Duy Biểu Học – Chương 1. Thức Thứ Tám (Tàng Thức) – Kệ 7. Tập Khí

Duy Biểu Học – Chương 1. Thức Thứ Tám (Tàng Thức) – Kệ 7. Tập Khí

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Giảng Luận Duy Biểu Học

Biết Rõ Sự Vận Hành Của Tâm


Chương 1. Thức Thứ Tám (Tàng Thức)

Bài Kệ 7. Tập Khí







Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Duy Biểu Học' ê


Tác dụng Alaya

Là tiếp nhận duy trì

Và làm biểu hiện ra

Hạt giống cùng tập khí.

Tác dụng và công năng của thức A-lại-gia là tiếp nhận những hạt giống. Tiếp nhận từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, từ học đường, bè bạn, xã hội. Tiếp nhận xong rồi còn duy trì nữa, giống như đất. Tiếp nhận, duy trì rồi, còn làm biểu hiện ra nữa. Tại vì các hạt giống đó luôn luôn biểu hiện ra thành những cái mà mình nhận thức được nên gọi là hiện hành. Khi hạt giống mà nó tiềm tàng thì mình không sờ mó được, nhưng khi gặp những điều kiện thuận lợi thì những hạt giống đó biểu hiện ra. Gọi là những hiện hành (actual dharma).

Ví dụ những hạt giống của giận, khi cười, nói thì đâu thấy. Nhưng khi người ta động tới thì nó hiện hành, nó biểu hiện. Cái hạnh phúc và khổ đau của mình cũng vậy. Tổ tiên mình, có trong mình và có khi tổ tiên mình hiện hành ra trong cách mình cười, mình nói mình suy nghĩ. Đó là về kinh nghiệm mà nói. Thân thể mình cũng là một hiện hành từ A-lại-gia, rồi xã hội mình cũng là một hiện hành của A-lại-gia, rồi đất nước mình và cả thế giới đều là hiện hành của A-lại-gia. Nên nhớ rằng A-lại-gia đây, là A-lại-gia cộng đồng. Tại vì có A-lại-gia riêng và A-lại-gia chung. Cũng như hạt giống của mình, cũng là A-lại-gia riêng và chung. Cũng như những hạt giống của mình, cũng có tính cách riêng và chung, cũng có tự tướng và cộng tướng.

Ví dụ Làng Hồng, Làng Hồng là một biểu hiện. chúng ta có Làng Hồng chung của chúng ta nhưng mỗi người trong chúng ta đều có Làng Hồng riêng. Làng Hồng của Sư cô Đoan Nghiêm nó khác Làng Hồng của Sư chú Pháp Đăng. Làng Hồng có tự tướng và cộng tướng của nó. Có một người mua giấy máy bay từ Cali sang Làng Hồng. Tới nơi rồi, đi mấy ngày trên xóm Thượng Làng Hồng mà vẫn chưa tiếp xúc được với Làng Hồng. Dễ sợ như vậy đó. Đó là một thiếu phụ người Hoa Kỳ mà tôi gặp đi trên xóm Thượng như một bóng ma. Tới được rồi, gặp được người Làng Hồng, mà không tiếp xúc được với người Làng Hồng. Thành ra Làng Hồng của người đó là một Làng Hồng rất riêng của người đó, không phải của mình. Thành ra Làng Hồng cũng có cái tự tướng và cộng tướng của nó. Nếu nói tôi biết Làng Hồng rồi, tôi tới đó rồi thì câu tuyên bố đó chỉ giá trị nào đó thôi. Đó là Làng Hồng của bạn, chưa chắc gì là Làng Hồng của tôi. Cũng như nước Pháp vậy, nước Pháp với mình, cũng là nước Pháp có tự tướng và cộng tướng.

Tâm thức cũng vậy. Vì vậy tâm thức cộng đồng của chúng ta làm bằng hạt giống. Và những hạt giống đó biểu hiện thành ra hiện hành, thành ra thế giới. Biểu hiện thành ra hiện hành, thành ra thế giới. Biểu hiện những hạt giống và tập khí đó ra. Tập khí mình dịch là habit energy. Khí là một loại năng lượng (energy). Tập có tính cách xông ướp, có tính cách làm thành ra một thói quen. Ngựa theo lối cũ. Có những thói quen cũ ngàn đời, có những thói quen mới. Tu tập là làm ra những thói quen, tập khí mới. Ví dụ thói quen là mỗi khi nghe người ta nói câu nào thì mình nhăn mặt, không muốn nhăn mặt của cứ nhăn. Bây giờ muốn có thói quen mới là khi nghe câu nào không vừa ý thì mình thở. Ban đầu chưa phải là thói quen, từ từ rồi sẽ có tập khí quen làm như vậy, không làm không được. Như là đánh răng cũng vậy. Người mới tập đánh răng trước khi đi ngủ thì hay quên, rất khó làm. Nhưng từ từ thành tập khí rồi thì trước khi đi ngủ mà không đánh răng sẽ rất khó chịu. Khi mình cầm tờ giấy và mình cuốn lại thì khi mình thả tờ giấy ra nó vẫn cuốn lại. Nó thành tập khí rồi, nó không chịu thẳng lại như xưa nữa.


Mùa hè thỉnh thoảng có con ruồi nó tới đậu đúng gò má mình. Mình xua nó đi nó bay một vòng rồi lại đậu trúng chỗ cũ. Nó có tập khí rồi. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta có rất nhiều tập khí. Muốn biết tập khí của ta thì chỉ có một cách thôi. Đó là chánh niệm. Khi có chánh niệm, ta nhận ra tập khí chúng ta và chúng ta mỉm cười. Ta cứ mỉm cười hoài thì tập khí đó sẽ chuyển hóa. Không có cách gì hơn đâu bằng cách nhận diện tập khí mình.


Hút thuốc chẳng hạn, nó là một tập khí. Một khi đã thành tập khí rồi thì chúng ta không bỏ được. Phương pháp hay nhất để bỏ tập khí là khi hút thuốc thì mình biết rằng mình hút thuốc. Mà cái biết của mình, cho mình thấy sự hút thuốc đó liên hệ tới cái phổi của mình. Và cái phổi của mình liên hệ tới những người mình thương, những người trông cậy vào mình. Và nếu mình bị ung thư phổi thì tội nghiệp cho họ. Không phải là tội nghiệp cho mình mà thôi mà còn tội nghiệp cho họ. Thành ra mình giữ gìn cho mình mà cũng là giữ gìn cho những người mình thương “Giữ gìn cho tôi và giữ gìn cho anh.” Chánh niệm thường cho mình những cái thấy như vậy. Khi uống rượu cũng vậy. Đó là một tập khí. Mỗi khi buồn thì cần chén rượu để quên; dần dà nó thành thói quen. Thành ra khi mà thực tập chánh niệm quen rồi thì mỗi khi cầm chén rượu lên mình sẽ nói: “Tôi đang uống rượu và biết rằng tôi đang uống rượu.” Và càng ngày cái thấy càng sâu thì cái thấy rằng uống rượu, nó đang tàn phá mình và tàn phá những người đang trông cậy vào mình.

Hạnh phúc cũng là tập khí. Ví dụ mình đi thiền hành mà thấy an lạc. Ban đầu mình cố để được an lạc, ráng an lạc. Lúc đó là tại mình tu chưa giỏi. Đến khi đi thiền hành thì tự nhiên mình thấy an lạc, không cần cố gắng chi cả. Mỗi khi đi thiền hành là đi mà không hấp tấp. Đi mà hưởng sự an lạc của từng bước chân. Cái này phải tập, dần dần mới thành thói quen. Ban đầu khi mới về Làng, thấy ai cũng đi thong thả cả, mình đi hấp tấp như bị ma đuổi thì coi nó không được. Mình chỉ muốn coi cho nó được thôi. Nhưng từ từ thành thói quen mình nếm được sự khỏe khoắn thì mình mới tự nhủ “Đi đâu mà vội mà vàng, cho vấp phải đá cho quàng phải dây.” Rồi khi mình nếm được cách đi thảnh thơi đó rồi thì mình thấy mấy kiểu đi khác không hấp tấp nữa. Mình bỏ những lối đi như ma đuổi và chỉ đi thiền hành thôi.

Ở đây ta có hai danh từ. Một danh từ ở bài thứ tư là huân tập và danh từ ở bài thứ bảy là tập khí. Huân (vasana) là ướp vào. Giống như trà đem ướp bông lài thì có mùi bông lài. Nếu ở lâu ở Làng Hồng thì thế nào cũng thấm. Tập khí có thể là xấu, có thể là tốt.

Hạnh phúc cũng là một tập khí. Nếu mình có thói quen sống nhẹ nhàng, hạnh phúc rồi thì hạnh phúc là chuyện tự nhiên dễ dàng. Anh là người có khả năng có hạnh phúc dù phải đối diện những hoàn cảnh khó khăn. Đó là lời khen ngợi đẹp nhất đối với một người. Chị là người có khả năng sống nhẹ nhàng trước mọi khó khăn. Đó là lời khen ngợi. Đó là vấn đề tập khí do công phu thực tập. Cho tới bây giờ chúng ta chỉ mới học về cái chức năng đầu tiên của tâm thức thôi. Đó là chức năng A-lại-gia, tàng thức. Chúng ta chưa học những cái như tưởng tượng, tri giác, nó có liên hệ tới thức thứ sáu, thức thứ bảy và các thức đầu. Chúng ta chỉ mới học cái chức năng đầu là duy trì và biểu hiện thôi. Điều này tâm lý học Tây phương hoàn toàn không nói tới. Không nói tới sự tiếp nhận duy trì và làm biểu hiện những hạt giống. Tuy là nó có những người Tây phương không cho là căn bản, trong khi trong Duy Biểu học cho là căn bản.

Nếu chúng ta chưa hiểu hết thì cũng không sao. Khi ta học các bài kế tiếp thì ta sẽ hiểu những bài đầu sâu sắc hơn. Tại vì một bài chứa đựng những bài khác cho nên càng học thì càng hiểu những bài cũ. Có những điều mà trí của chúng ta chưa chấp nhận được. Chúng ta phải để cho nó một cơ hội, một thời gian vì nó chưa quen. Ví dụ như khi nói Làng Hồng là một chủ thể chủ quan và một chủ thể khách quan. Cái tri giác đó có thể chứa đựng những cái sai lầm tại vì ta chưa tiếp xúc được với cái Làng Hồng khách quan. Chúng ta có thể nghĩ là có một Làng Hồng của tri giác chúng ta và một Làng Hồng của thực tại khách quan về Làng Hồng mà một ngày nào đó ta sẽ nắm được cái thực tại khách quan của Làng Hồng. Bây giờ đây ta chỉ có một hình ảnh của Làng Hồng do tâm thức chủ quan chúng ta tạo ra thôi. Chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng ta không biết rằng cái Làng Hồng mà ta nghĩ là thực tại khách quan đó, nó cũng do tâm thức của ta tạo ra thôi. Tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Điều đó có thể chúng ta chưa hiểu. Ta nên biết rằng cái tàng thức của ta nó có tàng thức cá nhân và tàng thức cộng đồng. Ta biết như vậy.

Ta biết rằng Làng Hồng này hay nước Pháp này do tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng tạo tác ra. Nhưng ta vẫn nghĩ rằng tâm thức là một chuyện. Nhưng nó phải có cái gì ở ngoài tâm thức và căn cứ trên đó ta mới có hình ảnh của Làng Hồng, dù hình ảnh đó là hình ảnh của tâm thức cá nhân hay tâm thức cộng đồng. Điều đó là điều mà từ từ ta sẽ thấy khi ta đi sâu vào trong Duy Biểu học. Nhưng mà ít nhất ta phải mở lòng chúng ta ra để chúng ta thấy rõ ràng rằng chúng ta chưa thấy. Chúng ta mới bắt đầu học là tâm thức có hai loại: tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Nhưng mà cái thấy và cái hiểu của chúng ta về tâm thức cộng đồng nó còn sơ khởi lắm. Ta thường hay bị ám ảnh là cái thực thể khách quan bên ngoài và cái nhận thức chủ quan của chúng ta và chúng ta hay so sánh đối chọi và tự hỏi làm thế nào một ngày kia tôi bỏ được ý niệm chủ quan của tôi và tôi đạt được nhận thức rất khách quan, rất trực tiếp về cái thế giới. Thì mình nên nhớ là trong lúc này mình chỉ cần biết một chuyện thôi là cái thực tại khách quan mà mình nghĩ rằng nó có mặt độc lập với cái tri giác nhận thức của mình đó, chính là sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng.

Xem Tiếp Bài Kệ 8Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post