Chương 6. Im Lặng Hùng Tráng

Chương 6. Im Lặng Hùng Tráng

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sám Pháp Địa Xúc

Phần 2. Hạnh Phúc Chân Thật





Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sám Pháp Địa Xúc' ê


Ngồi Yên Thì Hòa Bình Và Hạnh Phúc Sẽ Đến Với Trái Đất

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn! Con rất ao ước được ngồi yên trong một tư thế vững chãi và hùng tráng như tư thế ngồi của đức Thế Tôn. Là đệ tử của đức Thế Tôn, con cũng muốn có phong độ và dáng dấp của Ngài. Con đã được dạy ngồi thiền, lưng thật thẳng mà không cứng, đầu ngay ngắn không cúi xuống cũng không ngửa ra, hai vai buông thư và hai tay đặt nhẹ nhàng lên nhau. Con cảm thấy vừa vững chãi vừa buông thư trong tư thế ấy. Con biết trong thời đại mà con đang sống, phần lớn người ta đều bận rộn, ít ai có cơ hội ngồi yên một cách thảnh thơi. Con nguyện sẽ thực tập thiền ngồi như thế nào để có hạnh phúc và tự do ngay trong khi ngồi. Dù trong tư thế kết già, bán già hay ngồi trên ghế với hai bàn chân đặt thẳng trên nền đất, con cũng sẽ tập ngồi như một con người tự do, tập ngồi làm sao để thân tâm lắng đọng và an tĩnh. Với hơi thở chánh niệm, con điều chỉnh thế ngồi giúp cho cơ thể con lắng dịu và an tịnh. Với hơi thở chánh niệm, con nhận diện và làm lắng dịu lại những cảm thọ hoặc cảm xúc trong con. Với hơi thở chánh niệm, con thắp sáng ý thức là con đang có cơ duyên đem thân và tâm về một mối, và làm phát sinh cảm thọ hỷ lạc. Với hơi thở chánh niệm, con quán chiếu tri giác và những tâm hành khác khi chúng biểu hiện và nhìn sâu vào bản chất của chúng để có thể thấy được những nguồn gốc phát sinh của chúng.

Bạch đức Thế Tôn, con sẽ không xem sự thực tập ngồi thiền là một nỗ lực gò bó thân tâm có tính cách cưỡng ép, là một thứ lao động nhọc nhằn để đi tới một kết quả hạnh phúc nào đó trong tương lai. Con nguyện tập ngồi như thế nào mà có thể có an lạc và được nuôi dưỡng trong khi ngồi. Trong các thế hệ tổ tiên huyết thống con, có những vị chưa bao giờ nếm được pháp lạc của sự ngồi thiền, con xin nguyện cũng ngồi cho các vị ấy. Con xin ngồi cho cha, cho mẹ, cho anh, cho chị và cho các em của con. Nếu con được nuôi dưỡng bằng sự thực tập thiền ngồi thì các vị ấy trong con cũng được nuôi dưỡng. Mỗi hơi thở, mỗi giây phút quán chiếu, mỗi nụ cười trong giờ thiền ngồi đều có thể trở nên một tặng phẩm cho họ và cho con, có công năng nuôi dưỡng con và nuôi dưỡng họ cùng một lúc. Con xin nhớ đi ngủ sớm để buổi khuya thức dậy ngồi thiền con không buồn ngủ. Nếu có buồn ngủ con sẽ xin phép tăng thân con ngồi lên trong tư thế quỳ để đưa thân tâm trở về trạng thái tỉnh táo, để không lãng phí giờ ngồi thiền của con bằng cách ngủ gục.

Trong giờ ăn cơm, uống trà, nghe pháp thoại, dự pháp đàm, con cũng sẽ tập ngồi vững chãi và ung dung như khi con ngồi thiền. Con sẽ không ngồi ngả nghiêng hoặc dựa vào tường như trong quá khứ. Trên đồi cao, ngoài bãi biển, dưới gốc cây, trên tảng đá, trong phòng khách, trên xe buýt, trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh hay trong một cuộc tuyệt thực cho nhân quyền, con cũng sẽ tập ngồi như thế. Con nguyện sẽ không tới ngồi trong quán rượu, nơi dâm phòng, chốn bài bạc, nơi người ta đang nói điều thị phi, trừ khi con có đại nguyện đi tới những nơi ấy để độ người. Con nguyện sẽ ngồi như đức Thế Tôn và ngồi cho đức Thế Tôn, người đã sinh ra con trong đời sống tâm linh này. Con ý thức được rằng nếu mọi người trên thế gian đều có khả năng ngồi yên thì hòa bình và hạnh phúc sẽ chắc chắn đến với trái đất.

Địa Xúc

Con xin lạy xuống trước đức Thế Tôn và trước hai vị anh cả của giáo đoàn Thế Tôn là thầy Xá Lợi Phất và thầy Mục Kiền Liên (C)

Im Lặng Hùng Tráng

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, con biết đức Thế Tôn đã để thì giờ nhiều để giảng dạy giáo pháp cho bốn chúng đệ tử. Những lời Thế Tôn nói có công năng khai mở tâm trí của người nghe, giúp họ buông bỏ những tri giác sai lầm, chỉ cho họ thấy con đường đi lên, ủy lạo, vỗ về và gây cho họ thêm niềm tin và năng lượng để đi tới.


Có những lúc Thế Tôn ngồi yên mỉm cười không nói, và không trả lời cả những câu người ta hỏi, bởi vì Thế Tôn thấy rằng trong những lúc ấy, im lặng hùng tráng và im lặng sấm sét còn hùng biện hơn lời nói.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Ước ao gì con cũng được như đức Thế Tôn, khi nào cần nói thì mới nói, khi nào cần im lặng thì im lặng. Bạch đức Thế Tôn, con xin hứa với đức Thế Tôn là từ nay về sau, con sẽ xin tập nói ít lại. Con biết trong quá khứ con đã nói quá nhiều, con đã nói những điều không ích lợi gì cho con và cho những người nghe con, con lại đã nói những điều gây khổ đau cho người khác và cho cả con nữa. Trong bài pháp thoại đầu mà đức Thế Tôn giảng cho năm thầy ở vườn Lộc Uyển, Thế Tôn có nói tới sự thực tập chánh ngữ, một trong tám phép thực tập gọi là Bát Chánh Đạo. Sự thực tập chánh ngữ của con còn đang yếu kém. Vì tri giác sai lầm, vì tư duy không chín chắn, và vì giận hờn, tự ái hay ganh tỵ, con đã nói những lời gây nên đổ vỡ, làm cho sự truyền thông giữa con và người khác trở nên khó khăn. Con biết khi sự truyền thông trở nên khó khăn hoặc bế tắc thì hạnh phúc không còn và khổ đau có mặt. Con nguyện từ đây mỗi khi trong con có tâm hành bực bội, tự ái và ganh tỵ, con sẽ trở về với hơi thở chánh niệm để nhận diện những tâm hành bực bội, tự ái và ganh tỵ ấy mà không mở miệng nói năng. Khi được hỏi tại sao con không nói, con sẽ thành thật thú rằng vì trong tâm con có sự bực bội, buồn chán hay ganh tỵ cho nên con sợ rằng nói năng sẽ gây ra đổ vỡ, và con xin sẽ được phát biểu trong một dịp khác, khi tâm con an tĩnh hơn. Con biết làm như thế là con bảo hộ được cho cả con và cho cả người kia. Con biết con không nên đè nén những cảm xúc của con, và vì vậy con sẽ sử dụng hơi thở chánh niệm để nhận diện và chăm sóc những cảm xúc ấy và tập nhìn sâu vào cội nguồn của chúng. Thực tập như thế, con có thể làm lắng dịu và chuyển hóa được những niềm đau nỗi khổ trong con. Con biết là con có quyền và có bổn phận nói cho người thân của con nghe về những khó khăn và khổ đau của con, nhưng con phải chọn nơi chọn lúc cho đúng rồi con mới nói, và khi nói con phải sử dụng phép ái ngữ. Con không dùng ngôn ngữ của sự trách móc, buộc tội và lên án. Con chỉ nói đến những khó khăn và đau khổ của con thôi và mong rằng người kia hiểu được những đau khổ và khó khăn ấy của con mà thôi. Trong khi nói, con có thể giúp người kia buông bỏ những tri giác sai lầm của người ấy về con, điều này giúp được cho cả hai phía. Trong khi nói, con cũng ý thức được rằng có thể trong những lời con nói có những điều đã phát sinh từ nhận thức sai lầm của con về con và về người ấy, và cầu mong nếu người ấy thấy được những yếu tố của nhận thức sai lầm ấy thì xin vui lòng chỉ bảo và soi sáng cho con. Con xin hứa với đức Thế Tôn là trong khi nói, con sẽ nhớ rằng những lời con nói phải có tác dụng giúp người kia hiểu thêm về con và về người ấy, và những lời con nói không mang tính cách trách móc, phê phán, chê bai và hờn giận. Trong khi con nói, có thể là những vết thương trong con bị chạm tới, và tâm hành buồn giận trong con sẽ được phát khởi. Con xin hứa là mỗi khi tâm hành buồn giận và bực bội ấy phát khởi, con sẽ ngừng nói và trở về theo dõi hơi thở để nhận diện và mỉm cười với nó. Con sẽ xin phép người đang ngồi nghe con cho con ngưng lại một vài phút. Chừng nào nhận thấy tâm con bình an trở lại, con mới tiếp tục thực tập nói ra những cảm nghĩ và nhận xét của con. Rồi khi người ấy nói thì con sẽ lắng nghe bình tĩnh và với tâm không thành kiến. Trong khi nghe, nếu con nhận thấy có những điều người ấy nói không phù hợp với sự thực, con cũng sẽ không cắt lời người ấy, mà vẫn hết lòng lắng nghe để tìm hiểu những lý do nào đã đưa tới tri giác sai lầm của người kia, để thấy con đã làm gì nói gì để người ấy hiểu lầm con như vậy, và con sẽ hành xử như thế nào trong những ngày tới để giúp người ấy điều chỉnh nhận thức của họ. Và khi nghe người ấy nói xong, con sẽ chắp tay cám ơn người ấy đã soi sáng cho con, và hứa sẽ chiêm nghiệm lại cho sâu sắc về những điều người ấy nói, lòng dặn lòng rằng trong tương lai sau khi đã quán chiếu kỹ lưỡng con sẽ giúp người ấy buông bỏ những nhận thức sai lầm của gười ấy về con và về chính người ấy.

Địa Xúc

Xin đức Thế Tôn cho con lạy xuống trước Thế Tôn và trước đức Bồ Tát lắng nghe Quan Thế Âm. (C)

Xem Tiếp Chương 7 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post