Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 12. Đi Thiền Hành Với Trẻ Em – Phòng Thở
Đi Thiền Hành Với Trẻ Em
Đi thiền hành với trẻ
em là sự thực tập chánh niệm mầu nhiệm. Chúng ta có thể nắm tay một em bé trong
khi đi. Em bé sẽ tiếp nhận được định lực và sự vững chãi của ta; ngược lại ta
cũng nhận được sự tươi mát, thơ ngây của chúng. Thỉnh thoảng, chúng thích chạy
lên phía trước và chờ ta đến. Em bé là tiếng chuông chánh niệm, nhắc chúng ta
nhớ rằng cuộc sống thật mầu nhiệm.
Chúng ta có thể nhắc
nhở các em rằng thiền hành là một cách làm lắng dịu những cảm xúc mạnh hoặc những
cơn đau buồn rất mầu nhiệm. Chúng ta có thể đi với chúng, nhắc nhở chúng chú
tâm vào nơi mỗi bước chân.
Thực Tập
Ở Làng Mai, tôi thường
dạy cho trẻ em những bài tập rất đơn giản để thực tập trong khi đi thiền hành.
Khi thở vào ta nói: “Trân quý, trân quý, trân quý”; khi thở ra: “Biết ơn, biết
ơn, biết ơn”. Tôi muốn chúng biết trân quý những gì chúng đang có trong cuộc sống
và ứng xử một cách tích cực với cuộc sống, với xã hội và với trái đất.
Tôi giải thích về thiền
hành cho chúng như thế này: “Chỉ cần cho phép mình có mặt! Có mặt để tận hưởng
giây phút hiện tại. Trái đất rất xinh đẹp. Mình hãy cùng tận hưởng hành tinh
xinh đẹp này. Các con cũng rất xinh đẹp, các con cũng là một mầu nhiệm như trái
đất.”
Khi đi, hãy nhớ rằng chúng ta không cần đi đâu cả, mỗi bước chân là đã đưa ta trở về. Về đâu? Về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Chúng ta không còn cần thêm một điều kiện nào khác để hạnh phúc nữa.
Khi các em đi với ý
thức đó là chúng đang thực tập thiền hành.
Giúp Con Em Mình Chăm Sóc Cơn Giận Và Những Cảm Xúc Mạnh
Cảm xúc chỉ là một
cơn bão. Nó đến, ở lại một thời gian, rồi ra đi. Là người lớn, chúng ta có thể
nhận diện được cơn bão cảm xúc của mình, mỉm cười với nó, ôm ấp nó và học được
rất nhiều điều từ đó. Nhưng con em chúng ta thì thường bị cơn bão cuốn đi hay bị
chìm ngập trong ấy. Do đó, khi thấy con em mình đang có những cảm xúc mạnh,
chúng ta phải có mặt với chúng, thực tập hơi thở có ý thức với tất cả niệm lực
và định lực vững mạnh để giúp chúng cùng thực tập phương pháp này với chúng ta.
Thực Tập
Mỗi khi con mình có một
cảm xúc mạnh, chúng ta có thể ôm, hoặc nắm tay con mình và mời con cùng thực tập.
Truyền cho con năng lượng vững chãi của ta: “Nắm tay ba (mẹ) đi, chúng ta sẽ thở
với nhau, con chịu không?”
Thở vào, tôi thấy bụng tôi phồng lên
Thở ra, tôi thấy bụng tôi xẹp xuống
Phồng lên
Xẹp xuống.
Thở với nhau thật
sâu, thật chậm. Không lo lắng gì cả. Mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Chúng ta đang truyền
khả năng vững chãi cho con. “Con đang thở vào và thấy mạnh mẽ. Con đang thở ra,
thấy nhẹ nhàng.” Thở vào, tâm đứa trẻ bắt đầu lắng dịu. Thở ra, miệng nó có thể
nở được một nụ cười nhẹ.
Nếu con mình đủ lớn
hoặc thường hay nổi giận, thì chúng có thể mang theo hòn sỏi bên mình để thực tập
khi cơn bão cảm xúc đến. Nếu trong nhà có tượng Bụt, chúng có thể đến ngồi bên
cạnh Bụt, hoặc có thể ngồi ngoài trời dưới một gốc cây, trên một tảng đá hay
trong phòng. Chúng ta có thể dạy chúng cách cầm sỏi và nói:
Bụt ơi!
Đây là viên sỏi của
con. Con sẽ thực tập với nó khi có những điều bất ổn xảy đến cho con trong
ngày. Bất cứ khi nào con giận dữ, bấn loạn, con sẽ cầm viên sỏi trong tay và thở
thật sâu. Con sẽ thực tập như vậy cho đến khi nào con thấy bình an trở lại.
Chúng ta khuyến khích
con em mình mang theo hòn sỏi bên người. Trong ngày, khi nào có chuyện gì xảy
ra làm chúng không hạnh phúc, chúng có thể thò tay vào túi, nắm lấy hòn sỏi, thở
sâu và nói:
Thở vào, tôi biết tôi đang nổi giận
Thở ra, tôi chăm sóc cơn giận của tôi đàng hoàng.
Trong khi đang thở và
nói thầm như vậy, có thể chúng vẫn còn giận. Nhưng chúng sẽ được an toàn, bởi
vì chúng đang ôm ấp cơn giận như một bà mẹ đang ôm đứa con đang khóc của mình.
Sau khi thở như vậy một thời gian, cơn bão của chúng sẽ từ từ lắng xuống và
chúng có thể mỉm cười được với cơn giận.
Thở vào, tôi thấy cơn giận trong tôi
Thở ra, tôi mỉm cười với cơn giận.
Khi có thể mỉm cười
được, chúng có thể để hòn sỏi lại vào túi, để dành cho những lần thực tập khác.
Đây có thể là một cơ hội tốt để nhắc nhở con em mình rằng chăm sóc cơn giận như
vậy là ta đang có chánh niệm. Chánh niệm hoạt động giống như những tia nắng mặt
trời, không cần một cố gắng nỗ lực nào, mặt trời chiếu vào mọi thứ làm cho
chúng đổi thay. Dưới ánh sáng chánh niệm, cơn giận sẽ được chuyển hóa cũng giống
như muôn hoa đua nở dưới ánh nắng mặt trời.
Chúng ta có thể dạy
con em mình chăm sóc những cảm xúc sợ hãi hoặc giận dữ bằng cách ý thức về sự
phồng lên, xẹp xuống của bụng trong khi thở. Nếu khi chúng sợ hãi hoặc giận dữ
mà quên thực tập, chúng ta chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng để chúng nhớ quay về sự
thực tập.
Bữa Cơm Gia Đình
Cách đây vài năm, tôi
có hỏi một số trẻ em: “Mình ăn sáng để làm gì?” Một cậu bé trả lời: “Để có năng
lượng cho ngày đó.” Một em khác nói: “Ăn sáng là để ăn sáng.” Tôi nghĩ là đứa
bé thứ hai nói đúng hơn. Mục đích của việc ăn là để ăn.
Chúng ta nên cố gắng
ít nhất mỗi ngày có một bữa ăn chung với toàn gia đình. Ăn chung với nhau,
chúng ta có thể nuôi dưỡng sự hòa hợp và tình thương yêu trong gia đình. Chúng
ta có thể đọc những lời quán nguyện trước khi ăn (một người đọc hoặc cùng đọc
chung với nhau). Chúng ta sử dụng tài năng, tính sáng tạo của mình để làm cho bữa
ăn trở nên vui vẻ, thoải mái và dễ chịu.
Thực Tập
Chúng ta ngồi yên lặng,
thở vào thở ra ba lần. Nhìn nhau mỉm cười, nhận diện sự có mặt của nhau và ăn
trong im lặng ít nhất là hai phút đầu. Chúng ta có thể đọc lời quán nguyện trước
khi ăn theo cách thức dành cho trẻ em:
Thức ăn này là tặng
phẩm của đất, trời, mưa, nắng.
Chúng con xin gởi niềm
biết ơn đến với tất cả những người làm nên thức ăn này, đặc biệt là người nông
dân, người bán hàng và mẹ (ba, anh, chị…) người nấu ăn hôm nay.
Chúng con nguyện chỉ
lấy thức ăn vừa đủ để tập ăn uống điều độ.
Xin nhai thức ăn chậm
rãi để khỏi đau bao tử và có thể thưởng thức thức ăn một cách trọn vẹn.
Chúng con nguyện ăn
thức ăn này để tập hiểu, tập thương nhiều hơn.
Vì muốn nuôi dưỡng
thân tâm lành mạnh, hạnh phúc, muốn thương yêu nhau như anh chị em một nhà nên
chúng con xin thọ nhận thức ăn này.
Thực tập ăn cơm như
thế không khó. Để xứng đáng thọ nhận thức ăn này, chúng ta chỉ cần ăn cho có
chánh niệm. Nếu ăn không có chánh niệm thì ta không dễ thương với thức ăn,
không dễ thương với những người đã làm ra thức ăn cho ta. Tôi ưa nhắc nhở mình
ăn cho có chừng mực. Thức ăn đóng một vai trò quan trọng giúp tôi sống vui khỏe,
lành mạnh. Vì vậy, tôi nguyện chỉ ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn
ngừa tật bệnh. Cả người lớn và trẻ em đều có thể thực tập như vậy.
Thỉnh Chuông
Được ngồi thở chung với
nhau là một điều rất quý giá. Quý giá ở chỗ là mỗi chúng ta đều có thể tự thở
trong chánh niệm, nhưng khi cả gia đình ngồi lại với nhau để thở những hơi thở
nhẹ nhàng ý thức thì sẽ tạo ra một nguồn năng lượng kỳ diệu có khả năng ôm hết
mọi người. Nhiều trái tim sẽ trở thành một trái tim, nhiều lá phổi sẽ trở thành
một buồng phổi. Nếu trong gia đình có ai đó đang nổi giận hoặc cãi cọ nhau thì
ta nên thỉnh lên một tiếng chuông.
quyền thỉnh chuông
khi không khí trong gia đình không được bình an. Khi anh mình nổi giận hoặc mẹ
mình khóc thì đó là lúc rất cần thỉnh lên một tiếng chuông. Một người nào đó đến
bên chuông và thỉnh lên một tiếng chuông để mọi người trong gia đình có thể thực
tập ba hơi thở vào – ra trong chánh niệm. Nếu chúng ta thực tập như vậy, thở
vào thở ra chín lần vào buổi sáng, buổi tối và bất cứ lúc nào trong gia đình
không đủ bình an thì chỉ trong vòng một tuần thôi nhà mình sẽ bình yên và hòa hợp
hơn.
Thực Tập
Tôi có nhiều người bạn,
trong đó có một số bạn trẻ, rất thích thực tập thỉnh chuông và lắng nghe
chuông. Buổi sáng, trước khi đến trường, họ ngồi xuống, thỉnh chuông và thưởng
thức những hơi thở vào – ra. Ăn sáng bằng những tiếng chuông, hơi thở chánh niệm,
họ có thể bắt đầu một ngày bình yên, an lành và vững chãi. Vì vậy, thay vì chúc
nhau “một ngày an lành”, chúng ta có thể bắt đầu một ngày an lành bằng tiếng
chuông và hơi thở chánh niệm. Trước khi đi ngủ, cả nhà có thể ngồi lại thực tập
nghe chuông và thở chung với nhau. Cảnh tượng đó rất đẹp, rất bình an.
Cách thực tập thỉnh
chuông cho trẻ em và người lớn đều giống nhau. Chúng ta xá chuông, đặt chuông
trong lòng bàn tay và thực tập thở vào, thở ra theo bài thi kệ trước khi thức
(nhấp) chuông:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gởi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn.
Thực tập thi kệ xong,
chúng ta bắt đầu thức chuông. Hãy để cho mọi người có đủ thời gian để chuẩn bị
thân tâm, đủ thời gian cho một hơi thở vào và một hơi thở ra. Kế đó, chúng ta
thỉnh lên một tiếng chuông. Sau tiếng chuông, mọi người sẽ thở vào, thở ra ba lần
theo bài thi kệ:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
Hãy lắng nghe thật
sâu và cảm nhận sự sung sướng yên lắng của lòng mình. Đó là sự thực tập an lạc.
Sau đó, thỉnh tiếp tiếng chuông thứ hai. Thở vào thở ra chậm rãi ba lần. Rồi thỉnh
tiếng chuông cuối cùng. Thở vào thở ra ba lần nữa và đặt chuông xuống trên đế
chuông.
Các em nhỏ khi thỉnh
chuông nên nhớ rằng hơi thở vào – ra của các em ngắn hơn hơi thở vào – ra của
người lớn. Vì vậy sau khi thỉnh chuông, thở vào thở ra ba lần, em nên thở thêm
một hoặc hai hơi nữa để người lớn có thể thưởng thức trọn vẹn ba hơi thở vào ra
của họ. Chúng ta nên thong thả và phóng khoáng bởi vì nghe chuông là lúc để
chúng ta có mặt với chính mình, tận hưởng chính mình, tận hưởng sự bình an và tận
hưởng cuộc sống. Tôi có thể ngồi như vậy lắng nghe chuông cả giờ đồng hồ hoặc
hơn nữa mà không chán. Ngồi như thế nuôi dưỡng và trị liệu cho tôi rất nhiều.
Thiền Sỏi
Tôi thường thích mang
theo trong túi mình vài viên sỏi. Trong túi tôi không có thẻ tín dụng, tiền bạc
hay thuốc lá. Chỉ có một tờ giấy, một cái chuông nhỏ và vài thứ đại loại như thế…
Những viên sỏi này nhắc nhở tôi rằng loài người chúng ta được sinh ra như những
bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Nếu không biết cách bảo dưỡng niềm vui tươi,
chúng ta sẽ đau khổ và sẽ không có đủ những phẩm chất đẹp, lành để hiến tặng
cho người ta thương.
Thực Tập
Chúng ta hãy may một
cái túi nhỏ và bỏ vào đó bốn viên sỏi. Mọi người có thể ngồi với nhau thành
vòng tròn. Một em bé hoặc ai đó trong gia đình có thể làm người thỉnh chuông.
Sau khi thỉnh ba tiếng chuông và theo dõi hơi thở của mình, chúng ta lấy những
viên sỏi ra, để lên nền nhà phía bên tay trái. Dùng tay phải nhặt lấy một viên
sỏi lên và ngắm nhìn. Viên sỏi đầu tiên tượng trưng cho một bông hoa, cho sự
tươi mát và bản tính hoa của mình.
Đặt viên sỏi trong
lòng bàn tay trái và đặt bàn tay trái lên bàn tay phải để bắt đầu thiền tập về
hoa:
Thở vào, tôi thấy tôi là một bông hoa
Thở ra, tôi thấy tươi mát.
Lặp lại “là hoa –
tươi mát” ba lần.
Đây không phải là tưởng
tượng, bởi vì chúng ta thật sự là một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Hãy
nhìn mình như một bông hoa và luôn mỉm cười trong suốt buổi thiền quán bởi vì một
bông hoa thì luôn tươi cười. Thực tập “là hoa – tươi mát” ba lần. Sau đó lấy
viên sỏi ra và đặt xuống bên phải mình.
Kế đó nhặt viên sỏi
thứ hai lên và ngắm nhìn nó. Viên sỏi này tượng trưng cho núi. Núi tượng trưng
cho sự vững chãi. Mình là chính mình, mình đang yên ổn và vững chãi. Nếu không
vững chãi, chúng ta không thể hạnh phúc thực sự, chúng ta sẽ bị những khiêu
khích, giận dữ, sợ hãi, tiếc nuối, lo âu kéo đi. Chúng ta nên thực tập thiền sỏi
trong tư thế ngồi là tốt nhất, bởi vì trong tư thế bán già hay kiết già, thân
thể ta sẽ rất an ổn và vững vàng. Thậm chí nếu có ai đó đến xô ta, ta cũng
không bị ngã. Đặt viên sỏi thứ hai lên tay trái và bắt đầu thiền quán về núi:
Thở vào, tôi thấy tôi là núi
Thở ra, tôi thấy vững vàng.
Lặp lại “là núi – vững vàng” ba lần.
Khi vững vàng, chúng
ta sẽ không còn run sợ, thân tâm ta sẽ không còn lung lay nữa.
Viên sỏi thứ ba tượng
trưng cho nước tĩnh. Thỉnh thoảng, ta thấy có những hồ nước mà mặt hồ rất tĩnh
lặng, phản chiếu được tất cả những gì in lên đó. Nước tĩnh có thể phản chiếu được
trời xanh, mây trắng, núi đồi, rừng cây… Chúng ta có thể lấy máy hình, chụp cảnh
trời xanh, mây trắng, núi đồi in lên mặt nước mà cảnh vật trông giống như trên
không vậy. Khi tâm ta yên lắng, nó sẽ phản chiếu hết tất cả những gì trong ta.
Chúng ta không còn là nạn nhân của tri giác sai lầm nữa. Còn khi tâm ta bị tán
loạn bởi giận dữ, hận thù, ganh tị, thì chúng ta sẽ tiếp nhận mọi thứ một cách
sai lệch. Tri giác sai lầm gây cho ta nhiều giận hờn, sợ hãi, bạo động, khiến
ta nói hoặc làm những điều gây đổ vỡ, tàn hoại. Vì thế, sự thực tập này giúp ta
hồi phục lại sự bình an, tĩnh lặng của mình được tượng trưng bởi nước tĩnh.
Thở vào, tôi thấy tôi là nước tĩnh
Thở ra, tôi thấy mình lặng chiếu.
Lặp lại “nước tĩnh –
lặng chiếu” ba lần.
Điều này không phải
là điều mơ tưởng mà với chánh niệm chúng ta có khả năng đem sự tĩnh lặng bình
an vào hơi thở, thân thể và cảm thọ của mình.
Viên sỏi thứ tư tượng
trưng cho không gian và tự do. Nếu không đủ không gian trong lòng, chúng ta sẽ
khó có hạnh phúc. Khi chưng hoa, chúng ta hiểu rằng những bông hoa cần không
gian để tỏa chiếu vẻ đẹp của chúng. Mỗi người trong chúng ta cũng cần có một
khoảng không gian như vậy. Nếu chúng ta yêu thương người nào, một trong những
điều quý giá nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho người đó là không gian. Điều
này chúng ta không thể mua được ở siêu thị. Chúng ta hãy quán tưởng mặt trăng
đang đi ngang trên bầu trời, mặt trăng có rất nhiều không gian xung quanh, đó
là một phần làm nên vẻ đẹp của trăng. Nhiều vị đệ tử Bụt đã mô tả Bụt như một vầng
trăng mát đi ngang trời thái không.
Thở vào, tôi thấy mình là không gian
Thở ra, tôi thấy thênh thang.
Lặp lại “không gian –
thênh thang” ba lần.
Ai cũng cần tự do và
không gian. Có không gian ta thấy mình thật thênh thang và bao la. Vì vậy chúng
ta phải hiến tặng không gian cho những người thương trong gia đình. Thực tập
bài thiền sỏi này, chúng ta có thể hiến tặng cho nhau một món quà không áp đặt
mọi người theo ý kiến hoặc cách thức riêng của mình. Như vậy, chúng ta có thể
giúp mọi người trong gia đình lấy đi những lo lắng, sợ hãi và oán thù trong
lòng.
Phòng Thở
Mỗi gia đình nên có một
phòng thở, hoặc ít nhất là một góc để ngồi yên và thở. Ở đó, chúng ta có thể đặt
một chiếc bàn nhỏ, một bình hoa, một cái chuông nhỏ và vài cái gối ngồi đủ cho
mọi người trong gia đình. Mỗi khi chúng ta thấy bứt rứt khó chịu hoặc buồn rầu,
giận dữ, chúng ta có thể đi vào phòng thở, đóng cửa lại, ngồi xuống, thỉnh một
tiếng chuông và thực tập hơi thở chánh niệm. Thở như vậy trong vòng mười, mười
lăm phút, ta sẽ thấy khỏe nhẹ hơn. Nếu không thực tập như vậy, ta có thể đánh mất
mình, rồi sinh ra cãi cọ, la mắng hoặc đánh đập nhau, tạo nên những cơn bão tố
trong gia đình.
Trong một khóa tu mùa
hè ở Làng Mai, tôi có hỏi một em bé trai: “Con, khi ba con giận, con có làm được
gì để giúp ba con không?” Cậu bé lắc đầu trả lời: “Con không biết phải làm gì cả.
Con sợ lắm và chỉ biết chạy trốn.” Những đứa trẻ đến Làng Mai đều được học về
phòng thở, vì vậy chúng có thể giúp ba mẹ khi ba mẹ nổi giận. Tôi đã dạy cậu bé
đó: “Con có thể mời ba mẹ con vào phòng thở và thở chung với con.”
Thực Tập
Mọi người trong gia
đình nên thỏa thuận và đồng ý với nhau về phòng thở hoặc góc thở của gia đình.
Khi nào thấy mọi người vui vẻ, chúng ta nên đề nghị mọi người thỏa thuận với
nhau điều này. Chúng ta có thể nói: “Thỉnh thoảng, chúng ta nổi giận. Chúng ta
có thể nói những điều gây tổn thương cho chính mình và gây tổn thương cho nhau.
Điều này làm cho mọi người thấy sợ hãi. Vì vậy lần tới, khi xảy ra chuyện gì,
chúng ta sẽ đi vào phòng thở và thỉnh chuông lên để nhắc nhở mọi người cùng thở
với nhau.” Nếu ta sống với đứa con duy nhất của mình, ta vẫn có thể thỏa thuận
điều này với con, để khi nào ta nổi giận thì con sẽ giúp ta.
Nếu vào một dịp đặc
biệt nào đó khi con mình đang hạnh phúc, nó sẽ rất háo hức đồng ý. Là một đứa
trẻ, nó rất tươi mát. Nó có thể đem sự tươi mát của nó để giúp đỡ ba mẹ. Nó có
thể nói với ba hoặc mẹ rằng: “Đi với con vào phòng thở đi, mình sẽ ngồi thở với
nhau. Ba mẹ chịu không?”
Nếu chỉ có một mình
ba đồng ý mà mẹ không đồng ý, thì khi mẹ nói điều gì không dễ thương, nó sẽ đến
nắm tay ba và nói với ba rằng: “Mình đi vào phòng thở đi.” Khi nghe thấy như vậy,
người mẹ có thể thức tỉnh.
Khi đã đi vào phòng
thở, đứa trẻ sẽ thỉnh lên tiếng chuông và Bụt sẽ bảo hộ cho chúng ta. Mọi người
trong gia đình đều có thể ký thỏa thuận rằng: “Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt,
khi nghe chuông trong phòng thở, mọi người trong nhà sẽ ngừng lại hết mọi chuyện
và chỉ có thở thôi. Không ai được tiếp tục nổi giận, quát tháo sau đó.” Cả gia
đình cùng cam kết ngừng lại để thở khi nghe chuông. Điều này được gọi là “Hiệp
ước sống chung an lạc”. Nếu chúng ta có khả năng thực tập phương pháp này ở nhà
thì chỉ sau ba tháng, chúng ta sẽ thấy không khí trong gia đình trở nên dễ chịu,
vui tươi hơn nhiều. Những vết thương lòng của các con sẽ được xoa dịu và dần dần
được chữa lành.
0 Đánh giá