Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Sen Nở Trời Phương Ngoại
Chương 1. Kinh Pháp Hoa Và Đạo Bụt Đại Thừa
Chương 1A. Kinh Pháp Hoa Và Đạo Bụt Đại Thừa
Kinh Pháp Hoa là một
kinh rất nổi tiếng, có thể nói là nổi tiếng nhất trong tất cả các kinh điển của
đạo Bụt Đại Thừa. Cái tư tưởng tôn xưng kinh Pháp Hoa là Vua của tất cả các
kinh đã có từ lâu. Chúng ta phải tìm hiểu nguồn gốc của tư tưởng đó, nhất là phải
biết lý do tại sao kinh Pháp Hoa đã đạt đến địa vị tột cùng của nó trong khu vườn
kinh điển Đại Thừa.
Về thời điểm xuất hiện,
tuy ta nghĩ Bụt đã nói kinh Pháp Hoa trên đỉnh núi Linh Thứu trong thời gian
Ngài còn tại thế, nhưng sự thực là mãi đến khoảng 700 năm sau, tức khoảng cuối
thế kỷ thứ hai Dương lịch, kinh Pháp Hoa mới được các thầy ghi chép lại để lưu
truyền. Bằng chứng của sự xuất hiện vào thời điểm này là Thầy Long Thọ, tác giả
của Đại Trí Độ Luận sống vào cuối thế kỷ thứ hai, và thầy đã trích dẫn kinh
Pháp Hoa. Thêm vào đó, chúng ta có thể nói chắc rằng kinh Pháp Hoa đã xuất hiện
sau kinh Duy Ma Cật, vì những tư tưởng trong Duy Ma Cật chưa đi tới giai đoạn
hòa giải với Giáo hội Truyền thống .
Khi tìm hiểu về nguồn
gốc và lý do tại sao kinh đã đạt đến địa vị cao nhất trong kho tàng kinh điển Đại
Thừa, chúng ta thấy, trong kinh Pháp Hoa(1) Bụt nói với Bồ Tát Tú Vương Hoa rằng:
Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như là sông, ngòi, kinh, rạch thì biển là
lớn nhất; trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất. Ngoài ra, trong Phẩm
thứ mười, đoạn cuối của phần kệ trùng tụng, Bụt dạy rằng:
Dược Vương, nay bảo ông,
Các kinh của ta nói,
Mà ở trong kinh đó,
Pháp Hoa tột thứ nhất.
Như vậy trước hết,
danh xưng này là do chính đức Thế Tôn tuyên thuyết trong lúc nói kinh Pháp Hoa
trên đỉnh Linh Thứu, và ý niệm kinh Pháp Hoa là Vua của tất cả các kinh đã bắt
nguồn từ những đoạn này ở trong kinh. Kế đến, khi vào thăm viếng kho tàng kinh
điển Đại Thừa, đứng trên phương diện tư tưởng, ta thấy kinh Duy Ma là một kinh
rất phong phú, chứa đựng nhiều tư tưởng rất thâm áo. Ta có thể dừng lại hàng giờ,
hàng ngày trên từng trang kinh Duy Ma để tìm hiểu những tư tưởng cao siêu của đạo
Bụt Đại Thừa, được trình bày một cách rất súc tích, rất có nghệ thuật. Khi đọc
kinh Pháp Hoa chúng ta không thấy như vậy. Kinh Pháp Hoa không có tính cách
chuyên môn, không có tính cách bác học, mà lại có tính cách đại chúng, thông tục
và thực tiễn. Đọc kinh Pháp Hoa, ta thấy kinh thừa hưởng những tư tưởng và tinh
hoa của những kinh Đại Thừa đã có trước đó. Ví dụ kinh Pháp Hoa thừa hưởng tư
tưởng Không của kinh Bát nhã, tư tưởng Trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa
Nghiêm, và tư tưởng Bất tư nghì giải thoát của kinh Duy Ma. Nhưng kinh Pháp Hoa
đã không trình bày những tư tưởng đó một cách bác học, một cách chuyên môn.
Kinh đã đưa đạo Bụt Đại Thừa đi tới một bước rất lớn, nhờ tính cách không
chuyên môn, nhờ tính cách phổ thông, thực tiễn và thông tục của kinh.
Như vậy, đứng về phương
diện tư tưởng, ta có thể nói rằng sức mạnh của kinh Pháp Hoa không phải là nhờ
vào tính cách chuyên môn của kinh mà là nhờ vào sự trình bày những tư tưởng
thâm áo một cách rất đơn giản, rất dễ hiểu, thích hợp với mọi giới.
Vòng Tay Lớn Của Kinh Pháp Hoa
Một đặc điểm khác đã
đưa kinh Pháp Hoa lên ngôi vị cao nhất trong vườn kinh điển Đại Thừa là cái khả
năng dung hợp, chấp nhận mọi bộ phái trong đạo Bụt của kinh.
Chúng ta nên biết rằng
đạo Bụt có nhiều dòng. Trước hết là đạo Bụt Nguyên Thủy, là đạo Bụt được giảng
dạy từ hồi Bụt còn tại thế. Tiếp đó là đạo Bụt Bộ phái, xuất hiện từ khi Giáo hội
chia ra làm nhiều bộ phái khác nhau. Ban đầu thì giáo đoàn chia ra làm hai
phái, một là Thượng Tọa Bộ, và một là Đại chúng Bộ. Phái Thượng Tọa gồm có những
người lớn tuổi, còn phái Đại chúng gồm đa số còn lại, và có khuynh hướng phát
triển, tiến bộ. Về sau lại bị chia ra làm nhiều bộ phái khác nữa. Sách sử ghi lại
đến 18 bộ phái, và có lúc còn nhiều hơn, tới 25, 26 bộ phái. Như vậy thì Phật
giáo Bộ phái đã khác với Phật giáo Nguyên Thủy. Phật giáo Nguyên Thủy có tính
cách thống nhất, chỉ có một Kinh tạng và một Luật tạng. Trong khi đó, về phía
Phật giáo Bộ phái, mỗi Bộ phái có Kinh tạng riêng, có Luật tạng và Luận tạng
riêng của mình. Trong văn học Phật giáo, Luận tạng (Abhidharma-piỊaka) là phần
thứ ba, được sáng tác thêm để hệ thống hóa và giảng giải thêm về những tư tưởng
của đạo Bụt. Hai phần kia là Kinh tạng (Sũtra-piỊaka) tức là những lời của Bụt
dạy, và Luật tạng (Vinaya-piỊaka) là những giới luật qui định nếp sống của tăng
đoàn.
Bộ phái thứ nhất gọi
là Theravada mà chúng ta thấy tại Tích Lan hiện giờ, không phải là đạo Bụt
Nguyên Thủy, mà là đạo Bụt Bộ phái. Bộ phái thứ hai là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ
ở Kashmir (Pakistan), tồn tại trong vòng một ngàn năm, và truyền sang Trung
hoa, cũng không phải là đạo Bụt Nguyên Thủy, mà là đạo Bụt Bộ phái. Hai bộ phái
đó, một là Theravada ở miền Nam, đã truyền thừa lại Tạng kinh Nam truyền, và Bộ
phái SarvẠstivẠda, tức là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, được truyền lại ở Kashmir,
miền Tây Bắc Pakistan, rồi đi sang Trung hoa, đều không phải là Phật giáo
Nguyên Thủy. Dầu họ tự gọi là Phật giáo Nguyên Thủy, nhưng vì cách truyền thừa,
cách giữ gìn, và cách giải thích giáo lý của họ rất khác với đạo Bụt Nguyên Thủy,
cho nên họ không phải là truyền thừa đích thực của Phật giáo Nguyên Thủy. Rất
nhiều kinh điển của bộ phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ ở Kashmir đã được dịch ra
chữ Hán.
Thượng Tọa Bộ tiếng
Pali là Theravada, tiếng Phạn là SthaviravẠda, có nghĩa là những vị trưởng lão,
những bậc tôn túc. Thật ra, tên của Bộ phái mà ta gọi là Theravada ở Tích lan,
chính thật là Tãmrasã tiya, dịch là Đồng Diệp Bộ. Đồng là một thứ kim loại màu
vàng đỏ. Đồng Diệp Bộ là một Bộ phái của các vị tu sĩ khoác y màu đồng đỏ, ngày
nay ta gọi là Theravada. Trong mười tám bộ phái của thời đại Phật giáo Bộ phái,
có những bộ phái bảo thủ, có những bộ phái tiến bộ. Từ những bộ phái tiến bộ,
tư tưởng Đại Thừa bắt đầu phát hiện, và đến khi những tư tưởng đó chín muồi,
thì kinh điển Đại Thừa bắt đầu xuất hiện. Kinh xuất hiện đầu tiên trong văn học
Đại Thừa là kinh Bát Nhã.
Như vậy ta có thể nói
rằng sự hình thành của đạo Bụt có ba giai đoạn:
– Giai đoạn thứ nhất
là đạo Bụt Nguyên Thủy,
– Giai đoạn thứ hai
là đạo Bụt Bộ phái, và
– Giai đoạn thứ ba là
đạo Bụt Đại Thừa.
Khi đạo Bụt Đại Thừa
xuất hiện thì tất cả những bộ phái không phải là Đại Thừa đều được gọi chung là
Tiểu Thừa. Thành ra chữ Tiểu Thừa đã được dùng trong cái nghĩa khinh thị, chiếc
xe của anh không chở được bao nhiêu người, nhiều lắm là một mình anh, còn chúng
tôi là loại xe lớn, có thể chở được hàng chục, hàng trăm người. Vì vậy mà hồi
đó trong hai danh từ Đại Thừa và Tiểu Thừa đã có tính cách đôi co, tự hào. Đạo
Bụt là một thực tại sinh động, tràn đầy sự sống. Khi có sự sống thì nó phải
phát triển, nó không thể đứng nguyên trong tình trạng cũ. Ví dụ như một cái cây
đang sống thì thế nào cũng phải mọc thêm cành, thêm lá, thêm hoa. Do đó, nếu muốn
cho đạo Bụt còn là một thực tại sinh động thì phải để cho đạo Bụt phát triển, bằng
không nó sẽ chết. Tuy nhiên có những người đã không muốn đạo Bụt phát triển, họ
muốn giữ y nguyên như cũ, và không chịu thích ứng giáo lý, cũng như cách hành trì
với khung cảnh mới, với thời đại mới, với xã hội mới. Trong trường hợp ấy đạo Bụt
không còn được phổ biến sâu rộng trong quần chúng nữa, mà chỉ đóng khung trong
phạm vi rất nhỏ của những người bảo thủ.
Xã hội thay đổi, văn
hóa thay đổi, kinh tế thay đổi, nếu đạo Bụt không thay đổi để thích ứng với đời
sống mới, để trả lời cho những vấn đề mới, thì đạo Bụt không thể nào đóng được
vai trò lãnh đạo tâm linh. Trên căn bản đó, phái bảo thủ đã không làm tròn nhiệm
vụ của mình, cho nên phái tiến bộ phải đứng ra để cải tổ, để thích ứng với thời
đại mới.
Nhìn cho sâu, chúng
ta thấy phái bảo thủ có khi cứng ngắc, không linh động, họ chỉ chuyên đi về hướng
phân tích mà không chịu đi về hướng tổng hợp. Thật vậy, trong nền văn học A-tỳ-đạt-ma
(Abhidharma) cái khuynh hướng chia chẻ rất nhiều. Một sợi tóc không những chẻ
làm tư mà còn chẻ làm ba mươi sáu. Trong văn chương đã vậy, mà trong sự hành
trì, nhiều khi cũng vậy. Cứ phân tích, rồi tiếp tục phân tích, phân tích để có
niềm vui trong sự phân tích mà thôi.
Ví dụ khi chúng ta đi trong chánh niệm, khi bước chân trái, mình biết rằng mình bước một bước chân trái, khi bước chân phải, mình biết rằng mình bước một bước chân phải, và như vậy bước chân có thể rất tự nhiên, rất an lạc. Chúng ta hãy hình dung Bụt và các vị đại đức đi khất thực ở trong thành Vương Xá, các vị ôm bình bát, đi chậm rãi, trang nghiêm, và rất có chánh niệm. Họ đi thiền hành. Nhưng với người bảo thủ thì họ phân tích bước đi, và họ làm thành những động tác hơi khó nhìn. Ví dụ nhiều lúc quý vị thấy có những người đi kinh hành bằng cách nhón gót chân, và đi trên đầu ngón chân, trông không tự nhiên chút nào cả. Theo nguyên tắc, họ phân tích bước chân ra ba giai đoạn: Dỡ chân lên, đưa tới, và đặt xuống (lifting, moving, placing). Nó có tính cách máy móc như một con người máy.
Nhưng đó là mới chia
làm ba thôi, họ còn có khuynh hướng chia nhiều hơn nữa: Mới dỡ lên, dỡ lên nữa,
dỡ lên cao rồi; đưa tới một chút, đưa tới hai chút, đưa tới đủ rồi; bắt đầu đặt
xuống, đặt xuống gần đất, đặt xuống sát đất rồi v.v…, và cứ tiếp tục chia ra
như vậy. Điều đó đúng là thực tập chánh niệm, nhưng cái chánh niệm này rất khô,
rất là máy móc và không dẫn đến sự an lạc, hạnh phúc, thảnh thơi gì trong lúc
thực tập. Nó bị kẹt vào hình thức. Khi ăn cơm trong chánh niệm, gắp một miếng đậu
hủ đưa lên, mình chỉ cần quán chiếu: Tôi đang gắp một miếng đậu hủ, và tôi biết
đây là miếng đậu hủ; tôi đang nhai đậu hủ và tôi biết rằng tôi đang nhai đậu hủ.
Rất tự nhiên, rất an lạc. Ngược lại, nếu thực tập chia chẻ: gắp, gắp, gắp lên;
bỏ, bỏ, bỏ vào miệng; nhai, nhai, nhai… thì làm sao mà ăn cho an lạc được?
Trong phép thực tập này, người ta nghĩ phải chẻ động tác ra từng giai đoạn,
càng chẻ ra nhiều chừng nào thì sự thực tập càng sâu sắc chừng đó! Với thực tập
đó, mình thấy có một sự khó nhìn, đời sống mất hết sự hồn nhiên, chỉ còn có
hình thức. Không phải đi thiền hành chậm thì hay hơn đi thiền hành nhanh, hoặc
ngược lại. Vấn đề là trong khi thực tập chánh niệm, mình có được sự an lạc và
chánh niệm hay không. Đi, mình có biết mình đang đi hay không? Đứng, mình có biết
mình đang đứng hay không? Ăn, mình có biết mình đang ăn hay không, và có sự sống
trong đó không, hay mình biến mình ra một con người máy? Sự thực tập chia chẻ
đó đúng là thực tập chánh niệm, nhưng liệu cái chánh niệm đó nó có đưa tới sự sống
an lạc và chuyển hóa cho hành giả hay không? Thêm vào đó, cách đọc, cách hiểu
và cách hành trì của những người ấy cũng cứng ngắc như thế. Cái thái độ cố chấp
ấy làm người khác không thể chịu đựng được. Vì vậy mà khi các kinh điển Đại Thừa
xuất hiện, người ta đã phải dùng những quả trọng pháo rất lớn mới có thể phá vỡ
được thành trì của phái bảo thủ. Trong kinh điển Đại Thừa, nhất là trong các
kinh điển xuất hiện lúc ban đầu, chúng ta thấy có những câu tuyên bố rất mạnh,
có thể nói là gần như cực đoan. Ví dụ:
* Khi một ông Vua
không ngủ với Hoàng hậu, mà lại ngủ với một người đàn bà khác, thì đứa con sanh
ra không thể nào làm Thái tử Đông cung được.
* Những người Tiểu Thừa
không có bồ đề tâm, không có chí nguyện lớn, họ không phải là con đích của Bụt,
họ chỉ là con ghẻ thôi.
* Những người Tiểu Thừa
là những người chỉ chăm lo cho sự tư lợi của mình, mà không quan tâm tới cái tư
lợi của người khác.
* Những người Tiểu Thừa
là những người chỉ muốn chấm dứt đau khổ mà không có khả năng tạo tác an lạc
cho mình và cho mọi người.
* Những người Tiểu Thừa
chỉ làm thối nát những hạt giống tốt của đạo Bụt mà thôi v.v…
Danh từ dùng trong đạo
Bụt là Tiêu nha bại chủng. Nha là cái mầm, như trong danh từ mạch nha, chủng tức
là hạt giống. Tiểu Thừa là những người tiếp nhận hạt giống từ bi, trí tuệ, giải
thoát, an lạc từ đạo Bụt, mà không gieo trồng và phát triển để những hạt giống
này trở thành những gì tốt đẹp cho nhân loại, thì họ chỉ làm cho hư thối những
hạt giống của Phật Pháp mà thôi. Đó là những câu nói rất nặng, chĩa mũi dùi về
phe bảo thủ. Thoạt nghe, chúng ta nghĩ rằng những câu nói đó hơi quá đáng, thiếu
từ bi, và không có ái ngữ. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu cho kỹ và khi thấy được
cái thái độ bảo thủ, cứng ngắc của phái Tiểu Thừa, thì chúng ta có thể hiểu được
tại sao. Trong lịch sử văn học của kinh điển Đại Thừa, kinh Bát Nhã xuất hiện
trước nhất, rồi mới tới kinh Bảo Tích, kinh Hoa Nghiêm. Sau đó mới có những
kinh khác như kinh Duy Ma Cật.
Tôi không mê kinh Duy
Ma Cật lắm, tại vì kinh Duy Ma có những đoạn đi quá đà. Kinh Duy Ma Cật đưa
hình bóng của một vị tại gia, tên là Duy Ma Cật (Vimalakĩrti), để so sánh với
các vị thượng thủ trong giới xuất gia của Bụt, như tôn giả Trưởng lão Xá Lợi Phất
(ệẠriputra). Trong sự so sánh này, ta thấy thầy Xá Lợi Phất là một chú bé con,
rất dại khờ, ngây ngô, còn cư sĩ Duy Ma Cật lại là một người rất thông minh, một
đại cư sĩ. Thành ra, kinh Duy Ma Cật đã đem đại đức Xá Lợi Phất ra làm trò cười
cho thiên hạ. Đại đức Xá Lợi Phất là người anh cả của giáo đoàn khất sĩ, là người
được xem là thông minh nhất trong hàng cao đệ của Bụt. Ấy vậy mà trong kinh Duy
Ma, đại đức Xá Lợi Phất đã được đưa ra như là hình ảnh của sự nhỏ bé, của sự
thiếu thông minh. Khi thấy người đại diện giáo đoàn của Bụt bị nhục mạ, thì mọi
người trong giáo đoàn đều cảm thấy bị thương tích, bị xúc phạm. Tuy nhiên kinh
Duy Ma Cật có nhiều tư tưởng rất uyên áo, thâm sâu, như tư tưởng Bất nhị. Ngoài
ra giáo lý kinh Duy Ma Cật còn được trình bày rất khéo léo, rất hay ho, rất đẹp
đẽ.
Hồi đó, ở Ấn độ có một
phong trào văn hóa mới nổi lên, và có những kịch bản nổi tiếng như là
Mahabharata. Những người chép kinh thời đó cũng bị ảnh hưởng của phong trào văn
hóa mới này, cho nên các kinh điển Đại Thừa được trình bày theo phương thức của
những kịch bản, mỗi chương là một màn kịch. Kinh Duy Ma Cật đã được trình bày
theo phương thức đó, và kinh Pháp Hoa sau này cũng được trình bày theo cùng một
kỹ thuật. Kinh Duy Ma Cật và những kinh Đại Thừa xuất hiện trước đó, đã dùng những
quả trọng pháo rất lớn để bắn vào hàng ngũ của những người Thanh văn. Ngược lại,
kinh Pháp Hoa là kinh Đại Thừa đầu tiên sử dụng ngôn từ hòa ái, chấp nhận mọi bộ
phái và mọi khuynh hướng ở trong đạo Bụt.
Vì vậy cho nên khi
kinh Pháp Hoa ra đời như là có một làn gió mát, một cơn mưa rào, làm dịu lại
cái không khí ngột ngạt, đôi co đang xảy ra giữa hai phái bảo thủ và tiến bộ.
Vai Trò Kinh Pháp Hoa Trong Sự Thành Hình Đạo Bụt Đại Thừa
Như đã nói ở trên,
ngay từ kinh Bát Nhã, ta đã thấy những tư tưởng cực đoan, những ngôn từ rất mạnh. Đến khi kinh Duy Ma xuất hiện thì thái độ đó
đã lên đến cường độ tột cao của nó. Những
tư tưởng này biến thành những phương tiện để luận chiến với Giáo Hội truyền thống.
Trên phương diện tư
tưởng, chúng ta không có gì để trách móc cả, tại vì những tư tưởng đó rất uyên
áo, rất liễu nghĩa, rất tròn đầy. Tuy
nhiên, đứng trên phương diện thái độ, ta thấy cung cách đó không đủ tính bao
dung, không có được phong thái Đại Thừa, vì lý do đã muốn gạt tất cả những
thành phần Thanh văn ra khỏi gia đình của đạo Bụt. Đến khi kinh Pháp Hoa ra đời thì kinh áp dụng
một phương thức mới: Rất từ bi, rất bao dung, và ôm lấy truyền thống của Giáo hội
vào trọn trong vòng tay của Phật giáo Đại Thừa.
Vì vậy, sự ra đời của
kinh Pháp Hoa là một hiện tượng rất may mắn, rất đúng lúc cho sự thiết lập cơ sở
của Phật giáo Đại Thừa. Chính nhờ kinh Pháp Hoa mà đạo Bụt Đại Thừa trở thành một
cơ sở có căn bản, có truyền thống và mới biến thành một Giáo hội thực sự. Trước
đó thì tuy tư tưởng Đại Thừa đã được phát triển, đã được truyền bá, đã bắt đầu
chinh phục được nhiều người, trong đó có cả những người thuộc phái Tiểu Thừa,
nhưng giáo hội Đại Thừa chưa được thiết lập như là một tăng đoàn tu tập gồm những
người vừa xuất gia vừa tại gia, và chưa có cơ sở tổ chức. Tuy trước khi kinh Pháp Hoa xuất hiện thì Đại
Thừa cũng đã có mặt, nhưng có mặt với tính cách của một số cá nhân rời rạc, giới
xuất gia cũng như giới cư sĩ, và nhất là chỉ có mặt trong lãnh vực tư tưởng và
kinh điển, nhưng chưa có mặt với tư cách là một giáo đoàn, một tổ chức, một cơ sở. Cho đến khi kinh Pháp Hoa ra đời, với thái độ
hòa hoãn, dung hợp, bao bọc, thì lúc đó Bồ Tát Thừa, tức là Đại Thừa, mới có
tăng đoàn xuất gia và tăng đoàn tại gia.
Sự thành công trong việc tạo dựng một Giáo hội trong đạo Bụt Đại Thừa,
đã nhờ rất nhiều vào thái độ hòa giải, điều hợp của kinh Pháp Hoa.
Vì vậy cho nên vai
trò của kinh Pháp Hoa rất lớn ở trong truyền thống Đại Thừa.
Nhận Thức Của Tông Thiên Thai Về Kinh Pháp Hoa
Tên đầy đủ của kinh
là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, tiếng Phạn là Saddharmapuṇḍarīka-sūtra. Puṇḍarīka
chúng ta thường phiên âm là Tôn-Đà-Lợi, tức là một loại hoa sen màu trắng. Diệu
Pháp nghĩa là giáo Pháp mầu nhiệm.
Trước chúng ta đã có
nhiều nhà chú giải và nghiên cứu về kinh Pháp Hoa. Trung Hoa có một tông phái
chuyên môn nghiên cứu kinh Pháp Hoa, diễn dịch rất nhiều về tư tưởng Pháp Hoa
và đặt cơ sở lý thuyết và thực hành của mình trên Pháp Hoa. Đó là Tông Thiên
Thai mà người đại diện xứng đáng là thầy Trí Giả ở núi Thiên Thai. Trước đó đã
có thầy Huệ Tư và kế đến là thầy Huệ Viễn. Sau này thì có thầy Trí Giả, người
thiết lập ra những cơ sở vững chãi cho Tông Thiên Thai. Trong những tác phẩm của
thầy Trí Giả, có tác phẩm Đồng Mông Chỉ Quán mà tất cả các chú, các cô đi tu ở
Việt-nam đều phải học. Đồng mông nghĩa là những chú bé và cô bé. Đây là một tác
phẩm dạy phép tu thiền cho những người còn trẻ, mới bắt đầu tu. Sau khi đã tu
lâu hơn, họ học những tác phẩm khác như Đại Thừa Chỉ Quán.
Đứng về phương diện
tư tưởng, thầy Trí Giả có tác phẩm Pháp Hoa Huyền Nghĩa, trình bày về những ý
nghĩa thâm huyền của kinh Pháp Hoa. Trong đó thầy cắt nghĩa rất dài dòng về
khái niệm của thầy, và nhận thức của thầy về Phật Pháp. Chữ Pháp ở trong chữ Diệu
Pháp đã được thầy đem ra mổ xẻ, phân tích và trình bày rất cặn kẽ.
Các nhà nghiên cứu hiện
đại thấy rằng con đường phân tích này không được thích hợp lắm, tại vì kinh
Pháp Hoa không có mục đích diễn bày chân lý của thực tại như là một nền triết học.
Chữ Pháp trong kinh Pháp Hoa không có nghĩa là những cố gắng để trình bày cái
chân lý của thực tại. — đây, Diệu Pháp mầu nhiệm không phải là ở chỗ nó có thể
trình bày được sự thực về vũ trụ, vạn hữu, và chân lý hiện tại như trong kinh
Duy Ma hay kinh Bát Nhã. Chúng ta không thấy những khuynh hướng đó ở trong những
phẩm của kinh Pháp Hoa. Cái Pháp ở đây sở dĩ được gọi là Diệu Pháp là nhờ vào
tính cách đại chúng, phổ thông và thực tế của nó, cũng như nhờ ở công năng có
thể thực hiện được những điều mà những kinh khác chưa thực hiện được. Pháp này
đã mở ra một con đường dung hợp được truyền thống với những tư tưởng mới của Đại
Thừa, và tạo nên một không khí hài hòa, ấm áp, vui vẻ, thống nhất giữa Giáo hội
Truyền thống và Giáo hội Tân lập. Nhận thức này của chúng ta không giống nhận
thức của Tông Thiên Thai, tại vì thầy Trí Giả đã hiểu chữ Pháp như là một sự diễn
bày có hệ thống, bằng hình thức triết học của sự thực về pháp giới, về vũ trụ,
về vạn hữu. Ta có thể chứng minh điều này khi ta đi sâu vào kinh Pháp Hoa. Bây
giờ ta chỉ đưa ra vài ý niệm tổng quát như vậy để khi đi sâu vào kinh thì sẽ
không thấy bị lạc lõng.
Văn Thể Và Các Giai Đoạn Hình Thành Của Kinh Pháp Hoa
Kinh Pháp Hoa có nhiều
trùng tụng hơn kinh Duy Ma. Trùng tụng tức là phần kệ tụng ở trong kinh, tiếng
Phạn là Geya, mình phiên âm là Già-đà.
Kinh Duy Ma chỉ có hai đoạn trùng tụng mà thôi. Đoạn thứ nhất là ca ngợi Bụt, nói về Phật
Thân Quang, đoạn thứ hai là nói về gia đình của Như Lai. Nếu đọc kinh Pháp Hoa quý vị sẽ thấy trùng tụng
là những đoạn thi kệ lập lại những ý đã được nói trong phần trường hàng
(Sũtra). Trường hàng tức là văn xuôi.
Khi đọc các kinh Đại Thừa, ta thường có cảm tưởng phần kệ tụng là để tóm
thâu lại phần trường hàng.
Có rất nhiều thể tài
của kinh điển, như Trường hàng, Trùng tụng, Cô khởi, Thí dụ, Nhân duyên, Vô vấn,
Bản sanh, Bản sự... — đây ta mới nói đến
hai thể tài đầu của kinh điển đạo Bụt là Trường hàng và Trùng tụng. Ta có thể nghĩ rằng hai thể tài đó xuất hiện
đồng thời. Khi còn trẻ tôi thường nghĩ rằng
sở dĩ kinh có phần trùng tụng vì phần này dễ nhớ hơn, lý do là thi ca thì dễ đọc
và dễ thuộc hơn văn xuôi. Điều đó cũng
đúng, nhưng không đúng trong trường hợp này cho lắm. Lý do là lúc mới xuất hiện, kinh điển thường
được viết bằng thi kệ mà không viết bằng văn xuôi. Tương tự như kho tàng ca dao tục ngữ của Việt-nam,
được truyền lại bằng miệng, gọi là văn chương truyền khẩu. Kinh điển Đại Thừa cũng vậy. Ban đầu kinh xuất hiện dưới hình thức những
bài kệ tụng truyền miệng. Do đó với kinh
Pháp Hoa, những phần trùng tụng xuất hiện trước, và đó là giai đoạn đầu kinh
Pháp Hoa xuất hiện. Ngôn ngữ mà những
nhà tư tưởng này sử dụng để diễn bày kinh Pháp Hoa được gọi là tiếng Prakrit, một
ngôn ngữ thông dụng trong xã hội Ấn độ thời đó, cho nên dễ hiểu và dễ học thuộc
hơn. Ngôn ngữ này có luật lệ riêng của
nó, cũng như thơ lục bát của Việt-nam:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Rất dễ nhớ, rất dễ hiểu. Tuy nhiên, vì là một văn thể có những hình thức
và luật lệ riêng, cho nên chữa lại bài văn vần thì hơi khó.
Trong giai đoạn thứ
hai của sự hình thành kinh Pháp Hoa, người ta thêm vào phần văn xuôi, tức là phần
trường hàng, với mục đích làm cho những đoạn trùng tụng rõ nghĩa hơn lên. Ví dụ như hai câu ca dao kể trên, trong đó có
nhiều chữ chiều, nhưng không phải mọi chữ chiều đều có cùng một nghĩa, vì vậy
mà ta phải dông dài hơn để giải thích những đoạn thi kệ. Do đó tuy rằng anh chàng văn xuôi, anh chàng
trường hàng xuất hiện sau anh chàng trùng tụng mà mình cứ tưởng là anh ta xuất
hiện trước, rồi ta mới tóm tắt lại thành thơ cho dễ nhớ. Như vậy, trường hàng, trước tiên là được dùng
để giải thích lời kinh. Trong kinh ta
thường gặp những câu như: Bụt nói đến đây và muốn tóm tắt lại những nghĩa lý đã
nói, nên liền đọc bài kệ sau đây… Đó là điều đã được người ta thêm vào sau, và
không đúng với sự hình thành của kinh.
Ta phải đổi lại rằng: Sau khi đã nói bài kệ rồi, Bụt thấy nghĩa lý hơi
cô đọng nên Ngài thêm những lời giải thích sau đây…, thì đúng hơn. Đứng về phương diện khoa học để nghiên cứu
thì ta mới thấy được những điều đó. Quí
vị là những người được sống trong thế kỷ thứ hai mươi, đã được thụ hưởng phương
pháp văn học sử mới, quý vị có thể khám phá và chấp nhận được những điều này.
Giai đoạn thứ ba của
sự hình thành Pháp Hoa là sự phát triển thêm phần trường hàng, tức là phần văn
xuôi. Tại vì khi so các bản tiếng Phạn với
nhau, ta thấy có những bản trong đó phần trường hàng ngắn hơn phần trường hàng
của những bản khác, nghĩa là kinh Pháp Hoa cũng đã mọc lên như một cây đại thọ,
nẩy chồi, đâm nhánh. Giữa thế kỷ thứ hai
nó còn thấp nhỏ, nhưng đến cuối thế kỷ thứ hai thì nó cao lớn hơn nhiều.
Giai đoạn thứ tư là
giai đoạn kinh được thêm vào những phẩm mới.
Trong bản chữ Hán, kinh Pháp Hoa có 28 phẩm và trong bản tiếng Phạn ta
đang có, chỉ có 27 phẩm thôi. Sự tìm tòi nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng,
kể từ phẩm thứ 23 trở về sau, có những phẩm mới đã được thêm vào. Có thể là khi sử dụng, các thầy thấy có những
khuyết điểm, nên họ đã thêm vào những phẩm sau.
Trong những phẩm đầu, chúng ta thấy có tư tưởng tất cả chúng sanh đều có
khả năng thành Bụt, nghĩa là mọi giới kể cả các vị Thanh văn, Duyên giác và Bồ
Tát, ai cũng có khả năng tính thành Bụt.
Đây là lý thuyết chủ yếu của kinh Pháp Hoa. Nhưng cho đến phẩm 22 ta vẫn chưa thấy nữ giới
thành Bụt, cho nên các tổ đã phải thêm vào một phẩm, đó là phẩm thứ 13, trong
phẩm này bà dì của Bụt tức là Bà Ma-Ha-Bà-Xa-Bà-Đế Kiều-Đàm-Di và mẹ của La Hầu
La , tức là người bạn đường của Bụt trước khi Ngài đi tu, bà Da-Du-Đà-La, cũng được thọ ký để thành Bụt. Tuy vậy phải đợi cho tới khi thấy được sự thiếu
sót hay bị chỉ trích thì các thầy mới thêm vào phẩm ấy.
Một phẩm khác, phẩm
thứ 12, trong đó có nhân vật Đề-Bà-Đạt-Đa (Devadatta), cũng đã được thêm vào
sau này. Đề-Bà-Đạt-Đa là một người quấy
phá Bụt từ lúc Ngài bắt đầu đi tu cho đến khi Ngài thành lập giáo đoàn, cho nên
theo nguyên tắc thì ông này không thành Bụt được. Tuy vậy, tư tưởng Pháp Hoa là
tư tưởng Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nghĩa là mỗi chúng sanh đều
có khả năng trở thành một người giác ngộ hoàn toàn. Vì vậy mà có một phẩm mới, nói về Đề-Bà-Đạt-Đa,
trong đó Đề-Bà-Đạt-Đa cũng được thọ ký và thành Bụt sau này. Có như vậy mới đi tới được sự hoàn thành tư
tưởng chính yếu của kinh Pháp Hoa. Đây
là lý do của sự hình thành giai đoạn thứ tư của kinh Pháp Hoa, trong đó một số
phẩm mới đã được thêm vào.
Trong học giới Ấn Độ
thời đó đã có một sự hưng thịnh lớn, đã có những lý thuyết mới, những tư trào
văn minh mới, do đó nền văn học Phật giáo cũng phải có một hình thái mới. Phật
Pháp phải được trình bày dưới những hình thái văn chương, nghệ thuật thích hợp
với đương thời thì mới được tuổi trẻ và giới trí thức chấp nhận, vì vậy mà đã
có một số học giả nhuận kinh Pháp Hoa từ tiếng Prakrit, một ngôn ngữ rất bình dân, không có tính cách
thông thái, thành một ngôn ngữ thường dùng trong giới bác học, văn chương, đó
là tiếng Sanskrit tức là tiếng Phạn. Những
tác phẩm triết học và văn học đương thời đều viết bằng tiếng Phạn. Tương tự như lúc người Pháp mới sang Việt-nam,
chữ Nho và chữ Nôm bị mất vị thế, trong khi đó người nói được tiếng Tây mới được
xem như là văn minh, mới được trọng vọng.
Vì vậy mà có những bài thơ châm biếm:
Nào có hay gì cái chữ
Nho, Ông Nghè ông Cống cũng nằm co, Chi bằng đi học làm ông Phán, Tối rượu sâm
banh, sáng sữa bò.
Prakrit và Sanskrit
là hai thứ tiếng gần giống nhau, nhưng hình thái văn pháp và chữ nghĩa của
Sanskrit rất khác với Prakrit. Cho nên, đứng về phương diện trường hàng tức
là văn xuôi, thì việc nhuận văn rất dễ dàng, nhưng đứng về phương diện trùng tụng
thì rất khó dịch. Vì vậy mà có nhiều đoạn
trùng tụng đã không sửa lại được thành Sanskrit, nên vẫn phải để nguyên chữ
Prakrit. Thành ra tiếng Phạn trong kinh
Pháp Hoa cũng như trong một số kinh điển khác là tiếng Phạn lai, nghĩa là một
ngôn ngữ trộn lẫn giữa Sanskrit và Prakrit.
Các học giả vào thế kỷ 19 và 20 thường gọi tiếng Phạn trong kinh điển đạo
Bụt là Buddhist Hybrid Sanskrit, tức là tiếng Phạn lai của đạo Bụt. Sư Cô Chân Đức sẽ đọc cho quí vị nghe một đoạn
trùng tụng bằng tiếng Phạn lai, và Sư Cô Viên Quang sẽ đọc cho quí vị nghe cũng
đoạn kinh đó bằng tiếng Hán. Bản chữ Hán
không lai và rất lưu loát vì được thầy Cưu Ma La Thập, một dịch giả đại tài thực
hiện. Đó là bài kệ tụng tóm tắt lại nghĩa lý của Phẩm thứ hai gọi là Phẩm
Phương Tiện. Phẩm này có thể xem như là
cương lĩnh của kinh Pháp Hoa. Trong tất
cả các phẩm, phẩm mà chúng ta phải học kỹ nhất là Phẩm Phương Tiện.
Điều tôi vừa nói về
hai chữ Diệu Pháp rất là quan trọng, nó cho chúng ta thấy kinh Duy Ma và kinh
Pháp Hoa khác nhau. Một kinh đứng về
phương diện chuyên môn và triết học, một kinh đứng về phương diện đại chúng và
thực tiễn, và nhờ vào ưu điểm ấy mà kinh Pháp Hoa đã thực hiện được sự nghiệp rất
lớn lao của mình.
Chương 1B. Kinh Pháp Hoa Và Đạo Bụt Đại Thừa
Hoa Sen Và Các Tông Phái Trong Đạo Bụt
Nhật có một tông phái
do Thầy Nhật Liên (Nichiren) thành lập, gọi là Nhật Liên Tông. Tông phái này lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản
cho tư tưởng và sự thực hành. Đây là một
tông phái nặng về thực hành, và phương pháp thực hành của họ là thay vì niệm Bụt,
họ niệm Pháp. Ta biết rằng trong đạo Bụt
có rất nhiều phương pháp tu học. Phương
pháp niệm có công năng thoa dịu những đau khổ, những nhọc nhằn, những vọng tưởng
của mình. Âm thanh của Bụt về được với
thân tâm ta thì ta sẽ thấy êm dịu nhẹ nhàng, thanh thoát. Nếu những năng lượng của Bụt như thức tỉnh và
thương yêu về an trú trong ta và nếu ta tiếp nhận được chúng từ đáy tim, thì ta
sẽ được khoẻ khoắn vô vàn.
Niệm Bụt có thể dùng
âm thanh, gọi là Trì danh, mà cũng có thể dùng hình ảnh, gọi là Quán tưởng. Niệm
Bụt cũng có thể dùng hơi thở, gọi là Sổ tức.
Đưa tất cả những tính chất của Bụt về trong tâm thức mình, hoặc bằng
hình ảnh, âm thanh, hoặc bằng đức tính hay giáo pháp (recollections of the
Buddha). Tuy vậy, phái Nhật Liên Tông không chủ trương niệm Bụt, mà lại chủ
trương niệm Pháp, tại vì Pháp niệm là một trong nhiều phương pháp €nussati.
Pháp của họ niệm là Pháp Hoa, và câu niệm của Tông phái Nhật Liên là Nam Mô Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh.
Như ta đã biết, kinh
Pháp Hoa đã đạt đến một địa vị rất lớn trong kho tàng kinh điển đạo Bụt, và thường
được xem là Vua của các kinh, cho nên niệm kinh này là niệm tất cả các
kinh. Kinh thì có chứa Bụt, vì vậy mà niệm
Pháp cũng là niệm Bụt và đồng thời cũng là niệm Tăng. Niệm như vậy thì trong tâm sẽ có niềm
tin. Câu niệm tiếng Nhật là Namu Myõhõ
Reng-kyõ. Kyõ là Kinh, Reng là Liên Hoa,
và Myõhõ là Diệu Pháp. Vì vậy mà ta thường
thấy các thầy thuộc tông phái này tay cầm trống đánh nhịp, miệng niệm Namu
Myõhõ Reng-kyõ theo từng bước chân. Đó
là phương cách thực tập của họ, cũng giống như những người tu trong các đạo
tràng tịnh độ của ta, tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Tôi thích lần chuỗi hạt hơn vì nó im lặng, dễ
thương, còn đánh trống thì có thể làm bận tâm người nghe. Tuy vậy tiếng trống cũng có thể giúp người
khác thức tỉnh và quay về với việc thực tập niệm Bụt.
Hồi sang Ấn Độ hoằng
Pháp, lúc viếng thăm thành phố VaiỐ€li, mỗi buổi sáng tôi đều được nghe tiếng
trống của một vị sư thuộc Nhật Liên Tông, từ chùa Nhật Bản đi sang Tháp Bụt, nằm
bên hông của cư xá nơi chúng tôi ở. Sáng
nào đúng vào giờ đó, chúng tôi cũng được nghe tiếng trống tung, tung, tung hòa
theo tiếng niệm Namu Myõhõ Reng-kyõ của vị Tăng người Nhật, rất thanh thoát
trong buổi sáng tinh sương.
Như vậy có những tông phái chuyên niệm Bụt, có những tông phái chuyên niệm Pháp, và chúng ta cần thêm một tông phái chuyên niệm Tăng, tại vì Tăng Bảo rất quan trọng mà mình thường coi nhẹ. Sở dĩ vậy là vì đôi khi mình thấy Tăng bảo làm cho mình buồn phiền. Thánh Tăng thì mình ít có dịp được tiếp xúc, còn trong phàm tăng thì thế nào cũng còn có những buồn, giận, ganh, ghét, cho nên mình không tin tưởng mấy. Tuy nhiên nếu không có Tăng thì Bụt và Pháp cũng không có, và chính nhờ những phàm tăng mà mình mới có cơ hội nhìn vào để tự tu sửa, mà chuyển hóa chính mình. Vì vậy các Thầy, các Sư Cô, Sư Chú sau này nên ráng lập nên một tông phái, gọi là Tông phái niệm Tăng, Sanghanussati.
Phái Nhật Liên Tông,
tiếng Nhật là Nichiren-shũ, sau này được cải cách, và một tông phái mới ra đời
gọi là Nhật-Liên Chân-Tông (Nichiren-shõ-shũ).
Từ đây đã phát xuất ra những giáo phái hiện đang hoạt động rất mạnh tại
Nhật Bản, ví dụ như Sáng-Giá-Học-Hội (Sõkagakkai), một giáo phái rất mạnh, đã
làm nơi nương tựa cho một đảng chính trị rất bề thế ở Nhật. Một tông phái lớn mạnh khác đã từng mời tôi
sang giảng diễn là tông phái Lập-Chính Giải-Chính (Risshõ Koseikai), họ có đại
biểu trong quốc hội.
Đời Hậu Lê, miền Bắc
Việt-nam có một tông phái gọi là Liên Tông, do một vị trong Hoàng phái là Lân
Giác Đại Sĩ thành lập. Tục truyền rằng lúc đào đất để làm hồ và xây nhà, đại sĩ
tìm thấy một cọng sen ở trong đất. Ngài
nghĩ rằng đây là ý của Bụt, Pháp và Tăng muốn mình lập một ngôi chùa ở đây, cho
nên đã cho xây Chùa và thành lập một thiền phái để tu học, gọi là Liên
Tông. Nếu có thì giờ, quí vị nên sưu tầm,
nghiên cứu thêm về tông phái Phật Giáo này.
Trong Việt-nam Phật Giáo Sử Luận, quyển III có một ít tài liệu về phái
Liên Tông. Tư tưởng về Hoa Sen cũng đã
có từ đời nhà Lý. Một hôm vua Lý Thái
Tông nằm mơ thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát đưa cho một cành sen, thức dậy, vua bàn
với các quan trong triều và các quan đề nghị nên xây một ngôi chùa có hình thái
hoa sen để thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Vì vậy năm 1049 vua đã cho xây Chùa Diên Hựu, tức là Chùa Một Cột ngày
nay.
Hoa sen trắng tượng
trưng cho bản tâm thanh tịnh, cho cái Phật tánh mà ai cũng có trong người của
mình. Vì vậy cho nên thông điệp chính của
kinh Pháp Hoa là tất cả mọi người đều có hạt giống giác ngộ, hạt giống Bụt
trong lòng: Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, ai cũng có thể trở nên một
vị toàn giác, một vị Bụt. Tư tưởng này
tiềm tàng trong các kinh Nguyên Thủy và các kinh Đại Thừa xuất hiện trước
đó. Mãi cho đến khi kinh Pháp Hoa ra đời
thì tư tưởng đó mới thật sự biểu hiện một cách tuyệt đối.
Đạo Bụt Đại Thừa Chống Báng Việc Thần Thánh Hóa Bụt Thích Ca
Ta nên biết rằng khi
Bụt nhập diệt rồi thì có một niềm thương tiếc rất lớn lao phát sinh trong giáo
đoàn. Ai cũng thấy có một khoảng trống rất
lớn. Điều này cũng đã xảy ra trong lịch
sử của Ki-tô Giáo. Khi Chúa mất đi, sự
thương tiếc và quí trọng Chúa cũng đã trở nên rất lớn lao.
Đối với đạo Bụt,
chính nhờ sự nhập diệt mà nhiều vị đệ tử của Ngài mới thấy được giá trị của Bụt
Thích Ca. Sự thương tiếc, quí trọng đó
đã được biểu hiện trên mọi hình thức.
Hình thức đầu tiên là phải lập Tháp để thờ. Hình thức thứ hai là thần thánh hóa Bụt,
trang sức cho Bụt bằng những phép thần thông, những khả năng mà người thường
không thể đạt được. Như vậy, do sự
thương tiếc, quí trọng, yêu mến mà người ta đã đem những phép tắc thần thông phủ
trùm lên con người của Bụt, và từ một con người, Bụt biến thành một Siêu nhân,
một Superman. Khi vòng hào quang phủ nhiều
quá lên người, thì Bụt mất đi cái tính cách người của Bụt, cho nên giữa Bụt và
chúng ta có một sự xa cách. Đó là một điểm
tuy tích cực nhưng cũng là tiêu cực, vì từ đó mà có một số đông người đã cho rằng
những điều Bụt làm, chỉ có Bụt mới làm được, còn chúng ta thì đành bó tay! Trong khi đó thì tinh thần giáo lý Nguyên Thủy
của Bụt không phải như vậy. Khi cái quan
niệm về Bụt đã đạt tới độ cho Bụt là một siêu nhân, thì tự nhiên trong giáo hội
phát sinh ra niềm tin rằng Bụt là một người rất đặc biệt, không phải là người
thường, chúng ta là học trò của Ngài thì không thể nào thực hiện được những gì
Bụt đã thực hiện. Khi mình nói tôi không
thể nào thành Bụt được hay tôi không cần phải thành Bụt vì tôi hiện cũng đang
có nhiều hạnh phúc, thì khi đó mình là những người có mặc cảm tự ty, và chống đối
lại tinh thần Nguyên Thủy của Bụt. Đây
là thái độ mà Phật giáo Đại Thừa công phá kịch liệt, vì người ta đưa Bụt lên
cao quá, vẽ ra nhiều hào quang chói sáng quá quanh Bụt, làm cho Bụt mất hết bản
chất con người của Ngài. Khi viết cuốn
Đường Xưa Mây Trắng, tôi đã cố gắng tháo gỡ những hào quang đó để đưa Bụt về
như một con người gần gũi chúng ta, để chúng ta có thể thấy được Bụt là một người
anh, một người thầy, một người bạn, một người cha.
Trong Ki-tô giáo ta
cũng thấy những hiện tượng tương tự. Khi
đức Ki-tô còn sống, có lẽ người ta đã không quí trọng Ngài bằng lúc Ngài đã qua
đời. Lúc đó mười mấy đệ tử của Ngài và
những người đã được gần gũi Chúa mới giật mình.
Bấy giờ họ mới nhận thức được rằng những giây phút mình được gần Chúa,
được ngồi ăn cơm với Chúa là những giây phút rất quí báu. Những tiếc thương đó làm cho niềm tin, làm
cho năng lượng ở trong những đệ tử của Chúa trở nên rất lớn lao. Hồi đó Ki-tô giáo chưa có giáo hội, chỉ mới
có những người mang tư tưởng mình là người theo Chúa Ki-tô thôi. Nhưng vì những tiếc thương đó mà người ta muốn
thành lập một truyền thống. Hồi đó Ki-tô
giáo bị cấm đoán vì chính quyền không nhìn nhận Chúa, và cũng không cho phép
nhóm người có cảm tình với Chúa hoạt động.
Họ bị xem là nhóm gây xáo trộn trong xã hội.
Chúng ta biết rằng Bụt
cũng là một nhà cách mạng, Bụt đã công kích chế độ giai cấp và sự kỳ thị phụ nữ,
chống đối tới cùng những tư tưởng của Bà La Môn Giáo. Nhưng Bụt đã may mắn hơn Chúa Ki-tô, Ngài
không bị đóng đinh. Các đệ tử của Chúa
và những vị đã được gặp Chúa, đã được nghe Chúa nói chuyện, cùng nhau thành lập
một Giáo hội tư, nghĩa là không chính thức.
Họ tổ chức hội họp với nhau, ôn lại những lời Chúa Ki-tô đã nói và thực
tập theo lời Chúa Ki-tô dạy. Họ dùng
hình tượng của con cá như một dấu hiệu bí mật để tụ họp. Trong Thánh Kinh có đoạn nói rằng: Này các vị,
đừng đánh cá nữa, hãy đi theo tôi để Ộđánh cá ngườiỢ nghĩa là để giúp người trở
về với chân lý, tung ra một màng lưới cứu người. Vì vậy mà hình tượng của con
cá rất quan trọng ở trong đạo Ki-tô. Khi
đi dọc bờ biển trong vùng, thỉnh thoảng người ta thấy được hình dáng một con cá
vẽ rất đơn sơ. Nếu đi theo những hình vẽ
trên bãi cát hay trên mỏm đá, chúng ta có thể tới nơi hội họp bí mật của những
đệ tử đầu tiên của Chúa. Cũng trong cái tâm
trạng thương tiếc và kính phục đó, những đệ tử đầu tiên của Chúa đã khoác lên
người của Chúa những vòng hào quang rất lớn.
Họ cũng làm giống hệt như bên đạo Bụt, cho rằng tuy Bụt đã mất rồi,
nhưng Ngài vẫn còn sống hoài với chúng ta.
Chúa Ki-tô cũng vậy, Chúa tuy đã bị giết rồi, nhưng Chúa đã sống lại và
Chúa bất tử.
Tuy nhiên hai tôn
giáo rất khác nhau. Bên đạo Bụt có quan
niệm Pháp thân thường tại, còn bên đạo Chúa có quan niệm Chúa vĩnh cửu, Chúa
thường hằng ở trên đời, The Living Christ. Ai cũng muốn Bụt của mình, Chúa của
mình vừa vĩnh viễn, vừa có hào quang. Vì
vậy cho nên tôn giáo thường được thiết lập trên sự thương tiếc, mến chuộng, và
sự thần thánh hóa vị Giáo chủ của mình.
Bên đạo Bụt, có khuyết điểm là cái mặc cảm rằng mình không bao giờ có thể
làm được như Bụt, và mình không cần làm như Bụt mà cũng được sung sướng
chán. Bên Ki-tô giáo cũng có một khuyết
điểm, đó là họ đã coi cái chết của Chúa quan trọng hơn cái sống của Chúa. Trong sự thực tập của những người Ki-tô, họ
không quí trọng và đem áp dụng lời dạy của Chúa nhiều bằng việc nghĩ đến chuyện
sau khi chết mình sẽ đi về đâu, nghĩa là họ lo chuyện tương lai nhiều hơn chuyện
hiện tại. Và đa số giáo điều của giáo hội
được thiết lập quanh cái chết của Chúa.
Khi sinh tiền, Chúa đã dạy rất nhiều điều, từ bài giảng trên núi, cho đến
những bài giảng ở đồng bằng, giảng bằng lời nói, bằng hành động của chính
Chúa. Đó là tinh hoa của đạo Ki-tô, cũng
như những điều Bụt đã dạy trong kinh, và đời sống của Bụt là tinh hoa của đạo Bụt. Phật tử cũng có nhiều người đi tìm cái tinh
hoa của đạo Bụt ở chỗ khác, ví dụ như họ đi tìm hạnh phúc tương lai ở một cõi
như cõi cực lạc. Thay vì học lời dạy của
Bụt, học cách hành xử, cách sống của Bụt để mình có thể sống cuộc sống hiện tại,
thì họ tin ở một cõi và một vị Bụt siêu xuất thế gian nhiều hơn. Họ ưa đi theo một vị Bụt có hào quang, một vị
Bụt vĩnh viễn. Bên đạo Ki-tô cũng có hiện
tượng tương tự. Hiện nay trong giới Thần
học có một khuynh hướng gọi là Secular Christianity, chủ trương trở về học giáo
lý của đức Ki-tô dạy trong kinh điển và sống như đức Ki-tô đã sống, hơn là đi
tìm một sự giải thoát ở mai hậu, ở trong một nước thiên đường. Các hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra
trong lĩnh vực đạo Bụt. Trong giáo hội
Phật giáo cũng như trong Ki-tô giáo có những giáo điều mới, không phải là căn bản,
nhưng người ta cho là căn bản. Ví dụ như
tin rằng Chúa đã sống dậy, tin rằng đức Mẹ Maria là một trinh nữ… Nếu không tin vào những điều đó thì không được
chính thức làm học trò của Chúa.
Tôi không nghĩ những
điều đó là căn bản của đạo Ki-tô. Điều
căn bản là phương thức sống mà Chúa đã dạy ở trong kinh điển, không chỉ dạy bằng
lời nói mà còn bằng cách sống của Chúa.
Nghiên cứu truyền thống của hai tôn giáo, ta thấy có hai khuynh hướng
tương tự như nhau, có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm. Vì vậy khi học Cơ Đốc giáo, người Phật tử mới
thấy được sự hình thành của Cơ Đốc giáo cũng tương tự như tiến trình của Phật
giáo. Ngược lại, khi người con Chúa
nghiên cứu về Phật giáo, thì họ cũng thấy được những khuynh hướng tương đồng giữa
hai tôn giáo lớn này.
Sự Phân Định Các Phẩm Trong Kinh Pháp Hoa
Người xưa phân kinh
Pháp Hoa ra làm hai phần. Phần đầu gồm
14 phẩm, gọi là Tích môn. Phần thứ hai gọi
là Bản Môn. Phần Tích môn nói về những
gì đã xảy ra trong thời Bụt Thích Ca còn tại thế, một đức Bụt của lịch sử, nhìn
qua con mắt thông tục của con người, tức là con mắt của người trần mắt thịt. Họ thấy Bụt có sinh ra, có lớn lên, có tu học,
có hoằng Pháp, có thọ ký cho một số người thành Bụt sau này, trong đó có anh
chàng rất khó tính Đề-Bà- Đạt-Đa, và có nhập diệt. Phần thứ hai là phần Bản môn, mở cho ta thấy
Bụt trên một bình diện khác, vượt thời gian và không gian, Bụt của thực thể, Bụt
của Pháp thân, tương đương với The Living Christ trong Ki-tô giáo.
Có người nghĩ rằng nếu
Bụt còn ở tại đời này, thì Bụt sẽ chứng minh rằng sau này tôi sẽ thành Bụt, Bụt
có thể thọ ký cho tôi, nhưng nếu Bụt nhập diệt rồi thì ai có khả năng làm điều
đó cho tôi? Các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền
Liên đều đã được thọ ký, còn tôi sanh ra hơn 2500 năm về sau, thì ai chứng nhận
được cho tôi? Vì vậy mà kinh phải khai mở
Bản môn, nghĩa là phải chỉ cho ta thấy rằng Bụt Thích Ca vẫn còn ngồi đó, và
Ngài nói với mình rằng: Con ơi, con cũng
có thể thành Bụt được như tất cả mọi người.
Nghĩa là mình không cần phải trở về 2500 năm trước mới được nghe Bụt
Thích Ca nói câu đó. Ngồi đây và mình chỉ
cần lắng lòng là mình nghe được câu nói đó của Bụt. Như vậy trong phần Bản môn của kinh, chúng ta
không thấy Bụt trong khung thời gian và không gian nữa, mà thấy Bụt vượt thoát
thời gian và không gian.
Tuy vậy, đó là những
cái thấy của người xưa. Đọc kinh, chúng
ta có thể thấy khác, vì vậy tôi muốn quí vị tự đọc kinh Pháp Hoa trước khi nghe
giảng. Bản kinh Pháp Hoa (*) mà quý vị sẽ
đọc là do Thầy Thích Trí Tịnh dịch từ nguyên bản chữ Hán của thầy Cưu-Ma-La-Thập. Khi đọc trước như vậy, mình có thể có những
khám phá độc lập và tự do của mình, không bị nô lệ vào cái thấy hoặc sự giải
thích của các vị Tổ Sư.
Trong khóa học này,
tôi sẽ không giảng từng đoạn kinh Pháp Hoa như nhiều người khác đã làm, mà chỉ
đi vào từng Phẩm, tóm lược nghĩa chính của từng Phẩm, khai triển, và diễn dịch
những điều căn bản trong mỗi Phẩm, để quý vị có được một cái thấy tuy khái quát
nhưng rõ ràng về ý kinh. Riêng Phẩm Quán
Thế Âm Bồ Tát tức là Phẩm Phổ Môn, Phẩm thứ 25, vì là Phẩm được nhiều người tụng
đọc nhất trong toàn bộ kinh Pháp Hoa, nên tôi sẽ giảng với nhiều chi tiết hơn.
Thêm vào đó, trong
khóa An cư Kiết Đông năm nay, tôi cũng sẽ đưa ra một số đề nghị để đóng góp cho
sự hoàn bích của đóa hoa đẹp nhất trong Vườn kinh điển Đại Thừa này.
Những Chìa Khóa Cần Có Trước Khi Tụng Đọc Kinh Pháp Hoa
Tôi xin trao cho quí
vị hai cái chìa khóa để khi đi vào thăm viếng Pháp Hoa, quí vị có thể tự mình
thấy được cái Diệu Pháp, để hành trì kinh một cách có lợi lạc.
Chìa Khóa Số 1: Nhận Diện Tích Môn Và Bản Môn
Như đã nói ở trên, tổng
quát, kinh có thể được chia ra làm hai phần, một phần có dính líu nhiều đến Đức
Bụt của lịch sử, gọi là Tích môn. Phần
thứ hai nói về kinh lý muôn đời, về giáo pháp vượt khỏi thời gian và không
gian, trình bày cái bản chất của Pháp, gọi là Bản môn.
Chìa khóa để giúp quý
vị khi đọc Pháp Hoa có thể nhận ra cảnh giới mình đang tiếp xúc là: Trong kinh Pháp Hoa, khi nào mắt của mọi người
nhìn xuống đất, nhìn vào cây cối, vào đồi núi, vào nhau, thì lúc đó ta biết mọi
người đang ở trong thế giới sinh diệt Tích môn.
Khi tầm mắt mọi người nhìn lên không trung, thì lúc đó mình bắt đầu đi
vào thế giới vô sinh vô diệt của Bản môn.
Chỉ cần nhớ như vậy thì khi đọc kinh Pháp Hoa, ta sẽ không thấy bị ngỡ
ngàng, phân vân.
Ví dụ, khi thấy Hội
Pháp Hoa diễn ra trên Núi Thứu, mọi người ngồi trên mặt đất, ta biết nó đã xãy
ra trong thế giới Tích môn. Nhưng khi
thính chúng nhìn lên tháp Đa Bảo ở trên không, thì mình biết rằng kinh đang
trình bày những hiện tượng thuộc về Bản môn.
Nhận ra được thế giới
mà kinh đang diễn bày, ta sẽ không phân vân, ngỡ ngàng với ngôn từ trong kinh, đặc
biệt là trong Bản môn. Vì trong đó mọi
Pháp đều vượt thoát thời gian và không gian, cho nên ta thấy kinh thường nói đến
những con số rất lớn, như vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp. Tất cả những ngôn từ đó đều dùng để diễn bày
cái ý niệm về thời gian vô tận và không gian vô biên ở trong pháp giới Bản môn,
không giống như trong thế giới Tích môn, tức là cõi ta bà.
Ví dụ như trong phẩm
thứ 16, Như Lai Thọ Lượng, đoạn thứ hai, Bụt nói: Ví như năm trăm nghìn muôn ức
na-do-tha a-tăng-kỳ cõi tam thiên, đại thiên, giả sử có người nghiền làm vi trần,
qua phương Đông, cách năm trăm nghìn muôn ức na-do-tha a-tăng-kỳ cõi nước, bèn
rơi một bụi trần, đi qua phía Đông như thế cho đến hết vi trần đó. Và ở đoạn 3,
Bụt nói tiếp: Các thế giới đó hoặc dính
vi trần hoặc chẳng dính, đều nghiền cả làm vi trần, cứ một vi trần là một kiếp,
từ ta thành Phật nhẫn lại đến nay, lại lâu hơn số đó trăm nghìn muôn ức
na-do-tha a-tăng kỳ kiếp. Đây chỉ là một phương tiện để diễn bày cái ý niệm về
thọ lượng của Như Lai trong cái không gian vô biên và thời gian vô tận ở trong
pháp giới Bản môn.
Tương tự như vậy,
trong phẩm thứ 15, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất, khi hàng triệu vị Bồ Tát thân đẹp
như vàng ròng, từ dưới đất trồi lên, an trú trong hư không, và dùng những âm
thanh rất vi diệu để ca ngợi Bụt và sự ca ngợi đó kéo dài đến năm mươi tỉ kiếp,
thì đây cũng là một cách để diễn đạt về bản chất của thời gian ở trong Bản môn:
một giây phút chứa đựng cả ngàn đời, và thiên thu cũng chỉ là một giây phút.
Chìa Khóa Số 2: Lãnh Ý Buông Lời
Tất cả những tư tưởng
uyên áo và đặc thù của kinh Pháp Hoa đều được trình bày bằng các bức tranh có
tính cách thực tiễn. Ngôn ngữ hội họa và
điêu khắc của đạo Bụt đã được tận dụng để diễn bày ý kinh. Người sử dụng những hình ảnh này để nói lên
những ý tưởng thâm diệu trong đạo Bụt, phải là một thi sĩ rất lớn.
Nhiều khi những hình ảnh
này có tính cách thần thông, nhưng tất cả chỉ là phương tiện quyền xảo của người
chép kinh, sử dụng ngôn ngữ hội họa và điêu khắc của đạo Bụt để diễn đạt những
tư tưởng uyên áo mà kinh muốn diễn bày.
Đó là một điểm rất đặc thù của kinh Pháp Hoa. Vì vậy khi tụng đọc, chúng ta phải thấy cho
được ý kinh và đừng bị kẹt vào lời kinh, nếu không thì khi đọc, ta chỉ thấy
toàn các phép thần thông mà chẳng học được gì từ kinh Pháp Hoa cả.
Ví dụ như trong Phẩm
thứ 21, Phẩm Như Lai Thần Lực, đoạn thứ hai, chúng ta thấy Bụt thực hiện một
phép thần thông lớn, Ngài lè lưỡi ra, và lưỡi của Ngài che lấp cả tam thiên đại
thiên thế giới, rồi từ các lỗ chân lông trong người của Ngài phóng ra vô lượng
vô số tia sáng đủ màu sắc, và những tia sáng đó cho ta thấy được tất cả các cõi
nước trong mười phương. Chủ ý của bức
tranh này là để diễn bày cái khả năng lớn lao của một vị toàn giác. Trong kinh điển Đại Thừa cũng như Nguyên Thủy,
ánh sáng tượng trưng cho sự giác ngộ. Bụt
Thích Ca là ánh sáng chánh niệm, và ánh sáng đó phát tỏa ra từ Pháp thân của
Ngài. Cho nên từ các lỗ chân lông trong
người của Ngài phóng ra vô lượng vô số tia sáng đủ màu sắc, chỉ là một nghệ thuật
trình bày, một bức tranh diễn tả cái ánh sáng chánh niệm rất lớn, rất mạnh, tỏa
chiếu ra từ Pháp thân của đức Như Lai.
Nó cũng giống như trong các tranh hay tượng mình thường thấy, để cực tả
cái khả năng an tọa của Bụt, người ta đã đặt Ngài ngồi trên một đóa hoa sen.
Mặt khác, lưỡi của
Ngài che lấp cả tam thiên đại thiên thế giới, đây là hình ảnh của Quảng trường
Thiệt tướng, tức là cái lưỡi lớn và dài, một trong 32 tướng tốt của đức Bụt. Bức tranh này là để diễn tả một người chỉ nói
sự thật tuyệt đối, chỉ nói đệ nhất nghĩa đế mà thôi. Đây là một hình ảnh của văn hóa Ấn độ, nó
không phải chỉ có trong đạo Bụt mà nó có trong những truyền thống có trước đạo
Bụt, những người nói sự thật, thường có lưỡi rất lớn.
Trong những bài Pháp
thoại kế tiếp, tôi sẽ diễn bày ý chính của từng phẩm, hầu giúp quí vị dễ dàng
hiểu thấu ý kinh trong khi tụng đọc, mà hành trì Pháp Hoa một cách có lợi lạc
hơn.
Kinh Pháp Hoa đang được
oai thần hỗ-trợ truyền-trì của Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Dược Vương, cùng vô số
chư vị Bồ Tát trong cõi ta bà. Đó là ý
nghĩa của các phẩm thứ 28 (Phổ Hiền Bồ Tát), phẩm thứ 23 (Dược Vương Bồ Tát),
và phẩm thứ 15 (Tùng Địa Dũng Xuất). Vì
vậy cho nên khi tụng đọc và hành trì Pháp Hoa đúng theo chánh Pháp, thì không
thể nào ta lại không tạo được vô lượng phước duyên.
Muốn tụng đọc và hành
trì Pháp Hoa đúng theo chánh Pháp, trước tiên ta phải hiểu kinh Pháp Hoa.
(*) Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, Đại-thừa Vô-lượng nghĩa,dịch giả: Hân-Tịnh Tỳ kheo Thích Trí Tịnh, Liên-Hải Phật Học Đường, Mùa An-cư năm 1948 (Phật lịch 2492)
Xem Tiếp Chương 2 –
Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá