Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Giảng Luận Duy Biểu Học
Biết Rõ Sự Vận Hành Của Tâm
Chương 1. Thức Thứ Tám (Tàng Thức)
Bài Kệ 9. Dị Thục Và Luật Đồng Thanh Tương Ứng
Tất cả mọi hiện hành
Đều tự biểu, cộng biểu
Dị thục khi dự vào
Giới và Địa cũng thế
Hiện hành là một danh
từ đi đôi với danh từ hạt giống. Hạt giống cũng là hiện hành mà nó nằm vào thế
tiềm phục, ta không nhận thức được. Tới khi mà nó biểu hiện ra thì ta mới nhận
thức được và ta gọi là hiện hành. Vì vậy ta gọi là tiềm thế và hiện thế. Đứng
vào thế tiềm tàng thì ta gọi đó là chủng tử, còn đứng vào thế biểu hiện thì ta
gọi đó là hiện hành. Ví dụ cái giận và cái buồn trong tôi, nếu nó đang nằm
trong tiềm thế thì quý vị không thấy được nhưng khi mà tôi giận, tôi buồn, cái
mặt tôi đỏ lên thì quý vị mới thấy. Lúc đó nó hiện hành, nó đứng về phía hiện
thế. Tất cả mọi hiện hành tức là mọi hiện tượng của thế giới từ vật lý, sinh lý
và tâm lý đều tự biểu và cộng biểu, tức là những biểu hiện chung và riêng.
Nhìn sâu vào mỗi biểu
hiện chung và biểu hiện riêng của hiện tượng đó. Ví dụ như cái giận của tôi.
Khi tôi chưa giận những hạt giống giận của tôi nằm ở thế tiềm tàng và không ai thấy.
Họ nói ông này không giận, không đúng. Ông này có hạt giống giận trong tâm. Khi
hạt giống giận đó biểu hiện ra, quý vị nhìn cho kỹ cho sâu vào cái giận thì quý
vị sẽ thấy được cái bản chất của cái giận đó. Nó đang hiện hành. Bản chất của
nó là tự biểu và cộng biểu tức là nó có tánh cách cá nhân, vì nó là hạt giống
cái giận trong tâm thức tôi. Và khi hạt giống giận đó được tưới tẩm thì cái giận
đó phát hiện. Đó là cái giận của tôi. Đó là tính cách tự biểu của hiện tượng nầy.
Nhưng mà nhìn cho sâu
thì mình thấy, tánh cách cộng biểu của cái giận này. Tại vì những người quen,
những người thân của tôi, những người đã sống chung đụng với tôi, những người
đó đã đóng góp vào sự gieo những hạt giống của cái giận trong tôi. Vì vậy cái
giận trong tôi, nó có tính cách tự biểu nhưng nó cũng có tính cách cộng biểu.
Mình giận đời, giận người, giận hết tất cả mọi cái, cái đó là tại vì mình vô minh,
mình thiếu sự hiểu biết nên mới giận. Nhưng tại vì Cha, Mẹ, Thầy, bạn, xã hội,
cuộc đời không cứu giúp mình. Và trong sự chung đụng hằng ngày vì thiếu chánh
niệm nên gây thêm hạt giống đau khổ cho mình, làm cho hạt giống giận trong mình
ngày càng quan trọng. Vì vậy cho nên hạt giống giận trong tôi không phải chỉ một
mình tôi chịu trách nhiệm. Đôi khi Ông Bà tôi, Tổ tiên tôi cũng chịu trách nhiệm,
cha mẹ, bạn bè tôi và xã hội tôi chịu trách nhiệm. Thành ra chỉ nhìn vào hạt giống
giận đang hiện hành trong một người, mình cũng có thể thấy được tánh cách của tự
biểu và cộng biểu.
Bây giờ mình lấy ví dụ
khác: Làng Loubes Bernac trong đó có Làng Hồng. Loubes là một làng nhỏ của nước
Pháp, nó là một hiện hành. Nó là một pháp, một sự vật mà mình đang tiếp xúc. Nó
là vật sở hữu chung của tất cả dân làng này và của chung của tất cả những người
Pháp. Thành ra Loubes là một hiện tượng cộng biểu của tất cả những người Pháp,
ai cũng có thể hưởng, đi thăm, mua nhà, mua đất ở làng này, dẫm những bước chân
trên làng này. Nhưng với người dân ở làng Loubes Bernac thì miếng đất này thân thiết
hơn, vì mình có những người thân sinh ra từ đây và chết ở đây, mình cày ruộng
này cho nên đối với những người dân làng, thì Loubes có tính cách tự biểu.
Trong cái chung, có cái riêng. Chúng ta những thiền sinh tới từ nhiều nơi,
không sinh trưởng từ làng này, ta tham dự vào cái làng Loubes Bernac thì làng
Loubes đối với chúng ta vừa có tính cách cộng biểu và vừa tự biểu.
Đáng lý thì ta không
về đây làm gì vì nhiều người trong chúng ta không bà con sinh đẻ gì từ làng này
hết. Nhưng tại vì ở đây có một trung tâm tu học nên chúng ta đã về đây và tham
dự vào cái hiện hành của Loubes Bernac. Nhưng đối với chúng ta thì Loubes nó
không giống với những người đang sống dưới làng. Chúng ta có hình ảnh rất khác
về Loubes. Loubes đối với chúng ta là Làng Hồng là chỗ đi thiền hành, là chỗ
thiền tọa, chỗ có pháp thoại, pháp đàm rất vui. Mà cái Loubes Bernac đó, chính những
người sinh ra và lớn lên tại Loubes cũng không hề tham dự, không tiếp xúc được.
Thành ra trong mỗi chúng ta có một Loubes Bernac riêng là tự biểu và cái Loubes
Bernac chung là cộng biểu. Và chúng ta sống với Loubes trong hai mặt đó tự biểu
và cộng biểu. Có khi có những anh chàng dưới làng Loubes lên chơi, chúng ta đi
chung với anh ta, chúng ta nói “Loubes đẹp quá hả anh?” Anh ta rất nghi ngờ.
Anh ta không thấy ở đây đẹp như mình thấy. Anh ta không hiểu tại sao cảnh vật
như thế này mà lại khen đẹp được. Thành ra trong Loubes, có tính chất cộng biểu
và tính chất tự biểu.
Ví dụ khác: Bây giờ
nói đến cái thần kinh thị giác của tôi, nó liên hệ đến tôi rất nhiều. Những hạnh
phúc, những đau khổ của tôi, nó tùy thuộc vào thần kinh thị giác của tôi. Nếu
nó mờ thì tôi không đọc sách được và vì vậy cái dây thần kinh thị giác của tôi,
nó có tính cách tự biểu nhiều hơn cộng biểu. Nó là vấn đề riêng của tôi, đó là
hiện tượng tự biểu nhưng thật ra nó cũng là hiện tượng cộng biểu. Tại vì tôi thấy
rõ hay không thấy rõ, nó có liên hệ tới những người trong cộng đồng tôi, nhất
là khi tôi lái xe, đưa các bạn tôi đi ra ga. Ngồi trên chiếc xe buýt có ba bốn
chục người, mình hoàn toàn giao sinh mạng mình cho ông tài xế và cái thần kinh
thị giác của ông tài xế không phải của riêng ông, mà nó liên hệ tới sinh mạng của
nhiều người. Tất cả những hiện tượng vật lý trong thế gian như cây, cỏ, sông,
núi, những hiện tượng sinh lý như thân thể mình và thân thể người khác và hiện
tượng tâm lý như cái giận, cái buồn, cái sợ, cái lo của mình và nhiều người
khác, tất cả những hiện tượng đó là hiện hành, và hiện tượng nào cũng có tính
cách tự biểu và cộng biểu. Không có thể tìm ra được hiện tượng thuần túy tự biểu
hay không có hiện tượng nào thuần túy cộng biểu.
Mặt trời là mặt trời
chung rất công bằng cho tất cả mọi người. Nhưng mà mặt trời của tôi nó khác với
mặt trời của anh. Ngày hôm đó tôi muốn đi picnic thì tôi mong mặt trời của tôi nắng
suốt ngày, còn một người nông dân đang trong trời mưa để tưới tẩm những hạt giống
anh ta vừa gieo thì cũng ngày hôm nay anh ta mong mặt trời đừng xuất hiện, mặt
trời phải có mây che lấp và có mưa để cho những cây hướng dương của tôi sớm mọc
lên. Và cũng cùng mặt trời đó, miền Bắc khí hậu nó khác, miền Nam khí hậu khác,
bên Úc khí hậu khác, Âu Châu khí hậu khác. Thành ra mặt trời kia có tính chất cộng
biểu mà cũng có tính cách tự biểu.
Ở Việt Nam mặt trời
không quý lắm vì trời nóng quá. Vì vậy ta mong thỉnh thoảng có một đám mây đi
qua, che mặt trời cho ta được mát chút xíu. Còn bên này hạnh phúc là mặt trời.
Thành ra trong Duy Biểu học nói rằng tất cả mọi hiện tượng vật lý, sinh lý hay
tâm lý đều có tính cách tự biến và cộng biến. Có nhiều khi nó mang nặng tính
cách cộng biểu, có khi mang nặng tính cách tự biểu.
Một ví dụ nữa là pháp
luật nước Pháp, trên nguyên tắc là được chế ra cho những người công dân Pháp
nhưng mà những người dân thấp cổ bé miệng, không đủ cơ hội để có một nền giáo dục
tối thiểu thì người dân đó không thừa hưởng pháp luật đó bằng những người trí
thức. Có những người cảnh sát họ hống hách và tại miền quê họ có thể đàn áp,
chèn ép những người nông dân không biết luật. Nhưng nếu những người dân quê đó
mà biết luật mà quen biết lớn trong thành phố thì anh cảnh sát kia không dám
làm bậy đâu. Cho nên trên nguyên tắc thì pháp luật là chung, ai cũng có thể thừa
hưởng nhưng mà pháp luật cũng có cách cộng và tự biến.
Ví dụ nữa là một cây
nến. Khi ta đốt lên một cây nến thì sẽ có nhiều vùng ánh sáng: vùng 1 gần cây nến
(độ sáng có thể là 10), vùng 2 sáng ít hơn (độ sáng là 7) và vùng thứ 3 thì lại
yếu hơn nữa (độ sáng là 4). Trong khi đó ta đốt lên ngọn nến thứ hai. Ngọn nến
này cũng phát ra những vùng ánh sáng thứ nhất, hai và ba.
Ánh sáng cây nến này
nó soi sáng cho nó mười phần và nó soi sáng cho các vật khác 10 hay 8, 7, 6, 5,
4 phần và nó cũng soi sáng cho cái đèn kia 4 phần. Đèn kia cũng vậy. Vùng ánh
sáng riêng của nó có thể gọi là tự biểu nhưng mà trong cái vùng ánh sáng đó nó
có mặt vùng ánh sáng khác của cái đèn kia gửi tới. Vì vậy cái vùng này không phải
tự biểu mà nó có cộng biểu nữa. Nhìn kỹ lại, vùng nào cũng vừa có tự biểu vừa
có cộng biểu. Vùng nào cũng vậy, ta không thể tìm ra bất cứ hiển hiện nào chỉ
là tự biểu hay chỉ là cộng biểu. Điều này rất quan trong trong Duy Biểu học.
Sư chú Pháp Đăng vừa
là hiện tượng tự biểu mà cũng là hiện tượng cộng biểu. Chú đã tự tạo ra đời sống
của mình, sự nghiệp tu học của mình, tạo ra đời sống an lạc của mình. Đó là hiện
tượng tự biểu nhưng mà Cha Mẹ của Sư chú, bạn bè, Thầy tổ của Sư chú, Tăng thân
của chú cũng đóng góp cho sự tạo tác ra chú Pháp Đăng. Thành ra chú vừa tự biểu
mà vừa cộng biểu.
Ví dụ khác như cuốn Đường Xưa Mây Trắng. Theo nguyên tắc thì cuốn đó là do một người viết, Thầy viết. Nhưng nhìn cho kỹ thì ta thấy, đó cũng là sáng tạo phẩm cộng đồng, tại vì ông bà của tác giả có tham dự vào việc viết cuốn đó, Thầy tác giả cũng có tham dự, bạn tác giả, học trò của tác giả đều có tham dự. Đó là một cuốn sách cũng có tánh cách cộng đồng.
Nhìn vào một thiếu
nhi phạm pháp mà đang bị cầm tù. Hành động phạm pháp của thiếu nhi đó là sản phẩm
của gia đình, học đường và xã hội của nó, vì vậy hành động phạm pháp của nó, tất
cả chúng ta đều phải gánh chịu chung. Chúng ta không có còn buộc tội thiếu nhi
đó như một người chịu trách nhiệm duy nhất nữa. Nhìn được như vậy thì chúng ta
hiểu được nhiều hơn và thương được nhiều hơn.
Khi một thanh niên bị
vướng vào ma túy, anh ta dùng heroine và cuối cùng không có tiền mua heroine để
chích, nên phải gia nhập một đoàn buôn thuốc phiện lậu để có tiền. Ta thấy người
đó đang đi vào con đường tội lỗi, hại mình, hại người vì hành động vướng vào ma
túy và buôn bán ma túy, không phải là con đường đạo đức, nhưng nhìn kỹ vào tình
trạng thiếu niên đó, ta có thể khám phá ra những điều sâu sắc. Có thể là thiếu
niên đó trong thời thơ ấu không được thương yêu. Mẹ cha thiếu niên đó cãi lộn
nhau, đã làm khổ nhau và làm khổ chú bé đó. Thiếu tình thương, thiếu giáo dục,
thiếu thấy một cái gì đẹp, cái gì có ý nghĩa để đi theo, thì người ta hay tìm sự
quên lãng trong rượu, trong ma túy, trong thuốc. Và vì vậy cho nên tất cả một
xã hội trong đó có cha mẹ, ông bà, học đường, văn hóa đã chịu trách nhiệm về việc
đã đẩy người thiếu niên đó vào vòng nghiện ngập. Thành ra tình trạng nghiện ngập
của thiếu niên đó có tính tự biểu vừa có tính cộng biểu. Thiếu niên đó tất
nhiên là chịu trách nhiệm, nhưng tất cả những người chung quanh thiếu niên đó
cũng chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta thấy được điều đó, chúng ta có thể hiểu và
chúng ta sẽ có thể thương được người thiếu niên đó. Chứ nếu chỉ biết lên án và
trừng phạt thì không thể nào giúp được thiếu niên kia. Tại vì suốt đời của thiếu
nên đó đã từng bị trừng phạt, trách móc, la mắng rồi. Nếu chúng ta chỉ biết trừng
phạt, trách móc, la mắng thì không bao giờ người thiếu niên đó thoát khỏi tình
trạng kia. Vì vậy cho nên những hành động như dùng những lực lượng công an tổ
chức đi lùng bắt, khám phá những ổ ma túy là nó ích lợi nhưng không phải là những
hành động cơ bản. Khi mà người ta tìm tới ma túy là vì người ta đau khổ, muốn
tìm chỗ quên lãng, muốn trốn tránh đời. Tại sao người ta lâm vào tình trạng đau
khổ, muốn lánh đời, trốn đời? Tại vì người ta không có hạnh phúc. Gia đình
không cho hạnh phúc, học đường không cho hạnh phúc, xã hội không cho hạnh phúc,
mà hiện giờ hàng chục triệu thanh thiếu niên trên thế giới đang đi vào con đường
đó. Thành ra hình phạt như bỏ tù không phải là hành động có thể cứu người thiếu
niên kia qua cơn mê. Phải có tình thương, sự hiểu biết, phải có phương thức để
đem lại cho những người kia những ý nghĩa, những niềm vui trong sự sống thì mới
giúp họ thoát khỏi tình trạng tâm lý và xã hội, nó dìm người đó xuống vực thẳm.
Tất cả những ví dụ đó
đưa ra để quý vị thấy rằng tất cả những hiện tượng tâm lý, vật lý hay sinh lý đều
là biểu hiện từ tâm thức như là một năng lượng. Và hiện tượng nào cũng mang
trong đó tánh cách tự biểu và cộng biểu.
Dị thục khi dự vào, giới và địa cũng thế.
Chúng ta biết rằng dị
thục (vipaka) là một cái tên nữa của thức A-lại-gia. Dị là khác và thục là
chín. Thức A-lại-gia hay tàng thức hay nhứt thiết chủng thức còn có tên mới này
nữa là dị thục thức. Di thục có ba nghĩa: dị thời nhi thục, dị loại nhi thục và
biến dị nhi thục.
Dị thời nhi thục là
không cùng chín một lúc. Ví dụ như ta hái vào một trái mãng cầu, một buồng chuối
và một trái mít và đem cất vào kho. Trái mãng cầu có khi chín trước, buồng chuối
chín thứ hai và trái mít chín sau. Đó là dị thời là khác thời. Những hạt giống
của chúng ta do cha mẹ, ông bà, bạn bè ươm vào và tưới, nó chín trước chín sau
tùy thời gian. Thành ra đừng tự hỏi tại sao Thầy dạy hoài mà chưa giỏi, tại sao
đi thiền hành hoài mà chưa thấy an lạc. Hạt giống nào cũng phải có thời gian
chín mới được. Sự thực tập là tưới tẩm những hạt giống trong chúng ta. Ta tin rằng
cứ tiếp tục tưới tẩm thì hạt giống đó sẽ lớn lên đúng mức và tiếp tục chín muồi.
Dị loại nhi thục là
có nhiều loại hạt giống, nó khác thời mà khác loại nữa. Nghĩa là trái chuối thì
khi chín sẽ thành trái chuối chín, mãng cầu khi chín thành mãng cầu chín chứ
không thành chuối được. Gọi là dị loại.
Biến dị nhi thục
nghĩa là khi chín thì biến dạng chứ không giống như thời mới sinh. Ví dụ như
trái cam mới sinh nó vừa xanh vừa chát, vừa màu xanh mà khi chín thì biến thành
màu vàng, đỏ vừa ngọt. Thức A-lại-gia gồm đủ thứ hạt giống và nó chín từ từ.
Cái đau khổ và hạnh phúc của mình, nó tùy thuộc vào sự chín tới của những hạt
giống. Hạt giống của hạnh phúc chín thì mình sẽ hạnh phúc, còn hạt giống của sự
đau khổ chín thì mình sẽ đau khổ. Nhưng mà dị thục thức là tổng thể của những hạt
giống và khi mà nó chín thì nó có sự tổng hợp và mình có thể thấy được kết quả
gọi là dị thục quả. Con người của mình với tình trạng hạnh phúc, đau khổ trong
hiện tại là một dị thục quả. Trái cây của mình trong giờ phút hiện tại là kết
quả của những hạt giống trong quá khứ.
Tôi xin đem một ví dụ:
tạm gạch một hàng ngang, chấm một chấm tượng trưng cho mức hạnh phúc trung
bình. Không hạnh phúc lắm nhưng không đau khổ lắm. Có người A đó gieo trong
ngày hôm đó một hạt giống rất mạnh hoặc một người khác gieo dùm cho người đó một
hạt giống rất mạnh, có thể đưa người đó tới khổ đau hay hạnh phúc trong tương
lai. Và chúng ta hay vẽ một mũi tên. Ví dụ người đó làm một hành động rất quả cảm,
đầy thương yêu và hành động đó nặng chừng hai ba chục ký chẳng hạn. Hành động
đó khi mà chín sẽ đưa người đó lên có hạnh phúc. Thành ra gieo một cái nhân (nghiệp
nhân). Khi nghiệp nhân chín thì sẽ đưa người kia đến mức này. Mức này thì hạnh
phúc nhiều hơn vị trí cũ phải không? Tới chỗ cao trên kia là nghiệp quả. Trong
tàng thức người đó, vừa mới có một trái mãng cầu hay trái mít gì đó vừa mới đặt
vào, ta chưa biết nghiệp quả và ta biết rằng hạt giống đã gieo thế nào cũng tốt.
Nhưng chiều hôm đó có thể người đó bị quyến rũ và đã tạo ra một nghiệp khác
không được tốt mấy. Ví dụ người đó mắng chửi người khác và khiến cho người khác
mất hết niềm tin nơi mình và người đó bỏ tu học và người đó xa thầy, xa bạn, đi
luôn. Thành ra đó là hành động không có xây dựng, người đó đồng thời gây vào
tâm thức của mình một nghiệp nhân xấu. So với nghiệp nhân trước thì nghiệp nhân
này nó nhẹ, hơn và sức mạnh của nó yếu hơn. Chúng ta đơn giản hóa vấn đề nói rằng
trong tâm thức của người này chỉ có hai hạt giống thôi, hạt giống thiện và bất
thiện. Khi mà cái đó, nó chín thì quả dị thục sẽ đưa người đó về đâu?
Theo nguyên tắc vật
lý học thì sau khi vẽ hình bình hành như vậy thì khi cả hai hạt giống chín quả
dị thục sẽ đưa người đó đi về đâu? Theo nguyên tắc vật lý học thì sau khi vẽ
hình bình hành như vậy thì khi hạt giống chín thì quả dị thục sẽ đưa người đó tới
chỗ cộng lại chia hai của nghiệp quả. Đây là địa vị của người đó trong tương
lai khi mà quả dị thục chín. Vì vậy dị thục có nghĩa là sự kết hợp lại tất cả
những nghiệp nhân khi mà nghiệp nhân đó chín.
Ta nhìn vào con người
chúng ta tâm lý, sinh lý, hạnh phúc, đau khổ của chúng ta thì chúng ta biết rằng
đó là cái dị thục quả trong giờ phút hiện tại. Nhìn lui thì chúng ta thấy những
nghiệp nhân mà chúng ta đã gieo, chúng ta nhận diện ra những nghiệp nhân có
trong quá khứ. Chúng ta nhờ Thầy, nhờ bạn, nhờ cha mẹ, những những điều kiện
thuận lợi mà bây giờ chúng ta được hưởng cái không khí trong lành an lạc của
Thiền hành. Ta nhìn trở lui ta thấy hết những nghiệp nhân đã gieo ngày xưa.
Chúng ta thấy rằng nếu những hạt giống đó được tưới tẩm, được chăm sóc được
gieo trồng thêm nữa, thì ngày mai chúng ta sẽ khá hơn.
Ví dụ như ta làm thêm
một hành động rất thiện thì cố nhiên hành động thứ ba sẽ đưa ta lên khá hơn. Vì
vậy cho nên khi ta nghe câu hỏi của Jean Paul Sartres tức là “l’homme est la
sôme de ses actes.” Con người là tổng thể của những hành động của mình thì mình
biết rõ rằng là người của mình đây là tổng nghiệp A cộng với B cộng với C chia
ba. Nghiệp nhân là hành động ta làm ta gieo, nghiệp quả là kết quả sau khi những
nhân gieo đã chín. Vì vậy khi ta thực tập thiền quán, ta nhìn vào thân tâm ta
trong hiện tại, ta thấy trình độ của hạnh phúc của sự nhẹ nhàng của sự giải
thoát của chúng ta. Rồi chúng ta phăng ra từ từ: trong quá khứ chúng ta đã làm
những việc gì, chúng ta đã được ai giúp đỡ, chúng ta đã thực tập được những gì
để hôm nay được thanh thản đó, có được hạnh phúc đó, có được sự tiêu dao đó, và
ta đã làm những nghiệp nhân nào hôm nay chúng ta vẫn còn những cái giận, cái buồn…
vài cái ganh ghét còn sót lại. Đó là hành động quán chiếu để tìm ra những hạt
giống năm xưa mà chỉ cần nhìn vào trái cây là biết được hạt giống. Hễ tiếp xúc
được hoa trái thì mình có thể nhận diện hạt giống gieo ngày trước.
“Dị thục khi dự vào, giới và địa cũng thế.”
Giới là ba cõi trong
đó chúng ta sống: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.
Và Địa là chín địa (từ
địa thứ nhất là ngũ thú tạp cư địa cho đến địa thứ chín là phi phi tưởng phi
phi tưởng xứ địa).
Tam giới hay chín địa
là những cõi mà do tâm thức của nhiều người trong chúng ta cộng tác để làm ra.
Ví dụ như Làng Hồng chẳng hạn. Làng Hồng là một sáng tạo phẩm của tâm thức cộng
đồng. Thầy trò, bạn hữu, đại chúng tu học, chúng ta đã dùng tâm thức của chúng
ta để sáng tạo ra Làng Hồng. Làng Hồng là thế giới cộng biểu của chúng ta, những
người có tâm tu học, chúng ta tạo dựng Làng Hồng để thừa hưởng và để tu tập.
Tam giới Cửu địa. Cửu
địa là cõi mà tâm thức cộng biểu của chúng ta cùng sáng tạo ra để chúng ta sống.
Chúng ta sống ở cõi dục, sắc hay cõi vô sắc hay là một thế giới, một cõi nào đó
thì cõi đó hoàn toàn do sáng tạo phẩm của tâm thức cộng đồng của nhiều người. Dị
thục nó tìm tới và tham dự vào cái cõi giới và địa đó. Tại sao bây giờ ta không
ở Canada mà chạy sang Làng Hồng? Tại vì chúng ta có cộng nghiệp với dân Làng Hồng?
Đó là tham dự vào giới
địa. Tại sao bây giờ chúng ta không ở Bordeaux mà lại lở Loubes. Tại vì trong
chúng ta có một hạt giống có liên hệ với hạt giống của những người đang ngồi tại
đây cho nên sáng hôm nay ta tìm tới đây. Vì thế cái dị thục nó đi tìm cái đồng
thanh tương ứng, đồng khí tương cầu để mà tham dự và có một sức mạnh, nó kéo
mình tới, để mình tham dự vào cái đó mà không đi tới tham dự vào cái khác. Đó
là những hạt giống đã được quyết định sẵn trong dị thục quả. Dị thục quả là sự
có mặt của Làng Hồng và một Tăng thân tu tập. Dị thục nhân là những hạt giống
mình đã gieo trong quá khứ và chính những hạt giống đó, nó kéo mình tới chứ
không phải người khác kéo. Đó gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực này là thiện nghiệp.
Nhưng nếu mà mình có
hạt giống của ma túy thì mình đâu còn ngồi đây, mình đang ngồi chỗ khác. Có những
người bây giờ đang ngồi xem video, phim chưởng hay đi nhậu nhẹt rượu thịt, tại
vì trong họ có những hạt giống nhậu nhẹt, rượu thịt hay video bạo động, còn
mình thì có hạt giống Phật pháp nên mình bị hút về đây. Thành ra chúng ta cứ
nhìn vào dị thục quả hiện giờ đây, chúng ta biết ngay, sờ mó ngay được những được
hạt giống ta đã gieo trong quá khứ.
Ngày hôm nay ngồi
trong nhà bếp nầy không phải là cái việc ngẫu nhiên. Sự kiện mà ta ngồi đây,
hôm nay, trong cái nhà bếp nầy, nó đã được quy định trước tức là những hạt giống
đã được gieo trước ở trong A-lại-gia của chúng ta và hôm nay nó được tưới tẩm,
nảy nở và nó cho ta đủ sức mạnh để tới và tham dự trong cộng đồng tu học nầy.
Thành ra cữu địa hay là ba cõi là những cõi làm các chúng sanh sáng tạo ra bằng
tâm thức cộng đồng của họ. Chúng ta chưa hiểu biết nhiều về tâm thức chúng ta đâu.
Tâm chúng ta mầu nhiệm vô cùng. Tâm chúng ta tạo ra Phật, tạo ra ma, tạo ra
thiên đường, tạo ra địa ngục. Thành ra không có cõi nào mà tâm chúng ta không tạo
được.
Dị thục khi dự vào,
giới và địa cũng như thế, chúng ta tham dự vào giới thì dục giới có tính cách tự
biểu mà cũng có tánh cách cộng biểu. Cái dục giới đó là chung của chúng ta. Nó
có tính cách cộng biểu. Bây giờ xã hội Tây phương được gọi là xã hội tiêu thụ
nó là cái thế giới cộng biểu, nhưng mà các Sư cô, Sư chú, các Phật tử ở đây,
chúng ta đâu có tiêu thụ bằng những người hiện đang ở Paris hay Bordeaux? Chúng
ta đâu có trả tiền nhà nhiều như họ? Cố nhiên là chúng ta đang sống thế giới cộng
biểu, trong cõi dục. Tất cả những quảng cáo trên truyền hình đều là tưới tẩm những
hạt giống dục của chúng ta. Nhưng mà ở Làng Hồng, chúng ta không có xem những
quảng cáo đó nên những hạt giống dục đó không bị tưới. Thành ra trong cái chung
mà đã có cái riêng rồi. Tuy ở Pháp trong xã hội tiêu thụ nhưng mà người dân Làng
Hồng không có bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự khêu gợi, sự kích động của những quảng
cáo. Trong khi những người ở Paris và các thành phố lớn, họ thuê nhà, rồi phải
đi làm, rồi trả tiền nhà, tiền điện, nước, thuế… Họ trả nhiều lắm, thành ra họ
làm cực lắm. Phải làm như là con trâu thì mới có tiền để mà trả đủ những nhu yếu
đó. Trong khi đó, tuy là chúng ta cũng ở Pháp, cũng ở trong xã hội tiêu thụ,
nhưng mà ở đây nếu tính ra, chúng ta trả ít hơn nhiều. Tiền thuế nhà cửa, thuế
đất, tiền ăn, tiền uống ít hơn nhiều. Những ăn uống tiêu thụ của ta cũng vậy,
so sánh thì nó ít hơn người khác nhiều. Thành ra tuy là cùng cõi dục nhưng mà
chúng ta ít dục. Vì vậy ta lại thấy được một khía cạnh của sự thật nữa là trong
cái cộng biến, thế nào cũng có cái tự biến.
Vì vậy cho nên các vị
hiền thánh cũng có thể ở trong cõi dục nhưng không bị cái dục nó làm cho trôi nỗi,
bềnh bồng. Cõi này có thể gọi là phàm thánh đồng cư. Cũng xã hội tiêu thụ đó,
cũng những cái dục vọng cám dỗ người đó, nhưng mà những người thánh thiện thì họ
vẫn giữ được cái tự do an lạc, trong khi những người phàm phu thì bị đắm chìm.
Trong cái chung, nó có cái riêng, trong cái riêng, nó có cái chung. Có cái đồng
thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Có một lần Bụt ngồi
trong tịnh xá Kỳ Viên, Ngài nhìn ra ngoài, chỉ ra ngoài sân và nói chuyện với
vài vị đệ tử xung quanh. Ngài nói: “Các Thầy thấy không? Nhìn ra mà coi, các Thầy
có thấy rằng những Thầy mà ưa pháp đàm đang ngồi vây quanh Thầy Xá Lợi Phất phải
không? Tại vì các người đó ưa pháp đàm với Thầy Xá Lợi Phất. Còn các Thầy mà ưa
giới luật, ưa học về tì ni thì ngồi quanh Thầy Ưu Bà Ly. Còn các Thầy ưa học
thuyết pháp thì đang quay quần bên Thầy Phú Lâu Na. Tại vì Thầy Xá Lợi Phất
pháp đàm giỏi, Thầy Ưu Bà Ly giới luật giỏi và Thầy Phú Lâu Na thuyết pháp hay.
Có nghĩa là trong tâm mình có cái ý muốn, cái sở thích, cái nghiệp lực của mình
như thế nào thì sự tham dự của mình vào cái giới, vào cái địa đó cũng vậy.
Thành ra khi mình tìm
tới một người bạn để mà chơi tại vì mình với người bạn đó có sự đồng thanh
tương ứng, đồng khí tương cầu, Affinities. Trong cái dị thục của mình, nó ghi
chép đủ và dị thục của mình thì đến cái giới và cái địa của mình rất tự nhiên.
Đó là nghĩa của câu “Dị thục khi dự vào, Giới và Địa cũng thế.”
Trong bài kệ thứ chín
chúng ta học rằng: Tất cả mọi hiện hành trong tàng thức chúng ta, đều tự biểu,
cộng biểu, dị thục khi dự vào giới và địa cũng thế. Nghĩa là mọi hiện tượng mà
chúng ta tiếp nhận, tri giác, hiện tượng nào cũng mang trong nó tính cách tự biểu,
cộng biểu, tức là tính cách chung và riêng. Khi mà những trái cây chín và tham
dự vào những giới và những địa thì cái dị thục đó cũng có tính cách tự biểu và
cộng biểu.
Giới là tam giới và địa
là cửu địa. Tam giới là: Cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Cửu địa có khi gọi là
cửu hữu. Hửu này là cõi. Chúng ta thường nghe tứ sanh gồm bốn loại tức là bốn
loại sinh vật (sanh bằng bào thai - thai sinh - như là con người, sanh bằng trứng
như con chim con rắn - noãn sinh, sanh từ nơi ẩm thấp - thấp sinh - và sanh bằng
cách biến hóa, như loài tằm con bướm). Cửu hữu là chín cõi có khi gọi là cửu địa
hoặc cửu chúng sanh cư hoặc cửu hữu tình cư, chỗ cư trú của các loài hữu tình.
Địa:
1. Cõi dục giới, trong
này loài trời và loài người ở chung, thú là đi về. Chúng ta có năm cõi để đi về:
cõi trời, cõi người, cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ và súc sanh). Cõi này, đặc tính
của nó là nhiều ham muốn, ngũ thú đồng cư địa.
2. Cõi phạm chúng
thiên, trong này người ta có thân thể khác nhau nhưng cách suy nghĩ giống như
nhau. Cõi này cũng được gọi là cõi trời của đệ nhất thiền thiên.
3. Cực quang tịnh
thiên, trong cõi trời này có rất nhiều ánh sáng. Thân thể thì như nhau nhưng sự
suy nghĩ khác. Gọi là nhị thiền thiên.
4. Biến tịnh thiên,
cõi này có nhiều sự thanh tịnh. Thân và tâm nó giống hệt như nhau. Còn gọi là
tam thiền thiên. Cõi trời của tam thiền.
5. Vô tưởng thiên, là
cõi không có tri giác, cõi cao nhất của tứ thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền,
tứ thiền.
Còn bốn địa chót thuộc
về thế giới vô sắc, đó là bốn địa cao nhất: Không vô biên xứ, thức vô biên xứ,
vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Không vô biên xứ: cõi
này chỉ có không gian vô biên. Thức vô biên xứ: cõi này chỉ có thức vô biên. Vô
sở hữu xứ: cõi này người ta không thấy sự có mặt của mọi hiện tượng. Phi tưởng
phi phi tưởng xứ: là cõi không có tri giác mà cũng không phải là không tri
giác.
Ba giới là cõi dục,
cõi sắc và cõi vô sắc.
Giới:
1. Cõi dục, trong này
nhiều ham muốn dục vọng. Có năm loại: ngũ thú.
2. Cõi sắc, có bốn:
Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.
3. Cõi vô sắc, không
vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Tất cả là chín địa
hay chín cõi. Cửu hữu. Tứ sanh, Có khi gọi là cửu chúng sanh cư.
Khi mà cái quả dị thục
chín thì tùy theo cái tính chất đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu mà
chúng tham dự vào cái giới hay cái địa. Ví dụ Làng Hồng là một vùng nhỏ ở Âu
Châu là một vùng lớn. Mình thuộc về cái vùng lớn nhưng mình tới tham dự vào cái
vùng nhỏ. Sự tham dự vào cái vùng nhỏ tùy thuộc vào bản chất của dị thục mình,
tại vì mình có nhiều sự gần gũi, nhiều sở thích với địa phương đó, với giới đó,
và địa đó. Ví dụ như đây là cái thế giới thì cái dị thục của chúng ta nó tham dự
vào cả thế giới đó nhưng dị thục đặc biệt kéo chúng ta vào tham dự một vùng
riêng biệt. Ví dụ như mình ở Âu Châu thì cố nhiên là ta tham dự vào Âu Châu này,
chúng ta có liên hệ với tất cả Âu Châu nhưng khi chúng ta về Làng Hồng thì
chúng ta tham dự vào cái địa này, chúng ta ở đây, chúng ta chia sẻ, chúng ta sống,
chúng ta vui, chúng ta buồn, chúng ta tạo nên cái địa này nhưng mà không có
nghĩa chúng ta bỏ cái kia (Âu Châu), ta vẫn còn tham dự với cộng đồng kia, dị
thục nó tham dự vào trong cái cộng và cái tự, cái chung và cái riêng.
Tuy là chúng ta tới
Làng Hồng tham dự cái địa này nhưng mà thành phố kia của Âu Châu mà chúng ta
đang có người thân quen vẫn còn đó, ta vẫn còn tham dự vói thành phố đó nhưng
hiện giờ ta đang tới tham dự vào cái vùng nhỏ vì mình có nhiều cái sở thích giống
nhau.
Có tất cả chín địa.
Khi mà ta tham dự vào một trong chín địa thì không có nghĩa là dị thục chúng ta
không tham dự vào tám địa khác nhưng tham dự vào tám địa kia loãng hơn, trong
khi địa thứ chín đặc hơn. Ví dụ chúng ta đang ở nước Pháp là làng Loubes
Bernac. Loubes Bernac thì đậm hơn còn Paris và các thành phố khác thì loãng
hơn. Chúng ta có tham dự vào cả hai.
Dị thục ta tham dự
vào tính cách chung và đồng thời tham dự vào tính cách riêng nữa. Vì vậy cho
nên mình đang ở cõi không vô biên xứ thì tham dự vào cõi này rất đậm đà, nhưng
điều đó mình không có nghĩa là không tham dự vào cái địa khác. Tại vì trong
mình có thảy chín địa. Và khi một địa biểu hiện đậm đà thì các địa kia bị mờ
đi. Như máy truyền hình khi mình mở đài đài thứ ba ra thì đài này rất rõ nhưng
không có nghĩa là các đài kia không có.
Dị thục là trái cây của
tâm thức mình, khi chín thì nó tìm tới, tham dự vào cái địa nó gần gũi với cái nghiệp
của mình nhất. Ví dụ trong tàng thức mình, nó có cái nghiệp của xì ke ma túy. Tự
nhiên có hấp dẫn lực nào đó, nó kéo mình tới sống chung với những người ưa ma
túy. Ở đây cũng vậy, có chín địa, trái dị thục của chúng ta nó đưa tới tham dự
một cách sâu sắc một giới hay một cõi nào đó.
Xem Tiếp Bài Kệ 10 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá