Read more
Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Gieo Trồng Hạnh Phúc
Chương 7. Đệ Nhị Thân
Đệ Nhị Thân
Trong một tăng thân
hoặc một gia đình lớn, khó để biết được những gì đang xảy ra cho tất cả mọi người.
Vì vậy, ở Làng Mai, chúng ta chế tác ra một pháp môn thực tập để xây dựng tăng
thân, gọi là đệ nhị thân. Chính bản thân mình được gọi là “thân thứ nhất” và một
người khác trong tăng thân hoặc trong gia đình là “thân thứ hai” (đệ nhị thân).
Đệ nhị thân của ta sẽ chọn một người khác làm đệ nhị thân của người ấy và cứ thế
tiếp tục cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng sẽ chọn người thứ nhất. Như vậy,
mỗi người đều có một người để chăm sóc và mỗi người cũng đều được chăm sóc bởi
một người khác.
Chăm sóc nghĩa là
quan tâm và giúp đỡ đệ nhị thân của mình khi người đó bị bệnh, bị mệt mỏi vì
làm việc quá sức hay bị phiền não quấy rầy trong tâm. Ví dụ như khi đi du lịch
chung với nhau, chúng ta có trách nhiệm kiểm tra đệ nhị thân của mình để người ấy
không bị bỏ lại. Khi tinh thần của đệ nhị thân sa sút, chúng ta phải tìm cách
nâng đỡ. Khi đệ nhị thân của mình không vui, không thể cười nổi, chúng ta để
tâm giúp cho người đó vui cười trở lại. Khi đệ nhị thân bị cảm, chúng ta có thể
mang thức ăn và thuốc men đến cho người đó. Ở các đạo tràng Mai Thôn đều thực tập
pháp môn đệ nhị thân, điều này đã nâng cao phẩm chất hạnh phúc khi sống chung với
nhau. Mặc dù chăm sóc cho một người, nhưng bằng cách này chúng ta thấy được
mình tương quan với tất cả mọi người trong tăng thân. Trong một gia đình đông
người, thực tập pháp môn đệ nhị thân cũng đem lại kết quả tương tự.
Thực Tập
Thân thứ nhất của ta
chính là ta. Thân thứ hai (đệ nhị thân) của ta là một người khác mà ta sẽ chăm
sóc như một thân rộng lớn hơn. Nếu bạn là đệ nhị thân của tôi, thì tôi là Người
Chăm Sóc bạn. Mỗi người đều chọn một người để làm đệ nhị thân của mình. Người
thứ nhất chọn người thứ hai làm đệ nhị thân, người thứ hai chọn người thứ ba
làm đệ nhị thân và cứ tiếp tục như thế cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng
sẽ chọn người thứ nhất làm đệ nhị thân. Như vậy sẽ hình thành một vòng tròn đệ
nhị thân. Chúng ta phải thấy mình tương quan với đệ nhị thân của mình như thể
người kia là một phần của cơ thể mình mà mình muốn quan tâm và chăm sóc. Vì vậy,
nếu đệ nhị thân của mình không khỏe thì chúng ta phải tìm cách làm thế nào để
giúp đỡ người ấy như mang thức ăn cho người ấy, báo cho tăng thân biết là đệ nhị
thân của mình bị bệnh. Nếu thấy đệ nhị thân của mình không hạnh phúc như trước
thì chúng ta cần quan tâm, chăm sóc, hỏi han và quán chiếu để tìm cách giúp đỡ.
Nếu cần vắng mặt trong các buổi sinh hoạt, chúng ta cũng phải cho người chăm
sóc mình biết.
Người chăm sóc mình
không phải là một nhân viên cảnh sát canh gác, theo dõi tất cả các sinh hoạt của
mình. Trái lại, người đó quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho mình. Đến lượt mình cũng
quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho đệ nhị thân. Nên nhớ rằng mỗi người đều có những
nhu cầu khác nhau, vì vậy chúng ta phải nhạy bén và thông minh để biểu lộ sự
quan tâm của mình. Đôi lúc, chúng ta cần ân cần hỏi han tử tế, nhưng có khi, an
trú nơi hải đảo tự thân với hơi thở ý thức lại là một sự nâng đỡ, yểm trợ tốt
nhất cho đệ nhị thân của mình.
Chăm sóc đệ nhị thân
là sự thực tập rất cụ thể giúp chúng ta có liên hệ mật thiết với nhau và nhận
ra rằng chúng ta thực sự là những bộ phận của cùng một cơ thể. Mỗi người trong
tăng thân đều có một đệ nhị thân. Như vậy, người mà đệ nhị thân của mình đang
chăm sóc sẽ là “thân thứ ba” (đệ tam thân) của mình. Cứ như vậy, bằng cách chăm
sóc cho đệ nhị thân, chúng ta sẽ chăm sóc cho toàn thể đại chúng.
Thiền Ôm
Khi chúng ta ôm nhau,
trái tim ta sẽ mở ra và thấy được sự liên hệ mật thiết giữa mình và mọi người,
chúng ta biết rằng chúng ta không phải là những thực thể riêng biệt. Ôm trong
chánh niệm, chánh định có thể mang lại cho ta sự hòa giải, trị liệu, cảm thông
và hạnh phúc. Thực tập thiền ôm đã giúp rất nhiều người hòa giải được với nhau
như: hai cha con, hai mẹ con, hai người bạn và nhiều người khác nữa.
Thực Tập
Chúng ta có thể thực
tập thiền ôm với bạn mình, với con mình, với cha, mẹ, vợ, chồng, hoặc với một
thân cây. Đầu tiên, chúng ta xá nhau và nhận diện sự có mặt của người kia. Nhắm
mắt lại, thở một hơi thật sâu, quán tưởng mình và người thương của mình trong
300 năm sau. Sau đó ta có thể thực tập ba hơi thở có ý thức để đưa mình trở về
với giây phút hiện tại, có mặt một trăm phần trăm. Thực tập hơi thở ý thức để
đưa tuệ giác vô thường vào sự sống. “Thở vào, tôi biết rằng trong giờ phút này,
sự sống thật quý giá. Thở ra, tôi trân quý phút giây này của sự sống.” Mỉm cười
với người đứng trước mặt mình, cho người đó biết mình muốn được ôm người đó
trong tay. Đây vừa là một sự thực tập vừa là một nghi lễ. Khi chúng ta hợp nhất
thân tâm để có mặt trọn vẹn, để thật sự sống thì đó là một nghi lễ.
Khi uống một ly nước,
tôi để 100% con người tôi vào việc uống nước. Chúng ta nên tập luyện để sống mỗi
giây phút trong đời sống hàng ngày của mình như vậy. Thiền ôm là một sự thực tập
sâu sắc. Chúng ta cần có mặt trọn vẹn để thực tập cho có hiệu quả.
Kế đó, chúng ta mở rộng
vòng tay và ôm người đó vào lòng. Ôm nhau trong ba hơi thở vào – ra. Với hơi thở
thứ nhất, chúng ta ý thức rằng chúng ta đang có mặt trong giây phút này và
chúng ta rất hạnh phúc. Với hơi thở thứ hai, chúng ta ý thức rằng người kia
cũng đang có mặt trong giây phút này và người đó cũng rất hạnh phúc. Với hơi thở
thứ ba, chúng ta ý thức rằng cả hai người đang cùng có mặt ở đây, ngay bây giờ
trên mặt đất này, chúng ta cảm được một niềm biết ơn sâu xa và vô cùng hạnh
phúc là chúng ta đang có mặt cho nhau. Sau đó, ta buông người kia ra và xá nhau
để bày tỏ niềm biết ơn của mình.
Chúng ta cũng có thể
thực tập như sau: trong hơi thở vào – ra đầu tiên, chúng ta ý thức rằng ta và
người thương của ta đều đang còn sống. Trong hơi thở vào – ra thứ hai, hãy nghĩ
đến 300 năm sau, ta và người thương của ta sẽ ở đâu. Và trong hơi thở vào ra –
thứ ba, ta trở về với tuệ giác rằng cả hai đều đang còn sống.
Thực tập thiền ôm như vậy, người kia sẽ trở nên có thực và sống thực. Chúng ta không cần đợi đến khi một trong hai người đi xa mới thực tập thiền ôm, chúng ta có thể thực tập thiền ôm ngay bây giờ để tiếp nhận sự ấm áp và vững chãi của người ta thương trong giây phút hiện tại. Thiền ôm có thể là một sự thực tập hòa giải sâu sắc. Suốt những giây phút ôm nhau trong im lặng, chúng ta cũng có thể gởi đi một thông điệp: “Em, em yêu quý của anh! Anh xin lỗi là đã không chánh niệm và không chu đáo. Anh đã phạm nhiều lỗi lầm. Hãy cho anh cơ hội để làm mới trở lại!”
Sự sống trở nên thật ở
giây phút đó. Những kiến trúc sư cần xây dựng sân bay và nhà ga đủ rộng để có
chỗ thực tập thiền ôm. Nếu thực tập thiền ôm sâu sắc thì hạnh phúc của ta cũng
lớn hơn.
Sử Dụng Ái Ngữ Và Lắng Nghe Sâu
Khi truyền thông bị cắt
đứt hay bị bế tắc, chúng ta khổ đau. Khi không có ai lắng nghe và hiểu ta, ta sẽ
trở thành một trái bom sắp nổ. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta nhiều trị
liệu. Đôi khi, chỉ cần mười phút lắng nghe sâu là chúng ta có thể được chuyển
hóa và có lại nụ cười trên môi.
Trong gia đình chúng
ta, nhiều người đã đánh mất khả năng lắng nghe và nói lời ái ngữ. Vì vậy, ngay
cả khi ở trong gia đình, ta vẫn cảm thấy rất đơn độc. Chúng ta tìm đến bác sĩ
tâm lý trị liệu, hy vọng họ có thể lắng nghe mình. Nhưng nhiều nhà tâm lý trị
liệu cũng có những đau khổ cùng cực trong lòng. Đôi khi họ không thể lắng nghe
ta một cách sâu sắc như ta mong muốn. Vì thế, nếu thực sự thương ai đó, chúng
ta cần luyện tập để trở thành một người biết lắng nghe sâu.
Chúng ta cũng cần luyện
tập để nói cho được những lời nói ái ngữ. Chúng ta đã đánh mất khả năng nói
chuyện nhã nhặn, ôn hòa. Chúng ta dễ cáu kỉnh, bực bội. Mỗi lần mở miệng, lời
nói của ta trở nên chua chát, đắng cay. Chúng ta đã đánh mất khả năng nói chuyện
từ tốn, dễ thương. Không có khả năng này, chúng ta không thể thành công được
trong việc tái lập lại sự hòa hợp, thương yêu và hạnh phúc.
Trong truyền thống đạo
Bụt, có những vị Bồ Tát có trí tuệ và từ bi lớn, nguyện ở lại trái đất này để
làm vơi bớt khổ đau của muôn loài. Một trong số đó là Bồ Tát Quan Thế Âm, còn
được gọi là Quán Tự Tại, là người có khả năng lắng nghe siêu việt với lòng từ
bi và với sự có mặt đích thật của mình. Bồ Tát Quán Tự Tại có thể lắng nghe và
hiểu được những âm thanh của thế gian, hiểu được những tiếng kêu đau thương của
muôn loài.
Thực Tập
Chúng ta thở chánh niệm
để lòng từ bi luôn luôn có mặt trong ta. Chúng ta lắng nghe mà không đưa ra một
lời khuyên bảo hay phê bình nào. Chúng ta có thể tự nói với mình rằng: “Tôi
đang lắng nghe anh chỉ vì tôi muốn làm vơi bớt những đau khổ trong anh.” Đó gọi
là lắng nghe với tâm từ bi. Chúng ta phải nghe như thế nào để lòng từ bi có mặt
với ta trong suốt thời gian lắng nghe. Đó là một nghệ thuật. Nếu đang nghe nửa
chừng mà sự bực tức và giận dỗi nổi lên thì ta không thể tiếp tục lắng nghe được.
Chúng ta phải thực tập như thế nào để mỗi lần năng lượng bực bội, giận hờn trỗi
dậy, ta có thể trở về với hơi thở chánh niệm và tiếp tục giữ được lòng từ bi
trong ta. Chính nhờ lòng từ bi mà ta có thể lắng nghe người khác. Cho dù người
kia có nói bất cứ điều gì, nhìn nhận sự việc không công bằng, hay người đó có kết
án, đổ lỗi cho ta, ta vẫn tiếp tục ngồi yên và theo dõi hơi thở.
Nếu thấy mình không
thể tiếp tục ngồi nghe như vậy, hãy cho người kia biết. Chúng ta có thể nói:
“Chị ơi (anh ơi), mình có thể tiếp tục nói chuyện này vào một ngày khác không?
Em cần làm mới chính mình. Em cần thực tập thêm để có thể lắng nghe chị (lắng
nghe anh) bằng cách hay nhất mà em có thể.” Nếu không đủ sức, chúng ta không thể
lắng nghe người đó. Chúng ta cần thực tập thiền hành nhiều hơn, thực tập hơi thở
chánh niệm nhiều hơn và ngồi thiền nhiều hơn để phục hồi lại khả năng lắng nghe
với tâm từ bi của mình.
Chăm Sóc Cơn Giận Và Những Cảm Xúc Mạnh
Cơn giận của chúng ta
như một đứa trẻ đang khóc đòi mẹ. Khi em bé khóc, người mẹ ẵm em bé lên một
cách nhẹ nhàng, lắng nghe em bé và quan sát kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân vì
sao em bé khóc. Chỉ cần ôm em bé vào lòng với tình thương yêu và sự dịu dàng là
đã làm dịu đi những khổ đau trong em bé rồi. Cũng vậy, nếu ta ôm ấp cơn giận bằng
tình thương yêu thì ngay lập tức ta sẽ thấy lắng dịu. Ta không cần tống khứ cơn
giận đi bởi vì cơn giận cũng là một phần của ta, đang cần tình thương và sự lắng
nghe sâu như em bé kia. Sau khi em bé dịu xuống, người mẹ có thể nhận ra là em
bé đang bị sốt hay em bé cần thay tã. Cũng vậy, khi thân tâm lắng dịu, mát mẻ,
ta có thể nhìn sâu vào cơn giận của mình để thấy rõ những điều kiện, nguyên
nhân nào làm cơn giận phát sinh.
Sách “Thiền Uyển Tập
Anh” có kể về lịch sử các vị thiền sư. Trong đó, có một vị thiền sư nói rằng:
“Một vị xuất sĩ không được giận quá một đêm” (Tăng hận bất cách túc). Còn trẻ
con Việt Nam thì hay nói là: “Buồn (giận) năm phút!” Chúng ta có quyền giận hay
buồn nhưng chỉ năm phút thôi là đủ. Vị thiền sư trong “Thiền Uyển Tập Anh” cho
ta được quyền giận cả một đêm, nhưng vào sáng hôm sau, chúng ta phải chấm dứt sự
giận hờn của mình.
Nếu chúng ta thực tập
có mặt với những cảm xúc mạnh thì năng lượng từ bi và sự quan tâm chăm sóc của
ta sẽ làm giảm bớt cường độ hờn giận và buồn phiền trong ta. Mỗi khi có một cơn
bão đi qua, chúng ta phải quay về nhà, đóng hết cửa nẻo lại để mưa gió không
xâm nhập vào làm hư hoại nhà cửa. Nếu không có điện, chúng ta thắp nến, thắp
đèn lên. Nếu trời lạnh, chúng ta nhóm lên một đống lửa hoặc mở sưởi lên. Chúng
ta tạo ra một nơi an toàn ấm áp bên trong, trong khi bên ngoài cơn bão vẫn đang
ập tới.
Một cảm xúc mạnh cũng
giống như một cơn bão, có thể gây ra rất nhiều thiệt hại. Chúng ta phải tìm
cách bảo vệ chính mình, tạo ra một môi trường an toàn để trú ẩn và chờ cho cơn
bão chấm dứt. Chúng ta không thể ngồi nhìn cơn bão đi qua càn quét hết gia tài
của mình. Giữ cho thân tâm an toàn khi có cơn bão ập tới là sự thực tập của
chúng ta. Sau mỗi cơn bão, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, vững chãi hơn và
không bao lâu, chúng ta sẽ không còn sợ giông bão nữa. Chúng ta không cầu cho
trời yên biển lặng mà chỉ nguyện cầu cho mình có đủ tuệ giác và sức mạnh để giải
quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, chúng ta
không chờ đến lúc những cơn bão cảm xúc nổi lên mới bắt đầu thực tập. Chúng ta
phải thực tập ngay hôm nay và mỗi ngày từ 5 đến 10 phút. Sau vài ba tuần, chúng
ta sẽ nắm được phương pháp thở và khi những cơn bão cảm xúc đến, tự nhiên ta sẽ
nhớ thực tập ngay.
Thực Tập
Có Mặt Với Cơn Giận
Khi ta giận, cách tốt
nhất là đừng nói gì và làm gì cả. Đừng để ý đến người hoặc tình huống đang tưới
tẩm hạt giống giận hờn trong ta. Thay vào đó, chúng ta trở về với chính mình.
Thực tập hơi thở ý thức và đi thiền hành ngoài trời để làm lắng dịu thân tâm,
làm cho thân tâm tươi tỉnh trở lại. Sau khi thấy lắng dịu, thư thái, chúng ta
có thể nhìn sâu vào chính mình, vào người làm mình giận và vào tình huống gây
ra cơn giận của mình. Thông thường, khi chúng ta có khó khăn với một người nào
đó, có thể là do người đó có những đặc điểm, tính cách phản ảnh lại những yếu
kém của ta khiến ta khó chấp nhận. Khi ta biết nuôi lớn tình thương, biết chấp
nhận chính mình thì tự nhiên ta sẽ biết thương yêu và chấp nhận người khác.
Khi giận, chúng ta
nên đi thiền hành. Chúng ta có thể đọc thầm những câu sau:
Thở vào, tôi biết cơn giận đang có trong tôi.
Thở ra, tôi biết đây là một cảm thọ không dễ chịu.
Và sau khi đã đi thiền hành một lát:
Thở vào, tôi thấy lắng dịu
Thở ra, bây giờ tôi cảm thấy đủ mạnh để chăm sóc cơn giận của
tôi.
Chúng ta chỉ theo dõi
hơi thở, đi thiền hành cho an và thưởng thức những cảnh đẹp bên ngoài cho đến
khi ta cảm thấy đủ bình tĩnh để nhìn thẳng vào cơn giận. Một lát sau, cơn giận
sẽ lắng xuống và chúng ta thấy đủ mạnh để nhìn thẳng vào nó, tìm hiểu những
nguyên nhân gây ra nó và bắt đầu công trình chuyển hóa của ta.
Nếu khi ngồi thiền mà
cơn giận vẫn còn đó, chúng ta có thể quán chiếu về bài thi kệ sau:
Giận nhau trong bản môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Em đâu và tôi đâu?
Đây là tuệ giác vô
thường. Khi giận một người nào đó, ta muốn trừng phạt người đó cho hả giận. Đó
là khuynh hướng tự nhiên. Nhưng nếu nhắm mắt lại và quán tưởng về mình và người
thương của mình trong ba trăm năm sau, ta sẽ đạt được tuệ giác vô thường. Chỉ với
một hơi thở vào và một hơi thở ra là đủ để chúng ta đạt tới tuệ giác này. Khi mở
mắt ra, chúng ta chỉ còn muốn làm một việc duy nhất, là mở rộng vòng tay và ôm
người đó vào lòng. Đó là điều duy nhất đáng làm, trân quý sự có mặt của người
đó vì sự thật vô thường. Chỉ khi nào chúng ta đánh mất ý thức về vô thường,
chúng ta mới nổi giận.
Chúng ta đau khổ
không phải vì sự vật vô thường mà vì sự vật là vô thường mà ta cho là thường.
Điều này rất quan trọng. Vì vậy chúng ta phải thực tập hơi thở chánh niệm để đạt
được tuệ giác vô thường và sống được với tuệ giác ấy. Sau đó chúng ta sẽ biết
điều gì nên làm và điều gì không nên làm để cho cuộc sống thú vị hơn. Nhìn vào
một bông hoa, một cụm mây, một con người, chúng ta có thể tiếp xúc được với tự
tính vô thường. Vô thường quan trọng như thế nào? Không có vô thường thì không
có gì có thể có được. Đừng phàn nàn về vô thường. Nếu mọi sự mọi vật không vô
thường, làm sao hạt bắp có thể trở thành cây bắp? Làm sao con cái ta trưởng
thành? Vô thường là nền tảng của sự sống. Tuy nhiên, dù ta sống với thực tại vô
thường mỗi ngày, ta cũng phủ nhận nó. Khi thực tập nhìn sâu vào lòng sự vật, ta
có thể khám phá ra bản chất của vô thường và làm cho nó trở thành một tuệ giác
linh động mà ta có thể mang theo trong mỗi phút giây của cuộc sống hằng ngày.
Thực Tập Với Những Cảm Xúc Mạnh (1)
Mỗi khi nỗi buồn, cơn
giận hay thất vọng đi lên trong ta, ta phải có khả năng xử lý chúng. Bởi vì giận
hờn, thất vọng là một phần của ta. Đừng đấu tranh hay phản kháng lại, bởi vì
làm như vậy là ta đang tiếp tay cho một hành động bạo động chống lại chính
mình. Mỗi lần cơn bão cảm xúc mạnh nổi lên, ta ngồi yên lặng, giữ lưng thẳng,
quay về với hơi thở, quay về với tự thân và đóng tất cả những cánh cửa giác
quan lại.
Chúng ta có sáu giác
quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đừng nhìn, đừng nghe, đừng suy nghĩ về những
điều mà ta tin đó là nguồn gốc gây ra đau khổ cho ta, như một câu nói, một lá
thư, một hành động, một tin tức… Hãy trở về với chính mình, nắm lấy hơi thở và
theo sát từng hơi thở vào ra. Giống như một vị thuyền trưởng giữ chặt bánh lái
con tàu đang tròng trành trên sóng nước. Hơi thở chánh niệm là cái neo, là bánh
lái, là cột buồm.
Thở một hơi dài, để
toàn bộ sự chú tâm vào hơi thở vào ra. Chú ý vào phần bụng dưới, thấy bụng phồng
lên khi thở vào và xẹp xuống khi thở ra. Tập trung tâm ý vào đan điền, đừng để
nó lang thang lên đầu. Dừng lại mọi suy nghĩ, chỉ theo dõi một cách sát sao hơi
thở của mình. Hãy nhắc nhở chính mình là: “Ta đã đi qua nhiều cơn bão. Cơn bão
nào cũng đều phải đi qua, không có cơn bão nào ở lại mãi mãi. Tình trạng này của
tâm cũng phải đi qua. Tất cả đều vô thường. Cơn bão chỉ là cơn bão. Ta không chỉ
là cơn bão. Ta có thể tìm thấy an toàn trong cơn bão. Ta sẽ không để cho cơn
bão tàn hại ta.” Thấy được như vậy, nhớ thực tập như vậy là ta đã bắt đầu làm
chủ được chính mình và không còn là nạn nhân của cơn bão cảm xúc nữa.
Nhìn vào một ngọn cây
đang quằn quại trong giông bão, ta có cảm giác cái cây đó sẽ bị ngã đổ, trốc gốc
bất cứ lúc nào. Nhưng nếu nhìn xuống thân cây hoặc gốc cây, chúng ta biết rằng
cây đó có rất nhiều rễ bám sâu vào lòng đất. Ta sẽ thấy nhẹ nhõm. Ta biết rằng
cây đó sẽ đứng vững mạnh. “Đan điền” là một huyệt dưới rốn, là gốc của cái cây.
Ta hãy đem sự chú tâm vào đan điền, đừng để những suy nghĩ, những cái nhìn, cái
nghe đẩy ta lên ngọn cây. Thực tập thở như vậy trong năm, mười hoặc mười lăm
phút, chú tâm vào hơi thở, vào đan điền và để những cảm xúc đi qua. Khi cơn bão
cảm xúc đã đi qua, ta biết rằng ta có khả năng bảo vệ chính mình, có khả năng
làm chủ những cơn bão cảm xúc trong ta. Ta có niềm tin nơi chính mình và không
còn sợ hãi nữa. Chúng ta có nhiều cách để bảo vệ chính mình mỗi khi cơn bão cảm
xúc xảy đến. Và như vậy, chúng ta sẽ có rất nhiều bình an.
Thực Tập Với Những Cảm Xúc Mạnh (2)
Nếu đang trải qua một
giai đoạn khó khăn trong đời thì chúng ta cần phải làm lớn mạnh lên hạnh phúc
trong ta trước khi giải quyết những thách thức đó. Nhưng thực tế thì chúng ta
làm ngược lại. Vì vậy, bắt đầu nuôi dưỡng hạnh phúc cho chính mình là nền tảng
để giải quyết những nỗi khổ đau trong ta.
Chúng ta có thể áp dụng
bài tập sau đây. Ngồi tĩnh lặng ở một nơi yên vắng nào đó và ý thức về hơi thở
của mình. Sử dụng bài thiền tập đầu tiên để chế tác niềm hỷ lạc trong ta. Sau
đó, thực tập bài tập thứ hai để lấy lại dũng khí, chuyển hóa khổ đau.
Thở vào, tôi ý thức về sự an vui trong tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với sự an vui trong tôi.
Thở vào, tôi ý thức về hạnh phúc trong tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với niềm hạnh phúc trong tôi.
Thở vào, tôi ý thức về những khổ thọ đang có trong tôi.
Thở ra, tôi buông bỏ những căng thẳng do khổ thọ gây nên trong
tôi.
0 Đánh giá