Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Sám Pháp Địa Xúc
Phần 2. Hạnh Phúc Chân Thật
Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, đức
Thế Tôn đã sinh ra con trong đời sống tâm linh, cũng như thầy của con và tăng
thân của con đã sinh ra con trong đời sống tâm linh và tiếp tục nuôi dưỡng con
trong đời sống này. Con là đệ tử của đức Thế Tôn, con là em và là con của Ngài,
và con ý thức là con phải là một sự tiếp nối xứng đáng của Ngài. Đức Thế
Tônkhông đi tìm hạnh phúc nơi danh vọng, tiền tài, sắc dục, quyền bính và của
ngon vật lạ. Hạnh phúc của Thế Tôn là tự do lớn, là tình thương lớn, là hiểu biết
lớn. Nhờ có hiểu biết lớn mà Thế Tôn không bị bế tắc tâm linh và hoàn cảnh,
không bị kẹt vào những tư duy sai lầm, không nghĩ, không nói và không làm những
gì có thể tạo nên khổ đau cho bản thân và cho kẻ khác. Nhờ có hiểu biết lớn nên
Thế Tôn có tình thương lớn, bao trùm được mọi loài. Tình thương lớn ấy đem tới
an ủi, giải thoát và an lạc cho bao nhiêu người. Trí tuệ lớn và tình thương lớn
của Thế Tôn đem tới cho Thế Tôn tự do lớn và hạnh phúc lớn. Con ước ao bước
theo đức Thế Tôn, nguyện không đi tìm hạnh phúc ở hướng ngũ dục, không nghĩ rằng
tiền tài, danh vọng, sắc dục và quyền bính có thể đem lại hạnh phúc chân thực
cho con. Con biết chạy theo những đối tượng thèm khát ấy sẽ chuốc lấy rất nhiều
khổ đau và hệ lụy. Con nguyện không chạy theo địa vị, bằng cấp, quyền bính, tiền
bạc và sắc dục. Con nguyện mỗi ngày tu tập để chế tác chất liệu hiểu biết,
thương yêu và tự do, những chất liệu có công năng làm nên hạnh phúc cho con và
cho tăng thân con, bây giờ và trong tương lai.
Địa Xúc
Con xin một lòng kính
lạy xuống ba lạy để chiêm nghiệm và để làm vững bền thêm lời nguyện ấy. (C)
Tuệ Giác Vô Thường
Khải Bạch
Thế Tôn, con xin sám
hối với Thế Tôn về những lỗi lầm của con về lề lối tư duy. Tuy con đã được dạy
về tính cách vô thường của vạn vật, và tuy chính con cũng đã từng giảng giải một
cách hùng biện về tính vô thường của vạn vật, con vẫn có thói tật hành xử như sự
vật là thường. Có những lúc con biết là hình hài con vô thường, các tế bào trong
cơ thể con sinh diệt không ngừng, nhưng con vẫn tưởng con là con, con hôm nay vẫn
còn là con hôm qua. Đứng về phương diện cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức
cũng thế; trong khi chúng biến chuyển không ngừng con lại có cảm tưởng chúng vẫn
là chúng, ngày hôm nay chúng cũng còn y hệt như ngày hôm qua. Trí năng của con
có khả năng nhận diện tính vô thường của vạn vật, có thể thấy được rằng năm
dòng sông hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đêm ngày tuôn chảy
và chuyển biến, và con không bao giờ có thể xuống tắm hai lần trong một dòng
sông, vậy mà con cứ có tập khí hành xử như hình hài con vẫn là hình hài con mười
năm trước đây và trong con có một cái ta trường cữu, một linh hồn bất diệt.
Con biết tin rằng có một linh hồn bất diệt là một tà kiến căn bản, nền tảng của bao nhiêu nhận thức sai lầm và khổ đau, mà tại vì tập quán quá sâu dày, con cứ có khuynh hướng hành xử như con là một linh hồn bất tử.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Con biết cái ngã chấp
âm thầm ngủ yên ấy trong chiều sâu tâm thức con rất là sâu nặng, mà bởi vì
trong đời sống hàng ngày con không chuyên cần thực tập để nhận diện nó trong từng
phút từng giây cho nên con mới dễ bị nó lôi kéo đi. Con rất hổ thẹn. Con xin hứa
với đức Thế Tôn là từ nay trở đi, hàng ngày khi con tiếp xúc với tự thân hoặc sự
vật quanh mình, con sẽ thắp sáng ý thức vô thường và nuôi dưỡng cho tuệ giác vô
thường được sống mãi trong con trong từng giây từng phút. Con biết cái kiến thức
về vô thường không đủ để chuyển hóa khuynh hướng ngã chấp trong con; chỉ có tam
muội vô thường duy trì vững chãi trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày mới
đủ sức chuyển hóa được tùy miên chấp ngã ấy.
Ngày nay đã qua
Đời sống ngắn lại
Ta đã làm gì?
Đại chúng hãy cùng tinh tấn thiền tập hết lòng
Sống cho sâu sắc và thảnh thơi
Hãy nhớ vô thường
Đừng để tháng ngày trôi đi oan uổng.
(Kệ Vô Thường)
Địa Xúc
Con xin Thế Tôn cho
con lạy xuống ba lạy để quán chiếu thêm về lời phát nguyện này. (C)
Cửa Vô Sinh Mở Rồi
Khải Bạch
Bạch đức Thế Tôn, như
đức Thế Tôn từng dạy, người đời thường kẹt vào các ý niệm có và không, thường
và đoạn. Con biết là ý niệm về một linh hồn bất diệt là một tà kiến, cho nên
con đang thực tập quán chiếu để thấy được rằng ý niệm đoạn diệt cũng là một tà
kiến khác. Con đã được Thế Tôn dạy rằng không nên để vướng vào một trong hai
biên kiến ấy, một bên là thường, một bên là đoạn, cho nên con tự nhủ lòng là
trong công phu tu tập hàng ngày con phải dụng công nhìn thấy cho rõ tính cách
không thường không đoạn của chính năm uẩn con và của sự vật quanh con. Tuệ giác
vô thường cho con thấy không có gì được thật sự gọi là tồn tại đích thực, không
có gì được thật sự gọi là có, tất cả đều là những biểu hiện tuy mầu nhiệm nhưng
không có thực thể riêng biệt, không có tự tính riêng biệt, cái này do cái kia
mà biểu hiện, cái kia do cái này mà biểu hiện, cái này có mặt trong cái kia và
cái kia đang có mặt trong cái này. Con sẽ vâng lời đức Thế Tôn thực tập quán vô
thường, quán duyên khởi, quán không, quán tương tức để chứng nghiệm được sâu sắc
tính cách vô sinh bất diệt, không tới không đi, không có không không, không thường
không đoạn của các pháp. Cửa vô sinh đã được Thế Tôn mở rộng, con chỉ cần theo
lời chỉ dạy của Thế Tôn để đi vào. Con biết mục đích tối hậu của người tu là chứng
nhập được vô sinh, thoát được vòng sinh tử để đạt tới tự do lớn. Đức Thế Tôn đã
dày công chỉ bảo, đã nhắc nhở chúng con nhiều lần rằng sự nghiệp cao cả nhất của
cuộc đời người tu là sự nghiệp giác ngộ, vậy mà con đã phí bỏ bao nhiêu thì giờ
quý hóa của con để theo đuổi những sự nghiệp có tính cách thế gian, đi tìm tiếng
khen, đi tìm lợi dưỡng, đi tìm địa vị. Con cảm thấy hổ thẹn vô cùng.
Địa Xúc
Con xin cung kính lạy xuống trước đức Thế Tôn, bậc có trí giác chân thực và toàn diện, để sám hối những vụng về và lỗi lầm ấy. (C)
Xem Tiếp Chương 3 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá