Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Trái Tim Của Hiểu Biết
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã do Thầy Nhất Hạnh giảng
tại chùa Pháp Hoa, Adelaide Úc,
ngày 23-11-1986.
Lưu Hoằng Nguyện thu thanh và chép ra,
Lư Thị Hồng sắp chữ.
Chương 3. Không Sinh Cũng Không Diệt
Uẩn nào trong năm uẩn
(sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng không hết, vì uẩn nào cũng không thể tự mình
tồn tại độc lập. Uẩn nào cũng phải nhờ các uẩn khác phụ giúp mới có thể có được.
Đồng xu có hai mặt: mặt
trái và mặt phải. Sở dĩ có mặt phải là nhờ có mặt trái. Nếu một trong hai mặt
mà không có thì mặt kia cũng không có luôn. Trái và phải nương nhau mà có. Con
xúc xắc có sáu mặt, nhưng kỳ thực sáu mặt mà là một. Mặt này có là nhờ mặt kia,
và sáu mặt nương nhau mà có.
Năm uẩn cũng vậy,
chúng nương nhau mà có, chứ không thể có một cái tách rời. Ngày xưa, hồi sáu tuổi
đi học, trong bài giảng khoa học đầu tiên tôi nghe cô giáo dạy: thân thể người
ta chia ra làm ba phần: đầu, mình và chân tay. Hồi đó tuy nhỏ, nhưng tôi thấy rất
là kỳ. Thân thể của mình mà chia ra làm ba phần như vậy (đầu riêng, mình riêng,
tay chân riêng) thì làm sao mà chia được?
Năm uẩn cũng không thể
chia ra như thế. Chia là để tạm hiểu thôi, chứ năm cái đó không thể nào tồn tại
độc lập với nhau. Trong con người chúng ta, có đủ tâm, can, tỳ, phế, thận: tuy
chia ra làm năm cái nhưng kỳ thực nếu không có tâm thì can có thể tồn tại được
không? Nếu không có tỳ thì phế có được hay không? Tuy rằng năm mà kỳ thực là một.
Những cơ quan trong cơ thể ta không thể tồn tại độc lập, cái này nương cái kia
mà có. Vì thế Bụt dạy rằng: Thử hữu tắc bỉ hữu. Cái này có mặt cho nên cái kia
có mặt, cái kia có mặt cho nên cái này mới có mặt. Tất cả mọi hiện tượng trong
vũ trụ đã phối hợp lại để làm thành một hiện tượng. Nguyên nhân vũ trụ không phải
một mà rất nhiều, nhiều trùng trùng vô tận.
Quan niệm một vị thần
linh sáng tạo ra vũ trụ không phù hợp với nguyên tắc nhân duyên sanh của đạo Bụt.
Khi ta nói thần linh sáng tạo ra vũ trụ, ta nghĩ rằng vị thần linh này không cần
ai và không cần gì sáng tạo ra hết; điều này trái với định luật nhân duyên
sinh. Khi nghe đạo Bụt phân tích con người chúng ta làm năm yếu tố Sắc, Thọ, Tưởng,
Hành, Thức, chúng ta phải biết rằng đó là phân tích tạm để chỉ cho chúng ta
phương thức tu học, chứ không phải nói rằng những yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành,
thức có thể tồn tại độc lập ngoài nhau.
Không sự vật nào
trong vũ trụ có tự tánh riêng biệt hết. Đó là giáo lý căn bản của đạo Bụt.
Danh từ mà chúng ta
lâu nay thường dùng trong dịp này là vô ngã.
Vô ngã tức là không
có sự tồn tại độc lập. Không có cái gì, không có ai tồn tại độc lập được. Vô
ngã còn có nghĩa là vô thường.
Vô thường là biến
chuyển. Nếu không có biến chuyển thì làm sao có được. Thí dụ tờ giấy này. Nếu
không vô thường và vô ngã, làm sao tờ giấy có mặt? Nếu không vô thường thì cây
làm sao mọc lên. Muốn mọc lên cây phải vô thường.
Nếu không vô thường
thì con cháu chúng ta làm sao lớn lên, làm sao chúng đi học mà lại giỏi được?
Chúng ta cần vô thường
lắm. Nếu không có vô thường thì làm sao gieo bắp mà hạt bắp mọc thành cây bắp để
rồi cho trái mình ăn? Cho nên ta đừng than khóc khi nghe hai tiếng “vô thường”.
Bụt đâu có nói rằng:
“Vạn vật vô thường, các con hãy khóc đi”. Bụt chỉ nói rằng: “Vạn pháp vô thường,
các con phải biết điều đó để tránh những khổ đau là do chỗ mình nhận cái vô thường
làm cái thường. Nếu mình biết vô thường là vô thường thì mình đâu còn đau khổ nữa”.
Vô thường là một yếu
tố rất tốt đẹp, rất căn bản, rất quan trọng, rất cần thiết cho sự sinh hoá của
vạn vật. Và như vậy, chúng ta phải chấp tay cám ơn vô thường.
Lâu nay chúng ta nói
đến hai chữ vô thường với một tâm niệm bi quan, chán đời, than vãn, vì chúng ta
chưa hiểu. Chính nhờ vô thường mà vạn vật sinh trưởng tồn tại, và chúng ta có
thể ngồi đây. Nếu không có chữ vô thường, chúng ta chưa ra đời được đâu.
Và chữ “không” cũng vậy,
nó hay lắm. Nếu tờ giấy này nó không không, nghĩa là nó có tự thể riêng biệt của
nó, thì làm sao có nó được. Chính nhờ nó không có tự thể riêng biệt nên mặt trời,
rừng cây, đám mây mới tạo ra được nó. Do đó, “không” là căn bản của tất cả mọi
hiện hữu. Một triết gia Phật giáo nổi tiếng ở thế kỷ thứ hai, một vị tổ sư của
đạo Phật, Ngài Long Thọ, đã tuyên bố một câu rất hay trong cuốn Đại Trí Độ Luận:
Nhờ có không mà mọi pháp đều có mặt hết (Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp
đắc thành). Quý vị phải xoá bỏ cái ấn tượng mà hai chữ vô thường để lại trong
tâm chúng ta, xoá bỏ những cảm tưởng buồn bã, bi quan, chán đời. Và chúng ta biết
rằng vô thường và không rất là cơ bản trong sự hiện hữu của vạn sự, vạn vật
trong vũ trụ.
NGHE ĐÂY XÁ LỢI TỬ: SẮC
CHẲNG KHÁC GÌ KHÔNG.
Nếu quý vị hiểu được
không là gì rồi, thì khi nghe nói sắc chẳng khác gì không, mình sẽ cảm thấy vui
sướng quá, vì biết rằng nhờ không mà có sắc. Và làm như nói sắc chẳng khác gì
không chưa đủ nên Ngài lặp lại: không chẳng khác gì sắc. Còn lại bốn uẩn kia,
cũng đều như vậy cả.
Có hai em bé ở bên
Canada, nghe bà nội đọc Tâm Kinh, ngang đó không hiểu nên tìm tới hỏi ba: “Thưa
ba, bà nội đọc: sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc… tụi con chẳng
hiểu gì hết.” Ba chúng mới ráng sức cắt nghĩa: “Này con, ví dụ bàn tay mình có
năm ngón, đây là ba, đây là má, đây là bà nội, đây là hai con. Đứa con lớn tên là
Mây Bay, đứa con nhỏ tên là Quyên Quyên. Giả dụ như ba bệnh thì tất cả mọi người
trong gia đình đều buồn khổ hết phải không? Nếu con bị sốt thì tất cả đều buồn.
Vì vậy nên tuy năm mà là một. Cái gì xảy ra cho một người là xảy ra cho tất cả
mọi người. Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là
không, không chính thực là sắc có nghĩa là tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối
với nhau.
Bé Quyên Quyên nói rằng:
“À, như vậy là đúng rồi. Mỗi khi chị Hai đánh con tức là chị Hai đánh chị Hai
phải không Ba?” Ba nó nói: “Đúng như vậy, khi chị Hai đánh con tức là chị Hai tự
đánh chị Hai và chị Hai đánh tất cả những người trong gia đình. Vậy cho nên,
nghe đây con: Mây Bay tức là Quyên Quyên, Quyên Quyên tức là Mây Bay, Quyên
Quyên chẳng khác gì Mây Bay, Mây Bay chẳng khác gì Quyên Quyên, còn lại bà nội,
ba, má tất cả đều như vậy.” Ông ta nói giống hệt như trong Tâm Kinh. Quyên
Quyên bảo: “Như vậy con phải học thuộc câu thần chú này, mỗi khi chị Hai sắp sửa
đánh con thì con nói: Nghe đây chị Hai, Quyên Quyên chẳng khác gì Mây Bay, Mây
Bay chẳng khác gì Quyên Quyên, Quyên Quyên chẳng khác gì ba, ba chẳng khác gì
Quyên Quyên…”
XÁ LỢI TỬ NGHE ĐÂY:
THỂ MỌI PHÁP ĐỀU KHÔNG.
“Thể” là cái bản chất.
Vạn pháp tức là mọi hiện tượng. Mặt trời là một pháp, dòng sông, hạt bụi, hòn sỏi,
sự suy trí, sự thương, sự ghét, con mắt lỗ tai cũng đều là pháp.
Thể mọi pháp đều
không: bản chất của mọi hiện tượng đều không, nghĩa là không có tự tánh riêng
biệt.
KHÔNG SINH CŨNG KHÔNG
DIỆT
Các pháp chưa bao giờ
sinh ra hết, cũng không bao giờ diệt. Câu nói này của Đức Quán Tự Tại đi ngược
với nhận thức thông thường của chúng ta. Chúng ta thường nghĩ cái gì cũng có
sanh, cái gì cũng có diệt, và sinh diệt là cái mà chúng ta thấy hàng ngày. Vậy
tại sao Đức Quán Thế Âm lại nói không sinh cũng không diệt?
Thực sự sinh có nghĩa
là từ không mà trở thành có. Nếu mình có rồi thì mình đâu cần phải sinh nữa?
Nếu không có sinh tức
là không có diệt.
Cô Như Ý đang ngồi
trước mặt tôi đây sinh ngày 2-10-1972. Ta thử hỏi: Vậy trước ngày này, cô đã có
chưa? Nghĩ cho chín, ta thấy cô đã có rồi trong bụng mẹ từ khoảng 25 tháng chạp
năm 1971! Như vậy nếu là đã có rồi thì cô đâu cần phải sinh ra nữa? Cô không có
mặt ở ngoài nhưng cô đã có mặt ở trong bụng mẹ cô rồi. Vậy thì ngày 2-10-1972
chắc không đúng là ngày cô sinh. Có lẽ ta phải chữa giấy khai sinh lại. Có thể
ta phải thụt lùi chín tháng. Nhưng nếu ta quán chiếu tỏ tường, ta sẽ thấy Như Ý
có mặt trước cả ngày mẹ cô có mang cô. Cô có mặt ở trong ba cô, mẹ cô, và ngay ở
các thế hệ ông bà trước đó. Cô có mặt từ ngàn đời trước.
Có một Thiền Sư bảo học
trò mình:
– Con hãy cho ta biết
mặt mũi của con như thế nào trước khi chính mẹ con cũng chưa được sinh ra?
Chữ “mặt mũi” trong đạo
Phật có nghĩa là chân tướng, bản thể.
Do đó câu hỏi đó mình
có thể tìm về cội nguồn bản thể của mình, và mình có thể đạt được sự giác ngộ.
Ta thấy rằng đi tìm ngày sinh của mình rất khó, vì từ cái không không thể nào
trở thành cái có được. Từ ngàn xưa, Như Ý đã là một cái gì rồi, cô đã biến chuyển
hoài, và hình thức hôm nay chỉ là một trong những hình thức của hiện tượng Như
Ý thôi. Có thể là cô chưa bao giờ từng sinh ra hết.
Đó là sự thật mà Đức Quán Thế Âm muốn khơi mở cho chúng ta thấy. Chúng ta chưa bao giờ là số không. Đó là ý của câu: Thể mọi pháp đều không, không sinh cũng không diệt. Đã không sinh rồi thì làm sao mà có diệt?Có thể nào mình làm cho hòn đá kia từ có trở thành không? Rất khó. Mình có thể nghiền nó thành bột, rồi rãi tung ra, nhưng đó đâu phải là biến nó thành không? Hòn đá chỉ trở thành bột đá.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Cây nhang mình đốt,
nó cũng không phải đang từ có đi tới không. Mùi thơm của nhang đi vào trong
không gian, nhiệt lượng của nó cũng đi vào không gian. Nó đang luân hồi. Tro của
nhang sẽ đi vào đất để có thể trở thành một nụ hoa.
Một hột bụi dù nhỏ
xíu đi nữa cũng không thể nào biến mất đi được. Nó chỉ biến đổi, nó có thể trở
thành năng lượng và đi vào vũ trụ tồn tại dưới một hình thức khác.
Vì vậy, không ai có
thể làm cho một vật từ có trở thành không, cũng như không ai có thể làm cho một
vật từ không trở thành có. Thuyết sáng tạo “từ không mà thành có” không có
nghĩa gì trong đạo Bụt.
Một đám mây khi gặp
khí lạnh có thể cảm thấy sợ hãi, vì nghĩ rằng mình sẽ trở thành không. Sự thực
không phải thế. Khi gặp khí lạnh, đám mây chỉ trở thành mưa, để rơi xuống trên
ruộng đồng, trên cây cỏ, trên hoa lá, thì nó sẽ cho đó là một hình thái đi chơi
rất vui sướng. Đám mây sẽ rung mình biến thành mưa một cách rất tự nhiên, rất
điềm tĩnh, rất hoan lạc.
Xem Tiếp Chương 4 - Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá