Chương 4. Ăn Cơm Chánh Niệm – Thiền Trà

Chương 4. Ăn Cơm Chánh Niệm – Thiền Trà

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Gieo Trồng Hạnh Phúc

Chương 4. Ăn Cơm Chánh Niệm – Thiền Trà





Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Gieo Trồng Hạnh Phúc' ê


Ăn Cơm Chánh Niệm

Bát cơm trên tay ta là kết tinh của toàn thể vũ trụ.

Ăn cũng là một sự thực tập. Chúng ta nên cống hiến sự có mặt trọn vẹn của chúng ta cho mỗi bữa ăn. Ngay khi khất thực (lấy thức ăn) là chúng ta đã bắt đầu thực tập rồi. Trong khi lấy thức ăn, chúng ta ý thức rằng có rất nhiều yếu tố như mưa, ánh nắng mặt trời, đất đai, sự chăm bón của những người nông dân, những người nấu ăn… đã kết hợp với nhau để tạo nên bữa ăn tuyệt vời này. Kỳ thực, qua thức ăn, chúng ta có thể thấy được toàn thể vũ trụ đang góp mặt nâng đỡ cho sự tồn tại của chúng ta.

Có cơ hội để ngồi thưởng thức những món ăn ngon như vậy là một điều rất quý giá mà không phải ai cũng có được. Rất nhiều người trên thế giới đang bị đói khổ, thiếu thốn. Khi nâng bát cơm hoặc cầm miếng bánh mì trong tay, chúng ta biết rằng mình rất may mắn, do vậy ta gởi lòng thương xót đến tất cả những ai không có thức ăn để ăn, không có gia đình, bè bạn. Đó là một sự thực tập rất sâu sắc. Chúng ta không cần đến chùa hoặc nhà thờ để thực tập điều này. Chúng ta có thể thực tập ngay ở bàn ăn của mình. Ăn trong chánh niệm có thể tưới tẩm những hạt giống từ bi và hiểu biết trong ta, khiến ta phải làm một điều gì đó để giúp đỡ, nuôi dưỡng những người đói khổ, cô độc.

Thực Tập

Ăn cơm chánh niệm là sự thực tập rất thiết yếu. Chúng ta hãy tắt truyền hình, đặt tờ báo xuống, hoàn tất những gì cần làm và cùng nhau sửa soạn bàn ăn trong năm, mười phút. Trong những phút này, có thể chúng ta rất hạnh phúc. Khi thức ăn đã được dọn lên bàn và mọi người đều ngồi xuống, chúng ta thực tập: “Thở vào, tôi làm lắng dịu toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười”, ba lần.

Rồi trong khi thở vào thở ra, chúng ta nhìn từng người để tiếp xúc với chính mình và tiếp xúc với mọi người đang có mặt trong bữa ăn. Chúng ta không cần đến hai giờ đồng hồ để nhìn mọi người. Nếu có sự lắng dịu bên trong thì chỉ cần một hoặc hai giây là đủ để chúng ta nhìn thấy bạn bè và mọi người trong gia đình. Nếu một gia đình có năm người thì chỉ cần khoảng năm hay mười giây là đủ.


Ngồi cùng với mọi người trong bàn ăn là cơ hội để hiến tặng cho nhau một nụ cười đích thực của tình thương yêu và sự cảm thông. Điều này rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Phần quan trọng nhất của sự thực tập này là nhìn vào từng người và mỉm cười với người ấy. Nếu mọi người ngồi ăn chung với nhau mà không thể mỉm cười với nhau được thì rất nguy hiểm.



Sau khi thở và mỉm cười, chúng ta nhìn vào thức ăn để thực sự tiếp xúc sâu sắc với thức ăn. Thức ăn cho ta thấy sự liên hệ mật thiết giữa ta với đất trời. Mỗi miếng thức ăn đều chứa đựng mặt trời và trái đất cùng với nhiều yếu tố khác nữa mà chúng ta phải quán chiếu sâu sắc mới thấy được. Nhìn vào mẩu bánh mì, chúng ta có thể thấy và tiếp xúc được với toàn thể vũ trụ! Quán chiếu thức ăn vài giây trước khi ăn và ăn trong chánh niệm sẽ mang đến cho ta nhiều hạnh phúc.

Sau khi đã dùng xong, chúng ta dành một chút thời gian để ý thức là mình đã ăn xong, bát của mình bây giờ đã vơi, bụng mình đã no rồi. Chúng ta có thể dừng lại một vài giây để nuôi dưỡng niềm biết ơn của ta đối với thức ăn, nhờ thức ăn mà ta có thể tiếp tục đi trên con đường hiểu biết và thương yêu này.

Bát cơm đã vơi

Bụng đã no rồi

Bốn ơn xin nhớ

Nguyện sẽ đền bồi.

Thỉnh thoảng, chúng ta nên thực tập ăn trong im lặng với gia đình hoặc bè bạn. Ăn trong im lặng chúng ta sẽ thấy được sự quý báu của thức ăn, của những người chung quanh ta, cũng như thấy được sự tương quan mật thiết giữa ta với trái đất và muôn loài. Mỗi cọng rau, mỗi giọt nước tương, mỗi miếng bánh mì đều chứa đựng trong nó sự sống của cả hành tinh xanh và mặt trời. Với mỗi miếng thức ăn, chúng ta có thể nếm được ý nghĩa và giá trị của sự sống. Chúng ta có thể thiền quán về những loài động vật và thực vật, về công việc của những người nông dân hay quán chiếu về hàng ngàn trẻ em đang chết đói mỗi ngày vì thiếu thức ăn. Ngồi yên lặng với mọi người ở bàn ăn, chúng ta có cơ hội nhìn thấy nhau một cách rõ ràng và sâu sắc. Chúng ta mỉm cười để truyền thông với nhau bằng tình bằng hữu và tình thương yêu đích thực. Lúc mới bắt đầu ăn trong im lặng, có thể chúng ta thấy hơi lúng túng ngượng nghịu, nhưng khi đã quen, bữa ăn im lặng có thể mang đến cho ta nhiều bình an, niềm vui và tuệ giác. Vì vậy phải tắt truyền hình trước khi ăn. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng nên “tắt” những cuộc trò chuyện để thưởng thức thức ăn và trân quý sự có mặt của người khác. Đồng thời, tắt cả đài “NST” (non-stop-thinking: suy nghĩ miên man không ngừng) của chính mình.

Tôi không khuyên quý vị ăn trong im lặng mỗi ngày. Nói chuyện cũng là một cách tốt để truyền thông với nhau. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt câu chuyện nào nên nói và câu chuyện nào không nên nói. Có những câu chuyện có thể làm chia rẽ nhau như khi ta nói về những hạn chế và yếu kém của người khác. Thức ăn mà ta đã chuẩn bị công phu sẽ không còn giá trị nữa nếu chúng ta cứ nói những chuyện như thế trong bữa ăn. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên nói những điều nuôi dưỡng, ý thức về thức ăn, về sự có mặt của nhau, chúng ta sẽ tưới tẩm và vun trồng nguồn hạnh phúc cần thiết để nuôi ta khỏe mạnh. Nếu chúng ta so sánh kinh nghiệm này với kinh nghiệm khi chúng ta nói về lỗi lầm của ai đó thì chắc chắn ý thức về một mẩu bánh mì trong miệng sẽ nuôi dưỡng chúng ta nhiều hơn. Nó mang sự sống đi vào ta và biến sự sống trở nên có thực.

Trong suốt bữa ăn, chúng ta không bàn luận về những đề tài có thể làm cho ta đánh mất ý thức về gia đình và thức ăn. Chúng ta nên cởi mở để nói lên những điều có thể nuôi dưỡng ý thức và hạnh phúc cho nhau. Ví dụ, nếu có một món ăn mà chúng ta rất thích, chúng ta có thể nhìn xem có ai khác cũng đang thích như ta không, hoặc có ai đó đang không thích không, chúng ta có thể giúp người đó trân quý món ăn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với đầy tình thương hơn. Nếu có ai đó đang nghĩ về một điều gì khác như những khó khăn trong công việc hoặc với bạn bè mà không để ý đến những thức ăn ngon trên bàn, nghĩa là người ấy đang đánh mất giây phút hiện tại và thức ăn. Chúng ta có thể nói: “Món này ngon quá phải không?” Nói những điều tương tự như vậy, chúng ta sẽ kéo người kia ra khỏi những suy tư, lo lắng, đưa người đó trở về giây phút hiện tại để trân quý sự có mặt của chúng ta và thưởng thức những món ăn ngon. Như vậy chúng ta trở thành một vị Bồ Tát giúp người khác giác ngộ.

Trong các đạo tràng Mai Thôn, chúng ta thỉnh ba tiếng chuông trước mỗi bữa ăn và ăn trong im lặng khoảng hai mươi phút. Ăn trong im lặng, chúng ta ý thức trọn vẹn về sự nuôi dưỡng của thức ăn. Để yểm trợ không khí yên lặng của bữa ăn và giúp cho sự thực tập ăn cơm chánh niệm sâu sắc hơn, chúng ta sẽ không đứng lên ngồi xuống trong suốt thời gian ăn cơm im lặng. Sau hai mươi phút, hai tiếng chuông sẽ được thỉnh lên. Khi đó chúng ta mới đứng dậy hoặc trao đổi chuyện trò trong chánh niệm.

Năm lời quán nguyện khi ăn:

Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác.

Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.

Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành tiêu cực, nhất là tâm hành tham lam. Xin tập ăn uống cho có chừng mực và điều độ.

Xin nguyện ăn như thế nào để nuôi lớn lòng từ bi, giảm thiểu khổ đau của muôn loài, bảo hộ được trái đất và chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.

Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi lớn tình huynh đệ và thực hiện chí nguyện độ đời nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.

Quán chiếu về thức ăn một vài giây trước khi ăn và ăn trong chánh niệm có thể mang lại cho ta nhiều hạnh phúc. Ở các đạo tràng Mai Thôn, chúng ta sử dụng năm lời quán nguyện để nhắc nhở mình ý thức về thức ăn, thức ăn từ đâu đến và tác dụng của nó như thế nào.

Lời quán nguyện thứ nhất là ý thức rằng thức ăn của chúng ta đến trực tiếp từ đất trời, là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác của nhiều người, đặc biệt là những người đã chuẩn bị thức ăn hôm nay.

Lời quán nguyện thứ hai là chúng ta phải sống như thế nào để xứng đáng thọ nhận thức ăn này. Để xứng đáng thọ nhận thức ăn là ăn trong chánh niệm, nghĩa là ý thức về sự có mặt của thức ăn, trân quý và biết ơn thức ăn. Chúng ta không để đánh mất mình trong những lo lắng, sợ hãi và giận dữ về những gì thuộc về quá khứ hoặc tương lai. Chúng ta có mặt cho thức ăn bởi vì thức ăn có mặt cho chúng ta, đó là điều công bằng. Ăn trong chánh niệm, chúng ta sẽ xứng đáng với công lao của đất trời.

Lời quán nguyện thứ ba là ý thức về những tâm hành tiêu cực của chúng ta và không để cho chúng lôi kéo ta đi. Chúng ta cần học ăn như thế nào cho điều độ và chừng mực. Chúng ta chỉ lấy thức ăn vừa đủ. Quý thầy, quý sư cô, mỗi người đều có một chiếc bình bát gọi là “ứng lượng khí.” Chúng ta không nên ăn quá nhiều. Nếu ăn chậm và nhai kỹ, thức ăn sẽ trở thành bổ dưỡng. Một lượng thức ăn đúng mức là lượng thức ăn giúp chúng ta giữ gìn sức khỏe tốt nhất.

Lời quán nguyện thứ tư là về phẩm chất của thức ăn. Chúng ta nguyện chỉ ăn những thức ăn không gây độc hại cho thân thể và tâm thức chúng ta, chúng ta chỉ ăn những thức ăn có tác dụng làm lành mạnh thân tâm và nuôi dưỡng lòng từ bi. Đó là ăn chánh niệm. Đức Bụt đã dạy, nếu trong khi ăn mà ta làm tổn hại lòng từ bi thì cũng giống như ta đang ăn thịt những đứa con của mình. Vì vậy ta phải tập ăn uống như thế nào để nuôi sống được lòng từ bi trong ta.

Lời quán nguyện thứ năm là ý thức rằng chúng ta tiếp nhận những thức ăn này để thực hiện lý tưởng của mình. Đời sống chúng ta phải có ý nghĩa, ý nghĩa là giúp mọi người vơi bớt khổ đau và tiếp xúc được những niềm vui của cuộc sống. Khi chúng ta có lòng từ bi trong trái tim và biết rằng chúng ta có khả năng giúp được một người vơi bớt khổ đau thì cuộc sống của ta bắt đầu có ý nghĩa hơn. Thức ăn rất quan trọng đối với chúng ta và mang đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Một người có khả năng giúp được cho nhiều người, đó là điều mà chúng ta có thể làm bất cứ ở đâu.

Thực Tập Trong Nhà Bếp

Mặt trời xanh rờn một rổ rau tươi

Vạn pháp nương nhau làm nên cuộc đời.

Nhà bếp có thể là một nơi thiền tập. Chúng ta hãy thực tập chánh niệm trong khi nấu ăn hay rửa dọn. Chúng ta có thể làm những công việc của mình một cách thư giãn, nhẹ nhàng, thanh tịnh, theo dõi hơi thở và tập trung tâm ý vào công việc của mình.

Thực Tập

Chúng ta có thể lập một bàn thờ nho nhỏ trong nhà bếp để nhắc nhở chúng ta thực tập chánh niệm trong khi nấu ăn. Có thể là một chiếc kệ nhỏ đủ để đặt một bát nhang, một bình hoa nhỏ và một tấm ảnh của tổ tiên hoặc một vị thầy tâm linh, một tượng Bụt hay tượng Bồ Tát, bất kể cái gì có ý nghĩa nhất đối với ta. Khi vào nhà bếp, chúng ta có thể bắt đầu công việc bằng cách thắp lên một cây nhang, thực tập thở trong chánh niệm, làm cho nhà bếp trở thành thiền đường.

Trong khi nấu ăn, ta phải cho mình có đủ thời gian để không phải hấp tấp, vội vàng. Chúng ta phải ý thức rằng thức ăn ta nấu sẽ ảnh hưởng đến ta và ảnh hưởng đến sự thực tập của những người ăn thức ăn ta nấu. Ý thức này sẽ giúp chúng ta nấu những thức ăn lành mạnh, chuyên chở được tình thương và chánh niệm trong ta.

Khi dọn dẹp nhà bếp hoặc rửa chén bát, chúng ta làm như đang lau dọn bàn thờ trong thiền đường hoặc đang tắm cho một đức Bụt sơ sinh. Rửa dọn như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy an vui, hạnh phúc tỏa chiếu trong ta và chung quanh ta.

Rửa chén là tắm Bụt

Cẩn trọng và nhẹ nhàng

Cho trong sạch thân tâm

Tâm con là tâm Bụt.

Thiền Trà

Thiền trà là thời gian mà chúng ta được ngồi với tăng thân trong một bầu không khí tươi vui và tĩnh tại. Chỉ cần ngồi thưởng thức trà với nhau là đã hạnh phúc rồi. Đó là dịp để chúng ta loan báo “tin mừng”: Chúng ta có mặt với nhau, chia sẻ niềm vui và hạnh phúc cho nhau.

Đôi khi, ngồi uống trà với bạn bè mà ta không ý thức về ly trà ta đang uống, ngay cả người bạn ngồi bên cạnh, ta cũng không có ý thức đủ. Thiền trà là thực sự có mặt với ly trà và với bạn bè của chúng ta. Chúng ta có khả năng an trú trong phút giây hiện tại cho dù những đau buồn và lo lắng vẫn đang còn đó. Chúng ta ngồi buông thư, thật thoải mái, không cần nói năng gì. Nếu có cảm hứng, chúng ta có thể hát cho nhau một bài hát, đọc cho nhau nghe một bài thơ, hay kể cho nhau một câu chuyện.

Chúng ta có thể mang theo nhạc cụ hoặc chuẩn bị trước một tiết mục nào đó. Đây là cơ hội để chúng ta tưới tẩm những hạt giống an vui, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu trong mỗi chúng ta.

Thực Tập

Tại Làng Mai, chúng tôi thường tổ chức những buổi thiền trà nghi lễ. Thiền trà này được giới trẻ, đặc biệt là trẻ em rất thích. Các em có thể giúp đón chào khách ở cửa ra vào. Sau đó, có thể mời một em dâng trà và bánh cho Bụt. Thỉnh thoảng, các em tự tổ chức một buổi “thiền nước chanh” và mời ba mẹ, bạn bè đến tham dự. Chúng ta có thể uyển chuyển thay đổi buổi thiền trà nghi lễ cho phù hợp với hoàn cảnh, không gian, thời gian và địa điểm. Thiền trà đơn giản là ngồi uống trà với nhau, với những người thân thương của mình.

Trong buổi thiền trà nghi lễ, mọi thứ đều được làm trong chánh niệm. Những người trong ban trà chủ cần ngồi lại với nhau trước. Chuẩn bị trà, bánh, thiền phòng và thiết lập thân tâm trong chánh niệm để đón tiếp những vị khách quý.

Ban Trà Chủ

Ban trà chủ gồm có Trà chủ, Tri chung, Người dâng hương, Người dâng trà (dâng trà bánh cho Bụt), Trà giả (tùy thuộc vào số lượng người tham dự, thông thường chỉ cần hai người), Người phụ trà (người phụ giúp cho trà giả, một người cho mỗi trà giả).

Những Thứ Cần Thiết

Nhang, nến, diêm, khánh, chuông, khăn giấy (có thể dùng những chiếc lá) để đựng bánh, trà, bình trà, ly, khay, một đĩa hoa trà bánh để dâng lên Bụt và những chiếc bồ đoàn tọa cụ được xếp thành vòng tròn.

Đón Khách

Ban trà chủ đứng thành hai hàng hai bên ở cửa ra vào và xá chào từng người khi khách bước vào thiền phòng. Khách mời sẽ đi vào giữa hai hàng của ban trà chủ và ngồi xuống tiếp nối nhau quanh vòng tròn, xoay mặt vào trong. Hai người phụ trà giả sẽ hướng dẫn khách đến bồ đoàn của mình. Mọi người ngồi xuống trong im lặng và theo dõi hơi thở như ngồi thiền.

Sau khi tất cả những khách mời đã được đón tiếp vào thiền phòng, ban trà chủ sẽ đến chỗ ngồi của mình. Vị tri chung sẽ thức khánh và thỉnh khánh mời mọi người đứng lên hướng về bàn thờ.

Dâng Hương

Vị trà chủ và người dâng hương đi trong chánh niệm về phía bàn thờ, người dâng hương thắp nhang lên. Sau khi xá nhau, người dâng hương sẽ dâng hương cho vị trà chủ và đứng sang một bên.

– Vị tri chung sẽ thỉnh ba tiếng chuông. Vị trà chủ xướng bài kệ dâng hương, rồi trao cây hương sang cho vị dâng hương để dâng lên Bụt. Sau đó, chúng ta đảnh lễ Bụt và các vị Bồ Tát.

– Vị trà chủ trở về chỗ ngồi của mình, hướng về đại chúng và xá chào tất cả mọi người đến tham dự buổi thiền trà: “Búp sen xin tặng người, một vị Bụt tương lai.” Vị tri chung thỉnh một tiếng khánh và mọi người ngồi xuống.

Dâng Trà Bánh Cho Bụt

Vị trà giả sẽ pha trà vào ly dành cho Bụt trong chánh niệm và nâng chiếc khay trà (hoặc đĩa) được trang trí với hoa và bánh lên ngang trán. Người dâng trà đi trong chánh niệm đến trước vị trà giả, xá xuống và nhận lấy khay trà, đi về phía trà chủ. Vị trà chủ đứng dậy, xá xuống, nhận khay trà bánh và đi về hướng bàn thờ, xá, quỳ xuống và dâng khay trà bánh lên bàn thờ Bụt. Vị tri chung thỉnh một tiếng chuông sau khi khay bánh đã được đặt lên bàn thờ. Người dâng trà và trà chủ trở về chỗ của mình và xá nhau trước khi ngồi xuống. Nếu trong buổi thiền trà có một em nhỏ hoặc người trẻ tham dự thì ta mời người đó dâng trà bánh cho Bụt.

Tiếp Khách

Vị trà giả chuyền khay bánh cho vị phụ trà. Vị phụ trà mỉm cười, chắp tay thành búp sen với lòng biết ơn, nhận lấy một cái khăn giấy (hoặc chiếc lá), một cái bánh, đặt chúng xuống và nhận lấy khay bánh. Người phụ trà bấy giờ lại mời bánh cho vị trà giả. Khay bánh được chuyền tiếp cho người ngồi cạnh bên người phụ trà. Và cứ thế tiếp tục cho hết vòng tròn. Mọi người đều nhận bánh và chuyền bánh như vị phụ trà, nhận lấy một cái khăn giấy, một chiếc bánh, trước khi đỡ lấy khay bánh và chuyền cho người kế tiếp.

– Trong khi bánh được chuyền đi, vị trà giả bắt đầu rót trà (chỉ rót đủ số ly cho số người có mặt trong buổi thiền trà). Khi khay bánh được chuyền về lại thì khay trà sẽ được chuyền đi và cách nhận trà cũng giống như cách nhận bánh.

Thưởng Thức Trà Bánh Và Chia Sẻ

Sau khi những cái khay đã được chuyền về, vị trà chủ đọc bài thi kệ thiền trà và mời mọi người thưởng thức trà bánh trong yên lặng.

Thi Kệ Thiền Trà

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và tâm an trú

Bây giờ và ở đây.

Sau khi thưởng thức trà trong im lặng một lúc, vị trà chủ mời mọi người chia sẻ những bài hát, bài thơ hay những kinh nghiệm tu học v.v…

Kết Thúc Buổi Thiền Trà

Trước khi kết thúc buổi thiền trà năm phút, vị tri chung phải thông báo cho mọi người biết là còn năm phút nữa buổi thiền trà sẽ kết thúc. Buổi thiền trà kết thúc bằng ba tiếng khánh. Đầu tiên, tất cả mọi người đứng dậy, xá nhau. Rồi hướng về bàn thờ Bụt và xá Bụt. Sau đó ban trà chủ sẽ ra cửa tiễn khách, ban trà chủ xá mọi người trong khi các vị khách thong thả rời thiền phòng trong chánh niệm.

Xem Tiếp Chương 5 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post