Chương 9. Nấu Ăn Trong Chánh Niệm

Chương 9. Nấu Ăn Trong Chánh Niệm

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sám Pháp Địa Xúc

Phần 2. Hạnh Phúc Chân Thật





Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sám Pháp Địa Xúc' ê


Che Lấp Sự Trống Trải

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, trong khi ăn con còn tự căn dặn mình là chỉ nên ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh. Con đã có kinh nghiệm về sự thật bệnh tùng khẩu nhập, vì vậy khi đi chợ, khi nấu và khi ăn con biết con phải phát khởi chánh niệm để đừng đưa vào cơ thể những thức ăn có thể tạo ra sự nặng nề và bệnh tật trong cơ thể, dù những thức ăn ấy rất hấp dẫn đối với chúng con. Dù chúng có ngon mấy mà chúng không lành thì chúng con cũng sẽ không ăn. Ăn những thức ăn ấy vào, chúng con sẽ đầy đọa cơ thể chúng con và làm cho tổ tiên và con cháu trong con nặng nề và bị đầy đọa.

Bạch đức Thế Tôn, trong khi ăn cơm con cũng quán chiếu rằng đời sống của con có một mục đích, đó là tu học để chuyển hóa phiền não và độ thoát cho đời. Rồi con tiếp nhận thức ăn với ý thức ấy. Vì muốn đi tới trên con đường thực tập hiểu và thương, nên con tiếp nhận thức ăn này với lòng biết ơn. Thế Tôn, được ngồi ăn cơm trong tăng thân để nuôi dưỡng hạnh phúc và từ bi như thế, con rất trân quý giờ phút của những bữa ăn. Con ngồi rất thẳng, rất thoải mái, và con tập ăn như thế nào để có hạnh phúc và thảnh thơi trong khi ăn. Con ăn chậm rãi, con biết con đang ăn gì, và con nhai kỹ thức ăn, thường là con nhai tới ba mươi lần đến khi thức ăn trở thành chất đề hồ thật ngon ngọt con mới nuốt. Thỉnh thoảng con dừng lại và tiếp xúc với gia đình tâm linh hay gia đình huyết thống có mặt quanh con. Năng lượng chánh niệm và chánh định hùng hậu của tăng thân đang bảo hộ và nâng đỡ con, trong khi ăn con cũng chế tác năng lượng niệm và định để nuôi dưỡng tăng thân. Con biết đức Thế Tôn đã ngồi ăn như thế với tăng đoàn nguyên thủy, và chắc chắn là các vị xuất gia ngày xưa đã có rất nhiều hạnh phúc đã được ngồi ăn cơm với Thế Tôn, dù ở trên núi Thứu, trong vườn Trúc Lâm, ở tu viện Cấp Cô Độc hay tại rừng Đại Lâm gần thành phố Vaisali. Con biết ngày hôm nay trong khi ngồi ăn cơm với đại chúng, nếu con có đủ niệm và định thì con cũng thấy được là con đang được ngồi ăn cơm với đức Thế Tôn, và con thấy đức Thế Tôn đang nhìn con mỉm cười. Con xin hứa với Thế Tôn là con sẽ chỉ ăn cơm với đại chúng để sự thực tập của con được vững chãi, con nguyện sẽ tránh việc ăn riêng trong phòng và ngoài những bữa ăn của đại chúng, trừ trường hợp con có bệnh hoặc có công tác đi xa không về kịp để ăn cơm với tăng thân. Con xin hứa với đức Thế Tôn là sẽ bỏ thói ăn vặt, mỗi khi thấy có phiền não như cô đơn hay lo lắng trổi dậy, con sẽ thực tập hơi thở chánh niệm để nhận diện và ôm ấp chúng mà không tìm tới tủ lạnh, lấy thức ăn để ăn mà che lấp sự trống trải hoặc lo lắng trong con.

Địa Xúc

Con xin phép đức Thế Tôn cho con lạy xuống ba lạy để sám hối những lỗi lầm về ăn uống mà con đã phạm, và phát nguyện rằng con sẽ ăn uống theo lời đức Thế Tôn chỉ dạy để làm gương cho đàn con cháu của chúng con. (C)

Đức Thế Tôn Đang Lái Xe Cho Con

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, trong thời gian hóa thân Thích Ca Mâu Ni của Ngài còn tại thế, đức Thế Tôn đã để hết cuộc đời để làm việc độ sinh. Hồi ấy không có máy bay, tàu thủy, xe lửa hay xe buýt. Vậy mà đức Thế Tôn đã có mặt nhiều lần trong bao nhiêu quốc gia miền lưu vực sông Hằng. Đức Thế Tôn đã chỉ đi bộ. Mà bước chân nào Ngài cũng đi trong chánh niệm. Ngài đem tới mọi nơi năng lượng vững chãi và thảnh thơi của Ngài. Ngài đã thực tập phép hiện pháp lạc trú trong bốn mươi lăm năm hành đạo và hóa độ. Ngài đã độ từ vua quan, tướng lãnh, đạo sĩ, thương gia, trí thức, phú hộ, nông dân cho đến tướng cướp, gái làng chơi và người đổ thùng. Sự nghiệp của Ngài rất vĩ đại và đã được tiếp nối lâu dài trong tương lai. Chúng con đệ tử của Ngài, chúng con nguyện hết lòng thực tập để tham dự vào sự nghiệp ấy. Chúng con nguyện học theo phép hiện pháp lạc trú, không những có hạnh phúc trong lúc thực tập thiền ngồi, thiền đi, nói năng, lắng nghe, ăn cơm trong chánh niệm mà còn trong lúc làm việc nữa. Chúng con nguyện thực tập chánh niệm trong lúc nấu cơm, giặt áo, quét sân, trồng rau, lái xe, đi chợ, đi làm, sản xuất và tiêu thụ.

Bạch đức Thế Tôn, có những người trong chúng con phải lái xe hoặc đi tàu điện một giờ mới tới sở làm và làm việc xong phải tốn thêm một giờ đồng hồ nữa mới về tới nhà. Về tới thì đã mệt mà còn phải nấu cơm, ăn cơm và dọn dẹp nữa. Ngày này sang ngày khác chúng con sống như thế, luôn luôn bận rộn, lại phải lo trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại và tiền thuế má. Ngoài ra còn có các vấn đề như đau ốm, thuốc men, thất nghiệp, tai nạn dọc đường... khiến cho chúng con phải sống một cuộc sống có nhiều áp lực, một cuộc sống nhiều lo âu và sợ hãi. Nhiều người trong chúng con lúc nào cũng sống gấp gáp, đang làm công việc này thì muốn làm cho mau xong để làm việc khác. Mà công việc thì cứ hiện ra tới tấp, việc này chưa xong thì việc khác đã tới. Rồi chúng con lại bị ràng buộc vào thói quen: không làm việc thì không chịu nổi, do đó mà cả cuộc đời trở nên bận rộn, một trăm năm đi vèo qua như một giấc mơ. Chúng con không muốn sống một cuộc sống như thế. Chúng con muốn sống thảnh thơi và sống sâu sắc mỗi giây phút của sự sống hàng ngày. Chúng con muốn thực tập hiện pháp lạc trú. Chúng con muốn làm việc ít lại, và làm việc như thế nào để mỗi giây phút đều đem tới niềm vui.

Trong khi lái xe, con sẽ không để tâm suy nghĩ đến chuyện quá khứ và tương lai hoặc để những dự án hay những niềm lo lắng kéo con đi. Con theo dõi hơi thở để thấy rằng ông nội con cũng đang lái xe với con, dù ngày xưa ông nội chưa từng biết lái xe. Con thấy ông nội con trong con một cách rõ ràng và con có thể nhìn với mắt của ông nội con để quán sát. Con cũng có thể thấy đức Thế Tôn đang lái xe cho con, và Thế Tôn lái xe rất chánh niệm. Mỗi khi dừng lại ở đèn đỏ, con nhìn đèn đỏ mỉm cười, dựa lưng vào ghế, buông thư và trở về với hơi thở. Đèn đỏ như một tiếng chuông chánh niệm nhắc con trở về với giây phút hiện tại. Con mỉm cười và biết ơn đèn đỏ như một người bạn tu nhắc con trở về chánh niệm. Khi đường kẹt xe, con sẽ biết thở và mỉm cười, thực tập đã về, đã tới. Sự sống có mặt trong giây phút hiện tại, mỗi hơi thở của con đưa con về giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống. Con biết lái xe như vậy con không bị căng thẳng mà lại có niềm vui và cơ hội quán chiếu. Khi có người khác lái xe cho con đi thì ngồi trên xe con cũng thực tập như thế. Con theo dõi hơi thở và có cơ hội tiếp xúc với đồng ruộng, đồi nương hay sông biển bên ngoài. Con sẽ tìm cách khéo léo nhắc người lái xe và những người khác ngồi trong xe thực tập với con, để cho trong suốt chuyến đi chúng con có dịp chế tác được chánh niệm, chánh định và niềm vui.

Địa Xúc

Con xin lạy xuống trước Bụt Thi Khí, Bụt Tỳ Xá Phù và Bụt Câu Lưu Tôn (C)

Nấu Ăn Trong Chánh Niệm

Khải Bạch


Bạch đức Thế Tôn, trong khi nấu cơm cho đại chúng hay cho gia đình, con cũng có thể thực tập chánh niệm, và nhà bếp cũng trở thành một thiền đường ấm áp của con. Cho nước chảy vào chậu rửa rau, con quán chiếu về nước để thấy được tính nhiệm mầu của nước. Con thấy được nước từ nguồn suối cao hay từ lòng đất sâu đã chảy về tới tận nhà bếp của con. Con biết trên trái đất có những vùng thiếu nước và dân chúng phải đi nhiều cây số dưới nắng nung người mới gánh được một gánh nước đem về. Ở đây, nước có mặt bất cứ lúc nào con vặn vòi nước. Khi nước bị cắt trong vài giờ đồng hồ con đã thấy lúng túng. Cho nên con biết trân quý nước.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Con cũng biết trân quý điện, điện để thắp đèn hoặc để đun nước. Con chỉ cần ý thức là đang có nước, đang có điện là niềm vui của con được phát hiện ngay. Xắt gọt, xào nấu, con cũng có thể làm trong chánh niệm và với tình thương. Con biết nếu con làm việc trong tình thương thì con sẽ không mệt mỏi. Còn nếu con nghĩ rằng mình đang bị bắt buộc nấu bếp cho người khác thì con sẽ mất hết niềm vui. Nhìn trái cà chua, nhìn củ cà rốt, nhìn miếng đậu hũ con cũng có thể quán chiếu để thấy được sự mầu nhiệm của chúng và cội nguồn của chúng. Pha trà, con có thể quán chiếu để thấy được những đồi trà trên cao nguyên miền Bắc hoặc những dãy đồi mù sương ở miền Trung. Con có thể làm việc im lặng với những người khác nhưng mỗi chúng con đều có thể làm trong chánh niệm, tình thương và niềm vui. Được nấu cơm nuôi sống tăng thân hay gia đình, đó là một hạnh phúc. Con đã thấy trong nhà bếp có hình sứ giả Giám Trai, và mỗi khi bắt đầu làm bếp con có thể đốt một cây hương để khởi đầu cho một buổi thực tập nấu cơm trong chánh niệm. Bạch đức Thế Tôn con sẽ sắp đặt để con có thể có đủ thì giờ mà nấu cơm trong sự ung dung, không cần hấp tấp. Con hứa sẽ không nói chuyện trong nhà bếp, nhất là không nói những chuyện thị phi không dính líu gì hết tới việc làm hạnh phúc cho tăng thân.

Địa Xúc

Con xin lạy xuống ba lạy trước Bồ Tát Sứ Giả Giám Trai để Bồ Tát chứng minh cho con trong sự phát nguyện thực tập này (C)

Xem Tiếp Chương 10 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post