Chương 4. Vọng Tưởng Là Nền Tảng Khổ Đau

Chương 4. Vọng Tưởng Là Nền Tảng Khổ Đau

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sám Pháp Địa Xúc

Phần 2. Hạnh Phúc Chân Thật





Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sám Pháp Địa Xúc' ê


Nuôi Dưỡng Tổ Tiên Và Con Cháu

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, trong kinh Hoa Nghiêm Ngài dạy cái một chứa được cái tất cả, và con thấy hiện tại không những chứa đựng quá khứ mà còn chứa đựng cả tương lai. Nhìn sâu vào hiện tại, con có thể thấy được tương lai và con có thể sống được và tiếp xúc được với tương lai trong giây phút hiện tại. Con thấy được thế hệ con cháu tương lai của con, và con đã có thể tiếp xúc với các thế hệ ấy trong con ngay trong giờ phút hiện tại. Con thấy giữ gìn cho con là giữ gìn cho họ, thương yêu con là thương yêu họ, hiến tặng cho con là hiến tặng cho họ... Những bước chân bước đi trong chánh niệm, có vững chãi, có an lạc, có thảnh thơi, là những cái mà con có thể hiến tặng cho con nhiều lần trong ngày. Mỗi bước chân như thế có tác dụng nuôi dưỡng con, nuôi dưỡng tổ tiên trong con và cũng nuôi dưỡng các thế hệ con cháu đã có mặt trong con đang chờ đợi để biểu hiện. Mỗi hơi thở chánh niệm có an lạc và thảnh thơi ấy là một phẩm vật hiến tặng. Sự hiến tặng này đem niềm vui và sức sống cho con, cho tổ tiên con và cho con cháu con ngay trong giờ phút hiện tại. Con ăn cơm cũng là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu; con ngồi thiền cũng là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu, và con ao ước mỗi giây phút thực tập của con cũng đều là để nuôi dưỡng tổ tiên và con cháu con. Con thấy mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười, mỗi cái nhìn... đều là một hành động của tình thương chân thực. Con không muốn nuôi dưỡng con bằng những thức ăn có độc tố, từ đoàn thực qua xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Những gì con đưa vào thân tâm con phải có chất liệu lành mạnh, từ thức ăn vật chất đến thức ăn tinh thần. Con nguyện không tiêu thụ các sản phẩm có độc tố, từ thức ăn thức uống cho đến sách báo, phim ảnh, ca khúc và đàm thoại. Con không muốn nuôi tổ tiên và con cháu con bằng những sản phẩm có những độc tố như them khát, hận thù, bạo động và tuyệt vọng. Con chỉ muốn nuôi dưỡng và hiến tặng cho tổ tiên và con cháu con những thực phẩm lành mạnh, có tác dụng nuôi dưỡng, thanh lọc và chuyển hóa. Con biết sự thực tập chánh niệm trong lúc tiêu thụ là phương thức bảo hộ hữu hiệu nhất cho con, cho tổ tiên và cho con cháu con, và con nhận diện rằng sự thực tập này là sự thực tập thương yêu đích thực.

Con nguyện chỉ trao truyền cho con cháu con, trong con và ngoài con, những hoa trái của sự thực tập hàng ngày của con, những năng lượng của hiểu biết, của thương yêu, những ngôn từ và hành động phát xuất từ chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ. Con nguyện sống giây phút hiện tại như thế nào để có thể bảo đảm được một tương lai trong sáng cho con cháu con, và con biết rằng nếu các con cháu con đang có mặt trong con trong giây phút hiện tại thì con cũng sẽ có mặt trong các con cháu con trong giây phút tương lai, và hai giây phút ấy cũng đang có mặt trong nhau.

Địa Xúc

Con xin lạy xuống trước bậc Tỉnh Thức Toàn Vẹn, đức Bồ Tát đại trí Văn Thù và đức Bồ Tát đại hạnh Phổ Hiền (C)

Tuệ Giác Vô Thường - Trân Quý Người Thương

Khải Bạch

Kính lạy đức Thế Tôn, nuôi dưỡng tuệ giác vô thường trong con, con hiểu rõ ược những gì Thế Tôn từng dạy chúng con quán niệm hàng ngày:

- Tôi thế nào cũng phải già, tôi không thể nào tránh khỏi cái già

- Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào tránh khỏi cái bệnh

- Tôi thế nào cũng chết, tôi không thể nào tránh khỏi cái chết

- Những gì tôi trân quý hôm nay, ngày mai tôi cũng phải xa lìa...

Nhờ nuôi dưỡng tuệ giác vô thường con thấy con phải trân quý ngày tháng của con, tuổi trẻ của con, sức lực của con và vì vậy con không còn muốn lãng phí tháng ngày, tuổi trẻ và sức lực của con. Con nguyện sống cho sâu sắc, con nguyện trân quý ngày tháng, sức lực và tuổi trẻ của con. Thế Tôn đã biết sử dụng ngày tháng, sức lực và tuổi trẻ của Ngài để làm nên sự nghiệp giải thoát và giác ngộ, và để trao truyền sự nghiệp ấy lại cho chúng con. Chúng con cũng muốn được như Thế Tôn, biết sử dụng thì giờ, tuổi trẻ và sức lực của chúng con không phải để chạy theo quyền hành, chức vị, danh vọng và tài lợi, mà để tu tập chuyển hóa phiền não, phát khởi tuệ giác, chế tác thương yêu. Là con cháu của đức Thế Tôn, là sự tiếp nối của đức Thế Tôn, chúng con nguyện sẽ thừa đương sự nghiệp của Ngài vì các thế hệ tương lai.

Nuôi dưỡng tuệ giác vô thường, con thấy sự có mặt quý giá của những người con thương, từ cha, mẹ, thầy, bạn, anh em, chị em của con trong đời và trong đạo. Con biết người thương của con cũng vô thường như con, thành ra con trân quý sự có mặt của người ấy. Có những lúc con thất niệm và u mê cứ ngỡ rằng người ấy sẽ có mặt bên con suốt đời, và cứ có mặt như thế mãi, sẽ không bao giờ già, sẽ không bao giờ bệnh và sẽ không bao giờ vắng mặt trong cuộc đời của con. Vì vậy cho nên con đã không trân quý sự có mặt của người ấy, đã không tìm thấy niềm vui và hạnh phúc nơi sự có mặt của người ấy mà còn nói năng và hành xử không dễ thương với người ấy, thậm chí còn muốn người ấy đừng có mặt trong những lúc con bực mình. Con đã từng làm cho người ấy khổ đau, chán nản, buồn tủi và giận hờn vì thái độ không biết trân quý của con. Người ấy có thể là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em, là thầy, là sư anh, sư chị, sư em của con, hay là người mà con đã cam kết làm bạn đồng hành. Con đã đối xử lạnh nhạt và tệ bạc với người ấy. Con xin thành tâm sám hối tội lỗi ấy của con với đức Thế Tôn. Con xin hứa với đức Thế Tôn là con sẽ không làm như thế nữa. Con sẽ học nói những câu như: có cha còn sống bên con, con sung sướng quá, có anh (chị) vững chãi bên em, em rất vui mừng, có mẹ còn sống bên con, con thật có phúc đức lớn, có em tươi mát bên anh (chị), anh (chị) thấy cuộc đời đẹp ra... Con xin nguyện sẽ tập nói lời ái ngữ, trước nhất với những người con thương và sau đó với tất cả mọi người.

Địa Xúc

Xin bậc Thầy Của Cả Hai Giới Thiên Và Nhân chứng minh cho con. (C)

Xin Tôn Giả Đại Hiếu Mục Kiện Liên chứng minh cho con (C)

Xin Tôn Giả Mật Hạnh La Hầu La chứng minh cho con (C)

Vọng Tưởng Là Nền Tảng Khổ Đau

Khải Bạch

Kính bạch đức Thế Tôn, nhờ thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm, con nhận diện được những gì đang xảy ra chung quanh con và con cũng nhận diện được những tâm hành đang biểu hiện trong con. Con biết con còn mang trong chiều sâu tâm thức con những vết thương của tổ tiên và của cha mẹ con để lại, và những vết thương đã được gây ra từ những năm con còn thơ ấu cho đến bây giờ. Có lúc những cảm thọ và những cảm xúc đau buồn nổi dậy trong con, và nếu con không biết cách nhận diện, ôm ấp và làm cho chúng lắng dịu xuống thì con có thể nói những lời và làm những điều gây đổ vỡ trong gia đình hay trong đoàn thể con, và như vậy là con lại gây thêm đổ vỡ trong chính bản thân con nữa. Con xin nhớ lời đức Thế Tôn chỉ dạy, thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm để chế tác thêm năng lượng trong đời sống hàng ngày. Với năng lượng đó con có thể nhận diện các cảm thọ và cảm xúc đau buồn trong con và giúp cho chúng lắng dịu xuống. Con biết là con không nên đè nén và đàn áp những cảm thọ và cảm xúc ấy khi chúng trào lên, bởi vì làm như thế chỉ làm cho tình trạng càng khó. Nhờ đức Thế Tôn chỉ dạy, con biết các cảm thọ và cảm xúc ấy một phần lớn đều phát sinh từ tri giác và nhận thức hạn hẹp của con. Con có những ý niệm sai lầm về con và về người khác, con có những ý niệm về hạnh phúc và về khổ đau mà con không buông bỏ được cho nên con khổ. Con đã tự làm khổ con rất nhiều vì những ý niệm ấy, ví dụ ý niệm cho rằng hạnh phúc và đau khổ là do tự bên ngoài đi vào chứ không phải là do tâm con tạo dựng. Cách nhìn, cách nghe, cách hiểu và cách phán xét của con đã làm cho con đau khổ và cũng đã làm cho những người thương của con đau khổ. Con biết rằng buông bỏ các ý niệm ấy đi thì con có nhiều cơ hội có hạnh phúc hơn. Một khi buông bỏ được ý niệm chật hẹp và tri giác sai lầm thì các cảm thọ và cảm xúc đớn đau sẽ không còn cơ sở để phát hiện nữa. Thế Tôn, con xin hứa với Ngài là từ nay trở đi con sẽ tập quán chiếu để thấy rằng phần lớn những khổ đau mà con gánh chịu đều phát xuất từ cách nhìn, cách thấy, cách hiểu của con, từ ý niệm và tri giác của con. Con sẽ không oán trách người khác nữa khi con khổ đau, mà con sẽ trở lại bản thân để nhận diện cội nguồn của những khổ đau ấy trong phạm vi ý niệm và tri giác của con.


Con biết con còn rất nhiều vô minh, vì vậy cho nên nhận thức của con thường sai lầm. Thế Tôn gọi những tri giác sai lầm ấy là vọng tưởng. Vọng tưởng là nền tảng khổ đau. Con sẽ tập quán chiếu để buông bỏ vọng tưởng, và con sẽ quán chiếu để giúp người khác buông bỏ vọng tưởng của họ để cho họ có thể vượt thoát khổ đau của họ.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Địa Xúc

Nam mô Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi. (C)

Nam mô Tôn Giả Đại Trí Xá Lợi Phất (C)

Nam mô Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà (C)

Xem Tiếp Chương 5 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post