Chương 1. Tường Không Bao Giờ Chấp Nhận Trái Banh

Chương 1. Tường Không Bao Giờ Chấp Nhận Trái Banh

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Trái Tim Của Hiểu Biết

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã do Thầy Nhất Hạnh giảng

tại chùa Pháp Hoa, Adelaide Úc,

ngày 23-11-1986.

Lưu Hoằng Nguyện thu thanh và chép ra,

Lư Thị Hồng sắp chữ.

Chương 1. Tường Không Bao Giờ Chấp Nhận Trái Banh







Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Trái Tim Của Hiểu Biết' ê


Dẫn Nhập

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa này tôi đã trì tụng trên bốn mươi năm, có lẽ hơn thế nữa, nhưng nghĩa của kinh đối với tôi vẫn còn thậm thâm vi diệu.

Đây là một bản kinh rất quan trọng, là một bức thông điệp của Đức Bồ Tát QUÁN THẾ ÂM gửi cho chúng ta. Chúng ta có thể đang có văn bản trong tay hoặc đã thuộc lòng nó, nhưng chưa chắc ta đã nhận được thông điệp của Ngài.

Hôm nay, chúng ta có cơ hội cứu xét nội dung kinh. Sự thành công hay không của chúng ta hôm nay tùy thuộc ở sự kiện chúng ta có nhận thức thanh tịnh hay là không. Nhận thức thanh tịnh là nhận thức cần thiết để có thể hiểu được những lời Bụt dạy. Hôm qua quý vị đã nghe câu chuyện một người cha trẻ đánh mất đứa con. Câu chuyện này cũng được kể trong cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam.

Kinh Bách Dụ kể chuyện người lái buôn góa vợ vì dại dột mà đánh mất đứa con trai yêu quý. Đứa con trai ấy còn nhỏ tuổi, một hôm trong khi cha đi vắng bị kẻ cướp bắt cóc. Trước khi rút lui, kẻ cướp đốt nhà và đốt xóm. Khi người lái buôn về tới, ông ta thấy một tử thi thiếu nhi cháy đen ở đống tro tàn. Trong cơn hoảng hốt, ông ta cho đó là tử thi con ông. Ông khóc kể và làm lễ hỏa táng tử thi, rồi vì thương con quá, ông cất tro xương và một cái túi gấm, và đi đâu cũng mang theo mình. Mấy tháng sau, vào lúc nửa đêm, đứa con trai thoát được tay kẻ cướp và tìm về gõ cửa đòi vào. Người cha lúc ấy đang âu sầu ôm chiếc túi gấm đựng tro, không chịu đứng dậy mở cửa. Ông ta tin chắc con mình đã chết, và đứa trẻ đang gõ cửa xưng con ngoài kia là một đứa trẻ hàng xóm nào đó đang cố tình trêu ghẹo ông. Vì vậy, đứa con trai phải thất thểu ra đi, và người lái buôn kia vĩnh viễn mất con.

Bụt dạy: “Ôm lấy một kiến thức và cho đó là chân lý tuyệt đối tức là bít lấp tiến trình học hỏi và giác ngộ.”

Câu chuyện đó cho ta thấy nếu chúng ta ôm chặt những kiến thức sẵn có của chúng ta rồi thì ta không còn cơ hội để có thể tiếp đón chân lý nữa. Vì vậy hôm nay ta có cơ hội hay không là do ta có thể mở lòng ra và thoát ly được những cái thấy và cái nghe của ta trước đây hay không.

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là quà tặng của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Đức Quán Thế Âm là một người biết lắng nghe, chính nhờ sự lắng nghe của Ngài mà Ngài thành đạo. Chúng ta trong những ngày qua cũng đã tập lắng nghe. Thứ nhất là tập lắng nghe chuông, rồi lắng nghe những âm thanh khác. Nhưng khả năng lắng nghe của ta tới đâu rồi thì chúng ta tự biết, nhìn vào những người khác, mình cũng có thể nhận biết được phần nào.


Khi nghe một ý kiến gì, mình thường lấy nhận thức của mình so sánh với ý kiến đó. Nếu ý kiến người ta đưa ra phù hợp với ý kiến mình sẵn có trong lòng thì mình cho là ý kiến đó có thể chấp nhận được; còn khi người ta nói câu gì không phù hợp với nhận thức mình sẵn có thì mình không chấp nhận. Cũng giống như khi chơi banh, ta liệng banh vào tường, tường dội trái banh lại, tường không bao giờ chấp nhận trái banh. Nếu ta có những kiến thức chấp chặt, ta không thể tiếp nhận những ý kiến khác với ý kiến của ta nữa. Do đó mình phải biết thu hồi bức tường của mình lại để trái banh có thể vượt qua.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Trong thiền học, những câu tuyên bố của các vị thiền sư lắm khi có vẻ động trời động đất, và chúng trái chống với nhận thức sẵn có của mình. Khi nghe một câu như vậy, nếu mình đưa kiến thức của mình so sánh, suy tư rồi bác bỏ thì mình sẽ mất cơ hội tiếp nhận. Cho nên mình phải cẩn thận lắm.

Trong bản kinh này Đức Bồ tát Quán Tự Tại là một thiền sư, và Ngài nói những câu nói rất động trời, nhưng chính vì Ngài có uy tín, nên khi nghe những câu đó chúng ta không dám cãi lại. Chúng ta bị uy hiếp bởi uy tín của Ngài. Nếu đó là do một người nào khác nói không mang danh Bồ tát Quán Tự Tại, có lẽ chúng ta sẽ gân cổ cãi lại cho đến cùng.

Hiểu Danh Từ

Trước khi đi vào kinh Tinh Yếu Bát Nhã ta cần duyệt qua một số danh từ. Những danh từ này giống như một giấy thông hành, nếu không nắm được ta sẽ không thể đi vào trong kinh; ta sẽ bị chặn lại xét hỏi.

Danh từ đầu tiên là NGŨ UẨN tức là năm yếu tố kết hợp nên con người chúng ta: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là cơ thể của chúng ta và những giác quan trong cơ thể đó. Thọ là những cảm giác dễ chịu, khó chịu, không dễ chịu cũng không khó chịu. Tưởng là tri giác của chúng ta. Hành là tất cả những tâm tư của chúng ta gồm luôn cả thọ và tưởng. Thức là nhận thức của tâm ta.

Trong những ngày qua, ta đã học sơ lược về sắc, thọ và tưởng. Hôm nay ta đi sâu hơn một tí nữa vào tưởng, nhờ văn bản của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.

MƯỜI TÁM GIỚI là mười tám lãnh vực của hiện hữu. Ngoài mười tám lãnh vực của hiện hữu đó, không có gì nữa hết. Sáu lãnh vực đầu là sáu căn, tức là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; làm căn cứ phát xuất từ sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đối tượng của sáu căn là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn là để đối với sáu trần, và khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì phát sinh ra sáu thức như ta đã học.

Tất cả vạn pháp đều nằm trong mười tám giới đó. Tất cả thế gian, tất cả vũ trụ, vạn hữu đều nằm gọn trong vòng mười tám giới đó. Giới thứ nhất là mắt và giới cuối cùng là ý thức. Hai danh từ đó được vòng lại trong ngoặc đơn để quý vị biết cái đầu tiên là mắt, cái cuối cùng là ý thức. Trong Kinh Tinh Yếu quí vị sẽ đọc: “Không có mười tám giới, từ nhãn đến ý thức.”

Còn THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN là mười hai điều kiện liên hệ với nhau, nối tiếp nhau, tương sinh, tương diệt. Duyên đầu tiên là vô minh và duyên cuối cùng là lão tử, ở giữa có mười nhân duyên khác là hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh.

TỨ ĐẾ là bốn sự thật: khổ, tập, diệt và đạo. Khổ là sự có mặt của những đau khổ trong cuộc đời. Tập là những nguyên nhân xa hay gần đưa đến đau khổ. Diệt là sự vắng mặt của khổ đau, sự an lạc do công trình diệt khổ đem lại. Đạo là con đường, là phương pháp để thực hiện sự an lạc đó. Trí là prajna mà chúng ta đã học hôm qua, đó là Bát Nhã, là cái hiểu biết.

ĐẮC là sự chứng đắc, đạt được.

SỞ ĐẮC là cái đối tượng hoặc kết quả mà chúng ta đạt được.

Xem Tiếp Chương 2 - Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post