Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 9. Thiền Lạy – Từ Quán
Thiền Lạy
Thực tập thiền lạy
giúp chúng ta trở về tiếp xúc với đất Mẹ, với những gốc rễ tổ tiên tâm linh,
huyết thống trong ta, để nhận ra rằng chúng ta không bao giờ đơn độc, mà ngược
lại, có một liên hệ mật thiết với tổ tiên tâm linh, huyết thống của mình. Chúng
ta thực tập thiền lạy để buông bỏ ý niệm mình là một cái ngã riêng biệt và để
nhắc nhở mình rằng chúng ta là đất Mẹ, là một phần của sự sống.
Khi thực tập thiền lạy,
chúng ta thấy mình trở nên nhỏ bé, khiêm cung và đơn giản như một đứa trẻ. Khi
lạy xuống, tiếp xúc với đất, chúng ta thấy mình trở nên to lớn, vĩ đại như một
cây cổ thụ có nhiều rễ cắm sâu vào lòng đất, hút nước từ tất cả các nguồn. Thiền
lạy cũng giúp ta nuôi dưỡng những đức tính kiên trì, vững chãi của đất và nhờ đất
chuyên chở, chuyển hóa những khổ đau trong ta như giận dữ, tham lam, thù hận, sợ
hãi, bất mãn, buồn tủi v.v…
Thực Tập
Chúng ta chắp tay búp
sen và từ từ lạy xuống trong tư thế phủ phục, năm vóc sát đất (hai tay, hai
chân và trán). Để cho năm vóc của ta được nghỉ ngơi thật thoải mái trên sàn
nhà. Khi lạy xuống, hai tay chúng ta ngửa ra để dâng lên Tam Bảo con người thật
của mình và thể hiện việc ta không giấu giếm bất kỳ một điều gì cả. Chúng ta chỉ
muốn tiếp nhận năng lượng vững chãi và kiên trì của đất cũng như gởi vào đất những
khổ đau hệ lụy của mình để nhờ đất chuyển hóa. Sau một, hai lần thực tập thiền
lạy, ta sẽ thấy bớt khổ đi nhiều và không còn cảm thấy cô đơn nữa. Chúng ta sẽ
hòa giải được với cha mẹ, con cái, bạn bè và tổ tiên của mình.
Thiền lạy khi thực tập
với tăng thân sẽ có nhiều lợi ích hơn. Một người có thể ngồi chuông và hướng dẫn.
Người đó có thể đọc lớn Năm Cái Lạy và thỉnh chuông cho mọi người lạy xuống.
Khi thực tập một mình, chúng ta có thể ghi âm hoặc nhớ lại nội dung của năm cái
lạy để tự hướng dẫn cho mình.
Năm Cái Lạy
Lạy Thứ Nhất
(Xướng)
Trở về kính lạy, liệt
vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi
người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy cha mẹ mà
xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của
con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và
đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như
tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang
trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của
các thế hệ tổ tiên. Những yếu kém, những tồn tại và những khổ đau truyền đạt lại,
con đang tu tập để chuyển hóa. Những năng lượng của trí tuệ, của kinh nghiệm và
của thương yêu mà liệt vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim con và
xương thịt con để tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông bà, tổ
tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ. Xin cha mẹ, ông bà và tổ
tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm năng lượng cho con. Con biết
rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó; con biết cha mẹ nào, ông bà nào cũng
thương yêu, đùm bọc và hộ trì cho con cho cháu, dù khi sinh tiền có lúc gặp phải
khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu và sự đùm bọc đó. Con
thấy cha ông của con, từ Lạc Long Quân qua các vua Hùng và biết bao nhiêu thế hệ
những người khai sáng đất nước, mở rộng cõi bờ, gìn giữ núi sông và hun đúc nên
nếp sống Việt Nam có thủy, có chung, có nhân, có hậu. Con là sự tiếp nối của liệt
vị. Con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của dòng họ và tổ tiên của
gia đình huyết thống con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì cho con.
Lạy Thứ Hai
(Xướng)
Trở về kính lạy, Bụt
và tổ sư, truyền đăng tục diệm, gia đình tâm linh, qua nhiều thế hệ.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi
người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy thầy con,
con thấy sư ông của con, người đã dạy cho con biết hiểu, biết thương, biết thở,
biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại. Con thấy, qua thầy
của con, qua sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua
các thời đại: các vị tổ sư Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Vạn Hạnh,
Đại Đăng, Tuệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang, Nguyên Thiều, Liễu Quán;
con tiếp xúc được với các vị Bồ Tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, người đã khai
sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ hai ngàn sáu trăm năm nay. Con biết Bụt
là thầy con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con. Con thấy trong con có chất liệu
nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao tăng, và năng lượng của liệt vị
đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết
và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hóa cho gia đình huyết thống của
con, đã làm đẹp, làm lành nếp sống đất nước của con và của dân tộc con. Bụt đã
làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn minh, điều này con thấy
rõ trong nền văn minh Lý – Trần. Con biết nếu không có Bụt, có tổ, có thầy thì
con không biết tu tỉnh và thực tập an lạc cho con và cho gia đình con. Con mở rộng
trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự
che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ thánh tăng, gia đình tâm
linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế hệ tổ tiên tâm linh của
con. Xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho con nguồn năng lượng
thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện tu tập để chuyển hóa
và để truyền cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của tổ và của thầy.
Lạy Thứ Ba
(Xướng)
Trở về kính lạy, liệt
vị tiền nhân, khai sáng đất nước, sông núi khí thiêng, hàng ngày che chở.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi
người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con thấy con đang đứng
trên đất nước này và tiếp nhận công ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này,
trước hết là các vua Hùng, rồi các vị lãnh đạo các triều Tiền Lê, Tiền Lý, Ngô,
Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn cùng với các thế hệ tổ tiên và với biết bao
nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi đã đem tài trí, kiên nhẫn và chịu
đựng để làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của bao nhiêu giống dân đủ
các màu da; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường sá, chợ
búa; đã thiết lập nhân quyền, luật pháp, phát minh khoa học làm cho mức sống được
nâng cao. Con tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã sinh sống trên
đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên nhiên. Con sống ở
đây, học hòa hợp với thiên nhiên, với con người, và con cảm thấy năng lượng của
đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con xin nguyện tiếp
tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Con xin nguyện góp phần
chuyển hóa những bạo động căm thù và vô minh còn tồn tại trong xã hội này. Xin
liệt vị phù hộ độ trì cho chúng con.
Lạy Thứ Tư
(Xướng)
Trở về kính lạy, gia
đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, cho người con thương.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi
người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Những nguồn năng lượng
vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền đạt cho cha con, cho mẹ con,
cho những người con thương yêu: những người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng,
đã từng buồn khổ vì con, vì những vụng về và dại dột của con trong quá khứ, và
cũng đã từng lo lắng buồn khổ vì hoàn cảnh khó khăn và không may của các vị.
Con xin truyền đạt nguồn năng lượng ấy để nguyện cầu và tiếp sức cho cha con,
cho mẹ con, cho anh chị em của con, cho tâm hồn họ lắng dịu lại, cho khổ đau
trong lòng (những) người ấy được chuyển hóa, cho (những) người ấy nở được nụ cười,
cho (những) người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho (những) người ấy được nhẹ
nhàng trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu mong cho (những)
người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có an lạc thì con
cũng có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không có oán hận trách móc những
người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên, ông bà trong gia đình huyết thống và
trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho người con thương, cho những
người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con không còn là một
cái ta riêng biệt mà con đã trở thành một với những người con thương.
Lạy Thứ Năm
(Xướng)
Trở về kính lạy, gia
đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, người làm khổ con.
(Chuông, lạy xuống)
(Vị duy na đọc để mọi
người quán niệm theo trong tư thế năm vóc sát đất.)
Con mở rộng lòng ra để
truyền đi năng lượng hiểu biết và lòng xót thương của con tới những người đã
làm con khổ đau và điêu đứng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau,
đã chứa chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi
những khổ đau và bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được
may mắn, có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị
cuộc đời dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa
được may mắn được học, được tu, đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc đời
và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin gia
đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho (những) người
ấy, để cho trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lồ mà nở ra được như một
bông hoa. Con chỉ cầu mong cho người ấy được chuyển hóa để người ấy tìm ra được
niềm vui sống, để không còn giữ tâm hận thù mà tự làm khổ mình và làm khổ người.
Con biết vì những người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và làm
khổ những người con thương. Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho
gia đình con khổ, dân tộc con điêu đứng, kể cả những kẻ xâm lăng, cướp nước, những
người hải tặc, những kẻ ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Bụt, ơn tổ, ơn
tiền nhân mà cải hóa. Con thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế
hệ và con không muốn giữ tâm niệm sân hận, oán thù. Con không muốn cho họ khổ.
Con có gốc rễ nơi tổ tiên, nơi dòng họ huyết thống và dòng họ tâm linh; trái
tim con đã nở ra như một đóa hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi hiềm hận, một
lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ con, làm khổ gia đình và dân tộc con được
thoát vòng tai nạn và đớn đau, để họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống
và an lạc như con. Tâm con không còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con
xin truyền đạt năng lượng của con cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt, lạy tổ, lạy
ông bà chứng minh cho con.
Du Lịch
Nhiều người trong
chúng ta có thói quen thích đi du lịch. Ngay cả khi đi nghỉ mát hoặc đến một
trung tâm tu học, chúng ta cũng còn nghĩ tới chuyện đi và muốn lên kế hoạch cho
những chuyến đi của mình. Ở Làng Mai, chúng ta hạn chế đi ra ngoài vì thời gian
tu học rất quý giá. Ở đây có nhiều yếu tố nuôi dưỡng hạnh phúc, bình an như rừng,
cây xanh, tiếng chim hót, quý thầy, quý sư cô và thiền sinh từ khắp nơi đến để
thực tập. Năng lượng tập thể của tăng thân là điều quý giá nhất. Vì vậy chúng
ta nên dành hết thời gian cho sự thực tập.
Thông thường, khi đến
một trung tâm tu học mà ta thấy thư giãn, thoải mái, dễ chịu như nhà của ta thì
khi phải rời nơi ấy ta cảm thấy buồn. Nhưng chúng ta biết rằng chúng ta luôn có
trong nhau. Ở đâu, đi đâu ta cũng có mọi người – không đi đâu cũng không cần đến.
Khi về nhà, chúng ta luôn nhớ quay về với hơi thở. Chúng ta biết rằng bạn bè ở
Làng Mai và tăng thân trên khắp thế giới cũng đang thở với chúng ta.
Thực Tập
Ngày khởi hành cho
chuyến đi của mình, chúng ta nên thỉnh chuông trước giờ khởi hành mười lăm phút
để ra xe. Chúng ta phải chuẩn bị trước mọi thứ để khỏi phải hấp tấp, khỏi phải
trễ nải và khỏi để người khác chờ mình. Chúng ta đi thong thả trong chánh niệm,
rồi vào xe tìm chỗ ngồi. Chúng ta ngồi giữ lưng thẳng và theo dõi hơi thở.
Chúng ta có thể ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên bên ngoài và đừng để cho những
cuộc chuyện trò lôi kéo mình.
Khi về nhà, chúng ta
nhớ tiếp tục giữ sự thực tập của mình. Khi học được cách sống hòa hợp trong
tăng thân, chúng ta có thể tiếp tục vun trồng, tưới tẩm và áp dụng cách sống
hòa hợp ấy trong gia đình và xã hội. Chúng ta đã học cách hiểu và trân quý những
người bạn đồng tu thì chúng ta cũng biết hiểu và trân quý đồng nghiệp, láng giềng
của mình. Chúng ta cũng có thể thực tập nói lời ái ngữ với những hành khách
trên xe buýt, giống như ta đã nói với quý thầy và quý sư cô ở làng. Cho dù đi
đâu, chúng ta cũng có thể thực tập chánh niệm được.
Bất kể ở đâu và lúc
nào chúng ta cũng có thể quay về nương tựa vào sự thực tập hơi thở ý thức, ăn
cơm chánh niệm, sử dụng ái ngữ, lắng nghe sâu và nhiều sự thực tập thú vị khác.
Thực tập được như vậy, chúng ta sẽ thấy mình không đơn độc mà tương quan mật
thiết với mọi người mọi loài, chúng ta trở nên rộng lớn như một cộng đồng, một
tăng thân. Chúng ta không còn là một cá nhân nữa.
Từ Quán
Thương yêu, trước hết là chấp nhận chính mình như mình đang là. Vì vậy, trong từ quán, “hiểu mình” là yếu tố đầu tiên của sự thực tập. Hiểu được mình, chúng ta sẽ biết được những điều kiện làm nên con người mình, nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận chính mình, chấp nhận những khổ đau lẫn hạnh phúc của mình.
Một ngày kia, vua Ba
Tư Nặc hỏi hoàng hậu Mallika: “Hoàng hậu, trong thế gian này, có ai thương
hoàng hậu như hoàng hậu thương mình không?” Hoàng hậu cười và đáp lại bằng một
câu hỏi khác: “Tâu hoàng thượng, trong thế gian này, có ai thương hoàng thượng
hơn hoàng thượng thương bản thân mình không?” Rồi một ngày nọ, họ kể cho Bụt
nghe câu chuyện đó và Bụt nói: “Đúng rồi. Trên thế gian này không có ai thương
mình hơn chính mình thương mình. Tâm chúng ta đi khắp mười phương thế giới
nhưng sẽ không tìm thấy ai khác để yêu thương hơn chính nó. Khi hiểu được yêu
thương chính mình quan trọng như thế nào, chúng ta sẽ không làm cho người khác
đau khổ nữa.”
Metta nghĩa là “từ”.
Chúng ta bắt đầu với lời nguyện: “Mong sao cho con được…” Kế tiếp, chúng ta
nâng dần cấp độ những lời nguyện của mình lên, nhìn sâu vào tất cả những đặc
tính tích cực và tiêu cực của đối tượng thiền quán, mà trong trường hợp này, là
chính bản thân mình. Thiện chí thương yêu chưa thật sự là thương yêu. Chúng ta
cần nhìn sâu với cả con người chúng ta để có thể hiểu được thương yêu là gì.
Không phải chúng ta lặp đi lặp lại những từ ngữ thương yêu, hay bắt chước người
khác, hoặc cố gắng để đạt được vài lý tưởng nào đó là chúng ta biết thương yêu.
Thực tập từ quán cũng không phải là tự kỷ ám thị. Không phải chúng ta ngồi đó
mà nói rằng: “Tôi thương mình. Tôi thương tất cả mọi người mọi loài.” Chúng ta
phải nhìn sâu vào thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức của chúng
ta. Trong vài tuần, nguyện ước thương yêu của ta sẽ trở thành một ước muốn sâu
sắc. Tình thương sẽ đi vào những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta,
chúng ta sẽ thấy thân tâm mình trở nên bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng hơn.
Chúng ta được an toàn, không vướng vào tai nạn, giận dữ, phiền não, sợ hãi và
lo âu.
Khi thực tập, chúng
ta cần quán chiếu để biết mình có được bao nhiêu bình an, hạnh phúc và nhẹ
nhàng. Chúng ta có lo lắng về những tai nạn, rủi ro hay không, trong ta có bao
nhiêu sự giận dữ, bực dọc, sợ hãi, băn khoăn, lo lắng? Ý thức được những cảm thọ
trong ta, ta sẽ hiểu chính mình sâu hơn. Ta sẽ hiểu được rằng chính những sợ
hãi, bất an góp phần vào những nỗi buồn khổ của ta. Qua đó ta sẽ thấy được giá
trị của việc yêu thương chính mình và nuôi dưỡng một trái tim từ bi.
Trong từ quán, giận dữ,
phiền não, sợ hãi và lo lắng thuộc tâm hành bất thiện và tiêu cực, chúng lấy đi
bình an và hạnh phúc của ta. Giận dữ, sợ hãi, lo lắng, thèm khát, thù hận và vô
minh là những phiền não lớn trong thời đại của chúng ta. Nhưng bằng cách sống
chánh niệm, chúng ta có thể đối diện với chúng, chuyển hóa chúng để tình thương
của ta trở thành hành động thiết thực.
Thực Tập
Đây là một bài thiền
tập được phỏng theo tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận của ngài Buddhaghosa, hệ thống
hóa những lời dạy của Bụt vào thế kỷ thứ năm sau Thiên chúa giáng sinh.
Mong sao cho thân tâm
tôi được an lạc và nhẹ nhàng.
Mong sao cho tôi được
sống an toàn, không vướng vào tai nạn.
Mong sao cho trong
tâm tôi không có giận hờn, phiền não, sợ hãi và lo lắng.
Mong sao cho tôi biết
nhìn tôi bằng con mắt hiểu biết và thương yêu.
Mong sao cho tôi nhận
diện và tiếp xúc được với những hạt giống của niềm vui và hạnh phúc.
Mong sao cho tôi nhận
diện và thấy được cội nguồn của những giận hờn, tham đắm và si mê trong tôi.
Mong sao cho tôi biết
nuôi dưỡng tôi mỗi ngày bằng những niềm vui
Mong sao cho tôi được
sống tươi vui, vững chãi và thảnh thơi
Mong sao cho tôi
không rơi vào thái độ dửng dưng và không kẹt vào hai mặt vướng mắc và ghét bỏ.
Để thực tập từ quán,
chúng ta ngồi yên cho thân tâm lắng dịu, theo dõi hơi thở và đọc thầm những lời
nguyện đó. Ngồi là một tư thế thích hợp cho sự thực tập này. Khi ngồi yên,
chúng ta không bị bận rộn bởi những vấn đề khác. Vì vậy, chúng ta có thể nhìn
sâu vào chính mình, chấp nhận mình như mình đang là, tưới tẩm, vun trồng tình
thương cho chính mình và tìm cách hay nhất để bày tỏ tình thương với mọi người
mọi loài.
Chúng ta bắt đầu thực
tập từ quán từ chính mình (Mong sao cho tôi…). Không có khả năng thương mình và
chăm sóc chính mình thì chúng ta không thể giúp ai được cả. Sau khi thực tập với
tự thân, chúng ta mới thực tập với những người khác. (Mong sao cho người ấy/họ
được bình an, hạnh phúc và nhẹ nhàng, trong thân và trong tâm). Trước hết,
chúng ta thực tập với người mình thích, sau đó với người bình thường, rồi đến
người mình thương và cuối cùng là người làm khổ mình.
Theo lời Bụt dạy, con
người được làm nên từ năm yếu tố, gọi là skandhas (uẩn) theo tiếng Sanskrit.
Năm uẩn đó là sắc thân, cảm thọ, tri giác, tâm hành và ý thức. Trong đó, chúng
ta là thầy địa lý và năm uẩn là lãnh thổ của chúng ta. Để biết được tình trạng
thật sự đang xảy ra trong ta, ta phải biết được lãnh thổ của mình, kể cả những
yếu tố bên trong đang đấu tranh với nhau. Để có được sự hòa hợp, hòa giải và trị
liệu cho tự thân, chúng ta phải hiểu được chính mình. Quán chiếu, lắng nghe sâu
và nghiên cứu lãnh thổ của mình là bước khởi đầu để thực tập từ bi quán.
Trước hết, chúng ta
hãy nhìn sâu vào sắc thân và đặt câu hỏi: Sắc thân tôi bây giờ như thế nào?
Trong quá khứ sắc thân tôi đã như thế nào? Và sẽ như thế nào trong tương lai?
Sau đó, chúng ta thiền quán về người ta thích, rồi đến người bình thường, kế đến
là người ta thương và cuối cùng là người ta ghét. Chúng ta cũng bắt đầu quán
chiếu về sắc thân của người đó. Theo dõi hơi thở vào – ra, quán tưởng về khuôn
mặt của người đó, cách người đó đi, đứng, nói, cười, rồi quán chiếu về tình trạng
tim, phổi, thận, tất cả các cơ quan nội tạng của người đó. Chúng ta cần đủ thời
gian để quán chiếu và ý thức về những chi tiết này. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng
sự thực tập phải luôn bắt đầu bằng chính mình. Khi chúng ta thấy rõ về năm uẩn
của chính mình thì thương yêu, hiểu biết sẽ phát sinh một cách tự nhiên, chúng
ta sẽ biết được những gì nên làm và không nên làm.
Nhìn sâu vào sắc thân
để thấy mình có an lạc không, hay là đang đau khổ vì bệnh tật. Nhìn vào những
tình trạng của phổi, tim, gan, ruột, thận… để thấy chúng đang như thế nào và ta
cần phải chăm sóc chúng cho đàng hoàng hơn. Cách chúng ta ăn, uống, hành xử,
nói năng, làm việc chứng tỏ là ta có tình thương và từ bi với ta không. Thông
thường, chúng ta hành xử theo những tập khí thâm căn cố đế của mình, nhưng khi
nhìn sâu chúng ta thấy rằng quả là có nhiều tập khí đã tàn hại thân tâm mình.
Vì vậy, chúng ta phải tìm cách chuyển hóa những tập khí đó để có một sức khỏe tốt
và sinh lực tràn đầy.
Tiếp theo, chúng ta
quán chiếu về cảm thọ của mình, chúng ta đang có lạc thọ, khổ thọ hay trung
tính. Những cảm thọ trôi chảy trong ta như một dòng sông và mỗi cảm thọ là một
giọt nước trong dòng sông ấy. Nhìn vào dòng sông cảm thọ để thấy được mỗi cảm
thọ hình thành như thế nào. Điều gì ngăn cản hạnh phúc của mình và thực tập hết
lòng để chuyển hóa chúng. Tập tiếp xúc với những yếu tố mầu nhiệm, tươi mát, trị
liệu có sẵn trong ta và chung quanh ta. Thực tập như vậy, chúng ta sẽ trở nên mạnh
mẽ hơn, có khả năng thương yêu chính mình và người khác hơn.
Sau đó, chúng ta thiền
quán về những tri giác của mình. Bụt đã quán chiếu và thấy được rằng: “Người
đau khổ nhất trên đời là người có nhiều tri giác sai lầm và hầu hết những tri
giác của chúng ta là sai lầm.” Trong bóng tối, thấy một con rắn, chúng ta hoảng
sợ và la lên, nhưng khi có một người rọi đèn pin vào, thì ta thấy đó chỉ là một
sợi dây thừng. Chúng ta phải biết những tri giác sai lầm nào làm mình đau khổ.
Chúng ta phải viết xuống câu thần chú: “Có chắc không?” thật đẹp trên một mảnh
giấy, đính lên tường để quán chiếu và thực tập. Từ quán giúp chúng ta học cách
nhìn nhận sự vật, sự việc một cách rõ ràng và bình thản, đồng thời cải thiện được
cách nhận thức của mình.
Tiếp theo là quán chiếu
những tâm hành, những ý niệm, khuynh hướng thúc đẩy mình nói và hành xử. Thực tập
nhìn sâu để khám phá thực tánh của các tâm hành ấy. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi ý
thức cá nhân và ý thức chung của mọi người trong gia đình, tổ tiên, xã hội như
thế nào? Thực tập quán chiếu, chúng ta sẽ thấy được những tâm hành bất thiện
gây cho ta nhiều rối loạn, khổ đau; trong khi đó, những tâm hành thiện sẽ mang
lại cho ta nhiều tình thương, hạnh phúc và giải thoát.
Cuối cùng, chúng ta
quán chiếu về thức. Theo lời Bụt dạy, thức giống như một thửa ruộng trong đó có
đủ loại hạt giống: hạt giống từ, bi, hỷ, xả; hạt giống giận dữ, sợ hãi, lo lắng
và hạt giống chánh niệm. Thức là một cái nhà kho chứa đựng tất cả những hạt giống,
tất cả mọi khả năng có thể phát khởi lên trong tâm ý mình. Nếu tâm mình bất an,
đó có thể là do những ham muốn và những cảm thọ trong tàng thức sai sử. Để sống
an lạc, chúng ta phải ý thức về những khuynh hướng, những tập khí trong ta để
thực tập chuyển hóa và có khả năng làm chủ chính mình. Đây là sự thực tập bảo hộ
để chăm sóc thân tâm được lành mạnh. Chúng ta phải nhìn sâu vào bản chất những
cảm thọ để tìm cho ra gốc rễ của nó, để thấy được những cảm thọ nào cần phải
chuyển hóa, những cảm thọ nào mang lại an vui và lành mạnh cần nuôi dưỡng.
0 Đánh giá