Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời
Chương 1. Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời
Nguồn suối phát sinh
của đạo Phật là một sự giác ngộ về sự thật của cuộc đời (tứ diệu đế), vì vậy đạo
Phật có tính cách vượt lên trên cuộc đời. Sự vượt lên ở đây là một kết quả tất
nhiên của giác ngộ, vì mọi giác ngộ đều đưa tới một sự thức tỉnh và giải phóng.
Con người giác ngộ không còn là con người bị sai sử và chìm đắm trong cuộc đời
nữa. Con người giác ngộ là con người tự do, vượt ra khỏi những tối tăm, quên
lãng và phó mặc của cuộc đời.
Nhưng vượt lên trên
cuộc đời không có nghĩa là phủ nhận cuộc đời, ghét bỏ cuộc đời. Nếu chỉ có một
sự ghét bỏ, xa lánh, trốn chạy thì chưa có thể gọi là vượt lên. Đó chỉ là một sự
chán nản hoặc khiếp sợ. Vượt lên ở đây bao hàm một ý chí khỏe mạnh, một ý thức
giải thoát, một thái độ khinh thường khổ đau. Và được trang bị đầy đủ những bản
lĩnh ấy rồi, con người giác ngộ đi vào cuộc đời với tất cả can đảm và thiện chí
để chuyển hóa cuộc đời.
Những con người giác
ngộ đi vào cuộc đời bao giờ cũng đem theo tâm niệm giải thoát, không tham đắm,
không cố chấp. Có như thế ta mới thấy được tính chất của sự vượt lên
(transcendance) trong thái độ dấn thân vào cuộc đời (engagement) của những con
người giác ngộ. Tính chất vô trước (détachement) của hành động là một bằng chứng
cụ thể chứng minh cho sự hiện hữu của giác ngộ.
Vô trước có nghĩa là
không bị dính vào. Cố nhiên con người giác ngộ sẽ không những không bị dính vào
tham vọng, quyền hành và lợi danh mà còn không bị dính vào những cố chấp có tính
cách tri thức như quan điểm và sự phân biệt nhân ngã nữa. Đó là thái độ tự do,
vô tâm, vô trú của các bậc Bồ tát mà kinh Kim Cương Bát Nhã đã diễn tả trong rất
nhiều đoạn (1). Bàn luận đến đề tài đem đạo Phật đi vào cuộc đời, chúng ta phải
ý thức được những điểm trên của giáo lý tức là các nguyên lý vượt lên, dấn thân
và vô trước, thì mới có thể tránh khỏi được những sai lạc căn bản.
Ngay cái mệnh đề đạo
Phật đi vào cuộc đời cũng đã không được ổn thỏa, bởi vì phân tích nó ta sẽ có cảm
tưởng đạo Phật là một cái gì đang ở bên ngoài cuộc đời và vì vậy cần phải đem
nó đi vào trong cuộc đời. Sự thực thì không phải như vậy. Đạo Phật đã được phát
sinh từ trong lòng của cuộc đời, đã được nuôi dưỡng bởi cuộc đời và đang tồn tại
vì cuộc đời. Nếu đạo Phật đã có mặt trong cuộc đời rồi vậy thì cần phải đem nó
đi vào cuộc đời làm gì nữa?
Tuy nhiên nếu ta quan niệm đạo Phật như những nguyên lý của sự giác ngộ cần được thể hiện trong cuộc đời thì ta sẽ thấy rằng có những lúc, vì khả năng thể hiện thiếu kém, ta đã không đích thực làm hiển lộ được đạo Phật trong cuộc đời, trong sự sống, và như thế thực chất của đạo Phật vắng mặt mà chỉ có một số những hình thái khô chết của đạo Phật là hiện hữu. Nếu không có thực chất, thì những hình thái kia (như kinh điển, giáo đường, nghi lễ…) đều là những hình thái khô chết. Chính đức Phật và các vị tổ sư thiền tông đã nhắc nhiều đến điều đó.
Vì vậy cho nên đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Sinh lực ấy được nhận
thức qua những dấu hiệu sau đây mà chúng tôi xin lần lượt trình bày:
1. Sự hiện diện vô
hành của đạo đức
2. Sự hiện diện của
ngôn ngữ đạo đức
3. Sự hiện diện hữu
hành của đạo đức
_________________
(1) Ví dụ: Tu Bồ Đề, nếu có một vị Bồ Tát nói rằng: “Ta phải cứu
độ cho vô lượng chúng sanh” thì vị ấy không phải là Bồ Tát nữa. Vì sao thế Tu Bồ
Đề ? Vì thực ra không có gì có thể được mệnh danh là Bồ Tát cả. Vì vậy Phật thường
nói rằng mọi hiện tượng đều vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả.
Sự Hiện Diện Vô Hành Của Đạo Đức
Sự hiện diện vô hành
của đạo đức tức là bản chất của tự thân đạo đức, là nguồn suối của mọi hình
thái đạo đức. Chữ vô hành ở đây tức là không có hình thái của sự hành động.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương, cuốn kinh đầu tiên bằng chữ Sanskrit được dịch ra chữ
Hán, có một đoạn nói về điều ấy: “ngã Pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu” (1).
Câu kinh này, ngoài ý niệm “vô trước” về nhận thức và về hành động, còn mang ý
nghĩa của sự vô hành của đạo đức. Sự hiện diện của đạo đức vô hành là một dòng
suối an lạc và mầu nhiệm tuôn chảy vào con người và vào sự sống, tuôn chảy một
cách hồn nhiên và giản dị như sự hiện diện của ánh sáng trong không gian. Dòng
suối ấy được khơi mở do công trình thực hiện tâm linh của người hành giả trên
con đường tu chứng. Ai cũng biết rằng tam tạng giáo điển của Phật giáo không có
giá trị như những lời tuyên bố về chân lý mà chỉ có giá trị như những kinh nghiệm
và những phương pháp hướng dẫn công cuộc thực nghiệm tâm linh để người hành giả
chứng được chân lý. Chứng ở đây không có nghĩa là một sự nhận thức bằng suy luận
mà là một sự xúc tiếp thẳng với bản thân thực tại, một sự thể nhập thực tại
không cần đến khí cụ tri thức suy luận.
Được hướng dẫn bởi
kinh nghiệm và bởi những phương châm diễn bày trong giáo lý, người hành giả cố
quyết thâm nhập (không phải bằng trí tuệ hay tình cảm của mình) vào thế giới của
những nguyên lý sinh động của thực tại. Công phu ấy có khi kéo dài nhiều năm,
nhiều chục năm, và kết quả nhiều hay ít sẽ là tùy theo khả năng và sự quyết
chí. Một khi tiếp xúc thẳng được với bản thân của thực tại, (có khi gọi là chân
như, có khi gọi là thực tính, có khi gọi là như lai tạng tính…) thì tự nhiên có
một sự chuyển đổi đột ngột nơi con người của kẻ hành giả. Con người hành giả trở
nên một hóa thân của đạo đức, một bông hoa của trí tuệ giác ngộ và mọi hành động
của hành giả tự nhiên phù hợp với nguyên lý của đạo đức. Lúc ấy ở nơi con người
đạt đạo, không có gì mà không phải là đạo. Ngồi yên không làm gì hết cũng là đạo.
Sự hiện diện của những con người như thế tức là sự hiện diện vô hành của đạo đức.
Sự hiện diện của một con người như thế có thể làm cho núi rừng xanh hơn, có thể
làm cho dòng sông trong hơn. Đứng về phương diện nghiệp lực cộng đồng, sự xuất
hiện của một con người như thế báo hiệu những ngày mai tốt đẹp cho toàn thể. Ảnh
hưởng của một nguồn đạo đức vô hành như thế sẽ là đáng kể đối với thế giới của
những hoạt động náo nhiệt hữu vi mà động lực thúc đẩy chỉ là sự tính toán thiệt
hơn. Sự hiện diện của một con người đắc đạo, dù là không ai biết tới, cũng như
là sự xuất hiện của một giếng nước thơm trong giữa vùng sỏi đá khô khan cằn cỗi.
Sự chứng ngộ của một
nhà hành đạo được xem như là một năng suất đạo đức lớn lao và quý báu nhất
trong phạm vi đạo đức, tôn giáo, và văn hóa nữa. Người đạt đạo có thể không giảng
dạy, không viết lách, không khuyên can, không tổ chức, không cày bừa, nhưng vẫn
đóng góp cho nhân loại những gì quý giá nhất, hiếm có nhất mà một xã hội ta
không thể thiếu được. Nhà thống kê kinh tế học không thấy được yếu tố quan trọng
đó của sản xuất. Làm thế nào mà biết được rằng bao nhiêu phần trăm của một hạt
lúa là do công trình của một câu ca dao. Ta hãy lấy ví dụ một đám đông đang hốt
hoảng trước tai biến, và sự đóng góp của một con người giữ được trầm tĩnh. Nhờ
sự trầm tĩnh của một người mà đám đông bớt hoảng sợ và do đó còn đủ sáng suốt
tìm ra phương pháp thoát khỏi tai biến. Hoặc sự có mặt của một người bạn đức hạnh
trong cuộc xung đột gia đình. Người cha ấy, người bạn ấy tuy chỉ ngồi yên không
làm gì cả nhưng sự có mặt của họ có thể tránh được cho gia đình cảnh xung đột
chắc chắn có thể xảy ra nếu họ vắng mặt. Đạo đức vô hành tuy không hành nhưng
quả thực là đã hành một cách rất có hiệu quả. Đọc Đạo đức Kinh ta chỉ có thể thấy
được cái vỏ khô cứng của Lão học nhưng nếu sống một giờ bên cạnh Lão Tử chắc chắn
là ta thấy được cái bản thân của Lão Học. Đọc nhiều về thiền học sao cho bằng
được nhìn cặp mắt của một vị thiền sư hay nghe được tiếng cười của người. Cũng
như đọc hết tam tạng kinh điển Phật giáo chưa chắc đã bằng được sống vài ba
phút bên cạnh đức Phật. Bên cạnh hiện thân của chân như ấy, nghĩa là bên cạnh
diòng suối chân lý ấy, ta thấy được hình ảnh linh động của chân lý tỏa hiện nơi
con người, ta vốc uống được thứ nước trong lành của bản thể. Điều đó cho ta biết
tại sao các vị đệ tử đồng sinh vào thời Phật đã có thể chứng ngộ dễ dàng như
kinh điển thường chép. Trong thời Phật tại thế, ít có những thắc mắc những nghi
vấn về giáo lý bởi vì chính bản thân Phật đã là một bài giáo lý sống động rồi.
Nhìn thấy Ngài, người nghi mấy cũng phải tin, người ác mấy cũng phải hiền, người
yếu mấy cũng phải mạnh. Cho đến khi Ngài nhập diệt rồi mà hình bóng Ngài, phẩm
cách Ngài cũng còn đủ sức hướng dẫn cho giáo đoàn được thống nhất và thuần hòa
gần suốt một thế kỷ.
Bao nhiêu hoạt động
thuộc phạm vi tôn giáo đạo đức nếu không bắt nguồn cảm hứng từ sự đạt đạo, từ
tâm linh con người, đều có thể là những hoạt động vô bổ phát xuất từ động cơ
danh lợi, tính toán. Thiếu chất liệu đạo đức trong cơ thể, con người không thể
hành chính đạo mà chỉ có thể hành tà đạo. Cho nên nhân loại phải thắp hương nơi
nào có một bậc chân tu xuất hiện. Cố nhiên bậc chân tu không mọc nhiều như nấm
sau cơn mưa. Bậc chân tu không phải như những dấu tích linh ứng mọi người nghe
tiếng tìm tới dâng hương. Bậc chân tu không phải là người có vài thủ thuật mới
lạ như tiên tri, chữa bệnh, có thể thâu hút được nhiều người ham mộ. Bậc chân
tu là sự hiện diện, trước hết, của đạo đức vô hành. Nhìn vào người, thiên hạ thấy
lòng mình thêm tin tưởng, thêm trầm tĩnh, thêm ý thức, thêm thương yêu cuộc đời
và xây dựng cho cuộc đời một cách chân thành. Bậc chân tu là một nguồn cảm hứng
vô tận cho mọi hoạt động đạo đức và tôn giáo chân chính. Thắp hương nơi nào có
bậc chân tu xuất hiện có nghĩa là nhận thức được giá trị cao cả của sự chứng ngộ,
của đạo đức chân thực. Người chân tu có thể chưa là bậc thánh nhưng nhất định
không còn là kẻ phàm. Kẻ phàm là kẻ hành sự trên động cơ danh lợi và tà kiến,
chứ không hẳn là kẻ nói dối, uống rượu và ăn thịt. Người chân tu hiếm có nhưng
không phải không thể nhận thức được. Ngồi với một người nào mà ta thấy tâm hồn
thanh tịnh, an lạc, tin tưởng, ta thấy khởi động trong lòng ta ý hướng trong sạch
hướng về phụng sự thì ta biết ít nhiều người ấy cũng đã là bậc chân tu. Người
chân tu giản dị như ánh sáng, như khí trời, cho muôn loài sự sống mà không ai
hay biết. Người chân tu như mạch nước thấm trong lòng đất, trẻ con hái hoa tím
hoa vàng trên thảm cỏ mà không biết đồng cỏ và bông hoa là tặng phẩm của dòng
nước trong. Sự hiện diện của những bậc chân tu mang lại nhiều an lạc cho cuộc đời,
nhưng chính niềm tin mới thực là phẩm vật quý giá nhất của người chân tu hiến tặng.
Sự hiện diện của người chân tu chứng minh sự hiện diện của đạo đức chân thực,
chứng minh khả năng của con người; chứng minh tính cách khả hành của giáo lý đức
Phật, hoặc nói cho rộng là giáo lý của các bậc hiền nhân.
Chúng ta không thể sản
xuất ra các bậc chân tu. Chúng ta chỉ tạo nên những điều kiện cho các bậc chân
tu xuất hiện. Vì vậy chúng ta có những tăng viện, nhất là những viện thiền học
để làm nơi sinh hoạt thực tập cho con người muốn quyết tâm đạt đến sự chứng ngộ
bằng phương pháp thiền quán. Thường thường những người từ hai mươi tuổi trở lên
nếu quyết chí từ bỏ mọi ước muốn về cuộc đời để một tâm một chí đạt cho được sự
giác ngộ thì gọi là những người xuất gia. Ai cũng biết rằng đạo Phật xác nhận
khả năng tính giác ngộ của tất cả mọi người và vì vậy theo nguyên tắc ai cũng
có thể xuất gia được. Tuy nhiên trên bình diện thực tế, người xuất gia phải có
đủ một cách tương đối những điều kiện sức khỏe, trí tuệ và ý chí, bởi vì con đường
xuất gia đạt đạo là một con đường gian khổ đòi hỏi những chuẩn bị tâm lý và
sinh lý rất kỹ lưỡng. Cố nhiên ở Thiền tông sự thông hiểu chữ nghĩa không được
xem như là tiêu chuẩn đứng đắn nhất để chọn lựa: tuy vậy trường hợp Huệ Năng là
một trường hợp hiếm có trên đời (2).
Trong xã hội xưa, người
xuất gia để gần trọn thì giờ mà tham thiền, và dốc toàn lực vào công việc tiến
tới giác ngộ. Y thực, lương dược và nơi cư trú là do sự cúng dưỡng của những
người cư sĩ áo trắng. Những bậc đạt đạo được quần chúng tôn sùng và học hỏi.
Các vị đem nhân phẩm của mình ra làm những bài thuyết pháp và thường gần gũi với
cuộc đời bằng cách du hóa khất thực. Đoàn thể xuất gia thời Phật giáo nguyên thỉ
so với số lượng người xuất gia ở các nước Phật giáo bây giờ thì quả thực là ít ỏi.
Nhưng sau đó, tự viện phát triển và giới xuất gia càng lúc càng đông. Hãy nhìn
vào xã hội Thái Lan, Cam Bốt, Tây Tạng ta sẽ thấy điều đó. Một khi đoàn thể xuất
gia đã đông đảo, tự nhiên phát sinh ra những vấn đề như sau :
1. Phải xây cất thêm
nhiều tự viện và phải tổ chức lại giới bạch y để có thể cung cấp đầy đủ các nhu
yếu lương thực, cư trú, thuốc men và y phục cho tăng giới. Giới Phật tử cư sĩ
trở nên quan trọng và các tự viện bắt đầu phải chiều chuộng những sở thích của
người cư sĩ. Trong các kinh điển như Kinh Duy Man, Kinh Thắng Man… người cư sĩ
không còn được coi như chỉ là những thí chủ cung dưỡng chư tăng để tạo phước đức
nữa mà là những người có thể hành bồ tát hạnh và đạt tới địa vị khá siêu phàm về
tâm linh. Giới Bồ tát cho cư sĩ cũng phản chiếu điều đó. Mà ta phải công nhận
vai trò ủng hộ đắc lực của người cư sĩ trong công cuộc phát triển cơ sở giáo hội.
Người cư sĩ bây giờ không còn xa cách quá với người xuất gia về phương diện uy
tín đạo đức. Do vai trò đóng góp của họ trong sự tạo dựng tự viện, ủng hộ hoằng
pháp, cung dưỡng tăng ni, ý kiến và sở thích của họ được tôn trọng hơn lên. Điều
này còn có thể thấy ngay trong hiện tại. Chế độ cúng dường (cung dưỡng) vẫn còn
đang tồn tại, mà phần lớn các trường hợp là cung dưỡng cá nhân một vị tăng. (Thực
ra chữ tăng – sangha – có nghĩa là một đoàn thể; một vị không thể gọi là tăng
được). Sự cung dưỡng đúng chính pháp là một sự cung dưỡng vô điều kiện. Nhưng
ai cũng biết người cư sĩ bây giờ ít biết thế nào là cung dưỡng đúng chính pháp.
Họ cung dưỡng vì cảm tình riêng với từng vị mà họ mến chuộng, họ cung dưỡng vì
muốn được học hỏi riêng hay được thỏa mãn riêng về các nhu cầu cầu siêu, cầu an
hay về tình thầy trò, tình môn phái huynh đệ. Những bậc chân tu không chịu các
điều kiện ấy thì lại hay bị quên lãng và thiếu điều kiện để tiến tu. Sức khỏe
thiếu kém họ có thể bỏ cuộc nửa chừng. Còn những vị chiều theo sở thích của người
áo trắng thì lại không có tự do và thì giờ để thực hiện chí nguyện buổi ban đầu.
2. Đã đông đảo thì cố
nhiên khó giữ được tinh túy. Thế rồi xuất hiện những vị hình đồng xuất gia mà
tâm niệm chưa xuất gia. Cùng với nhu cầu tín ngưỡng (chứ không phải nhu cầu đạo
đức) càng ngày càng tăng của quần chúng, nhu cầu cầu an, cầu siêu, đám ma, đám
chay vân vân, một số lớn những người xuất gia trở nên những nhà chuyên môn về tụng
niệm, cầu nguyện. Những vị này cần thiết cho quần chúng thực, nhưng họ đã bỏ mất
ý nguyện ban đầu (sơ tâm xuất gia) là quyết đạt được giác ngộ. Thêm vào những
nhu yếu tín ngưỡng thuần túy, còn có những nhu yếu mới thuộc phạm vi tổ chức
giáo hội mà xã hội bây giờ đòi hỏi; người xuất gia phải đem hết thì giờ làm các
công việc từ giảng diễn, tổ chức, hội họp, dạy dỗ, chăm sóc bệnh xá, vân vân…
cho đến các công việc rất mới như làm tuyên úy trong quân đội chẳng hạn. Vì thế
mục đích đạt đạo của người xuất gia hầu như là không còn nữa và đó là một vấn đề
lớn lao cho Phật giáo. Cố nhiên sự hiện diện của người tăng sĩ trong mọi cơ cấu
xã hội là một sự cần thiết không ai không công nhận, nhưng nếu thiếu mất nguồn
cảm hứng của đạo đức vô hành thể hiện nơi người đạt đạo thì có thể có sự cạn
khô của thực chất đạo pháp nơi chính những hoạt động được gọi là hoạt động cho
đạo pháp ấy.
Xã hội ngày nay bắt
buộc phải có mặt của người Phật tử trong các cơ cấu tổ chức của nó, nếu Phật
giáo muốn không bị đứng ngoài. Nhưng đứng trong không những chỉ là đứng trong với
hình thức suông mà phải là với một hình thức chứa đựng nội dung nữa. Vì vậy vấn
đề đặt ra cho chúng ta phải là kêu gọi tất cả các vị xuất gia trở về tu viện lo
chuyện công phu thiền quán mà làm sao gây dựng lại những cơ sở thật đứng đắn thật
vững chãi cho số những người nguyện chuyên tu đạt đạo. Số người này sẽ ít ỏi,
nhưng hết sức quý giá, bởi vì mỗi khi có một vị tìm tới được nguồn suối đạt đạo
thì tất nhiên cả chúng ta, tất cả dân tộc và nhân loại ta đều được thừa hưởng.
Năm bảy vị như thế đủ để cho chúng ta sung sướng rồi. Mà có được hàng mấy mươi
vị thì đó quả thực là hồng phúc cho dân tộc. Những bậc hiện đang hoạt động cho
Phật giáo trong các cơ cấu xã hội sẽ như những cành lá tốt tươi bắt gốc từ những
bậc đạt đạo đó, hoặc là những bậc đang cương quyết chí tâm tiến bước trên con
đường đạt đạo đó. Họ sẽ trở về sống mỗi năm ba tháng bên cạnh những bậc tăng sĩ
hoàn toàn xuất thế này để mà nhìn, để mà nghe, để mà cảm, để mà tĩnh tu, mà võ
trang lại tâm hồn mình, ước nguyện mình, lý tưởng mình, để trong chín tháng dưới
núi sẽ giữ vẹn được tâm hồn và ý chí của những chàng dũng sĩ cần thiết cho cuộc
đời (3). Có như thế bản chất của đạo đức vô hành, của trí tuệ giác ngộ, của những
nguyên lý Phật giáo linh động mới từ nguồn suối của nó chuyền qua người đạt đạo,
thấm tới người hành đạo và cuối cùng được thể hiện trong cuộc đời. Ta hãy tạm gọi
dòng tu của những con người đi sâu hoàn toàn vào địa vức thuần túy tâm linh là
dòng tu thể nhập và dòng tu của những người hành đạo (hay hóa đạo? Xin để quý vị
xét) là dòng tu tiếp hiện. Thể nhập nghĩa là thể hiện và thâm nhập những nguyên
lý linh động của thực tại, của Phật học.
Cũng có nghĩa là, bằng
cách thâm nhập vào biển giác ngộ tâm linh, thể hiện sức sống của giác ngộ trên
bản thân mình như một hiện thân của đạo đức vô hành. Xin nói thêm rằng đạo đức
đây phải được hiểu như một sự phát hiện của nghệ thuật sống mà không phải là những
hành động được quy định như “luân lý” hay “công dân giáo dục.” Mọi cử chỉ ngôn
ngữ của người đạt đạo đều tự nhiên là đạo đức, không ý thức, không cố gắng mệt
nhọc. Cũng giống như trạng thái “tùng tâm sở dục nhi bất du củ” của Khổng Khưu
khi Ngài đến tuổi sáu mươi. Thành ra đạo đức là sự sống; sự sống là nghệ thuật
và vì vậy đạo đức là nghệ thuật. Một nghệ sĩ đạt đến nguồn của nghệ thuật rồi
thì nói ra là thơ, vạch ra là họa… Người hành đạo đạt đến nguồn rồi thì ăn uống
nói cười tất cả là đạo. Kẻ phàm phu bắt chước ăn như thế uống như thế nói như
thế cười như thế cũng không thành người đạt đạo được. Có khi trái với đạo là
khác. Cho nên đạo Phật không phải là một bó luân lý và giáo điều cứng cỏi.
Còn chữ tiếp hiện có
nghĩa là tiếp nhận và thực hiện. Tiếp nhận nguồn sinh lực đạo pháp do những nhà
tu thể nhập khơi mở và đem nó thực hiện trong cuộc đời. Thành thử giữa các nhà
tu thể nhập quần chúng trong cuộc đời, nhà tu tiếp hiện đóng trách nhiệm của một
ngang nối, một trait d’union, và số người này phải khá đông để có thể cung cấp
cho nhu cầu tôn giáo và đạo đức càng ngày càng tăng của xã hội mới. Những nhà
tu trong dòng này sẽ đem ý chí năng lực và tâm hồn của mình để thực hiện một ít
nguyên chất của đạo Phật trong cuộc đời, và kho tàng của họ là những bậc trong
dòng tu thể nhập mà họ được gần gũi và học tập ba tháng mỗi năm. Và khi họ đã
chắc chắn rằng thời gian phụng sự của họ đã tạm đủ và muốn cố quyết thực nghiệm
sâu sắc chân lý, họ sẽ phát nguyện trở về tu viện vĩnh viễn để mà hạ thủ công
phu cho lý tưởng đạt đạo. Cố nhiên vì đã dứt khoát chín chắn và đã am hiểu về
cuộc đời, về giá trị của sự chứng ngộ, nên họ sẽ trở nên nhất tâm nhất chí trên
con đường đạt đạo và do đó, dễ đạt được kết quả mau chóng và tốt đẹp.
Để đạt đến một kết quả
như thế, giáo hội sẽ phải tổ chức trang bị hoặc tu chỉnh năm bảy tu viện hết sức
trang nghiêm trong toàn quốc để làm cơ sở cho những nhà tu dòng thể nhập. Những
vấn đề cư trú, lương thực, y phục, thuốc men, thư viện… phải được bảo đảm để
cho các nhà tu khỏi phải bận tâm. Chấm dứt vấn đề cúng dường cá nhân trong các
tu viện. Chấm dứt sự lễ bái du ngoạn thính pháp của người bạch y tại tu viện.
Không khí tu viện sẽ trang nghiêm và tự do; tự do ở đây có nghĩa là không bị uốn
nắn theo sở thích và đòi hỏi của bất cứ người cư sĩ bạch y nào hoặc tổ chức tài
chính hay xã hội nào. Các vị trong dòng tu sẽ tạo ra không khí thuận tiện cho sự
thiền quán. Tu viện chỉ mở cửa mỗi năm ba tháng để tiếp nhận những vị trong
dòng Tiếp Hiện. Cố nhiên phải có cả tu viện cho nữ giới, tuy rằng ta biết số lượng
sẽ vào khoảng một phần ba.
Chúng ta sẽ có dịp trở
lại vấn đề này trong những phần sau. Hiện giờ ta cần đi sang phần thứ hai tức
là sự hiện hữu của ngôn ngữ đạo đức.
_________________
(1) Phương pháp của Ta là phương pháp thực hành hạnh “vô hành,”
tu chứng hạnh “vô tu.”
(2) Tương truyền thiền sư Huệ Năng không biết chữ nhưng đã trở
nên cao đệ thứ nhất của ngũ tổ Hoằng Nhẫn.
(3) “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” chuyện ngắn của tác giả. Báo Hải Triều
Âm số 11 ngày 2-7-1964.
Sự Hiện Hữu Của Ngôn Ngữ Đạo Đức
Có sự hiện diện của
chứng ngộ tức là có sự cố gắng để diễn tả những chứng ngộ ấy. Ngôn ngữ của chứng
ngộ là một ngôn ngữ mang đầy sinh lực chứ không phải như ngôn ngữ của suy luận
và của giả thiết huyền đàm. Ngôn ngữ là phương tiện dùng để cảm thông và vì vậy
cần phải thích hợp với người nghe và người nói. Ta hãy hiểu chữ ngôn ngữ ở đây
theo nghĩa những phương thức diễn đạt, những lề lối diễn đạt. Ngôn ngữ thiền
tông chẳng hạn, thực là đặc biệt. Có khi là một cái vẫy tay, có khi là một cuộc
đối thoại mà người ngoại cuộc không hiểu Ất Giáp gì cả, có khi là một bài kệ
hay một câu chuyện đi thẳng vào lòng người không cần qua trung gian phân tích
suy luận. Ngôn ngữ giác ngộ luôn luôn là ngôn ngữ cho một thời đại nào, cho một
lớp người nào, chứ không phải là ngôn ngữ cho muôn thời và muôn xứ. Ngôn ngữ
giác ngộ là một phương tiện diễn đạt và hướng dẫn sự thực hiện giác ngộ và sự
áp dụng giác ngộ đó trong cuộc đời. Và bởi vì con người của mỗi thời đại một
khác, mỗi xã hội một khác, nên ngôn ngữ giác ngộ phải thích hợp với thời gian,
phương sở, trí tuệ và tâm lý con người.
Trước hết ta phân biệt
những nguyên lý Phật giáo linh động và giàu có mà người đạt đạo có thể xúc tiếp
thẳng tới được, và những phương tiện diễn đạt các nguyên lý ấy cho hợp thời hợp
cảnh, những phương tiện mà ta gọi là “pháp môn” (cửa đi vào chân lý) hay là những
hệ thống giáo lý thích hợp với từng thời đại, từng phương sở. Các nguyên lý ấy,
theo Thiền Tông, không có thể diễn tả trực tiếp được mà chỉ có thể tự mình thực
nghiệm (thân chứng). Ngôn ngữ chỉ có giá trị hết sức tương đối và chỉ có thể
làm những đồ án chỉ dẫn cho sự thực nghiệm mà thôi. Thế cho nên qua lịch sử hai
ngàn năm trăm năm Phật học đã có biết bao nhiêu hình thái ngôn ngữ, bao nhiêu hệ
thống giáo lý để cố gắng diễn tả sự chứng ngộ trong cuộc đời. Bao nhiêu tông
phái đã thành lập. Các vị thiền sư ngộ đạo nếu không viết sách thì cũng để lại
những bài thơ bài kệ hay các mẩu đối thoại còn được ghi trong các cuốn ngữ lục.
Ngày nay xã hội đã biến đổi một cách căn bản, những phương thức diễn đạt cũ, những
hệ thống giáo lý cũ có thể không còn thích hợp hoặc có thể không gây nổi sự cảm
thông với con người mới trong xã hội mới. Cho nên ngôn ngữ Phật học phải hợp với
thời cơ, pháp môn của thời đại phải đáp ứng được với nhu cầu của thời đại. Mà
pháp môn ấy, giáo lý ấy không thể do sự suy tư trong tháp ngà mà sản xuất ra.
Đó phải do sự chứng ngộ đích thực tuôn trào ra, phải được đặt trên nền tảng khế
lý và khế cơ. Khế lý là không trái chống với những nguyên lý Phật học, nói một
các khác hơn, là bắt nguồn từ sự giác ngộ. Khế cơ nghĩa là phù hợp với khát vọng
nhu cầu và lề lối nhận thức của con người mới, của xã hội mới. Có được hai tính
chất khế lý và khế cơ rồi thì ngôn ngữ Phật giáo sẽ tràn đầy sinh lực, sẽ đủ hiệu
lực hướng dẫn được cho con người trong công cuộc thực nghiệm chân lý và thể hiện
chân lý trong sự sống. Chứng ngộ không có nghĩa là nghe và đọc xong giáo lý bằng
lý trí suy luận. Nghe và đọc chỉ mới là giai đoạn đầu của sự thực nghiệm giáo
lý trong quá trình văn, tư, tu, chứng (nghe, suy tư, thực nghiệm và chứng ngộ).
Như đã nói trên, ngôn ngữ giác ngộ chỉ là phương tiện chỉ dẫn cũng như chiếc bè
dùng để qua sông, chiếc bè không phải là sự sang sông; cũng như ngón tay chỉ mặt
trăng, ngón tay không phải mặt trăng (1). Nếu ôm chặt ngón tay và cho là mặt
trăng thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Phải nương vào ngón tay như một
phương tiện để thấy được mặt trăng. Cũng vì không muốn cho môn đệ chấp chặt rằng
kinh điển là chân lý mà thật ra chỉ là phương tiện chỉ bày chân lý cho nên đức
Phật đã nói: “trong bốn mươi chín năm thuyết pháp ta chưa từng thuyết một chữ.”
Và chấp lấy phương tiện làm cứu cánh tức là làm oan ức cho chư Phật, mà bỏ mất
phương tiện đi thì cũng không có cách gì đạt đến cứu cánh (2). Những người
không thực tập, không tham thiền, không đem thân mệnh mình đi vào thế giới thực
nghiệm tâm linh thì sẽ không có chứng ngộ, dù chứng ngộ ít đi nữa, và do đó không
có gì để diễn tả cả. Dù có diễn tả thì cũng diễn tả một mớ suy tư về huyền học,
một mớ tưởng tượng về chân lý hoặc lập lại những điều ngày xưa các bậc tiền bối
đã nói. Nhưng tất cả những cố gắng đó đều không có hiệu quả. Diễn tả một mớ suy
tư về huyền học thì không thổi được sinh lực vào sự sống; và ngôn ngữ, dù mang
danh là ngôn ngữ đạo Phật, sẽ không chứa đựng sinh khí của sự đạt đạo, của sự
phát minh. Ngôn ngữ ấy không hướng dẫn được thực nghiệm, không lay chuyển được
con người, không đủ sức tạo nên lực lượng cải tạo nếp sống cá nhân, hướng dẫn sự
sống xã hội. Còn lập lại những điều cổ nhân nói thì chỉ là làm công việc của một
chiếc máy hát hay một con vẹt. Ngôn ngữ đó sẽ không thích hợp, không đi được
vào lòng người, không phù hợp với những nhu cầu mới, băn khoăn mới, thắc mắc mới
của con người. Và cũng do đó, sự vắng mặt của ngôn ngữ đạo đức đích thực chứng
tỏ sự vắng mặt của đạo đức đích thực, nói một cách khác hơn, chứng tỏ sự vắng mặt
của những kẻ đạt đạo.
Nếu có sự hiện diện của
những kẻ đạt đạo thì tự nhiên có tiếng nói của đạo Phật, bởi vì kẻ đạt đạo
không thể thờ ơ với cuộc sống dù là với cuộc sống đầy dẫy những vấn đề khó khăn
hiện tại. Có sự hiện diện của kẻ đạt đạo tức là sớm muộn gì cũng có tiếng nói của
họ, và tiếng nói ấy là một pháp môn, một giáo lý, một prajnapti cho thời đại.
Ta vẫn còn tin tưởng rằng dòng giống của người đạt đạo chưa tuyệt diệt. Ta phải
sửa soạn tâm hồn cho thanh tịnh để có thể nghe tiếng nói của ngôn ngữ giác ngộ,
lắm lúc đơn giản vắn tắt nhưng là cứu tinh của thế hệ chúng ta.
Nếu pháp môn của thời
đại phải khế lý và khế cơ thì pháp môn ấy phải do người của thời đại khai thị.
Khai thị nghĩa là mở bày, chỉ dẫn. Mà người của thời đại có công phu thực nghiệm
tâm linh, có nhận thức thâm thiết về trạng huống và những vấn đề cấp thiết của
cuộc đời, thì chỉ có những vị trong hai dòng tu Thể Nhập và Tiếp Hiện. Một bên
thì tràn đầy giác ngộ (lý), một bên thì thông hiểu căn cơ (cơ). Công trình của
một ngôn ngữ đạo đức của thời đại, như thế, phải là một công trình của cả hai
bên cùng chung một thao thức là đem đạo Phật đi vào cuộc đời.
Ngày xưa những vấn đề
xã hội và con người đơn giản hơn bây giờ nhiều. Ngày xưa, chỉ có nhu yếu về sự
hiện diện của một số người đạt đạo và dạy dỗ luân lý đạo đức cho quần chúng.
Ngày nay sự dạy dỗ thuyết pháp thiếu hẳn hiệu lực. Tâm lý con người vô cùng phức
tạp, trí tuệ con người vô cùng thắc mắc, sự sống con người vô cùng đau ốm, xã hội
con người trình bày nhiều vấn đề vô cùng rắc rối. Pháp môn không còn có thể chỉ
là những pháp môn chỉ dẫn cho cá nhân tu tập và dạy dỗ cho người bạch y biết
pháp thức cúng dường, giữ tam qui ngũ giới. Pháp môn phải là một pháp môn đáp ứng
lại được những nhu cầu giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị… Và vì, đạo
Phật phải có mặt trong mọi cơ cấu xã hội, người Phật tử phải có lý thuyết (pháp
môn) của thời đại về giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị…
Không có lý thuyết ấy,
không có pháp môn ấy, nói tóm lại, không có ngôn ngữ chính thức của đạo đức thời
đại thì người Phật tử biết nương vào đâu, nương vào đường lối nào, vào sự hướng
dẫn nào mà thể hiện Phật pháp vào cuộc đời ? Không tiếp thì làm sao có thể hiện?
Cho nên muốn đạo Phật có mặt trong cuộc đời thì phải có ngôn ngữ
mới, pháp môn mới. Trí tuệ đạt đạo phải quán chiếu vào tình trạng tâm lý, sinh
lý và xã hội của con người mới trên con đường thực nghiệm thiền quán để chứng
ngộ. Trí tuệ đạt đạo phải phối hợp với kiến thức chuyên môn về giáo dục và về
hiện tình giáo dục để cấu tạo nên pháp môn hướng dẫn nền giáo dục mới. Trí tuệ
đạt đạo phải phối hợp với kiến thức chuyên môn về văn hóa và về hiện tình văn
hóa để có thể cấu tạo nên một pháp môn hướng dẫn nền văn hóa mới.
Trong các địa vực
kinh tế, xã hội, chính trị, nông thôn, vân vân… cũng phải có những hoạt động
tương tợ. Nói tóm lại, căn cứ trên những nguyên lý Phật giáo, nói đúng hơn,
trên sự chứng đạt những nguyên lý Phật giáo, người Phật tử phải xây dựng những
lý thuyết về giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, vân vân… để ngôn ngữ
của đạo Phật được có mặt trong cuộc đời, làm điều kiện cho sự có mặt của mọi hoạt
động đạo pháp trong mọi cơ sở của cuộc đời. Chừng nào chưa có những lý thuyết
cho thời gian và phương sở hiện tại về các vấn đề ấy, chừng đó đạo Phật vẫn
chưa hoàn toàn có mặt. Cũng nên nhắc lại rằng các lý thuyết đó, các pháp môn đó
không phải chỉ là những xây dựng căn cứ trên suy luận suông. Phải có nền tảng
trên sự thực chứng, tức là phải khế lý. Và cũng không được lý tưởng quá để xa
lìa sự thực, tức là phải khế cơ. Cố nhiên Pháp môn sẽ là pháp môn của thời đại
của phương sở mà không phải là của muôn thời và muôn xứ.
Thực tế mà nói, ta
chưa thấy Giáo Hội Phật Giáo sắp đặt sự gặp gỡ giữa các bậc cao tăng chân tu với
các nhà giáo dục chuyên môn của xứ sở. Như vậy là ta chưa có pháp môn về đường
lối và kế hoạch giáo dục. Về văn hóa và về chính trị thì còn khả khứ. Còn về
kinh tế, xã hội, thì quả thực chưa có gì. Chưa có một đường lối một kế hoạch
kinh tế và xã hội nào cả. Bao giờ đạo Phật có thể tham dự vào việc hướng dẫn
phong trào của sự phân phối hợp lý và công bình lợi tức sản xuất, có thể gây niềm
tin cho quần chúng về một đường hướng kinh tế nhân bản, đạo đức, thiết lập trên
quan điểm tứ diệu đế ? Bao giờ hoạt động xã hội mới vượt được cái phạm vi nhỏ
bé và mệt nhọc của công tác từ thiện, nhỏ giọt từng giọt trên cái thiếu thốn
khát khao vô biên của những kẻ đau khổ để hướng dẫn một phong trào cách mạng xã
hội căn cứ trên tình thương và trên nguyên lý bất bạo động ? Giáo hội cần phải
cố gắng nhiều hơn nữa và Phật tử cần phải ý thức nhiều hơn nữa.
Như trên đã nói, pháp
môn bao giờ cũng được thích hợp với thời đại và phương sở để có thể được gọi là
một pháp môn. Căn cứ trên nguyên lý đạt đạo, có thể thiết lập tám vạn bốn ngàn
pháp môn, nghĩa là rất nhiều pháp môn. Tất cả các pháp môn ấy trong thời gian
và không gian mang màu sắc dị biệt, nhưng trên phương tiện bản chất vẫn được
căn cứ trên cùng những nguyên lý, cùng phát xuất từ một nguồn suối đạt đạo nhiệm
mầu. Bởi vậy sự khác biệt và có khi trái chống giữa các pháp môn với nhau chỉ
là sự dĩ nhiên, không có gì đáng để ta ngạc nhiên cả. Thời đại mới, địa phương
mới, điều kiện xã hội mới bắt buộc phải có những pháp môn mới. Luân lý và tập tục
cổ truyền, nói một cách khác hơn, những pháp môn đã được ứng dụng trong quá khứ
không thể là một sự cản trở, một chướng ngại cho sự tinh luyện và xây dựng nên
những pháp môn mới. Ví dụ ngày xưa người tu sĩ không được đi vào nơi quân
trung, nhưng ngày nay nhu cầu xã hội với tư cách những nhà tuyên úy. Ví dụ ngày
xưa người tu sĩ sinh hoạt trên nền tảng cung dưỡng, ngày nay người tu sĩ cần tự
túc để thoát khỏi những ràng buộc vô lý của những kẻ bạch y chưa hiểu đạo. Ví dụ
thời đại Long Thọ cần giáo lý không tuệ để phá chấp Hữu bộ, và thời đại Thế
Thân cần giáo lý Duy thức để tổng hợp Hữu bộ và Không bộ. Trong lịch sử giáo lý
Phật giáo đã có bao nhiêu sự chuyển mình của đạo Phật để hình thành những hệ thống
giáo lý mới. Mà mỗi lần chuyển mình để hình thành được một hệ thống khế lý khế
cơ như thế, sinh lực của đạo Phật lại được thổi vào từng luồng mạnh mẽ. Nhờ đó
mà đạo Phật phát triển mạnh mẽ không cần đến kế hoạch truyền giáo. Và cũng do
đó mà đạo Phật được xem như là một nền văn hóa tư tưởng hoàn toàn tự do chứ
không phải là một hệ thống những giáo điều cứng cỏi. Những giáo lý căn bản của
đạo Phật phải được nhận thức như những nguyên tắc hành động chứ không phải những
giáo điều. Ví dụ giáo lý Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Trong giáo lý Tứ diệu đế
ta thấy đức Phật đặt nguyên tắc và chỉ bày phương pháp để giải quyết bất cứ mọi
vấn đề nào. Trước hết là sự trình bày trạng huống thực tại, với những vấn đề mà
con người phải xác nhận sự hiện hữu để mà giải quyết. Những đau thương, khó
khăn và thắc mắc của con người cần được trình bày minh bạch và chính xác trong
phần đệ nhất đế ấy. Và sang đến phần thứ hai, đệ nhị đế, con người phải đi sâu
vào sự khảo sát các nguyên nhân, khảo sát một cách khách quan và kỹ lưỡng tất cả
những nguyên do nào đã làm phát sinh ra trạng huống được trình bày trong phần
thứ nhất. Phần thứ ba, đệ tam đế, là sự xác định rằng nếu có những nguyên do
trình bày trong phần thứ hai thì chắc chắn là sự cải biến trạng huống trình bày
tiêu diệt những nguyên do trình bày trong phần thứ hai ấy. Và trong phần thứ
tư, đệ tứ đế, con người đi tìm phương pháp thích hợp, con đường thích hợp để thực
hiện sự cải biến được trình bày nơi phần thứ ba. Ta không thấy giáo điều nào cả
mà chỉ có những nguyên lý hành động.
Về Bát chính đạo cũng
vậy. Bát chính đạo nêu rõ tầm liên hệ giữa thân khẩu ý và giới định tuệ trên
quá trình hành đạo và chứng đạo. Ta chỉ thấy kiến giải chân chính, tư duy chân
chính, ngôn thuyết chân chính v.v…, mà không thấy quy định kiến giải những gì
thì mới chân chính, tư duy những gì thì mới chân chính, ngôn thuyết những gì
thì mới chân chính. Thì ra đó chỉ là nguyên lý mà không phải là luân lý. Nếu đạo
Phật chỉ là luân lý thì khỏe cho người hành đạo biết bao ! Chỉ cần đọc trong một
cuốn kinh xem ta phải làm những gì và tránh những gì, cuốn kinh sẽ như một bản
liệt kê thật dài những điều phải làm và những điều không nên làm. Trái lại,
giáo lý chỉ hướng dẫn phương pháp thực hiện, chỉ nói rằng nên làm theo nguyên
lý này và thực nghiệm theo phương pháp kia, mà thôi.
Cho nên học Phật là
đào sâu vào kinh nghiệm tâm linh để nắm lấy nguyên lý, để thực hiện nguyên lý
và để đạt đạo. Đạt đạo rồi thì không cần một bộ luật nào cả, không cần một sách
chỉ nam nào cả, không cần một nền luân lý nào cả. Người đạt đạo ăn ngủ là đạo,
thuyết pháp là đạo, ăn rau cũng là đạo mà ăn thịt cá cũng là đạo nữa. Những người
chưa đạt đạo thì không thể bắt chước họ được (3).
Cho nên ta thấy rất
rõ tầm quan trọng của sự thực chứng. Có sự thực chứng thì tất nhiên có sự lưu
nhuận của sinh lực đạo đức còn nếu chỉ có sự truyền bá và ca tụng về những giáo
lý mà thôi thì xã hội và con người vẫn không được thay đổi. Ngôn ngữ và ý tưởng
đạo đức của một thời đại không có thực chứng chỉ là ngôn ngữ và ý tưởng vay mượn
ở một thời đại khác. Đó chỉ là cặn bã của thực chứng mà không phải là thực chứng.
Đó là những lời chế, những ý chết, không đủ sức và không thể làm khơi dậy trong
tâm tư con người thời đại một nguồn cảm hứng mới, một sinh khí mới. Lịch sử văn
hóa cho biết rằng bất cứ nguồn sinh lực tinh thần nào của nhân loại cũng bị tàn
hoại bằng cách trở nên những di sản hình thức khô cứng, những ý chết và những lời
chết không còn có tác dụng tâm lý và xã hội nữa. Muốn duy trì nguồn sinh lực ấy,
con người không thể chỉ duy trì ngôn ngữ của nói. Phải giữ cho nguồn sinh lực
kia được thể hiện liên tục nơi tâm linh con người để đừng làm khô chết. Bất cứ
cuộc cách mệnh tinh thần nào của nhân loại cũng là một nỗ lực chống lại những
ngôn ngữ và tư tưởng khô chết đóng cứng trong óc người như những chiếc vảy cá
nguy hại và vô ích. Muốn cho ngôn ngữ và tư tưởng đừng là những vật khô chết
thì chỉ có một đường: đừng truyền bá chúng và tiếp nhận chúng như những vật khô
chết. Tất cả vấn đề là ở đây: làm thế nào cho dòng thực chứng tâm linh được tiếp
nối bất đoạn, truyền sẽ là truyền tâm mà không chỉ là truyền ý. Ngôn ngữ một
ngày nào đó sẽ phản lại nội dung bởi lý do không còn phù hợp với thực trạng của
thời đại.
Có một dòng thực chứng
tâm linh nối tiếp thì sẽ luôn luôn có những ngôn ngữ những pháp môn dị biệt được
sử dụng để nhắm đến sự thể hiện thực chứng ấy trong cuộc đời. Cho nên lý thuyết
hành động của đạo Phật (pháp môn) luôn luôn được phát xuất từ nguồn thực chứng
và được dựng trên căn bản những điều kiện thực hiện trong hiện tại của xã hội
và của con người. Thiếu một trong hai điều kiện ấy thì bất thành. Và cũng vì thế
pháp môn phải luôn luôn biến đổi để có thể đi sát với thực tại, sự biến đổi đó
cố nhiên cũng không có thể phản lại căn bản thực chứng. Sở dĩ tôi phải nhấn mạnh
đến điểm này hoài vì chính đây là điểm căn bản cho mọi nhận định.
Cũng vì hai yếu tố
quán lý (thực chứng) và quán cơ (xúc tiếp với bộ mặt thực của cuộc đời) là hai
yếu tố căn bản của ngôn ngữ đạo Phật cho nên chúng ta phải đặt cho hai nguồn nhận
thức gặp nhau. Trong thời gian còn học tập ở các Phật học viện, người sinh viên
phải được học kỹ về những môn họ cần thiết có thể giúp họ nhìn rõ được thực trạng
xã hội, như giáo dục, văn hóa, kinh tế chẳng hạn.
Cố nhiên cái học ấy
phải được đi đôi với cái học chuyên môn về tư tưởng Phật học, và mỗi người nên
đi sâu vào một khía cạnh của nếp sống xã hội để sau này dùng trí tuệ Phật học
quán chiếu khía cạnh ấy. Trong khi tinh luyện thành một pháp môn hành hóa. Ví dụ
như khi ta muốn đem đạo Phật xây dựng cơ cấu gia đình thì ta phải có kiến thức
về những khía cạnh sinh hoạt gia đình: nào vấn đề lứa đôi, nào vấn đề giáo dục
con cái, nào vấn đề nhân quỹ gia đình, nào vấn đề sức khỏe gia đình, v.v… Thiếu
những kiến thức như thế thì không tài nào Phật hóa gia đình được. Hẳn nhiên ta
có thể cầu cứu đến những nhà chuyên môn về vấn đề khảo sát thực trạng sinh hoạt
toàn diện của tổ chức gia đình, nhưng ít ra ta cũng phải có những kiến thức căn
bản và xác thực. Phật học không phải là một môn học có thể tách rời khỏi những
vấn đề của sự sống. Trái lại, ta chỉ có thể hiểu được Phật học qua những vấn đề
của sự sống. Phật học không phải là một nền huyền học. Những phương pháp để áp
dụng các nguyên lý Phật học chỉ có thể tìm thấy trong sự khảo sát những vấn đề
của sự sống. Cho nên ta không thể nói rằng đi vào những vấn đề của sự sống là
không còn thì giờ để học cái học chuyên môn về Phật học. Có thể là trong một viện
Phật học, môn học về những vấn đề của sự sống, không đóng vai trò chủ yếu nhưng
phải đóng một vai trò khá quan trọng.
Với lại, cái học giúp
cho ta có nhận thức chính xác về cuộc đời là một cái học thực dụng, không làm mất
thì giờ như cái học chuyên môn để trở thành bác học. Nếu người sinh viên Phật học
cần phải học về kinh tế chẳng hạn, thì chỉ những nét quan trọng và thực dụng của
kinh tế học mới là cần thiết mà thôi. Những gì có thể giúp cho người sinh viên
có một cái nhìn chính xác về thực trạng kinh tế, và về những vấn đề kinh tế được
đặt ra cho xã hội hiện giờ, mới chính là những kiến thức cần thiết. Người sinh
viên Phật học không còn tìm học những đề tài xa xôi có tính cách bác học nhưng
thiếu tính cách thực dụng như tư tưởng kinh tế của xã hội Do Thái ngày xưa hoặc
lịch sử kinh tế Bắc Phi chẳng hạn. Cố nhiên những kiến thức như thế rồi cũng có
lợi, nhưng ai cũng biết chúng không quan trọng lắm đối với người sinh viên Phật
học.
Về kinh tế đã vậy thì
về giáo dục, văn hóa vân vân cũng thế, cho nên một Viện Phật học phải là một cơ
sở cung cấp hai nguồn kiến thức căn bản sau đây :
Kiến thức về Phật học
và phương pháp (pháp môn) thể nghiệm chân lý Phật học bằng bản thân, bằng tâm
linh.
Kiến thức về các vấn
đề quan trọng của sự sống và phương pháp (pháp môn) giải quyết những vấn đề ấy
bằng các nguyên lý Phật học. Phần thứ nhất không nên được giảng giải như một
triết học khô khan như ở trường đại học khác mà phải được giảng dạy bằng ngôn
ngữ và thái độ của người muốn thao thức trao truyền sinh lực đạt đạo. Cũng vì
thế, cũng vì tránh sự khô khan và nguy hại của cái học bằng ngôn ngữ khô chết
mà các sinh viên và các nhà tu Tiếp hiện phải được gần gũi các nhà tu phái Thể
nhập trong một mùa an cư ba tháng mỗi năm. Họ cần được thấy, được nghe, được cảm
và được thực tập công việc thể nghiệm.
Rút từ nhận thức trên
ta thấy các môn học về những vấn đề của sự sống, những môn học thuộc tâm lý,
giáo dục, y tế, kinh tế, văn hóa vân vân, phải được tổ chức và giảng dạy ở các
viện Phật học một cách thiết thực, khác hẳn với sự giảng dạy chuộng tính cách
bác học khô khan ở các trường đại học khác. Điều này đòi hỏi sự giác ngộ và nỗ
lực của giới trí thức hiện đại, một giới biết rất nhiều chuyện nhưng còn cách
xa cuộc đời một cách đáng kể. Những sinh viên Phật học không nên ghi tên ở các
chứng chỉ văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục ở các trường bên cạnh bởi vì sẽ phải
học nhiều quá những điều không đóng góp thiết thực vào sự nhận thức các vấn đề
thực tại của sự sống. Các môn học như thế phải được tổ chức tại các viện Phật học
một cách có phương pháp với một tinh thần đích thực cách mạng. Một sinh viên Phật
học thực ra không cần biết giải một phương trình bậc tư hay không thuộc những
thành ngữ những điển tích trong truyện Kiều. Người sinh viên Phật học cần dồn
năng lực và thì giờ vào những vấn đề trọng yếu và thiết thực nhất của sự sống
hiện tại.
Kiến giải xác thực về
tâm lý và ước vọng người dân nông thôn cũng như người dân thành thị, những nhu
cầu của họ, những điều ấy cần phải được liệt kê trong chương trình Phật học (và
trong số những đề tài tham thiền nữa) chứ không thể được coi như là những môn học
phụ của chương trình. Những môn như tôn giáo tỷ giảo, tôn giáo sử, triết học
Duy thức, triết học Bát nhã, Thiền vân vân…, phải được xếp cạnh các môn học kia
với ý thức là chúng có những liên hệ mật thiết. Không nên dạy và học những môn ấy
như những môn cổ học, những nền triết học tuy thâm sâu nhưng không dính líu đến
sự sống. Thực ra tất cả các hệ thống giáo lý đều đã được thành lập căn cứ trên
con người, vì con người, để hướng dẫn sự thể nhập và thực hiện. Nếu người sinh
viên Phật học học xong một chứng chỉ về triết học Bát nhã chẳng hạn, mà không
thấy có chút liên hệ nào giữa triết học Bát nhã và một vài vấn đề của sự sống, ấy
là môn học không được giảng dạy theo tinh thần khế cơ của đạo Phật. Cho nên muốn
phân biệt ngôn ngữ của một dòng đạo đức sống động với những cái xác một dòng đạo
đức khô cạn thì chỉ cần xét xem các lý thuyết và pháp môn mà đạo Phật đang truyền
bá có hướng đến sự giải quyết một cách thực tế vấn đề thực chứng (bản thân) và
thể hiện (áp dụng vào sự sống) không, có mang nguồn sinh lực vào cuộc đời, gây
cảm hứng và biến đổi cuộc đời hay không. Và ngôn ngữ đích thực của đạo đức chứng
minh sự hiện diện đích thực của đạo đức vậy.
_________________
(1) “Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ.”
(2) “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng
ma thuyết.”
(3) Có một hôm Tuệ Trung Thượng Sĩ (Trần Quốc Tảng) được thỉnh
thọ trai trong cung Ngài gắp cả thịt cá trên bàn mà không ý thức Hoàng hậu em
Ngài hỏi: “Anh tu mà còn ăn mặn làm sao thành Phật?” Ngài cười trả lời: “Phật
là Phật, anh là anh, anh không cần thành ra Phật, Phật cũng không cần thành ra
anh.”
Sự Hiện Diện Hữu Hành Của Đạo Đức
Sự hiện diện hữu hành
của đạo đức tức là sự hiện diện của những hoạt động nhằm thể hiện sức sống của
đạo pháp trên những khía cạnh khác nhau của cuộc đời. Trên các phương diện giáo
dục, kinh tế và văn hóa những hoạt động ấy phản chiếu ngôn ngữ của chứng ngộ và
góp phần vào sự xây dựng một nếp sống xã hội tốt đẹp, và sự giải quyết những vấn
đề khổ đau của thời đại và của địa phương. Cố nhiên bản chất của những hoạt động
này phải được bắt nguồn từ thực chứng và những hoạt động này phải thể hiện được
thực chứng. Nếu không, những hoạt động này sẽ chỉ là những gì được phát khởi do
ý niệm danh lợi và như thế chỉ gây ra rối loạn cho xã hội mà không giải quyết
được gì cho xã hội. Đứng về phương diện lý thuyết, những vọng tưởng của con người
về chân lý có thể khiến cho con người tin đó là chân lý tuyệt đối và trở nên cuồng
tín trong lúc náo nức muốn thực hiện những điều do các vọng tưởng ấy phác họa.
Sự hiện diện hữu hành của đạo đức không thể phát khởi từ vọng tưởng và những
suy tư huyền học. Có thực chứng thì mới có bản chất của đạo đức, và như thế cái
hành mới mang theo nó sinh khí và thực giá của đạo đức. Nếu không, dầu có hành
bao nhiêu đi nữa thì cái hành ấy cũng không thể cải biến được thực tại mà chỉ
gây rối thêm cho thực tại. Thế giới rối loạn chính không phải vì thiếu người
hành mà chính vì có quá nhiều người hành. Cái hành không phát xuất từ nguồn suối
của thực chứng.
Khi người Phật tử nắm
được những nguyên lý hành đạo, người Phật tử sẽ đi vào cuộc đời với tinh thần
vô trước để mà hành đạo, nói một cách khác hơn, để mà chứng tỏ sự hiện diện hữu
hành của đạo trong cuộc đời. Và cố nhiên những nhãn hiệu những hình thức và những
danh từ không thể nào chứng tỏ sự hiện diện đó. Nếu người Phật tử nhắm đến sự
phụng sự những nhãn hiệu, hình thức và những danh từ ấy tức là chưa đạt được
tinh thần vô trước và do đó hoạt động của người kia chưa phải là hoạt động đích
thực của đạo pháp.
Ngôn ngữ đạo đức chỉ
là phương tiện truyền đạt và hướng dẫn sự thực hiện đạo đức. Đó không phải là
những gì cần phải tôn thờ như những tín điều bất khả xâm phạm. Đó là những
phương tiện mà không phải cứu cánh, là “ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải
là mặt trăng.” Kinh Kim Cương có nói đến ví dụ chiếc bè đưa người sang sông,
sang sông rồi thì phải rời bỏ chiếc bè. Những hình thái và những phương tiện
hành đạo (hành đạo quan trọng hơn truyền đạo) kể cả ngôn ngữ, lý thuyết, đều chỉ
là những phương tiện đưa tới thể nhập và thực hiện. Không nên vì những thứ ấy
mà tranh chấp, mưu toan, gây khổ cho nhau. Chỉ có tinh thần thực chứng của đạo
đức là phải được bảo vệ bằng tất cả mọi giá của sự cố gắng. Bảo tồn được tinh
thần Phật giáo thì dù có hy sinh những chiếc bè cũng không sao. Tóm lại là những
hoạt động hành đạo của người Phật tử trong sự sống xã hội phải bắt nguồn từ thực
chứng, phải nhắm đến sự giải quyết những vấn đề cấp bách đau khổ của con người,
những vấn đề đói khát, bệnh tật, nô lệ và chết chóc của con người chứ không phải
nhắm đến sự bành trướng thế lực và uy quyền của một giáo hội. Đạo Phật xuất hiện
vì con người chứ không phải vì đạo Phật. Con người thực hành đạo Phật là để làm
giảm bớt khổ đau của chính mình và của những người chung quanh mình, chứ không
phải là vì để làm cho đạo Phật thêm uy quyền thêm thế lực. Nhận định được như
thế, con người mới biết được cách sử dụng chiếc bè cứu khổ mà không dại dột
mang chiếc bè trên vai trong một thái độ tôn thờ. Đi vào cuộc đời bằng thái độ
và tâm niệm ấy, người Phật tử không mang theo một chiếc vỏ cứng nào cả và sẵn
sàng đón nhận hợp tác với tất cả những ai có thiện tâm thiện chí. Biết bao
nhiêu thành kiến và cố chấp có thể tiêu diệt khi tinh thần vô trước ấy được thực
hiện.
Cho nên người Phật tử khi đi vào cuộc đời phải đừng nghĩ rằng:
tôi làm cái này là vì đạo Phật, tôi làm cái kia là vì đạo Phật. Phải nên quên
“đạo Phật” đi, quên rằng mình là “người Phật tử đi.” Có quên như thế thì mình mới
thực là người của đạo Phật, mình mới thực là Phật tử. Hãy hành động bằng thương
yêu, bằng hỷ xả, hành động theo những nguyên lý đạo Phật để thực hiện an lạc
cho cuộc đời, mà đừng hành động vì bản ngã tôn giáo. Cái bản ngã ấy không có
trong đạo Phật và trong bất cứ một nền đạo đức nào chân chính.
Bất cứ một phong trào
xã hội nào nếu muốn thành công cũng phải gây được hứng cảm trong quần chúng trước
đã. Hứng cảm ấy được đi kèm với một đức tin: người Phật tử đi vào cuộc đời cần
gây được niềm tin cần thiết ấy và phát khởi được nguồn hứng cảm quan trọng ấy.
Ít khi một chính quyền có thể gây được niềm tin và nguồn hứng cảm. Nhưng đạo Phật
với một thế hệ người biết sống đồng lao cộng khổ với quần chúng, biết phụng sự
lý tưởng xã hội vô ngã và vô trước, biết khinh thường địa vị và quyền lợi thì
chắc chắn sẽ gây được niềm tin ấy và khơi mở được nguồn hứng cảm ấy. Tất cả còn
tùy ở sự thấu đạt nguyên lý đạo Phật và ở động cơ tâm lý của người hành đạo. Ta
thấy rằng bản chất đạo đức và sự gạn lọc tâm hồn quan trọng biết bao.
Trong những thời kỳ
suy đồi, đạo Phật Việt Nam dưới mắt kẻ bàng quan chỉ là một hình thức tín ngưỡng
bình dân. Thực ra, đạo Phật có một nếp sống sinh hoạt tâm linh rất cao siêu và
phong phú, một năng lực sinh hoạt lớn lao tiềm ẩn cần được thể hiện và phát hiện
trong cuộc đời. Trong giai đoạn hiện tại cũng như trong những thời đại Lý Trần,
người trí thức và thanh niên đã hé thấy được nguồn sinh lực ấy của đạo Phật. Sự
thực hiện giờ cho ta thấy có cả một thế hệ muốn đem năng lực và tuổi xanh của họ
để phụng sự cho lý tưởng đạo Phật, lý tưởng của tình thương, không hận thù,
không cố chấp, không danh lợi. Nhưng họ đang gặp khó khăn. Công cuộc hiện đại
hóa đạo Phật chỉ mới được khởi đầu với những vấn đề to tát của nó, về cả ba
phương diện giáo lý, giáo chế và giáo sản. Đứng về phương diện giáo lý, ngôn ngữ
đạo Phật chưa đủ khả năng chỉ bày cho người thanh niên thấy rõ con đường thực
hiện đạo Phật trong cuộc đời, nghĩa là trong mọi khía cạnh giáo dục, kinh tế,
chính trị... của xã hội. Phải cần có thêm những trường Cao đẳng Phật học, phải
cần có rất nhiều những cuộc gặp gỡ giữa nguyên lý đạo Phật và kiến thức chuyên
môn về những vấn đề thúc bách của sự sống. Nói tóm lại, lý thuyết của đạo Phật
cho thời đại chưa được tượng hình rõ rệt và cần có một ý thức xúc tiến đầy thao
thức và cố gắng.
Đứng về phương diện
giáo chế, sinh hoạt người Phật tử xuất gia và tại gia chưa thoát được những thể
chế cổ điển không đủ sức để đưa đạo Phật đi hẳn vào trong lòng cuộc đời. Số lượng
các bậc Tăng Ni hướng dẫn quần chúng về sinh hoạt tín ngưỡng vẫn còn ít ỏi, thiếu
thốn lắm. Lề lối tổ chức những Phật Học Viện, chương trình tu học của người xuất
gia... vẫn chưa thoát được thể chế xưa, vì vậy, số lượng Tăng Ni sinh không
tăng lên được, và số người ra trường mỗi năm không có gì đáng kể. Người thanh
niên Nam Nữ không thấy nếp sống tu học ấy thích hợp với những điều kiện, ít nhất
là tâm lý, của họ. Xã hội mới đòi hỏi hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người Phật
tử có chí nguyện đem cuộc đời mình để dâng hiến cho đồng bào, cho nhân lọai. Họ
phải được thu nhận, học tập và đào luyện một cách hợp lý để có thể thực hiện lý
tưởng của họ.
Về sinh hoạt nghi lễ,
Giáo hội cần có một dòng những nhà tu sĩ được đào tạo vững chãi về kiến thức và
khả năng về lễ nghi để đưa lễ và nhạc của đạo Phật tiến đến những hình thức phù
hợp với tâm lý và ngưỡng vọng của con người thời đại. Lễ và Nhạc Phật giáo ngày
xưa đã đạt đến một trình độ khá cao, điều đó còn có thể thấy qua sự khảo cứu và
lễ nhạc cổ điển. Hình thức và nội dung Lễ và Nhạc bây giờ của đạo Phật quả thật
đã thua kém xa ngày trước và không biểu lộ được nếp sống tâm linh siêu việt như
lễ nhạc cổ điển. Ít có vị Tăng sĩ nào bây giờ có thể xướng được những bài pháp
ngữ tuyệt diệu, cử được một trong hằng trăm những bài tán kệ mà âm nhạc đã biểu
lộ được một sức sống tâm linh hết sức phong phú của các thiền sư thuở trước. Lễ
và Nhạc của Phật giáo Việt Nam ngày nay chưa được tạo dựng để có thể phản chiếu
tâm lý ước vọng và dân tộc tính của con người. Nền lễ nhạc Phật giáo ngày nay cần
phải được thiết lập một cách nghiêm chỉnh, căn cứ trên truyền thống cũ, chất liệu
bây giờ và kỹ thuật mới. Phải có sự gặp gỡ giữa nhà kiến trúc với nhà đạo học,
giữa nhà âm nhạc và nhà đạo học. Muốn cho nền lễ nhạc lấy được phong độ và hình
thái xứng đáng, Giáo hội phải đi tới sự thành lập một trường Cao Đẳng Âm Nhạc
Tôn Giáo. Những trường như thế đã hiện hữu từ lâu ở các nước tiền tiến và cấp đến
bằng Tiến sĩ âm nhạc tôn giáo. Ai cũng thấy vai trò tối ư quan trọng của lễ nhạc
tôn giáo. Cố nhiên thành lập một trường như thế ở Việt Nam là khó khăn và đòi hỏi
sự cố gắng của các nhạc gia hữu tâm. Trong thời gian chờ đợi, ít ra phải có một
ban các nhà nhạc học để nghiên cứu lễ nhạc cổ điển Phật giáo các nước Á Châu và
nhất là Việt Nam để cung cấp chất liệu và kỹ thuật sáng tác cho lễ nhạc mới. Kết
quả của những sưu tầm nên được đem giảng dạy tại các Viện Cao Đẳng Phật Học
trong nước.
Về phương diện cố vấn
giáo lý, Giáo hội hiện đang cần một dòng những tu sĩ được đào luyện vững chãi về
khả năng diễn giảng giáo lý và khả năng áp dụng giáo lý trong đời sống tâm lý
cá nhân và đời sống gia đình. Nhà tu sĩ trong dòng này sẽ có kiến thức cần thiết
về tâm lý học để có thể có đủ điều kiện khuyên nhủ, cố vấn và giải đáp những vấn
đề thuộc phạm vi tâm lý cho những ai cần đến. Lại cần phải có kiến thức về sinh
hoạt gia đình để gần gũi, hướng dẫn và giải quyết bằng những nguyên lý và phương
pháp đạo Phật những khó khăn cho những gia đình trong địa phương, khi cần tới.
Bằng cách hành đạo này, người tu sĩ mang bình yên và hạnh phúc đến cho từng cá
nhân từng gia đình đang hướng về tìm kiếm lối thoát trong đạo Phật. Và như thế
ít ra phải có những lớp chuyên về tâm lý học và gia đình học, dạy tại các trường
Cao Đẳng Phật Học để chuẩn bị cho những sinh viên sau này muốn trở nên những
nhà cố vấn giáo lý.
Về phương diện giáo dục,
Giáo hội hiện đang cần một dòng tu sĩ chuyên môn về sự khai mở trí năng và tâm
huệ con người, không gò bó con người trong những mảnh vụn khô chết của kiến thức.
Nền giáo dục Phật giáo nhằm chỉ cho con người Việt Nam thấy những trạng huống
thực tại, những vấn đề cấp thiết của đờisống xã hội Việt nam để tìm cách giải
quyết, để sử dụng những kiến thức một cách linh động và hữu hiệu trong sự tiến
đến sự giải quyết các vấn đề thiết thực của sự sống ấy, chứ không phải để thu
lượm những kiến thức không có ăn nhập gì vào với sự sống của chính bản thân
mình. Chúng ta biết rằng những trường tiểu học và trung học Phật giáo đã được
thành lập rất nhiều, nhất là ở miền Trung. Chỉ trừ một số ít được chăm sóc cẩn
thận còn ngoài ra đều không phản chiếu được nền trí dục và đức dục Phật giáo.
Giáo sư không chuyên môn và đôi khi không hiểu được thế nào là tinh thần giáo dục
Phật giáo. Vì vậy sự hiện hữu của các trường ấy không có nghĩa gì, ngoài cái
nghĩa một danh từ trường này là trường Bồ Đề. Cho nên cần phải có ngay các trường
sư phạm Phật giáo, một mặt để đào tạo các giáo sư mới, một mặt làm nơi tu nghiệp
cho những giáo sư thiếu căn bản về Phật học. Ai cũng biết là nền giáo dục Phật
giáo sẽ chú trọng đến sự khai phóng con người trên mọi mặt mà không chủ trương
nhồi sọ con người để con người trở nên cố chấp và cuồng tín. Biết bao nhiêu trường
học cần phải mở thêm ở thành thị và ở thôn quê theo nhu cầu của quần chúng, nhất
là quần chúng Phật tử. Và hiện nay trong nước lại có rất nhiều các đoàn thể
thanh niên Phật tử, sinh viên Phật tử, học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật tử, Gia
đình Phật tử... Nhu cầu hướng dẫn tinh thần theo nền giáo dục Phật giáo đã trở
nên cấp bách. Dòng tu của những nhà giáo vì vậy cần được thành lập để đảm nhiệm
tương lai của lớp hậu tiến.
Đứng về phương tiện y
tế, sự có mặt của người Phật tử trong các hoạt động y tế, nhất là y tế nông
thôn, thực là cần thiết hơn bao giờ hết. Những bệnh xá, những trạm y tế nông
thôn, được thiết lập ra nhiều trong tương lai, sẽ không mang tính cách bố thí từ
thiện nữa mà sẽ trở thành những nơi chẩn bệnh và cung cấp thuốc men cho quần
chúng với phí tổn người dân có thể đài thọ được. Sau này trường y khoa của Viện
đại học Phật giáo cũng cần có bệnh viện riêng, vừa để làm một bệnh viện gương mẫu,
vừa làm nơi thực tập cho sinh viên. Trường cán sự y tế cần được thành lập sớm
hơn hết để đáp ứng với nhu cầu cấp bách hiện nay của ngành y tế nông thôn của
Giáo hội.
Đứng về phương diện
kinh tế, đạo Phật phải tích cực bước ngay vào một cuộc cách mạng xã hội căn cứ
trên tình thương và nguyên lý bất bạo động, để nâng cao mức sống người dân Việt
và san phẳn dần những bất công trong xã hội về phương diện phân phối lợi tức.
Căn cứ trên những điều kiện đặc biệt của xứ sở, người Phật tử biết rằng xã hội
Việt Nam không thể theo một chính sách kinh tế chỉ huy cũng như không thể một
chính sách kinh tế tư bản tự do. Bao nhiêu hứa hẹn đã chẳng được thành tựu
trong quá khứ. Hiện tại, với lớp người biết sống đồng lao cộng khổ với quần
chúng, biết đi sâu vào xã hội để xây dựng và phù hợp với điều kiện xã hội Việt
Nam và phù hợp với tinh thần liên đới trách nhiệm về những khổ đau chung của
con người Việt Nam, chắc chắn đạo Phật có thể tạo dựng được niềm tin và nguồn hứng
khởi cho quốc dân trong công cuộc phát triển và xây dựng kinh tế. Chỉ có niềm
tin và nguồn hứng khởi mới là chất liệu cho mọi cố gắng thiết thực! Những trường
cán sự kinh tế, cán sự xây dựng nông thôn cần được thiết lập để cung cấp số người
cần thiết cho công việc. Hiện giờ đã có một số giáo sư và sinh viên đang theo
đuổi công việc thí nghiệm làm những “làng” kiểu mẫu căn cứ trên quan điểm và lý
thuyết xã hội Phật giáo. Đã có những làng rất thành công. Sau khi hoàn tất những
thí điểm đó, lý thuyết và kinh nghiệm sẽ được dạy ở trường cán sự xã hội để đào
tạo lớp người cần thiết. Chữ xã hội ở đây có nghĩa một phong trào phát triển xã
hội bằng những lý thuyết có chứng nghiệm và bằng những hoạt động cụ thể để cải
tiến xã hội chứ không có nghĩa là những công tác “từ thiện” hẹp hòi như lâu nay
người ta thường nghĩ khi nghe nói đến những cái “Ủy Ban xã hội Phật giáo” “công
tác xã hội của đoàn” chẳng hạn. Acharya Vinoba đơn thân độc mã trong xứ Ấn Độ
mênh mông đầy thành kiến, giai cấp, không có sự ủng hộ của một tập đoàn xã hội
đơn thuần nào cả mà đã có thể thành công trong việc thiết lập ngót hai ngàn khu
làng gramdan tượng trưng cho công cuộc cách mạng xã hội bất bạo động. Ở Việt
Nam, đa số quần chúng là Phật tử, biết hưởng ứng lời kêu gọi của Giáo hội trong
mọi công tác ích nước ích dân chắc chắn tập đoàn Phật giáo sẽ thu hoạch thắng lợi
vẻ vang gấp ngàn lần. Huống nữa chúng ta đi trên một con đường được nghiên cứu
và chứng nghiệm kỹ càng, và sau cùng được sự ủng hộ của quốc dân đã lao đao qua
mấy mươi năm gian khổ.
Trong tất cả các lĩnh
vực trên, người tu sĩ Tiếp Hiện phải có mặt. Cố nhiên trong hiện tại ta đã thấy
xuất hiện ở trường học, nhà trường, nhà giữ trẻ, ở nha Tuyên Úy quân đội…, hình
bóng người tăng sĩ trẻ tuổi. Nhưng số lượng họ phải được tăng lên cả hàng ngàn
hoặc hàng chục ngàn lần mới đủ để thực hiện công cuộc thể hiện. Nếu chính quyền
thiếu phương tiện nhân lực và yếu tố tâm lý nên chỉ có thể thực hiện được một
phần nào những điều cần thực hiện thì các tôn giáo phải có trách nhiệm gánh vác
chung, mỗi tôn giáo đóng góp với khả năng và phương pháp của riêng mình. Quần
chúng đang kỳ vọng rất nhiều ở đạo Phật. Thế hệ Phật tử trẻ tuổi cần phải tự hiến
cuộc đời mình trong các dòng tu Tiếp Hiện. Các dòng tu này sẽ là những dòng tu
làm việc, chín tháng trong mỗi năm, và sẽ trở về tu viện để gần gũi các nhà tu
Thể Nhập mỗi năm ba tháng để được võ trang thêm về thực chất đạo đức tâm linh.
Vì vậy giới luật cũng như đời sống các nhà tu Tiếp Hiện sẽ không khắc khổ như
giới luật và đời sống của các nhà tu Thể Nhập chuyên hiến trọn thì giờ cho thực
nghiệm tu chứng. Và các nhà tu Tiếp Hiện, sau khi tự thấy đã phụng sự vừa đủ
trong phạm vi cuộc đời, có thể phát nguyện để sống đời sống hoàn toàn tâm linh
của các nhà tu Thể Nhập.
Vấn đề người sẽ được
giải quyết nếu có một cuộc cách mệnh thực sự về giáo chế, nghĩa là phải có thêm
những dòng tu mới mà thể chế sinh hoạt phù hợp với khả năng và lý tưởng của lớp
người trai trẻ hiện tại, nam cũng như nữ; những dòng tu để làm việc và như vậy
có đòi hỏi kiến thức và khả năng chuyên môn. Chừng nào chưa có sự thay đổi về
giáo chế thì chừng đó vấn đề Người vẫn chưa được giải quyết. Còn đứng về vấn đề
phương diện tài chính, ta không nên lo ngại. Từ trước đến giờ, giáo hội làm được
gì, các tăng sĩ làm được gì thì cũng do sự đóng góp cúng dường của người bổn đạo.
Chế độ cúng dường cố nhiên sẽ được duy trì nhưng phải được thực hiện theo thể
chế cúng dường tập thể. Như thế vừa tránh được nạn phân biệt sư tư, vừa giúp
cho sự phân phối phương tiện tài chính một cách hợp lý trong công việc Phật sự.
Lâu nay chúng ta cứ nghĩ rằng làm một công việc xã hội là làm một công việc từ
thiện mà không nghĩ rằng công việc ấy trước hết phải có giá trị chuyên môn của
nó trước đã. Ví dụ như khi mở một trường mẫu giáo ta chỉ nghĩ nhiều đến việc
làm sao để miễn học phí thật nhiều cho con nhà nghèo, vì vậy lấy thật rẻ tiền
và thâu vào rất nhiều trẻ em. Như thế, việc dạy không thể nào hay được, lý do
là tiền thu vào ít, cô giáo ăn lương khổ thì thường chỉ có cô giáo không chuyên
môn về vườn trẻ. Như vậy ta nhắm đến phần từ thiện và làm giảm giá trị của công
việc giáo dục, một điều có phương hại đến uy tín của trường và của đạo Phật. Vậy
đừng đặt vấn đề từ thiện là vấn đề quan trọng nhất: trên các phương diện giáo dục,
y tế, văn hóa, xã hội... ta phải đi sâu vào chuyên môn và phải nhận thức rằng bằng
những phương tiện từ thiện không thôi, ta không thể đi xa được. Trở về thí dụ
trường mẫu giáo. Ta hãy lấy tiền học cao như các trường danh tiếng khác, và khi
trừ cho sở phí, tiền dư ra sẽ để cấp học bổng cho các em nghèo. Giáo sư dạy có
lương đàng hoàng mới là giáo sư giỏi, và có thể làm việc lâu dài, còn sự phát
tâm thì thường không bền lâu và hay mệt mỏi. Dù muốn dù không, những vị tu sĩ
thuộc các dòng tiếp hiện đều phải có lương bổng như thường và tùy theo nhu cầu
cá nhân, người tu sĩ sử dụng số lương ấy và nếu có dư thì sẽ gởi về cúng dường
cho quỹ từ thiện trung ương. Các vị tu sĩ Tiếp hiện sẽ là những sứ giả, những
người công chức của giáo hội và sẽ là những bàn tay phụng sự cho xã hội trên hướng
chung của nền Phật giáo thời đại. Quan niệm hoạt động xã hội như thế, ta thấy vấn
đề tiền bạc không còn khó khăn nữa. Chỉ khi nào làm việc thuần từ thiện bố thí
thì ta mới thấy lại những khó khăn kia mà thôi.
Những ước vọng đem đạo
Phật vào cuộc đời buộc chúng ta phải nghiên cứu mọi vấn đề của cuộc sống. Đối với
những kẻ có đức tin, những điều trình bày trên đây, không phải là những mong ước
không thể thực hiện. Đạo Phật dạy: “Tất cả đều do tâm tạo tác” (kinh Pháp Cú).
Nếu toàn thể Phật tử hưởng ứng đường lối “mang đạo Phật đi vào cuộc đời” do
Giáo Hội đề xướng thì không có trở lực nào mà ta không thể vượt qua.
Xem Tiếp Chương 2 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá