Chương 2. Càn Khôn Rút Lại Đầu Sợi Tóc

Chương 2. Càn Khôn Rút Lại Đầu Sợi Tóc

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Trái Tim Của Hiểu Biết

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã do Thầy Nhất Hạnh giảng

tại chùa Pháp Hoa, Adelaide Úc,

ngày 23-11-1986.

Lưu Hoằng Nguyện thu thanh và chép ra,

Lư Thị Hồng sắp chữ.

Chương 2. Càn Khôn Rút Lại Đầu Sợi Tóc







Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Trái Tim Của Hiểu Biết' ê


Vào Kinh

Bây giờ chúng ta hãy đi vào Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa.

KINH TINH YẾU tức là Tâm kinh, cái cốt lõi của kinh.

TÂM có nghĩa là cốt tủy, tinh tuý, cái lõi. Ví dụ hạt sen có cái tim sen ở trong. Tim sen đó gọi là liên tử tâm.

Tại sao gọi đây là Tâm kinh, cốt lõi của kinh, là Kinh Tinh Yếu? Vì đây là một bản văn rất ngắn gọn, tóm tắt ý nghĩa toàn bộ ĐẠI BÁT NHÃ rất lớn, đọc năm này sang năm khác mới hết, và chưa chắc là đọc như thế là ta nắm được đại ý. Tâm kinh tức là đại ý cô đọng của toàn bộ Bát Nhã.

BÁT NHÃ là trí tuệ.

BA LA MẬT ĐA là đáo bỉ ngạn, là có khả năng đưa chúng ta đi sang bờ bên kia, bờ của sự giải thoát, không còn bị buộc ràng, không còn bị sai sử.

BÁT NHÃ BA LA MẬT là trí tuệ có khả năng đưa chúng ta đến bờ giải thoát, vượt khỏi sự sợ hãi. Đức Quán Thế Âm nổi tiếng là một người hay trao tặng cho chúng sanh món quà quý giá: đó là món quà vô uý. Vô uý là sự không sợ hãi.

Theo đạo Phật, có ba loại quà ta có thể trao tặng người khác. Loại quà thứ nhất là quà vật chất (tiền bạc và của cải), gọi là tài thí. Loại quà thứ hai mà mình có thể trao tặng là giáo pháp của đạo Phật để người tu hành có thể thoát khổ, đó gọi là pháp thí. Nhưng món quà lớn nhất mà ta có thể trao tặng, làm cho người kia đừng sợ hãi nữa, đó là vô uý thí.

Bát Nhã Tâm Kinh là một món quà. Chúng ta có khả năng tiếp nhận món quà đó hay không? Đó là vấn đề, người tặng thì đã tặng với tất cả tấm lòng, còn người nhận đã sẵn sàng để tiếp nhận chưa?

Quý vị có thể tưởng tượng một em bé cầm cục kẹo trong tay, cầm hoài mà không biết ăn. Mẹ nó mới nói rằng: “Ăn kẹo đi con, kẹo ngon lắm đó, ăn đi con!” Rồi cũng không chắc là đứa bé đã biết ăn kẹo.

Tâm Kinh Bát Nhã là một kinh văn quan trọng mà chúng ta đã từng đọc tụng, có khi hàng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm. Nhưng chúng ta thực sự tiếp nhận và hành trì được kinh ấy chưa? Đó là một câu hỏi lớn.

BỒ TÁT QUÁN TỰ TẠI

Bồ Tát là một người tỉnh thức (Bồ Tát từ chữ Bodhisattva mà ra, có nghĩa là con người tỉnh thức và đang giúp người khác tỉnh thức). Quán Tự Tại là tên Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara). Quán Tự Tại là dịch theo kiểu mới, người xưa dịch là Quán Thế Âm.

KHI QUÁN CHIẾU THÂM SÂU BÁT NHÃ BA LA MẬT

Khi Ngài thực tập một cách thâm sâu về Prajana Paramita, tức là thứ Trí Tuệ có thể đưa chúng ta đến bờ bên kia.

TỨC DIỆU PHÁP TRÍ ĐỘ

Trí là sự hiểu lớn, Độ là có khả năng đưa ta qua bờ bên kia.

BỖNG SOI THẤY NĂM UẨN ĐIỂU KHÔNG CÓ TỰ TÁNH

Khi thực tập diệu pháp trí độ. Ngài phát hiện ra một điều là năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đều không có tự tánh riêng biệt của chúng, cái này nương vào cái khác mà có, không thể nào mỗi cái tự mà có được. Điều đó rất quan trọng. Không có hiện tượng nào tự mình có thể phát sinh và tồn tại, mà phải nhờ những hiện tượng khác mới có thể hiện hữu.

Trong kinh A Hàm, Bụt dạy: “Vì cái này có nên cái kia có đó, vì cái này không nên cái kia không, vì cái này sinh nên cái kia sinh, vì cái này diệt nên cái kia diệt” (Thử hữu tắc bỉ hữu, thử vô tắc bỉ vô, thử sinh tắc bỉ sinh, thử diệt tắc bỉ diệt). Những lời của Bụt tuy đơn sơ nhưng thâm thúy vô cùng. Đây là đạo lý nhà Phật về sự sinh trưởng và tồn tại của thế giới hiện tượng. Nếu đem nhận thức đó so sánh với nhận thức về sáng tạo thế giới của các tôn giáo, ta thấy đạo Bụt hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo khác.

THỰC CHỨNG ĐIỀU ẤY XONG, NGÀI VƯỢT QUA TẤT CẢ MỌI ĐAU KHỔ, ÁCH NẠN

Thực chứng tức là thấy một cách trực tiếp, chứ không phải thấy bằng học hỏi và suy luận. Thí dụ như khi chúng tôi mời quý vị ăn sầu riêng, một thứ trái cây mà trước kia quý vị chưa bao giờ thưởng thức. Tôi nói rằng: “Đây là trái sầu riêng xin quý vị nếm”. Quý vị trực tiếp nếm sầu riêng, biết được thế nào là mùi sầu riêng. Còn nếu quý vị chưa bao giờ nếm sầu riêng như thế này, như thế kia, khác vị mít ở chỗ nào, giống vị cam như thế nào, thì dù tôi có nói suốt ngày, quý vị không thực chứng được mùi sầu riêng. Trong đạo Bụt đó được gọi là lý luận, tức là luận suông. Thực chứng, vì thế, là phải thực sự sống và nhận thấy rõ mình không thể là một cá thể riêng biệt tách rời với những cái ta nghĩ “không phải là ta” như không khí, mặt trời, như rừng, như những người xung quanh ta và ngay cả những người mà ta xem là thù nghịch. Thực chứng cũng không có nghĩa là đứng bên ngoài và nói suông rằng những cái đó có liên hệ với ta. Thực chứng phải là tương nhập hẳn vào da thịt của người kia, là đồng nhất với hiện tượng đó, thực chứng để tương nhập vào người đó để hiểu những cảm thọ, những tri giác và những vận hành của tâm thức người ấy mà sống có hòa điệu không tạo thêm đau khổ cho mình, cho người ấy và cho vũ trụ vạn vật.

Sau khi tự quán chiếu năm uẩn, Ngài đạt được cái thấy trực tiếp về năm uẩn. Tất cả những đau khổ tai nạn, Ngài đột nhiên vượt qua thoát hết và Ngài hoàn toàn giải thoát, sang tới bờ bên kia. Sở dĩ Ngài đạt tới bờ bên kia của sự giải thoát, của sự không sợ hãi, là chỉ nhờ Ngài thấy được một điều, một điều thôi: thấy được trong năm uẩn không có uẩn nào có tự tánh riêng biệt, năm uẩn nương vào nhau mà có.

Khi chứng nghiệm được chân lý cao siêu và mầu nhiệm đó, Ngài gọi thầy Xá Lợi Phất tới.

XÁ LỢI PHẤT là một trong những vị đại đệ tử của Bụt, tên tiếng Phạn là Sariputra, Ngài nói:

NGHE ĐÂY XÁ lỢI TỬ, SẮC CHẲNG KHÁC GÌ KHÔNG, KHÔNG CHẲNG KHÁC GÌ SẮC, SẮC CHÍNH THỰC LÀ KHÔNG, KHÔNG CHÍNH THỰC LÀ SẮC, CÒN LẠI BỐN UẨN KIA CŨNG ĐIỀU NHƯ VẬY CẢ.

Ban đầu Ngài nói về Uẩn thứ nhất, tức là sắc, là thân thể của chúng ta. Sắc là tất cả những hiện tượng sinh lý, vật lý. Trong kinh văn, chữ gây khó khăn cho nhiều người nhất là KHÔNG. Chữ KHÔNG ở đây, tiếng Phạn là Sunyata, dịch tiếng Việt là trống rỗng. Dịch ra chữ “không” cũng được, nhưng chữ “không” lại là một sự hiểu lầm: không có thể được hiểu là không có. Thí dụ chúng ta nói trái banh nó trống rỗng ở trong, nó rỗng ruột, đó là Sunyata. Nhưng mà có trái banh chứ. Có điều trái banh đó rỗng ruột mà thôi. Thành ra sau này nếu các học giả tương lai của Phật giáo Việt Nam đổi được chữ “không” thành chữ “rỗng” sẽ giúp được thế hệ tương lai nhiều lắm. Chữ rỗng hay hơn chữ không. Tiếng Anh dịch là empty. Empty là rỗng. Thí dụ chén trà empty thì vẫn có chén trà. Chữ empty (rỗng) không gây ra ấn tượng là chén trà không có mặt. Danh từ không trong tiếng Hán Việt cũng có nghĩa là rỗng. Như không tâm chẳng hạn. Không tâm tức là rỗng ruột: ví dụ rau muống gọi là không tâm thảo, thứ rau không có ruột. Khi chuyển sang dùng tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu lầm “không” này là “không có”.

Thí dụ tờ giấy này đây, nó là một sắc pháp, một hiện tượng vật chất. Theo Quán Thế Âm Bồ Tát thì tờ giấy nó không, tức là rỗng. Nhưng chữ “rỗng” (chữ “không”) đó nghĩa là gì?

Nhiều người không hiểu Phật pháp nói rằng tờ giấy này nó “không có”, tại vì tuy bây giờ nó có đó, nhưng mai mốt nó sẽ không có; hoặc nó bị đốt đi, hoặc bị mục đi thành đất, cho nên tuy nó có đó mà cũng như không có đó. Câu giải thích này hoàn toàn sai với giáo lý đạo Bụt.

Theo giáo lý đạo Bụt, nếu tờ giấy này nó “không” thì nó không ngay từ bây giờ chứ không phải sau này nó mới không. Danh từ là đương thể tức không. Giáo lý đạo Bụt cơ bản là giáo lý vô ngã: sự vật không có tự thể riêng biệt (separate entity). Nếu mình nhìn vào tờ giấy này với con mắt của một vị Bồ Tát biết nhìn sâu vào trong lòng tờ giấy để thấy cội nguồn của nó, mình sẽ thấy có một đám mây đang bay trong tờ giấy này. Mình cũng không cần là thi sĩ mới thấy được đám mây, vì mình biết nếu không có đám mây thì không có mưa, cây rừng sẽ không thể mọc lên được, do đó chúng ta không có bột giấy. Nhìn vào tờ giấy này ta còn thấy mặt trời, vì nếu không có mặt trời chiếu lên thì không có loài thực vật nào mọc được, cho nên nhìn vào tờ giấy này, ta sẽ thấy ánh mặt trời chói lọi trong đó. Rồi ta còn thấy rừng cây xanh mướt, thấy những chiếc lá rụng, mục đi để cây rừng tươi tốt, ta thấy những chất khoáng trong lòng đất mà rễ cây hút lên để nuôi cây. Rồi ta thấy người tiều phu đã đốn cây đem về để làm bột giấy, thấy Ba Má của ông tiều phu (bởi vì nếu không có Ba Má ông tiều phu thì làm gì có ông tiều phu). Ta thấy luôn gạo lúa mà người tiều phu ăn hàng ngày để có thể đủ sức đi đốn cây.

Tóm lại, khi nhìn tờ giấy này bằng con mắt quán chiếu nhân duyên, ta thấy rằng không có hiện tượng nào trên vũ trụ mà không có mặt trong đó hết. Và tờ giấy này, nói cho đúng, nó đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó.

Khi dùng danh từ giấy, ta nên phân biệt hai thứ: một là tờ giấy và hai là thế giới không phải là giấy, những yếu tố không phải giấy. Ta có thể nói rằng: giấy được kết hợp bằng những yếu tố không phải giấy. Giấy là do những yếu tố không giấy tạo ra, giấy không thể tự có được. Giấy không có tự tánh hoặc có thể tự riêng biệt.

Nó có là nhờ những cái không phải nó bắt tay nhau tập hợp làm ra. Tờ giấy này tuy rỗng, không có tự tánh riêng, nhưng nó lại đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó. Vì vậy chữ “không” trong Tâm Kinh Bát Nhã chỉ có nghĩa là không có một tự thể riêng biệt.

Khi chúng ta nói rỗng thì phải nói rỗng cái gì mới được (empty means empty of something). Thí dụ mình nói trái banh trống rỗng, nhưng mình biết nó rỗng gì. Nó trống rỗng chất nhựa trong lòng nó, song trái banh nó đầy không khí. Vậy rỗng phải là rỗng cái gì. Tờ giấy này tuy trống rỗng cái tự ngã riêng biệt, nhưng nó lại đầy cả pháp giới vạn hữu trong nó.

Một vị thiền sư Việt Nam đời Lý có hai câu thơ:

Càn khôn rút lại đầu sợi tóc,

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mỏng.


Một sợi tóc tuy nhỏ mà có thể để cả trời và đất lên trên đầu nó. Một hạt cải tuy nhỏ nhưng mặt trăng và mặt trời có thể nằm gọn ở trong đó. Đây có nghĩa là bất cứ hiện tượng nào dù là một hạt cải, một sợi tóc chăng nữa, cũng có chứa đựng toàn thể vũ trụ, vì một cái là do tất cả những cái khác làm thành. Mỗi người trong chúng ta đều do cả vũ trụ hợp tác nhau làm thành. Không một hiện tượng nào trong vũ trụ vạn hữu mà không có mặt trong ta.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Trong ta có dòng sông (nếu không có dòng sông thì làm sao ta có nước uống), có mặt trời (nếu không có mặt trời thì làm sao có sự sinh trưởng của cây trái để mình ăn), có rừng cây (tạo ra dưỡng khí cho mình thở) v.v. Trong ta có đủ hết: vũ trụ vạn hữu đã nắm tay nhau để đưa chúng ta ra đời. Danh từ đạo Phật là Nhân Duyên Sinh, tức là những điều kiện phối hợp với nhau, cộng tác với nhau để làm cho mọi vật có mặt.

Xem Tiếp Chương 3 - Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post