Chương 11. Đời Sống Phạm Hạnh

Chương 11. Đời Sống Phạm Hạnh

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sám Pháp Địa Xúc

Phần 2. Hạnh Phúc Chân Thật





Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sám Pháp Địa Xúc' ê


Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, là người xuất gia, chúng con may mắn được thực tập sống đời sống phạm hạnh; giới luật và uy nghi bảo hộ cho chúng con, không để cho chúng con sa lầy trong vũng bùn tà dục.


Là người tại gia, chúng con không có may mắn được sống hăm bốn giờ một ngày trong môi trường thực tập miên mật của tăng thân xuất gia, chúng con biết chúng con phải thực tập giới thứ ba cho thật vững chãi và nhất quyết không để cho những hình ảnh và những âm thanh phi lễ tưới tẩm hạt giống tà dục nơi chúng con. Chúng con nguyện sử dụng thì giờ rỗi rảnh của chúng con để học hỏi giáo pháp, nghe kinh, tụng kinh, tham dự pháp đàm và tổ chức cho nhau tu học hoặc tham gia các công tác văn hóa và xã hội có công dụng giúp người và độ đời. Hễ có cơ hội là chúng con sẽ lên chùa tham dự các khóa tu, các thời pháp thoại và pháp đàm.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh




Chúng con nguyện sẽ tham dự đều đặn những ngày bố tát tụng giới. Và chúng con nguyện nuôi dưỡng tâm bồ đề trong chúng con càng ngày càng lớn, bởi vì chúng con biết rằng khi năng lượng hiểu biết và thương yêu đã hùng hậu chúng con sẽ không còn bị quân binh của tà dục lôi cuốn nữa.

Bạch đức Thế Tôn, là người xuất gia con biết rõ rằng lý tưởng của người xuất gia chỉ có thể thực hiện được với sự cắt bỏ hoàn toàn những ràng buộc đối với ái dục, cho nên con nguyện thực tập tất cả mọi giới điều và uy nghi trong giới bản để có thể tự bảo hộ cho con và bảo hộ cho kẻ khác. Con biết hành động dâm dục của con sẽ làm tan vỡ cuộc đời xuất gia của con và làm hại đến cuộc đời của kẻ khác và không cho con thực hiện được lý tưởng cứu độ chúng sinh của mình. Con nguyện không xem thường những uy nghi đã được chế tác ra để giúp con bảo vệ tự do, không bao giờ dám cho đó là những giới điều nhỏ nhặt. Con sẽ không dám tự cho là mình đã đủ tự tại, đã đủ hùng lực, và không cần đến sự thực tập những uy nghi mà Bụt đã chế tác. Con biết ái sẽ đưa đến dục, và hình tướng của ái rất vi tế, nếu con không tự bảo hộ bằng các uy nghi thì chất liệu của ái sẽ có cơ hội cắm rễ vào thân tâm con.

Con biết hạt giống của ái đang có mặt trong con và chỉ chờ được tưới tẩm để cắm rễ , đâm chồi và nẩy lộc. Một khi năng lượng ái nhiễm đã phát hiện, con sẽ mất bình an trong thân tâm, và ái nhiễm sẽ thiết lập những chướng ngại lớn trên con đường tu tập của con. Con nguyện không tìm cơ hội để có mặt một mình bên cạnh người khác phái mà con có cảm tình, để nói lên những câu nói hay làm những cử chỉ có thể tưới tẩm hạt giống ái nhiễm nơi con và nơi người ấy, dù người ấy là người xuất gia hay tại gia. Con biết cùng là đệ tử của đức Thế Tôn, chúng con phải xem nhau như anh em hay anh chị em trong một nhà, và tình huynh đệ có thể nuôi dưỡng và bảo hộ chúng con trên con đường thực tập và hoằng hóa. Chúng con xin hứa với đức Thế Tôn là trên phương diện tình cảm, chúng con sẽ không đi xa hơn tình huynh đệ, và giới luật uy nghi và sự bảo hộ giáo giới của các bạn đồng tu trong tứ chúng là những phương tiện thiết yếu để giúp chúng con xây dựng tình huynh đệ và ngăn ngừa chúng con không để chúng con đi vào đường ái nhiễm. Chúng con nguyện luôn luôn lắng nghe những lời cảnh sách và giáo giới của tăng thân, và mỗi khi được một phần tử của tăng thân nhắc nhở rằng chúng con đã bắt đầu có những triệu chứng vướng mắc tình cảm thì chúng con sẽ chắp tay tiếp nhận lời nhắc nhở mà không tìm cách minh oan, oán trách hoặc hờn giận người đã nhắc nhở mình.

Địa Xúc

Con xin thành kính lạy xuống ba lạy trước đức Thế Tôn và đức Tôn Giả luật sư Ưu Ba Ly. (C)

Năng Lượng Của Niềm Tin

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn, con có niềm tin lớn nơi Ngài, nơi giáo pháp của Ngài và nơi tăng đoàn của Ngài. Mỗi khi con đem giáo lý của đức Thế Tôn áp dụng vào đời sống, con thấy có sự lắng dịu và chuyển hóa. Con thấy năng lực của niệm, của định và của tuệ tăng tiến nơi con, giúp cho con vượt thoát bế tắc và sầu khổ. Do đó con biết rằng niềm tin của con được xây dựng trên kinh nghiệm sống của chính con chứ không phải trên một lời hứa hẹn. Con biết đức tin nơi con là một năng lượng sáng suốt chứ không phải một niềm mê tín. Càng học hỏi và thực tập theo giáo pháp của đức Thế Tôn, con thấy niềm tin ấy càng vững chãi hơn mỗi ngày. Năng lượng của niềm Tin đem đến cho con nhiều hạnh phúc. Đức Thế Tôn đã từng dạy làm thân con lừa hay con lạc đã phải chuyên chở nặng chưa hẳn đã là khổ; ngu si không biết hướng đi, đó mới thật là khổ. Con đã có niềm tin, đã có hướng đi, con không cần phải hoang mang lo sợ, đó là hạnh phúc lớn của con. Con thấy ngoài kia có rất nhiều người đang khổ đau, đang tàn phá thân tâm của họ, chỉ vì họ chưa có một niềm tin, một con đường.

Bạch đức Thế Tôn, có năng lượng của niềm Tin, con xin phát nguyện tu tập và hành động để mỗi ngày có thể đi tới một cách dũng mãnh trên con đường chuyển hóa và độ đời. Con nguyện thực tập chánh tinh tấn. Những hạt giống tiêu cực trong tâm thức con như hạt giống của đam mê, của bạo động, của hận thù... con nguyền không tưới tẩm chúng bằng cách tiếp xúc và tiêu thụ những gì có công năng tưới tẩm. Con không muốn để cho những hạt giống đam mê, hận thù và bạo động ấy có cơ hội được tưới tẩm, phát hiện và lớn mạnh thêm. Con xin tu tập phép như lý tác ý, chỉ lưu ý tới những ý tưởng, hình ảnh và âm thanh có thể tưới tẩm những hạt giống trong lành nơi con mà thôi. Nếu lỡ những hạt giống tiêu cực được tưới tẩm và phát hiện thành tâm hành, con sẽ tìm đủ cách để những tâm hành ấy trở về dưới chiều sâu tâm thức dưới hình thức hạt giống của chúng. Con biết là nếu chúng được thường xuyên phát hiện thì chúng sẽ lớn lên rất mau chóng, còn nếu chúng được nằm yên lâu ngày dưới đáy sâu tâm thức thì chúng sẽ yếu dần đi. Nghe lời đức Thế Tôn con sẽ thực tập như lý tác ý để đưa những tâm hành trong sáng đẹp đẽ trở về và để cho những tâm hành bất thiện được thay thế.

Bằng sự học hỏi, trì tụng, bằng cách thân cận các bậc thiện tri thức, con giúp cho những tâm hành trong sáng và đẹp đẽ trong con được phát hiện thường xuyên, và con sẽ tìm mọi cách để cho những tâm hành này ở lại lâu dài trong tâm ý, bởi vì con biết nếu những tâm hành tích cực như từ, bi, hỷ, xả được phát hiện và duy trì, chúng sẽ có cơ hội lớn lên và thực hiện được nhiều chuyển hóa, đem tới cho con và cho những người xung quanh rất nhiều hạnh phúc. Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã dạy chúng con cách thức chế tác ra năm nguồn năng lượng là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Năng lượng của niềm tin đưa tới năng lượng của sự tinh chuyên, và theo đó các năng lượng niệm, định và tuệ sẽ được chế tác và làm lớn thêm niềm tin. Con xin lạy xuống trước đức Thế Tôn và các vị thánh tăng để phát nguyện mỗi ngày sẽ thực tập để chế tác và làm hùng hậu thêm những nguồn năng lượng quý giá ấy.

Địa Xúc

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nam mô Tôn Giả Đại Trí Xá Lợi Phất (C)

Nam mô Tôn Giả Đại Biện Tài Phú Lâu Na (C)

Học Để Chuyển Hóa Phiền Não

Khải Bạch

Bạch đức Thế Tôn chúng con là những người ham học, nhưng nhiều khi chỉ lo học để tìm danh kiếm lợi, mong đạt tới những địa vị trong xã hội chứ không phải để khai thông tâm trí và tìm kiếm những pháp môn tu tập có thể chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tự thân và ngoài xã hội. Có những người trong chúng con chỉ học vì bằng cấp, có những người chỉ học để có khả năng đàm thuyết và tự chứng tỏ mình là người học rộng biết nhiều. Chúng con đã từng thấy nhiều vị nói thao thao bất tuyệt về những giáo lý thậm thâm trong kinh điển, về những hệ phái tư tưởng trong Phật giáo, về vô ngã, vô thường, từ bi, giải thoát, nhưng những vị này vẫn sống trong cố chấp, trong giận hờn, trong tự hào, trong ganh tỵ, không có khả năng lắng nghe và sử dụng ái ngữ, không có khả năng chuyển hóa những phiền não trong tự tâm và lại còn gây ra nhiều khổ đau cho kẻ khác. Bạch đức Thế Tôn con không muốn học như họ. Con muốn nghe lời Thế Tôn, học giáo lý của Ngài chỉ vì mục đích là thực hiện giải thoát, chuyển hóa phiền não, và chế tác hiểu biết và thương yêu, như Ngài đã dạy trong nhiều kinh văn. Trong kinh Người Bắt Rắn, Ngài đã dạy rằng không nên học giáo lý với chủ ý tranh luận hơn thua mà phải học với mục đích tu tập giải thoát. Con nguyện mỗi khi học hỏi kinh điển, nhất là các kinh luận đại thừa, con sẽ luôn luôn đặt câu hỏi: Những giáo lý thậm thâm trong này có liên hệ gì tới những khổ đau đang có mặt trong con và trong cuộc đời không? Con phải học như thế nào để có thể đem áp dụng những lời dạy trong này vào sự thực tập chuyển hóa các phiền não và khó khăn trong hiện tại?

Địa Xúc

Con xin lạy xuống ba lạy trước các vị Tôn Giả Tu Bồ Đề, A Nan Đà và La Hàu La (C)

Xem Tiếp Chương 12 – Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post