Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Trái Tim Của Bụt
Phật Pháp Căn Bản
Bài 18. Chuyển Hóa Tập Khí
Bài 18A. Chuyển Hóa Tập Khí
Hôm nay là ngày 23
tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Hạ và học tiếp về bát chánh đạo.
Hôm trước tôi có trao
cho quý vị một bài tập để quán chiếu và trình bày. Hôm nay chúng ta có một bài
khác cần được thực tập với nhau trong tăng thân, trong một tuần lễ. Trong suốt
tuần lễ chúng ta phải dùng một thiền ngữ đơn giản để thực tập niệm và định. Thiền
ngữ đó là ‘‘Ta đang làm gì đây?’’ (What am I doing here? What am I doing now?)
Đây là thiền ngữ ta
phải dùng để tự hỏi mình trong mỗi giây phút. Khi đang đi từ phòng ăn ra vườn mận,
hoặc đi từ phòng riêng lên thiền đường, ta tự hỏi: ‘‘Ta đang làm gì?’’ Hoặc là
‘‘Mình đang đi đâu?’’ Chúng ta tổ chức thực tập cách nào để tăng thân cùng được
thực tập chung thì hiệu quả mới cao. Nếu tăng thân quanh ta biết ta đang thực tập,
và tăng thân cũng biết ta đang trông đợi họ thực tập, thì sức mạnh của sự thực
tập mới lớn. Đang rửa chén, đang cưa gỗ, đang quét nhà, đang cắm hoa, v.v.. đó
là những lúc ta tự hỏi: ‘‘Ta đang làm gì?’’ Thiền ngữ này rất mầu nhiệm để thực
tập chánh niệm. Ai cũng biết rằng rửa bát là để có bát sạch ăn cơm. Ngoài đời,
rửa bát chỉ là để có bát sạch. Nhưng trong thiền viện, ta có phương pháp rửa
bát của thiền viện.
Kinh có một đoạn kể lại
câu chuyện của một triết gia tới thặm Bụt, và triết gia đó nêu những câu hỏi có
tính cách trí thức. Cuối cùng, ông hỏi: ‘‘Tại đây quý vị tu hành theo phương
pháp nào?’’ Rồi lại muốn cho cụ thể hơn, ông hỏi: ‘‘Nói một cách khác, mỗi ngày
quý vị làm những gì?’’ Bụt cười và bảo: ‘‘Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, giặt
áo, rửa bát, quét sân. Chúng tôi làm những việc như vậy.’’ Triết gia đó nói:
‘‘Như vậy thì đâu có khác gì chúng tôi ở ngoài đời? Ngoài đời chúng tôi cũng
đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, quét sân, giặt áo, rửa bát…’’ Bụt nói: ‘‘Khác lắm
chứ! Vì khi chúng tôi đi, chúng tôi biết là chúng tôi đi. Khi chúng tôi đứng,
chúng tôi biết là chúng tôi đứng. Khi chúng tôi ngồi xuống, chúng tôi biết là
chúng tôi ngồi xuống. Khi chúng tôi nằm xuống, chúng tôi biết là chúng tôi nằm
xuống. Khi chúng tôi rửa bát, chúng tôi biết rằng chúng tôi rửa bát. Khi chúng
tôi giặt áo, chúng tôi biết là chúng tôi đang giặt áo.’’ Lời Bụt nói có nghĩa
là: chúng tôi thực tập chánh niệm trong mỗi giây phút của đời sống chúng tôi.
Đó là một đoạn kinh rất đơn giản, nhưng trong đó ta thấy rất rõ ràng sự khác biệt
giữa cuộc sống thiền viện và cuộc sống ở ngoài.
Trong cuộc sống ngoài
đời người ta làm việc gì cũng nhắm một mục đích. Như rửa bát là để có bát sạch,
đi chợ là để mua thức ăn, giặt áo là để có áo sạch. Trong thiền viện, giặt áo,
đi chợ, nấu ăn còn có mục đích để chuyển hóa thân tâm, đạt tới an lạc. Các mục
đích này có thể được thực hiện ngay trong giờ phút thực tập, làm cho người hành
giả có hạnh phúc ngay trong khi thực tập. Và cái năng lượng có khả năng chuyển
hóa và đưa tới an lạc ấy là chánh niệm.
Vậy thì trong khi rửa
bát hoặc quét nhà, ta có thể tự hỏi: ‘‘Ta đang làm gì đây?’’ Nếu trong khi quét
nhà, lòng chỉ muốn quét cho mau xong, đã không có an lạc mà còn có bực bội, thì
ta sẽ bực bội suốt đời. Phải quét nhà như thế nào để trong khi quét nhà ta có
an lạc. Tự hỏi: ‘‘Mình đang làm gì vậy?’’ thì tự nhiên những hấp tấp, vội vàng
và ý muốn làm cho mau xong sẽ biến mất. Ta mỉm cười và tự nhủ: ‘‘Quét nhà là
công việc quan trọng nhất trong giờ phút này.’’ Điều này ta đã được học ngay từ
đầu. Vấn đề là chúng ta có thực tập hay không, và có giúp được tăng thân của ta
thực tập được hay không? Cách giúp hay nhất là chính ta thực tập và mọi người
khi nhìn vào sẽ thấy ta đang thực tập.
Câu hỏi đó có thể đặt
dưới một hình thức khác: ‘‘Ta làm cái này để làm gì vậy?’’ (What am I doing
this for?) Phải có sáng kiến đặt các câu hỏi tương tự để hàng ngày ta có thể thực
tập được. Trước cửa ra vào chúng ta có thể treo một tấm bảng. Ai bước ra thì đọc
câu: ‘‘Anh đi đâu đây?’’ và tự mỉm cười. Lúc chưa thấy cái bảng có thể ta đi
như bị ma đuổi; khi đọc tấm bảng đó thì ma biến mất, ta khôi phục được chủ quyền,
ta tự nhiên thảnh thơi trở lại. Tấm bảng đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Phải
đặt những bài hát, những câu thiền ngữ để giúp mọi người trở về an trú trong
giây phúc hiện tại, để thắp sáng chánh niệm. Tu tập là trở về, trở về với
nguyên quán của mình. Ta dùng bài Quay Về Nương Tựa:
Quay về nương tựa, hải
đảo tự thân. Chánh niệm là Bụt soi sáng xa gần. Hơi thở là Pháp bảo hộ thân
tâm. Năm uẩn là Tăng phối hợp tinh cần. Thở vào, thở ra là hoa tươi mát là núi
vững vàng nước tịnh lặng chiếu không gian thênh thang
Hoặc thực tập bài Đã
Về Đã Tới:
đã về đã tới bây giờ ở đây vững chãi thảnh thơi quay về nương tựa
Quay về nương tựa là
thực tập Quy Ỵ Quay về nương tựa, hải đảo tự thân, chánh niệm là Bụt, soi sáng
xa gần, đó là quy y Bụt. Rồi đến quy y Pháp, và quy y Tăng. Đó là những bài thực
tập có thể làm giàu chánh niệm; ta phải nắm cho vững. Đừng đợi về tới thành phố
mình rồi mới thực tập. Tập ở Làng Mai cho thành thói quen rồi thì về thành phố
ta mới tiếp tục được. Nếu quý vị nghĩ bây giờ mình chỉ cần học lý thuyết thôi,
để về nhà mình sẽ làm, thì như vậy là bảo đảm thất bại một trăm phần trăm. Phải
bắt đầu thực tập ngay cho đến khi sự thực tập trở thành một thói quen.
Chuyển Hóa Tập Khí
Dân ta vốn con nhà
nghèo ‘‘hay lam hay làm’’, hở tay ra là phải làm, không bao giờ cho tay được
nghỉ. Đó là một tập khí mà những hạt giống được truyền từ nhiều thế hệ tới cho
chúng ta. Nhưng chúng ta đã biết rằng muốn an trú được trong hiện tại thì mỗi
bước chân đều phải thảnh thơi, cái tập khí làm không hở tay trở thành một chướng
ngại. Vì vậy ta phải thực tập thế nào để khi ta làm cũng như khi ta không làm
gì thì sự sống vẫn có mặt. Muốn chuyển hóa một tập khí ta cần trải qua công phu
tu luyện. Mà tăng thân là một dung dịch trong đó ta ngâm mình vào để cho tập
khí tan rã. Trong tăng thân có những người đi đứng thảnh thơi, có khả năng an
trú trong hiện tại. Họ nhìn, họ nghe, họ nói, họ cười, họ thực tập an trú trong
hiện tại. Khi đặt mình trong một tăng thân như vậy thì dần dần ta thấy tập khí
của ta sẽ rã ra. Cho nên những người mới tu luôn luôn phải sống trong tăng
thân, phải nương vào tăng thân.
Có những khóa tu kéo
dài chỉ có bốn ngày thôi, nhưng trong bốn ngày đó có thể xảy ra những phép lạ.
Ngày thứ nhất vào dự khóa tu có người cảm thấy rất miễn cưỡng và có cảm giác chật
chội. Đi, đứng, nằm, ngồi bị bắt ép phải theo một khuôn khổ, người ta cảm thấy
bứt rứt. Nhưng nghĩ nếu bỏ về thì uổng công đi, uổng cả tiền bạc, tiếc rẻ cho
nên họ ráng ở tới ngày thứ hai. Ngày thứ hai họ cảm thấy bớt khó chịu; tuy chưa
thoải mái lắm nhưng mà tạm sống được. Người khác làm được tại sao mình làm không
được? Tới ngày thứ ba thì thấy hay hay. Đi chậm lại cũng cảm thấy thoải mái. Ăn
cơm im lặng, ban đầu tưởng như là ngộp thở nhưng bây giờ mình bắt đầu thích. Những
tập khí cũ bắt đầu rã ra. Rồi tới ngày thứ tư họ bắt đầu ưa thích, nhưng khóa
tu lại gần chấm dứt rồi. Cuối ngày thứ tư họ hỏi: ‘‘Bao giờ có khóa tu mới?’
Đó là trường hợp của
những người thành công. Trong bốn ngày họ đã nếm được mùi vị của sự chuyển hóa,
nếm được niềm tịnh lạc của sự thực tập an trú. Những người này sau khi trở về
thành phố có thể kéo dài tình trạng thảnh thơi đó ba bốn tuần, hay năm bẩy tuần.
Nếu có một số bạn bè mỗi tuần họp nhau lại để nuôi dưỡng tiếp thì việc tu tập
có thể kéo dài vài ba tháng. Nếu không thì sau vài ba tuần là họ bị hoàn cảnh
lôi kéo và đánh mất nếp sống tu tập. Tu tập vững ở trong tăng thân rồi mà trở về
nhà vẫn còn đánh mất. Không thể nói rằng ở Làng ta chỉ cần học lý thuyết, về
nhà sẽ thực tập cũng không muộn.
Chúng ta biết là mình
bị cái tập khí tham công tiếc việc sai sử đến nỗi lúc nào cũng chỉ nghĩ đến
tương lai và sẵn sàng hy sinh giờ phút hiện tại. Ta biết rằng như vậy là ta
đang đánh mất sự sống của mình. Bụt dạy phải sống sâu sắc giây phút hiện tại.
Chặm sóc giờ phút hiện tại của mình với hết tâm tư mình, tức là đã làm hết sức
mình để lo lắng cho tương lai. Vì vậy ta áp dụng ngay những phương pháp mà thiền
viện chế tác: khi đi thì biết là mình đang đi, khi đứng thì biết mình đang đứng,
khi ngồi thì biết mình đang ngồi, khi rửa chén thì biết mình đang rửa chén. Ta
tập mỉm cười với ta và tự hỏi ta : ‘‘Ta đang làm gì? Ta đang làm cái này với mục
đích gì?’’
Rửa bát trong chánh niệm là đang tiếp xúc với sự sống nhiệm mầu. Tôi đang là người thức tỉnh. Tôi đang an trú trong hào quang của Bụt. Và tôi đang giải phóng tôi khỏi những sợi dây ràng buộc lôi kéo. Con ma quá khứ, con ma tương lai, con ma giận hờn, con ma lo lắng không nắm đầu tôi được. Tôi là một con người tự do. Như vậy phẩm chất của sự sống trong giờ phút rửa bát trở thành rất cao. Phẩm chất cao hay thấp, có hay không, là do ta có thực tập hay không.
Hai ngày qua tôi đã
chép tên, họ và pháp danh vào điệp hộ giới của một số Phật tử đã quy y tại Bắc
Mỹ. Có hàng trăm pháp danh phải ghi chép, rồi lại phải đóng dấu hàng trăm lần.
Sau đó tôi biên địa chỉ trên bì thư để gửi cho từng người, rồi dán tem. Có hàng
trăm điệp hộ giới để làm, nhưng ta phải làm như thế nào để công việc trở thành
một sự thực tập, chứ không phải là một việc cần làm cho mau xong. Khi cầm bút
viết xuống một tên hay một địa chỉ, ta có thể thực tập mỉm cười, có thể thực tập
tiếp xúc với một người. Người đó, ta biết rằng trong vòng ba ngày hay năm ngày
sẽ nhận được điệp hộ giới. Người đó sẽ mở ra, sẽ mỉm cười, sẽ thấy tên mình, sẽ
nhớ lại ngày thọ giới của mình, sẽ thấy lại địa điểm nơi thọ giới của mình, và
sẽ đọc pháp danh của mình. Người đó biết, hay có thể không biết, rằng pháp danh
này do chính thầy mình viết lên trên điệp hộ giới của mình. Nhưng trong lúc viết,
tôi biết là chính tôi đang viết pháp danh người đó vào điệp hộ giới, với tất cả
lòng thương yêu, với tất cả sự tin cậy, tin rằng người này sẽ thực tập năm giới
vững chãi để bảo vệ hạnh phúc, an lạc của mình và của gia đình mình. Trong khi
viết ba trăm điệp hộ giới như vậy, thì tôi thực tập. Nếu không thực tập thì có
viết một trăm ngàn điệp hộ giới đi nữa thì kết quả tu tập vẫn là số không. Điều
này phải được áp dụng trong tất cả mọi công việc khác.
Nếu ta làm công việc
của ta trong chánh niệm thì đó cũng là làm cho cả tăng thân, vì hành động đó
giúp nâng cao phẩm chất thực tập của tăng thân. Khi gặp một người bạn tu, ta hỏi:
‘‘Anh đang làm gì đó? Chị đang làm gì đó?’’ thì câu hỏi này là một sự nâng đỡ,
một sự yểm trợ. Ta biết người đó đang làm gì rồi, nhưng vẫn hỏi. Hỏi để thắp
sáng chánh niệm trong ta và chánh niệm ở trong người kia. Đôi khi ta không cần
hỏi, ta chỉ cần nhìn nhau mỉm cười thôi là đã có thể đã tạo ra phép lạ, phép lạ
của sự tỉnh thức. Vậy đại chúng hãy chuẩn bị cho tuần lễ thực tập này. Thực tập
để tất cả mọi người có cơ hội, trong một tuần lễ tinh tấn, làm rã bớt các tập
khí cũ của mình, để tạo thành một tập khí mới, là biết an trú và sống sâu sắc
trong giờ phút hiện tại. Thắp sáng chánh niệm và soi thấu những ngõ ngách sâu
kín của đời sống, của tâm lý mình thì ta sẽ có sự chuyển hóa. Sống đời sống
hàng ngày biết, ta nên trân quý mỗi phút mỗi giây. Khi đi thiền hành dưới những
cây mận, chúng ta có thể mỉm cười với những cành mận, với những lá cỏ, với những
hạt sỏi, với những tiếng chim. Vì tất cả những sự có mặt đó đều là những người
bạn tu của mình từ bao nhiêu kiếp trước.
Sáng hôm nay, tới đây Chén trà nóng, Bãi cỏ xanh Bỗng dưng hiện
bóng hình em ngày trước
Tất cả đều là những
người bạn cũ thân yêu. Một cành cây. Một con chim. Một đám mây. Một nhánh hồng.
Một hòn sỏi. Một gốc cây. Tất cả đều là những người bạn cũ.
Bàn tay gió dáng vẫy gọi một chồi non xanh mướt Nụ hoa nào Hạt sỏi
nào Ngọn lá nào cũng thuyết Pháp Hoa Kinh
Trong chánh niệm ta
có thể nhận diện được tất cả những người bạn cũ đó. Trong chánh niệm ta có thể
nghe được tiếng thuyết pháp của viên sỏi, của tàu lá, của đám mây. Rất mầu nhiệm.
Ta hãy tập cười với hạt sỏi, tập cười với đám mây, tập cười với mặt trăng. Cười
như vậy ta chứng tỏ đang có mặt và vầng trăng kia cũng có mặt, đám mây kia cũng
có mặt. Khi cái giận, cái buồn, cái tập khí xấu hiện ra, ta cũng mỉm cười với
chúng, vì đó cũng là những người bạn cũ của ta. Mỗi khi cười được như vậy là
chúng ta có chuyển hóa, chúng ta có từ bi.
Thực Tập Năm Lễ
Chúng ta đã đi khỏi
Việt Nam bao nhiêu năm, có thể nhớ nhà hoặc muốn trở về, và nghĩ rằng trong mấy
tháng nữa, trong vài ngày nữa là ta về tới đất nước. Trong phương pháp tu tập
này, chúng ta không cần đợi đến khi bước từ máy bay xuống đất mới là trở về,
chúng ta hãy trở về ngay từ bây giờ. Mỗi bước chân là một sự trở về.
Quê hương nằm trong lòng chúng ta. Tổ tiên, sông núi đều nằm ở trong lòng chúng ta. Chúng ta đang làm gì? Chúng ta đang làm cái này để làm gì? Đặt câu hỏi, tự nhiên chúng ta về quê hương ngay lập tức. Quê hương là nơi ta gặp được an lạc, tỉnh thức, gặp được Bụt, Pháp, Tăng và gặp được tất cả tổ tiên. Các thế hệ tổ tiên vẫn còn sống sinh động ở trong cơ thể và tâm hồn chúng ta. Đó là sự thực tập quay về và nương tựa vào cội nguồn gốc rễ.
Quý vị đã học và thực
tập năm lễ. Những lễ này có mục đích đưa ta trở về quê hương, đưa ta về tiếp
xúc với những gì đẹp nhất, thân yêu, gần gũi nhất của ta. Tổ quốc, quê hương,
văn hóa, gia đình, dòng dõi huyết thống... khi lễ xuống chúng ta có thể tiếp
xúc với tất cả.
Chúng ta lạy xuống,
trán chạm vào đất, theo lối ngũ thể đầu địa, tức là năm vóc gieo xuống đất. Năm
vóc tức là hai tay, hai chân và trán của mình. Quý vị hãy tưởng tượng một đợt
sóng đang cúi xuống tiếp xúc với nước, tức là bản chất của sóng. Chúng ta cũng
vậy. Bụt, Pháp, Tăng, đất nước, quê hương, tổ tiên, dòng họ, khi lạy xuống
chúng ta phải tiếp xúc được với tất cả quê hương đó. Sau đây là những lời hướng
dẫn cho lễ thứ nhất.
Lễ Thứ Nhất
Trở về kính lạy, liệt
vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại.
Trong tư thế ngũ thể
đầu địa, nghe tiếng thầy hay bạn hướng dẫn, ta có thể bắt đầu thực tập quán chiếu
và tiếp xúc:
Con thấy cha của con,
con thấy mẹ của con mà xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng
tế bào và mạch máu của con. Qua cha con, qua mẹ con, con tiếp xúc được ông bà của
con, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng,
mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên
trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm,
tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên trong con. Những yếu kém,
những tồn tại và những khổ đau đã truyền đạt lại, con đang tu tập để chuyển
hóa. Chuyển hóa cho con và cho tất cả quý vị. Những năng lượng của trí tuệ, và
năng lượng của thương yêu mà các vị truyền đạt lại, con đang mở rộng trái tim
con và xương thịt của con để tiếp nhận. Con có gốc rễ nơi cha, nơi mẹ, nơi ông,
nơi bà, nơi tổ tiên. Con chỉ là sự nối tiếp của tổ tiên và dòng họ con. Xin cha
mẹ, xin ông, xin bà, xin tổ tiên hỗ trợ cho con, che chở cho con, truyền thêm
năng lượng cho con. Con biết rằng con cháu ở đâu thì tổ tiên ở đó. Con biết cha
mẹ nào, ông bà nào cũng thương yêu và đùm bọc độ trì cho con cháu dù khi sinh
tiền có lúc gặp phải khó khăn hay rủi ro mà không bộc lộ được niềm thương yêu
và sự đùm bọc đó. Con thấy cha, ông của con, từ Lạc Long Quân qua các vua Hùng
và biết bao nhiêu thế hệ những người khai sáng đất nước, mở rộng cõi bờ, gìn giữ
núi sông và hun đúc nên nếp sống Việt Nam có thỉ, có chung, có nhân, có hậu.
Con là sự nối tiếp của liệt vị, con cúi rạp mình xuống để đón nhận năng lượng của
dòng họ và tổ tiên của gia đình huyết thống của con. Xin tổ tiên phù hộ độ trì
cho con.
Chúng ta lạy xuống để
tiếp xúc với tổ tiên, với đất nước, với cội nguồn của chúng ta. Tất cả đang có
mặt ở trong chúng ta. Chúng ta không phải đi tìm xa. Chúng ta không cần lên máy
bay, đi mấy chục giờ mới về tới quê hương. Chúng ta chỉ cần bước một bước,
chúng ta chỉ cần lạy xuống một lễ là chúng ta quán chiếu được tất cả. Tiếp xúc
được rồi thì những nguồn năng lượng của tổ tiên, của ông bà, của đất nước, của
quê hương, của Bụt, Pháp, Tăng sẽ lưu nhuận trong ta và ta sẽ có thêm sức mạnh.
Nếu không thì ta có thể sẽ trở thành một đứa con đi hoang, một lãng tử, một cô
hồn không nơi nương tựa. Khi ta cảm thấy gốc rễ của tổ tiên, dòng họ và đất nước
vẫn còn bám sâu trong ta thì ta sẽ mạnh mẽ và sẽ vững chãi hơn.
Sau đây là lễ thứ
hai:
Lễ Thứ Hai
Trở về kính lạy, Bụt
và tổ sư, truyền đặng tục diệm, gia đình tâm linh, qua nhiều thế hệ.
Lễ thứ nhất hướng về
gia đình huyết thống (blood family). Lễ thứ hai là tiếp xúc với gia đình tâm
linh. Mỗi chúng ta đều có hai gia đình. Khi lạy xuống năm vóc sát đất rồi thì
ta bắt đầu quán niệm như sau:
Con thấy thầy của con
trong con. Con thấy sư ông của con trong con, Người đã dạy cho biết hiểu, biết
thương, biết thở, biết cười, biết tha thứ, biết sống trong giây phút hiện tại.
Qua thầy của con, qua
Sư ông của con, con tiếp xúc được với các thế hệ thánh tăng qua các thời đại.
Con tiếp xúc được với các vị bồ tát và với Bụt Thích Ca Mâu Ni, Người đã khai
sáng gia đình tâm linh của con, đã có từ hai ngàn sáu trăm năm nay.
Con biết Bụt là thầy
của con mà cũng là tổ tiên tâm linh của con nữa. Con thấy trong con có chất liệu
nuôi dưỡng của Bụt, của tổ, của các thế hệ cao-tăng và năng lượng của liệt vị
đã và đang đi vào trong con, đã và đang làm ra sự bình yên, an lạc, hiểu biết,
và thương yêu trong con. Con biết Bụt đã giáo hóa cho gia đình huyết thống của
con trong bao nhiêu ngàn năm, đã làm đẹp, làm lành nếp sống đất nước của con và
của dân tộc con. Bụt đã làm cho dân tộc con trở nên một dân tộc thuần từ và văn
minh, điều này con thấy rõ trong nền văn minh Lý và Trần. Con biết nếu không có
Bụt, có tổ, có thầy thì con không biết tu tỉnh và chế tác an lạc cho con và cho
gia đình con. Con mở rộng trái tim và xương thịt con để tiếp nhận kinh nghiệm,
tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi của Bụt và của các thế hệ
Thánh tăng, gia đình tâm linh của con. Con là sự tiếp nối của Bụt và của các thế
hệ tổ tiên tâm linh của con; xin Bụt và chư tổ, xin sư ông và thầy truyền cho
con nguồn năng lượng thương yêu, an lạc và sự vững chãi của liệt vị. Con nguyện
tu tập để chuyển hóa và để truyền về cho thế hệ tương lai năng lượng của Bụt, của
tổ và của thầy.
Sau khi lễ hai lạy
như vậy rồi, ta thấy năng lượng của gia đình huyết thống và năng lượng của gia
đình tâm linh chuyển động trong huyết quản, và trong tâm tư ta. Ta cảm thấy vững
chãi hơn, có đức tin mạnh mẽ hơn và ta lạy lễ thứ ba để tiếp xúc với đất nước,
với khí thiêng sông núi và liệt vị tiền nhân. Tiền nhân đã qua đời nhưng vẫn
luôn luôn có mặt để che chở, phù trợ cho ta.
Lễ Thứ Ba
Trở về kính lạy, liệt
vị tiền nhân, khai sáng đất này, sông núi khí thiêng, hàng ngày che chở.
Con thấy con đang đứng
trên đất nước này, và tiếp nhận công ơn khai sáng của tiền nhân đất nước này.
Con thấy các vua Hùng, con thấy Trần Hưng Đạo, con thấy Lý Thái Tổ, con thấy Lý
Thánh Tông, con thấy bao nhiêu người có tên tuổi và không có tên tuổi, đã đem
tài trí, kiên nhẫn và chịu đựng làm cho đất nước này trở nên nơi nương náu của
bao nhiêu giống dân; đã lập nên trường học, nhà thương, xây dựng cầu cống, đường
sá, chợ búa; đã thiết lập nhân quyền, luật pháp và phát minh khoa học làm cho mức
sống được nâng cao. Con cũng tiếp xúc được với những thế hệ tổ tiên ngày xưa đã
sinh sống trên đất nước này và đã biết sống an lành với mọi loài và với thiên
nhiên. Con sống ở đây, học hòa hợp với thiên nhiên, với con người, và cảm thấy
năng lượng của đất nước này đi vào trong con, yểm trợ con, chấp nhận con. Con
xin nguyện tiếp tục giữ gìn và làm tiếp nối những dòng năng lượng ấy. Xin nguyện
góp phần chuyển hóa những bạo động, căm thù và vô minh còn tồn tại trong đất nước
và trong xã hội này. Xin quý vị tiền nhân phù hộ độ trì cho chúng con.
Nếu đang sống ở quê
hương, thì trong khi lạy xuống lạy thứ ba ta phải tiếp xúc được với các vị tiền
nhân khai sáng đất nước. Có những vị tuy không để lại tên tuổi nhưng đã âm thầm
xây dựng đất nước. Nếu đang sống ở hải ngoại, ta cũng phải biết đất nước mà
mình đang sống đây là do những ai khai phá và xây dựng. Phải tiếp xúc được với
tiền nhân của đất nước này.
Sau ba lễ, ta đã cảm
thấy như một thân cây có gốc rễ, có thêm nhiều năng lượng. Lễ thứ tư giành cho
người mà ta thương yêu để ta chia sẻ những nguồn năng lượng đã nhận được:
Lễ Thứ Tư
Trở về kính lạy, gia
đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, cho người con thương.
Người con thương có
thể là cha con, mẹ con, anh con, chị con, em con, cháu con, thầy con, sư ông của
con. Khi lạy xuống, ta sẽ quán nguyện như sau:
Những nguồn năng lượng
vô biên mà con vừa tiếp nhận được, con xin truyền cho cha con, chia xẻ cho cha
con, tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho những người con thương yêu, cho những
người đã từng khổ đau, đã từng lo lắng, đã từng buồn khổ vì con, vì những vụng
về và dại dột của con trong quá khứ, và cũng đã từng lo lắng, buồn khổ vì hoàn
cảnh khó khăn và không may của các vị. Con xin truyền nguồn năng lượng ấy, nguyện
cầu và tiếp sức cho cha con, cho mẹ con, cho anh chị em của con, cho những người
thân của con, cho chồng con, cho vợ con, cho các con của con để cho tâm hồn họ
lắng dịu lại, cho khổ đau trong lòng những người ấy được chuyển hóa, cho những
người ấy nở được nụ cười, cho những người ấy cảm nhận được niềm vui sống, cho
những người ấy mạnh khỏe trong thân thể và an lạc trong tâm hồn. Con hết lòng cầu
mong cho những người ấy có hạnh phúc và an lạc. Con biết nếu những người ấy có
an lạc thì con có an lạc. Con cảm thấy trong lòng con không oán hận trách móc
những người ấy một mảy may nào. Con lạy tổ tiên và ông bà trong gia đình huyết
thống, tổ tiên trong gia đình tâm linh của con phù hộ độ trì cho những người
con thương, những người mà con đã nguyện thương yêu và chăm sóc. Con thấy con
không còn là một cái ta riêng biệt mà đã trở thành một với những người con
thương.
Thỉnh một tiếng
chuông, ta đứng dậy. Lúc đó sự phân biệt giữa cái ngã và cái phi ngã không còn
nữa. Mình và người mình thương trở thành một dòng liên tục. An lạc của mình trở
thành an lạc của người mình thương. Trong khi ta lạy và quán chiếu như vậy thì
ranh giới giữa ta và những người ta yêu thương được phá bỏ. Ta thấy được ta với
người đó cùng chung một dòng sinh mạng. Nếu ta vững chãi và có năng lượng thì
ta có thể truyền được năng lượng đó cho người ta thương. Tình thương trong mình
nuôi dưỡng chính mình trước, và vì vậy trong tâm mình cảm thấy nhẹ nhàng và thư
thái.
Đến lễ thứ năm thì ta
cúi xuống và truyền năng lượng của ta cho những ai đã từng làm khổ ta. Nhiều
người lúc đầu không chịu được lễ này. Người kia đã làm cho mình đau khổ, tại
sao bây giờ mình phải thương yêu và truyền năng lượng cho họ? Nhưng sau khi thực
tập được vài tuần thì ai cũng thấy có ích lợi. Thực tập với tất cả tâm hồn của
ta, sau đó mấy tháng trong lòng ta, ta cảm thấy hận thù tiêu tan, rất là mầu
nhiệm. Nhiều người cho biết họ chỉ thực tập lễ thứ năm trong vòng sáu tháng rồi
thôi không thực tập nữa, vì sau thời gian đó họ đã hoàn toàn không còn thù ghét
những người đã làm khổ họ nữa.
Lễ Thứ Năm
Trở về kính lạy, gia
đình huyết thống, gia đình tâm linh, gia hộ độ trì, người làm khổ con.
Trong tư thế ngũ thể
đầu địa, ta thiết lập cảm thông với người kia:
Con mở rộng lòng ra để
truyền đi năng lượng hiểu biết và xót thương của con tới những người đã làm con
khổ đau và điêu đứng. Con biết người ấy cũng đã đi qua nhiều khổ đau, đã chứa
chấp quá nhiều cay đắng và bực bội trong trái tim nên đã làm vung vãi những khổ
đau và bực bội của người ấy lên con. Con biết những người ấy không được may mắn,
có thể là từ hồi còn bé thơ đã thiếu sự chăm sóc và thương yêu, đã bị cuộc đời
dằn vặt và ngược đãi bao nhiêu lần. Con biết những người như người ấy chưa có
may mắn được học, được tu, trái lại đã chứa chấp những tri giác sai lầm về cuộc
đời và về con, nên đã làm khổ con và làm khổ những người con thương. Con xin
gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của con truyền năng lượng cho người
đó (cho những người đó), để trái tim của họ được tiếp nhận giọt nước cam lộ mà
nở ra được như một bông hoa, có thể lần đầu tiên trong đời họ. Con chỉ cầu mong
cho người đó được chuyển hóa, cho người đó tìm được nguồn vui sống, để không
còn giữ tâm thù hận mà tự làm khổ mình và làm khổ người khác. Con biết những
người ấy khổ mà không tự chủ được nên đã làm khổ con và những người con thương.
Con cũng cầu mong cho tất cả những ai đã làm cho gia đình con khổ, dân tộc con
điêu đứng, kể cả những kẻ xâm lặng, cướp nước, những người hải tặc, những kẻ
ích kỷ, dối trá và tàn bạo được nhờ ơn Bụt, ơn tổ, ơn tiền nhân mà cải hóa. Con
thấy họ khổ và nỗi khổ ấy đang kéo dài qua nhiều thế hệ, và con không muốn giữ
tâm niệm sân hận oán thù. Con không muốn cho họ khổ. Con có gốc rễ nơi tổ tiên
và dòng họ huyết thống và dòng họ tâm linh; trái tim con đã nở ra như một đóa
hoa, con xin buông bỏ tất cả mọi hiềm hận, một lòng cầu nguyện cho kẻ đã làm khổ
con, làm khổ gia đình và dân tộc con được thoát khỏi vòng tai nạn và đớn đau, để
họ có thể thấy được ánh sáng của niềm vui sống và an lạc như con. Tâm con không
còn mang một mảy may trách móc và oán thù. Con xin truyền năng lượng của con
cho tất cả những người ấy. Lạy Bụt, lạy tổ, lạy ông bà chứng minh cho con.
Đây là sự thực tập
lòng từ bi trong đạo Bụt. Bụt dạy: hận thù không thể nào đáp lại được với hận
thù; chỉ có tình thương và sự tha thứ mới đáp lại được với hận thù mà thôi. Khi
ta thực tập như vậy thì chất liệu từ bi trào lên trong trái tim ta. Sự tha thứ,
sự thương yêu sẽ chữa trị cho ta, và con người ta sẽ an hòa và mạnh mẽ hơn. Hạnh
phúc trở thành có thật. Lòng ta còn mang theo chất liệu của hận thù thì ta còn
khổ đau mãi mãi.
Tùy trường hợp từng
người, ai đã từng đau khổ quá nhiều, vết thương hận thù quá nặng, thì phải thực
tập lễ thứ năm này nhiều lần. Muốn lễ thứ năm thành công thì trước hết ta phải
thành công trong sự thực tập lễ thứ nhất và thứ hai. Ta phải trở về tiếp xúc được
với tổ tiên trong gia đình huyết thống, tổ tiên trong gia đình tâm linh, thì mới
có đủ năng lượng thương yêu để thực tập lễ thứ năm này. Tối nào tôi cũng lạy cả.
Có khi tôi lạy phủ phục rất lâu. Trong những giây phút đó, hiệu quả chữa trị và
nuôi dưỡng đã xẩy ra thật sự. Phương pháp năm lễ này đã được các vị thường trú ở
Làng Mai thực tập mỗi ngày. Quý vị có thể lên chánh điện hoặc thiền đường một
mình để thực tập riêng. Quán nguyện như thế nào cho thích hợp với trường hợp của
mình thì làm, nhưng trước hết phải học phương pháp theo công thức như trên.
Đối với những vị đã
có gốc rễ tôn giáo khác và mới quay về nương tựa Bụt, Pháp, và Tăng, thì nên lạy
thêm một lễ khác nữa. Lễ thứ sáu này để tiếp xúc với gia đình tâm linh gốc rễ của
họ, gia đình tâm linh họ đã lìa bỏ, nhưng ngày xưa tổ tiên và ông bà của họ đã
theo. Ví dụ như ngày xưa tổ tiên ông bà đã theo Do Thái giáo hay là Cơ Đốc
giáo, thì bây giờ ta phải lạy cái lạy thứ sáu này để trở về và tiếp xúc. Gốc rễ
của gia đình tâm linh đó rất cần thiết cho sự chữa trị và sự vững mạnh của ta.
Những người có hai gia đình tâm linh thường thường là những người Âu châu và Mỹ
châu cho nên tôi sẽ đọc lời quán nguyện này bằng tiếng Anh.
Có hai gia đình tâm
linh thì chúng ta có thể giàu có thêm. Tiếp xúc được với nhiều gia đình tâm
linh chỉ làm đời sống tâm linh của ta giàu có thêm thôi. Trong thời gian ở Tây
phương, tôi đã gặp những người bạn thuộc những truyền thống Do Thái giáo và Cơ
Đốc giáo. Những người còn gốc rễ tâm linh vững chãi thì nơi họ có lòng từ bi,
có hoan hỷ, có nhân ái. Họ đã giúp ta bằng sức mạnh tâm linh của họ. Họ giúp ta
vận động chấm dứt chiến tranh, đã giúp ta nuôi trẻ mồ côi, cứu trợ những nạn
nhân chiến tranh, bão lụt, v.v.. Chúng ta thấy chất liệu thương yêu và hiểu biết
có thật. Tiếp xúc được với họ, ta tiếp xúc được với gia đình tâm linh của họ,
tiếp xúc được với những vị đạo sư của họ. Chúa Ky Tô là một vị đạo sư đã dạy về
bác ái, về thương yêu. Chúa Ky Tô là một vị Bồ Tát lớn vì ngài đã tạo nên niềm
tin và đức từ bi nơi hàng triệu, triệu người. Khi nhận ra Chúa Ky Tô là một vị
Bồ Tát thì ta thấy niềm tin của mình nơi Bụt, nơi Pháp, nơi Tăng, nơi truyền thống
tâm linh của chính ta lớn thêm và giàu có lên thêm. Phía những người thuộc về
các truyền thống tâm linh Do Thái hay là Cơ Đốc chẳng hạn, khi nhận Bụt Thích
Ca làm thầy, nhận các vị như Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước là thầy, thì họ cũng
làm giàu cho truyền thống tâm linh của họ. Lễ thứ sáu này có mục đích đưa họ về
tiếp xúc được với gốc rễ tâm linh mà lâu nay họ đã lơ là hoặc đã ruồng bỏ.
Đạo Bụt dạy chúng ta
rằng ngã được làm bằng những yếu tố phi ngã, đạo Bụt được làm bằng các chất liệu
không phải đạo Bụt. Phật pháp tức thế gian pháp. Đạo Bụt không nghĩ rằng chỉ
trong truyền thống của ta là có chân lý và chân lý không thể có trong những
truyền thống khác. Người theo đạo Bụt không có chủ đích làm cho người khác bỏ
truyền thống tâm linh của họ để đi theo mình. Theo giáo lý này ta phải giúp cho
người khác trở về bám rễ vào trong truyền thống tâm linh của họ. Sự thực tập đạo
Bụt có mục đích giúp người ta trở về nguyên quán: quê hương tâm linh, quê hương
huyết thống. Phương pháp của chúng ta khác với phương pháp của những giáo sĩ
ngoại quốc tới nước ta cách đây ba bốn trăm năm. Chúng ta hiện giờ đang làm ngược
lại phương pháp của họ. Chúng ta sang Tây phương chia sẻ sự thực tập của chúng
ta, nhưng lại mong ước và khuyến khích những người Tây phương trở về với truyền
thống tâm linh của họ. Vì chúng ta biết rõ khi một người mất gốc, người ấy trở
thành một cô hồn lãng tử, khó mà có được an lạc, hạnh phúc, vững chãi và thảnh
thơi. Cho nên lễ thứ sáu này rất cần thiết cho những người đã bỏ truyền thống
tâm linh cũ của họ.
Việc tu tập của chúng
ta là một sự trở về. Trở về tiếp xúc với quê hương. Quê hương đó có thể được tiếp
xúc ngay bây giờ và ở đây, ngay chính trong con người của ta. Chúng ta không cần
đi máy bay mới trở về được quê hương tâm linh. Chúng ta không cần tưởng tượng.
Trong ta có gốc rễ của gia đình huyết thống, có gốc rễ của gia đình tâm linh,
có Bụt, có Pháp, có Tăng, có ông bà, tổ tiên. Khi trở về, chúng ta được che chở,
chúng ta được tiếp nhận thêm năng lượng. Chúng ta bắt đầu được nuôi dưỡng, được
chuyển hóa và trị liệu cả vật chất lẫn tinh thần.
Trong khi thực tập, mỗi
bước chân ta là một sự trở về. Bước đi mỗi bước, điểm ta đạt tới là bây giờ và ở
đây. Bài Đã Về Đã Tới là để giúp ta thực tập sự trở về đó. Bài Quay Về Nương Tựa
Hải Đảo Tự Thân cũng là để ta thực tập điều đó. Mùa thu vừa qua, trong buổi
thuyết giảng ở Berkeley, tôi đã nói phương pháp thực tập của chúng ta có thể được
gọi là phương pháp trở về (the practice of going home). Trong cuộc sống thất niệm
và quên lãng, chúng ta để cho tư tưởng, để cho nhớ thương, giận hờn, quá khứ và
tương lai lôi kéo. Chúng ta đã sống như một bóng ma, đã bước đi trong cuộc đời
như một người mộng du. Chúng ta chưa trở về. Ngoài chánh niệm, không ai có thể
giúp chúng ta trở về được quê hương của chính ta, quê hương tâm linh cũng như
quê hương huyết thống. Với những câu hỏi: ‘‘Anh đang làm gì? Anh làm cái đó với
mục đích gì? Anh đang đi đâu?’’ chúng ta trở về ngay với chánh niệm, với bây giờ
và ở đây. Bỗng nhiên ta biết rằng ta đang đứng trên quê hương, chưa bao giờ rời
khỏi quê hương ta.
Trở về như vậy, chúng
ta cảm thấy tràn đầy và được nuôi dưỡng. Phương pháp này phải thực tập trong từng
giây, từng phút. Nếu quý vị thất bại trong thời gian thực tập ở Làng Mai thì
tôi lo rằng quý vị sẽ thất bại khi về nhà. Tại Làng Mai có một tăng thân đang
cùng tu tập, chúng ta phải giúp nhau tu tập. Nếu ở Làng Mai mà chúng ta không tạo
ra được cái thói quen, cái tập khí mới, thì khi trở về chúng ta sẽ bị cuốn theo
nhịp sống cũ, khó thực tập thành công được. Cho nên, trước khi lên máy bay,
chúng ta đã phải trở về.
Xem Tiếp Bài 19 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá