Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Đường Xưa Mây Trắng
Chương 66. Bốn Núi Bao Quanh
Một buổi sáng tinh
sương, đại đức Moggallana tìm đến Bụt, hai mắt ướt đẫm, Bụt hỏi duyên cớ. Đại đức
thưa:
- Thế Tôn, trong giờ
thiền tọa đầu hôm qua, con đã nghĩ đến mẹ của con, và con đã dùng định lực để
quán chiếu về nỗi nhớ niềm thương của con đối với mẹ. Con biết là trong thời
niên thiếu đã có đôi lần con làm cho mẹ con buồn, nhưng con cũng biết đó không
phải là nguyên do của nỗi buồn thấm thía của con. Nỗi buồn thấm thía của con
phát sinh từ ý nghĩ là con không làm được gì để giúp mẹ con lúc bà còn sống, và
con cũng không làm được gì để giúp mẹ con sau khi bà đã mệnh chung. Bạch Thế Tôn,
nghiệp chướng của mẹ con rất nặng. Hồi sinh tiền, bà đã từng tạo ra nhiều ác
nghiệp. Con biết rằng bây giờ những ác nghiệp ấy vẫn còn theo đuổi và tiếp tục
làm cho mẹ con khổ đau. Trong giờ thiền định con thấy hình ảnh này, con thấy
con đi thăm mẹ con ở một nơi thật tối tăm, ẩm thấp. Mẹ con than đói, bà gầy ốm
như một bóng ma. Con lấy cơm trong bình bát dâng lên, mẹ con bốc cơm ăn, nhưng
khi mẹ con đưa cơm vào tới miệng thì cơm ấy biến thành than hồng, mẹ con không
thể nuốt được, phải nhả ra. Thế Tôn, hình ảnh đó con không thể nào quên được.
Con không biết làm cách gì để cho nghiệp chướng của mẹ con được tiêu trừ và
thân cho tâm thân của mẹ con được nhẹ nhàng, siêu thoát.
Bụt hỏi:
- Hồi sinh tiền, mẹ của
thầy đã tạo những nghiệp ác nào?
- Bạch Thế Tôn, hồi
sinh tiền, mẹ con đã không chịu sống theo chánh mạng. Nghề nghiệp của bà buộc
bà phải sát hại rất nhiều sinh mạng của các loài hữu tình. Mẹ con lại là người
không biết tu theo chánh ngữ. Bà đã gây nhiều khổ đau cho kẻ khác vì những lời
nói của bà. Bà bứng cây sống, trồng cây chết. Con không dám kể hết chi tiết về
những ác nghiệp của bà để Thế Tôn nghe, nhưng quả thật mẹ con đã sống ngược lại
với tất cả năm giới quý báu mà Thế Tôn đã dạy. Thế Tôn, nếu con có thể chịu khổ
đau thay thế để đổi nghiệp quả của mẹ con, thì con sẵn sàng chấp nhận. Xin Thế
Tôn, đem lòng từ bi xót thương mẹ con mà chỉ bảo cho con.
Bụt nói:
- Moggallana, tôi rất
cảm động về tấm lòng hiếu thảo của thầy đối với mẹ. Công ơn cha mẹ như trời như
biển: làm con phải luôn luôn nhớ tới công ơn ấy, ngày cũng như đêm. Gặp thời
không có Bụt và không có các bậc thánh hiền, phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Bụt
và các bậc thánh hiền. Moggallana, thầy đã cố gắng để chuyển hóa mẹ thầy khi bà
còn sống, thầy lại còn lo lắng để chuyển nghiệp cho mẹ thầy khi bà đã chết, điều
đó chứng tỏ thầy là một người rất có hiếu đối với cha mẹ. Tôi rất mừng vì điểm
đó.
Moggallana! Điều căn
bản nhất mà mình có thể làm để báo hiếu cha mẹ là sống một đời sống đẹp đẽ, hạnh
phúc và đức hạnh. Như vậy là vừa đền đáp được công ơn sinh dưỡng vừa đền đáp lại
kỳ vọng của cha mẹ nơi con cái. Trường hợp của thầy là một trường hợp thành
công. Đời sống của thầy là một đời sống có an lạc, có hạnh phúc, có đạo hạnh; đời
sống của thầy là một đời sống gương mẫu, thầy đã và đang hóa độ được bao nhiêu người,
giúp họ đi về con đường chánh. Nếu đem đời sống và công đức ấy mà hồi hướng và
chú nguyện cho mẹ thì chắc chắn hành nghiệp của mẹ thầy sẽ được chuyển biến một
cách đáng kể.
Moggallana! Tôi sẽ chỉ
cho thầy một phương pháp mầu nhiệm và hữu hiệu để giúp mẹ. Đến ngày tự tứ mãn
khóa an cư mùa mưa, thầy nên thỉnh cầu toàn thể đại chúng hợp lực chú nguyện cho
mẹ thầy. Nên biết trong đại chúng có nhiều vị khất sĩ đạo đức và đức hạnh rất lớn.
Nếu thầy phối hợp đạo lực và đức hạnh của thầy với đạo lực và đức hạnh của tất
cả các vị ấy thì sức chú nguyện sẽ hùng mạnh vô cùng và nhờ nhân duyên đó, nghiệp
chướng của mẹ thầy sẽ tiêu tan và bà sẽ có cơ hội và đi vào con đường chánh
pháp.
Tôi nghĩ là trong đại
chúng có thể cũng có những vị có tâm trạng như thầy, vì vậy ta nên tuyên bố điều
nầy ra trong đại chúng. Thầy hãy bàn với thầy Sariputta, để từ nay cứ đến ngày tự
tứ thì ta có thể tổ chức một lễ chú nguyện, chú nguyện để hộ niệm cho các bậc
cha mẹ đã mất và cả cho những người làm cha mẹ còn sống. Như vậy cũng là để đồng
thời giáo dục người trẻ về đạo hiếu đối với cha mẹ và tổ tiên.
Moggallana! Người đời
thường chỉ biết tiếc thương cha mẹ khi cha mẹ đã qua đời. Trong ánh sáng của đạo
tỉnh thức, có cha có mẹ là một hạnh phúc lớn. Cha mẹ là những nguồn vui lớn cho
con cái. Con cái phải biết trân quý thời gian sống với cha mẹ, được thấy cha mẹ
hàng ngày, được đem niềm vui hàng ngày cho cha mẹ.
Ngay trong khi cha mẹ con sống và sau khi cha mẹ quá vãng, những hành động từ ái cần được thể hiện để gây niềm vui cho cha mẹ và hồi hướng công đức cho cha mẹ. Giúp người nghèo khổ và bệnh tật, thăm viếng và ủy lạo những người cô đơn, phóng thích tù nhân và những loài vật sắp bị sát hại, chẩn tế, trồng cây... đều là những hành động phát xuất từ tâm từ bi có thể chuyển đổi được tình trạng hiện tại và gây niềm vui cho cha mẹ. Trong ngày tự tứ của tăng đoàn khất sĩ, chúng ta nên khuyến khích mọi người làm những việc như thế.
Đại đức Moggallana
vui mừng lạy tạ Bụt. Chiều hôm ấy, đi thiền hành tới cổng tu viện Trúc Lâm, Bụt
thấy xa giá của vua Pasenadi cũng vừa dừng lại trước cổng. Vua đi thăm Bụt. Hai
người còn đang đứng ở cổng tu viện để chuyện trò thì có bảy vị du sĩ phái
Nigantha đi ngang qua. Họ là những người tu khổ hạnh, lõa hình, tóc và râu
không cạo, móng tay móng chân để dài không cắt. Trông thấy họ, vua Pasenadi xin
lỗi Bụt và đi ra chào đón các vị du sĩ. Vua lạy xuống cung kính trước bảy vị du
sĩ, và nói:
- Thưa các vị cao đức,
trẫm là Pasenadi, vua nước Kosala.
Vua lạy và nói ba lần
như thế, rồi mời chào họ và trở về với Bụt. Đợi họ đi khuất, vua hỏi:
- Bạch Thế Tôn, theo
Thế Tôn thì trong bảy vị du sĩ đó có vị nào chứng quả A la hán chưa? Họ có vị
nào đang đi trên con đường đến quả vị ấy?
Bụt đáp:
- Đại vương, ngài sống
cuộc sống vương giả và thân cận với giới chính trị nhiều hơn giới đạo sĩ nên
ngài khó mà biết được ai là người đã giải thoát và ai chưa giải thoát. Đại
vương, gặp gỡ đôi ba lần và nhìn vào bề ngoài của một vị đạo sĩ thì khó mà biết
được họ có giác ngộ hay không. Chỉ khi nào ta sống bên họ và có thì giờ nhận
xét họ ta mới biết được họ có giải thoát hay không có giải thoát. Đi lâu mới biết
đường dài; thân cận lâu ngày với một người, sống với người ấy trong những hoàn
cảnh khó khăn, nghe người ấy nói năng đàm luận... ta mới thấy được mức độ trí
tuệ, đức hạnh và sự chứng đắc của người ấy.
Vua biểu đồng tình với
Bụt:
- Bạch Thế Tôn, con
cũng thấy như thế. Mỗi khi con gửi các thám tử đi do thám tình hình các nơi, những
người nầy thường phải hóa trang để cho người ta không nhận ra được họ. Con nhớ
là khi những thám tử này về cung trình diện, chính con cũng không nhận ra được
họ. Con tưởng họ là những người không quen. Chỉ khi nào họ lột bỏ những đồ hóa
trang, đi tắm, rửa mặt và mặc áo quần của chính họ vào thì con mới nhận ra được
họ. Thế Tôn! Thế Tôn nói rất đúng. Ta không thể nhận ra được đức hạnh, trí tuệ
và sự chứng đắc của một người nếu ta không có được cơ hội để biết về người ấy một
cách chín chắn.
Bụt mời vua đi bộ về
phía tịnh thất của người. Vào đến tịnh thất, Bụt bảo thầy Ananda bắc ghế trước
sân mời vua ngồi. Sau khi an tọa, vua bạch với Bụt:
- Thế Tôn, con đã bảy
mươi tuổi rồi. Con nghĩ là con phải để nhiều thì giờ hơn vào việc tu học của
con. Con phải tập ngồi thiền và đi thiền hành nhiều hơn trước. Thế Tôn, công việc
triều chính quá bận rộn, nhiều lúc ngồi nghe Bụt giảng mà con cũng ngủ gục. Con
lấy làm xấu hổ quá. Bạch Thế Tôn, con lại có cái tật ăn nhiều. Con nhớ có một
buổi trưa ăn no quá, tới chùa con buồn ngủ chi lạ. Con ra ngoài sân tu viện đi
thiền hành cho bớt buồn ngủ mà cũng vẫn buồn ngủ như thường. Hôm đó con vừa đi
vừa ngủ gục, đến nổi gặp Thế Tôn cho nên cũng không thấy, và con đã vấp vào Thế
Tôn, Thế Tôn có nhớ việc nầy không?
Bụt cười:
- Tôi có nhớ, đại
vương! Đại vương ăn ít thôi, thì thân tâm sẽ nhẹ nhàng, và công việc chính trị
cũng như công phu tu tập cũng sẽ có phẩm chất hơn. Nếu muốn thành công trong việc
này, đại vương nên nhờ hoàng hậu Malika hay công chúa Vajiri chăm sóc về thực
phẩm hàng ngày cho đại vương, về phẩm cũng như về lượng.
Vua chắp tay lĩnh
giáo. Bụt nói:
- Đại vương nên để
thêm thì giờ mà lo về sức khỏe và sự tu tập của mình. Bây giờ tuổi đại vương đã
cao; nếu không lo tu tập, thì đại vương không còn nhiều thì giờ nữa. Đại vương!
Ví dụ có một người hộ vệ thân tín của đại vương từ phương Đông trở về báo cáo với
đại vương là có một hòn núi vĩ đại cao gần bằng mặt trời đang tiến dần từ
phương Đông tới; và trên đường đi trái núi ấy nghiến nát tất cả những sinh vật
nào nó gặp dưới chân. Đại vương đang lo lắng thì một người thân tín của đại
vương từ phương Tây về báo cáo rằng từ phương Tây cũng có một trái núi vĩ đại như
thế đang tiến tới, rồi những người thân tín của đại vương từ phương Bắc và
phương Nam cũng về báo cáo là có hai hòn núi vĩ đại từ các phương trời ấy đang
từ từ tiến tới phía đại vương, ngọn núi nào cũng nghiến nát dưới chân mình tất
cả những sinh vật trên đường đi. Đại vương biết là bốn ngọn núi từ bốn phương
đang áp tới và mạng sống của đại vương sẽ không thể kéo dài. Đại vương không
còn nhiều thì giờ. Vậy đại vương sẽ làm gì trong tình trạng ấy?
Vua ngẫm nghĩ rồi
nhìn vào mặt Bụt:
- Bạch Thế Tôn, trẫm nghĩ
trong trường hợp ấy thì chỉ có một việc đáng làm mà thôi. Đó là sống những ngày
còn lại thật xứng đáng, thật trầm tĩnh, đúng theo chánh pháp.
Bụt khen:
- Hay lắm, đại vương!
Tôi xin nói để đại vương biết: bốn ngọn núi ấy là bốn ngọn núi của sinh lão bệnh
tử. Cái già và cái chết là những ngọn núi vây hãm chúng ta và đang từ từ tiến tới.
Vua chắp tay:
- Bạch Thế Tôn, biết
được cái già cái chết đang vây quanh và tiến tới, con nghĩ chỉ có một cách là
đem những ngày tháng còn lại để sống theo chánh pháp, sống thật trầm tĩnh, làm
tất cả những việc thiện nào có thể làm, và xây dựng cho các thế hệ tương lai.
Vua đứng dậy làm lễ Bụt
và ra về.
Mùa mưa năm nay, các
đạo sĩ và Bà la môn đủ các giáo phái về Savatthi đông lắm. Các buổi thuyết giảng
của họ được tổ chức khắp nơi, và dân chúng thủ đô thỉnh thoảng được mời tới dự
những cuộc đàm luận giữa những vị đại diện của các giáo phái. Những chủ thuyết khác
nhau có dịp được trình bày. Trong giới môn đệ của Bụt cũng có nhiều vị đi dự những
cuộc đàm luận này. Họ về chùa kể cho Bụt và các thầy nghe những điều họ nghe và
thấy. Họ nói không có vấn đề siêu hình nào mà các vị đạo sĩ lại không đặt ra,
và vị nào cũng tự nhận thuyết của mình là đúng, thuyết của kẻ khác là sai. Ban
đầu thì họ chỉ tranh luận nhẹ nhàng, nhưng rốt cuộc phần lớn đều nổi nóng và cuối
cùng người ta bắt đầu nói nặng với nhau và lên án nhau bằng những lời lẽ thật
cay độc.
Bụt kể cho môn đệ
chuyện ngụ ngôn sau đây:
- Ngày xưa có một vua
thật ngộ nghĩnh. Ông cho mời những người mù trong xứ đến, những người mù từ khi
mới được sinh ra. Vua cho dắt tới một con voi. Vua bảo những người này sờ voi
và cho biết con voi như thế nào. Có người sờ chân voi, nói voi giống cái cột
nhà. Có người sờ đuôi voi, nói voi giống cái phất trần. Có người sờ tai voi,
nói voi giống cái rổ. Có người sờ ngà voi, nói voi giống như một cái cọc. Có
người sờ bụng voi, nói voi giống cái bồ chứa thóc. Có người sờ đầu voi, nói voi
giống như cái lu nước. Ngồi lại với nhau, những người mù này không ai đồng ý với
ai về hình thù của con voi. Họ cãi nhau kịch liệt. Ông vua thấy thế rất lấy làm
thích thú.
Các vị, những gì quý
vị thấy và nghe chỉ là một phần của sự thật. Nếu ta cho đó là toàn thể sự thật
tức là ta bóp méo sự thật. Người tu học phải có tâm khiêm nhượng, biết rằng cái
thấy cái hiểu của mình còn nhỏ bé, và mình cần phải nỗ lực học hỏi và thực tập
tinh tiến thêm mãi. Người tu học phải có tâm cởi mở, biết rằng nếu cố chấp vào
tri kiến hiện tại, cho đó là chân lý tuyệt đối, thì mình sẽ bị kẹt và sẽ đánh mất
cơ hội tiếp xúc với chân lý của thực tại mầu nhiệm. Khiêm nhượng và cởi mở là
hai điều kiện thiết yếu của sự tiến thủ.
0 Đánh giá