Các nhà phật học có khuynh hướng giải thích tại
sao có luân hồi, có sự vận hành của sinh mạng, và do đó ưa sử dụng giáo lý mười
hai duyên khởi để chứng minh luân hồi. Nhiều vị luận sư của ta cũng có khuynh
hướng ấy, nghĩa là khuynh hướng chứng minh luân hồi bằng giáo lý nhân duyên.
Chúng ta nên nhớ rằng giÌáo lý có mục đích hướng dẫn sự tu tập chuyển hóa mà
không phải có mục đích triết học, do đó đừng nên đi vào dấu vết của những người
chỉ muốn làm công việc biện hộ và chứng minh cho luân hồi.
Bài 21B. Bốn Duyên Và Sáu Nhân
Trong lịch sử phát
triển tư tưởng Phật giáo, các Luận sư ngày xưa có khuynh hướng dùng thuyết 12
Nhân Duyên để giải thích sự vận hành của sinh mạng. Tại sao người ta sinh ra? Tại
sao luân hồi tiếp tục mãi? Giáo lý 12 Nhân Duyên trở thành một lý thuyết để chứng
minh vòng sinh tử luân hồi.
Một khuynh hướng diễn
giải về 12 Nhân Duyên theo chiều dọc, (trục tung độ). Trong khuynh hướng này có
hai cách trình bầy khác nhau. Theo đường xuôi thì bắt đầu từ Vô Minh và chấm dứt
với Lão Tử. Theo chiều ngược, bắt đầu từ Lão Tử đi trở lại Vô Minh. Trong kinh,
Bụt thường theo cách trình bầy Tứ Diệu Đế, mở đầu bằng những khổ đau hiện thực
của chúng sinh là Lão Tử, rồi lần tìm các nguyên ủy để dẫn tới Thức và Danh Sắc,
cùng toàn bộ những duyên tạo khổ đau. Hầu hết các Luận Sư sau này, vì chủ ý là
cắt nghĩa sự vận hành của Luân Hồi nên đã đi theo chiều Thuận, lấy Vô Minh làm
điểm khởi hành.
Một hậu quả của lối
trình bày này là gây ra cảm tưởng Vô Minh là nguyên nhân đầu tiên của mọi sinh
mệnh. Nhưng giáo lý Đạo Bụt không phải những tư tưởng theo lý luận đường thẳng,
nên ta không thể nói về một nguyên nhân đầu tiên.
Nhiều vị luận sư đã lập
ra lý thuyết gọi là Tam Thế Lưỡng Trùng. Tam Thế tức là ba đời: quá khứ, hiện tại,
vị lai. Lưỡng trùng là hai tầng nhân quả. Theo thuyết này Vô Minh và Hành được
xếp vào quá khứ. Hiện tại gồm có Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu.
Còn Sinh và Lão Tử thuộc về vị lai. Trong 12 chi, hai chi đầu thuộc về kiếp trước,
hai chi sau thuộc về tương lai, còn tất cả tám chi ở giữa thuộc về hiện tại. Sự
phân chia đó nghe cũng hấp dẫn, nhưng có thể gây nhầm lẫn nguy hiểm. Nguy hiểm
vì người học có thể nghĩ lầm rằng nếu Sinh và Lão Tử thuộc về tương lai thì
trong kiếp hiện tại không có Sinh và Lão Tử. Cũng vậy, Vô Minh và Hành được xếp
trong quá khứ, nhưng chúng ta biết cũng trong hiện tại có Vô Minh và Hành.
Trong tất cả các chi phần của 12 Nhân Duyên, ta đều nhận ra sự có mặt của Vô
Minh và Hành.
Trên một ngàn năm
qua, thuyết Tam Thế Lưỡng Trùng được coi như mẫu mực. Thức, Danh Sắc, Lục Nhập,
và Xúc được xem như là quả, mà nhân là Vô Minh và Hành. Trong kiếp trước đã có
nhân Vô Minh và Hành cho nên hiện tại phải có quả là có Thức, có Danh sắc
(thân, tâm) có Lục Nhập và có Xúc. Đó là cặp nhân quả đầu. Rồi tại vì Thọ, Ái,
Thủ, và Hữu mà chúng ta tạo nhân, cho nên trong tương lai chúng ta phải chịu quả
Sinh và Lão Tử. Hai lớp nhân quả phối hợp các Duyên, nối kết Quá khứ, Hiện tại
và Vị lai, cho nên gọi là Tam Thế Lưỡng Trùng. Ngày xưa tôi cũng học và cũng đi
dạy lại người khác như vậy. Nhưng lớn lên, nhờ tu tập cho nên tôi vượt thoát được.
Ta phải nương vào các Tổ để lớn lên, nhưng sau đó ta phải học đặt các vị xuống
khỏi vai mình, để có thể đứng thẳng. Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả là một công
thức để giải thích cho người mới học dễ nhớ. Đó không phải là cách hiểu sâu nhất,
đó chưa phải là thắng nghĩa.
Chúng ta thấy có những
lý thuyết sử dụng Đạo Lý Mười Hai Nhân Duyên để giải thích và thuyết phục người
ta về Luân Hồi. Chúng ta không cần phải làm như vậy nữa. Mục đích của chúng ta
là tu tập. Chúng ta phải học về Nhân Duyên như phương pháp tu tập và chuyển hóa
thì mới đúng với lời Bụt dạy. Chúng ta có thể chữa lại những sai lầm đã tiếp diễn
từ hàng ngàn năm. Có những vị đã đi hơi xa, có thể là đi quá xa. Họ đặt ra những
từ như là Duyên Khởi Pháp và Duyên Dĩ Sinh Pháp. Duyên Khởi Pháp tức là những
pháp có khả năng tạo tác; và Duyên Dĩ Sinh Pháp là những pháp được tạo tác ra.
Các vị đó nói rằng Vô Minh và Hành là Duyên Khởi Pháp, tức là những yếu tố có
tác dụng tạo tác ra. Hiếp Tôn Giả và Diệu Âm Tôn Giả xưa đều nói Vô Minh và
Hành là những Duyên tạo tác, gọi là Duyên Khởi Pháp, còn Sinh và Lão Tử được gọi
là Duyên Dĩ Sinh Pháp. Theo các ngài thì Vô Minh và Hành là hai chi phần có
tính chủ động, còn Sinh và Lão Tử chỉ có tính thụ động. Quan niệm đó không đúng
với giáo lý tương tức của đạo Bụt. Theo tinh thần đạo Bụt, chi phần nào cũng là
nhân và cũng là quả, chứ không có cái nào thuần túy là nhân hay quả mà thôi.
Các vị giảng Vô Minh và Hành là Duyên Khởi Pháp, Sinh và Lão Tử là Duyên Dĩ
Sinh Pháp. Tám chi ở giữa, các vị nói vừa là Duyên Khởi Pháp vừa là Duyên Dĩ
Sinh Pháp, vừa có tính cách tạo tác vừa có tính cách được tạo tác. Hai tính chất
đó đúng ra phải được áp dụng cho cả Mười Hai nhân duyên.
Dùng thuyết Tam Thế
Lưỡng Trùng để cắt nghĩa về cơ năng vận hành của Luân Hồi thì được, nhưng ta đừng
nghĩ rằng giáo lý Mười Hai Nhân Duyên được Bụt nói là để chứng minh cho thuyết
Luân Hồi. Mục đích của đạo Bụt không phải là đưa ra một hệ thống triết học giải
thích về vũ trụ và nhân sinh. Mục đích của Bụt là cho ta một đạo lý để thực tập
diệt khổ.
Chúng ta tạm bỏ
phương pháp Tung theo chiều dọc, để đi trên mặt ngang theo phương pháp Hoành.
Phương pháp này đã được Bụt nhấn mạnh trong các kinh. Không bao giờ Bụt có ý định
dạy chúng ta học Mười Hai Nhân Duyên theo tinh thần đường thẳng (linear, còn gọi
là tuyến tính), theo một kích thước (one-dimensional). Đừng nghĩ rằng Vô Minh
sinh ra Hành, rồi đến lượt Hành sinh ra Thức, đến Thức sinh ra Danh Sắc... Hiểu
như vậy là đơn giản hóa và nguy hiểm. Bụt nói rằng Vô Minh duyên Hành, tức là
Vô Minh có liên hệ nhân quả với Hành, nhưng Bụt cũng dạy Hành có liên hệ nhân
quả với Vô Minh. Nếu Vô Minh nuôi Hành thì Hành cũng nuôi Vô Minh. Vô Minh quấy
động tâm thức, tạo ra những ham muốn, phiền não, tư niệm, ý chí... Những ham muốn,
ý chí, tư niệm đó quay trở lại làm cho Vô Minh càng nặng. Vô Minh duyên Hành
nhưng mà Hành cũng duyên Vô Minh, là như vậy.
Phải bỏ ý niệm đơn giản và ngây thơ về sự tiếp nối nhân quả theo tuyến tính, chỉ nghĩ đến nhân quả trong thời gian mà không thấy được nhân quả đồng thời trong không-thời-gian. Như khi ta nói cây sinh ra lá và cây dẫn nhựa lên nuôi lá, ta không quên sự thật là lá nuôi cây bằng ánh sáng mặt trời qua hiện tượng diệp lục hóa. Lá không phải chỉ là con của cây, lá còn là mẹ của cây nữa. Cây lớn được là do công của lá.
Cũng vậy, ta thấy có
liên hệ tương tức và tương nhập giữa các chi phần của Mười Hai Nhân Duyên.
Chúng ta phải thấy được liên hệ mật thiết giữa mỗi chi phần với Mười Một chi phần
kia. Cho nên chúng ta nên vẽ một vòng tròn hay một mạng lưới (network). Trên mạng
lưới này ta nói Vô Minh duyên Hành nhưng Vô Minh cũng duyên Thức. Nếu Vô Minh
không duyên Thức thì làm sao Thức lại có thể là Thức? Nếu không có Vô Minh
duyên Thức thì Thức đã trở thành Trí rồi. Vô Minh duyên Thức qua Hành, nhưng Vô
Minh cũng trực tiếp duyên Thức. Vô Minh duyên Hành, Vô Minh duyên Thức, đồng thời
Vô Minh cũng duyên Danh Sắc. Trong Danh Sắc ta thấy có chất liệu Vô Minh. Nếu
không có Vô Minh thì Danh Sắc của chúng ta sẽ khác. Cố nhiên trong Lục Nhập của
chúng ta cũng có Vô Minh. Cái Tưởng của tôi về bông hoa được căn cứ trên con mắt
của tôi, căn cứ trên cái sắc (đối tượng của mắt) là bông hoa. Và vì tính Vô
Minh nên cái Tưởng đó mới bị kẹt vào hiện tướng. Cho nên Vô Minh có mặt trong Lục
Nhập. Vô Minh lại có mặt trong Xúc, có mặt trong Thọ, có mặt trong Ái, trong Thủ,
trong Hữu, trong Sinh và trong Lão Tử. Vô Minh tương tức với tất cả Mười Một
chi phần khác. Vô Minh tương nhập vào tất cả Mười Một chi phần khác. Vô Minh
không phải chỉ nằm ở quá khứ, Vô Minh có mặt bây giờ và ở đây, trong mỗi tế bào
của tôi, trong mỗi tâm hành của tôi. Trong đời sống hằng ngày phải nhận diện Vô
Minh, nhận diện sự có mặt của Vô Minh thì mới là sự thực tập chân chính. Nếu
không có Vô Minh thì tại sao chúng ta đang bị vướng mắc? Bị vướng mắc tức là đã
có Vô Minh. Nếu không có Vô Minh thì tại sao có hiện hữu khổ đau? Mối quan hệ mạng
lưới rất quan trọng. Chúng ta phải thấy Tung và phải thấy Hoành, phải thấy đồng
thời chiều dọc và chiều ngang. Thời gian và không gian phải được phối hợp để
chúng ta có thể chiếu rọi vào mười hai chi phần. Mỗi chi phần duyên với chi phần
đặt trước và chi phần kế tiếp, đồng thời cũng duyên với tất cả các chi phần
khác. Như vậy mới đúng tinh thần Duyên Khởi, tinh thần tương tức tương nhập.
Mặt Tích Cực Của Mười Hai Nhân Duyên
Trong kiếp nhân sinh,
ta có Vô Minh, nhưng không phải chỉ có Vô Minh. Nếu đời sống hằng ngày chỉ là
thuần túy Vô Minh thì Đạo Bụt đi vào bằng cửa nào? Làm sao có sự cứu độ? Làm
sao có sự chuyển hóa? Cho nên ta có Vô Minh nhưng cũng có Minh. Nếu ta không có
chút Minh nào cả thì tại sao Bụt lại nói tất cả chúng sinh đều có hạt giống của
trí tuệ, của giác ngộ và giải thoát? Vì vậy không những trong Thức có hạt giống
của Minh mà trong Danh Sắc cũng có hạt giống của Minh; trong Lục Nhập, trong
Xúc, trong Thọ, trong Ái, trong Thủ, trong Hữu, trong Sinh và trong Lão Tử đều
có hạt giống ấy, như trong Đêm có hạt giống Ngày. Quý vị hãy nghĩ tới nguyên lý
tương tức. Trong rác có hoa nhưng trong hoa cũng có rác. Nếu chúng ta biết cách
sử dụng rác thì rác sẽ biến thành hoa. Mà nếu chúng ta không biết cách thì hoa,
thay vì mười lăm ngày sau mới thành rác có thể hoá thành rác rất sớm. Vì vậy
chúng ta biết trong Vô Minh có Minh; trong Thức có hạt giống của Trí Tuệ. Đó mới
đúng là tinh thần đạo Bụt.
Nếu vứt bỏ hết tất cả
Mười Hai duyên này đi thì chúng ta không có đường nào để đạt tới thanh tịnh, an
lạc, Niết Bàn. Chúng ta phải giữ lại tất cả. Điều này rất quan trọng ! Chúng ta
có một ly nước đục, nếu đổ hết ly nước đục đi thì chúng ta không còn gì để làm
ra một ly nước trong hết. Vì nước đục có thể biến thành nước trong, chúng ta phải
sử dụng ly nước đục. Ta đang ở trên biển cả và đang khát. Có một chai nước đục
mà liệng xuống biển là dại dột lắm! Phải làm thế nào cho chai nước đó trong lại
để uống. Tất cả những Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc… phải được chấp nhận và
chuyển hóa thành (1) Minh. Bụt dạy ‘‘Vô Minh diệt, Minh sinh’’ chứ không phải
Vô Minh diệt là không còn gì nữa.
Nếu Vô Minh duyên
Hành thì Minh duyên cái gì? Các Tổ chưa nói hết. Chúng ta là con cháu phải tiếp
tục. Vô Minh quấy động, tạo ra những đam mê, những giận hờn, những cuộc chạy
đua, những quẩn quanh dại dột gọi là Tư Niệm Thực, loại thức ăn thứ ba. Có những
người trầy da, tróc vẩy, gây tổn hại cho cả thân tâm vì chạy theo danh vọng, bằng
cấp, nghĩ rằng được những cái đó là hạnh phúc. Tư Niệm Thực này đã do Vô Minh
quấy động. Hết Vô Minh thì ta thấy được khổ đau và nguồn gốc của khổ đau, thấy
con đường dẫn tới sự chuyển hóa khổ đau, dẫn tới an lạc. Tự nhiên cái Minh ấy tạo
ra một ước muốn, một ý chí hành động do tâm từ bi thúc đẩy, để mang lại hạnh
phúc và an lạc cho mình và cho người khác. Cái đó có thể gọi là Đại Nguyện hay
Tâm Bồ Đề. Khi học hỏi đạo Bụt chúng ta được nghe về mặt tiêu cực của Mười Hai
Nhân Duyên quá nhiều. Còn mặt sáng tươi của Mười Hai Nhân Duyên thì chúng ta
chưa được nghe bao nhiêu. Nhờ bó đuốc của Minh chiếu dọi, ta không muốn chạy
theo những cái Hành này nữa. Và nhờ có trí tuệ của Tứ Đế và Bát Chánh Đạo ta muốn
phát tâm tu học để độ mình và độ đời. Đó gọi là Tâm Bồ Đề, Boddhicitta, là (2)Đại
Nguyện. Cái Minh dẫn tới một ước vọng, một ý chí tu học và cứu độ. Nếu Vô Minh
duyên Hành, và duyên Thức; thì Minh duyên Đại nguyện, duyên Bồ Đề Tâm và duyên
(3)Trí. Trong giáo lý Tứ Y chúng ta học ‘‘y Trí bất y Thức’’ (nương vào Trí đừng
nương vào Thức), chúng ta nên dựa vào phần Trí của chúng ta chứ đừng nương vào
phần Thức.
Duy Biểu Học nói đến
bốn thứ Trí. Thứ nhất là Trí Đại Viên Cảnh, nói theo văn pháp chữ Hán là Đại
Viên Cảnh Trí. Thức thứ tám, Tàng thức, khi xóa được Vô Minh thì được gọi là Đại
Viên Cảnh Trí. Nghĩa là khi tất cả các hạt giống của Bồ đề, của Giác Ngộ, của
Vô ngã, của Từ bi phát triển thì Tàng thức thành ra Trí Đại Viên Cảnh. Trí Đại
Viên Cảnh tìm ở đâu? Tìm ngay trong Tàng thức, vì trong A lại da thức này sẵn
có hạt giống của giác ngộ, hạt giống của Trí Đại Viên Cảnh. Bỏ Tàng thức không
được. Phải dùng Thức để chuyển hóa. Đại Viên Cảnh Trí tức là trí tuệ như một tấm
gương sáng, phản chiếu được sự thật của tam thiên đại thiên thế giới.
Trí thứ hai là Trí
Bình Đẳng Tánh. Trí này chuyển hóa từ thức thứ bảy, thức Mạt Na. Thức Mạt Na
phân biệt ta và không ta, kỳ thị giữa của tôi và không phải của tôi. Nhưng nếu
thực tập thông minh, ta có thể chuyển hóa Thức thứ bảy thành Trí mang tính Bình
Đẳng, thấy mình và người khác là một, và mầu nhiệm như nhau. Như khi gặp kẻ thù
mà ta lạy xuống một lạy, thì ta sẽ thấy thù cũng cùng một bản tính với bạn, người
kia với mình là một và ý niệm hận thù không còn nữa. Đó là Bình Đẳng Tánh Trí,
phát hiện ngay trong lòng của thức Mạt Na, cái thức chấp ngã.
Trí thứ ba là Trí Diệu
Quan Sát, khả năng quan sát một cách mầu nhiệm, được chuyển hóa từ thức thứ
sáu. Thức thứ sáu, tức Ý Thức, đầy dẫy những tri giác sai lầm. Nó tạo tác biết
bao nhiêu khổ đau. Nhờ Trí Đại Viên Cảnh, nhờ sự chuyển hóa, Ý Thức trở thành
Trí Diệu Quan Sát, có thể quán sát muôn vật mà không bị kẹt vào tri giác sai lầm.
Cuối cùng, Trí Thành
Sở Tác là một Trí tuệ mà gốc là các Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Con mắt
có vô minh làm cho ta say đắm, nhìn giả thành thật. Con mắt làm cho ta mù tối.
Bây giờ con mắt có minh tạo tác được những thành tựu, mở cửa cho ta thấy pháp
Thân mầu nhiệm.
Mở cửa nhìn pháp Thân,
Đời mầu nhiệm khôn cùng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Dòng nước Tâm trong ngần.
Dòng nước Tâm trong
ngần là lúc Ý Thức đã trở thành Diệu Quan Sát Trí, và Tàng thức đã trở thành Đại
Viên Cảnh Trí.
Vậy nếu Vô Minh duyên
Thức thì Minh duyên Trí. Gọi là bốn loại Trí cho dễ hiểu, nhưng tất cả bốn cũng
chỉ là một.
Thân Thị Hiện
Nếu Thức duyên Danh Sắc
thì Trí duyên gì? Phàm phu có Danh Sắc, tức có thân, có tâm. Bồ Tát cũng có
thân, có tâm như vậy. Bụt cũng có thân, có tâm sau khi thành đạo. Ta đâu có cần
hủy diệt thân và tâm đi thì mới là có giải thoát? Nói về các vị Bồ Tát chúng ta
dùng danh từ Thân Thị Hiện. Chúng ta hãy quán tưởng Quan Thế Âm thị hiện ra
hình thể bà mẹ xinh đẹp. Thân hình bà cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi và ý. Nhưng
thân tâm đó không có tính chất của Vô Minh, của Hành, của Thức. Thân tâm đó là
để thực hiện ý nguyện độ sinh, giác ngộ. Bồ Tát Quan Thế Âm có thể hóa hiện
thành một nhà chính trị, hay thành một em bé… Kinh nói rằng tình thương, có thể
được thể hiện bằng muôn vạn cách. ‘‘Ưng dĩ trưởng giả thân đắc độ giả, tức hiện
trưởng giả thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam, đồng nữ thân đắc độ giả, tức
hiện đồng nam, đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp.’’ Nếu cần hiện ra một vị trưởng
giả thì Bồ Tát Quan Thế Âm có thể hiện ra hình thức của một trưởng giả mà thuyết
pháp. Nếu cần hiện ra một chú bé, hay là một cô bé để độ đời thì Quan Thế Âm sẽ
hiện thành một chú bé, hay là một cô bé để độ đời.
Cho nên Bồ Tát và Bụt
đều có thể hiện thân để độ đời, và các vị cũng cần có Danh, có Sắc, có Thân, và
có Tâm. Thành ra chúng ta đâu cần bỏ thân và tâm đi mới giải thoát. Bất cứ một
Danh Sắc nào có tác dụng tạo tác được từ bi, hiểu biết, được hạnh phúc, đều là
(4) Thân Thị Hiện của Bụt. Dầu thân thể đó yếu ốm, và nghèo khổ nhưng vẫn có
tác dụng tạo được tình thương và sự hiểu biết thì đó cũng là thân Bồ Tát, gọi
là (5) Thân Thọ Dụng (sambhogakaya). Bất cứ một cái thân, một tập hợp nào của
ngũ uẩn, có Danh Sắc nhưng trong đó không còn chất liệu Vô Minh, mà lại có chất
liệu của Minh, của Bồ đề tâm, của Tứ Trí, thì đều là Thân Thọ Dụng, là phương
tiện để hành đạo.
Ngày xưa tôi có đọc một
cuốn tiểu thuyết, không nhớ tên tác giả. Ông kể chuyện một người đi vào rừng.
Người này sống trong truyền thống Thiên Chúa giáo nhưng không tin tưởng Chúa.
Ông đi vào rừng ở Phi Châu săn bắn, lạc đường, không tìm được lối ra. Sợ quá,
lúc đó ông ta mới muốn cầu cứu Chúa. Vì ông không có đủ đức tin, nên ông cầu cứu
bằng một giọng bất kính. Ông nói: ‘‘Lạy Chúa! Nếu mà Chúa có thật thì hiện ra để
cứu tôi coi nào!’’ Lúc đó ông nghe tiếng sột soạt. Từ sau bụi cây xuất hiện một
người da đen. Người da đen đó đưa ông ra khỏi rừng, và ông được cứu thoát!
Nhưng ông này về nhà và ghi trong nhật ký: ‘‘Tôi cầu Chúa. Chúa đâu không thấy
mà chỉ hiện ra một thằng mọi đen.’’ Câu đó viết bằng tiếng Pháp, dùng chữ nègre
có tính kỳ thị mầu da, phải dịch là thằng mọi cho sát nghĩa ‘‘J’ai prié Dieu,
mais il m’est arrivé un nègre.’’ Tâm ông này chứa chất Vô Minh. Người Phi Châu
đó là Thọ Dụng Thân, là Báo Thân của Lòng Từ Bi để đưa ông ta ra khỏi tình trạng
khó khăn; đó là Chúa chứ ai khác? Từ bi thị hiện ra dưới nhiều hình thức. Trong
rừng rậm Phi Châu, Chúa đã hiện ra thành một người da đen. Ông kia không thấy
Chúa vì không thấy được tình thương. Lại nói bằng giọng mỉa mai như thế thì chắc
không bao giờ ông ta có cơ hội để tiếp xúc với Chúa, hay với Bụt.
Ngày hôm qua trong
khi đi thiền hành, tôi tự nhiên nảy ý muốn kể chuyện Bụt Thích Ca đi với Thầy
Svastika về Việt Nam thăm để xem Đạo Bụt ở đó bây giờ ra sao. Hai thầy trò Bụt
tới Hà Nội, vào thăm các chùa. Tất nhiên là các thầy ở chùa đâu biết đây là Bụt.
Không biết các thầy sẽ đón tiếp Bụt như thế nào? Tại vì trong đầu các thầy đã
có sẵn hình ảnh về Bụt. Ông này không có hào quang bằng đèn néon phía sau đầu
thì đâu phải là Bụt? Ông này đi chân đất, mặc áo cũ, không hoạt bát gì cả. Có
thể là các thầy ở chùa không nhận ra đó là Bụt. Họ sẽ hỏi: ‘‘Giấy di chuyển
đâu? Chứng minh thư đâu?’’ Tôi tưởng tượng lúc đó Bụt mới bảo thầy Svastika ra
ngoài Tam Quan, để hai thầy trò bàn bạc. Tôi sẽ viết một cuốn truyện như vậy, kể
chuyện Bụt với một vị thị giả đi từ Bắc vào Nam, tới các chùa, gặp các thầy,
các đạo hữu, xem cách các thầy ăn cơm, uống nước, đi, đứng, nằm, ngồi như thế
nào. Bụt sẽ biết gia tài của Bụt để lại 2500 năm nay còn được bao nhiêu. Chuyện
này là chuyện có thật. Bụt có thể thị hiện dưới hình dáng của một người du
khách, tìm tới để xem chúng ta tu tập như thế nào. Có thể Bụt đã từng tới Làng
Mai, Bụt đã từng gặp các sư chú, sư cô, các đạo hữu ở Làng. Bụt đã biết là
chúng ta tu hành hay hay dở tới mức nào rồi.
Bụt đâu phải ở trên
mây. Bụt ở ngay trong tâm của chúng ta. Dù ta có thân của Bụt, và tâm Bụt, ta
cũng vẫn còn có Xúc. Bụt cũng uống nước và Bụt cũng biết nước nóng hay nước lạnh.
Bồ tát cũng cần mặc áo cho ấm. Mùa lạnh, Bồ tát cũng quàng khăn cổ, tại vì Bồ
tát biết nếu không choàng khăn cổ thì bị cảm, rồi phải cạo gió. Vì Xúc được
phát hiện trong chánh niệm và tuệ giác nên Xúc này là (6) Xúc Thanh Tịnh. Và
khi có sự tiếp xúc giữa sáu căn và sáu trần thì cũng có Thọ. Thọ đây là (7) Thọ
Thanh Tịnh. Như là tất cả mọi người. Nhưng trong những tình trạng đó, bồ tát
không vướng mắc. Có Trí rồi, với cái Thọ Dụng Thân này, bất cứ một tiếp xúc nào
cũng có chánh niệm, cũng có thanh tịnh. Cho nên bất cứ cái Thọ nào cũng có
thanh tịnh, có chánh niệm. Sẽ không có Ái mà có Ba trong bốn Vô Lượng Tâm: (8)
Từ, Bi, và Hỷ.
Khi có tiếp xúc chúng
ta thấy được những cảm thọ: lạc thọ, khổ thọ, và xả thọ. Thấy người khổ đau ta
phát sinh trong tâm năng lượng của Từ, muốn giúp họ có niềm vui chân thật, và
năng lượng của Bi, muốn làm cho họ tiêu tan nỗi khổ. Ta muốn làm cho họ có niềm
vui, có hạnh phúc. Đó là tâm Hỷ. Và Tâm Xả nghĩa là tâm không vướng mắc. Xả đây
tức là không bị trói buộc bởi những hình ảnh, và những âm thanh do Xúc và Thọ tạo
ra. Xả không phải là sự dửng dưng, mà là khả năng giữ tâm được tự do, không bị
cuốn theo bên này hay bên khác. Khi có xả thì người thương và kẻ ghét được coi
như nhau. Xả là Bất Nhị. Chân tinh thần của Xả là (9) Vô Nguyện. Xả tức khả
năng thấy được tính tương tức, cái này là cái kia. Thí dụ Vô Minh và Minh.
Chúng ta phải thực tập Xả, tức là đừng chạy trốn Vô Minh để đi tìm Minh. Vì
Minh phải tìm trong Vô Minh.
Nhắc lại chuyện đời
Lý, thế kỷ thứ XII, có một thiền sinh nghe vị thiền sư nói là phải làm thế nào
để thoát ly sinh tử thì mới xứng đáng với chí nguyện xuất gia. Vị thiền sinh hỏi:
‘‘Bạch Thầy, tìm cái không sinh tử ở chỗ nào?’’ Thầy nói: ‘‘Tìm ngay ở trong chỗ
sinh tử.’’ Bỏ sinh tử đi tìm Niết bàn là không có.
Xả là tinh thần Bất
Nhị, là tự do, là thảnh thơi. Cũng là Vô Nguyện, không chạy theo gì hết. Chính
trong tinh thần tự do, không chạy chọt cầu tìm mà cõi khổ đau sẽ trở thành Tịnh
Độ. Ta thoát được Hữu là vì ta đã biến Hữu của Hữu Vô, của Thương Ghét thành Diệu
Hữu. (10) Diệu Hữu và Chân Không thoát ra khỏi ý niệm Hữu và Vô. Nếu cần phải
thị hiện đản sanh thì thị hiện đản sanh. Thị hiện đản sanh cũng là thị hiện lão
tử. Lão tử thì lão tử, nhưng không khổ đau, đó là cái nhìn của Bụt và các vị Bồ
tát. Nếu quả thực đã có chất liệu của giác ngộ, thì sinh cũng vậy, mà tử cũng vậy,
đều là thị hiện, không có cái gì thay đổi cả. Đợt sóng có lên hay có xuống thì
nó vẫn là nước. Đứng về phương diện hiện tượng thì giống như là có Sinh, có Diệt,
có Có, có Không. Đứng về phương diện bản thể thì không có Sinh Diệt, không có
Có Không; tất cả đều là thị hiện. Đó là (11) Vô Sinh. Sinh là thị hiện Sinh, Diệt
là thị hiện Diệt. Và đây là Niết Bàn trong hiện tại (12) Hiện Pháp Niết Bàn.
Mười Hai Nhân Duyên
tiêu cực tích cực
Vô Minh / Minh
Hành / Bồ Đề Tâm (Đại Nguyện)
Thức / Trí
Danh Sắc / Thân Thị
Hiện
Lục Nhập / Thân Thọ Dụng
Xúc / Xúc Thanh Tịnh
Thọ / Thọ Thanh Tịnh
ái / Từ Bi Hỷ
Thủ / Tự Tại, Vô Nguyện
(Xả)
Hữu / Diệu Hữu Chân
Không
Sinh /Vô Sinh
Lão Tử / Hiện pháp Niết
Bàn
Mười Hai Nhân Duyên như
ta biết, thường được giảng dạy trên mặt tiêu cực. Chúng ta phải học, và thực tập
Mười Hai Nhân Duyên về phương diện tích cực. Những danh từ chúng ta dùng hôm
nay là để diễn bày Mười Hai Nhân Duyên đứng về phương diện tích cực. Chúng ta
thấy rằng thuyết nhân duyên là để nói về thế giới hiện tượng. Thấy được Mười
Hai Nhân duyên về mặt tích cực thì, ta đồng thời thấy được Bản Môn của chúng.
Chúng ta sẽ tiếp xúc được với Bản Môn.
Nói tóm lại, khi học
về Mười Hai Duyên phần, ta đừng nên diễn bày như một chủ thuyết để giải thích
luân hồi sinh tử. Ta hãy tập quán chiếu để thấy liên hệ giữa Mười Hai chi phần
này. Để trong đời sống hằng ngày ta có thể tu tập cho chất liệu của Vô Minh bớt
đi và chất liệu của Minh tăng trưởng. Chất liệu của Vô Minh bớt đi thì Tham,
Sân, Si, Mạn, Nghi, và Tà Kiến sẽ bớt đi và chất liệu của Từ, Bi, Hỷ, và Xả sẽ
tăng trưởng. Tăng trưởng không những ở một chi phần mà đồng thời trong cả Mười
Hai chi phần. Hễ một chút Vô Minh được trị diệt thì tất cả Mười Một chi phần
kia đều được thừa hưởng. Khi ta mỉm được một nụ cười hiểu biết thì trong cả Mười
Hai chi phần đều có sự thay đổi, tại vì chất liệu của Minh đã đi vào để thay thế
cho chất liệu của Vô Minh. Một tâm niệm từ Đi biểu hiện thì tất cả Mười Hai chi
phần đều sáng lên lập tức.
Cho nên giữ chánh niệm
và hộ trì sáu căn là chìa khóa của sự thực tập. Nếu thực tập hộ trì sáu căn thì
trong Xúc, ta sẽ có chánh niệm về Xúc, ta sẽ có Xúc Thanh Tịnh. Nếu sáu căn
không hộ trì thì Xúc sẽ không thanh tịnh. Khi có Xúc, và có Thọ thanh tịnh thì
ta có chất liệu của Từ, Bi, và Hỷ. Chúng ta sẽ được an trú trong Vô Nguyện,
nghĩa là trong xả. Như vậy thế giới của chúng ta càng lúc càng sáng lên tính
cách của Diệu Hữu và Chân Không. Tính cách khổ đau của ba cõi (Tam Hữu) sẽ từ từ
tiêu diệt để nhường chỗ cho thế giới tương tức, tương nhập của Hoa Nghiêm.
Trong thế giới Diệu Hữu và Chân Không đó, nếu cần đản sanh thì chúng ta đản
sanh, nếu cần thị hiện lão tử chúng ta thị hiện lão tử.
Chúng ta hãy học hỏi
cho thấu đáo các phép hộ trì và chánh niệm. Đây là những chiếc chìa khóa. Đây
chính là phương tiện tháo gỡ. Chúng ta cũng có thân, cũng có sáu căn và sáu trần,
chứa chấp Vô Minh, Hành, và Thức. Nhưng khi đưa chánh niệm vào, và thực tập hộ
trì sáu căn trong Xúc và trong Thọ, chúng ta tránh được Ái, Thủ, và Hữu, chuyển
niệm thanh tịnh, thực tập Từ, Bi, Hỷ, Xả, Vô Nguyện. Tinh hoa của giáo lý Mười
Hai Nhân Duyên nằm ở đó. Phải học, phải hành và phải trình bày giáo lý đó như
thế nào để cho sự học hỏi và, hành trì chuyển hóa được đời sống hằng ngày của
chúng ta.
Xem Tiếp Bài 22 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá