Chương 8. Soi Sáng – Pháp Đàm

Chương 8. Soi Sáng – Pháp Đàm

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Gieo Trồng Hạnh Phúc

Chương 8. Soi Sáng – Pháp Đàm





Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Gieo Trồng Hạnh Phúc' ê


Soi Sáng

Soi sáng cho một người nghĩa là dùng sự quán sát và tuệ giác của mình để chỉ bày cho người kia thấy được những điểm mạnh, điểm yếu của người đó và đề nghị những cách thức thực tập cụ thể để người đó có thể thực tập tiến bộ hơn. Đây là một sự thực tập quan trọng, có hiệu quả tốt nhất khi chúng ta thực tập đều đặn, có những mối liên hệ thân thiết và tương giao tốt với nhau.

Thực Tập

Mỗi người đều xin tăng thân soi sáng cho mình, để giúp mình nhìn lại tự thân rõ ràng hơn – những điểm mạnh, những điểm yếu và phẩm chất tu học của mình. Đây là sự thực tập sâu sắc cho người soi sáng lẫn người được nhận soi sáng. Điều này đòi hỏi phải có sự quán chiếu. Chúng ta cần nhìn vào sư anh, sư chị, sư em của mình và tiếp xúc với những gì ta thực sự trân quý nơi sự thực tập của người ấy. Động lực duy nhất của việc soi sáng là muốn giúp cho người kia chuyển hóa bằng tình thương và lòng từ bi của mình.

Trước khi bắt đầu soi sáng, chúng ta sẽ đọc một bản văn để quán chiếu và thực tập trong buổi soi sáng. Sau đó, người được soi sáng sẽ chắp hai tay lại và xin tăng thân soi sáng cho mình: “Kính bạch đại chúng, xin đại chúng chỉ cho con thấy những điểm mạnh, điểm yếu của con và chỉ cho con cách thức thực tập để sự tu học của con được vững mạnh hơn”. Người đó sẽ tự trình bày sự thực tập mà người đó đã áp dụng trong vài tháng nay: “Kính bạch đại chúng, con có những điểm yếu kém này, những tập khí này… Con đã ý thức, đã sử dụng những phương pháp này để vượt qua và chuyển hóa những tập khí của con… Con đã nắm được phương pháp nhưng chưa thực sự thành công trong việc chuyển hóa điều này, điều kia…” Người đó sẽ thưa với tăng thân những cái thấy của mình về bản thân.

Sau đó, mỗi người trong tăng thân sẽ lần lượt chia sẻ cái thấy của mình về người đó trong khi những người khác thực tập lắng nghe, kể cả người đang xin tăng thân soi sáng.

Chúng ta chỉ thực tập pháp môn này khi chúng ta sống với nhau ít nhất là ba tháng. Sự thực tập này sẽ có hiệu quả hơn khi chúng ta ở với nhau lâu dài. Đầu tiên, chúng ta tưới hoa cho người được nhận soi sáng. Chúng ta nói cho người đó biết về những điểm mạnh, những mặt tích cực và những đức tính tốt của người đó, giúp người đó phát huy những phẩm chất tốt đẹp trong mình. Sau đó, chúng ta nói đến những điểm yếu, những điểm cần chuyển hóa. Chúng ta luôn soi sáng với tình thương, tuệ giác và lòng từ bi. Nhờ sử dụng ái ngữ nên người nghe sẽ không bị tổn thương. Sau cùng, chúng ta đề nghị những phương pháp thực tập mà người đó có thể áp dụng để chuyển hóa tập khí của mình v.v… Những điểm ta đề nghị phải đến từ những kinh nghiệm của chính ta. Nếu chúng ta đã thực tập có kinh nghiệm, đã vượt qua những khó khăn, đã chuyển hóa được tập khí, chúng ta có thể đề nghị những cách thức rất cụ thể giúp người kia chuyển hóa dễ dàng. Những gì chúng ta nói phải gần với sự thật, giúp người đó nhìn lại tự thân rõ ràng hơn. Người đó có thể đón nhận và áp dụng những điều ta đề nghị để làm tăng tiến sự thực tập. Chúng ta không phê bình, chỉ trích mà chỉ nâng đỡ, chia sẻ cách thức thực tập của mình.

Điều quan trọng là phải có một người viết xuống tất cả những điều được chia sẻ trong buổi soi sáng. Một người khác sẽ lấy những ý đó và viết lại thành một bức thư soi sáng. Một lá thư soi sáng phải có ít nhất ba phần. Phần đầu thư soi sáng nói về những điểm tích cực, những điểm mạnh và những phẩm chất tốt đẹp của người được nhận soi sáng. Phần thứ hai của thư soi sáng là đề cập đến những điểm còn yếu kém. Phần thứ ba là những đề nghị thực tập cụ thể giúp người đó cải thiện sự tu học và phẩm chất của cuộc sống. Vì vậy, trong việc soi sáng có rất nhiều tình thương.

Lúc đầu, có thể chúng ta hơi miễn cưỡng. Chúng ta có một chút lo sợ khi có người nói về những điểm yếu của ta, chúng ta thấy không thoải mái, dễ chịu lắm. Nhưng ngay sau đó chúng ta sẽ thấy thích. Chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều và hiểu chính mình hơn sau mỗi buổi soi sáng.


Ngồi trong buổi soi sáng, chúng ta sẽ học được nhiều điều. Mỗi người đều có một cái nhìn riêng. Chúng ta kết hợp cái nhìn của mỗi người thành một cái nhìn chung và gọi đó là “tăng nhãn” (con mắt tăng). Con mắt tăng thì luôn sáng hơn bất kỳ con mắt cá nhân nào. Sử dụng con mắt cá nhân mình để nhìn, có thể chúng ta thấy không rõ ràng lắm. Nhưng nếu kết hợp lại những cái nhìn, những quán sát của ba mươi, bốn mươi, năm mươi người thì sẽ mang chúng ta lại gần sự thật hơn.



Lời Quán Niệm Đọc Trước Buổi Soi Sáng

“Khi nhìn anh (chị, em) tôi thấy anh là một dòng chảy mà không thấy một cái ngã riêng biệt để trách móc hay để khen ngợi. Nhìn vào anh tôi thấy tổ tiên, dòng họ, cha mẹ, đất nước và văn hóa của anh, những cái hay cái đẹp và những cái còn chưa được hay, chưa được đẹp. Anh là một biểu hiện nhiệm mầu, một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Tôi thấy tôi trân quý sự có mặt của anh. Và tôi cũng mong anh thấy tôi là một dòng chảy, không phải một cái ngã riêng biệt để trách móc, chê bai hay tán dương khen ngợi. Chúng ta được làm anh chị em của nhau trong tăng thân này, vì vậy tôi có anh trong tôi và anh có tôi trong anh. Chúng ta phải nâng đỡ nhau, khuyến khích nhau làm lớn những cái hay cái đẹp và chuyển hóa những cái chưa hay chưa đẹp. Nếu tôi có nói điều gì để giúp anh chuyển hóa, đó không phải là sự trách móc mà là một ước mong. Nhìn vào tôi, anh cũng thấy những cái vụng về, không toàn hảo nơi tôi và nếu anh có nói điều gì với tôi thì đó cũng không phải là sự chê bai hay trách móc mà chỉ là một ước mong cho tôi chuyển hóa. Anh chuyển hóa thì tôi có hạnh phúc thêm và tôi có chuyển hóa thì anh có hạnh phúc thêm. Chúng ta nâng đỡ nhau trên con đường thực tập. Chúng ta cần nhau. Tôi rất trân quý sự có mặt của anh trong tăng thân này.”

Viết Thư Cho Người Thương

Mỗi khi có khó khăn với ai đó, chúng ta nên để ra một ít thời gian để viết thư cho người đó. Chúng ta có thể viết thư cho người mà chúng ta gặp mỗi ngày hoặc viết thư cho người mà đã lâu chúng ta không gặp. Cả hai đều có hiệu quả tốt. Có nhiều người đã nhận thấy được lợi ích trong sự thực tập này khi viết thư cho một người thân đã qua đời. Làm công việc hòa giải là một sự hiến tặng tuyệt vời cho chính bản thân, cho người ta thương và cho cả tổ tiên ta. Chúng ta hòa giải với ba, mẹ trong ta và chúng ta có thể tìm ra một cách khéo léo để hòa giải với ba, mẹ trong gia đình ta. Sẽ không bao giờ quá trễ để mang lại bình an và trị liệu cho gia đình của mình.

Thực Tập

Chúng ta hãy để ra ít nhất là ba giờ đồng hồ để viết một lá thư với những lời ái ngữ. Trong khi viết, chúng ta hãy nhìn sâu vào bản chất thực của mối quan hệ giữa ta và người kia. Tại sao sự truyền thông lại trở nên khó khăn như vậy? Tại sao ta không thể hạnh phúc được? Chúng ta có thể tham khảo ví dụ sau đây:

Con trai thương!

Ba biết con đã đau khổ nhiều trong suốt những năm qua và ba đã không giúp gì được cho con. Trái lại, ba đã làm cho tình huống tệ hại hơn. Ba không có ý làm con khổ, con trai ạ. Có lẽ ba không đủ khéo léo. Ba đã áp đặt ý kiến của ba lên con và làm cho con khổ. Trước đây ba nghĩ là con làm cho ba khổ, rằng nỗi khổ của ba chính là do con gây nên. Nhưng bây giờ ba thấy rằng chính ba đã gây nên những nỗi khổ của mình và đã làm cho con khổ. Làm cha mẹ, không ai muốn làm con mình đau khổ cả. Con hãy giúp ba đi. Hãy nói cho ba biết những vụng về của ba từ trước đến nay, để ba sẽ không làm cho con khổ nữa bởi vì nếu con khổ thì ba cũng khổ. Ba cần con giúp đỡ, con thương yêu của ba. Mình phải là một cặp cha con hạnh phúc. Ba quyết tâm làm điều đó. Con nói cho ba biết những gì đang có trong lòng con đi. Ba hứa sẽ cố gắng hết sức để không nói, không làm những điều khiến cho con tổn thương nữa. Con cần phải giúp ba, nếu không, một mình ba không thể làm được. Trước đây, mỗi khi ba khổ, ba muốn trừng phạt con, ba đã nói, đã làm những điều khiến con khổ. Ba nghĩ như thế sẽ làm vơi đi nỗi khổ trong ba, nhưng ba đã lầm. Bây giờ đây, ba thấy bất cứ điều gì mà ba nói hoặc làm cho con khổ thì chính ba cũng khổ theo. Ba quyết tâm không lặp lại chuyện đó nữa. Con giúp ba được không?!

Chúng ta sẽ thấy rằng người vừa viết xong lá thư sẽ không còn là người khi mới bắt đầu viết thư nữa. Bình an, hiểu biết và từ bi đã chuyển hóa chúng ta. Chúng ta có thể thực hiện được một phép lạ trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ. Đó là sự thực tập nói lời ái ngữ.

Độc Cư

Bụt đã từng sống với hàng ngàn vị khất sĩ túc trực xung quanh. Bụt cũng đi, cũng ngồi, cũng ăn cơm với những vị nam và nữ khất sĩ khác nhưng Ngài luôn an trú trong sự tĩnh lặng. Trong kinh “Người biết sống một mình” Bụt đã dạy cho ta phương pháp sống một mình. Sống một mình không có nghĩa là không có ai chung quanh, mà nghĩa là an trú vững chãi trong giây phút hiện tại và có ý thức về những gì đang xảy ra trong giây phút ấy. Chúng ta sử dụng chánh niệm để ý thức về những cảm thọ, tri giác trong ta và ý thức về những gì đang xảy ra quanh ta. Chúng ta luôn có mặt cho chính mình và không đánh mất chính mình. Đó là định nghĩa của Bụt về sự thực tập hạnh độc cư lý tưởng: không kẹt vào quá khứ, không mơ tưởng tới tương lai và không bị lôi kéo bởi đám đông, luôn có mặt trọn vẹn, thân tâm hợp nhất và ý thức về những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nếu không có khả năng sống một mình thì càng ngày ta càng trở nên nghèo nàn hơn. Ta không đủ chất liệu để nuôi dưỡng chính mình cũng như không có gì để hiến tặng cho người khác. Vì thế học cách sống một mình rất quan trọng. Mỗi ngày chúng ta nên dành trọn vẹn một khoảng thời gian nào đó để sống một mình. Vì sống một mình, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn sâu và nuôi dưỡng chính mình hơn.

Độc cư không phải là ẩn cư một mình trên núi cao hoặc trong các am cốc trong rừng sâu. Cũng không phải là chạy trốn khỏi xã hội, chạy trốn khỏi các nền văn minh. Độc cư thật sự đến từ một trái tim vững chãi, không bị lôi kéo bởi đám đông, bởi những đau buồn trong quá khứ, bởi những lo lắng về tương lai hay những điều quá khích trong hiện tại. Độc cư là giữ vững chánh niệm để không đánh mất chính mình. Nương vào hơi thở chánh niệm, trở về giây phút hiện tại, đó chính là nương tựa vào hải đảo xinh đẹp và bình an trong mỗi chúng ta.

Độc cư không có nghĩa là ta không có khả năng sống một mình và nhìn sâu khi ta đang ở giữa một nhóm đông người. Ngược lại, dù đang ở nơi họp chợ, chúng ta cũng có thể sống một mình mà không bị lôi kéo bởi đám đông. Ta vẫn là chính ta, cho dù ta đang ở trong một nhóm hội thảo và đang có một cảm xúc tập thể xảy ra. Ta vẫn có thể an trú vững chãi nơi hải đảo tự thân của mình.

Thực Tập

Bước đầu tiên là ta ở một mình. Bước thứ hai là trở về với chính mình và sống trong sự độc cư, ngay cả khi ta đang ngồi với những người khác. Sống độc cư không có nghĩa là ta tách mình ra khỏi mọi người. Bởi vì tuy sống một mình nhưng sự thật là ta có thể hòa đồng vào tất cả mọi người, mọi loài. Tôi thấy mình tương quan với bạn vì tôi hoàn toàn là tôi. Rất đơn giản. Để thực sự thấy được sự liên hệ mật thiết giữa mình với thế giới xung quanh, việc đầu tiên là chúng ta phải trở về với chính mình để thấy sự liên hệ mật thiết trong chính tự thân.

Chúng ta có thể ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm và làm việc với người khác nhưng luôn nhớ quay về với hải đảo tự thân. Trân quý sự có mặt của nhau trong gia đình, bè bạn mà không bị lôi cuốn và đánh mất mình trong những dòng cảm xúc, tri giác của mọi người. Cộng đồng, tăng thân là nơi nâng đỡ mình. Khi thấy ai đó trong tăng thân hành xử với chánh niệm, nói năng bằng tình thương yêu, vui thích với công việc đang làm là người đó đang nhắc nhở ta quay về với nguồn chánh niệm trong ta và sống nếp sống độc cư.

Khi sống chung với mọi người hoặc với bạn bè quanh mình mà ta không bị đánh mất mình trong những giao tiếp với những người xung quanh thì cho dù đang sống giữa xã hội bận rộn đi nữa, ta cũng có thể thở, cười trong an lạc và an trú vững chãi nơi hải đảo tự thân của mình.

Im Lặng Hùng Tráng

Đó là sự im lặng xuất phát từ trái tim của chúng ta mà không phải là từ bên ngoài. Nếu chúng ta thực sự im lặng thì dù trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng có thể tận hưởng được sự im lặng. Im lặng không có nghĩa là không nói và không làm điều gì gây nên tiếng động mà nghĩa là chúng ta không có sự xáo động bên trong và không độc thoại một mình. Có những lúc ta nghĩ rằng ta đang im lặng và tất cả chung quanh ta cũng đều im lặng nhưng thực ra những câu chuyện vẫn đang tiếp diễn không ngừng trong đầu ta. Đó không phải là im lặng.

Thực tập im lặng hùng tráng không phải là im lặng trong những hoạt động bên ngoài mà là sự yên lặng trong nội tâm. Ngồi ăn với nhiều người trong tăng thân hoặc trong gia đình là một cơ hội để tận hưởng sự im lặng. Ngồi thiền và đi thiền là cơ hội để được im lặng, cũng như khi nghe pháp thoại, nghe một vị giáo thọ chia sẻ lời Bụt dạy cũng là cơ hội để thực tập im lặng. Khi chúng ta có sự yên lặng trong nội tâm thì sự tỉnh thức có thể thấm nhuận vào mảnh đất tâm của chúng ta.

Thực Tập

Trong những khóa tu ở các đạo tràng Mai Thôn, có một thời khóa thực tập im lặng hùng tráng được tuân thủ bắt đầu từ khi kết thúc buổi ngồi thiền tối cho đến sau buổi ăn sáng hôm sau. Hãy để sự yên lặng và tĩnh tại thấm vào xương thịt ta, cho năng lượng và chánh niệm của tăng thân đi vào thân tâm ta. Sau buổi ngồi thiền tối, chúng ta thong thả đi về chỗ nghỉ của mình. Ý thức từng bước chân mình đang bước. Thở sâu và thưởng thức sự yên tĩnh, tươi mát của không khí về đêm. Cho dù có một người nào đó đang đi bên cạnh, chúng ta cũng duy trì sự yên lặng của mình vì người này cũng cần sự yểm trợ của ta. Chúng ta cũng có thể ngồi lại một mình ngoài trời với cây cỏ, trăng sao, sau đó vào nhà, đi vệ sinh, thay áo quần và đi ngủ.

Chúng ta có thể nằm xuống, buông thư toàn thân cho đến khi đi vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, khi thức dậy, chúng ta đi lại trong chánh niệm, im lặng vào nhà tắm, cho mình có đủ thời gian để quay về với hơi thở và sau đó đi đến thiền đường ngay. Chúng ta không cần phải chờ ai. Khi thấy ai đó trên đường đi, chúng ta chỉ cần chắp tay xá chào, để cho người đó có cơ hội thưởng thức buổi sáng như ta đang thưởng thức.

Làm Biếng

Nhiều người trong chúng ta đã làm việc quá tải, chúng ta luôn đặt ra những kế hoạch dày đặc, ngay cả trẻ em cũng không có thì giờ để chơi, lúc nào cũng có một thời khóa biểu đầy kín. Chúng ta nghĩ rằng phải có việc làm và bận rộn với công việc mới tốt, nhưng bận rộn liên tục lại là một trong những nguyên nhân gây đau khổ cho chúng ta vì sự căng thẳng và trầm cảm do công việc gây nên. Chúng ta ép mình làm việc quá nhiều và bắt con cái chúng ta cũng phải như vậy. Đây không phải là một nếp sống văn minh và chúng ta cần phải thay đổi thực trạng này.

Ngày làm biếng là ngày mà chúng ta không có một thời khóa nào cả. Chúng ta để cho ngày này trải ra một cách tự nhiên, không hạn định. Chúng ta có thể đi thiền hành một mình hoặc với một người bạn, hoặc ngồi thiền trong rừng. Chúng ta có thể thanh thản đọc một vài trang sách hoặc viết thư cho gia đình, bè bạn.

Ngày làm biếng cũng có thể là một ngày cho chúng ta nhìn lại sự thực tập của mình một cách sâu sắc hơn, cũng như nhìn lại mối quan hệ của mình với những người chung quanh. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ những gì chúng ta đã, đang và sẽ thực tập. Chúng ta biết được những gì nên làm và những gì không nên làm để sự thực tập của chúng ta được hài hòa hơn. Đôi khi, chúng ta thúc ép mình quá nhiều trong sự thực tập, gây ra sự bất hòa trong bản thân và chung quanh ta. Vào ngày làm biếng, chúng ta có cơ hội để quân bình chính mình. Chúng ta có thể nhận ra những điều rất đơn giản như chúng ta cần nghỉ ngơi thêm hoặc chúng ta nên thực tập tinh tấn hơn. Ngày làm biếng là một ngày bình yên cho tất cả mọi người.

Thông thường, khi không có việc gì làm, chúng ta hay thấy buồn chán và có khuynh hướng đi tìm cái gì đó để làm hoặc để giải trí. Chúng ta rất sợ ngồi không mà không làm gì cả. Ngày làm biếng là để cho chúng ta rèn luyện tự thân, làm sao vẫn có thể an nhiên, hạnh phúc khi không có công việc. Nếu không, chúng ta không dám đối đầu với những căng thẳng, trầm cảm trong ta. Chỉ khi nào chúng ta buồn chán mà ý thức được là chúng ta đang đi tìm kiếm những hình thức giải trí để trốn chạy những cảm giác cô đơn, vô dụng trong ta thì lúc ấy những căng thẳng, trầm cảm trong ta mới bắt đầu tan biến. Chúng ta có thể tổ chức lại đời sống hàng ngày của mình để có cơ hội học hỏi cách sống an lạc, vui tươi và đầy tình yêu thương.

Thực Tập

Ngày làm biếng không phải là ngày để ta làm những gì ta thích. Hầu như ngày nào chúng ta cũng có quá nhiều công việc để làm cho mình và cho người khác. Thế nhưng, vào những ngày làm biếng, chúng ta phải từ chối công việc. Ngày làm biếng là ngày mà chúng ta không làm gì cả. Chúng ta có thói quen là phải luôn luôn làm một cái gì đó và điều đó đã trở thành một tập khí sâu dày trong ta. Vì vậy, ngày làm biếng là một phương pháp thực tập nghiêm túc để chuyển hóa tập khí này.

Vào ngày làm biếng, chúng ta nên cố gắng đừng làm gì cả. Chỉ chơi thôi. Điều này thật không đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta có thể học một cách sống mới. Nghĩ rằng không làm gì sẽ lãng phí thời gian là không đúng. Thời gian, trước hết là để cho chúng ta có mặt: để sống, để an lạc, để vui tươi và để thương yêu. Thế giới cần những người vui sống và thương yêu, cần những người có khả năng có mặt mà không làm gì cả. Nếu biết nghệ thuật sống an lạc, vững chãi thì chúng ta sẽ có nền tảng căn bản để thực hiện mọi hành động. Nền tảng của mọi hành động là có mặt và phẩm chất của sự có mặt sẽ quyết định phẩm chất công việc. “Hành” phải dựa trên “vô hành”. Chúng ta thường nói: “Làm gì đi chứ, sao lại ngồi không đó.” Bây giờ chúng ta phải nói ngược lại: “Đừng làm gì hết, hãy ngồi cho yên” để chúng ta thực sự có mặt, để an lạc, hiểu biết và thương yêu có mặt.

Nghe Pháp Thoại

Pháp là những lời dạy của Bụt. Nếu chúng ta tham dự một khóa tu ở một trung tâm tu học, hoặc tham dự chung với một nhóm hay một lớp học địa phương do một vị giáo thọ hướng dẫn, chúng ta sẽ có cơ hội được nghe pháp thoại.

Thực Tập

Chúng ta nên đến sớm trước buổi pháp thoại để có đủ thời gian tìm cho mình một chỗ ngồi ổn định và thiết lập thân tâm trong trạng thái an lạc. Chúng ta nên nghe pháp thoại với một trái tim rộng mở và một tâm hồn lắng yên cho giáo pháp thấm sâu vào mình. Nếu chúng ta chỉ nghe bằng trí năng, đem tâm so sánh, phán xét, phân biệt những gì ta đang nghe với những gì ta nghĩ là ta đã biết hoặc đã nghe ai nói qua thì chúng ta đánh mất cơ hội tiếp nhận những thông điệp mà người nói muốn trao truyền cho ta.

Pháp thoại giống như những cơn mưa thấm sâu vào tâm thức ta và tưới tẩm những hạt giống trí tuệ, từ bi sẵn có trong ta. Chúng ta hãy để pháp thoại đi vào mình một cách cởi mở như đất tiếp nhận những cơn mưa tươi mát của mùa xuân. Bài giảng có thể chỉ là điều kiện để cho cây hiểu biết và thương yêu của chúng ta được đơm hoa kết trái.

Vì sự kính pháp và tôn trọng người đang nói pháp, chúng ta nên ngồi nghiêm trang trên ghế hoặc trên bồ đoàn mà không nằm hoặc ngồi ngửa nghiêng. Nếu trong khi nghe pháp thoại thấy mỏi, chúng ta có thể thay đổi tư thế trong chánh niệm, thực tập thở sâu, nhẹ nhàng xoa bóp trong một hai phút để đưa nguồn không khí mới lên não và đến những bộ phận mệt mỏi của cơ thể.

Không được nói chuyện hoặc làm ồn trong khi nghe pháp thoại. Không được bỏ ra giữa buổi pháp thoại, nếu rất cần đi thì phải tránh làm động tâm người khác tới mức tối đa.

Pháp Đàm

Pháp đàm là cơ hội để chúng ta học hỏi tuệ giác, kinh nghiệm thực tập của người khác, và cũng là cơ hội để chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm, những niềm vui, những khó khăn, những vấn đề liên quan đến sự thực tập chánh niệm của mình. Trong khi một người chia sẻ thì những người khác thực tập lắng nghe sâu. Thực tập lắng nghe sâu trong khi người khác đang chia sẻ, chúng ta sẽ tạo được một bầu không khí yên tĩnh, gây nhiều cảm hứng cho người nói. Tập chia sẻ những hạnh phúc, khó khăn trong sự thực tập, chúng ta sẽ đóng góp vào tuệ giác và sự hiểu biết chung của tăng thân.

Thực Tập

Chúng ta chỉ chia sẻ dựa trên những kinh nghiệm thực tập của chính mình mà không chia sẻ lý thuyết hay những ý niệm trừu tượng. Chúng ta có thể chia sẻ cho nhau những khó khăn hay nguyện ước của mình. Ngồi lắng nghe và chia sẻ với nhau, chúng ta sẽ thấy được sự tương quan mật thiết giữa mình và mọi người. Mỗi người sẽ lần lượt chia sẻ. Trong khi người đó chia sẻ, những người khác theo dõi hơi thở, thực tập lắng nghe sâu mà không phán xét, không phản ứng và cũng không cắt ngang lời người đang chia sẻ hay đưa ra lời khuyên bảo.

Chúng ta nên nhớ rằng những điều được chia sẻ trong suốt buổi pháp đàm có thể là những bí mật riêng tư. Nếu có một người chia sẻ về những khó khăn mà người đó đang đối diện, chúng ta hãy tôn trọng người đó, rằng có thể người đó không muốn người khác bàn tán về những vấn đề riêng tư của mình sau buổi pháp đàm.

Pháp đàm trong bản môn

Ta nhìn nhau mỉm cười

Em và ta đâu khác

Nghe và nói không hai.

Xem Tiếp Chương 9 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post