Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 6. Xây Dựng Tăng Thân
Xây Dựng Tăng Thân
Trong xã hội ngày
nay, phần lớn chúng ta khổ đau vì cảm giác xa cách. Ta không thấy được sự liên
hệ mật thiết giữa ta với những người chung quanh như xóm giềng, đồng nghiệp, thậm
chí với cả những người thân trong gia đình. Mỗi người đều sống một cách biệt lập,
tách mình ra khỏi cộng đồng và không chịu nhận sự giúp đỡ từ người khác.
Thực tập chánh niệm,
ta bắt đầu thấy được sự tương quan giữa mình và những người khác. Vì vậy, để
làm lớn mạnh sự thực tập của mình và nâng đỡ kẻ khác trên con đường tu học, ta
cần có một nhóm người, một cộng đồng. Trong đạo Bụt, ta gọi cộng đồng của những
người cùng thực tập là tăng thân. Bụt đã có một tăng thân gồm những người xuất
sĩ nam, xuất sĩ nữ, cư sĩ nam và cư sĩ nữ. Ta có thể biến gia đình, sở làm, những
người láng giềng, chính quyền địa phương thành một tăng thân. Ngay cả quốc hội,
chúng ta cũng có thể biến thành tăng thân nếu mỗi người trong chúng ta biết nghệ
thuật lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ.
Thực tập với tăng
thân giúp ta chữa lành cảm giác cô đơn trống vắng, tách rời khỏi xã hội. Chúng
ta có thể thực tập chung với nhau, ăn chung với nhau, rửa nồi chung với nhau.
Chỉ cần tham gia những sinh hoạt hàng ngày với những người khác, chúng ta cũng
có thể thấy được rõ ràng, xác thực cảm giác thương yêu và chấp nhận nhau.
Tăng thân là một khu
vườn với nhiều loài cây và hoa trái khác nhau. Nếu chúng ta có khả năng nhìn
mình và người khác như những loài hoa, loài cây xinh đẹp, quý hiếm thì chúng ta
có thể vun trồng tình thương, sự hiểu biết trong nhau. Có thể bông hoa này nở sớm
vào mùa xuân, bông hoa kia nở muộn vào mùa hè. Cây này có thể cho nhiều hoa
trái, cây kia cho nhiều bóng mát. Nhưng trong vườn, không có cây nào hơn cây
nào, không có cây nào thua cây nào mà cũng không có cây nào bằng cây nào. Mỗi
thành viên trong tăng thân đều có những món quà quý hiếm để hiến tặng cho nhau.
Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta đều có mặt này hay mặt kia cần được quan
tâm, chăm sóc. Nếu chúng ta biết trân quý sự cống hiến của mỗi người và nhìn những
yếu kém của mình như những khả năng còn tiềm ẩn để lớn lên thì chúng ta có thể
học được cách sống chung với nhau hòa hợp. Sự thực tập của chúng ta là thấy
mình như một loài hoa hay một loài cây trong khu vườn của tăng thân và tất cả đều
liên hệ mật thiết với nhau.
“Có” nghĩa là có
trong nhau, là tương tức. Như một bông hoa, nhờ có ánh nắng mặt trời, nhờ những
đám mây và đất đai mà bông hoa có mặt, chúng ta cũng vậy. Không ai trong chúng
ta có thể một mình tồn tại được. Bụt đã dạy cho ta về giáo lý tương tức, tương
tức nghĩa là mỗi thứ được làm nên từ những thứ khác. Nếu trả mọi thứ về nguồn gốc
của nó thì không có gì còn lại cả. Nếu chúng ta trả nắng lại cho mặt trời, trả
nước về cho mây, trả đất về lại cho đất mẹ thì sẽ không còn một bông hoa nào tồn
tại cả. Hoa chỉ được làm bằng những yếu tố không phải hoa. Vì vậy hoa không có
ngã. Hoa có đầy đủ mọi thứ nhưng không có một cái ngã riêng biệt. Chúng ta cũng
trống rỗng, chúng ta được làm nên từ vạn hữu. Nhìn vào một người, chúng ta có
thể thấy được toàn thể vũ trụ và tất cả tổ tiên của người ấy trong đó. Chúng ta
có thể thấy được không khí, đất, nước, những chặng đường người đó đã đi qua, những
niềm vui, nỗi khổ mà người đó được trao truyền. Chúng ta chứa đựng tất cả những
yếu tố, thông tin cần thiết cho sự hiểu biết về vũ trụ. Nếu hiểu được bản chất
của tương tức, chúng ta sẽ bớt khổ đi nhiều và chúng ta sẽ hiểu được tại sao ở
trong tăng thân là rất quan trọng.
Thực tập chánh niệm
chung với nhau trong tăng thân, chúng ta sẽ vui tươi, thư thái và vững vàng
hơn. Chúng ta là những tiếng chuông chánh niệm cho nhau, yểm trợ nhau và nhắc
nhở nhau trên con đường tu tập. Nhờ đó, chúng ta có thể nuôi lớn niềm hỷ lạc
trong ta và chung quanh ta. Đó là món quà quý giá mà ta có thể hiến tặng cho những
người ta nguyện thương yêu và chăm sóc. Chúng ta có thể bồi đắp sự vững chãi, tự
do trong ta – vững chãi trong nguyện ước sâu sắc nhất của mình và tự do vượt
thoát những hiểu lầm, đau khổ, sợ hãi.
Thực Tập
Xây dựng tăng thân
cũng giống như trồng hoa hướng dương vậy. Chúng ta cần ý thức những điều kiện
nào giúp cho hoa lớn mạnh và điều kiện nào làm cho hoa không phát triển được.
Chúng ta cần hạt giống tốt, người làm vườn có kinh nghiệm, có đủ ánh nắng mặt
trời và không gian để hoa lớn lên. Khi tham gia vào công việc xây dựng tăng
thân, điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ là chúng ta cùng làm chung với
nhau. Càng nương tựa tăng thân, chúng ta càng dễ buông bỏ mặc cảm mình là một
cái ta riêng lẻ. Nếu thả mình vào tăng thân, nương vào cái thấy và tuệ giác của
tăng thân, chúng ta sẽ thấy rất rõ rằng con mắt, bàn tay, trái tim của tăng
thân lớn hơn của bất kỳ một cá nhân nào.
Nếu chúng ta đang sống
chung với gia đình hoặc với những người bạn thân thì chúng ta có thể bắt đầu với
những người thân trong gia đình và với những người bạn. Gia đình và bạn bè là
tăng thân của ta. Chúng ta cũng có thể lập tăng thân nơi sở làm của mình bằng
cách tập cảm thông, thương yêu với đồng nghiệp và xem nhau như anh chị em thân
thương của mình. Chúng ta đi thiền hành mỗi khi qua lại trên hành lang. Chúng
ta có thể ăn cơm chánh niệm với nhau hay ngồi yên, đi bộ chung trong giờ nghỉ
giải lao, hoặc cùng nhau thực tập thiền điện thoại. Chúng ta có thể thỉnh
chuông và mời mọi người cùng tham dự. Có thể bắt đầu bằng một tăng thân nho nhỏ,
hai người, nhưng năng lượng chánh niệm, bình an, hòa hợp quanh ta sẽ lớn lên và
tăng thân của ta sẽ sớm phát triển.
Làm Mới
Làm mới là nhìn thật sâu vào chính mình, vào những hành động, lời nói, suy nghĩ của mình trong quá khứ để sửa đổi, để bắt đầu lại một sự mới mẻ trong ta và trong mối liên hệ giữa ta với những người khác. Chúng ta làm mới là để làm cho thân tâm thanh tịnh và giữ cho sự thực tập của chúng ta luôn tươi mới. Nếu chúng ta có khó khăn với ai đó, ta hoặc người kia buồn giận, khổ đau thì chúng ta biết đây là lúc để thực tập làm mới.
Làm mới giúp ta phát
triển khả năng nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu với tâm từ bi, vì đó là sự thực
tập công nhận và trân quý những yếu tố lành mạnh tích cực trong tăng thân. Công
nhận những điểm tích cực của người khác giúp ta thấy được những phẩm chất tốt đẹp
của chính mình. Bên cạnh những điểm tốt, mỗi chúng ta ai cũng có những yếu kém
như vung vãi sự giận dữ lên người khác hoặc bị kẹt vào những tri giác sai lầm của
mình. Cũng giống như trong một khu vườn, khi ta chăm sóc, tưới tẩm những đóa
hoa từ bi thì đồng thời ta cũng lấy đi được cái năng lượng cỏ dại của giận dữ,
ganh tị, đố kị và hiểu lầm trong ta.
Chúng ta có thể thực
tập làm mới mỗi ngày bằng cách bày tỏ sự trân quý của ta đối với mọi người
trong tăng thân và xin lỗi ngay nếu chúng ta nói hoặc làm điều gì đó đau lòng
người khác. Chúng ta cũng có thể khéo léo, nhã nhặn cho người khác biết là
chúng ta đang bị tổn thương. Sức khỏe, hạnh phúc của tăng thân tùy thuộc vào sự
hòa hợp và niềm an vui của mọi người.
Thực Tập
Ở Làng Mai, chúng ta
thực tập làm mới mỗi tuần. Mọi người ngồi lại với nhau thành một vòng tròn, ở
giữa có một bình hoa tươi. Chúng ta theo dõi hơi thở trong khi chờ vị chủ tọa bắt
đầu. Làm mới có ba bước: thứ nhất là tưới hoa, thứ hai là bày tỏ sự hối tiếc,
thứ ba là nói lên những niềm đau và khó khăn của mình. Sự thực tập này giúp
ngăn chặn tình trạng khổ đau chồng chất từ tuần này sang tuần khác và tạo ra một
không khí hòa hợp cho mọi người trong tăng thân.
Khi có ai đó đã sẵn
sàng làm mới, người ấy chắp tay lên, những người khác cũng chắp tay đáp lại tỏ
ý là mọi người đã sẵn sàng lắng nghe và người kia có thể chia sẻ. Sau đó người ấy
đứng dậy, từ từ đi đến bình hoa, nâng bình hoa lên và trở về chỗ ngồi của mình.
Khi nói, những lời nói của người kia chứa đựng sự tươi mát, đẹp đẽ của những
bông hoa trong tay người ấy. Chúng ta bắt đầu phần làm mới bằng cách tưới hoa.
Trong suốt thời gian tưới hoa, người ấy công nhận những phẩm chất hiền thiện,
quý giá của những người khác. Đây không phải là tâng bốc mà là sự thật. Mỗi người
ai cũng có những điểm mạnh, chỉ cần ý thức là ta có thể thấy được điều đó.
Không ai được cắt ngang lời người đang chia sẻ (người đang giữ bình hoa). Mọi
người phải thực tập lắng nghe sâu và cho phép người ấy có đủ thời gian để nói
ra những gì người ấy cần nói. Khi nói xong, người ấy đứng dậy, từ từ mang bình
hoa trả lại giữa vòng tròn.
Chúng ta không nên
xem thường bước tưới hoa đầu tiên này. Khi thật sự công nhận những phẩm chất tốt
đẹp của người kia thì chúng ta dễ dàng buông bỏ những trách móc, giận hờn trong
ta. Tự nhiên ta sẽ mềm ra và cái nhìn của ta trở nên thoáng rộng hơn. Ta có khả
năng ôm ấp, chấp nhận, bao dung được tất cả những gì đang xảy ra. Khi không còn
bị kẹt vào những tri giác sai lầm, bực dọc và phán xét, chúng ta có thể dễ dàng
tìm ra cách hòa giải với những người khác trong tăng thân hoặc trong gia đình.
Điểm chính yếu của sự thực tập này là khôi phục lại tình thương và sự hiểu biết
của mọi người trong tăng thân. Chúng ta có thể thay đổi cách thức đôi chút để
phù hợp với tình hình và căn cơ của những người đang tham dự. Vì vậy, chúng ta
cần tham vấn những người có nhiều kinh nghiệm trong sự thực tập này và đã từng
đi qua những khó khăn tương tự để mọi người được lợi lạc.
Trong bước thứ hai của
phần làm mới, chúng ta xin lỗi người mà ta đã làm tổn thương. Đôi khi chỉ cần một
câu nói thiếu cẩn trọng, thiếu chánh niệm là ta đã làm cho người khác bị tổn
thương rồi. Buổi làm mới là một cơ hội giúp ta nhớ lại những lỗi lầm của mình
trong tuần để thay đổi và làm mới trở lại.
Bước thứ ba, chúng ta
dùng lời ái ngữ để nói cho người kia biết là người kia đã làm ta tổn thương.
Chúng ta nói ra sự thật mà không làm tổn hại nhau vì chúng ta muốn trị liệu cho
tăng thân chứ không phải muốn phá hoại tăng thân. Lắng nghe sâu là một phần
quan trọng của sự thực tập này. Khi ngồi trong vòng tròn mà tất cả mọi người đều
đang thực tập lắng nghe sâu thì những lời nói của ta sẽ trở nên dễ thương hơn,
có tính chất xây dựng hơn. Chúng ta không tranh cãi hay đổ lỗi.
Bước cuối cùng của phần
làm mới là lắng nghe sâu – lắng nghe với tâm từ bi. Lắng nghe với tâm từ bi rất
quan trọng. Chúng ta lắng nghe những khó khăn và niềm đau của người khác với
tinh thần tự nguyện để làm vơi bớt những khổ đau của họ mà không phải để phê
phán hay tranh cãi. Chúng ta lắng nghe với tất cả sự chú tâm của mình. Cho dù
người kia có nói điều gì không đúng sự thật, chúng ta vẫn tiếp tục lắng nghe để
người kia có thể nói hết những niềm đau trong họ, giúp họ vơi bớt những căng thẳng
trong lòng. Nếu chúng ta trả lời lại hoặc chỉnh sửa họ thì sự thực tập sẽ không
mang lại kết quả. Chúng ta chỉ lắng nghe thôi. Nếu cần cho người kia biết những
tri giác của họ không đúng thì chúng ta có thể đợi vài ngày và nói một cách kín
đáo, bình tĩnh. Rồi những buổi làm mới sau, có thể chính người kia tự chỉnh sửa
những sai lầm ấy mà chúng ta không cần phải nói gì cả. Chúng ta có thể kết thúc
buổi làm mới bằng một bài hát, hay nắm tay nhau và cùng thở với nhau trong vài
phút.
Hiệp Ước Sống Chung An Lạc
Giả sử có một người bạn
hoặc một đồng nghiệp nói điều gì đó không hay làm ta bị tổn thương. Nếu ta trả
lời lại ngay lập tức thì tình trạng có nguy cơ trở nên tệ hơn. Thay vào đó, ta
theo dõi hơi thở để làm lắng dịu và an tịnh thân tâm. Khi thân tâm an tịnh, ta
có thể nói: “Này anh, những lời anh nói làm em thấy bị tổn thương. Em muốn nhìn
sâu vào điều này và em cũng muốn anh nhìn sâu vào nó”. Sau đó chúng ta sẽ hẹn một
ngày khác trong tuần để cùng nhìn lại việc này. Một người biết nhìn vào gốc rễ
của khổ đau là đã tốt rồi, nhưng nếu cả hai người nhìn lại thì tốt hơn. Và nếu
cả hai người cùng nhìn chung với nhau thì sẽ là tốt nhất.
Có thể bên trong
chúng ta đang có một trận chiến, chúng ta đang làm thương tổn thân thể mình bằng
rượu và các chất ma túy. Giờ đây, chúng ta có cơ hội để ký một hiệp ước với
thân thể ta, với những cảm thọ, cảm xúc trong ta. Mỗi khi ký một hiệp ước sống
chung an lạc là chúng ta bắt đầu có an lạc, có khả năng hòa giải được với những
người thương của ta. Nếu trong ta có xung đột, chiến tranh thì với người thương
của ta, ta cũng dễ dàng gây chiến, nói chi đến kẻ thù. Cách chúng ta nói năng
và hành xử cho thấy là ta đang đối xử với nhau như thế nào, như những người
thương hay như kẻ thù. Nếu người thương của ta là kẻ thù của ta thì làm sao hy
vọng có hòa bình an lạc trên đất nước và trên thế giới này?
Tất cả chúng ta đều
có những hạt giống của tuệ giác. Chúng ta biết rằng trừng phạt sẽ không đi đến
đâu cả, ấy vậy mà chúng ta vẫn luôn cố trừng phạt nhau. Khi người thương của ta
nói hoặc làm điều gì đó khiến ta đau khổ thì ta muốn trừng phạt người đó, bởi
vì ta tin rằng trừng phạt người đó, ta sẽ khuây khỏa, nhẹ nhàng. Có những lúc tỉnh
táo, sáng suốt, ta biết rằng điều đó thật trẻ con và ngu dại, bởi vì ta đã làm
cho những người ta thương đau khổ, tới lượt người ấy cũng sẽ trừng phạt lại ta
cho hả dạ, và như vậy sự trừng phạt sẽ leo thang.
Hiệp ước sống chung
an lạc và Mẫu giấy nhắn tin là hai phương tiện giúp ta trị liệu những cơn giận,
những thương tổn trong ta và trong người kia. Khi ký hiệp ước sống chung an lạc,
chúng ta không chỉ tạo nên an lạc với người khác mà còn tạo nên an lạc cho tự
thân.
Thực Tập
Văn bản Hiệp ước sống
chung an lạc chỉ thật sự có ích nếu chúng ta thực sự ký giao kèo với nó mà
không phải chỉ đọc nó. Trong hiệp ước đề nghị lấy tối thứ Sáu làm buổi tối hòa
giải. (Nếu chúng ta bắt đầu có sự xung đột vào ngày thứ sáu thì chúng ta có thể
chọn tối thứ Sáu tuần sau làm tối hòa giải). Chúng ta cũng có thể chọn bất kỳ
buổi tối nào làm tối hòa giải. Tuy nhiên, hiệp ước đề nghị vào tối thứ Sáu có
hai lý do. Thứ nhất, nếu chúng ta còn đau khổ, còn thấy bị tổn thương mà chúng
ta đàm luận ngay thì rất nguy hiểm. Chúng ta có thể nói những điều làm cho tình
trạng tồi tệ hơn. Từ bây giờ cho đến tối thứ Sáu, ta và người kia có thể thực tập
nhìn sâu vào bản chất nỗi khổ đau. Trong khi lái xe, ta cũng có cơ hội để nhìn
sâu vào nó. Trước tối thứ Sáu, một trong hai người, hoặc cả hai người có thể
nhìn thấy được nguồn gốc của vấn đề và có thể nói chuyện với người kia, xin lỗi
người kia. Sau đó vào tối thứ Sáu, hai người có thể uống trà chung với nhau, có
mặt cho nhau và trân quý sự có mặt của nhau. Đó là thiền tập. Thiền là để an định
chính mình và nhìn sâu vào bản chất của nỗi khổ niềm đau.
Nếu gần đến tối thứ
Sáu mà nỗi khổ đau vẫn chưa được chuyển hóa, chúng ta có thể thực tập nghệ thuật
lắng nghe của Bồ Tát Quan Thế Âm: một người bày tỏ những nỗi niềm của mình
trong khi người kia hết lòng lắng nghe. Khi nói, chúng ta nói ra những sự thật
sâu sắc nhất bằng lời nói ái ngữ để người kia có thể hiểu và chấp nhận được.
Trong khi lắng nghe, chúng ta phải ý thức rằng việc lắng nghe của ta phải có phẩm
chất để làm vơi đi nỗi khổ đau trong người kia. Lý do thứ hai chờ đến tối thứ
Sáu là nếu chúng ta hòa giải được vào tối thứ Sáu thì ta có ngày thứ Bảy và Chủ
nhật để có mặt cho nhau, hết lòng với nhau.
HIỆP ƯỚC SỐNG CHUNG AN LẠC
Để sống hạnh phúc
chung với nhau lâu dài, để tiếp tục xây dựng tình thương và hiểu biết, chúng
con, những người ký tên dưới đây, xin nguyện cam kết và thực tập theo đúng những
đề mục sau đây:
Con, người đang chịu
đau khổ vì hờn giận, xin cam kết:
Không nói, không làm
bất cứ điều gì có thể tạo thêm đổ vỡ và làm cho cơn giận của hai bên lớn thêm.
Không đè nén cơn giận
xuống mà cũng không đàn áp cơn giận của mình.
Nắm lấy hơi thở, thực
tập hơi thở chánh niệm, quay về nương tựa hải đảo tự thân.
Cho người kia biết một
cách bình tĩnh là mình đang giận và đang khổ, trong thời hạn tối đa là 24 giờ đồng
hồ.
Bình tĩnh xin hẹn gặp
người kia vào tối thứ Sáu để cùng nhìn lại vấn đề rõ hơn.
Nếu chưa được bình
tĩnh để nói thẳng thì có thể điền vào mẫu giấy nhắn tin (gọi là giấy hẹn, mẫu
đính kèm sau đây) và đưa cho người kia.
Đừng tự ái mà nói:
“Tôi đâu có giận. Có sao đâu. Tôi đâu có khổ gì đâu. Có gì đâu mà giận. Không
có gì đáng cho tôi giận cả.”
Trong khi đi, đứng, nằm,
ngồi, lái xe hoặc làm việc… thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để
thấy:
Đôi lúc tôi cũng thiếu
chánh niệm, thiếu khéo léo.
Tôi đã làm cho người
kia buồn khổ nhiều lần vì tập khí của tôi.
Hạt giống của giận hờn
trong tôi là nguyên nhân chính làm tôi đau khổ.
Người kia chỉ là người
tưới tẩm hạt giống giận hờn trong tôi.
Người kia cũng đang
đau khổ cho nên mới làm như vậy.
Chừng nào người kia
còn khổ, chừng ấy tôi vẫn chưa có được an lành và hạnh phúc.
Nếu thấy được sự vụng
về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi người kia ngay, đừng đợi
đến chiều thứ Sáu.
Nếu đến tối thứ Sáu
mà còn chưa đủ bình tĩnh thì xin dời hẹn đến thứ Sáu tuần sau.
Con, người có trách
nhiệm về việc làm người kia giận hờn:
Thấy người kia giận,
đừng chế nhạo. Phải tôn trọng cảm thọ của người ấy và để cho người ấy đủ thời
gian lấy lại sự bình an.
Đừng ép người kia phải
giãi bày liền về cơn giận của người ấy.
Bằng lời nói hoặc viết
lên một mẫu giấy nói với người kia là mình đã nghe hoặc đã biết người kia giận
và hứa với người kia rằng mình sẽ có mặt vào chiều thứ Sáu.
Trong khi đi, đứng, nằm,
ngồi, lái xe hoặc làm việc… thực tập hơi thở chánh niệm và quán chiếu sâu sắc để
thấy:
Trong tôi cũng có những
hạt giống của sự không dễ thương, của bực bội và giận hờn.
Tập khí trong tôi đã
có nhiều phen gây ra đau khổ cho người kia.
Tôi tưởng làm cho người
kia khổ thì tôi sẽ bớt khổ nhưng tôi đã lầm.
Làm cho người kia khổ,
tôi cũng làm cho tôi khổ theo.
Nếu thấy được sự vụng
về và thiếu chánh niệm của mình, hãy tìm cách xin lỗi người kia ngay, đừng đợi
đến chiều thứ Sáu. Xin lỗi mà đừng tìm cách biện bạch.
Trước sự chứng minh của
đức Thế Tôn và với niệm lực của tăng thân, chúng con xin nguyện tuân theo những
đề mục của hiệp ước này và thực tập hết lòng. Cầu xin Tam Bảo gia hộ cho chúng
con có đủ niềm tin và sự sáng suốt.
Hiệp ước làm tại……
ngày…… tháng…… năm…..
Các đương sự:
………………………………………………..
Thực Tập
Chúng ta có thể sử dụng
Mẫu giấy nhắn tin kèm với Hiệp ước sống chung an lạc, photo sẵn trong nhà để
khi cần là có để sử dụng.
“Mẫu giấy nhắn tin”
như sau:
Ngày:
Giờ:
……… thương mến!
Sáng nay (chiều nay)
anh đã nói những điều làm cho em rất giận và em rất khổ đau. Em muốn anh biết
điều này. Anh đã nói: “……….”
Xin anh hãy cùng em
nhìn lại những gì anh đã nói và chúng ta cùng ngồi lại với nhau một cách cởi mở,
bình tĩnh để hiểu rõ hơn vấn đề này vào tối thứ Sáu.
0 Đánh giá