Chương 4. Bộ Anh Nghĩ Mình Làm Bụt Sướng Lắm Sao?

Chương 4. Bộ Anh Nghĩ Mình Làm Bụt Sướng Lắm Sao?

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Trái Tim Của Hiểu Biết

Kinh Tinh Yếu Bát Nhã do Thầy Nhất Hạnh giảng

tại chùa Pháp Hoa, Adelaide Úc,

ngày 23-11-1986.

Lưu Hoằng Nguyện thu thanh và chép ra,

Lư Thị Hồng sắp chữ.

Chương 4. Bộ Anh Nghĩ Mình Làm Bụt Sướng Lắm Sao?







Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Trái Tim Của Hiểu Biết' ê


KHÔNG NHƠ CŨNG KHÔNG SẠCH

Ý niệm về nhơ và sạch cũng khác như ý niệm về sinh và diệt, nó nằm trong óc của chúng ta chứ không nằm trong thực sự.

Hôm qua trong bài học, chúng ta đã thấy rằng các ý niệm trên và dưới, Đông và Tây là những ý niệm ta có trong đầu óc chúng ta, chứ vũ trụ không có trên, không có dưới, không có Đông, không có Tây.

Khoa học gia Lavoisier của Pháp cũng đã nói rằng: “Không có gì sinh cũng không có gì mất đi”. Tuy là lời của một nhà khoa học, nhưng câu nói giống hệt như câu “không sinh cũng không diệt” của Tâm Kinh Bát Nhã.

“Không nhơ cũng không sạch” cũng vậy, chúng ta nói rằng bông hồng là thơm, là tinh khiết. Còn thùng rác thì trái lại rất hôi. Cố nhiên bông hồng là tinh khiết và thùng rác là hôi. Nhưng chúng ta cũng biết rằng chính bông hồng đó trong vòng một tuần lễ nữa sẽ trở thành một phần của thùng rác. Và thùng rác đó, nếu chúng ta biết cách làm vườn biết cách làm phân xanh, thì trong năm ba tháng sẽ trở thành những bông cúc, bông lan, bông hồng rất thơm.

Vậy khi nhìn bông hồng, và nhìn cho kỹ, ta đã thấy thùng rác. Và khi nhìn thùng rác cho kỹ, ta thấy bông hồng. Sự vật chuyển biến như vậy. Ý niệm dơ sạch là ý niệm của chúng ta. Dơ sạch còn có nghĩa là dơ sạch với ai.

Một cô gái giang hồ có thể có mặc cảm khổ đau là thân thể và tâm hồn ô uế. Cô nghĩ là cô không xứng đáng lạy Bụt. Khi tiếp xúc với người khác, cô cũng có cảm tưởng như vậy. Tuy bên ngoài cô làm ra vẻ tự nhiên nhưng bên trong cô lại có mặc cảm nhơ nhuốc. Song trong tinh thần Tâm Kinh Bát Nhã thì không có gì nhơ, không có gì sạch, và cô, nếu tu tập theo Bát Nhã, cô sẽ thấy rằng cô có thể vượt được ra ngoài dơ và sạch. Vì sao vậy? Sở dĩ cô trở nên một cô gái giang hồ, hay một cô gái bán Bar, là tại xã hội đã được cấu tạo như thế, và hoàn cảnh đưa đẩy cô phải làm nghề đó. Đất nước chúng ta, trong thời người Mỹ có mặt, đã tạo ra không biết bao nhiêu cô gái như vậy. Nói như vậy không có nghĩa là trong thời đại những người Pháp cai trị không có những cô gái giang hồ. Sở dĩ có những hiện tượng đó là vì hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội và hệ thống kinh tế của chúng ta đã sản sinh ra chúng.

Đức Bụt dạy rằng vì cái này như thế này cho nên cái kia như thế kia, vì cái này có cho nên cái kia có, vì cái này sanh cho nên cái kia sanh, vì cái này diệt cho nên cái kia diệt. Sở dĩ cô ấy như vậy vì những người khác như thế kia. Đâu phải cô một mình chịu trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều chịu chung trách nhiệm. Những nhà chính trị, giáo dục, kinh tế đều chịu trách nhiệm về cô hết. Sở dĩ mà ra thân thể như vậy cũng vì tất cả chúng ta. Trong chúng ta, có người có trách nhiệm nhiều có người có trách nhiệm ít, nhưng hễ còn một cô gái ăn sương, còn một anh tướng cướp thì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Tại vì chúng ta sống ích kỷ ít hay ích kỷ nhiều, chúng ta không góp phần tạo môi trường và cơ cấu xã hội để giúp cho những cô bé, những chú bé nhỏ nghèo, thiếu tình thương, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, của học đường trở nên người xứng đáng. Nếu chúng ta mỗi người một tay, góp phần thay đổi cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế, ta sẽ ngưng lại không cho sản xuất những con người như thế nữa. Nếu chúng ta tạo dựng ra được những môi trường sinh hoạt lành mạnh thì cô gái đáng thương kia có thể trở về sống đời lương thiện và lành mạnh hơn. Chỉ có ở Tâm Kinh Bát Nhã những người như cô gái đó hoặc những người đã vì thiếu trí tuệ, thiếu giáo dục mà phải phạm vào những tội lớn, những người đó mới tìm ra được con đường giải thoát mà thôi.

Chúng ta không thể nói rằng tôi rất sạch, tôi không chịu trách nhiệm về cô. Tại vì cô không biết đường đi nước bước, tại cô không cẩn thận nên lâm vào tình trạng đó thì mặc cô.

Nói như vậy là không hiểu Tâm Kinh Bát Nhã. Tâm Kinh Bát Nhã nói rằng vì cái này như thế này, nên cái kia như thế kia. Nếu là ô uế thì ô uế chung; nếu là tinh sạch thì tinh sạch chung. Đó là lý tương quan, tương duyên của vạn hữu. Hiểu như vậy ta mới có được tâm từ bi và ý thức trách nhiệm.

Chính nhờ Bát Nhã Tâm Kinh mà cô gái kia hay những phạm nhân kia có thể tự giải thoát khỏi mặc cảm tội lỗi.

Ngoài ra không có một tôn giáo nào mở được cửa giải thoát cho những người như vậy. Địa ngục sẽ chờ cô, đợi anh. Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh lại là cánh cửa rất mầu nhiệm để giải thoát cho họ. Bông hồng chịu trách nhiệm về thùng rác và thùng rác chịu trách nhiệm về bông hồng. Hai cái tương sinh và tương tại.

KHÔNG THÊM CŨNG KHÔNG BỚT

Thí dụ như mặt trăng, chúng ta nghĩ rằng nó có khi khuyết, khi tròn. Nhưng thực ra mặt trăng luôn luôn là mặt trăng. Ta nghĩ rằng mình có thể hao mất đi hoặc có nhiều thêm lên; nhưng kỳ thực sự mất thêm đó nằm trong tư tưởng của chúng ta, chứ không nằm ở đâu cả. Chúng ta đã mất gì sáng qua và sẽ được gì sáng nay? Chỉ có sự biến chuyển mà thôi, không có sự còn mất hoặc thêm bớt.

CHO NÊN TRONG TÁNH KHÔNG KHÔNG CÓ SẮC, THỌ, TƯỞNG, CŨNG KHÔNG CÓ HÀNH, THỨC.

Năm uẩn đều có bản tánh không. Không có uẩn nào có thể tồn tại độc lập. Một uẩn có mặt là do bốn uẩn kia có mặt.

KHÔNG CÓ NHÃN, NHĨ, TỈ, THIỆT, THÂN, Ý (SÁU CĂN)

Đó là sáu giới đầu tiên của mười tám giới.

KHÔNG CÓ SẮC, THANH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP (SÁU TRẦN)

Đó là sáu giới thứ hai

KHÔNG CÓ MƯỜI TÁM GIỚI TỪ NHÃN ĐẾN Ý THỨC

Tức là cái thấy đến ý thức. Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến ý thức giới, đều nương nhau mà được thành lập. Không giới nào có thể tồn tại độc lập. Một giới có mặt là do mười bảy giới kia có mặt. Chữ không ở đây có nghĩa là không có sự tồn tại biệt lập.

KHÔNG HỀ CÓ VÔ MINH, KHÔNG CÓ HẾT VÔ MINH, CHO ĐẾN KHÔNG LÃO TỬ, CŨNG KHÔNG HẾT LÃO TỬ

Bốn câu này nói về mười hai nhân duyên. Nhân duyên thứ nhất là vô minh, nhân duyên thứ hai là lão tử. Vô minh không thể nào tự mình có được, mà phải do mười một nhân duyên kia đưa nó ra đời. Và trong tất cả những nhân duyên khác cũng không có cái nào tự nó có được; cái nào cũng phải do những nhân duyên khác đưa đến. Vì vậy trong mười hai nhân duyên, nhân duyên nào cũng có tánh không.

KHÔNG KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO

Bốn sự thật (tứ đế) cũng có tự tánh không. Mỗi sự thật cũng dựa trên ba sự thật khác để thành lập, và vì thế bốn sự thật đều không, nghĩa là không có sự có mặt riêng biệt.

KHÔNG TRÍ CŨNG KHÔNG ĐẮC VÀ CÓ SỞ ĐẮC

Trí tuệ cũng như sự u mê phải nương nhau mà có.

Chỗ này chúng ta phải để ý lắm mới có thể hiểu được. Những cặp chống đối được nêu ra như là: sinh diệt, nhơ sạch, trong ngoài, trên dưới, phải trái, đông tây … Những cặp chống đối đều thuộc về nhận thức của chúng ta thôi, chứ không thể áp dụng trong sự thật.

Như nói về Đông Tây, có nhà triết học bảo rằng: Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp nhau. Nhưng theo diệu lý Bát Nhã thì Đông và Tây đều là không hết, nhờ Đông mà có Tây, nhờ Tây mà có Đông. Chẳng hạn điểm mà tôi chỉ bằng ngón tay đây là Đông hay là Tây? Nếu đứng bên này thì nó là Đông còn đứng bên kia thì nó là Tây. Do đó Đông Tây là một, sao có thể nói Đông Tây không gặp nhau? Chúng đâu cần phải gặp nhau vì Đông tức là Tây rồi.

Theo nhãn quan Bát Nhã, chúng ta nhìn phải trái và chánh tà cũng bằng cách ấy.

Khi ta có khái niệm về Bụt, ta cũng có khái niệm về cái đối lập với Bụt, tức là Ma. Chúng ta thấy Bụt và Ma là hai kẻ thù. Trên sự thật, Bụt làm ra Ma và Ma làm ra Bụt. Chân lý của thực tại vượt thoát ý niệm Bụt và Ma.

Trong kinh có câu “Niết bàn sinh tử thị không hoa”. Cả hai đều là hoa đốm giữa hư không, là những ý niệm mà chúng ta có ở trong đầu. Khi quý vị tập một vở kịch cho các em trong Gia Đình Phật Tử, nếu muốn đưa Bụt ra, thì phải đưa Ma ra để làm nổi bật Bụt. Bụt cũng cần Ma để hiện hữu. Khi muốn đưa ra một vị anh hùng, ta cũng cần phải đưa ra một tên gian manh để vị anh hùng đó nội bật. Sở dĩ anh hùng, đó là anh hùng đối với tên trộm cắp, sở dĩ là trộm cắp đó là tên trộm cắp đối với anh hùng. Sở dĩ là ngày, vì cái đó đối với đêm, sở dĩ là đêm vì cái đó đối với ngày.

Kinh điển có khi diễn tả Đề Bà Đạt Đa đã tạo rất nhiều khó khăn cho Bụt trong khi Ngài còn tại thế. Có kinh điển lại nói Đề Bà Đạt Đa là phương tiện để nêu rõ những đức tánh quảng đại, quang minh của Bụt. Bóng tối rất cần để người ta biết bóng tối là cái gì. Bụt có vai trò của Bụt. Ma có vai trò của Ma. Hai bên cần nhau. Tôi có viết một câu chuyện để nói về chân lý khó nhận đó:

“Có một hôm đang đứng gác cho Bụt ngồi Thiền trong động đá, đức A Nan thấy Ma vương lững thững đi tới. A Nan đâu có thích gặp Ma, thầy chỉ muốn gặp Bụt thôi. Ông núp sau cội cây, hy vọng Ma đi lạc đường cho khoẻ, chớ nếu nó quấy nhiễu Bụt thì vô ích quá. Nhưng không biết tại sao Ma vương Ba Tuần khôn quá, nó nhắm đúng động của Bụt mà đi tới.

A Nan không thể tránh được nữa. Thầy ló mặt ra, nói: “Anh còn tới đây làm chi? Anh không mắc cỡ sao? Anh không nhớ ngày anh bị đức Thế Tôn đánh bại xiểng niểng dưới cội Bồ Đề sao? Mặt mũi nào mà tới đây nữa, anh đi đi cho rồi! Bụt không tiếp anh đâu, anh là kẻ thù của Bụt”.

Thầy A Nan nói một thôi dài như vậy, vì hồi ấy thầy còn yếu. Thiên Ma Ba Tuần cười ha hả: “Thiệt vậy hả? Bụt có nói rằng Ngài có kẻ thù hả?” A Nan lúc đó mới chột dạ: hình như thầy mình chưa bao giờ dạy mình như vậy. Kết quả, thầy nói: “Thôi anh đứng đây. Để tôi vô thông báo với Ngài”. Bụng A Nan rất buồn, vì nếu vô thông báo mà Bụt đồng ý tiếp Ma vương thì rầu lắm, nên vừa đi vô thầy vừa hy vọng Bụt sẽ bảo rằng: Ra nói với nó là Ta không ở nhà, hoặc ta đang bận hội nghị. Nào dè, khi nghe báo, Bụt nói: “Vậy hả? Thiên Ma Ba Tuần ngoài đó hả? Hay quá! Vui quá!” Và Bụt đứng dậy, đi ra ngoài, tự thân đón tiếp Ma vương. Thầy A Nan buồn lắm, đi lò dò sau Bụt, thấy Bụt chấp tay chào Ma vương (“sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai”), rồi cầm tay Ma vương hỏi “Sao, lâu nay anh mạnh giỏi không? Công việc như thế nào, làm ăn ra sao?” A Nan thiệt là buồn, thầy không ngờ đức Thế Tôn lại ưu ái đối với Ma vương như vậy. Bụt kéo Ma vương vào động, phân ngôi chủ khách, mời ngồi đàng hoàng, rồi quay lại bảo thầy A Nan đi pha trà. Thầy A Nan rầu lắm. Pha trà cho đức Bổn sư một ngày ba bốn chục lượt thầy cũng vui, nhưng pha trà cho Ma vương uống thì không vui tí nào. Song thầy mình đã dạy thì mình không thể không vâng lời. Trong khi đợi nước reo, A Nan lắng nghe để biết Bụt nói gì với Ma vương. Bụt lặp lại: “Sao? Hồi nãy tôi hỏi nhưng chưa nghe anh trả lời. Anh làm ăn khá không? Anh mạnh khoẻ không?” Ma vương mới đáp: “Rầu lắm anh ơi, tôi chán làm Ma vương quá rồi! Bây giờ tôi muốn làm một cái khác.” Bụt hỏi tại sao chán. Ma vương nói: “Anh được mặc áo cà sa tôi chỉ được mặc áo giấy. Đi với anh ai cũng vui vẻ cười nói hết, còn đi với tôi toàn là bọn ma quỷ mặc áo giấy, nếu nói thì nói ra toàn những câu lắt léo trục trặc khó hiểu. Khi thở, họ thở ra toàn những khói nghi ngờ. Rồi bây giờ bọn lâu la của tôi lại bắt đầu nói những chuyện nào là trí tuệ, giải thoát, nào là công bằng xã hội, nào là Thiền, Tịnh, đạo pháp, dân tộc … đủ thứ hết. Nên tôi chán ngấy, muốn đem tất cả đệ tử của tôi giao hết cho anh. Bây giờ, tôi không muốn làm Ma vương nữa, tôi muốn anh cho tôi làm một cái khác.”

Thầy A Nan run quá. Nếu Bụt chấp nhận vai trò Ma vương, để Ma vương chấp nhận vai trò Bụt, thì đời mình coi như là tiêu ma. Bụt nhìn Ma vương rồi trang trọng nói:


Bộ anh nghĩ mình làm Bụt sướng lắm sao? Anh có biết mỗi ngày họ dán lên lưng tôi biết bao nhiêu nhãn hiệu không? Anh có biết là người ta đã đặt vào miệng tôi những câu nói không thể nào tưởng tượng được và bảo đó là do đức Thế Tôn thuyết hay không? Anh có biết là người ta làm một cái nhà thật lớn, đặt tượng của tôi lên để thu nhận nào chuối, nào xôi, nào ổi, nào xoài không? Có khi họ còn làm một cái kiệu để tượng tôi lên đó, đoạn khiêng tôi đi ngất nga ngất ngưỡng như người say rượu từ phố này sang phố khác. Nhân danh tôi, họ làm những chuyện rầu lắm, nào hội trưởng, phó hội trưởng, ra ứng cử bên này, ra ứng cử bên kia, không chịu tu học gì hết. Tôi nghĩ là anh nên làm bổn phận của anh cho đàng hoàng. Đó là tốt nhất. Mỗi người có một phận sự đặc biệt và phải làm với tất cả lương tâm của mình.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Nói xong, Bụt đọc lại bài kệ tóm tắt nghĩa lý Ngài đã nói. Lúc đó nước bắt đầu sôi.

Xem Tiếp Chương 5 - Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post