Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Sám Pháp Địa Xúc
Phần 2. Hạnh Phúc Chân Thật
Khải Bạch
Kính bạch đức Thế
Tôn, con nhận diện được trong con tập khí sâu dày của thất niệm. Con hay để tâm
suy nghĩ về quá khứ, chìm đắm trong những đau buồn hoặc tiếc nuối liên hệ tới
quá khứ, do đó con đã đánh mất rất nhiều cơ hội tiếp xúc với những mầu nhiệm của
cuộc sống có mặt trong giờ phút hiện tại. Con đã từng thấy những người không có
khả năng sống cuộc đời họ trong giây phút hiện tại: quá khứ đã trở thành một
cái nhà tù giam hãm họ, họ chỉ để thì giờ của họ để khóc than hoặc tiếc nuối về
quá khứ, cho nên họ không còn cơ hội nữa để được tiếp xúc với những gì tươi
mát, đẹp đẽ, mầu nhiệm có tính cách nuôi dưỡng và chuyển hóa đang có mặt trong
hiện tại. Họ không tiếp xúc được với trời xanh, mây bạc, liễu biếc, hoa vàng,
tiếng thông reo, tiếng suối chảy, tiếng chim hót hay tiếng cười đùa của trẻ thơ
trong nắng sớm. Họ cũng không tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong bản thân
họ. Họ không thấy được hai mắt họ là những hạt minh châu: mở mắt ra là họ có thể
tiếp xúc ngay với thế giới của muôn mầu và muôn vẻ. Họ không thấy được hai tai
họ là hai cảm quan kỳ diệu: lắng tai chú ý là họ nghe được tiếng gió rủ rỉ qua
cành thông, tiếng ca hát líu lo của chim oanh vàng hay tiếng hải triều đang tấu
khúc nhạc trầm hùng buổi sáng. Trái tim, buồng phổi, não bộ cũng như khả năng cảm
nhận, tư duy, quán tưởng của họ cũng là những nhiệm mầu của sự sống. Ly nước
trong hay trái cam vàng trên tay họ cũng là những nhiệm mầu của sự sống. Vậy mà
họ đã không có khả năng tiếp xúc với những biểu hiện ấy của sự sống, cũng chỉ
vì họ đã không biết sử dụng hơi thở và bước chân chánh niệm để tập trở về với
giây phút hiện tại.
Xin đức Thế Tôn chứng
minh cho con. Con xin hứa với Ngài là con sẽ tập không hành xử như những người ấy.
Con biết rằng tịnh độ không phải là một ý niệm mơ hồ hoặc một hứa hẹn hão huyền
về tương lai.
Con biết tịnh độ đang thực sự có mặt cho con với những mầu nhiệm của nó. Con đường đất đỏ với hai bờ cỏ xanh là tịnh độ. Những đóa hoa vàng tím bé nhỏ kia cũng là tịnh độ. Dòng suối róc rách kia và những hòn cuội nằm yên trong lòng suối cũng là tịnh độ. Tịnh độ của con không phải chỉ là những đóa sen, những chồi cúc, mà còn là đất bùn nuôi dưỡng các rễ sen, là phân xanh để nuôi dưỡng những cành cúc. Tịnh độ của con bề ngoài dường như có sinh có diệt, nhưng nhìn kỹ thì diệt sinh nương nhau mà biểu hiện, và nếu nhìn sâu hơn nữa thì không hề có diệt có sinh.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Con biết là nếu hàng
ngày thực tập chuyên cần, con có thể chế tác năng lượng niệm định và tuệ, và với
năng lượng ấy con có thể luôn luôn trở về giây phút hiện tại để tiếp xúc với tịnh
độ trong giây phút ấy. Con biết con không cần đợi cho hình hài này tan rã mới bắt
đầu đi vào tịnh độ. Con biết con có thể đi vào tịnh độ ngay bây giờ và ở đây, nếu
con có được một ít năng lượng chánh niệm và chánh định. Mà các năng lượng này,
con có thể chế tác được bằng bước chân, hơi thở và cái nhìn của con.
Địa Xúc
Con xin lạy xuống hai
lạy để tiếp xúc sâu sắc với đức Thế Tôn và cũng để tiếp xúc sâu sắc với tịnh độ
của giây phút hiện tại. (C)
Xử Lý Hiện Tại
Khải Bạch
Kính lạy đức Thế Tôn,
con nhớ đức Thế Tôn đã từng dạy là chúng con không nên tiếc nuối quá khứ mà
cũng không nên tự đánh mất mình trong những lo lắng và sợ hãi đối với tương
lai. Con thấy chung quanh con có rất nhiều người đang tự đánh mất mình trong những
lo lắng và sợ hãi về tương lai. Những lo lắng và sợ hãi đó khiến cho họ không
có khả năng an trú và sống sâu sắc những phút giây hiện tại. Con nghĩ rằng
chúng con có quyền và có thể lập những dự án cho tương lai và đặt nền tảng xây
dựng tương lai mà không cần tự đánh mất mình trong những lo lắng và sợ hãi về
tương lai. Thật ra, chúng con biết chất liệu làm ra tương lai là hiện tại. Nếu
chúng con biết xử lý hiện tại, nếu chúng con biết sống sâu sắc những giây phút
hiện tại,tránh không nghĩ, không nói và không làm những gì tiêu cực trong các
giây phút ấy mà chỉ nghĩ, nói và làm những gì có thể đem lại hiểu biết, thương
yêu, an lạc, hòa điệu và thảnh thơi cho hiện tại, thì đó là ta đã làm tất cả những
gì ta có thể làm để xây dựng một tương lai tươi sáng rồi. Con biết nếu con đang
xử lý hiện tại với tất cả tuệ giác và trái tim của con, thì con không cần phải
lo lắng gì cho tương lai nữa, vì con đang làm tất cả những gì con có thể làm
cho tương lai rồi. Lo lắng và sợ hãi là những năng lượng tiêu cực làm chướng ngại
cho sự xây dựng hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai, vì vậy con biết rằng
tập sống chánh niệm trong giờ phút hiện tại, sống cho vững chãi, thảnh thơi, chế
tác thêm năng lượng hiểu biết và thương yêu là con không còn phải lo lắng gì nữa
cả. Thế giới ngày mai sẽ đi về đâu và con cháu của chúng con sẽ có một cơ hội sống
hạnh phúc và thảnh thơi hay không, điều này tùy thuộc vào cách thức chúng con xử
lý hiện tại. Nếu chúng con không tập sống đơn giản, không cảm thấyhạnh phúc và
mãn nguyện trong một nếp sống đơn giản mà có tình huynh đệ, thì chúng con và
con cháu chúng con sẽ không có một tương lai. Nếu chúng con tiếp tục chạy theo
quyền hành, danh vọng, giàu sang và thế lực, chúng con sẽ một mặt không có thì
giờ sống an lạc và thảnh thơi, một mặt chúng con tiếp tục khai thác quá mức những
tài nguyên của trái đất, tàn hoại sinh môi và tạo ra quá nhiều tranh chấp và hận
thù trên thế giới, và như thế cả y báo lẫn chánh báo của chúng con cũng sẽ
không có một tương lai.
Lạy đức Thế Tôn, con
nguyện sống như thế nào để ý thức sáng tỏ này được thắp sáng trong mỗi giây
phút của đời sống hàng ngày của con và để ý thức sáng tỏ ấy cũng được thắp sáng
nơi tâm thức của mỗi người đồng loại. Con nghĩ đó là nếp sống cao quý nhất giúp
cho chúng con tiếp nối được tuệ giác và hạnh nguyện của đức Thế Tôn.
Địa Xúc
Con kính xin lạy xuống
trước đức Thế Tôn, bậc đầy đủ công hạnh và tuệ giác, và con xin hứa nuôi dưỡng
ý thức này. (C)
Nhận Diện Đơn Thuần
Khải Bạch
Lạy đức Thế Tôn, theo
Thế Tôn dạy, trở về hiện tại không có nghĩa là đã có thể an trú trong hiện tại.
Những gì đang xảy ra trong hiện tại cũng có thể có tác dụng lôi kéo, và con
cũng có thể tự đánh mất con trong giây phút hiện tại. Vì vậy cho nên con nghe lời
Thế Tôn thực tập chánh niệm để nhận diện những gì đang xảy ra trong giây phút
hiện tại. Chánh niệm không những giúp con nhận diện cái gì đang xảy ra, chánh
niệm còn cho con biết nếu con để cho cái ấy lôi cuốn thì con đánh mất tự do của
con. Cái đang xảy ra có thể làm cho con hoặc ghét bỏ hoặc chạy theo. Con không
muốn ghét bỏ cũng không muốn chạy theo, bởi vì cả hai lối hành xử đều làm cho
con đánh mất con. Con biết chánh niệm trước hết là khả năng nhận diện đơn thuần,
nhận diện mà không chạy theo hoặc ghét bỏ. Phép nhận diện đơn thuần này giúp
cho con chế tác và bảo trì được năng lượng vững chãi và thảnh thơi, đó là bất động
và tự tại. Con đã được Thế Tôn dạy rằng bất động và tự tại là hai đặc tính căn
bản của vô sinh, của niết bàn, và vì vậy cho nên con xin hứa với đức Thế Tôn là
trong đời sống hàng ngày con sẽ tinh chuyên hơn trong việc thực tập nhận diện
đơn thuần bằng chánh niệm. Rửa tay thì con biết là con đang rửa tay, cầm bát
thì con biết là con đang cầm bát, tâm hành bực bội phát hiện thì con biết là
tâm hành bực bội phát hiện, tâm hành vướng mắc phát hiện thì con biết là tâm
hành vướng mắc phát hiện. Con sẽ tập mỉm cười và nhận diện tất cả những gì xảy
ra mà không lo lắng, không có mặc cảm, dù là mặc cảm tự tôn, tự ty hay ngang bằng.
Địa Xúc
Bạch đức Thế Tôn, con
xin lạy xuống trước đức Thế Tôn, trước đức Bụt Ca Diếp và trước đức Bụt Di Lặc
(C)
Mây Bạc Vẫn Thong Dong
Khải Bạch
Lạy đức Thế Tôn, quá
khứ còn lưu lại những vết thương trong thân tâm con, và thiết lập thân tâm
trong giây phút hiện tại con vẫn có thể tiếp xúc với quá khứ trong giây phút ấy.
Những lỡ lầm, những khổ đau con đã từng gây ra trong quá khứ vẫn còn ghi dấu ấn
trong con. Con có thể nhận diện chúng, mỉm cười với chúng. Và con phát nguyện
là từ nay về sau, con sẽ khôn khéo không tư duy, nói năng và hành xử như con đã
từng tư duy, nói năng và hành xử để không còn gây ra những lỗi lầm như trong
quá khứ con đã gây ra. Đức Thế Tôn đã dạy là tất cả đều do tâm, lỗi lầm do tâm
tạo ra mà lỗi lầm cũng do tâm chuyển hóa. Một khi tâm con nhận diện được những
dấu ấn của khổ đau của lỗi lầm quá khứ đang có mặt trong hiện tại, mỗi khi tâm
con phát nguyện không lập lại những khổ đau những lỗi lầm ấy thì các vết thương
trong con bắt đầu được chữa lành.
Bao nhiêu lầm lỡ cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm
Sám hối xong rồi, lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong
Địa Xúc
Con xin được lạy xuống trước Bậc Được Tôn Sùng và Quý Trọng Nhất Trên Đời và trước đức Bồ Tát Quan Thế Âm (C)
Xem Tiếp Chương 4 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá