Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 3. Xá Chào
Xá Chào
Khi chắp tay xá chào
một người nào đó là chúng ta có cơ hội có mặt cho người đó, công nhận khả năng
tỉnh giác trong ta và trong người đó. Chúng ta không xá chào chỉ vì lịch sự hoặc
vì xã giao mà để nhận diện một điều mầu nhiệm là người kia đang còn sống và nhận
diện khả năng tỉnh thức trong mỗi người. Vấn đề không phải là xá hay không xá,
điều quan trọng là phải có chánh niệm.
Thực Tập
Khi thấy ai đó chắp
tay xá chào mình, chúng ta nên chắp tay xá chào lại. Chắp tay lại, thở vào,
chúng ta thầm nói: “Sen búp xin tặng người.” Xá xuống, thở ra, ta nói: “Một vị
Bụt tương lai.” Chúng ta xá chào trong chánh niệm, hoàn toàn ý thức về người đó
đang có mặt trước mặt mình. Chúng ta xá bằng tất cả sự chân thành từ trái tim
mình.
Có những lúc, ta thấy có một mối tương giao sâu sắc hay một cảm giác kinh ngạc trước những nhiệm mầu của sự sống như khi thấy một bông hoa đang nở, đứng trước cảnh hoàng hôn, một cội cây cổ thụ hoặc xòe tay đón những giọt mưa mát lạnh, chúng ta cũng có thể chắp tay xá chào để hiến tặng sự có mặt của mình và bày tỏ niềm biết ơn đối với những mầu nhiệm đó.
Khi xá Bụt, chúng ta
hoàn toàn ý thức về khả năng tỉnh thức mà ta đã được thừa hưởng từ Bụt. Hiểu và
thực tập được như thế thì lạy Bụt, tỏ bày niềm tôn kính đối với Bụt không chỉ
là vấn đề tín mộ mà là một sự thực tập tuệ giác. Khi xá chào hay lễ lạy các vị
Bồ Tát lớn, chúng ta cũng trở về tiếp xúc sâu sắc với hạnh nguyện cao đẹp được
biểu trưng qua các vị Bồ Tát ấy và cảm nhận niềm biết ơn sâu xa đối với những
ai đang theo gương của các Ngài. Trong khi bày tỏ sự tôn kính trước những vị Bồ
Tát lớn, chúng ta cũng đang cam kết thực tập đi theo con đường Bồ Tát của mình,
nguyện vun trồng nguồn năng lượng hiểu biết, thương yêu và từ bi trong ta. Xá
chào, lễ lạy trong tinh thần đó là một sự thiền tập.
Thi Kệ
Thực tập hơi thở, ngồi
thiền và đi thiền là những pháp môn thực tập rất mầu nhiệm. Tuy nhiên trong đời
sống hàng ngày, có khi chúng ta quá bận rộn mà quên đi chủ đích của chúng ta là
thở và đi cho có chánh niệm. Một trong những phương pháp giúp ta an trú trong
giây phút hiện tại là thực tập thi kệ. Thi kệ là những bài thơ nho nhỏ giúp ta
thực tập chánh niệm trong những sinh hoạt hằng ngày. Thi kệ có thể giúp ta làm
giàu thêm kinh nghiệm của mình khi làm những công việc thường nhật mà ta cho là
hiển nhiên. Tập trung tâm ý vào thi kệ giúp ta trở về với chính mình và có ý thức
hơn về mỗi hành động của ta. Thực tập xong phần thi kệ, chúng ta tiếp tục công
việc của mình với một ý thức cao hơn. Ở Làng Mai, chúng tôi thực tập thi kệ khi
thức dậy, khi vào thiền đường, trong suốt các bữa ăn, khi rửa bát v.v… Thật ra,
thực tập thi kệ suốt ngày giúp chúng ta có mặt trong giây phút hiện tại.
Khi lái xe, biển chỉ
đường sẽ giúp ta tìm thấy đường đi. Tấm biển chỉ đường này có thể hướng dẫn
chúng ta đi cho đến khi chúng ta tìm thấy tấm biển kế tiếp. Cũng vậy, khi thực
tập thi kệ, thi kệ có thể hướng dẫn những sinh hoạt hằng ngày của ta, giúp ta sống
trọn một ngày của mình trong ý thức.
Thực Tập
Khi mở vòi nước,
chúng ta hãy nhìn sâu để thấy được sự mầu nhiệm và quý giá của nước. Nhớ đừng
lãng phí một giọt nước nào bởi vì có rất nhiều người trên thế giới không có đủ
nước để sử dụng.
Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước nhiệm mầu tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy.
Trong khi đánh răng,
chúng ta cũng có thể phát nguyện nói lời ái ngữ với bài kệ:
Đánh răng và súc miệng
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn tâm.
Trước khi mở máy xe,
chúng ta có thể đọc thầm bài thi kệ “Cho máy nổ” để chuẩn bị cho một chuyến đi
an toàn của chúng ta:
Trước khi cho máy nổ
Tôi biết tôi đi đâu
Xe với tôi là một
Xe mau tôi cũng mau.
Thi kệ đưa tâm và
thân về lại với nhau. Với một tâm trí tĩnh lặng, sáng suốt, hoàn toàn ý thức về
những hoạt động của thân thể, chúng ta sẽ làm giảm bớt khả năng gây tai nạn
giao thông.
Thi kệ là nguồn thức
ăn nuôi dưỡng thân tâm, có khả năng đem đến cho ta sự bình an, tĩnh lặng và niềm
vui sống mà ta có thể chia sẻ với mọi người, giúp ta thực tập không gián đoạn
trong đời sống hằng ngày. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những bài thi kệ này và
tìm thêm trong sách Bước tới thảnh thơi, hoặc tự làm thi kệ cho mình. Làm thi kệ
cho chính mình là một truyền thống thiền tập đã có từ lâu đời, điều này tôi đã
được thừa hưởng từ thầy tôi và tôi đã trao truyền lại cho các đệ tử của mình.
Đã Về, Đã Tới
Hãy tưởng tượng ta
đang ngồi trên một chuyến bay đến New York. Mỗi lần ngồi trên máy bay, ta nghĩ:
“Mình phải ngồi đây sáu tiếng đồng hồ mới đến được đó.” Ngồi trên máy bay ta chỉ
nghĩ đến New York mà không có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Thực ra,
ta không cần phải đến New York để được an lạc và hạnh phúc. Trên máy bay, ta có
thể đi như thế nào để tận hưởng từng bước chân của mình. Mỗi bước chân sẽ mang
lại cho ta hạnh phúc và ta đã về trong mỗi giây mỗi phút. Về, nghĩa là về một
nơi nào đó. Khi thực tập thiền đi, chúng ta về đến đích của sự sống. Giây phút
hiện tại là một cái đích. Thở vào, tôi bước một bước và bước khác tôi tự nói với
mình là: “Tôi đã về, tôi đã tới.”
“Tôi đã về” là sự thực
tập của chúng ta. Khi thở vào, chúng ta nương vào hơi thở vào và nói: “Tôi đã về.”
Khi bước một bước, chúng ta an trú nơi bước chân của mình và nói: “Tôi đã về.”
Đó không phải là một lời tuyên bố suông. “Tôi đã về” có nghĩa là tôi đã dừng lại,
tôi đã về với giây phút hiện tại bởi vì chỉ có giây phút hiện là giây phút đáng
sống nhất. Khi thở vào và an trú trong hơi thở vào, khi bước một bước và hoàn
toàn có mặt trong bước chân của mình là tôi đang tiếp xúc sâu sắc với sự sống,
như thế là tôi đã dừng lại.
Thực tập dừng lại rất
quan trọng. Chúng ta đã chạy suốt đời mình. Chúng ta tin rằng an lạc, hạnh phúc
và thành công đang có mặt ở một nơi nào đó trong tương lai. Chúng ta không biết
rằng an lạc, hạnh phúc và sự yên ổn chỉ có thể được tìm thấy trong giây phút hiện
tại. Đó là ước hẹn của sự sống, là giao điểm của bây giờ và ở đây.
Thực tập thiền là về
trong mỗi phút giây. Ngôi nhà đích thực của chúng ta nằm ngay trong giây phút
hiện tại. Khi chúng ta bước vào giây phút hiện tại một cách sâu sắc thì những
nuối tiếc, lo buồn của chúng ta sẽ biến mất và chúng ta có thể khám phá sự sống
với tất cả những mầu nhiệm của nó.
Thực Tập
Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về, nương tựa.
Chúng ta có thể sử dụng
bài thi kệ này để thực tập trong suốt buổi thiền hành. Rất mầu nhiệm! Trong khi
thở vào, trên mỗi bước chân, ta nói: “Đã về.” Khi thở ra, với mỗi bước chân ta
nói: “Đã tới.” Nếu nhịp điệu hơi thở của ta là 2-3, ta có thể nói: “Đã về, đã về
– Đã tới, đã tới, đã tới.” Kết hợp câu thiền ngữ với những bước chân theo nhịp
hơi thở của ta.
Sau khi thực tập “đã
về, đã tới” một lúc, nếu cảm thấy khỏe nhẹ, hoàn toàn có mặt nơi mỗi bước chân
và hơi thở của mình, ta có thể chuyển sang “bây giờ, ở đây.” Thiền ngữ thì khác
nhau nhưng cách thức thực tập thì không khác.
Khi ngồi thiền chúng
ta cũng có thể sử dụng bài thi kệ này, rất có hiệu quả. Thở vào: “Con đã về.”
Thở ra: “Con đã tới.” Thực tập như vậy, tâm ta không còn tán loạn nữa, ta có khả
năng an trú trong giây phút hiện tại, đó là giây phút duy nhất mà ta có thể sống.
“Tôi đã về” là sự thực
tập chứ không phải là một lời tuyên bố. Tôi đã về trong giây phút hiện tại, bây
giờ ở đây và tôi có thể tiếp xúc sâu sắc với sự sống với tất cả những mầu nhiệm
của nó. Cơn mưa là một mầu nhiệm, ánh nắng mặt trời là một mầu nhiệm, cây xanh
là một mầu nhiệm và những gương mặt của trẻ thơ là một mầu nhiệm. Có rất nhiều
điều mầu nhiệm của sự sống chung quanh ta và trong ta. Đôi mắt ta cũng là một mầu
nhiệm. Chỉ cần mở mắt ra là ta thấy được cả một thiên đường màu sắc và hình ảnh.
Trái tim ta cũng là một mầu nhiệm, nếu trái tim ta ngừng đập thì mọi thứ sẽ chấm
dứt.
Trở về giây phút hiện
tại, ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt chung quanh
ta và trong ta. Hãy sống cho hết lòng với giây phút này, đừng đợi đến ngày mai
để có an lạc và hạnh phúc. Khi ta thở vào và nói: “Tôi đã về”, ta sẽ biết được
là ta đã về hay chưa, ta có còn rong ruổi hay không. Có thể thân ta đang ngồi
yên nhưng tâm ta còn rong ruổi ở đâu đó. Khi thấy mình đã về, ta sẽ rất hạnh
phúc. Ta phải nói với bạn ta là: “Này bạn, tôi đã thực sự về rồi.” Đó là một
tin mừng.
Quay Về Nương Tựa
Khi thấy mình đang ở
trong tình trạng nguy hiểm, khó khăn hoặc đang đánh mất mình, chúng ta có thể thực
tập quay về nương tựa. Thay vì hoang mang, hốt hoảng hoặc để mình chìm đắm
trong tuyệt vọng, chúng ta phải tin vào khả năng tự chữa trị, tin vào sức mạnh
của sự hiểu biết và thương yêu trong chính chúng ta. Chúng ta gọi đó là hải đảo
tự thân, là hải đảo của bình an, của niềm tin, của vững chãi, thảnh thơi và
thương yêu. Chúng ta có thể quay về đó để nương tựa. Chúng ta không cần đi tìm ở
một nơi nào khác. Hãy là hải đảo cho chính mình.
Chúng ta luôn muốn được
an toàn, muốn được bảo hộ, muốn được bình yên. Vì vậy mỗi khi lâm vào tình trạng
bất an, rối loạn, quá tải hoặc khổ đau, chúng ta phải thực tập quay về nương tựa
Bụt trong ta. Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có Phật tính, đó là khả năng định
tĩnh, hiểu biết và từ bi, là khả năng quay về nương tựa nơi hải đảo an toàn của
tự thân để có thể duy trì tình thương, an lạc và hy vọng. Thực tập như vậy,
chúng ta trở thành một hải đảo bình an đầy lòng yêu thương và chúng ta có khả
năng gây nguồn cảm hứng cho những người khác cùng thực tập như vậy.
Thực Tập
Hãy sử dụng bài thi kệ
này để quay về với chính mình, bất kể là chúng ta đang ở đâu:
Quay về nương tựa, hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần
Hơi thở là pháp, bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là tăng, phối hợp tinh cần
Thở vào, thở ra
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang.
Chúng ta giống như một
chiếc thuyền đang vượt đại dương. Nếu thình lình gặp một cơn bão mà mọi người
trên thuyền đều sợ hãi, hoảng loạn thì thuyền sẽ bị lật úp. Nhưng nếu có một ai
đó trên thuyền giữ được bình tĩnh thì người đó sẽ giúp cho những người khác
bình tĩnh theo. Nhờ vậy mà mọi người trên thuyền có hy vọng. Ai là người có thể
giữ được sự điềm tĩnh trong tình huống hiểm nghèo đó? Mỗi người trong chúng ta
đều là người đó. Chúng ta phải nương tựa vào nhau.
Năm Giới
Năm giới là một trong
những phương pháp thực tập chánh niệm cụ thể nhất. Năm giới không thuộc về một
đảng phái hay một tôn giáo nào, bản chất của năm giới là trùm khắp. Đó đích thực
là sự thực tập từ bi và trí tuệ. Tất cả các truyền thống tâm linh đều có những
nguyên tắc tương đương với năm giới để hướng dẫn, chỉ đạo, giúp chúng ta xử lý
và đối phó với những cám dỗ không lành mạnh, đang có mặt khắp nơi trong xã hội.
Giới thứ nhất là bảo
vệ sự sống, nhằm làm giảm bớt bạo động trong tự thân, trong gia đình và trong
xã hội. Giới thứ hai là thực tập công bằng xã hội, nuôi dưỡng lòng từ bi, không
trộm cắp và không bóc lột kẻ khác. Giới thứ ba là bảo vệ tiết hạnh, nhằm đem lại
hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và trẻ em. Giới thứ tư là thực tập lắng nghe
sâu và sử dụng ái ngữ để thiết lập lại truyền thông và hòa giải. Giới thứ năm
là tiêu thụ có chánh niệm, không đưa độc tố vào thân tâm, không tiêu thụ những
sản phẩm truyền hình, sách báo, phim ảnh có chứa đựng nhiều độc tố như bạo động,
hận thù, thèm khát v.v…
Năm giới được đặt
trên nền tảng của những giới luật được chế tác trong thời Bụt, làm nền tảng căn
bản cho sự thực tập của giới cư sĩ.
Tôi đã làm mới năm giới
này thành “Năm phương pháp thực tập chánh niệm” để phù hợp với thời đại của chúng
ta, bởi vì chánh niệm là nền tảng của mỗi giới. Nhờ chánh niệm, chúng ta ý thức
được những gì đang xảy ra trong thân thể, cảm thọ, tâm thức, cũng như trên thế
giới để tránh làm tổn hại chính mình và làm tổn hại kẻ khác. Chánh niệm có khả
năng bảo hộ cho tự thân, gia đình và xã hội, đảm bảo cho chúng ta một hiện tại
bình an, hạnh phúc, một tương lai an vui, tươi sáng. Khi có chánh niệm, chúng
ta thấy rằng không làm điều này, chúng ta có thể ngăn ngừa những điều khác,
không để cho chúng xảy ra. Chúng ta có thể đạt tới một tuệ giác mà không một
quyền lực bên ngoài nào có thể áp đặt lên chúng ta. Đó là hoa trái của sự thực
tập quán chiếu. Do đó, thực tập giới giúp chúng ta bình an hơn, định tĩnh hơn,
mang lại cho chúng ta nhiều tuệ giác và giác ngộ, làm cho sự thực tập của chúng
ta trở nên vững vàng hơn.
Trong các đạo tràng
Mai Thôn, cả hai giới cư sĩ và xuất sĩ đều thực tập năm giới để làm lớn mạnh
thêm sự thực tập chánh niệm và sống chung với nhau trong tinh thần hòa hợp.
Không hút thuốc, không uống rượu, giữ gìn tiết hạnh là một phần của năm giới
quý báu đã được các đạo tràng Mai Thôn thực tập rất nghiêm túc.
Bất kỳ ai trong thời
điểm nào cũng đều có thể sống và thực tập theo năm giới quý báu này. Thực tập
năm giới, chúng ta sẽ trở thành những vị Bồ Tát biết sống hòa hợp, bảo vệ môi
trường, giữ gìn hòa bình và xây dựng tình huynh đệ. Chúng ta không chỉ bảo vệ
những cái đẹp của nền văn hóa của chúng ta mà còn bảo vệ những cái đẹp của các
nền văn hóa khác, cũng như bảo vệ tất cả những cái đẹp của Trái Đất. Mang năm
giới quý báu trong tim là chúng ta đã đang đi trên con đường của chuyển hóa và
trị liệu.
Thực Tập
Năm Giới Tân Tu
Lời Mở Đầu
Năm giới tức là năm
phép thực tập chánh niệm, biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ Đế và Bát
Chánh Đạo, con đường của Bụt, con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực
có khả năng đưa tới trí tuệ, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới.
Năm giới mang theo tuệ giác Tương Tức, tức là Chánh Kiến, có khả năng tháo bỏ mọi
cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng. Sống và thực tập
theo năm giới là chúng ta đã đi vào con đường mà các vị Bồ Tát đang đi. Năm giới
này đại diện cho cái thấy của đạo Bụt về một nền Tâm Linh và Đạo Đức Toàn Cầu.
Biết rằng đang được đi trên con đường của Bụt, chúng ta không còn lý do gì để
lo lắng cho hiện tại và sợ hãi cho tương lai.
Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống
Ý thức được những khổ
đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức
và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật,
thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác
sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới,
trong tư duy cũng như trong đời sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả
những bạo động do sự sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn
từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không
kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức
hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung
trong con và trong thế giới.
Giới Thứ Hai: Hạnh Phúc Chân Thực
Ý thức được những khổ
đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập
san sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trong cả
ba lĩnh vực tư duy, nói năng, và hành động của đời sống hằng ngày. Con nguyện
không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra. Con
nguyện thực tập nhìn sâu để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia có
liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con, rằng hạnh phúc chân
thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh
phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem
lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh phúc chân thực
phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không đến từ bên ngoài, rằng
thực tập phép tri túc con có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện
tại nếu con có khả năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh
phúc mà con đã có sẵn. Con nguyện thực tập theo Chánh Mạng để có thể làm giảm
thiểu khổ đau của mọi loài trên trái đất và để chuyển ngược lại quá trình hâm
nóng địa cầu.
Giới Thứ Ba: Tình Thương Đích Thực
Ý thức được những khổ
đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo
hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết
tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm
khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện
không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những
cam kết chính thức và lâu dài. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em,
không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống
đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng
tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức
Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực
để làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ Vô
Lượng Tâm ấy, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong những kiếp sau.
Giới Thứ Tư: Lắng Nghe Và Ái Ngữ
Ý thức được những khổ
đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con xin
nguyện học các hạnh Ái Ngữ và Lắng Nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người,
làm vơi bớt nỗi khổ đau của người, giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi
người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại
hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây
thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu
biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt
trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những
bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những
khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật
và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo
thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những
tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những
sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn
để có thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con
và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang
có trong chiều sâu tâm thức.
Giới Thứ Năm: Nuôi Dưỡng Và Trị Liệu
Ý thức được những khổ
đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển
hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm
trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là
đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm
độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống
hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phẩm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới
internet, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện
trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc
với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung
quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để
cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để
khỏa lấp sự khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự
tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì
được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội và trong môi trường sự
sống.
0 Đánh giá