Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 2. Thiền Ngồi – Thiền Hành
Ngồi Thiền
Ngồi thiền là một
phương pháp giúp ta trở về ngôi nhà đích thực của mình. Ta mang sự chú tâm về
chăm sóc chính mình. Mỗi khi ngồi, bất kể là ngồi ở đâu, trong phòng, ở một gốc
cây hay trên một tọa cụ, chúng ta đều có khả năng tỏa chiếu sự tĩnh lặng như Bụt.
Chúng ta hoàn toàn chú tâm vào những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta.
Chúng ta hãy để cho tâm mình trở nên thông thoáng, lắng dịu và cởi mở. Chỉ cần
vài phút ngồi như vậy là chúng ta đã có thể phục hồi lại sức lực và tinh thần một
cách trọn vẹn.
Ngồi thiền có tác dụng
trị liệu rất lớn. Ta chỉ cần nhận diện và có mặt với những gì đang xảy ra trong
ta dù đó là một niềm đau, cơn giận, bực tức, tình thương, an vui hay hạnh phúc.
Có mặt với tất cả những gì đang xảy ra mà không bị chúng lôi kéo. Chúng ta hãy
để tự nhiên cho chúng đến, ở lại và ra đi. Chúng ta không cần xua đuổi, không cần
đè nén mà cũng không giả vờ là những suy nghĩ của ta không có đó. Thay vào đó,
ta có thể quan sát những suy nghĩ, những hình ảnh trong tâm ta bằng sự chấp nhận
và thương yêu. Cho dù những cơn bão có nổi lên trong ta, ta vẫn bình tĩnh và
yên ổn. Khi ta ngồi có an lạc; thở và mỉm cười với sự tỉnh thức thì ta sẽ hoàn
toàn tự chủ.
Ngồi yên và thở như
thế, ta có thể chế tác được sự có mặt đích thực của ta ngay bây giờ, ở đây. Và
ta hiến tặng sự có mặt ấy cho tăng thân, cho thế giới. Đó là mục đích của ngồi
thiền: ngồi yên mà không làm gì cả, có mặt trọn vẹn và ý thức là mình đang còn
sống.
Thực Tập
Ngồi thiền là phải
vui. Ngồi như thế nào mà ta thấy hạnh phúc, an lạc và thư thái trong suốt buổi
ngồi thiền. Ngồi thiền không phải là một lao tác mệt nhọc mà là cơ hội để tận
hưởng sự có mặt của tự thân, của gia đình, của những người bạn đồng tu, tận hưởng
sự có mặt của đất trời và vũ trụ. Không cần phải cố gắng gì cả.
Nếu ngồi trên bồ
đoàn, chúng ta phải chọn bồ đoàn nào thích hợp với mình. Chúng ta có thể ngồi
bán già, kiết già hay ngồi chéo chân. Ngồi như thế nào mà ta cảm thấy thoải mái
nhất. Giữ lưng thẳng, đầu không cúi xuống hay ngửa ra và hai tay đặt nhẹ nhàng
lên nhau. Nếu ngồi trên ghế, hai bàn chân ta phải đặt sát sàn nhà hoặc đặt trên
một chiếc bồ đoàn. Nếu chân bị tê hoặc đau trong khi ngồi thiền, ta có thể nhẹ
nhàng điều chỉnh lại thế ngồi. Ta có thể duy trì định lực trong khi đổi tư thế
bằng cách theo dõi hơi thở và ý thức về những thao tác của ta.
Hãy để cho tất cả các
cơ bắp trên thân thể ta được buông thư. Đừng đấu tranh hay gồng mình gì cả. Có
những người sau mười lăm phút ngồi thiền là cảm thấy đau nhức khắp cơ thể. Đó
là vì người ấy đã cố gắng quá nhiều, cố gắng để thành công. Ta không cần phải
làm như vậy, hãy để cho mình được thư giãn, như thể ta đang ngồi chơi trên bãi
biển, không cần đạt một mục đích nào cả.
Trong khi ngồi, ta
theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra. Bất cứ khi nào có một suy nghĩ hay một cảm
thọ đi lên, ta hãy nhận diện nó. Ta có thể học được rất nhiều từ việc quán chiếu
những gì đang xảy ra trong thân tâm ta trong suốt buổi ngồi thiền. Ngồi thiền
là một cơ hội để không phải làm gì cả. Ta không có gì để làm, chỉ ngồi yên thở
cho khỏe nhẹ và tận hưởng điều đó.
Thở vào, tôi biết là tôi còn sống
Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.
Còn sống là một phép
lạ. Chỉ cần ngồi yên, tận hưởng hơi thở vào ra đã là một niềm hạnh phúc lớn. Vì
khi thở vào thở ra, ta biết là ta còn sống. Chừng đó đáng cho ta ăn mừng rồi.
Vì vậy, ngồi thiền là một cách ăn mừng sự sống với hơi thở vào ra của mình.
Điều quan trọng là để
cho thân thể buông thư hoàn toàn. Đừng cố gắng thành Bụt. Chỉ cần ngồi cho hạnh
phúc và chấp nhận chính mình như mình đang là. Cho dù trong thân ta có một vài
căng thẳng, tâm ta có một vài đau nhức, ta cũng chấp nhận như vậy. Ta ngồi
trong tư thế buông thư, thở thật nhẹ nhàng và dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp
chúng.
Thở vào, tôi đã về
Thở ra, tôi đã tới.
Ta không cần phải
rong ruổi đi đâu nữa. Ngôi nhà đích thực của ta đang ở đây trong giây phút hiện
tại. Ta có vững chãi và tự do. Ta có thể mỉm cười và buông thư tất cả các cơ bắp
trên khuôn mặt mình.
Ta cần phải tập luyện
để ngồi thiền cho thành công. Ta có thói quen cần phải làm một cái gì đó. Do
đó, lúc ban đầu ngồi yên và không làm gì hết có thể là một việc khó khăn. Khi
ông Nelson Mandela đến Pháp thăm tổng thống Francois Mitterrand, báo chí đã phỏng
vấn ông: “Ông thích làm gì nhất?” Ông nói: “Điều mà tôi muốn làm nhất bây giờ
là ngồi yên mà không làm gì cả. Kể từ khi được phóng thích khỏi nhà tù, tôi quá
bận rộn, không có cả thời gian ngồi yên để thở. Vì vậy, việc tôi muốn làm nhất
là ngồi yên và không làm gì cả.”
Nếu chúng ta cho ông
Nelson Mandela vài ngày để ngồi yên không làm gì cả, liệu ông có thể ngồi yên
được không? Đối với hầu hết chúng ta, ngồi yên không làm gì cả không phải là
chuyện dễ dàng. Chúng ta có thói quen bận rộn, phải luôn làm một cái gì đó. Nếu
không làm thì chịu không nổi. Vì vậy, chúng ta cần phải tập ngồi yên; để có thể
không làm gì cả mà vẫn hạnh phúc. Ngồi yên và không làm gì cả là một nghệ thuật.
Nghệ thuật ngồi yên.
Nếu chúng ta có khó
khăn là không định tâm được, thì đếm hơi thở là một phương pháp rất hữu hiệu.
Thở vào, đếm “một.” Thở ra, đếm “một.” Thở vào, đếm “hai.” Thở ra, đếm “hai.”
Tiếp tục cho tới mười rồi bắt đầu đếm từ một trở lại. Nếu chúng ta quên không
biết mình đếm tới đâu thì hãy đếm lại từ “một”. Phương pháp đếm hơi thở giúp ta
không bị lôi kéo bởi những suy nghĩ miên man, rối rắm. Ta tập trung tâm ý vào
hơi thở và việc đếm hơi thở. Khi ta kiểm soát được những suy nghĩ của mình thì
đếm hơi thở có thể không còn hấp dẫn đối với ta nữa, vì vậy ta có thể bỏ đếm và
chỉ theo dõi hơi thở.
Nếu thiền tập mà đấu
tranh để đạt cho được một cái gì đó, để đến được một nơi nào đó hay cố gắng để
thành công thì chúng ta không thể thư giãn được. Chúng ta hãy nhìn ra ngoài trời.
Có thể ngoài trời đang có cây xoan hoặc cây sồi rất xinh đẹp và khỏe mạnh. Nó
hoàn toàn là nó. Nó không cần cố gắng gì cả. Nó cho phép nó như nó đang là –
tươi mát, xanh tốt và vững chãi. Chúng ta có thể hình dung, quán tưởng về núi.
Núi rất hùng vĩ và vững chãi để bảo vệ, che chở cho tất cả các loài sinh vật mà
không cần gắng sức hay căng thẳng. Thực tập thiền ngồi, chúng ta cũng vững chãi
như núi. Chúng ta có thể thực tập như sau:
Thở vào, tôi thấy mình là núi
Thở ra, tôi thấy vững chãi.
Để ngồi thiền thành
công, chúng ta phải buông bỏ mọi căng thẳng trên thân thể và trong những cảm thọ
của ta. Ngồi cho thật thoải mái. Dù chỉ mới bắt đầu thở vào thở ra là chúng ta
đã thấy khỏe nhẹ rồi. Đừng đấu tranh, ngồi cho khỏe và mỉm cười. Có cơ hội được
ngồi yên như thế là một ân huệ lớn. Chúng ta là hải đảo tự thân của mình. Lúc
này không ai có thể bắt ta làm bất cứ điều gì. Không ai quấy rầy ta, không ai
được quyền hỏi ta, nhờ ta đi đâu, không ai nhờ ta rửa nồi hay dọn nhà tắm. Đây
là cơ hội quý giá để ta buông thư và thực sự là ta.
Thiền Hành
Ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen.
Mỗi ngày ta đi rất
nhiều, nhưng thường thì ta chạy nhiều hơn đi. Những bước chân vội vã của ta đã
in lên mặt đất dấu ấn của lo âu, buồn phiền, tuyệt vọng. Nếu ta có khả năng bước
được một bước chân an lạc thì ta cũng có thể bước được hai bước, ba bước, bốn
bước, năm bước cho an lạc, hạnh phúc của nhân loại và trái đất.
Thiền hành là đi để mà đi. Đi mà không cần tới, đó cũng là một sự thực tập. Tiếng Sanskrit có từ apranihita là vô nguyện hay vô tác, nghĩa là không đặt bất cứ một mục tiêu nào phía trước để chạy theo cả. Khi thực tập thiền hành, chúng ta cũng đi trong tinh thần đó. Chúng ta chỉ đi thôi, không có một mục đích đặc biệt nào hay không cần một đích đến nào. Chúng ta đi không phải để đến. Chúng ta đi để mà đi.
Tâm của chúng ta hay
có khuynh hướng nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, như một con khỉ chuyền
cành không bao giờ ngừng nghỉ. Tư duy của chúng ta có hàng triệu lối mòn và
chúng luôn kéo chúng ta đi vào thế giới của thất niệm, lãng quên. Nếu chúng ta
có khả năng chuyển hóa những lối đi của mình thành những con đường thiền hành
thì mỗi bước chân của ta sẽ đi trong tỉnh thức. Hơi thở của ta sẽ hài hòa với
bước chân, tâm ta sẽ tự nhiên lắng dịu và khỏe nhẹ hơn. Mỗi bước chân ta đi sẽ
làm tăng trưởng niềm hỷ lạc và tạo nên một nguồn năng lượng tĩnh lặng chảy tràn
khắp thân tâm.
Bất cứ đi đâu, chúng
ta cũng có thể thực tập thiền hành, từ bãi đậu xe vào văn phòng hay từ nhà bếp
lên phòng khách. Đi đâu, chúng ta cũng dành đủ thời gian để thực tập thiền
hành. Thay vì ba phút, chúng ta dành tám phút hay mười phút. Mỗi lần đi xa, tôi
luôn đến phi trường sớm hơn quy định một giờ đồng hồ để có thời gian thong thả.
Ở đó tôi có thể đi thiền hành, rất thảnh thơi. Nhiều người hay muốn giữ tôi lại
cho đến phút cuối nhưng tôi thường từ chối. Tôi nói với họ là tôi cần thời
gian. Thiền hành cũng giống như ăn cơm vậy. Mỗi bước chân ta đi đều có khả năng
nuôi dưỡng thân tâm ta. Nếu chúng ta đi bằng những bước chân bực bội, ưu phiền
thì thức ăn đó không lành mạnh. Thức ăn thiền hành phải có chất lượng cao hơn.
Chúng ta hãy đi chậm lại và thưởng thức bữa tiệc an lành của chúng ta.
J. Muste nói rằng:
“Không có con đường dẫn đến an lạc, an lạc chính là con đường.” Đi trong chánh
niệm mang đến cho ta bình an và làm cho cuộc sống của ta trở nên thật hơn. Tại
sao ta phải vội vã? Đích đến cuối cùng của ta cũng chỉ là cái nghĩa trang thôi.
Tại sao ta không đi về hướng sự sống, tận hưởng niềm an lạc trong từng phút
giây bằng mỗi bước chân của mình? Ta không cần phải tranh đấu. Hãy đi cho nhẹ
nhàng và thảnh thơi, tận hưởng từng bước chân mà ta đang bước. Mỗi bước chân sẽ
mang ta trở về với giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Đó là ngôi nhà đích thực
của chúng ta – bởi vì sự sống chỉ thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, ngay
tại đây. Chúng ta đã tới rồi.
Đất là Mẹ của chúng
ta. Nếu rời xa đất Mẹ, chúng ta sẽ bệnh hoạn. Do đó mỗi bước chân đi trong
chánh niệm sẽ giúp ta trở về tiếp xúc với đất Mẹ để chúng ta được khỏe mạnh trở
lại. Đất Mẹ đã bị chúng ta làm tổn hại quá nhiều, vì vậy giờ đây là lúc chúng
ta xoa dịu đất Mẹ bằng những bước chân nhẹ nhàng và an lành của chúng ta để đất
Mẹ có cơ hội được trị liệu.
Một số người trong
chúng ta không thể đi được. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta thực tập.
Nếu ta là một trong số đó, ta hãy chọn cho mình một người đang đi thiền hành, rồi
quan sát người ấy và trở thành một với người ấy. Chúng ta nhìn và theo dõi bước
chân của người ấy trong chánh niệm. Như vậy, chúng ta cũng bước được những bước
chân an lạc và thanh bình cùng với người bạn đồng hành của ta cho dù ta không
đi được.
Chúng ta phải luôn nhớ
rằng mình đang có một đôi chân lành lặn, khỏe mạnh và chúng ta phải biết ơn vì
điều đó. Chúng ta đi cho chính mình và đi cho những ai không thể đi được. Chúng
ta đi cho tất cả mọi người, mọi loài – từ trong quá khứ cho tới hiện tại và cả
trong tương lai.
Thực Tập
Khi mới bắt đầu thực
tập thiền hành, có thể chúng ta thấy mình đi như một đứa trẻ đang chập chững bước
những bước đầu tiên, khập khiễng, không vững vàng. Hãy theo dõi hơi thở và an
trú trong chánh niệm với những bước chân của mình, ta sẽ sớm lấy lại được thăng
bằng. Hãy quán tưởng đến một con hổ đang đi rất ung dung, tĩnh tại, chúng ta sẽ
thấy những bước chân của ta cũng trở nên oai vệ như nó.
Chúng ta có thể bắt đầu
thiền hành vào buổi sáng và để cho không khí trong lành của buổi sớm đi vào ta.
Những thao tác của ta sẽ trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng; tâm ý ta sẽ trở nên tỉnh
táo, bén nhạy. Và suốt ngày, những hoạt động của ta sẽ có sự tỉnh thức cao hơn.
Nếu phải làm một quyết định thì sau buổi thiền hành, chúng ta sẽ sáng suốt, định
tĩnh hơn, ta sẽ có nhiều tuệ giác và từ bi hơn. Nếu mỗi bước chân ta đi trong
an lạc thì tất cả mọi người mọi loài, dù gần hay xa, cũng đều hưởng được lợi lạc
ấy.
Khi đi, hãy đưa sự chú
tâm vào mỗi bước chân của mình. Đi cho thong thả, đừng hấp tấp vội vàng. Mỗi bước
chân sẽ mang chúng ta về những giây phút đẹp nhất của cuộc sống. Trong khi đi
thiền hành, chúng ta hãy tập ý thức về số bước chân tương ứng với mỗi hơi thở.
Bao nhiêu bước chân khi thở vào và bao nhiêu bước chân khi thở ra. Khi đi thiền
hành, chúng ta đo hơi thở bằng bước chân mà không phải là đo bước chân bằng hơi
thở. Khi thở vào, chúng ta bước hai hoặc ba bước, tùy vào khả năng mà phổi của
ta cho phép. Nếu phổi ta muốn hai bước trong khi ta thở vào, hãy bước đúng hai
bước. Nếu ta cảm thấy ba bước thì tốt hơn, hãy bước ba bước. Khi thở ra cũng vậy,
hãy lắng nghe hai lá phổi của ta để biết xem phổi ta cần bao nhiêu bước trong
khi thở ra.
Thông thường, hơi thở
vào ngắn hơn hơi thở ra. Vì vậy, ta có thể bắt đầu bằng hai bước cho hơi thở
vào và ba bước cho hơi thở ra: 2-3, 2-3, 2-3. Hoặc 3-4, 3-4, 3-4. Tiếp tục thực
tập như thế, hơi thở của ta sẽ trở nên chậm hơn và thư thái hơn một cách tự
nhiên. Nếu thấy cần thêm một bước trong khi thở vào, thì hãy bước thêm bước nữa.
Khi thấy muốn thêm một bước trong khi thở ra thì hãy cho phép mình bước thêm một
bước. Mỗi bước chân hãy là một niềm vui.
Đừng cố gắng điều khiển
hơi thở. Hãy cho phép phổi của ta có đủ thời gian và không khí như nó cần. Đơn
giản là ghi nhận ta cần bao nhiêu bước để hít không khí vào đầy hai lá phổi của
ta và bao nhiêu bước để đẩy hết không khí trong phổi ra. Phép đếm hơi thở là sợi
dây nối kết giữa hơi thở và bước chân.
Khi lên dốc hay xuống
dốc, số bước chân cho mỗi hơi thở có thể thay đổi. Hãy cho buồng phổi của ta
đúng số lượng bước chân mà nó cần. Luôn theo dõi và quan sát nhu cầu của buồng
phổi một cách sát sao. Đừng quên thực tập mỉm cười. Một nụ cười buông thư sẽ
đem lại sự tĩnh lặng, niềm vui thích cho những bước chân và hơi thở của ta,
giúp ta duy trì sự chú tâm. Sau khi thực tập khoảng nửa giờ hoặc một giờ, ta sẽ
thấy hơi thở, bước chân, việc đếm hơi thở và nụ cười buông thư của ta trở thành
một với nhau một cách dễ dàng.
Sau một thời gian thực
tập, ta sẽ thấy hơi thở vào và hơi thở ra của ta dài gần bằng nhau hơn. Phổi ta
trở nên khỏe mạnh hơn và máu huyết ta lưu thông tốt hơn. Cách thở của ta sẽ được
chuyển hóa.
Ta có thể thực tập
thiền hành bằng cách đếm hơi thở hoặc sử dụng những câu thiền ngữ. Ví dụ, nếu
nhịp điệu hơi thở của ta là 3-3 thì ta có thể nói thầm: “Hoa sen nở, hoa sen nở”
hoặc “hành tinh xanh, hành tinh xanh”. Nếu nhịp điệu của hơi thở ta là 2-3, ta
có thể nói: “Hoa sen, hoa sen nở.” Nếu năm bước thở vào và năm bước thở ra, ta
có thể nói: “Đi trên hành tinh xanh, đi trên hành tinh xanh.” Hoặc “đi trên
hành tinh xanh, tôi đi trên hành tinh xanh” cho nhịp 5-6. Mỗi chữ cho một bước
chân.
Chúng ta không chỉ lặp
lại những câu chữ đó mà chúng ta thực sự thấy được những đóa hoa đang nở dưới
chân chúng ta. Chúng ta thực sự trở thành một với hành tinh xanh. Chúng ta cũng
có thể dùng tuệ giác của chính mình để sáng tạo ra những bài thực tập cho riêng
mình. Đây là một số câu mà tôi đã viết:
An lạc từng bước chân
Mặt trời là trái tim của tôi
Từng đóa hoa mỉm cười
Là dòng sông xanh mát ra biển khơi
Cùng gió ca lời chim
Đường dài em bước như dạo chơi
Chúng ta nên đưa thiền
hành vào trong đời sống hằng ngày của mình. Điều này không tốn kém nhiều thời
gian hay đòi hỏi chúng ta phải đi đâu khác. Hãy chọn cho mình một nơi nào đó
như cầu thang, đường lái xe hoặc khoảng cách từ cái cây này đến cây khác để thực
tập thiền hành mỗi ngày. Tất cả mọi con đường đều có thể trở thành con đường
thiền hành.
Chúng ta có thể bắt đầu
ngày mới của chúng ta bằng một nụ cười hạnh phúc, bắt đầu một ngày mới bằng hạnh
nguyện của mình, dành trọn con người mình cho con đường hiểu biết và thương
yêu. Chúng ta ý thức rằng hôm nay là một ngày mới, rất tươi đẹp và chúng ta có
hai mươi bốn giờ quý giá để sống.
Thực Tập
Khi thức dậy vào buổi
sáng, mở mắt ra, ta có thể đọc bài thơ ngắn này (gọi là thi kệ):
Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Dòng cuối của bài thi
kệ được trích ra từ kinh Pháp Hoa: “Từ nhãn thị chúng sanh.” Người nhìn cuộc đời
bằng mắt thương là Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát đang lắng nghe những tiếng kêu
khóc của thế gian. Tình thương không thể có được nếu không có sự hiểu biết, cảm
thông. Để hiểu được người khác, chúng ta phải biết về họ và đi vào trong da thịt
của họ. Có như vậy chúng ta mới có thể tiếp xử với họ bằng lòng thương yêu. Suối
nguồn của tình thương chính là tâm tràn đầy tỉnh thức của chúng ta.
Sau khi thức dậy,
chúng ta có thể vén màn cửa và nhìn ra ngoài trời. Hay có thể mở cửa sổ và cảm
nhận những làn không khí mát lạnh của buổi sáng với những hạt sương còn đọng
trên cỏ. Khi mở cửa sổ nhìn ra ngoài, ta thấy được cuộc sống thật mầu nhiệm.
Ngay lúc đó, ta phát một lời nguyện là sẽ sống tỉnh thức suốt ngày này, nguyện
chế tác niềm vui, bình an, tự do và hòa hợp. Sống được như vậy, tâm ta sẽ trở
nên trong suốt và sáng tỏ như mặt hồ tĩnh lặng.
Hãy cố gắng ngồi dậy
ngay sau khi theo dõi ba hơi thở sâu để đưa ta trở về với chánh niệm. Đừng nằm
nướng. Ta có thể ngồi dậy, nhẹ nhàng xoa bóp thân hình từ đầu xuống cổ, vai và
hai cánh tay để máu huyết được lưu thông. Ta có thể làm vài động tác co duỗi để
buông thư các cơ bắp và các khớp xương, làm cho cơ thể tỉnh táo. Uống một ly nước
ấm cũng giúp cho các cơ quan nội tạng của ta hoạt động tốt để khởi đầu cho một
buổi sáng tốt lành.
Chúng ta có thể tắm rửa
hoặc làm những gì cần thiết trước khi đi làm, đi học, hoặc đi đến thiền đường. Hãy
cho mình đủ thời gian để không phải vội vã, hấp tấp. Nếu trời còn tối, hãy tận
hưởng bầu không khí tĩnh mặc yên lắng với những ngôi sao lấp lánh như đang chào
đón mình. Hãy hít thở thật sâu và tận hưởng không khí mát lạnh của buổi sớm.
Trong khi đi thong thả ra xe, đến trường học, đến sở làm hoặc ra thiền đường,
hãy để cho buổi sáng thấm vào tràn ngập con người mình và đánh thức thân tâm bằng
niềm vui của ngày mới.
Còn cách nào tốt hơn
để bắt đầu ngày mới bằng nụ cười? Nụ cười của ta sẽ xác định sự thức tỉnh và
quyết tâm sống trong an lạc của ta. Có bao nhiêu ngày ta đã để trôi qua trong
quên lãng? Ta đang làm gì với cuộc đời mình? Hãy nhìn cho kỹ và mỉm cười. Một nụ
cười chân thật sẽ bắt nguồn từ một trái tim tỉnh thức.
Khi thức dậy, làm sao
ta nhớ để mỉm cười? Ta có thể treo một cái gì đó lên cửa sổ hoặc trên trần nhà
ngay đầu giường để nhắc nhở ta, như một cành cây, một chiếc lá, một bức tranh
hoặc một câu gì đó gây cảm hứng cho ta. Khi quen với việc thực tập mỉm cười thì
có thể chúng ta không cần sự nhắc nhở này nữa. Chúng ta sẽ mỉm cười ngay khi
nghe tiếng chim hót hoặc khi nhìn thấy ánh nắng ban mai chiếu qua khung cửa sổ.
Điều này sẽ giúp chúng ta bước vào một ngày mới nhẹ nhàng hơn, có nhiều cảm
thông và hiểu biết hơn.
Thỉnh thoảng chúng ta
cần một âm thanh nào đó để nhắc nhở chúng ta trở về với hơi thở ý thức. Chúng
ta gọi âm thanh đó là “tiếng chuông chánh niệm.” Ở Làng Mai và những trung tâm
khác thuộc truyền thống Làng Mai, bất cứ khi nào nghe chuông đồng hồ, chuông điện
thoại hay chuông sinh hoạt, chúng ta đều dừng lại. Đó là những tiếng chuông
chánh niệm. Khi nghe chuông, chúng ta dừng lại mọi nói năng, hoạt động và suy
nghĩ. Chúng ta buông thư toàn thân và ý thức về hơi thở của mình. Làm một cách
tự nhiên với niềm vui thích mà không phải là một hình thức cứng nhắc. Dừng lại
thở, lấy lại năng lượng định tĩnh và bình an là chúng ta có tự do, và khi đó,
những công việc mà chúng ta đang làm trở nên thú vị hơn, những người bạn trước
mặt chúng ta trở nên “thực” hơn.
Đôi khi, thân chúng
ta ở đây mà tâm chúng ta thì lại đang ở một nơi nào khác. Vì vậy chúng ta không
thực sự có mặt trong ngôi nhà đích thực của mình. Tiếng chuông có thể giúp ta
đưa tâm trở về với thân. Đó là phương pháp thực tập trong tu viện. Tiếng chuông
có thể giúp ta trở về với chính mình, trở về với giây phút hiện tại. Tiếng
chuông được xem như một người bạn, một vị Bồ Tát giúp ta thức tỉnh.
Ở nhà, chúng ta cũng
có thể sử dụng tiếng chuông điện thoại, chuông nhà thờ, tiếng khóc của trẻ thơ,
hay ngay cả tiếng còi báo động, tiếng xe cấp cứu… để làm tiếng chuông chánh niệm
cho mình. Chỉ cần ba hơi thở có ý thức là ta đã có thể buông bỏ được những căng
thẳng trên thân tâm và trở về với trạng thái tươi mát, trong lành của ta.
Ở Việt Nam tôi thường
được nghe tiếng chuông chùa. Nhưng khi qua Tây phương thì tiếng chuông chùa
không còn nữa, chỉ có tiếng chuông nhà thờ. Một hôm, đang đi thiền hành trên một
quảng trường ở Tiệp Khắc bỗng nhiên tôi nghe tiếng chuông nhà thờ đổ. Lúc đó
tôi đã ở châu Âu được vài năm, đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc được với linh hồn
Âu châu xưa cổ một cách sâu sắc. Kể từ đó, mỗi khi nghe chuông nhà thờ, bất kể
là ở đâu, Thụy Sĩ, Pháp hay Nga, tôi đều tiếp xúc sâu sắc với linh hồn châu Âu.
Đối với những người không thực tập thì tiếng chuông không có ý nghĩa gì mấy.
Nhưng nếu chúng ta có thực tập thì tiếng chuông mang lại một ý nghĩa tâm linh rất
thâm sâu, có khả năng đánh thức những điều mầu nhiệm nhất trong chúng ta.
Trong truyền thống
Làng Mai, chúng ta không nói “đánh chuông” mà nói là “thỉnh chuông”. Người thỉnh
chuông được gọi là “duy na” (tri chung) và cái dùi gỗ để thỉnh chuông là “dùi
thỉnh”. Có nhiều loại chuông khác nhau: chuông đại hồng mỗi khi được thỉnh lên
thì cả làng đều nghe; chuông báo chúng (báo hiệu thời khóa sinh hoạt của tu viện)
mỗi khi thỉnh lên thì khắp tu viện đều nghe được, chuông gia trì trong thiền đường
được thỉnh lên trong các buổi pháp thoại, làm mới, ngồi thiền, tụng kinh…, kế
đó là chuông nhỏ (minibell) đựng vừa vặn trong một cái túi mà chúng ta có thể
mang đi bất cứ nơi đâu. Tất cả đều giúp chúng ta thực tập trở về theo dõi hơi
thở.
Chúng ta phải tập để
thỉnh chuông cho được, điều này rất quan trọng. Nếu ta có vững chãi, thảnh
thơi, có tỉnh thức, chánh niệm thì tiếng chuông ta thỉnh lên có công năng giúp
người khác tiếp xúc được với những gì thâm sâu nhất trong họ.
Thực Tập
Khi làm tri chung và
muốn thỉnh lên một tiếng chuông, điều đầu tiên ta cần làm là xá chuông. Chuông
là người bạn giúp ta đưa tâm trở về với thân. Khi thân tâm hợp nhất thì tự
nhiên ta có mặt trong giây phút hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, chúng ta có thể
sống đời sống của chúng ta một cách sâu sắc.
Nếu ta sử dụng chuông
nhỏ, đặt vừa vặn trong lòng bàn tay thì sau khi xá chuông ta đặt nó vào lòng
bàn tay. Bàn tay ta là một đóa sen năm cánh và chiếc chuông nhỏ là một viên ngọc
quý nằm trong lòng đóa sen. Trong lúc giữ chuông như vậy, ta thực tập thở cho
có chánh niệm. Ta có thể sử dụng thi kệ để đưa tâm trở về với thân, để thực sự
có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu không thực sự có mặt trong giây phút hiện
tại thì ta không phải là một vị tri chung giỏi. Vì vậy sau khi thở vào và thở
ra hai lần theo bài thi kệ, ta mới bắt đầu thỉnh chuông.
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn.
Bài thi kệ có bốn
câu: một câu đi với hơi thở vào, một câu đi với hơi thở ra. Cố nhiên là bài thi
kệ rất hay nhưng nếu ta không nhớ cũng không sao. Ta chỉ cần theo dõi hơi thở,
thở vào ý thức là hơi thở đang đi vào, thở ra ý thức là hơi thở đang đi ra. Thở
cho thân tâm lắng dịu cũng giúp ta trở thành một vị tri chung giỏi. Bây giờ, ta
đã có đủ phẩm chất để sẵn sàng thỉnh chuông.
Chúng ta nhấp một tiếng
nhẹ nhàng để thức chuông. Đó là một thông báo quan trọng cho chuông và cho mọi
người. Chúng ta phải nhẹ nhàng với chuông để chuông không giật mình và chúng ta
cũng báo hiệu cho mọi người biết là sẽ có một tiếng chuông được thỉnh lên sau
đó, để mọi người chuẩn bị thân tâm nghe chuông với sự có mặt đích thực của họ.
Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt trong ta, gọi ta trở về với giây phút hiện tại.
Khi thức chuông, mọi người sẽ dừng lại những suy nghĩ, nói năng và hành động,
trở về với hơi thở để nghe chuông. Chúng ta phải cho mọi người có đủ thời gian
chuẩn bị thân tâm để đón nhận tiếng chuông, phải cho họ thời gian một hơi thở
vào – và một hơi thở ra. Có thể họ đang háo hức, nói chuyện hoặc suy nghĩ về một
điều gì đó. Nhưng khi nghe tiếng thức chuông, họ biết là họ phải ngừng lại, ngừng
lại những suy nghĩ, nói năng và hành động để chuẩn bị thân tâm, sẵn sàng nghe
chuông.
Rồi ta thỉnh lên một
tiếng chuông. Thở vào, thở ra ba hơi thật sâu. Nếu thở vào, thở ra nhẹ nhàng
thì sau ba hơi thở vào ra, ta sẽ trở nên thư thái, tĩnh lặng, khinh an và có
chánh niệm hơn. Ta có thể đọc thầm bài thi kệ trong khi thở vào, thở ra:
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.
“Lắng lòng nghe, lắng
lòng nghe” nghĩa là chúng ta nghe với tất cả trái tim của ta khi thở vào. Khi
thân và tâm hợp nhất thì ta tiếp xúc được với sự sống với tất cả những mầu nhiệm
đang có trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Nếu thực tập giỏi thì nước
Chúa hay cõi Tịnh Độ của Bụt sẽ luôn có mặt ngay bất cứ lúc nào ta nghe chuông
và giúp ta trở về ngôi nhà đích thực của mình.
Đừng xem thường lời
nói của mình, những lời nói ái ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến người khác, có khả
năng xây dựng hiểu biết và thương yêu. Lời nói có thể đẹp như châu ngọc, đáng yêu
như hoa quý và có khả năng đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Nhưng thông
thường, khi nói chuyện qua điện thoại, chúng ta quá bận rộn, nói hết chuyện này
đến chuyện khác mà ít để ý đến lời nói của mình.
Điện thoại là một
phương tiện truyền thông rất tiện lợi. Đặc biệt là điện thoại di động lại càng
nhiều tiện lợi hơn. Điện thoại có thể giúp ta tiết kiệm thời gian đi lại và chi
phí, nhưng cũng khống chế ta nhiều mặt. Nếu điện thoại cứ reo liên tục thì ta
cũng mệt và không làm được gì cả. Nếu nói chuyện điện thoại không có ý thức,
chúng ta sẽ lãng phí nhiều tiền bạc và thời gian quý báu của mình. Thông thường
chúng ta hay nói những điều không cần thiết và đánh mất rất nhiều điều thú vị
hay niềm vui đang xảy ra quanh ta trong giây phút hiện tại như có một em bé muốn
nắm tay ta đi chơi, tiếng chim ca hót líu lo hay ánh mặt trời đang tỏa chiếu khắp
nơi.
Khi chuông điện thoại
reo, tiếng chuông tạo ra trong ta một sự xung động, có thể đó là sự lo lắng,
như: “Ai gọi vậy? Tin tốt hay tin xấu đây?” Rồi có một lực kéo ta đi tới điện
thoại. Ta không thể kháng cự được. Và ta có thể trở thành nạn nhân của cuộc điện
thoại.
Thực Tập
Lần tới, khi điện thoại
reo, chúng ta hãy ngồi yên tại chỗ và ý thức về hơi thở của mình: “Thở vào, tôi
làm an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.” Khi điện thoại reo lần thứ hai,
ta cũng thở như thế. Điện thoại reo lần thứ ba, ta cũng tiếp tục thực tập, sau
đó mới nhấc điện thoại lên. Hãy luôn nhớ rằng, ta có thể làm chủ chính mình, an
trú trong chánh niệm và đi như Bụt đi. Khi nhấc điện thoại lên, chúng ta mỉm cười,
mỉm cười không chỉ cho riêng ta mà còn cho cả người kia nữa. Nếu chúng ta cáu kỉnh
hoặc nổi giận, người kia sẽ lãnh đủ nguồn năng lượng tiêu cực đó, còn nếu chúng
ta mỉm cười thì người kia sẽ may mắn nhận được năng lượng tươi mát nơi ta.
Trước khi gọi điện
cho ai, hãy thở vào, thở ra hai lần và đọc thầm bài thi kệ rồi mới nhấc điện
thoại lên bấm số:
Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu.
Khi chuông điện thoại
reo, có thể người bạn của ta cũng đang thở, mỉm cười và sẽ không nhấc điện thoại
lên ngay cho đến tiếng chuông thứ ba. Ta hãy tiếp tục thực tập: “Thở vào, tôi
làm an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân.” Cả hai, ta và người
bên kia đầu dây đều đang thở và mỉm cười. Thật đẹp! Ta không cần phải đi vào
thiền đường mới thực tập điều mầu nhiệm này. Nó có sẵn ngay trong nhà hay trong
văn phòng của mình. Thực tập thiền điện thoại có thể giúp ta trung hòa những
căng thẳng hay trầm cảm trong ta và ta có thể mang Bụt vào trong đời sống hàng
ngày của mình.
0 Đánh giá