Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Giảng Luận Duy Biểu Học
Biết Rõ Sự Vận Hành Của Tâm
Chương 1. Thức Thứ Tám (Tàng Thức)
Bài Kệ 3. Thân Tâm Và Thế Gian
Hạt giống của thân, tâm
Giới địa và thế gian
Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng
Trong bài kệ thứ hai,
ta thấy hạt giống của sinh tử, niết bàn, của mê ngộ, của khổ vui, hạt giống của
danh xưng và hạt giống của tri giác. Bây giờ đây, có hạt giống của thân, của
tâm, của giới, của địa, và của thế gian… Hạt giống của thân có nghĩa là cái sắc
thân của chúng ta, cũng có hạt giống ở trong thức của ta. Tại vì chúng ta đã
nghe những cảm thọ, tri giác và tâm hành phát hiện trong tâm chúng ta, đều có gốc
rễ, có hạt giống trong thức cả.
Ba múi quít thọ, tưởng
và hành có hạt giống trong múi quít thứ tư là thức. Ta sẽ nói đến một sự thực: đó
là cái thân thể của chúng ta cũng được phát hiện ra từ trong thức của chúng ta.
(Căn thân phát hiện từ chủng tử bản thức). Nếu ta nghĩ là thức xuất phát căn
thân này là thức thứ sáu hay thức thứ bảy thì ta khó chấp nhận. Nhưng nếu căn
thân xuất phát từ nhất thiết chủng thức thì hiểu được. Tại vì tàng thức nó chứa
được tất cả những hạt giống trong đó có hạt giống của thân. Trong tàng thức gồm
có tàng thức của cá nhân và tàng thức của tập thể. Ta nhớ lại ngày xưa ở Việt Nam
khi các cô cậu bắt đầu mặc áo dài ngắn ngủn gọi là mini áo dài thì có nhiều người
đi Pháp mới về thấy áo dài sao mà xấu quá, tại vì khi họ lìa quê hương áo dài rất
tha thướt. Anh ta không chấp nhận được áo dài có thể ngắn củn cởn như vậy được.
Nhưng ở Việt Nam một thời gian, thì anh ta thấy áo dài ngắn rất đẹp. Đó là tâm
thức cộng đồng đã ảnh hưởng đến anh ta. Nó tạo ra cái mốt. Mốt là sản phẩm của
tâm thức cộng đồng. Có những cái là sản phẩm của tâm thức cá nhân và sau đó có
thể trở thành sản phẩm tâm thức cộng đồng. Có nhiều cái mà nhìn kỹ thì mình thấy
đó là sản phẩm của tâm thức cộng đồng. Ví dụ một nền dân chủ, một thể chế quốc
hội lập hiến, hay một phong trào nào đó. Ai cũng muốn làm cái đó cả. Tất cả những
cái đó đều do tâm thức cộng đồng tạo nên. Có những lúc trên thế giới, nước nào cũng
muốn chứng tỏ mình thương những người thuyền nhân. Thành ra hồi đó, giúp đỡ
thuyền nhân là một phong trào nhưng rồi sau đó bỏ rơi luôn.
Phong trào đó là tâm
thức cộng đồng của một số nhà báo, nhà nhân bản, nhà chính trị xướng xuất. Nhiều
cái như thị trường chứng khoán, giá đồng đô la, giá đồng Mark, giá vàng… cũng
là những tạo tác của tâm thức cộng đồng, một số người trong giới tài phiệt. Có
tàng thức của cá nhân và tang thức của cộng đồng.
Ta biết rằng ý niệm về
đẹp, về xấu, về vui, về khổ của chúng ta không phải là cá nhân đâu. Nó phản chiếu
ý niệm về đẹp, về xấu, về vui, về khổ của nhiều người. Nếu tất cả đều nói cái
đó không đẹp thì tự nhiên ta thấy cái đó không còn đẹp nữa. Kỳ lạ vậy đó. Nếu
ai cũng nói cái đó đẹp quá, thì tự nhiên ta thấy cái đó đẹp. Vì vậy cho nên cái
núi Phú Sĩ, cái thân thể chúng ta, cũng do tâm thức biểu hiện. Tất cả đều nằm
trong tàng thức cộng đồng. Điều này ban đầu chúng ta không hiểu được nhưng từ từ
rồi chúng ta sẽ hiểu, tức là không những cảm thọ, tri giác, những tâm hành của
chúng ta đều có hạt giống ở tàng thức, mà sắc cũng có hạt giống ở tàng thức. Sắc
thân của ta cũng do tâm thức nó biểu hiện ra, rồi sự mạnh khỏe hay sự đau yếu của
cái thân của ta, cũng do tâm thức tạo ra luôn. Nếu chúng ta không thấy được hôm
nay thì sau này học và tu, từ từ chúng ta sẽ thấy.
Giới là cõi mà ta ở,
cũng do tâm thức của ta biểu hiện luôn. Giới (dhatu) thì ta nói có ba giới: dục
giới, sắc giới và vô sắc giới. Có ba cõi: cõi dục là cõi ham muốn (realm of
desire). Đi ra siêu thị thì biết liền. Cõi của chúng ta ở đó. Cõi sắc (the
realm of form) là cõi vật chất nhưng nhẹ nhàng, tinh tế hơn cõi dục. Còn cõi vô
sắc (the realm of no form) là cõi trong đó vật chất (matters) không có mặt
nhưng chỉ có những cái không phải vật chất như năng lượng. Năng lượng cũng là một
thứ vật chất khá loãng. Nhiều nhà khoa học nói vật chất là năng lượng cô đọng lại
và năng lượng là vật chất pha loãng ra. Thành ra cõi vô sắc là cõi có nhiều
năng lượng hơn. Cái tâm của mình, cái giận của mình, cái khổ của mình cũng là
năng lượng. Vậy thì ba cõi đang bốc cháy là từ tâm thức của chúng ta biểu hiện.
Chúng ta nên nghĩ là từ tâm thức cộng đồng, chúng sanh biểu hiện. Ai tạo ra cái
cõi lửa cháy. Ta chứ ai nữa? Cứ nghe nói Làng Hồng thôi, Làng Hồng mà thanh tịnh,
an lạc, vui vẻ, có hạnh phúc là do ai tạo ra? Do cái tâm thức cộng đồng của
chúng ta. Mà nếu Làng Hồng bốc cháy là do ai tạo ra? Cũng ta tạo ra phải không?
Làng Hồng là một cái địa nho nhỏ, do tâm thức cộng đồng của người cư trú tại Làng tạo ra. Cái địa đó dễ chịu hay khó chịu đều do tâm thức cộng đồng tạo ra hết, không có gì khó hiểu hết. “Tam giới bất an do như hỏa trạch,” nghĩa ba cõi nó không yên, giống như nhà lửa là vì tâm thức của ta có nhiều lửa quá.
Có tất cả mười địa
(bumi) tức là những cõi mà các vị Bồ-tát đi ngang qua. Cõi đầu là hoan hỉ địa.
Nếu mới bước vào Làng Hồng là nghe vui khỏe liền, nếu Làng Hồng mà tạo được
không khí như vậy thì có thể gọi là hoan hỉ địa, sơ địa của các vị Bồ-tát. Còn
tới Làng Hồng mà thấy ai cũng quạu hết thì làng chưa phải là hoan hỉ địa. Chúng
ta sẽ từ từ đi ngang qua những địa như là viễn hành địa, pháp vân địa, trong đó
có rất nhiều hạnh phúc, rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi. Và những địa đó từ
đâu mà phát hiện. Nếu chúng ta tu học giỏi, có nhiều an lạc thì chúng ta phát
hiện ra những địa rất dễ thương.
Những cái tịnh độ nho
nhỏ mà chúng ta lập ra để tu học và để làm hạnh phúc cho người là những cái địa
nho nhỏ phát sanh từ tâm thức của chúng ta. Ví dụ như có năm bảy người tu học
có kết quả, có an lạc, có hạnh phúc, đi ra lập một trung tâm tu học, đem cái hạnh
phúc của mình biểu hiện ra thành khung cảnh cho người khác tới để tham dự. Thì
đó là tạo một cái địa. Và cái địa ấy từ tâm mà ra.
Giới, địa và thế
gian. Thế gian đây gồm có hai loại: tình thế gian và khí thế gian. Tình thế
gian là thế giới của loài hữu tình. Nghĩa là loài người, cầm thú và cây cỏ, tất
cả loài đó thuộc về thế gian của loài hữu tình. Xã hội loài người, xã hội các
loài khác cũng đều do tâm thức cộng đồng từ A-lại-gia mà biểu hiện.
Khí thế gian là khung
cảnh mà trong đó các loài hữu tình đang sinh sống: núi, sông, không khí, trái đất,
lớp ozone. Những cái đó cũng là sáng tạo phẩm của tàng thức. Tàng thức duy trì
hết những cái đó. Nó biểu hiện ra và nó duy trì lại. Tất cả đều vận hành theo
cái quy luật nhịp nhàng, tất cả đều phát hiện từ thức A-lại-gia gọi là tàng.
Trong tác phẩm Bát Thức Quy Cũ của thầy Huyền Trang (The Standard Verses of the
Eight Vijnana) mà ta gọi tắt là quy cũ, tức là những bài tụng mẫu mực về tám thức,
thì Thầy Huyền Trang ở thế kỷ thứ bảy có dùng câu: ‘thọ huân trì chủng căn thân
khí.’ Câu của Thầy Huyền Trang về tám thức có nghĩa là thức này nó tiếp nhận và
nó huân tập những kinh nghiệm, những tri giác của mình đi vào từ cái giác quan
nghe, thấy, ngửi, nếm, xúc… tất cả những cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc,
đó đều bị tiếp nhận bởi tàng thức để tạo nên những hạt giống gọi là thọ huân.
Huân là ướp, cất, chứa.
Ví dụ sáng nay ta đi học một bài Duy thức, tất cả những cái đó đi vào tàng thức
ta và như vậy gọi là thọ huân. Thọ huân là tiếp nhận và huân tập. Trì chủng tức
là duy trì bảo tồn lại nó, không để mất nữa. Đôi khi mình nghĩ là mình quên
nhưng nó không mất.
Căn tức là những cơ
quan cảm giác như mắt tai mũi lưỡi thân ý. Ta có sáu căn, thân là một căn trong
sáu căn. Khí là khí thế gian, thiên nhiên vạn vật. Tất cả những cái này: căn
thân, khí thiên nhiên, con người các loại tất cả đều được tiếp nhận và duy trì
bởi các thức này. Công việc của thức này là tiếp nhận, duy trì hạt giống, duy
trì căn, thân và khí.
Ở tâm lý học ngoài đời
ta chỉ học về ba múi quít ở giữa nhiều hơn. Nhưng khi ta học về thức là ta học
từ cái căn bản của nó là thức thứ tám. Có những cái mà ta chưa bao giờ ta được
học ở tâm lý học ngoài đời. Tác dụng đầu tiên của thức là giữ gìn, duy trì. Mà
duy trì ở đây là duy trì cả vũ trụ, duy trì cả thế giới duy trì hết tất cả những
hạt giống.
Xem Tiếp Bài Kệ 4 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá